Triết học xã hội

Hannah Arendt: Từ một cuộc phỏng vấn

Hannah Arendt: Từ một cuộc phỏng vấn

 


Nguồn: Hannah Arendt, “Hannah Arendt: From an Interview,” The New York Review of Books, October 26, 1978 Issue.| Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Huy Hoàng: https://hoanghannom.com/2017/02/02/hannah-arendt-from-an-interview/


 

Hannah Arendt đưa ra những bình luận này vào năm 1974 trong một cuộc phỏng vấn với nhà văn người Pháp Roger Errera.

Chủ nghĩa toàn trị

Chủ nghĩa toàn trị bắt nguồn từ thái độ khinh thường những gì bạn có. Bước thứ hai là quan niệm: “Mọi thứ phải thay đổi—bất kể bằng cách nào, Cái gì cũng tốt hơn những gì chúng ta có. ” Các nhà cai trị toàn trị tổ chức thứ tình cảm quần chúng này, và bằng cách tổ chức nó họ bày tỏ nó, và bằng cách bày tỏ nó họ khiến người ta yêu thích nó vì lý do nào đó. Trước đây họ được bảo, ngươi chớ giết người; và họ không giết người. Giờ họ được bảo, ngươi hãy giết người; và dù họ nghĩ giết người là rất khó, họ vẫn làm vì giờ nó là một phần bộ quy tắc hành vi. Họ học xem giết ai và giết thế nào và cùng nhau làm thế như thế nào. Đây chính là cái Gleichschaltung được nói đến nhiều—quá trình phối hợp. Bạn phối hợp không phải với những người nắm quyền, mà với hàng xóm—phối hợp với đa số. Nhưng thay vì giao tiếp với người khác giờ bạn dán vào anh ta. Và dĩ nhiên bạn cảm thấy kỳ diệu. Chủ nghĩa toàn trị hấp dẫn với những nhu cầu tình cảm rất nguy hiểm của những người sống trong sự cô lập hoàn toàn và trong nỗi sợ người khác.

Dối trá

Thời khắc chúng ta không còn có một nền báo chí tự do, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Điều khiến một nhà toàn trị hay bất cứ chế độ độc tài nào khác có thể cai trị là người dân không có thông tin; làm sao bạn có thể có ý kiến nếu bạn không có thông tin? Nếu người ta luôn luôn nói dối bạn, hệ quả không phải là bạn tin vào dối trá, mà đúng hơn là không ai còn tin vào điều gì nữa. Điều này là do dối trá, bởi chính bản chất của nó, phải được thay đổi, và một chính phủ dối trá thì liên tục viết lại lịch sử của mình. Là nạn nhân bạn nhận được không chỉ một lời nói dối—một lời nói dối mà bạn có thể sẽ dựa vào trong những ngày còn lại của cuộc đời—mà bạn nhận được rất nhiều lời nói dối, tùy thuộc vào việc ngọn gió chính trị thổi ra sao. Và một dân tộc không còn có thể tin vào bất cứ điều gì thì không thể ra quyết định. Họ bị tước đoạt không chỉ khả năng hành động mà còn cả khả năng tư duy và đánh giá. Và với một dân tộc như vậy thì khi đó bạn có thể làm những gì bạn muốn.

Tính ngẫu nhiên và lịch sử

Đặc điểm chính của bất kỳ sự kiện nào là nó không được lường trước. Chúng ta không biết tương lai nhưng ai cũng hành động hướng vào tương lai. Không ai biết mình đang làm gì vì tương lai đang được thực hiện, hành động đang được thực hiện bởi một “chúng ta” mà không phải một “tôi.” Giá như tôi là người duy nhất hành động thì tôi có thể thấy trước những hệ quả của việc mà tôi đang làm. Điều thực sự diễn ra là hoàn toàn ngẫu nhiên, và tính ngẫu nhiên quả thật là một trong những nhân tố lớn nhất trong lịch sử.

Không ai biết điều gì sẽ diễn ra vì có quá nhiều thứ phụ thuộc vào một số lượng rất lớn các biến, vào rủi ro đơn thuần. Mặt khác, nếu nhìn lại lịch sử thì cho dù nó là ngẫu nhiên bạn cũng có thể kể được một câu chuyện hợp lý… Ví dụ, lịch sử Do Thái trên thực tế có những thăng trầm của nó, những mối thù hằn và những mối bằng hữu của nó, giống như lịch sử của mọi dân tộc. Quan niệm cho rằng có một lịch sử đơn tuyến dĩ nhiên là sai lầm. Nhưng nếu bạn nhìn vào nó sau sự kiện Auschwitz thì có vẻ như thể toàn bộ lịch sử—hoặc ít nhất lịch sử từ thời Trung Cổ—không có mục đích nào ngoài Auschwitz. Đây là vấn đề thực sự của mỗi triết học lịch sử: làm sao lại có thể có chuyện khi nhìn lại nó luôn luôn có vẻ như thể nó không thể nào diễn ra khác đi?

Thực tế và lý thuyết

Một ví dụ điển hình của loại tâm tính khoa học lấn át mọi hiểu biết khác là “thuyết domino.” Thực tế là rất ít trí thức uyên thâm viết nên Hồ sơ Lầu Năm Góc tin vào lý thuyết này. Nhưng mọi thứ họ làm đều dựa trên giả định này—không phải vì họ là những kẻ dối trá, hay vì họ muốn làm hài lòng cấp trên, mà vì nó cho họ một khuôn khổ để họ có thể làm việc. Họ chấp nhận khuôn khổ này dù họ biết—và dù mỗi báo cáo tình báo và mỗi phân tích thực tế đều chứng tỏ điều này cho họ mỗi sáng—rằng những giả định này đơn giản là sai lầm so với thực tế. Họ chấp nhận nó bởi vì họ không có khuôn khổ nào khác. Người ta đi tìm những lý thuyết như vậy để thoát khỏi cái ngẫu nhiên và cái bất ngờ. Cụ Hegel từng nói mọi chiêm niệm triết học chỉ nhằm mục đích loại bỏ sự tình cờ. Một thực tế phải được chứng kiến bởi những chứng nhân không phải là những chứng nhân tốt nhất; không thực tế nào nằm ngoài nghi ngờ. Nhưng việc hai cộng hai bằng bốn bằng cách nào đó lại nằm ngoài nghi ngờ. Và những lý thuyết được sinh ra ở Lầu Năm Góc đều có lý hơn nhiều so với thực tế của những gì thực sự diễn ra.

Người Do Thái

Cái “khiếu”—nói nôm na—của ít nhất là một bộ phận nhất định người Do Thái là một vấn đề lịch sử, một vấn đề hàng đầu đối với giới sử gia. Tôi có thể thử đưa ra một lý giải mang tính suy đoán: chúng tôi là dân tộc duy nhất, dân tộc châu Âu duy nhất, sống sót từ thời cổ xưa mà vẫn còn nguyên vẹn khá nhiều. Điều đó có nghĩa là chúng tôi đã giữ được bản sắc của mình, và nó có nghĩa là chúng tôi là dân tộc duy nhất chưa bao giờ được biết đến là mù chữ. Chúng tôi luôn luôn biết chữ vì bạn không thể là một người Do Thái mà không biết chữ. Phụ nữ biết chữ ít hơn đàn ông nhưng ngay cả họ cũng biết chữ nhiều hơn phụ nữ các dân tộc ở các nơi khác. Không chỉ giới tinh hoa biết đọc mà mỗi người Do Thái đều phải đọc—toàn bộ dân tộc, trong mọi giai cấp và trong mọi mức độ năng khiếu và thông minh.

Cái ác

Khi viết Eichmann ở Jerusalem một trong những ý định chính của tôi là giải thiêng huyền thoại về sự vĩ đại của cái ác, của lực lượng ma quỷ, là tước đi sự ngưỡng mộ của người ta đối với những kẻ tàn ác lớn như Richard III.

Tôi tìm được ở [Bertolt] Brecht nhận xét sau:

Những tên tội phạm chính trị lớn phải được tiếp xúc và tiếp xúc đặc biệt với tiếng cười. Chúng không phải những tên tội phạm chính trị lớn, mà là kẻ cho phép những tội ác chính trị lớn, một điều hoàn toàn khác biệt. Thất bại của những toan tính của Hitler không cho thấy ông ta là một kẻ ngu dốt.

Giờ, nói Hitler là một kẻ ngu dốt dĩ nhiên là một định kiến của toàn bộ phe đối lập với Hitler trước khi ông ta nắm quyền và do đó rất nhiều cuốn sách đã cố gắng biện minh cho ông ta và biến ông ta thành một con người vĩ đại. Thế nên Brecht mới nói, “Việc Hitler thất bại không cho thấy ông ta là một kẻ ngu dốt và mức độ của những toan tính của ông ta không biến ông ta thành một con người vĩ đại.” Tức là không phải cái này hay cái kia: toàn bộ nhóm vĩ đại này không có ứng dụng.

“Nếu các giai cấp thống trị,” ông ấy tiếp tục, “cho phép một kẻ gian nhỏ trở thành một kẻ gian lớn, ông ta cũng không được hưởng một vị trí đặc quyền trong quan điểm của chúng ta về lịch sử. Tức là, việc ông ta trở thành một kẻ gian lớn và việc những gì ông ta làm có những hệ quả lớn không cộng thêm vào tầm vóc của ông ta.” Và nói chung ông nói sau đó trong những lời nhận xét rất bất ngờ này: “Người ta có thể nói rằng bi kịch đối phó với những khổ đau của nhân loại theo một cách ít nghiêm túc hơn hài kịch.” Đây dĩ nhiên là một tuyên bố choáng váng; tôi nghĩ đồng thời nó cũng hoàn toàn đúng. Điều thực sự cần thiết là, nếu bạn muốn giữ gìn sự liêm chính của mình trong những hoàn cảnh này, bạn chỉ có thể làm được thế khi nào bạn nhớ được cách nhìn cũ của mình về những thứ như vậy và nói: “Bất luận ông ta làm gì và kể cả ông ta đã giết mười triệu người, ông ta vẫn là một thằng hề.”

Sự tiến bộ

Quy luật tiến bộ nói rằng mọi thứ lúc này phải tốt hơn lúc trước. Lẽ nào bạn không thấy nếu bạn muốn cái gì đó tốt hơn, rồi lại tốt hơn, rồi lại tốt hơn, thì bạn sẽ mất cái tốt. Cái tốt thậm chí còn không còn đo đếm được.

 

Copyright © 1978 Mary McCarthy West, Trustee | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt