Triết học giáo dục

Ảnh hưởng sâu đậm của Rousseau

CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC (BÀI 22)

ẢNH HƯỞNG SÂU ĐẬM CỦA ROUSSEAU

BÙI VĂN NAM SƠN

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

  1. Hai luận văn của Rousseau: Khai minh về khai minh
  2. J. J. Rousseau: Tự do, giao mà không mất?
  3. Rousseau: Copernicus trong giáo dục
  4. Rousseau: Giáo dục "tự nhiên" là gì?
  5. Émile: Triết lý giáo dục theo lứa tuổi
  6. Giáo dục phòng vệ: 5 đến 12 tuổi
  7. Rousseau và “tuổi của lý trí” (từ 12 đến 15)
  8. “Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn…”
  9. Ảnh hưởng sâu đậm của Rousseau
  10. Giáo dục “tự nhiên”: ưu và khuyết

 

Rất ít người có ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài lên việc tổ chức, phương pháp và nội dung của giáo dục như Rousseau. Mặc dù vai trò lịch sử của ông là phê phán nền giáo dục cổ truyền, và nhiều chủ trương trong triết học giáo dục "tự nhiên" của ông được đời sau chỉnh sửa hoặc bác bỏ, nhưng không ít những nguyên lý lớn trong nền giáo dục hiện đại thừa hưởng di sản tư tưởng của ông.

Triết gia Jean-Jacques Rousseau (1712-1778). Ảnh: Roger-Viollet/Rex Features. Nguồn: theguardian.com

 

Ngày nay, nếu nền giáo dục nào cũng chấp nhận rằng trẻ em cần được đối xử như là trẻ em, điều đó là nhờ công của Rousseau. Khi ta nói đến việc thống nhất tri và hành, kết hợp trí dục, thể dục và đức dục, ta không thể quên ông. Ông cũng là người nhấn mạnh đặc biệt đến giáo dục con tim bên cạnh khối óc và bàn tay. Sự phê phán mạnh mẽ như bão táp của ông buộc mọi người phải ra sức biện hộ cho hệ thống giáo dục hiện hành, và, khi họ thấy không thể duy trì hiện trạng, ít ra cũng có những nỗ lực cải tiến. Có thể nói, Rousseau đã mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong giáo dục. Trước khi có những nhận định về ưu, khuyết điểm của triết học giáo dục "duy nhiên", ta cần nhìn nhận ảnh hưởng to lớn của Rousseau trên các lãnh vực sau đây.

GIÁO DỤC NHỮNG MỐI QUAN TÂM TỰ NHIÊN

Rousseau cho rằng giáo dục là tiến trình tự nhiên, chứ không phải là cố gắng giả tạo. Nó là sự phát triển từ bên trong, không phải từ bên ngoài. Nó hình thành từ hoạt động của những bản năng và mối quan tâm tự nhiên, chứ không phải từ việc phản ứng trước sức mạnh bên ngoài. Giáo dục là sự triển khai những năng lực tự nhiên hơn là thu hoạch và tích lũy thông tin. Với Rousseau, giáo dục là bản thân đời sống, chứ không phải là sự chuẩn bị cho trạng thái tương lai xa vời với cuộc sống thực của đứa trẻ. Vui học đồng thời là vui sống!

Trước đây, giáo dục nhằm "cải tạo" bản tính của đứa trẻ, bằng cách cưỡng bách nó tuân theo cách nghĩ, cách làm truyền thống, kể cả cách cảm xúc. Thay cho phản ứng "tự nhiên" là những phản ứng giả tạo được phát triển thông qua vô vàn thế hệ đi trước. Xúc cảm của con người bị cho là xấu, nên phải làm cho trái tim ta tách rời với những đối tượng của ham muốn tự nhiên. Xúc cảm của con người bị xem là không đáng tin cậy, nên không thể dùng làm nền tảng cho tri thức hay đào tạo. Bản năng và xu hướng tự nhiên luôn hướng đến cái xấu, nên phải "khắc kỷ phục lễ", phải kiềm chế nếu không thể tận diệt chúng!

Trong xã hội cổ truyền, những mối quan tâm tự nhiên cần được "uốn nắn" trong mọi tiến trình giáo dục. Một hoạt động có giá trị giáo dục là khi nó khó thực hiện và trái với lòng ham thích tự nhiên!

Vì quan niệm như thế, nên bước đầu tiên trong giáo dục là bẻ gãy ý chí của đứa trẻ, vốn đại diện cho bản tính xấu. Tiếp theo tất nhiên là phải khuôn đúc đứa trẻ vào những cung cách ứng xử "vừa mắt" của người lớn, cho dù chỉ là giả tạo, che dấu những động cơ ngược với biểu hiện bên ngoài: "đứa trẻ được xem là người lớn thu nhỏ, không có giá trị và quyền hạn gì hết, cho đến khi nó bắt chước được cung cách của người lớn".

Trước Rousseau, trẻ em bị nhìn từ ống nhòm... lộn ngược! Ăn, nói, đi, đứng như người lớn. Học cùng những môn như người lón, đến với chúng từ cùng một lối nhìn lôgíc. Điển hình là nhồi nhét bằng trí nhớ. Mục đích là biết sử dụng những môn học ấy trong đời sống xã hội cũng được tổ chức một cách giả tạo.

Ta thấy mọi "bài bản" về sau của Rousseau chỉ toàn là việc áp dụng cụ thể những gì ông phản đối nền giáo dục cổ truyền. "Chỉ cần làm ngược lại những gì đang làm, tức là làm đúng!". Khẩu hiệu của Rousseau công phá mãnh liệt thành trì của giáo dục Tây phương có từ thời Phục Hưng. Sách của ông (cả hai quyển: Khế ước xã hội và Émile) đều bị tịch thu và cấm lưu hành, tác giả của chúng bị truy nã là... phải!

GIÁO DỤC LÀ TIẾN TRÌNH?

Như đã nói, Rousseau hiểu tiến trình là cái gì kéo dài suốt đời, ít ra từ khi mới sinh cho đến lúc trưởng thành. Giáo dục tìm thấy ý nghĩa của nó trong từng giai đoạn, nghĩa là trong bản thân tiến trình, chứ không phải trong tương lai: "Ta phải nghĩ gì về nền giáo dục dã man, hy sinh hiện tại cho tương lai không chắc chắn, tròng vào cổ trẻ em đủ loại xích xiềng, làm cho chúng thảm hại để gọi là nhìn xa trông rộng, chuẩn bị cho chúng một thứ hạnh phúc mơ hồ nào đó mà có lẽ chúng sẽ chẳng bao giờ được hưởng?".

Do đó, với Rousseau, giáo dục sẽ không còn là việc làm nặng nề, khó nhọc, dưới bàn tay gia công quá mức cần thiết của người thầy. Để cho những sức mạnh tự nhiên đi con đường của chúng, tiến trình này sẽ trở nên vui thú, hợp tình hợp lý, cân đối, hài hòa. Mục tiêu đã đạt được, không phải nơi cuộc sống của người lớn, mà trong từng ngày!

NHÀ TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC TIỀN PHONG

Trong học thuyết của Rousseau, người ta tìm thấy nền tảng cho nền giáo dục Tây phương suốt thế kỷ 19 và 20. Ông là nhà tiên tri về sự sụp đổ của cái cũ và dự báo, tuy còn mơ hồ, cái mới đang đến. Rất nhiều nhà giáo dục đi theo chân ông, dù có ý thức hay không, cho đến khi thấy mở ra trước mắt những đại lộ thênh thang. Với quan niệm giáo dục như là tiến trình, Rousseau truyền cảm hứng cho những nhà cải cách, trở thành người tiền phong cho tâm lý học giáo dục và sư phạm học. Khi xem chất liệu giáo dục chủ yếu phải là những sự kiện và hiện tượng trong tự nhiên, ông góp phần tăng cường xu hướng khoa học trong giáo dục hiện đại. Hầu như ai cũng đồng thanh nhận định rằng mọi nỗ lực cải cách giáo dục của Humboldt, Dewey, Pestalozzi, Herbart, Froebel... đều bắt nguồn từ Rousseau.

Sau cùng, giáo dục nơi Rousseau cũng chuẩn bị cho cá nhân sống trong xã hội. Rousseau mở đường cho các trào lưu xã hội học trong giáo dục. Bên trong cá nhân luận của ông hàm chứa ý tưởng về giáo dục xã hội theo kiểu mới. Xem nghề nghiệp là bộ phận cấu thành của giáo dục, ông đề xướng "thực học", vượt khỏi khuôn khổ giáo dục từ chương quý tộc. Nhấn mạnh tình cảm và đạo đức, ông bổ sung cho phương diện trí tuệ, ngăn ngừa xu hướng thực dụng thô thiển và cảnh báo nguy cơ của một nền khoa học công nghệ thiếu lương tâm và hủy diệt môi trường sống.

Ảnh hưởng sâu đậm của Rousseau không thể hiện ngay lập tức trong nhà trường. Émile không phải là đề án giáo dục theo nghĩa hẹp, mà là một thử nghiệm tư duy, một suy tưởng triết học. Nó lại gắn liền với một học thuyết chính trị (Khế ước xã hội) có nhiều hệ quả gây tranh cãi. Ta sẽ không quên tính chất phức tạp ấy khi đi vào nhận định ưu, khuyết điểm của triết học giáo dục "duy nhiên".

 


Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 10, 27.03.2014. Phiên bản điện tử do tác giả Bùi Văn Nam Sơn gửi cho triethoc.edu.vn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt