Triết học cho trẻ em

Chú nai Morris

CHÚ NAI MORRIS

 

Tác giả B. WISEMAN

Tóm tắt truyện

 

Chú nai Morris nghĩ rằng tất cả những người bạn mới mà nó gặp gỡ dọc bờ sông đều là nai sừng tấm giống mình. Vấn đề là không một loài nào trong số đó là nai sừng tấm cả. Liệu những người bạn ấy có thể thuyết phục Morris rằng chúng không phải là nai giống nó không?

 

Hướng dẫn thảo luận triết học

THOMAS E. WARTENBERG

Câu chuyện dễ thương Chú nai Morris của B. Wiseman nêu lên vấn đề về nhận thức và mối quan hệ giữa nhận thức với chứng cứ. Morris biết anh bạn bò mà mình gặp là nai sừng tấm vì vẻ ngoài của bò thỏa mãn các tiêu chí nai sừng tấm trong mắt Morris, như là có bốn chân, có đuôi và sừng. Chú bò cố gắng thuyết phục Morris rằng nó không phải nai bằng cách nói rằng bò cho sữa, kêu ụm bò và có mẹ là bò. Những điều này không thuyết phục được Morris, chú nai có câu trả lời cho tất cả mọi thứ. Chỉ đến khi nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của bản thân, vốn chẳng giống gì với chú bò, Morris mới chịu thừa nhận bò không phải là nai sừng tấm và nó đã phạm sai lầm. Câu chuyện này đặt ra một vài câu hỏi cơ bản về bản tính của nhận thức của ta và cách chứng cứ mới tác động đến nó như thế nào. Những câu hỏi này là một phần trong lĩnh vực triết học được biết đến với tên gọi nhận thức luận hay lý thuyết về nhận thức. Dù chúng ta thường mặc nhiên cho rằng bản thân biết một vài điều nhất định, ta lại không thể dễ dàng lý giải tại sao ta nghĩ mình biết những điều đó. Cố gắng giải thích điều đó là một phần nhiệm vụ của nhận thức luận.

Vài triết gia đã so sánh hệ thống niềm tin của chúng ta với một quả cầu khổng lồ. Theo họ, một vài niềm tin nằm ở gần tâm quả cầu hơn, và số khác thì ở gần bề mặt. Không có điều gì cốt yếu đến mức không thể nghi ngờ khi xuất hiện bằng chứng mới. Đó là lý do tại sao họ thích nói về “niềm tin” hơn là nhận thức. Như vậy, khi chứng cứ mới đặt nghi vấn một niềm tin, họ thừa nhận rằng ta phải có một số điều chỉnh đối với toàn bộ hệ thống niềm tin để lý giải cho bằng chứng đối nghịch ấy. Nhưng bằng chứng hay chứng cứ đó không thể buộc ta từ bỏ bất cứ niềm tin cụ thể nào. Họ nói chúng ta cũng giống như Morris, tức là ta có thể giữ lấy bất kỳ niềm tin nào mình chọn, miễn là ta điều chỉnh sao cho phù hợp với những niềm tin khác. Trên thực tế, nỗ lực của Morris nhằm níu giữ niềm tin cho rằng anh bạn bò chính là nai sừng tấm giống như sự châm biếm đối với giải thích triết học này về tri thức con người.

Các nhà triết học khác bác bỏ mô hình và tuyên bố có những niềm tin nhất định mà chúng ta tuyệt đối không thể sai. Họ nói rằng có những phát biểu rõ ràng đến mức không gì có thể thuyết phục rằng ta đã sai lầm về chúng. Ví dụ, khi đánh máy câu này, tôi tin chắc mình có hai tay (mà tôi dùng để gõ bàn phím). Những triết gia này cho rằng phát biểu như “Tôi có hai tay” chắc chắn đến mức không gì có thể thuyết phục họ là chúng không đúng.

Nhưng kể cả như thế, vấn đề về cách thức và lý do chúng ta điều chỉnh niềm tin của mình khi đối diện với điều mà một triết gia nào đó gọi là “cái kinh nghiệm bướng bỉnh” là một câu hỏi triết học quan trọng được câu chuyện này đặt ra. Sau khi nhìn thấy khuôn mặt của chính mình, tất cả các con vật đều đồng tình với việc ai là giống loài nào; điều này cho thấy ở đây tồn tại một vài niềm tin - đạt được bằng tri nhận trực tiếp - là nền tảng cho tất cả những cái còn lại. Các nhà triết học vẫn còn tranh luận về ý niệm cho rằng niềm tin tri giác là cơ sở cho tất cả những cái khác.

Câu hỏi thảo luận triết học

Niềm tin và kinh nghiệm

Khi Morris nhìn thấy bạn bò, nó nghĩ bò là nai sừng tấm. Khi bò nói mình không phải nai, Morris giải thích với bò lý do tại sao nó biết bò chính là nai sừng tấm.

1. Morris đã đưa ra lý do gì để chứng tỏ bò là nai sừng tấm?

2. Hãy giải thích lập luận mà Morris đã áp dụng để kết luận bò là nai sừng tấm.

3. Lập luận của Morris có vấn đề gì?

Nhận thức và chân lý

Morris nghĩ nó biết bò chính là nai sừng tấm.

1. Bạn có đồng ý với Morris rằng nó ta biết bò chính là nai sừng tấm không?

2. Tri thức còn gì khác ngoài lý do bạn có một niềm tin nào đó không?

Các loại nhận thức

Để giải thích nguyên nhân tại sao nó nghĩ bò là nai sừng tấm, Morris đưa ra lý do cho niềm tin của mình, cụ thể là bò có bốn chân, có đuôi, và có gì đó trên đầu.

1. Cho ví dụ về một điều bạn biết mà bạn có lý do cho điều đó.

2. Cho ví dụ về một điều bạn biết mà bạn không có lý do.

3. Làm sao bạn biết được điều mà bạn nói ở câu 2?

4. Từ những gì bạn đã nói, bạn có nghĩ mình có lý do cho tất cả những gì bạn biết không?

Thuyết phục

Bò cố gắng thuyết phục Morris rằng mình không phải nai sừng tấm, mà là một chú bò.

1. Bò làm việc này như thế nào?

2. Morris phản hồi ra sao?

3. Bạn có gặp chuyện tương tự bao giờ chưa?

4. Bạn nghĩ tại sao người ta cứ nói họ biết điều gì đó mặc dù họ không hề biết?

Giận dữ

Khi trông thấy Morris và bò, hươu nghĩ cả hai đều là hươu. Khi nghe thấy điều này, Morris nổi giận và lớn tiếng với hươu.

1. Việc la hét lớn tiếng như vậy có giúp Morris trở nên đúng không?

2. Tại sao nó lại la hét?

3. Bạn nghĩ lẽ ra Morris nên làm gì để thuyết phục hươu rằng nó ấy đã sai và Morris không phải là một con hươu?

Kinh nghiệm của giác quan và niềm tin

 

Khi cúi xuống uống nước, các con vật nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chính mình.

1. Tại sao nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình khiến các con vật tin rằng chúng đã sai lầm?

2. Người xưa có câu: “Trăm nghe không bằng một thấy.” Câu thành ngữ này có nghĩa là gì? Bạn có đồng tình với nó không?

3. Tại sao Morris lại không bị thuyết phục khi các con vật khác nói rằng nó đã sai?

4. Bạn có thể nghĩ đến những tình huống khác mà trong đó người ta vẫn cố chấp với sai lầm của mình, mặc cho các chứng cứ cho thấy họ đã sai?

5. Bạn có thể nghĩ đến tình huống nào trong đó bằng chứng mới khiến người ta thay đổi suy nghĩ không?

6. Tại sao Morris lại khó chấp nhận việc mình đã phạm sai lầm như vậy?

7. Bạn có nghĩ người ta khó lòng thừa nhận mình sai không? Tại sao lại thế?

Bản tính của triết học

Không con vật nào đồng ý với nhau về việc ai là loài nào.

1. Khi các con vật bất đồng ý kiến, chúng làm cách nào để thuyết phục lẫn nhau rằng mình là người đúng?

2. Những cách nói chuyện cụ thể nào giữa các con vật gợi cho bạn nhớ đến cách mình thảo luận triết học?

3. Có khác biệt nào giữa một thảo luận triết học và cách các con vật bất đồng quan điểm với nhau hay không?

4. Có thể giải quyết thảo luận triết học bằng cách nhìn được không?

 

LÊ THỊ NGỌC HÀ dịch

 


Nguồn: https://www.teachingchildrenphilosophy.org/BookModule/MorrisTheMoose


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt