Triết học cho trẻ em

"Giấc mơ" - Truyện "Ếch và Cóc"

 

“GIẤC MƠ” – TRUYỆN “ẾCH VÀ CÓC”

(Tác giả Arnold Lobel và Harper Collins)

 

Tóm tắt

Cóc nằm ngủ mơ thấy mình đang diễn kịch, trong khi đó Ếch ngồi dưới hàng ghế khán giả và cứ co lại dần đến mức Ếch gần như không tồn tại.

Hướng dẫn thảo luận triết học

THOMAS WARTENBERG

Có một số câu hỏi triết học khác nhau có thể dùng câu chuyện “Giấc mơ” để thảo luận. Đầu tiên là câu hỏi từ lý luận thức: Làm sao ta biết ta đang không mơ? Câu hỏi này đã được Descartes, người đã băn khoăn với vấn đề làm sao ta biết được những niềm tin bình thường của ta về thế giới là thật, đặt vào tâm điểm của lĩnh vực triết học. Cho nên, ông đã đưa ra hàng loạt hoài nghi về cái biết hàng ngày của chúng ta. Câu hỏi “làm sao ta biết ta không mơ” là một trong những mối hoài nghi ấy.

Để giải đáp mối hoài nghi này người ta đã đưa ra nhiều cách trả lời khac nhau. Câu hỏi đầu tiên là giấc mơ có mãnh liệt như kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta hay không. Dù David Hume khẳng định không thể có chuyện đó, nhưng việc đôi khi ta không thể chắc chắn một kinh nghiệm có là giấc mơ hay không gợi ra rằng ít nhất có những giấc mơ nào đó sống động không kém gì kinh nghiệm tri giác bình thường của ta. Câu hỏi thứ hai là có phải lúc nào giấc mơ cũng mang trong nó những điều kỳ quái và dị thường mà ta biết rằng là không hề có? Nếu giấc mơ có những thực thể kỳ quái như vậy, thì sự hiện diện của chúng sẽ khiến ta an tâm rằng ta đang mơ. Gợi ý cuối cùng, đó là là giấc mơ không gắn kết với kinh nghiệm thường ngày của ta, cho nên sự gắn kết này chính là căn cứ để ta biết lúc này ta không mơ.

Vấn đề thứ hai của truyện là sự kiêu hãnh và khoác lác. Trong truyền thống đa thần của người Hy Lạp, kiêu hãnh được coi là một đức hạnh, nhưng các tín hữu Kitô thời sơ kỳ lại coi nó là một thói xấu, và cuối cùng là một trong bảy trọng tội. Một cách hay để suy tư về vấn đề này đó là nói rằng các tín hữu Kitô đang nói về sự kiêu hãnh thái quá, trong khi đó người Hy Lạp lại nghĩ là ta kiêu hãnh đúng mực về những gì ta thành tựu được. Trong câu truyện, Cóc thể hiện sự tự hào thái quá, thể hiện rất rõ ràng qua cách Cóc khoác lác với Ếch.

Nhưng giấc mơ cũng gợi ý rằng khoác lác là xấu vì nó sẽ khiến người khác cảm thấy tồi (“thấp hèn”) và nếu khoác lác quá mức thì rốt cuộc kẻ khoác lác chỉ chơi một mình mà thôi.

Vấn đề cuối cùng được đưa ra trong truyện này là tình bạn. Triết gia Hy Lạp Aristotle nói rằng bạn bè rất cần cho cuộc sống hạnh phúc của mỗi người. Cóc chắc chắn đã hốt hoảng khi cậu cho rằng Ếch đã hoàn toàn biến mất. Cho nên, truyện cũng mang lại cho ta một cơ hội tốt để suy nghĩ tại sao việc có bạn lại quan trọng.

Câu hỏi thảo luận triết học

THOMAS WARTENBERG

Cóc nằm ngủ mơ…

1. Có bao giờ bạn có một giấc mơ không mãnh liệt khiến bạn tự hỏi liệu đó có phải là giấc mơ hay không?

2. Làm sao bạn biết đó là một giấc mơ?

Khi thức giấc, Cóc hỏi Ếch liệu có thực sự là Cóc đang đứng bên cạnh giường của mình, Ếch trả lời: đúng là như thế. Cóc lại hỏi Ếch rằng Cóc có đang đúng với kích cỡ bình thường và Ếch nghĩ như vậy.

1. Tại sao điều này thuyết phục Cóc rằng Cóc không còn mơ nữa?

2. Ếch có thể chỉ là một nhân vật trong giấc mơ của Cóc không? Tại sao hoặc tại sao không?

3. Sự việc trong mơ khác với sự việc trong đời thực như thế nào?

4. Giờ thì, có phải bạn đang ngủ ở nhà nhưng lại nằm mơ thấy mình đi học? Làm sao bạn biết?

Trong mơ, Cóc khoác lác về tất cả những gì cậu có thể làm.

1. Bạn có nhớ một trong những việc mà Cóc làm tốt không?

2. Sao bạn nghĩ rằng Cóc muốn Ếch biết nó có thể làm những điều này?

3. Bạn đã từng gặp ai đó khoác lác với bạn chưa? Bạn đã từng khoác lác với ai chưa?

4. Khi bạn khoác lác với ai đó, bạn cảm thấy thế nào?

5. Khoác lác có xấu không? Tại sao?

6. Có bao giờ việc khoác lác được chấp nhận không?

Cóc sợ rằng cậu sẽ cô độc.

1. Có phải cô độc luôn luôn đáng sợ?

2. Tại sao cô độc lại đáng sợ?

Ếch là bạn tốt của Cóc

1. Bạn có người bạn tốt nào không?

2. Bạn có nghĩ có người bạn tốt là rất quan trọng không?

3. Có bạn tốt thì khác gì khi không có bạn tốt?

 

LỤC PHẠM QUỲNH NHI dịch

 


Nguồn: https://www.teachingchildrenphilosophy.org/BookModule/TheDreamFromFrogAndToadTogether


 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt