Siêu hình học

Học thuyết bốn nguyên nhân của Aristotle

 

HỌC THUYẾT BỐN NGUYÊN NHÂN

CỦA ARISTOTLE

 

ANTHONY KENNY

 


Anthony Kenny. 2004. A New History of Western Philosophy. Vol. 1 – Ancient Philosophy. Oxford: Clarendon Press, pp. 1-4. | Đinh Hồng Phúc dịch.


 

 

Aristotle đưa ra một cách phân loại các triết gia Hy Lạp xa xưa nhất phù hợp với cấu trúc hệ thống bốn nguyên nhân của ông. Việc nghiên cứu khoa học, theo ông, trước hết là nghiên cứu các nguyên nhân của sự vật; và có bốn loại nguyên nhân khác nhau: nguyên nhân chất liệu, nguyên nhân tác động, nguyên nhân hình thức, và nguyên nhân mục đích. Ta thử hình dung ý niệm này qua ví dụ có phần thô thiển như sau: khi Alfredo nấu món risotto[1], các nguyên nhân chất liệu của risotto là những thành phần nguyên liệu mà ta cho vào để nấu, nguyên nhân tác động chính là anh đầu bếp, công thức chế biến là nguyên nhân hình thức, và sự hài lòng của các thực khách của nhà hàng của ông ta là nguyên nhân mục đích. Aristotle tin rằng muốn hiểu cho có khoa học về thế giới thì ta cần phải nghiên cứu sự vận hành trong thế giới các nguyên nhân thuộc từng loại này (Siêu hình học, A 3. 983a24-b17).

Các triết gia thời kỳ đầu ở vùng duyên hải Hy Lạp xứ Tiểu Á tập trung bàn về nguyên nhân chất liệu: họ đi tìm những yếu tố cấu thành cơ bản của thế giới mà ta đang sống. Thales và những người kế tục ông đã nêu ra vấn đề như sau: Về cơ bản thì thế giới được tạo thành từ nước, khí, lửa, hay đất, hay thế là sự kết hợp của một số các yếu tố hay tất cả các yếu tố ấy? (Siêu hình học. A 3. 983b20-84a16). Ngay cả khi ta có được câu trả lời cho câu hỏi này, theo Aristotle, điều đó chưa đủ làm cho trí tò mò khoa học của ta thỏa mãn. Các thành phần nguyên liệu, [tức các yếu tố cấu thành], của một món ăn không tự mình kết hợp với nhau: cần phải có một tác nhân vận hành chúng, ví dụ như cắt, trộn, khuấy, đun, hay đại loại như vậy. Một vài trong số các triết gia đầu tiên ấy, Aristotle nói, có ý thức về điều này và đã đưa ra những phỏng đoán về các tác nhân gây ra sự biến đổi và phát triển trong thế giới. Đôi khi, tác nhân là một trong chính các yếu tố cấu thành ấy – lửa có lẽ là sự gợi ý đầy hứa hẹn nhất, vì là yếu tố ít trơ ì nhất. Còn thông thường là tác nhân, hay cặp tác nhân, nào đó trừu tượng hơn và thi vị hơn, như Tình yêu hoặc Dục vọng hoặc Xung khắc, hay Thiện và Ác (Siêu hình học A 3-4. 984b8-31).

Trong khi ấy tại Ý – cũng theo Aristotle – tụ tập xung quanh Pythagoras, có những triết gia theo xu hướng toán học, những nghiên cứu của họ đi theo hướng hoàn toàn khác. Ngoài việc nêu tên các thành phần nguyên liệu, công thức chế biến sẽ chứa nhiều con số: bao nhiêu gram của cái này, bao nhiêu lít của cái kia. Phái Pythagorean quan tâm đến các con số trong công thức của thế giới hơn là bản thân các yếu tố cấu thành. Theo Aristotle, họ giả định rằng các yếu tố của những con số là các yếu tố của mọi vật, và toàn bộ các tầng trời là một gam nhạc. Họ có được sự hứng khởi trong công cuộc tìm kiếm của mình là nhờ việc họ phát hiện ra rằng mối quan hệ giữa các nốt trong gam nhạc được gãy trên cây đàn tương ứng với các tỉ lệ số khác nhau giữa các độ dài của dây đàn. Rồi họ khái quát hóa ý tưởng này rằng những sự khác nhau về chất có thể là kết quả của những sự khác nhau về con số. Nói như Aristotle là nghiên cứu của họ là một cuộc truy tìm các nguyên nhân hình thức của thế giới. (Siêu Hình Học A 5. 985b23-986b2)

Đối với những vị tiền bối trực tiếp của mình, Aristotle nói rằng Socrates chú trọng đến đạo đức học hơn là nghiên cứu thế giới tự nhiên, trong khi đó Plato lại kết hợp cách tiếp cận của cả phái Thales lẫn phái Pythagoras trong lý thuyết triết học của mình. Nhưng lý thuyết của Plato về các Ý niệm, trong khi hệ thống khoa học toàn diện nhất vẫn còn chưa được nghĩ ra, có vẻ như chưa làm cho Aristotle – vì những lý do mà ông sẽ tóm lược trong Siêu hình học và sẽ khai triển trong nhiều công trình nghiên cứu của ông –  thỏa mãn trên một số cơ sở nào đó. Có quá nhiều điều phải giải thích, và các Ý niệm chỉ đưa vào thêm những thứ mới mẻ cần  giải thích mà thôi: chúng không đưa ra một giải pháp, chúng chỉ làm tăng thêm vấn đề (Siêu hình học A 5. 990b1 ff.).

Hầu hết các luận án tiến sĩ bắt đầu bằng việc khảo sát các nguồn văn liệu đều tìm cách cho thấy rằng tất cả các công trình từ trước đến nay đã để lại một khoảng trống và lối nghiên cứu độc đáo của tác giả sẽ lấp đi cái khoảng trống ấy. Siêu hình học của Aristotle không phải là sự ngoại lệ. Chương trình nghị sự không quá khó nhận ra của ông cho thấy làm sao mà các triết gia trước kia đã bỏ qua phần còn lại trong bộ bốn các nguyên nhân: nguyên nhân mục đích vốn là nguyên nhân giữ vai trò quan trọng nhất trong triết học tự nhiên của ông (Siêu hình học A 5. 988b6-15). Nền triết học sớm nhất, ông kết luận, trên mọi chủ đề, đều là những bước đi mò mẫm, vì trong những bước đi đầu tiên của nó, triết học chỉ mới là một đứa trẻ (Siêu hình học A 5. 993a15-7.)

Khi đọc lại những di văn của các nhà tư tưởng Hy Lạp sớm nhất, triết gia ngày nay không mấy ấn tượng với các câu hỏi họ đưa ra, mà ấn tượng với các phương pháp họ sử dụng để trả lời chúng. Sau hết, sách Sáng thế ký cung cấp cho ta những câu trả lời cho các câu hỏi bốn nguyên nhân do Aristotle tập hợp. Nếu như ta truy tìm nguồn gốc của con người đầu tiên, chẳng hạn, ta nghe nói rằng nguyên nhân tác động là Thượng Đế, nguyên nhân chất liệu là cát bụi trần gian, nguyên nhân hình thức là hình ảnh và sự giống với Thượng Đế, và nguyên nhân mục đích là để con người có quyền thống trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời, và mọi sinh vật trên trái đất. Thế nhưng, sách Sáng thế ký lại không phải là một công trình triết học.

 Mặt khác, Pythagoras được biết đến nhiều nhất không phải vì trả lời bất cứ câu hỏi theo lối Aristotle nào, mà vì chứng minh định lý phát biểu rằng trong tam giác vuông, bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông. Vả lại, Thales được người Hy Lạp sau này tin rằng ông là người đầu tiên dự đoán chính xác hiện tượng nhật thực vào năm 585 TCN. Đây chắc chắn là những thành tựu trong lĩnh vực hình học và thiên văn học, chứ không phải trong lĩnh vực triết học.

Vào thời đó, sự phân biệt giữa tôn giáo, khoa học và triết học không rõ ràng như các thế kỷ về sau. Các công trình của Aristotle và thầy ông là Plato cung cấp một hệ hình triết học cho mọi thời đại, và đến hôm nay bất cứ ai dùng đến danh hiệu ‘triết gia’ thì tức là anh ta coi mình là một trong những người kế tục Plato và Aristotle.

Có thể coi các tác gia trong các tạp chí triết học thế kỷ hai mươi mốt là đang sử dụng những kỹ thuật phân tích khái niệm, và thường lặp lại hay bác bỏ những luận cứ lý luận, giống như những kỹ thuật mà người ta thấy trong các công trình của Plato và Aristotle. Nhưng trong các công trình ấy, còn có nhiều thứ khác mà hẳn ngày nay người ta không coi là sự thảo luận triết học. Từ thế kỷ 6 TCN trở đi, các yếu tố của tôn giáo, khoa học và triết học hòa lẫn nhau trong một chiếc vạc văn hóa duy nhất. Từ thời đại chúng ta, một khoảng cách thời gian khá xa xôi, các triết gia, các nhà khoa học và các nhà thần học có thể ngoái đầu nhìn lại những nhà tư tưởng thời ban sơ này và coi họ như là các vị tổ sư trí tuệ của họ.

 


[1] Món cơm ở miền Bắc nước Ý (ND).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt