Chủ nghĩa Marx

Thư Marx gửi Ruge - tháng Năm 1843

THƯ MARX GỬI RUGE

Tháng Năm 1843

 


Karl Marx. “Những bức thư trong Deutsch-Französische Jahrbücher” in trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 1. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. Phiên bản điện tử: http://www.dangcongsan.vn

Bản dịch tiếng pháp: http://www.karlmarx.fr/marx-correspondance-ruge.php

Bản dịch tiếng Anh: https://www.marxists.org/archive/marx/works/1843/letters/43_05.htm


 

M. gửi R.2

 

Khuên, tháng Năm 1843

Bức thư của bạn, hỡi bạn thân mến của tôi, là một khúc bi ca rất hay, một điệu kèn đưa ma làm não nuột lòng người; song trong đó tuyệt nhiên không có gì là chính trị cả. Không có dân tộc nào lại rơi vào tuyệt vọng, và dù cho chỉ vì ngu xuẩn mà trong một thời gian dài nó đặt hy vọng vào một cái gì đó, nhưng rồi đến một lúc, sau nhiều năm tháng, nó sẽ đột nhiên trở nên tinh khôn và sẽ thực hiện những ước vọng tốt đẹp của mình.

Tuy vậy, bạn cũng làm cho tôi buồn lây, đề tài của bạn chưa khai thác hết, tôi muốn thêm vào đó phần kết, và khi tất cả đã hoàn thành thì bạn hãy chìa tay cho tôi để làm lại tất cả từ đầu. Chúng ta hãy để người chết mai táng và khóc than tử thi của họ. Mà đáng thèm khát là cái số phận được làm những người đầu tiên trong số những người bước vào cuộc sống mới với nguồn sinh lực mới. Mong rằng đó cũng là số phận chúng ta.

Thế giới cũ thuộc về kẻ phi-li-xtanh - đúng là như thế. Song không nên xem kẻ phi-li-xtanh như con ngáo ộp mà người ta phải quay mặt đi vì khiếp sợ. Trái lại, ta phải nhìn hắn cho kỹ. Ông chủ này của thế giới đáng được nghiên cứu đấy.

Dĩ nhiên, kẻ phi-li-xtanh là ông chủ thế giới chỉ với cái nghĩa là những kẻ phi-li-xtanh, xã hội của chúng, tràn ngập thế giới tựa như xác chết lúc nhúc ròi bọ. Vì vậy, xã hội phi-li-xtanh chỉ cần có nô lệ, còn những kẻ sở hữu các nô lệ ấy thì không cần đến tự do. Mặc dù với tư cách là kẻ sở hữu ruộng đất và người, chúng được người ta gọi là những ông chủ, vì coi chúng ưu việt hơn tất cả những kẻ còn lại, nhưng chúng vẫn cứ là những kẻ phi-li-xtanh hệt như lũ nô bộc của chúng.

Người - đó là những sinh vật biết tư duy; những con người tự do - đó là những người cộng hòa. Kẻ tiểu tư sản không muốn là cái này, cũng không muốn là cái kia. Thế thì nó có thể là cái gì và nó có thể muốn gì?

Cái mà kẻ tiểu tư sản muốn - sống và sinh sôi nảy nở (vì như Gơ-tơ nói, không ai làm hơn thế được) - cũng là cái mà súc vật muốn; nhiều lắm thì một chính khách Đức nào đó sẽ còn bổ sung: nhưng con người biết nó muốn cái đó, còn người Đức, theo người  ta nói, thì chín chắn đến nỗi không còn muốn gì nữa.

Chỉ còn phải thức tỉnh trong tâm can những kẻ này cái cảm giác về nhân phẩm của mình, về sự tự do. Chỉ có cảm giác này, - cảm giác đã cùng với người Hy Lạp từ bỏ cõi trần, còn với đạo Cơ Đốc thì hòa tan vào trong đám mây mù hư ảo của cái vương quốc trên thiên giới, - mới có thể lại làm cho xã hội trở thành một liên minh của những con người thống nhất vì những mục đích cao cả của mình, làm cho nó trở thành một nhà nước dân chủ.

Những người không cảm thấy mình là người thì sẽ trở thành sở hữu không thể tách rời của những ông chủ của họ, giống như lứa nô lệ hay lứa ngựa mới sinh. Những ông chủ cha truyền con nối - đó là mục đích của toàn thể xã hội này. Thế giới này thuộc về bọn chúng. Chúng nhìn nhận thế giới này như nó hiện có và như nó tự cảm thấy. Chúng tự thấy mình như thế nào thì nhìn nhận bản thân đúng như thế ấy, và cưỡi lên cổ những con vật chính trị không biết đến nhiệm vụ nào khác ngoài việc làm "những thần dân trung thành, bao giờ cũng sẵn sàng phục vụ” cho chủ của chúng.

Thế giới phi-li-xtanh - đó là thế giới những con vật chính trị, và một khi chúng ta phải thừa nhận sự tồn tại của nó thì chúng ta chả còn gì hết ngoài việc chỉ giản đơn tính đến cái status quo[1] này mà thôi. Những thế kỷ của thời kỳ dã man đã sản sinh và hình thành nên cái trật tự ấy, và giờ đây nó đứng trước mặt chúng ta dưới dạng một hệ thống nhất quán mà nguyên tắc là: thế giới làm mất tính người. Cái thế giới phi-li-xtanh hoàn chỉnh nhất - nước Đức chúng ta - dĩ nhiên đã  phải tụt lại xa đằng sau cuộc cách mạng Pháp, cuộc cách mạng đã hồi phục lại con người; và một A-ri-xtốt người Đức muốn viết trước tác "Chính trị" của mình xuất phát từ trật tự Đức, thì người đó sẽ viết lên trang đầu rằng: "Con người là một con vật, mặc dù là một con vật xã hội nhưng hoàn toàn phi chính trị", và người đó sẽ không thể định nghĩa nhà nước hay hơn ngài Txơp-phlơ, tác giả cuốn "Pháp quyền nhà nước lập hiến Đức". Theo định nghĩa của tác giả này thì nhà nước là một "liên gia" mà, - chúng ta tự ý bổ sung, - theo quyền sở hữu thừa kế thì thuộc về một gia đình cao nhất mệnh danh là triều đại. Cái gia đình này càng đông đúc thì con người càng hạnh phúc, nhà nước càng to lớn, triều đại càng hùng mạnh, và bởi thế trong nước Phổ chuyên chế mẫu mực này, đẻ đứa con trai thứ bảy thì bố mẹ được hưởng 50 đồng ta-le đế chế.

Người Đức là những nhà hiện thực chín chắn đến nỗi là tất cả những mong ước và những ý nghĩ cao thượng nhất của họ cũng không vượt ra ngoài giới hạn cuộc sống nghèo nàn của họ. Cái hiện thực này - và không có gì hơn nữa - được những kẻ thống trị trên đầu dân Đức tính đến. Các ông chủ này cũng là những nhà hiện thực, họ rất xa cách với bất kỳ một tư duy nào và với bất kỳ một sự cao cả nào của con người; họ là những sĩ quan bình thường và những nhà quý tộc ở vùng hẻo lánh, nhưng họ không sai lầm, họ đúng: và với tư cách này của họ, họ hoàn toàn thích hợp với việc sử dụng giới động vật này và thống trị chúng; thống trị và sử dụng, ở đây cũng như mọi nơi, là những khái niệm đồng nhất. Còn khi họ được vái lạy, khi họ lướt nhìn trên đầu những sinh vật không có đầu óc này lúc nhúc dưới chân họ, thì có thể nảy ra trong đầu óc họ ý nghĩ gì ngoài cái ý nghĩ mà Na-pô-lê-ông đã nói ra ở Bê-rê-di-na? Người ta nói là Na-pô-lê-ông chỉ cho người hầu cận thấy đám đông đang chết đuối dưới sông Bê-rê-di-na và kêu lên rằng: Voyez ces crapauds![2] Câu chuyện về Na-pô-lê-ông này chắc chắn là chuyện bịa, nhưng tuy vậy nó vẫn nói lên một thực trạng của sự vật. Nguyên tắc duy nhất của chủ nghĩa chuyên chế là khinh miệt con người, là con người bị làm mất nhân tính, và nguyên tắc này tốt hơn nhiều nguyên tắc khác về phương diện là nó đồng thời cũng là sự thật. Kẻ độc tài bao giờ cũng thấy con người thấp hèn. Họ chìm ngập dưới mắt y, chìm ngập vì y trong vũng bùn của cuộc sống hàng ngày, và tựa như những con ếch, lại thường xuyên ngoi lên từ vũng bùn ấy. Nếu như cách nhìn như vậy nảy sinh ở ngay những người có khả năng làm những việc lớn, - như Na-pô-lê-ông trước lúc điên rồ dựng ra triều đại của mình, - thì một ông vua hết sức tầm thường làm thế nào có thể trở thành một người duy tâm trong tình huống hiện thực đó ?

Nguyên tắc của chế độ chuyên chế nói chung là con  người bị mất nhân tính, bị khinh miệt, đáng khinh miệt; và Mông-te-xki-ơ đã hoàn toàn sai lầm khi ông công bố danh dự là nguyên tắc của chế độ quân chủ. ông cố thoát khỏi khó khăn bằng cách phân biệt chế độ quân chủ, chế độ chuyên chế và chế độ bạo ngược; nhưng tất cả những cái đó chỉ là những danh từ dùng để chỉ cùng một khái niệm, và giỏi lắm thì cũng chỉ ra những điểm khác biệt về tập quán thuộc cùng một nguyên tắc. Ở đâu mà nguyên tắc quân chủ nắm được đa số, thì ở đấy con người là thiểu số, còn ở đâu mà nguyên tắc quân chủ không gây một sự hoài nghi nào cả thì ở đấy tuyệt nhiên không có con người. Tại sao một chủ thể như vua Phổ, chưa từng có dịp thấy rõ là vai trò của y đã trở nên có vấn đề, - tại sao y lại không chỉ một mực làm theo sở thích hay thay đổi của mình? Và nếu y cứ làm như thế thì kết quả ra sao? Những ý đồ mâu thuẫn ư? Cũng chẳng sao! Có nghĩa là chúng cũng chẳng đi tới đâu cả. Những mưu toan bất lực ư? Nhưng chúng vẫn còn là cái duy nhất tồn tại trong hiện thực chính trị. Những hoàn cảnh đáng xấu hổ và ngượng ngùng ư? Chỉ có một điều đáng xấu hổ và ngượng ngùng, đó là thoái vị. Chừng nào sở thích hay thay đổi còn có hiệu lực thì chừng ấy sở thích vẫn đúng. Sở thích ấy dầu có hay thay đổi, vô nghĩa và đáng khinh đến như thế nào chăng nữa thì nó cũng còn dùng được để cai trị đám dân không bao giờ biết một đạo luật nào khác ngoài sự tùy tiện của các ông vua của mình. Tôi không nói rằng một chế độ vô nghĩa và việc mất lòng kính trọng trong nội bộ nhà nước và bên ngoài nhà nước không để lại hậu quả gì, - tôi không đảm nhận bảo hộ cho con tàu của bọn ngốc; nhưng tôi khẳng định rằng: vua Phổ vẫn sẽ là con người của thời đại mình chừng nào thế giới đảo điên còn tồn tại trong thực tế.

Bạn biết không, tôi hết sức quan tâm đến con người ấy. Ngay lúc y còn nắm trong tay tờ "Berliner politisches Wochenblatt", tôi đã đánh giá y và vai trò y theo đúng giá trị của nó. Đến khi y được tấn phong ở Khuê-ních-xbéc thì y đã chứng thực cho lời giả định của tôi là giờ đây, vấn đề đã trở thành một vấn đề thuần túy cá nhân. Khi chịu lễ tấn phong, y tuyên bố rằng trái tim y và tâm hồn y là đạo luật nhà nước cơ bản sau này của lãnh địa thế tập của y, tức là của nước Phổ, của nhà nước của y; và thật vậy, ở nước Phổ, nhà vua là cả một chế độ. Ở đấy nhà vua là con người chính trị duy nhất. Bằng cách này hay bằng cách khác, con người của y tự nó quyết định chế độ. Cái mà y làm, hoặc cái mà người ta buộc y làm, cái mà u nghĩ hoặc cái mà người ta rỉ vào tai y - đó là cái mà nhà nước ở Phổ suy nghĩ và làm. Vì vậy, cần phải thật sự thừa nhận công lao của nhà vua hiện giờ là y đã công bố điều đó thẳng thắn đến thế.

Người ta chỉ lầm lẫn một thời gian nào đấy về phương diện là đã coi trọng việc nhà vua có những mong muốn gì và những ý nghĩ gì. Điều  đó đã hoàn toàn không thể làm thay đổi tình hình: kẻ phi-li-xtanh là chất liệu của chế độ quân chủ, còn quốc vương thì chỉ là vua của bọn phi-li-xtanh: y không thể làm cho bản thân y cũng như thần dân của y trở thành những con người tự do, những con người chân chính, khi mà cả hai bên vẫn còn là những kẻ như hiện nay.

Nhà vua Phổ đã mưu toan thay đổi chế độ bằng cách dùng cái lý thuyết mà cha y chưa hề biết tới. Số phận của mưu toan này đã rõ ràng. Nó đã bị phá sản hoàn toàn. Rất dễ hiểu là tại sao. Một khi chúng ta đã tụt xuống tới mức thế giới của những con vật chính trị thì không còn có thể có một sự phản ứng sâu sắc hơn nữa, và mọi sự vận động tiến lên chỉ có thể là: cái nền tảng của thế giới này sẽ bị bỏ lại đằng sau và bước quá độ lên thế giới dân chủ của con người sẽ được thực hiện.

Ông vua già[3] không muốn điều gì quá lố, y là một kẻ phi-li-xtanh và không hề tham vọng có tư tưởng sắc bén. Y biết rằng nhà nước của những kẻ tôi tớ, cũng như việc nắm được nhà nước này, chỉ cần đến một cuộc sống yên tĩnh, tầm thường. Ông vua trẻ, linh lợi và hoạt bát hơn, đánh giá cao hơn nhiều sức mạnh vạn năng của quốc vương mà theo người ta nói thì chỉ có trái tim và khối óc y hạn chế y được thôi. Nhà nước chai sạn cũ của bọn bầy tôi và nô lệ đã làm y ghê tởm. Y muốn hồi sinh nhà nước đó và làm cho nó ngấm đầy những ý nghĩ, những tình cảm và những ước vọng của y. Và trong cái nhà nước của mình, y đã có thể đòi hỏi điều đó - nếu như điều đó có thể thực hiện được. Do vậy mà có những lời lẽ kiểu phái tự do và những câu thống thiết chân tình của y. Từ lúc đó, theo y nói, thì không phải các đạo luật chết, mà là trái tim sôi nổi tràn trề tình cảm của nhà vua, sẽ trị vì tất cả mọi thần dân của y. Y muốn làm cho mọi con tim và khối óc hoạt động vì những mong ước chân thành và những kế hoạch ấp ủ từ lâu của mình. Điều đó đã gây được một phong trào nào đó; nhưng những trái tim còn lại đã đập theo một nhịp khác với trái tim của nhà vua, và những kẻ bị y thống trị đã không thể hé miệng mà không nói ngay đến sự thủ tiêu ách thống trị cũ. Những người duy tâm, mong ước táo bạo là làm cho con người trở thành người, đã bắt đầu lên tiếng, và trong khi nhà vua tưởng tượng theo kiểu Đức cũ thì họ cho mình có quyền được triết lý theo kiểu Đức mới. Dĩ nhiên, đó là một cái gì chưa từng được nghe thấy ở Phổ. Trong khoảnh khắc người ta tưởng chừng như trật tự cũ của các sự vật bị đảo ngược, hơn nữa, những máy tự động vô tri bắt đầu biến thành người, thậm chí xuất hiện cả những người có tên, mặc dù trong các hội nghị dân biểu người ta không được phép gọi các diễn giả bằng tên. Song bầy tôi của chế độ chuyên chế cũ chẳng bao lâu đã chấm dứt cái cảnh rộn rịp không phải là Đức này. Người ta đã đưa sự việc một cách không khó khăn gì đến cuộc xung đột công khai giữa những mong muốn của đức vua đang mơ về quá khứ vĩ đại, nhung nhúc những cha cố, hiệp sĩ và nông nô, với những dự định của các nhà duy tâm đang chỉ muốn một điều: thực hiện ở nước ta những thành quả của cách mạng Pháp, cái mà rốt cuộc có nghĩa là thực hiện nền cộng hòa, thực hiện trật tự của những con người tự do thay cho trật tự của những sự vật chết. Khi cuộc xung đột này đã trở nên gay gắt và khó chịu, và ông vua bẳn tính đã khá điên tiết, - thì bấy giờ, trước mặt nhà vua đã hiện ra bầy tôi của ngài, trước đây vốn lãnh đạo tiến trình sự vật hết sức dễ dàng, và tâu với ngài rằng, tạo ra cho lũ thần dân cái dịp để ngôn luận vô bổ, về phía ngài, là không đúng chỗ, rằng bọn họ, lũ bầy tôi sẽ không còn đủ sức cai quản những con người cất lên được giọng nói của mình. Thêm vào đó, cả kẻ trị vì tất cả những Hinterrussen cũng đã bắt đầu lo ngại khi có sự chuyển động trong đầu óc bọn Vorderrussen[4] và đòi hỏi phục hồi cái trật tự yên tĩnh cũ. Và như vậy là tất cả những mong ước và những ý nghĩ của người ta về các quyền hạn và nghĩa vụ của con người lại bị nhà vua ruồng bỏ như cũ, nghĩa là người ta lại quay về cái nhà nước chai cứng cũ của bọn tôi tớ, ở đây kẻ nô lệ lặng im mà phục vụ, còn kẻ chiếm hữu ruộng đất và con người thì cố hết sức lặng im mà thống trị dựa vào bọn tôi tớ vô cùng ngoan ngoãn và không hỗn láo. Cả nô lệ, cả chủ đều không thể nói lên cái họ muốn: nô lệ thì không thể nói rằng nó muốn trở thành con người, chủ thì không thể nói rằng trong các lãnh địa của y, y không cần đến con người. Vì vậy mà sự im lặng là phương tiện duy nhất để rút ra khỏi tình trạng này. Muta pecora, prona et ven tri oboedientia[5].

 Đó là câu chuyện mưu toan bất thành định thủ tiêu nhà nước phi-li-xtanh mà vẫn đứng trên miếng đất riêng của nó: kết quả là toàn thế giới có được một bằng chứng hiển nhiên rằng, chế độ chuyên chế nhất thiết phải có tính súc vật và nó không dung hòa được với tính người. Những quan hệ súc vật chỉ có thể được duy trì bởi tính súc vật. Giờ đây tôi đã giải quyết xong nhiệm vụ chung của chúng ta, - tôi đã xem xét kẻ phi-li-xtanh và nhà nước của y. Bạn đừng nói là tôi đánh giá quá cao hiện tại; nhưng nếu tôi vẫn chưa đến nỗi tuyệt vọng về hiện tại thì đó chỉ là vì chính cái tình trạng tuyệt vọng hiện nay đã gieo vào lòng tôi một hy vọng. Đó là tôi chưa nói đến sự bất lực của lũ thống trị và thái độ bàng quan của bọn bầy tôi và thần dân đang vạn sự trông vào ý chí của Chúa, - mặc dù cả hai yếu tố này cộng lại cũng đủ để đưa sự việc tới thảm họa. Tôi chỉ xin lưu ý bạn rằng, kẻ thù của bọn phi-li-xtanh, nghĩa là tất cả những ai suy nghĩ và đau khổ, đã đi tới sự hiểu biết lẫn nhau, - mà trước kia thì chưa có khả năng để làm được như vậy, - và ngay cả chế độ thụ động tăng số thần dân kiểu cũ cũng hàng ngày cung cấp tân binh để phục vụ cho nhân loại mới. Còn chế độ công nghiệp và thương nghiệp, chế độ sở hữu và bóc lột người, lại dẫn tới sự chia rẽ nội bộ xã hội hiện nay nhanh hơn rất nhiều so với tăng dân số, - sự chia rẽ mà chế độ cũ không đủ sức cứu vãn, bởi vì nói chung nó không biết cứu vãn và không biết sáng tạo, mà chỉ biết tồn tại và hưởng lạc mà thôi. Sự tồn tại một nhân loại đau khổ đang suy nghĩ và một nhân loại biết tư duy đang bị áp bức, nhất định phải chặn ngang cái yết hầu của thế giới súc vật thụ động, hưởng lạc một cách vô nghĩa của bọn phi-li-xtanh.

Còn nhiệm vụ của chúng ta là phải bóc trần cái thế giới cũ và làm một công tác tích cực để hình thành một thế giới mới. Tiến trình các sự kiện càng dành nhiều thời gian bao nhiêu cho nhân loại biết tư duy để ý thức được tình trạng của mình, và cho nhân loại đang đau khổ để đoàn kết nhau lại, - thì thành quả đang chín muồi trong lòng hiện tại sẽ còn ngon ngọt hơn bấy nhiêu.

 



[1] - tình hình hiện có, trật tự hiện hành.

[2] - Trông lũ cóc kìa!

[3] - Phri-đrích Vin-hem III

[4] Cách chơi chữ không địch được: "Vorderrussen" ["những người trước người Nga"] là từ Mác dùng để gọi dân Phổ một cách châm biếm (tiếng la-tinh là "Borussen"); "kẻ trị vì tất cả những Hinterrunssen" ["những người sau người Nga"] là ám chỉ Ni-cô-lai I.

[5] - Bầy súc vật không biết nói, rầu rĩ và nghe theo dạ dày.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt