Triết học cho trẻ em

Một lời hứa luôn là một lời hứa

MỘT LỜI HỨA LUÔN LÀ MỘT LỜI HỨA

 

ROBERT  MUNSCH

MICHAEL KUSUGAK

 

Tóm tắt

Allashua là một cô bé đã không giữ lời hứa với mẹ của mình vì cô bé đã đi đến đại dương băng để câu cá qua những khe nứt. Mặc dù mẹ cô bé đã lên tiếng cảnh báo về Qallupilluit, một loài thủy quái chuyên vồ lấy những đứa trẻ nếu chúng dám bén mảng đến gần những khe băng nứt, Allashua vẫn đùa giỡn với những loài sinh vật mà cô gặp ở đấy. Khi con thủy quái Qallupilluit thực sự xuất hiện, Allashua bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và lúc này đây, cô bé đã nhận ra tầm quan trọng của việc giữ lời hứa.

 

Hướng dẫn thảo luận triết học

MICHELLE TRUONG

Câu chuyện trên đã làm bật lên ý niệm về những lời hứa và sự trung thực, những khái niệm dễ hiểu và quen thuộc đối với các bé. Ngoài ra, khái niệm về sự đúng và sai cũng có thể được kết hợp vào phần thảo luận khi đánh giá những quyết định mà Allashua đã đưa ra trong câu chuyện trên. Ngay từ đầu câu chuyện, Allashua đã nói dối mẹ mình và bằng việc đi câu cá ở những khe băng nứt, cô bé đã không giữ lời hứa với mẹ mình. Nếu ngay từ đầu cô bé không đi đến dòng sông băng thì con thủy quái Qallupilluit đã không bám đuôi cô bé và em trai mình. Cụm từ “Một lời hứa luôn là một lời hứa” xuất hiện nhiều lần trong câu chuyện và những tình huống khác liên quan đến lời hứa đã làm nên phần lớn nội dung câu chuyện nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ lời hứa. Các tình huống này bao gồm việc đưa ra lời hứa, sự thất hứa, nghĩa vụ phải giữ lời hứa, vân vân.

Sự hứa hẹn vốn được xét luận bởi các nhà triết học như là một hình thức khế ước bằng lời nói giữa các cá nhân. Khi ai đó đưa ra một lời hứa, người ta mong họ sẽ giữ đúng lời hứa của mình và kiên định với lời hứa ấy. Những thành phần khác nhau của một lời hứa có thể được đưa ra bàn luận, chẳng hạn như là tầm quan trọng của sự hứa hẹn và mục đích của sự hứa hẹn. Mỗi đứa trẻ ít nhiều gì cũng đã từng hứa hẹn một lần. Vì thế, chúng ta hãy bắt đầu cuộc bàn luận bằng một câu hỏi tại sao chúng ta cần phải hứa hẹn là một cách hay để gợi mở tư duy cho các bé suy ngẫm về hành động thường ngày đơn giản này. Chúng ta có thể liên hệ đến khoảnh khắc mà Allashua đưa ra một lời hứa với mẹ của mình để yêu cầu các bé liên hệ đến các tình huống tương tự mà các bé phải đưa ra lời hứa với ai đó. Hoặc chúng ta có thể liên hệ đến chính những trải nghiệm riêng của trẻ để làm cho cuộc thảo luận trở nên gần gũi và thú vị với các bé.

Nếu các bé đã có trải nghiệm trong việc đưa ra những lời hứa thì sẽ có khả năng các bé cũng có trải nghiệm về sự thất hứa. Có nhiều hình thức của việc thất hứa. Câu chuyện trên đã viện dẫn ra hai hình thức: khi Allashua nói dối mẹ của cô bé và khi bố mẹ của Allashua lập mưu lừa con thủy quái Quallupilluit. Các bé cũng có thể đưa ra những cách khác để thoái lui khỏi một lời hứa và cùng nhau thảo luận về những cách này. Việc thoái lui khỏi một lời hứa sẽ được suy xét trong trường hợp hành động này giúp giải thoát cho ai đó khỏi một lời hứa.

Sự trung thực là một chủ đề trung tâm trong triết học. Thông thường việc nói thật được xem là một điều tốt và là một điều đúng đắn nên làm. Tuy nhiên, sẽ thú vị hơn khi cho các bé thảo luận về chủ đề của sự thật, như được trình bày trong câu chuyện, để các bé hiểu rõ hơn về những vấn đề phức tạp khác liên quan đến sự trung thực. Cuộc thảo luận này tạo cho các bé cơ hội để suy ngẫm về những quan điểm đối lập, hoàn toàn khác với những điều mà trước nay các bé đã được dạy bảo, chẳng hạn như là không nên nói thật trong tất cả các tình huống.

Nghĩa vụ là một phần của sự hứa hẹn vì chúng ta thường hy vọng rằng mỗi lời hứa đều sẽ được thực hiện. Thế nên, mỗi chúng ta đều có nghĩa vụ phải giữ lời hứa. Chủ đề này có thể dùng để thảo luận về việc giữ lời hứa và cam kết miệng mà lời hứa đó thể hiện. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tiến hành xem xét kỹ lưỡng các lời hứa khác nhau.

Thế lực siêu nhiên cũng có thể là một đề tài tiềm năng cho các cuộc thảo luận. Các bé có thể thảo luận về việc con thủy quái Quallupilluit có thực sự tồn tại hay không. Các bé có thể khám phá thêm về sự khác biệt giữa những điều trong thực tế và những điều trong trí tưởng tượng. Đây có thể là một đề tài rất thú vị cho các bé.

Câu hỏi thảo luận triết học

Về việc đưa ra lời hứa

“Con hứa rằng sẽ chỉ đi câu cá ở hồ chứ không ra đại dương và một lời hứa luôn là một lời hứa”

  1. Tại sao các lời hứa lại quan trọng?
  2. Những ai có thể đưa ra lời hứa?
  3. Đã bao giờ bạn hứa một điều gì mà bạn biết rằng bạn không thể giữ lời?
  4. Tại sao việc chúng ta hứa hẹn một điều gì đó lại rất quan trọng?

Về việc thất hứa

“Và rồi Allashua giả bộ rằng cô bé chuẩn bị đi câu cá ở cái hồ gần nhà, nhưng thực ra cô bé đi tận đến cuối con đường chứ không đi đến cái hồ.”

  1. Thất hứa có phải là một điều xấu không?
  2. Sự khác biệt giữa thất hứa và nói dối là gì?
  3. Tại sao chúng ta lại thất hứa?
  4. Trong trường hợp nào thì chúng ta có thể thất hứa?

Về sự trung thực

“Cô bé uống 10 ly trà với rất nhiều đường và nói: “Con đã đi đến chơi ở những khe băng nứt trên đại dương”.

  1. Bằng việc nói sự thật cho bố mẹ mình, Allashua có đang làm một hành động đúng đắn không?
  2. Chúng ta có nên luôn nói sự thật?
  3. Có khi nào nói sự thật lại là một điều không đúng không?
  4. Có bao giờ là quá muộn để nói sự thật không?

Về việc giữ lời hứa

“Một lời hứa luôn là một lời hứa”

  1. Chúng ta có nghĩa vụ phải giữ lời hứa không?
  2. Những điều kiện cần thiết để giữ một lời hứa là gì?
  3. Có phải có một số lời hứa quan trọng hơn những lời hứa khác không?
  4. Chúng ta có thể nào rút lại lời hứa của chính mình không?

 

TUỆ LIÊN dịch

ĐINH HỒNG PHÚC hiệu đính

 


Nguồn: https://www.teachingchildrenphilosophy.org/BookModule/APromiseIsAPromise


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt