Triết học nghệ thuật

Tác phẩm nghệ thuật tinh thần: Ngôn ngữ của Hài kịch

TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT TINH THẦN

Ngôn ngữ của Hài kịch

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel, “Tác phẩm nghệ thuật tinh thần” trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.


 

§ 744

[III. Ngôn ngữ của hài kịch:]

Mục lục

1. Tôn giáo nghệ thuật

2. Tác phẩm nghệ thuật trừu tượng

3. Tác phẩm nghệ thuật sinh động

4. Tác phẩm nghệ thuật tinh thần

     4.1. Anh hùng ca

     4.2. Ngôn ngữ của bi kịch

     4.3. Ngôn ngữ của hài kịch

 

Trước hết, trong HÀI KỊCH (die Komödie), Tự-ý thức hiện thực tự diễn tả chính mình như là định mệnh [hay số phận] của những thần linh. Những Bản chất cơ bản này, với tư cách là những yếu tố phổ biến, không phải là một Tự ngã [nhất định] và đều không phải là hiện thực. Tuy họ được ban cho hình thức của tính cá nhân, nhưng điều này chỉ là gán ghép, tưởng tượng chứ không thực sự thuộc về bản thân họ một cách tự-mình và cho-mình. | Cái Tự ngã hiện thực thì không có một yếu tố trừu tượng như thế làm bản thể và nội dung của mình. Do đó, Chủ thể được nâng lên bên trên một yếu tố như thế, như là bên trên một thuộc tính cá biệt; và khi được khoác vào chiếc mặt nạ này, Chủ thể phát biểu sự mỉa mai, châm biếm (Ironie) về cái thuộc tính muốn cố trở thành một cái gì có giá trị cho-mình. Sự kênh kiệu giả tạo của tính bản chất phổ biến [trừu tượng] bị bóc trần ở nơi cái Tự ngã hiện thực; Tự ngã này tự cho thấy mình bị cầm tù vào một [hiện hữu] hiện thực và [phải] bỏ chiếc mặt nạ đi khi muốn trở thành cái gì chân thực. Cái Tự ngã, – đang trình diễn ở đây trong ý nghĩa của nó như cái gì hiện thực –, đùa với chiếc mặt nạ mà nó có lúc khoác vào để trở thành nhân vật của mình, nhưng nó cũng lại sớm trút bỏ vẻ bề ngoài ấy để trở về lại với sự trần trụi và hoàn cảnh bình thường của chính mình, những gì nó cho thấy không hề được phân biệt với cái Tự ngã đích thực, với người diễn viên cũng như với người khán giả[1].

 

§ 745

Sự phân rã phổ biến này của tính bản chất nội dung khi mang hình thái của tính cá nhân càng nghiêm trọng hơn, do đó, càng mạnh mẽ và gay gắt hơn trong nội dung của nó, trong chừng mực nội dung này mang ý nghĩa nghiêm ngặt hơn và tất yếu hơn. Bản thể thần linh hợp nhất bên trong nó ý nghĩa của tính bản chất tự nhiên lẫn của tính bản chất đạo đức [xã hội][2].

[a) Bản chất của hiện hữu tự nhiên:]

Xét về yếu tố tự nhiên, Tự-ý thức hiện thực cho thấy: ngay việc nó sử dụng yếu tố [những vật liệu của] Tự nhiên để trang sức, để làm nhà ở v.v.., rồi cả trong việc hưởng dụng những vật hiến tế trong yến tiệc có ý nghĩa là: chính bản thân nó là cái Định mệnh mà sự bí nhiệm được khai mở ra cho nó về sự thật là như thế nào nơi tính bản chất độc lập của Tự nhiên. | Trong bí nhiệm về Bánh và Rượu, nó chiếm lĩnh cho mình tính độc lập, tự tồn này của Tự nhiên cùng với ý nghĩa của cái bản chất bên trong; và trong hài kịch, nó có ý thức về sự mỉa mai, khôi hài của ý nghĩa này nói chung.

Còn xét trong chừng mực ý nghĩa này chứa đựng tính bản chất [của hiện thực] đạo đức [xã hội], Tự-ý thức hiện thực, một mặt, là quốc gia-dân tộc trong hai phương diện của nó, đó là phương diện nhà nước hay đúng hơn là “nhà nước-đô thị” (Demos) [của cổ Hy Lạp] và phương diện kia là tính cá biệt của đời sống gia đình; còn mặt khác, nó lại là cái biết thuần túy, tự giác hay là tư duy thuần lý về cái phổ biến[3]. “Nhà nước-đô thị” (Demos) này, tức quảng đại quần chúng, –biết chính mình như là người chủ và người cầm quyền, cũng như biết rằng mình là trí tuệ và sự thức nhận cần phải được tôn trọng – lại bị cưỡng chế và lừa bịp bởi tính đặc thù của đời sống hiện thực [của đời thường] và [do đó] phô bày sự tương phản buồn cười [trở thành đối tượng của hài kịch] giữa quan niệm về chính mình với sự hiện hữu trực tiếp của mình, giữa tính tất yếu và tính bất tất, giữa tính phổ biến (Allgemeinheit) và tính dung tục tầm thường (Gemeinheit) của mình. Nếu nguyên tắc của tính cá biệt của nó – bị cắt rời khỏi cái phổ biến – xuất đầu lộ diện trong hình thái đặc thù của [con người] hiện thực – vốn là một mối nguy hại tiềm tàng đối với đời sống cộng đồng – công khai tiếm quyền và thống trị cộng đồng, thì càng bộc lộ trực tiếp hơn sự tương phản giữa một bên là cái phổ biến xét như là “lý thuyết” [“cộng đồng thành quốc” như là “ý chí phổ biến” của mọi thành viên] với bên kia là cái gì thuộc về “thực tiễn”: ở đó bộc lộ sự thoát ly [“giải phóng”] hoàn toàn của những mục đích của tính cá nhân trực tiếp khỏi cái trật tự phổ biến và là sự chế nhạo của tính cá biệt này trước trật tự ấy[4].

 

§ 746

[b) Tính không-bản chất của tính cá nhân trừu tượng của thần linh:][5]

Tư duy thuần lý giải thoát Bản chất thần linh ra khỏi hình thái bất tất và, đối lập lại với sự khôn ngoan vô-khái niệm [thiếu phê phán] của đoàn đồng ca vốn tạo ra mọi loại châm ngôn đạo đức và ban giá trị và hiệu lực cho một loạt những quy luật và những quan niệm nhất định về nghĩa vụ và quyền hạn, tư duy thuần lý nâng tất cả những điều này lên thành những Ý niệm đơn giản về cái ĐẸP và cái THIỆN[6](1175). Tiến trình của sự trừu tượng này chính là ý thức về phép biện chứng ở nơi bản thân những châm ngôn và quy luật nói trên, và do đó, là ý thức về sự tiêu biến đi của tính hiệu lực tuyệt đối mà chúng đã thể hiện trước đây. Vì lẽ tính cách bất tất và tính cá nhân hời hợt – mà sự hình dung bằng biểu tượng [sự tưởng tượng] đã cho những tính bản chất thần linh vay mượn – đều tiêu biến hết, nên – dựa theo phương diện tự nhiên của mình, nơi những Bản chất thần linh chẳng còn lại gì ngoài sự trần trụi của sự hiện hữu trực tiếp; họ là “những Đám mây”, một màn khói mong manh đang tan dần không khác gì những biểu tượng tưởng tượng kia[7]. [Bởi] tương ứng với tính bản chất của mình là được xác định bằng tư tưởng nên những Bản chất thần linh đã chuyển hóa thành những ý niệm đơn giản về cái Đẹp và cái Thiện, những ý niệm có thể được lấp đầy bằng bất kỳ loại nội dung nào. Sức mạnh của cái biết biện chứng [ám chỉ các lý lẽ trong vở hài kịch “Những đám mây” trên đây của Aristophanes] phó mặc những quy luật nhất định và những châm ngôn hành động cho sự khoái lạc và nông nỗi của tuổi trẻ, những người dễ bị sức mạnh ấy dụ dỗ, và trao vũ khí lừa bịp vào trong tay của đám người lão thành [ám chỉ nhân vật “Socrate” trong vở kịch trên] luôn sợ hãi và lo âu, [vì] bị giới hạn vào những chi tiết cá biệt, vụn vặt của đời thường. Như thế, các ý niệm [tư tưởng] thuần túy về cái Đẹp và cái Thiện phô diễn một vở hài kịch: do được giải phóng khỏi quan niệm – vừa là tính quy định của chúng như là nội dung, vừa là tính quy định tuyệt đối của chúng – tức khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của ý thức đối với chúng, chúng trở nên trống rỗng và chính vì thế, trở thành trò chơi của tư kiến và của sự tùy tiện của bất kỳ tính cá nhân bất tất nào.

 

§ 747

[c) Tự ngã cá biệt, xác tín về chính mình như là cái Bản chất tuyệt đối:]

Cho nên, ở đây, định mệnh, – vốn trước đó không có ý thức và ở trong sự yên bình trống rỗng và sự lãng quên, bị tách rời khỏi Tự-ý thức – nay đã được hợp nhất với Tự-ý thức. Cái Tự ngã cá biệt [trong hài kịch. N.D] là sức mạnh phủ định, qua đó và trong đó những thần linh cũng như những yếu tố của họ – tức Tự nhiên như là sự hiện hữu và những tư tưởng về các tính quy định của họ – đều tiêu biến đi. | Đồng thời, cái Tự ngã cá biệt [trong hài kịch. N.D] không phải là sự trống rỗng đơn thuần của sự tiêu biến này, trái lại, tự bảo tồn chính mình ở trong chính bản thân việc “hư vô hoá” này, là tồn tại “nơi chính mình” (bei sich) và là hiện thực duy nhất. Tôn giáo nghệ thuật đã [đạt tới sự] hoàn tất ở trong cái Tự ngã cá biệt này, và đã hoàn toàn quay trở về bên trong chính mình. Thông qua sự việc rằng nó chính là ý thức cá biệt trong sự xác tín về chính bản thân mình, tự diễn tả mình như là sức mạnh tuyệt đối này, nên sức mạnh tuyệt đối này đã mất đi hình thức của một cái gì được hình dung bằng biểu tượng (ein Vorgestelltes) bị tách rời và xa lạ với ý thức nói chung – giống như tình trạng trước đây của những pho tượng, rồi của vẻ đẹp sống động của thân thể, hay trong nội dung của anh hùng ca và của những thế lực và nhân vật trong bi kịch. | Hơn thế nữa, sự thống nhất này không phải là sự thống nhất không có ý thức của việc thờ cúng và của những bí nhiệm; trái lại, đúng hơn, đây là cái Tự ngã đích thực của người diễn viên hợp nhất với nhân vật do mình đóng vai; cũng như người khán giả hoàn toàn hòa nhập như trong một nhà với những gì được trình diễn và thấy chính mình đang đóng vai trong vở diễn. Điều mà Tự-ý thức này trực nhận (anschaut) là: bất cứ cái gì mang hình thức của tính bản chất [như thể] đối lập lại với Tự-ý thức thì thật ra đều bị giải thể ngay bên trong Tự-ý thức, tức bên trong tư tưởng, sự hiện hữu và việc làm của Tự-ý thức và hoàn toàn bị giao phó cho Tự-ý thức. | Đó là sự quay trở về của tất cả những gì phổ biến vào trong sự xác tín về chính mình, một sự xác tín, qua đó, hoàn toàn mất đi nỗi sợ hãi trước bất cứ cái gì xa lạ, cũng như hoàn toàn làm mất đi tính bản chất của tất cả cái gì xa lạ. | Sự xác tín như thế chính là một tình trạng khỏe khoắn (ein Wohlsein) và được khỏe khoắn của Ý thức mà nó không còn tìm được ở đâu ngoài [loại hình] hài kịch này[8].

 



[1] Tôn giáo nghệ thuật khởi đầu với việc tiêu biến của Tự ngã vào trong thần linh và bây giờ, kết thúc với việc tan rã, tiêu biến của thần linh vào trong Tự ngã. Ta có thể so sánh tiến trình vận động này với tiến trình của sự Khai sáng trước đây (§574 và tiếp).

[2] Bản chất thần linh sẽ được hài kịch xem xét từ hai phương diện ý nghĩa: tự nhiên và xã hội. Tính độc lập giả mạo của “tính bản chất thần linh” ở cả hai mặt này sẽ trở nên “khôi hài” đối với Tự-ngã (tức đối với “Tự-ý thức hiện thực”). Kết quả sẽ là: chỉ có cái Tự ngã cá biệt, xác tín về chính mình mới là cái Bản chất tuyệt đối: tiền đề cho sự ra đời của tôn giáo khải thị.

[3] Xét Bản chất thần linh từ cách nhìn thứ hai, tức xét nó như tính bản chất đạo đức (xã hội của cổ Hy Lạp), ta có ở đây phép biện chứng của những “nhà ngụy biện” (Sophiste) cổ đại: vạch rõ tính “khôi hài” của “quốc gia-dân tộc” khi sự thiết định chính mình như là ý chí phổ biến; rồi đến tính “khôi hài” của các tư tưởng trừu tượng về “cái Thiện” và “cái Ác”.

[4] Ám chỉ nhân vật Cleon trong hài kịch “Những hiệp sĩ” của Aristophanes.

[5] Điểm này liên quan đến “cái biết thuần túy tự giác” hay “tư duy thuần lý về cái phổ biến”.

[6] Ám chỉ Socrate.

[7] Ở đây, Hegel liên hệ đến vở hài kịch “Những đám mây” của Aristophanes. Vở kịch nhằm đả kích nền giáo dục ngụy biện mà đại diện là Socrate. Ông dạy cho môn sinh là Strepsiades rằng những vị thần đích thực không phải là những vị thần của dân chúng mà là những đám mây (theo nghĩa là “sương, móc và bóng mờ). Strepsiades còn muốn học cách lừa gạt tiền vay đối với chủ nợ và bảo con trai mình (Pheidippides) học cách giúp cho việc xấu được giành thắng lợi. Nhằm mục đích đó, một cuộc tranh luận tay đôi nổ ra giữa đại diện phía “tốt” và phía “xấu” với thắng lợi nghiêng về phía xấu.

[8] Về sự khác nhau giữa hài kịch cổ đại và hài kịch hiện đại, xem thêm: Hegel, Mỹ học, phần hài kịch.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt