Triết học lịch sử

Mục tiêu của lịch sử

MỤC TIÊU CỦA LỊCH SỬ

PETER SINGER

 

 

Sự trình bày có tính chất kinh điển về quan niệm duy vật về lịch sử là phần trình bày trong ‘Lời nói đầu’ cho cuốn Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị học, được viết vào năm 1859. Chúng ta đã thấy phần nào bản tóm tắt này của Marx về tư tưởng của mình, nhưng nó đáng để cho chúng ta trích dẫn ra một đoạn dài:

Trong sự sản xuất ra xã hội ra đời sống của mình, con người ta có những quan hệ nhất định, tất yếu, không phụ thuộc vào ý muốn của họ; các quan hệ sản xuất này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất. Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực, trên đó xây dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị, và tương ứng với cái cơ sở hiện thực đó là những hình thái ý thức xã hội nhất định. Phương thức sản xuất ra đời sống vật chất quy định tính chất phổ biến của các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần. Không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ, mà trái lại, chính sự tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ. Tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của họ sẽ xung đột với những quan hệ sản xuất hiện có hay – đây chỉ là một biểu hiện pháp lý những quan hệ sản xuất đó – xung đột với những quan hệ sở hữu, trong đó từ trước tới nay các lực lượng sản xuất vẫn phát triển. Từ chỗ là những hình thức phát triển của các lực lượng vật chất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của lực lượng sản xuất. Khi đó, thời đại của cuộc cách mạng xã hội bắt đầu. Cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị biến đổi ít nhiều nhanh chóng. Khi xem xét những sự biến đổi ấy, chúng ta lúc nào cũng phải phân biệt sự biến đổi vật chất – mà chúng ta có thể xác định được với sự chính xác của khoa học tự nhiên – trong những điều kiện kinh tế của sự sản xuất, với những hình thái pháp lý, chính trị, tôn giáo, nghệ thuật, hay triết học – tóm lại là với những hình thái ý hệ – trong đó con người trở nên ý thức được sự xung đột ấy và đấu tranh để giải quyết sự xung đột ấy.

(P 389-90)

Người ta thường nói rằng Marx đã phân chia xã hội thành hai yếu tố cấu thành, ‘cơ sở kinh tế’ và ‘kiến trúc thượng tầng’, và cho rằng cái cơ sở này chi phối cái kiến trúc thượng tầng. Nếu đọc kỹ đoạn văn vừa được trích dẫn trên thì chúng ta sẽ thấy rằng Marx đã phân thành ba yếu tố chứ không phải hai. Câu mở đầu đoạn văn nói đến các quan hệ sản xuất, tương ứng với một giai đoạn nhất định của các lực lượng sản xuất. Vì thế, chúng ta hãy bắt đầu bằng các lực lượng sản xuất. Các lực lượng sản xuất gây nên các quan hệ sản xuất, và chính những quan hệ sản xuất này – chứ không phải bản thân các lực lượng sản xuất – hợp thành cái cơ cấu kinh tế của xã hội. Cái cơ cấu kinh tế ấy, đến lượt nó, là cơ sở trên đó người ta xây dựng lên một kiến trúc thượng tầng.

Để rõ hơn quan niệm của Marx, chúng tôi xin trình bày nó một cách cụ thể hơn. Các lực lượng sản xuất là những gì được dùng để sản xuất. Chúng gồm sức lao động, nguyên liệu, và máy móc có sẵn để chế biến chúng. Nếu một người thợ sử dụng cái cối quay bằng tay để nghiền lúa mì thành bột, thì cái cối quay bằng tay đó là một lực lượng sản xuất.

Các quan hệ sản xuất là các quan hệ giữa người với người, hay giữa con người với vật dụng. Người thợ xay có thể sở hữu cái cối xay, hay có thể thuê cái cối xay ấy từ người sở hữu nó. Sở hữu và thuê là các quan hệ sản xuất. Các quan hệ giữa người với người, chẳng hạn như ‘Ông Smith sử dụng anh Jones’ hay ‘ông Ramsbottom là nông nô của Bá tước Warwick’, cũng là các quan hệ sản xuất.

Cho nên, chúng ta hãy vào vấn đề ở các lực lượng sản xuất. Marx nói rằng các quan hệ sản xuất phù hợp với một giai đoạn phát triển của các lực lượng sản xuất. Ở chỗ khác, ông nói điều này một cách rất thẳng thừng:

Cái cối quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa; cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp.

(PP 202)

Nói cách khác, khi các lực lượng sản xuất được phát triển lên giai đoạn lực lượng sản xuất thủ công, thì quan hệ sản xuất điển hình là quan hệ giữa lãnh chúa và nông nô. Quan hệ này và những quan hệ tương tự tạo thành cơ cấu kinh tế của xã hội, đến lượt nó, cơ cấu kinh tế này là cơ sở của kiến trúc thượng tầng chính trị và pháp lý của thời đại phong kiến, và đi cùng với nó là tôn giáo và nền luân lý: một tôn giáo đầy quyền uy, và một nền luân lý dựa trên các khái niệm về lòng trung thành, sự vâng phục, và việc thực hiện các nghĩa vụ của mình trong cuộc sống.

Các quan hệ sản xuất phong kiến diễn ra là bởi chúng mở rộng địa bàn phát triển cho các lực lượng sản xuất thời phong kiến – cái cối quay bằng tay chẳng hạn. Các lực lượng sản xuất này tiếp tục phát triển. Cái cối xay chạy bằng hơi nước được phát minh ra. Các quan hệ sản xuất phong kiến lại không đủ sức phù hợp với việc sử dụng cái cái cối xay bằng hơi nước này. Sự sử dụng hiệu quả nhất của lực lượng sản xuất bằng hơi nước nằm ở các công xưởng lớn là nơi cần có sự tập trung của những người lao động tự do chứ không phải của những người nông nô gắn chặt với mảnh đất của mình. Cho nên, quan hệ giữa lãnh chúa và nông nô bị phá vỡ, bị thay thế bởi quan hệ giữa nhà tư bản và người làm công. Các quan hệ sản xuất mới này hợp thành cái cơ cấu kinh tế của xã hội, trên đó người ta xây dựng lên cái kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị tư bản chủ nghĩa, cùng với tôn giáo và nền luân lý riêng của nó: tự do lương tâm tôn giáo, tự do ký kết hợp đồng, quyền chuyển nhượng tài sản, lối sống vị kỉ, và tính cạnh tranh.

Do đó, chúng ta có một quá trình gồm ba giai đoạn: các lực lượng sản xuất quy định các quan hệ sản xuất, đến lượt mình, các quan hệ sản xuất quy định kiến trúc thượng tầng. Các lực lượng sản xuất là những yếu tố nền tảng. Sự lớn mạnh của chúng tạo động lực cho toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử.

Toàn bộ sự trình bày này không phải là quá thô thiển sao? Chúng ta có nên xem xét một cách nghiêm túc câu nhận định rằng cái cối quay bằng tay đưa lại xã hội có các lãnh chúa phong kiến, và cái máy xay bằng hơi nước đưa lại xã hội có các nhà tư bản không? Đương nhiên là Marx phải thừa nhận rằng sự phát minh ra năng lượng hơi nước bản thân nó phụ thuộc vào những ý tưởng của con người, và những ý tưởng này, không kém gì bản thân cái máy xay bằng hơi nước, đã sản sinh ra chủ nghĩa tư bản. Phải chăng Marx đã cố tình cường điệu lời nhận định của mình để lập trường của ông tỏ ra là mới mẻ?

Đây là một vấn đề còn nhiều tranh cãi. Còn nhiều chỗ khác nữa Marx nói như chắc như đinh đóng cột rằng các lực lượng sản xuất quy định mọi thứ khác. Có những lời nhận định khác nữa thừa nhận sự tác động của các nhân tố thuộc về kiến trúc thượng tầng. Nói cụ thể, khi viết về lịch sử, trong Ngày Mười tám tháng Sương mù của Louis Bonaparte, chẳng hạn, Marx vạch ra những sự tác động của các tư tưởng và các nhân cách, và đưa ra những lời nhận định nhìn chung là ít mang tính quyết định luận hơn, chẳng hạn như:

Con người làm ra lịch sử của mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình; con người không làm ra lịch sử trong những hoàn cảnh tự mình chọn lấy, mà trong những hoàn cảnh trực tiếp có trước mắt, đã cho sẵn và do quá khứ để lại.

(EB 300)

Vậy thì lời tuyên bố mở đầu của bản Tuyên ngôn của Đảng cộng sản: ‘Lịch sử của tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp’ muốn nói gì? Nếu các lực lượng sản xuất kiểm soát được mọi thứ, thì các cuộc đấu tranh giai cấp không thể là cái gì khác hơn ngoài cái hình thức giả tạo trong đó các lực lượng sản xuất này bị che đậy. Cũng giống như những hình ảnh hiện ra trên một màn hình phim, chúng ắt chẳng thể nào tác động tới cái thực tại nền tảng mà chúng phản chiếu. Thế thì tại sao lại đi mô tả lịch sử như là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp? Và nếu cả tư tưởng lẫn chính trị đều không có bất cứ một ý nghĩa mang tính nhân quả hiện thực nào, thì đâu là ý nghĩa của việc Marx cống hiến đời mình, về mặt trí tuệ và về mặt chính trị, cho sự nghiệp của giai cấp công nhân?

Sau khi Marx mất, Engels nói rằng Marx chưa từng khẳng định ‘yếu tố kinh tế là yếu tố quyết định duy nhất’. Ông thừa nhận rằng ông và Marx chịu trách nhiệm phần nào đối với lối lý giải sai lầm này, vì họ đã nhấn mạnh khía cạnh kinh tế trong sự đối lập với những người bác bỏ hoàn toàn cái khía cạnh ấy. Marx và ông, như lời Engels đã viết, có chú ý đến sự tồn tại của mối tương tác giữa cái cơ cấu kinh tế và phần còn lại thuộc về kiến trúc thượng tầng. Các ông chỉ khẳng định điều rằng ‘xét đến cùng thì sự vận động kinh tế mới khẳng định mình như là cái tất yếu’. [...].

Nhưng một khi ‘sự tương tác’ giữa kiến trúc thượng tầng và các lực lượng sản xuất được thừa nhận, thì ta còn có thể cho rằng chính nền sản xuất mới là cái quy định kiến trúc thượng tầng, chứ không phải là ngược lại được không? Thế là bắt đầu lại câu chuyện con gà và quả trứng xưa kia. Các lực lượng sản xuất quy định các quan hệ sản xuất, và tương ứng với các quan hệ ấy là các ý niệm về xã hội. Những ý niệm này mở đường cho sự phát triển của các lực lượng sản xuất, và chính các lực lượng sản xuất này mở ra các quan hệ sản xuất mới, và tương ứng với các quan hệ ấy là các ý niệm mới. Theo lối vận động vòng tròn này thì khi nói rằng các lực lượng sản xuất giữ vai trò quyết định sẽ tỏ ra khó hiểu hơn so với việc nói rằng quả trứng đảm bảo cho sự tồn tại tiếp tục của các con gà, chứ không phải ngược lại.

Mặt khác, nếu chữ ‘xét tới cùng’ không chỉ kéo dài, mà thậm chí còn làm đứt vỡ, chuỗi quyết định luận kinh tế, thì người ta khó lòng thấy rằng khi khẳng định tính thứ nhất của các lực lượng sản xuất thì người ta có thể nói sao cũng được. Nó có thể, như đoạn văn được trích dẫn từ cuốn Ý hệ Đức trong chương trước dường như muốn gợi ý, muốn nói rằng tiến trình lịch sử của con người chỉ có thể diễn ra khi con người ‘bắt đầu sản xuất ra tư liệu sinh hoạt của mình’; hay như Engels nói trong bài điếu văn: ‘con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã, rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, v.v.’ Nhưng nếu chính trị, khoa học, và tôn giáo, một khi chúng xuất hiện, tác động đến các lực lượng sản xuất nhiều không kém gì so với việc các lực lượng sản xuất tác động đến chúng, thì sự việc con người trước hết phải ăn và sau đó mới có thể làm chính trị cũng chỉ là mối quan tâm về lịch sử, chứ nó chẳng có ý nghĩa quan trọng nào về tính nhân quả đương tiếp tục diễn ra.

Nói cách khác, quan niệm rằng ‘xét tới cùng’ thì kinh tế là mới yếu tố quyết định có thể là một sự cố gắng để nói lên điều rằng cho dù cả nhân tố kinh tế lẫn nhân tố ngoài kinh tế cùng tương tác, nhưng phần lớn lực đẩy nhân quả lại đến từ các lực lượng sản xuất. Nhưng căn cứ vào đâu mà ta nói thế? Làm thế nào ta có thể phân chia các quá trình tương tác ra và nói cái gì giữ vai trò lớn hơn được? Chúng ta không thể giải quyết vấn đề con gà và quả trứng bằng cách nói rằng cho dù sự tồn tại của loài không phải do có mỗi mình quả trứng quy định, nhưng quả trứng lại liên quan đến sự tồn tại ấy nhiều hơn so với con gà.

Trong khi chưa có những cách hiểu hợp lý hơn về những lối dùng từ mềm dẻo của Engels và hiếm khi hơn là của Marx, thì cách lý giải của quan niệm duy vật về lịch sử dường như tự nó chuyển thành một sự lựa chọn giữa thuyết quyết định luận kinh tế cứng nhắc, quả thật thuyết này ắt sẽ là một sự phát hiện quan trọng nếu như nó đúng, nhưng có vẻ như nó không đúng; hay quan niệm linh hoạt hơn nhiều được tìm thấy trong Grundrisse, trong tác phẩm đó Marx mô tả xã hội như là một ‘tổng thể’, ‘một tổng thể hữu cơ’ trong đó mọi yếu tố đều được liên kết với nhau (G 99-100). Quan niệm xem xã hội như là một tổng thể chắc chắn là một quan niệm có tính chất soi sáng khi chống lại quan niệm cho rằng các ý niệm, chính trị, luật pháp, tôn giáo, và v.v., có một đời sống và lịch sử riêng của nó, không phụ thuộc vào những chất liệu kinh tế dưới cõi trần. Tuy nhiên, cái tổng thể ấy không có nghĩa là ‘quy luật phát triển của lịch sử con người’, hay sự phát hiện khoa học có thể sánh với lý thuyết của Darwin về sự tiến hóa. Để gọi là có đóng góp cho khoa học, thì một định luật được nêu ra phải đủ chính xác để ta có thể rút ra từ nó những hệ quả này chứ không phải là nhưng hệ quả khác. Tức là ta kiểm tra các định luật khoa học được nêu ra như thế nào – bằng cách xét xem những hậu quả mà chúng tiên đoán thực sự có xảy ra không. Quan niệm xem xã hội như là một tổng thể được nối kết với nhau rõ ràng là một công cụ của lối phân tích lịch sử gần như đúng cho mọi trường hợp. Bất cứ thứ gì cũng có thể được rút ra từ nó. Không một quan sát nào có thể bác bỏ nó được.

Ta cũng cần phải giải thích thêm, cho dù rõ ràng Marx có ý thức về sự tác động của kiến trúc thượng tầng đến các lực lượng sản xuất đi nữa, thì làm thế nào mà Marx lại có thể khẳng định một cách quá tự tin rằng các lực lượng sản xuất quyết định các quan hệ sản xuất và do đó quyết định kiến trúc thượng tầng xã hội. Tại sao ông không thấy cái khó khăn do sự tương tác gây ra?

Cách giải thích ta có thể đưa ra là việc Marx tin vào tính thứ nhất của các lực lượng sản xuất không phải là niềm tin thông thường mà có nguồn gốc lý luận từ triết học Hegel.

Có một cách để xét vấn đề này là đặt ra câu hỏi nếu quan niệm của Marx là một thứ chủ nghĩa Hegel bị đảo ngược, thì tại sao sự hiện hữu của hiện tượng tương tác giữa các ý niệm và đời sống vật chất lại không đặt ra vấn đề tương tự đối với quan niệm của Hegel (quan niệm cho rằng diễn trình phát triển của Tinh thần quy định đời sống vật chất) như nó đã đặt ra đối với quan niệm của Marx, vốn là quan niệm của Hegel nhưng đã bị đảo ngược. Các tác phẩm của Hegel có nhiều chỗ mô tả đời sống vật chất ảnh hưởng đến ý thức không kém gì so với những mô tả của Marx về ý thức ảnh hưởng đến đời sống vật chất trong các tác phẩm của mình. Cho nên, vấn đề xác lập vai trò nhân quả của một tập hợp các nhân tố nào đó ở vị thế thứ nhất so với tập hợp các nhân tố khác hẳn là vấn đề lớn lao đối với Hegel cũng như đối với Marx.

Thế nhưng lý do để Hegel tin vào tính thứ nhất của ý thức là rõ ràng: ông xem Tinh thần là thực tại tối hậu, còn thế giới vật chất là sự biểu hiện của nó; theo đó, ông xem mục đích hay mục tiêu của lịch sử là sự giải phóng Tinh thần ra khỏi mọi ảo tưởng và mọi xiềng xích. Việc Hegel tin rằng ý thức quy định đời sống vật chất đó là do ông dựa vào quan niệm của mình về thực tại tối hậu và ý nghĩa của lịch sử. Lịch sử không phải là một chuỗi sự vô nghĩa và những biến cố thường có tính ngẫu nhiên, mà là một quá trình tất yếu hướng đến một mục tiêu có thể tìm được. Bất cứ thứ gì đương diễn ra trên vũ đài lịch sử thế giới thì nó diễn ra sao cho Tinh thần có thể đạt đến mục đích của mình. Chính trong nghĩa này mà cái đang diễn ra trên bình diện Tinh thần, hay ý thức, là nguyên nhân hiện thực của tất cả những cái khác.

Cũng giống như Hegel, Marx cũng có quan niệm xem đâu là cái hiện thực tối hậu. Thuyết duy vật của ông là sự đảo ngược thuyết duy tâm của Hegel. Quan niệm duy vật về lịch sử thường được xem là một lý thuyết về các nguyên nhân của sự biến đổi lịch sử, chứ không phải là một lý thuyết về bản tính của hiện thực tối hậu. Trên thực tế, quan niệm ấy chứa cả hai lý thuyết như vậy – cũng như quan niệm duy tâm của Hegel về lịch sử cũng chứa cả hai lý thuyết ấy. Những đoạn văn được trích từ Ý hệ Đức, mà chúng ta đã thấy, chỉ ra rằng Marx xem các quá trình vật chất là hiện thực theo một cách thức khác với các ý niệm. Ở đó, Marx và Engels đặt ‘quá trình đời sống hiện thực’ của ‘con người hiện thực đang hoạt động’ tương phản với ‘những sự phản ánh ý hệ và những âm vang của quá trình đời sống này’. Họ phân biệt ‘những bóng ma thành hình trong đầu óc con người’ với ‘quá trình đời sống vật chất có thể kiểm nghiệm được về mặt kinh nghiệm. Sự lặp đi lặp lại thường xuyên của chữ ‘hiện thực’ khi mô tả đời sống vật chất hay đời sống sản xuất của con người, và việc sử dụng những chữ như ‘phản ánh’, ‘âm vang’, ‘bóng ma’, v.v. cho các phương diện của ý thức, gợi ra một sự phân biệt triết học giữa cái hiện thực và cái chỉ đơn thuần là sự biểu hiện hay cái bề ngoài.

Lối dùng thuật ngữ trên không chỉ riêng có trong các tác phẩm thời kỳ đầu của Marx. Sự tương phản giữa cái bề ngoài với cái thực tại được lặp lại trong bộ Tư bản, ở đó thế giới tôn giáo được coi ‘chỉ là sự phản ánh của thế giới hiện thực’ (C I 79). 

Cũng giống như Hegel, Marx nghĩ rằng lịch sử là một quá trình tất yếu hướng đến một mục tiêu có thể tìm được. Chúng ta đã thấy bằng chứng cho quan niệm này trong cuốn Các bản thảo kinh tế và triết học, trong đó Marx phê phán các nhà kinh tế học cổ điển vì đã không nói đến ý nghĩa của các hiện tượng kinh tế ‘trong sự tiến hóa của con người’ hay đã không nói đến trong chừng mực nào thì ‘các hoàn cảnh ngẫu nhiên bề ngoài’ không phải là cái gì khác ngoài ‘sự biểu hiện của một diễn trình tất yếu của sự phát triển’. Đoạn văn sau đây, được trích từ bài báo Sự cai trị của Anh ở Ấn Độ (1853) của ông, dường như làm sáng tỏ thêm luận điểm vốn không chỉ riêng có ở giai đoạn Marx trẻ.

Thật ra, động cơ duy nhất của nước Anh khi gây ra cuộc cách mạng xã hội ở Hindustan là những lợi ích đê tiện nhất của nó, và cách nó củng cố những lợi ích đó cũng thật là ngu xuẩn. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ ấy. Vấn đề là ở chỗ nếu như không có một cuộc cách mạng căn bản trong trạng thái xã hội ở châu Á thì loài người có thực hiện được vận mệnh của mình không? Nếu không thì nước Anh, mặc dù tất cả những tội ác của nó, cũng là một công cụ vô thức của lịch sử khi gây ra cuộc cách mạng đó.

Khi nói đến ‘vận mệnh của loài người’ và nói đến nước Anh là ‘công cụ vô thức của lịch sử’, Marx ngầm ý nói rằng lịch sử vận động theo một phương cách có chủ đích hướng đến một mục tiêu nào đó. (Toàn bộ đoạn văn này làm ta nhớ đến câu nói của Hegel về việc ‘sự ranh mãnh của lý tính’ đã sử dụng các cá nhân không nghi ngờ gì nó để thực hiện những mục đích của nó trong lịch sử.)

Đương nhiên, ý niệm của Marx về mục đích của lịch sử thế giới là khác với Hegel. Ông thay thế sự giải phóng Tinh thần bằng sự giải phóng con người hiện thực. Sự phát triển của Tinh thần qua những hình thái ý thức khác nhau để đi đến sự tự-nhận thức cuối cùng đã được thay thế bằng sự phát triển của các lực lượng sản xuất của con người, qua đó con người giải phóng mình ra khỏi sự áp chế của giới tự nhiên và nhào nặn thế giới theo các bản thiết kế của mình. Nhưng đối với Marx, sự phát triển của các lực lượng sản xuất của con người không phải là ít tất yếu, và ít hướng về một mục đích hơn so với sự phát triển của Tinh thần hướng về sự tự-nhận thức nơi Hegel.

Bây giờ ta có thể giải thích được vai trò quyết định của các lực lượng sản xuất trong lý thuyết của Marx về lịch sử giống với cách ta giải thích tín niệm đối lập của Hegel: đối với Marx, đời sống sản xuất của con người, chứ không phải ý niệm hay ý thức của họ, là cái hiện thực tối hậu. Sự phát triển của các lực lượng sản xuất này, và sự giải phóng các năng lực của con người mà sự phát triển này mang lại, là mục đích của lịch sử.

Gợi ý của Marx về vai trò của nước Anh trong việc thúc đẩy nhân loại tiến lên làm chủ vận mệnh của mình minh họa cho bản tính của tính thứ nhất của của đời sống vật chất. Vì chính sách thuộc địa của nước Anh gồm một loạt các đạo luật chính trị, cho nên việc chính sách này gây ra một cuộc cách mạng xã hội tại châu Á là một ví dụ về trường hợp kiến trúc thượng tầng tác động tới cơ sở kinh tế. Thế nhưng, sự tác động này xảy ra là nhằm phát triển các lực lượng sản xuất lên trạng thái cần thiết cho việc thực hiện làm chủ vận mệnh của con người. Kiến trúc thượng tầng chỉ thực hiện vai trò là ‘công cụ vô thức’ của lịch sử. Việc chính sách thuộc địa của nước Anh là nguyên nhân căn bản của cuộc cách mạng xã hội tại châu Á không có gì hơn so với việc cái mai của tôi là nguyên nhân căn bản của sự tươi tốt nơi vườn rau của tôi.

Nếu sự lý giải này đúng thì lý thuyết duy vật không phải là lý thuyết nhân quả thông thường. Không mấy nhà sử học nào – hay nhà triết học nào đại loại như thế – giờ đây thấy được bất cứ một mục đích hay mục tiêu nào trong lịch sử. Họ không giải thích lịch sử như là con đường tất yếu dẫn đến bất cứ nơi đâu. Họ giải thích nó bằng cách chỉ ra cách làm thế nào một tập hợp các biến cố này gây ra một tập hợp các biến cố khác. Marx, trái lại, xem lịch sử như là quá trình tiến lên của bản tính hiện thực của con người, tức là, con người thỏa mãn những nhu cầu của mình và kiểm soát giới tự nhiên qua hoạt động sản xuất của mình. Quan niệm duy vật về lịch sử không được quan niệm như là một lối nghiên cứu khoa học hiện đại về việc làm thế nào những biến đổi kinh tế lại dẫn đến những biến đổi trong các lĩnh vực khác của xã hội. Nó được quan niệm như là một lối giải thích về lịch sử, lối giải thích này vạch ra các lực lượng hiện thực đang vận hành trong lịch sử, và mục tiêu mà các lực lượng ấy hướng đến.

Nghĩa là tại sao, trong khi sự tác động của chính trị, luật pháp và các ý niệm đến các lực lượng sản xuất, Marx lại tin chắc rằng sự phát triển của các lực lượng sản xuất quyết định mọi thứ khác. Điều này giúp ta hiểu được vì sao Marx cống hiến đời mình cho sự nghiệp của giai cấp công nhân. Marx hành động như là công cụ – một công cụ hoàn toàn có ý thức – của lịch sử. Dù thế nào thì rốt cuộc các lực lượng sản xuất vẫn luôn luôn khẳng định chính mình, nhưng chúng làm như thế thông qua những hành động của các cá nhân con người, cho dù họ có ý thức hay không ý thức được vai trò của họ trong lịch sử.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt