Triết học cho trẻ em

Tôi biết mặt trăng

Tôi biết mặt trăng

 

Stephen Axel Anderson, Philomon Books

 

Tóm tắt

Tất cả các con vật đề có khái niệm riêng của mình về mặt trăng. Chúng tranh cãi để biện minh cho khái niệm của mình là đúng đắn. Con quạ cắt cớ nói: “Chỉ có một mặt trăng, nên chúng ta sẽ chỉ có một câu trả lời [đúng] mà thôi.” Chúng bèn đi gặp Con người Khoa học để tìm ra câu trả lời đúng thật về mặt trăng. Khi Con người Khoa học nói với chúng rằng chỉ có thể biết mặt trăng qua ngôn ngữ mà thôi, các con vật không thỏa mãn với câu trả lời này.

Hướng dẫn thảo luận triết học

PAULA A. CARPENTIER

Tôi biết Mặt trăng là câu chuyện nói về tri giác và cuộc tìm kiếm đâu là chân lý hay sự thật. Mỗi một sinh vật trong truyện này tin chỉ có mỗi mình nó là biết được mặt trăng. Khi cuộc tranh cãi của chúng chẳng dẫn tới đâu, các sinh vật sống về đêm tìm đến Con người Khoa học. Chắc chắn, ông ta sẽ có thể giải quyết được cuộc tranh luận của chúng. Nhưng, Con người Khoa học chỉ biết mặt trăng qua sách vở. Mặt trăng của ông không có nét nào giống với mặt trăng của chúng. Tất cả các con vật vẫn tin rằng tri giác của chúng về mặt trăng là đúng. Cuối cùng, tất cả chúng đều cùng thầm nghĩ về mặt trăng của mình.

Cuốn sách này được viết không phải để dùng dạy triết học cho trẻ em, nhưng nó lại ẩn chứa nhiều ý niệm triết học. Ít nhất nó có ba hướng câu hỏi: phải chăng chân lý chỉ có một mà thôi? Mục đích những câu hỏi này là giúp trẻ em suy nghĩ về việc có đúng là chỉ có duy nhất một câu trả lời đúng cho các câu hỏi trên đời chăng? Đương nhiên, trẻ em hỏi những câu hỏi mọi lúc, nhưng có phải chúng nhất thiết phải trông đợi rằng chỉ có một câu trả lời duy nhất đúng? Những câu hỏi này trợ giúp cho trẻ em bắt đầu tra vấn ý niệm chân lý. Trong các lớp học truyền thống, thường thì chỉ có một câu trả lời duy nhất “đúng”, thế nhưng trong cuộc sống lại có nhiều câu hỏi xem ra không có câu trả lời nào là duy nhất đúng. Những câu hỏi này cũng có thể dẫn ta tới chỗ thảo luận về cách chúng ta có thể đạt tới chân lý. Hơn nữa, ta có quyền tán thành sự bất đồng ý kiến không. Ai cũng có thể có tri giác riêng của mình về ý niệm đúng với mình? Chân lý có thể là tương đối không? Những câu hỏi này về cơ bản là nhằm vào việc giúp trẻ em tra hỏi khái niệm có thể không bao giờ có câu trả lời “đúng” cho các câu hỏi về thế giới.

Làm sao bạn biết điều bạn đang biết? Những câu hỏi này chủ yếu là để tra hỏi cách chúng ta sở đắc được tri thức. Sinh ra bạn đã biết mọi thứ? Bạn biết được từ những thứ khác hay từ người khác? Khi bạn “biết” những điều gì đó, có thể nào bạn đã biết chúng từ trước rồi và chỉ cần thoáng thấy là bạn nhận ra chúng ở trong bạn? Đây là những câu hỏi mà có thể trẻ em đã tự hỏi rồi. Người lớn nói với chúng rằng chúng phải đi học, nhưng ý niệm về bản thân tri thức lại thường không được nói tới. Người lớn tra hỏi ý niệm về tri thức mọi lúc. Điều ta cần làm là hỏi trẻ em xem chúng nghĩ gì bởi lẽ chúng đang bắt đầu những năm tháng học tập lâu dài của mình. Giáo dục còn được gọi là cuộc chinh phục tri thức, cho nên trẻ em nên có thể tra hỏi tri thức là gì và ta biết sự vật hay sự việc như thế nào. Những câu hỏi này nhằm giúp trẻ em tìm hiểu ý niệm về tri thức cũng những phương cách sở đắc được tri thức.

Ngôn từ có biểu đạt được mọi thứ? Những câu hỏi này hỏi trẻ em ngôn từ là gì và ngôn từ có thể biểu đạt mọi thứ trong thế giới? Trẻ em cũng như người lớn thường cảm thấy rằng họ không thể tìm ra từ ngữ để diễn đạt điều mình muốn nói. Điều này phải chăng có nghĩa là họ không đủ lượng từ vựng? Có thể nào ta không thể biểu đạt mọi thứ bằng ngôn từ không? Phải chăng ngôn từ định hình nên những gì ta có thể truyền thông hay giao tiếp? Phải những gì ta có thể biết là biết qua việc đọc những từ ngữ? Có những đối tượng nào mà ta chỉ có thể biết được bằng kinh nghiệm không? Có những đối tượng nào mà ta chỉ cảm nhận chứ không thể diễn tả không? Những câu hỏi này cũng đưa ra ý niệm về các hình thức giao tiếp khác nhau ở bên ngoài việc sử dụng ngôn ngữ, như múa hay tiếp xúc thân thể (ôm và hôn). Cuối cùng, những câu hỏi này nhắm vào việc hỏi liệu ngôn ngữ có thể biểu đạt đầy đủ những gì ta cảm nhận và biết không. Có thể nào chúng ta có những tư tưởng khác nhau nếu chúng ta nói ngôn ngữ khác nhau, vì các từ ngữ trong ngôn ngữ đó khác nhau? Những câu hỏi này cho phép trẻ em suy nghĩ về từ ngữ mà chúng nói hàng ngày và làm thế nào chúng cho phép trẻ em giao tiếp với nhau được.

Những câu hỏi thảo luận triết học

Tất cả các con vật đều có ý niệm khác nhau về việc mặt trăng là gì. Mỗi con vật đều tin chắc rằng chúng biết mặt trăng, và tất cả chúng bắt đầu cãi nhau. Con quạ can thiệp vào cuộc đấu khẩu nói: “Chỉ có một mặt trăng, nên chúng ta sẽ chỉ có một câu trả lời [đúng] mà thôi.”

1. Khi nhìn mặt trăng, bạn thấy gì?

2. Bạn có được ý niệm ấy bằng cách nào?

3. Bạn nghĩ chỉ có một câu trả lời đúng cho câu hỏi mặt trăng là gì phải không? Bạn có bao giờ tranh luận chưa?

4. Khi tranh luận, bạn giải quyết cuộc tranh luận ấy như thế nào?

5. Bạn đã làm cho người khác thay đổi ý kiến hay người khác làm bạn thay đổi ý kiến chưa?

6. Bạn có nghĩ đến những trường hợp trong đó tất cả mọi người đang cãi nhau đều đúng, và những trường hợp trong đó chỉ có một câu trả lời đúng chưa?

7. Khi chỉ có một câu trả lời đúng, làm sao bạn biết nó là đúng?

Các con vật đi gặp Con người Khoa học để tìm ra câu trả lời đúng thật về mặt trăng.

1. Bạn đến gặp ai để tìm ra chân lý?

2. Làm thế nào bạn nghĩ rằng ai đó biết chân lý?

3. Nếu điều gì đó được viết ra trong một cuốn sách khoa học, điều đó có làm nó trở thành chân lý không?

4. Khoa học có thể mang lại cho chúng ta những câu trả lời cho mọi thứ không?

Con người Khoa học tin rằng ta chỉ có thể biết được mặt trăng qua từ ngữ mà tôi. Ông ta nói: “Tất cả những thông tin chính xác đều trong quỹ đạo! Hãy đọc mặt trăng rồi tiếp thu nó.” Nhưng con cáo nói: “Con người nói nó được hình thành từ những con chữ. Tôi biết còn nhiều khoảng trống ở giữa nữa.”

1. Hãy lập bảng danh mục những cách bạn có thể giao tiếp không cần đến ngôn từ. Ví dụ: nụ cười.

2. Bạn có bao giờ cố gắng nói điều gì đó mà không nghĩ ra được từ nào để nói không?

3. Bạn có luôn luôn dùng từ ngữ để giải thích những điều gì đó không?

4. Dùng từ ngữ bao giờ cũng là phương cách giao tiếp hữu hiệu nhất hay trong bảng danh mục liệt kê của chúng ta có thể có những cách nào đó diễn tả tốt hơn những suy nghĩ và xúc cảm của chúng ta?

Con người Khoa học nói rằng bạn phải xem từ ngữ để biết mặt trăng. Con cáo không đồng tình và nói rằng mặt trăng phải được theo đuổi, cảm nhận và nhìn thấy. Tất cả các con vật vẫn cảm thấy rõ rệt rằng mặt trăng của chúng là mặt trăng thực.

1. Bạn có bao giờ cảm thấy rõ rệt rằng bạn biết bạn đúng về điều gì đó, cho dù ai cũng nói là bạn sai?

2. Khi bạn cảm thấy bạn đúng, làm sao bạn biết bạn đúng?

3. Mới sinh ra là bạn đã biết được những ý niệm này hay bạn biết những gì bạn đang biết vì ai đó đã nói cho bạn?

4. Làm thế nào bạn nghĩ rằng bạn có được tri thức?

5. Bạn có bao giờ cố gắng diễn đạt điều gì đó nhưng không thể nghĩ ra được từ nào để diễn đạt hay không?

6. Từ ngữ có thể giải thích được mọi thứ trên đời không?

7. Bạn có thể biết mọi thứ trên đời qua việc đọc?

8. Bạn có thể diễn tả những xúc cảm và tư tưởng của mìn mà không cần dùng từ ngữ không?

 

MINH CƯỜNG dịch


Nguồn: https://www.teachingchildrenphilosophy.org/BookModule/IKnowTheMoon


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt