Triết học nhân học

Lucien Lévy Bruhl: Nhà tư tưởng lớn (1857-1939)

 

LUCIEN LÉVY BRUHL:

NHÀ TƯ TƯỞNG LỚN (1857-1939)[1]

 

NGUYỄN VĂN HUYÊN (1905-1975)

 


Nguyễn Văn Huyên. Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam. (Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh – tập 1). Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 633-47.


 

Lucien Lévy Bruhl đã tạ thế ngày 13 tháng 3 vừa rồi tại nhà riêng, số 7 phố Lincoln, thành phố Pais. Sự “ra đi” của ông là một cái tang rất đau đớn đối với nền tư tưởng Pháp. Và trên thế giới, người ta đều cảm nhận nó như một cái tang thực sự của loài người. Triết học của ông, hành động xã hội của ông, đã vượt ra ngoài biên giới nước Pháp, như tất cả những gì mang tính chất Pháp sâu sắc. Những ai đã có vinh dự như chúng tôi được tiếp cận ông, được tiếp nhận sự thông thái và lòng nhân hậu của ông, đều cảm thấy một sự trống trải to lớn biết chừng nào đúng vào lúc thế giới văn minh đang hỗn loạn và gần sát đến chỗ tan vỡ này đang rất cần đến những con người như ông đã trọn đời đấu tranh cho một tư tưởng độc đáo và hào hiệp, và cũng là cho tiến bộ xã hội nữa.

Lucien Lévy Bruhl ra đời ở Pais ngày 10 tháng Tư năm 1857. Cuộc đời của ông phong phú đến diệu kỳ. Ông đã theo học ở trường trung học Charlemagne. Ông vào trường cao đẳng sư phạm năm 1876, nghĩa là sau ngày sụp đổ của Đế chế và Hòa ước Francfort chẳng bao lâu. Một lớp thanh niên mới đã ra đời và từ bấy giờ đã lãnh lấy trách nhiệm và mang tham vọng thực hiện sự thống nhất quốc gia toàn vẹn và đưa đất nước tiến lên theo tư tưởng dân chủ vừa mới được cách tân qua thử thách của các cuộc vận động chính trị và xã hội trong ba phần tư thế kỷ XIX. Bộ phận ưu tú của lớp thanh niên này được lãnh đạo bởi những danh nhân bất tử như Fustel de Coulange, Boutroux, v.v…

Lucien Lévy Bruhl (1857-1939)

Ở trường Cao đảng Sư phạm, Lévy Bruhl có những bạn bè cùng khóa như Gustave Lanson và Salomon Reinach, ở khóa kề sau như Camille Jullian, Rebelliau, Thamin, ở khóa thứ ba như Jean Jaures và Henri Bergson.

Ông phải lựa chọn giữa triết học hay là lịch sử. Giữa Fustel và Boutroux, sự chọn lựa thật gay go! Hơn nữa, Lévy Bruhl ngày nhập trường đã nổi tiếng xuất sắc – bài dịch tiếng Latinh của ông đã xếp ông siêu hạng trong kỳ thi – khiến Fustel de Coulange chú ý và đã hỏi thẳng ông có muốn vào học ban Sử không. Do dự ít lâu, theo sở thích của ông, ông lựa chọn khoa Triết học. Boutroux vừa mới đến trường Sư phạm. Bài giảng của ông về triết học Kant đã thật sự khuấy động cả lớp thanh niên tuấn tú ấy.

Đỗ bằng thạc sĩ triết học năm 1879, Lévy Bruhl được bổ làm giáo sư triết học ở trường trung học Poitiers, nơi ông công tác trong hai năm. Sau đó, ông được cử đến Amiens và cũng công tác ở đây hay năm nữa. Sau đó, ông được điều về trường Louis le Grand, thay thế Burdeau vừa trúng cử nghị sĩ dân biểu.

Cũng như mọi sinh viên Trường cao đẳng sư phạm biết tự trọng, ngay sau ngày ra trường, ông đã chọn cho mình một luận đề để dự thi bằng tiến sĩ. Ông ở lại Pais để có thể dễ dàng làm việc và hàng ngày vẫn phải đến Amiens lên lớp giảng dạy. Năm 1883, ông đã được thông qua luận văn của ông về Ý niệm trách nhiệm. Đó là một tác phẩm sáng ngời, viết theo tinh thần truyền thống cổ điển thuần túy. Thế nhưng qua tác phẩm này, chưa có gì biểu lộ ông là một sử gia triết học hoạc là một nhà xã hội học cả.

Quả vậy, sự nghiệp khoa học của ông đã đi theo một đường cong rất kỳ lạ, và, xét đến cùng, nó đã làm phong phú thêm tư tưởng của loài người dưới nhiều góc độ khác nhau. Khi ông đến Paris, theo yêu cầu của ngài Boutmy, người sáng lập và hiệu trưởng Trường Khoa học chính trị, ông đã giảng một giáo trình về sự tiến hóa của ý thức dân tộc Đức.Từ giáo trình này, ông đã hình thành một kiệt tác nhỏ: L’Allemagne depuis Leibniz (Nước Đức từ Leibniz) vào năm 1890; kiệt tác này ngày nay không thể tìm thấy ở đâu nữa.

Rồi đến năm 1894, ông cho ra mắt cuốn La philosophie de Jacobi (Triết học Jacobi); tác phẩm này cho đến nay, bên cạnh các tác phẩm của Boutroux, của Delbos, của Brehier, vẫn còn là một trong những mẫu mực đẹp nhất của phong cách viết lịch sử triết học của Pháp. Vì vậy, sang năm sau,1895, ông được mời về Trường Cao đẳng Sư phạm thay chân ông George Lyon và giảng dạy lịch sử triết học cho năm thứ hai. Ông chọn chủ đề giáo trình là triết học Auguste Comte. Phải chăng để tỏ lòng kính trọng nhà triết học ấy đã qua đời vào năm 1857, đúng năm Lévy Bruhl chào đời? Dẫu sao, sự lựa chọn của ông đã ít nhiều gây chao đảo cho các giáo sư và sinh viên thời đó. Bởi vì đây là lần đầu tiên ở Pháp một giáo trình được dành hẳn cho việc nghiên cứu triết học Auguste Comte.

Tại đây, ông có những học trò như Etienne Burnet, tác giả lừng danh của cuốn Porte du Sauveur (Cái cửa của Đấng Cứu thế) và Paul Leon, cựu giám đốc Học viện Mỹ thuật, giáo sư Học viện Pháp quốc; Paul Mantous, một trong số những người vận động thành lập Hội Quốc liên; Felicien Challaye, nổi tiếng toàn cầu với cuốn Japon illustre (Nhật Bản có minh họa) và về hành động xã hội của ông: Julien Luchairie, người đã tổ chức ra Viện Quốc tế về hợp tác của trí thức,v.v.

Các tác phẩm của Auguste Comte đã để lại trong Lévy Bruhl một dấu ấn sâu sắc. Ông đã đi xa hơn tác phẩm Ý niệm trách nhiệm của mình. Đấy là một bước ngoặt có rất nhiều hậu quả đối với sự tiến triển tư duy của ông. Ông thấy ham thích một nền triết học gắn liền với lịch sử các khoa học và với những điều kiện mới của nghiên cứu khoa học. Năm 1900, ông cho ra mắt cuốn Philosophie d’Auguste Comte (Triết học Auguste Comte), và, gần như cùng lưc đó, ông cho công bố Lettres Inedites de John Stuart Mill à A. Comte Precedees d’une introduction et suivies des reponses de Comte (Những bức thư chưa hề đăng của John Stuart Mill gửi cho Auguste Comte; vào đầu tác phẩm có một bài dẫn nhập và cuốn sách có những thư trả lời của Comte). Cũng thời kỳ này, ở Chicago xuất hiện cuốn Histoire de la philosophie moderne en France (Lịch sử triết học hiện đại ở Pháp) của ông.

Sau đó, năm 1902 đánh dấu một thời điểm quan trọng trong sự nghiệp của Lucien Lévy Bruhl, cũng như trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Năm ấy ông xuất bản quyển sách nhan đề La morale et la science des moeurs (Đạo đức và khoa học về các phong tục) có một tiếng vang cực kỳ sâu rộng. Theo ông, đạo đức lý thuyết chỉ làm cái việc phối hợp các thực tiễn đạo đức của một xã hội nhất định. Bằng bút pháp thiên tài, ông đã tách cái thiết thực (le positif) ra khỏi cái chuẩn tắc(le normatif), điều mà cho đến thời ông, người ta vẫn lẫn lộn. Vậy là có một khoa học về các sự kiện xã hội cần phải phân biệt với môn đạo đức lý thuyết. Phong tục thường thay đổi tùy từng nước và từng thời kỳ. “Một xã hội sống động không thỏa mãn với một nền đạo đức tùy tiện. Đạo đức của nó là bộ phận khăng khít của toàn bộ các hiện tượng liên đới giữa chúng với nhau đã tạo thành nền đạo đức ấy. Người ta chỉ có thể cho nó nền đạo đức mà nó đã có; và nếu tình cờ, người ta đề nghị với nó một nền đạo đức khác, thì nó sẽ không chấp nhận.” Vậy là, tương ứng với một kiểu xã hội nhất định là một nền đạo đức nhất định, và nền đạo đức này biến đổi tùy theo những tín ngưỡng, những tư tưởng và những thiết chế của xã hội nhất định. Từ đấy suy ra rằng có một hiện thực đạo đức cũng như có một thế giới vật lý. Bởi vậy, đạo đức lý thuyết phải rút lui trước khoa học của các sự kiện đạo đức.

“Thế nhưng có phải do vậy mà chúng ta đi đến chỗ dửng dưng bất động và bàng quan trước sự tiến hóa xã hội, không có cách gì tác động đến nó cũng như đến sự vận hành của các hành tinh? Chỉ cần lời đáp bình thường đối với sự tái hiện của “chủ nghĩa ngụy biện lười biếng” ấy. Khi chúng ta đã hiểu rằng các hiện tượng tự nhiên đều phục tùng các định luật ấy thì chúng ta có thể tiến hành chắc chắn việc cải tạo, biến đổi các hiện tượng ấy nếu chúng ta có khả năng can thiệp. Một nghệ thuật duy lý do đó có thể thay thế những thực hành ít nhiều kinh nghiệm chủ nghĩa và hão huyền. Trong trường hợp mà chúng ta quan tâm, liệu chúng ta có thể nghi ngờ rằng, nếu chúng ta có được một sự hiểu biết khoa học về xã hội của chúng ta, nghĩa là, một mặt, các định luật tác động lên các quan hệ giữa các hiện tượng trong những chuỗi khác nhau và giữa các chuỗi với nhau, và, mặt khác, những điều kiện trước đó mà tình trạng hiện tại của mỗi chuỗi hiện tượng là kết quả, nói gọn lại, nếu chúng ta nắm chắc các định luật tĩnh và động, thì liệu chúng ta có thể nghi ngời rằng khoa học đó không giúp được chúng ta giải quyết phần lớn các xung đột về ý thức, và, bằng phương pháp vừa kinh tế hơn hữu hiệu hơn, tác động lên hiện thực xã hội trong đó chúng ta đang sống?

“Vì vậy, nếu nghệ thuật đạo đức duy lý không mang lại cho chúng ta “một đạo đức”, nếu nó không dạy cho chúng ta biết đầu là “điều chí thiện”, nếu không giải quyết được “vấn đề đạo đức” thì cũng không vì thế mà nó không hưa hẹn những hậu quả quan trọng, bởi vì, nờ có nó, hiện thực đạo đức có thể được cải thiện, trong những giới hạn không thể xác định trước”.

Với tác phẩm Đạo đức và khoa học về các phong tục, Lucien Lévy Bruhl dễ dàng chiếm được vị trí hàng đầu trong nền tư tưởng hiện đại. Ông đã dấy lên cả một trào lưu tư tưởng và đã khêu gợi nên nhiều công trình. Đặc biệt ông đã tạo ra cho ngành nghiên cứu xã hội học đạo đức một cái đà mạnh mẽ, để lại một dấu ấn độc đáo trong nền tư tưởng hiện đại trong vòng bốn chục năm qua.

Trong lúc vấn đề đạo đức ấy đang giày vò ông thì ông lại nhận được từ tay Edouard Chavannes – nhà Trung Quốc học nổi tiếng lúc bấy giờ đang ở Bắc Kinh – bản dịch của ông này dịch ba quyển sách của nhà sử học Trung Quốc lừng danh Tư Mã Thiên. “Do hiếu kỳ, Lévy Bruhl nói, tôi đã muốn đọc các bản sách dịch đó. Tôi biết rõ rằng bản dịch là không chê vào đâu được và sẽ cho tôi một cách hết sức trung thành tư tưởng của nguyên bản. Thế nhưng tôi đã mất công đọc đi đọc lại mà vẫn không thể nào phát hiện được cái tư tưởng của tác giả kiên kết với nhau như thế nào. Và tôi đi đến chỗ tự hỏi mình liệu lô- gic của chúng ta hay không? Trong trường hợp có sự khác biệt thực sự, tôi cho là có thể có được một lợi ích triết học cơ bản nếu xác định được sự khác biệt đó, phân tích nó và tìm ra những nguyên nhân. Muốn nắm được cái mà tôi đang tìm tòi trong tâm thức của người Trung Quốc, có lẽ điều trước tiên là tôi phải nắm chắc được ngôn ngữ?... Thứ tâm thức mà tôi đang nghiên cứu càng xa lạ với tâm thức của người phương Tây bao nhiêu thì tôi càng ít có thể tin tưởng vào những bản dịch bấy nhiêu… Các nước Assyrie, Ai Cập, Ấn Độ cũng gây cho tôi những khó khăn giống như Trung Quốc. Nhưng tôi lại không thể quay sang phía các xã hội gọi là nguyên thủy ư? Tôi thấy ở đấy hai cái lợi quan trọng. Trước hết là những tư liệu về các xã hội ấy tôi sẽ có thể trực tiếp sử dụng được… Và mặt khác, khá nhiều những vấn đề lịch sử khó có thể coi thường về các nền văn minh Ai Cập, Á châu lục địa hoặc Viễn Đông sẽ không được đặt ra với các xã hội bản địa châu Mỹ, châu Phi và các châu khác, hàng bao thế kỷ đã sống gần như hoặc hoàn toàn cách biệt với nền văn minh tiên tiến hơn. Tất nhiên, nếu có một thứ lôgic khác biệt với lôgic của chúng ta, thì đấy là chỗ tôi có nhiều cơ may nhất để phát hiện ra nó và có nhiều thuận lợi hơn để phân tích nó.”

Chính trong những điều kiện như vậy, Lévy Bruhl đã viết một kiệt tác: Les fonctions mentales dans les societes inferieures (Những chức năng tinh thần trong những xã hội hạ đẳng), La Mentalite’ primitive (Tâm thức nguyên thủy), L’Ame primitive (Linh hồn ngyên thủy), Le surnaturel et la nature dans la mentalite primitive (Cái siêu nhiên và cái tự nhiên trong tâm thức của người nguyên thủy), La Mythologie primitive (Thần thoại nguyên thủy), L’Experience mystique et les symboles chez les primitifs (Kinh nghiệm thần bí và những biểu tượng ở những người nguyên thủy). Toàn bộ tác phẩm của ông tạo thành một khoa xã hội khác biệt với trường phái Durkheim. Chúng đã ảnh hưởng rất lớn đến trào lưu triết học hiện đại.

Đối với các nhà triết học, cho đến Lévy Bruhl, đã có sự nhất trí rằng tâm thức thức con người chỉ có một hình thái duy nhất, rằng con người hoang dã cũng lý luận giống như tuy kém hơn người văn minh. Trường phái nhân học Anh – chủ nghĩa vật linh – về vấn đề người nguyeuen thủy, không hé ra cho chúng ta thấy một thứ tâm lý mới nào khác với tâm lý con người đang thịnh hành. Đối với họ, lý trí đâu đâu cũng chỉ là một. Và đây là chỗ Lévy Bruhl tìm cách chứng minh rằng tâm thức của người nguyên thủy khác với tâm thức của chúng ta. Trong phiên họp đáng ghi nhớ ngày 15 tháng Hai năm 1923 ở Hội Triết học Phápông đã bày tỏ rằng: “Tôi đã chịu ơn rất nhiều các nhà lý luận vật linh giáo, và tôi sung sướng bày tỏ lòng biết ơn của tôn về những gì họ đã dạy cho tôi. Nhưng con đường tôi đang theo không phải là con đường của họ. Trước hết, theo gương của Durkheim và của trường phái xã hội học Pháp, tôi đã gắn bó với việc nghiên cứu những biểu tượng tập thể, còn các nhà nhân học Anh, ít ra là đa số, đã không từ bỏ quan điểm về tâm lý cá nhân. Thế nhưng, khi họ miêu tả các phong tục,các tín ngưỡng, các thể chế hiện hành trong xã hội nguyên thủy, họ coi như một điều đã được thỏa thuận là những chức năng tinh thần khắp nơi đều như nhau, và rằng nếu chúng ta ở vào vị trí của những người nguyên thủy, với tâm trí của chúng ta vẫn như hiện nay, chúng ta cũng sẽ tư duy và hành động như họ. Thế mà tôi lại xuất phát từ giả thiết trái ngược. Tôi thừa nhận rằng, muốn tư duy và hành động như họ để cho xã hội của họ dựa trên những thiết chế mà chúng ta nhận thấy ở đó, thì tâm trí của họ phải không bị định hướng theo như tâm trí của chúng ta, nội dung và khuôn khổ kinh nghiệm của họ không hoàn toàn trùng hợp với nội dung và khuôn khổ kinh nghiệm của chúng ta, và vì vậy, chúng ta phải nỗ lực rất lớn để thâm nhập được cách tư duy và cảm xúc của họ”

Xuất phát từ quan điểm ấy, suốt trong bốn chục năm, Lucien Lévy Bruhl, với tài năng hiếm có của ông, đã lao vào việc tìm tòi phát hiện ra cái tâm lý chưa ai biết đến ấy. Từ việc phân tích một cách kiên nhẫn cả một khối sự kiện đồ sộ, qua sự sàng lọc của một phương pháp khoa học, ông đã nêu ra được một vài định luật cơ bản trong số đó, định luật quan trọng nhất, và cũng tốn nhiều giấy mực nhất là định luật về sự tham gia (participation).

Người nguyên thủy không nhận thức, cũng không cảm giác như người Tây phương, Họ hỗn hợp những gì mà người phương Tây tách biệt. Họ không có khả năng phân biệt được cái sống động với cái vô tri, hình ảnh với nguyên mẫu, cái bóng của vật thể với vật thể, cái mộng với cái thực. “Theo người nguyên thủy, hình bóng không phải là sự sao chụp của nguyên mẫu khác biệt với nó. Hình bóng chính là cái nguyên mẫu. Sự giống nhau không phải là một sự so sánh do tư duy con người nắm bắt được. Căn cứ vào một sự tham gia gắn bó chặt chẽ, hình ảnh là đồng nhất với cái cá thể. Hình ảnh của tôi, cái bóng của tôi, ảnh phản chiếu của tôi, âm vang của tôi, v.v…, đấy đích thực là tôi. Ai nắm được hình ảnh của tôi là nắm được đích thân tôi trong tay họ. Từ đó mà có phép “yểm” phổ biến”.

Trong tâm thức của người nguyên thủy, thế giới hữu hình và thế giới vô hình chỉ là một. Vì vậy, sự trao đổi qua lại giữa cái mà chúng ta gọi là hiện thực cảm nhận được với những sức mạnh thần bí là thường xuyên. Nhưng có lẽ không ở đâu sự giao cảm ấy diễn ra tức thời và trọn vẹn bằng trong chiêm bao, vì trong mơ, người ta qua lại từ thế giới này sang thế giới khác mà không ý thức được điều đó. Cách hiểu thường tình về giấc mơ của những người nguyên thủy là như vậy. Linh hồn thoát khỏi thể xác trong chốc lát. Đôi khi linh hồn bây đi rất xa. Nó trò chuyện với linh hồn những người đã chết. Khi tỉnh giấc, linh hồn trở về nhập vào xác. Giấc mộng cũng đảm nhận trách nhiệm của nó. “Ở vùng người Kai, nếu một người nằm mơ thấy mình phạm lỗi với người vợ của bạn anh ta, anh ta cũng có thể bị trừng phạt. Trong trường hợp việc mộng mơ ấy bị người khác biết được thì anh ta phải nộp một khoản tiền phạt, hay ít ra cũng bị một trận thóa mạ kịch liệt.”

Từ đó đi đến kết luận, theo Lévy Bruhl, rằng chúng ta đứng trước một hoạt động tinh thần khác với hoạt động tinh thần của chúng ta. Trong lúc hoạt động của chúng ta là lý tính và cá thể, hợp lôgic và kinh qua thử nghiệm, thì hoạt động tinh thần của họ là thần bí và tập thể, tiền lôgic và không thể thực nghiệm được.

Tâm thức của các xã hội hạ đẳng hẳn là không bí hiểm đến nỗi như là nó tuân theo một thứ lôgic khác với lôgic của chúng ta, nhưng đối với chúng ta nó cũng không hoàn toàn là dễ hiểu. Chúng ta đành phải nghĩ rằng nó tuyệt nhiên không phải chỉ tuân theo các định luật của lôgic chúng ta và có lẽ cũng không chỉ tuân theo các quy luật mang bản chất lôgic. Lévy Bruhl viết: “ Gọi tâm thức ấy là tiền lôgic, tôi chỉ muốn nói rằng trước hết nó không tự buộc phải tránh mâu thuẫn như cách tư duy của chúng ta. Trước hết, nó tuân theo định luật về sự tham gia. Được định hướng như vậy, nó không vô cớ thích thú với mâu thuẫn (điều làm cho nó thường xuyên phi lý đối với chúng ta). Nhưng nó cũng không nghĩ đến việc tránh mâu thuẫn. Thường nó tỏ ra bàng quan, không quan tâm đến mâu thuẫn.”

Trong Hội Triết học Pháp, Lucien Lévy Bruhl đã có dịp bày tỏ quan niệm về tâm thức nguyên thủy đã tiến triển trong suy nghĩ của ông như thế nào qua thử nghiệm các sự kiện đã được nghiên cứu: “Tôi càng tiến lên thì các giả thiết ban đầu xuất phát của tôi càng thay đổi sâu sắc. Ý niệm về một lôgic của chúng ta, trong tư tưởng của tôi, đã nhường chỗ cho ý niệm về một tâm thức tiền lôgic- từ nay tôi buộc phải dùng đến vì không có một từ nào khác chính xác hơn – nghĩa là nó sẽ không phản lôgic (nó sẽ rất khó hiểu đối với chúng ta), cũng không phải phi lôgic (nó đích thị sẽ là sự lẫn lộn), nhưng trong trường hợp nào đó, nó dửng dưng với mâu thuẫn, bởi vì nó là thần bí, và nó tuân thủ vừa quy luật tham gia, vừa nguyên lý mâu thuẫn”.

Cách phân tích tâm thức nguyên thủy như vậy có những hệ quả cực kỳ phong phú. Bó phá vỡ tất cả nhừng gì mà tư duy cổ điển cho đến nay vẫn cho là bất biến. Nó mở ra những khả năng rộng rãi cho sự tiến bộ của tư tưởng con người. Bởi vì, sự nghiệp đồ sộ của Lévy Bruhl đã làm nẩy sinh ý niệm – và đây là chiến quả cơ bản – về một sự tiến triển của trí tuệ và tâm thức con người. Và ngày nay vẫn còn vậy, chẳng hạn đối với người phương Tây, tâm thức tiền lôgic đang thường xuyên đấu tranh với tâm thức lôgic. Khắp nơi, người ta thừa nhận một cách tư duy và hành động ở các xã hội nguyên khai khác với cách của phương Tây. Nhờ sự cống hiến của Lucien Lévy Bruhl, đứng trước những xã hội đến chậm với nền văn minh Tây phương, người ta quan niệm rõ một nền đạo đức không phải là ánh phản chiếu của nền đạo đức Địa Trung Hải.

Nhờ cống hiến của ông, người ta có thể chứng kiến một sự đổi mới vủa nền văn học thuộc địa. Những trang sách đầy ý vị và đẹp đẽ biết bao trong tác phẩm của ông đã thức tỉnh bao nhiêu đầu óc và đã cuốn hút bao nhiêu trí tò mò hương về tâm thức nguyên thủy và thần bí ấy! Phục vụ cho các quan chức cai trị tương lai Đế quốc thuộc địa, Viện Đại học Paris đã lập viện Dân tộc học mà Lévy Bruhl là một trong số những người tiên phong quan trọng nhất. tại viện này, họ có chuẩn bị hành trang để đi vào tìm hiểu các xã hội mà họ sẽ đến sống ở đấy và hướng dẫn các xã hội ấy đi theo con đường giao cảm đầy thông minh và sáng tạo. Nhờ sự đóng góp của Lévy Bruhl mà những nhà cai trị trẻ tuổi lên đường với ý nghĩ là trí tuệ con người, lý trí con người không thể chí một lần mà xác định xong, chúng sẽ thay đổi khi con người tiếp xúc với kinh nghiệm. Từ đó người ta có thể tưởng tượng sự nghiệp khai hóa của nước Pháp giàu tiến bộ và nhân đạo biết bao.

Mặt khác, nhờ có sự phát hiện ấy về tư duy, người ta có thể quan niệm đối với con người sự thực hiện một tiến bộ vô biên trong lĩnh vực đạo đức, dựa trên cơ sở các phong tục và các thể chế. Về mặt này, Lucien Lévy Bruhl phải được xếp vào hàng các nhà sáng tạo vĩ đại của thời đại chúng ta.

Thế nhưng, nhà tư tưởng lớn này còn có một danh hiệu vinh quang khác nữa làm cho ông ta thành bất tử. Không những ông đã đưa đến cho nền triết học hiện đại một cách tư duy rất độc đáo và mạnh dạn, mà suốt đời ông, ông còn biết đem lòng nhân ái sẵn có của mình, thái độ tận tụy, nhiệt tình không mệt mỏi của mình phụng sự cho loài người, không phân biệt màu da, dân tộc. Khi theo đuổi sự nghiệp sáng tạo trí tuệ ấy, cho đến những ngày cuối cùng của đời mình, ông đã tỏ rõ cho thế giới biết thái độ vô tư và tinh thần gắn bó của ông với mọi sự hào hiệp. Tôi ít gặp được những tâm hồn giản dị hơn và tự nhiên hơn là ở ông. Tôi nhìn thấy ông với nét mặt luôn luôn mơ màng và đăm chiêu, cặp mắt long lanh đầy thông minh và nhạy cảm. Ông quan tâm đến mọi việc và mọi người. Ông cũng đã sống vì lý tưởng công bằng xã hội.Ông cho rằng điều kiện nhân sinh phải được cải thiện ngay từ hôm nay và phải được biến đổi với thời gian. Ông chẳng bao giờ làm “chính trị” cả, thế mà hành động xã hội của ông thuộc loại hữu ích nhất. Tư tưởng dân chủ trong sáng và hào hiệp của ông có thể thấy rõ, đặc biệt ở tiểu phẩm đầy xúc động mà ông đã dành viết về Jean Jaures mà ông yêu mến và kính trọng bao nhiêu và ông đã thấy Jaures mất đi một cách đau đớn ngay trước ngày diễn ra sự biểu dương rộng rãi sự thống nhất của ý thức Pháp. Trong bài viết, ông đã dẫn ra những lời nói thấm đượm ưu tư của J.Jaures vào năm 1916, những lời nói đến nay vẫn đầy tính thời sự nóng hổi: “Khi người ta nghĩ rằng đối với con người, nỗi đau đớn cá nhân là một điều tuyệt đối… và rằng do một sự gia tăng gay cấn và phiền muộn, nhiều người đã đau khổ và chết mà không hề thấy được nỗi đau và cái chết của họ có thể phục vụ cho cái gì… không thể có một tiến bộ xã hội nào có thể hoàn toàn xoa dịu tất cả những nỗi đau đã là cái giá phải trả cho tiến bộ đó…”. Và dưới nữa, tiếng kêu đau thương: “Biết bao nhiêu kiếp người đã bị nghiền nát mà không phát lên được một tia sáng nổi loạn. Giống như những hòn sỏi bị nghiền nát trên đường đi mà tia lửa nhỏ do chúng phát ra cũng bị dập tắt ngay dưới trục lăn của cỗ máy nặng nề.”

Lévy Bruhl chia sẻ với Jaures và các bạn hữu của ông lý tưởng đạt tới niềm vui cao cả là dẫn dắt được tất cả mọi người đến tình nhân loại phong phú trọn vẹn nhất. Nói về tư tưởng của Jaures, ông viết: “Cuộc sống có tính người đầy đủ nhất là như thế nào? Thoát khỏi đói nghèo và mọi đau khổ do nó gây ra chấm dứt được nỗi lo âu thường nhật muốn biết liệu ngày mai bản thân ta và những người thân thích của ta sẽ có cái để ăn, để mặc, để sưởi ấm, có thể được ngủ dưới một mái nhà, hay không; đấy chỉ mới là cơ sở vật chất của cuộc sống ấy mà thôi. Vấn đề thiết yếu của nó là phần tinh thần sự giao lưu mật thiết với những gì đẹp đẽ nhất mà các thế kỷ trước đã sáng tạo ra; sự tham gia vào nỗ lực của tư duy con người để có thể hiểu được thế giới bằng khoa học và triết học; sự đồng cảm với nguyên lý bí hiểm của các sự vật bằng cách chiêm ngưỡng thiên nhiên; cuối cùng là tình cảm đoàn kết nhân loại, tước bỏ các hận thù chủng tộc, giai cấp dân tộc và tôn giáo.

“Tại sao cuộc sống cao cấp lại chỉ dành riêng cho một số người, còn đám quần chúng bị tước đoạt lại bị đẩy ra ngoài?... Làm sao người ta có thể an hưởng những kiệt tác trong sáng nhất mà không chút ân hận? – những bản nhạc bộ tư (quatuor) của Beethoven chẳng hạn – chừng nào chúng còn là một thứ sở hữu quý tộc không cho phép hàng triệu con người bao quanh những thính giả có diễm phúc ấy được quyền hưởng thụ? Tầng lớp ưu tú có bổn phận phải nâng những người khác lên ngang mình.

Lý tưởng của chúng ta là làm cho toàn thể loài người trở thành ưu tú… Nhưng có thể nào toàn bộ nhân loại trở thành ưu tú được chăng? Đối với đa số mênh mông con người, phải chăng sự tầm thường, với mọi ý nghĩa của nó, lại nằm ngay trong bản chất của sự vật. J.Jaures không tin như vậy. Ông không nhắm mắt trước những hèn kém và những tật xấu tự nhiên của con người. Ông biết rõ tất cả những gì mà chứng ích kỷ - nguồn gốc của mọi điều ác trong mỗi chúng ta – có thể gây ra. Thế nhưng, theo ông, sự tiến hóa đã dẫn nhân loại lên đến điểm mà chúng ta đang thấy, có thể nâng nhân loại lên cao hơn nữa. Người ta có thể làm cho tính ích kỷ dần dần bớt tệ hại hơn, bớt tác quái hơn nếu các thể chế không còn gây ra cuộc đấu tranh, hận thù và nghèo khổ nữa.

“Mong sao loài người chuyển được từ tình trạng cạnh trạnh bạo tàn và xung đột sang trạng thái hợp tác với nhau, mong sao mọi năng lượng trên đời này đã bị tiêu phí nhiều cho những cuộc đấu tranh vô bổ và man rợ, hãy phối hợp lại trong một hành động chung cao cả, đấy là cứu cánh cao nhất mà loài người có thể tự đặt ra cho mình…”

Những trang sách như thế, những tư tưởng như thế sẽ mãi mãi tôn vinh Lucien Lévy Bruhl. Thời đại chúng ta, vốn đã không tránh khỏi những thấp hèn và tội ác, và hiện đang còn chuẩn bị cho những cuộc chém giết mới, phải ngẫm nghĩ về sự nghiệp và cuộc đời phong phú và hào hiệp này. Vậy thì đến bao giờ nhân loại mới đạt đến chỗ khôn ngoan quay về với những chiến quả trí tuệ vĩ đại ấy, quay về với lý tưởng của con người về sự tiến bộ xã hội?

Nhưng than ôi! Lucien Lévy Bruhl, vào lúc xế tà của đời mình, đã phải buồn lòng nhìn thấy thế giới càng ngày càng sa lầy dần. Đấy là cuộc tấn công của Nhật Bản mà ông đã khâm phục, đánh Trung Quốc – nước mà ông yêu mến bao nhiêu, rồi lần lượt, ở châu Âu, sự thực hiện kế hoạc Anschluss, việc tách nước Ý ra khỏi trục la-tinh, việc chiếm đóng các vùng đất Sudetes; rồi chỉ ít hôm trước ngày ông tạ thế, sự báo hiệu tan biến sắp đến nơi của nước Tiệp Khắc. Điều mà tôi tiếc nhất đối với bộ óc thiên tài và nhân hậu ấy là trước khi ông vĩnh biệt chúng ta, ông đã đau khổ nhiều khi nhìn thấy tan biến dần tất cả những lý tưởng của một châu Âu đã được nhân văn hóa bởi những tiến bộ khoa học và tư tưởng. Tháng Giêng vừa rồi, ông còn viết cho tôi: “Tôi đang ốm đã từ vài tháng nay, những cơn rối loạn tuần hoàn vốn có từ lâu, đã khá làm phiền tôi. May sao tôi đã được chăm sóc chu đáo, và giờ đây tôi cảm thấy khỏe hơn”… Ông viết thêm” “Tôi đã có thể trở lại bắt đầu làm việc, đó là dấu hiệu tốt”. Và về tình hình chung của châu Âu, ông viết một câu ngắn gọn và ảo não này:”Người ta chưa tìm được gì hơn để giúp vượt qua những thời điểm khó khăn này.”

 

[1] Bulettin Général de l’Instruction Publique, số 10, tháng 6-8, 1939, tr. 346-353.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt