Triết học nghệ thuật

Tác phẩm nghệ thuật trừu tượng

 

TÔN GIÁO [TRONG HÌNH THỨC] NGHỆ THUẬT

1 2 3 4

 

a

TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT TRỪU TƯỢNG

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. Phiên bản điện tử đăng trên website này đã có sự đồng ý của dịch giả.


 


 

§ 705

Tác phẩm nghệ thuật đầu tiên – vì mang tính trực tiếp – nên là trừu tượng và cá biệt. Về phần mình, tác phẩm nghệ thuật phải rời bỏ phương cách trực tiếp và khách quan này để hướng đến Tự-ý thức; trong khi đó, về phía khác, Tự-ý thức – qua việc “thờ cúng” (Kultus) – nỗ lực để vượt bỏ sự phân biệt ban đầu giữa nó với Tinh thần của mình; và như thế, tiến tới tạo ra tác phẩm nghệ thuật sinh động ngay nơi bản thân tác phẩm[1].

 

§ 706

[I. Hình ảnh tạo hình về những vị thần linh:]

Phương thức đầu tiên – trong đó Tinh thần-nghệ thuật giữ cho hình thái [tạo hình] và ý thức hành động của nó cách xa nhau càng nhiều càng tốt – là phương thức trực tiếp, nghĩa là hình thái [tạo hình] hiện diện đơn thuần ở đây như là “sự vật” nói chung (Ding überhaupt)[2]. Trong phương thức này, hình thái tự phân hóa bằng sự phân biệt giữa tính cá biệt mang hình thái của Tự ngã và tính phổ biến biểu đạt cái bản chất vô cơ trong quan hệ với hình thái ấy, tức cái môi trường chung quanh và bối cảnh cư trú[3]. Hình thái này đạt được hình thức thuần túy – là hình thức vốn thuộc về Tinh thần – nhờ cái toàn bộ đã được nâng lên lãnh vực của Khái niệm thuần túy. Hình thái ấy không còn là tinh thể làm nơi cư ngụ cho cái đã chết như ta đã thấy trong cấp độ “giác tính” [các kim tự tháp cổ Ai Cập] hay được chiếu rọi ánh sáng từ một linh hồn ở bên ngoài. | Nó cũng không còn là sự pha trộn giữa những hình thức của tự nhiên và của tư tưởng, sự pha trộn nảy sinh từ đầu do sự kết hợp với cây cối, với thế giới thực vật; hoạt động của tư tưởng ở cấp độ này vẫn mới chỉ là một sự bắt chước, mô phỏng [giới thực vật]. Trái lại, Khái niệm gạt bỏ hết những tàn dư của rễ, cành, lá còn bám vào những hình thức; tẩy sạch và biến chúng thành những hình thể (Gebilde), trong đó những đường thẳng và mặt phẳng của tinh thể [các kim tự tháp, các cột tháp của cổ Ai Cập] được nâng lên thành những tỉ lệ vô ước (inkommensurable Verhältnisse) [quan hệ không thể so sánh với nhau được giữa đường thẳng và đường cong. N.D], khiến cho sự linh hoạt của cái hữu cơ được tiếp thu vào trong hình thức trừu tượng của giác tính và đồng thời, bản chất của sự linh hoạt này – tức tính vô ước (Inkommensurabilität) – được bảo tồn cho giác tính[4].

 

§ 707

Tuy nhiên, vị thần linh cư ngụ bên trong [vốn] là Hòn Đá đen được rút ra khỏi vỏ bọc thú vật và được thấm nhuần bằng ánh sáng của ý thức[5]. Hình thái con người gạt bỏ hình thái thú vật mà nó đã bị pha trộn. | Đối với vị thần linh, hình thái thú vật chỉ là một lớp áo bất tất, tạm thời; thú vật xuất hiện ra bên cạnh hình thái đúng thật của nó và không còn có giá trị “cho mình” nào nữa, trái lại, bị hạ thấp xuống cấp độ của một dấu hiệu [tượng trưng] đơn thuần cho một cái gì khác với nó[6]. Chính vì lý do ấy, hình thái của thần linh cũng gạt bỏ nơi chính mình sự nghèo nàn của những điều kiện tự nhiên của sự hiện hữu thú vật và cho thấy rằng những sắp xếp bên trong của đời sống hữu cơ [động vật] bị tiêu tan dần thành bề mặt của hình thức và chỉ thuộc về bề mặt này mà thôi.

Trong khi đó, bản chất của Thần linh là sự thống nhất giữa hiện hữu phổ biến của Tự nhiên và Tinh thần tự giác; Tinh thần này xuất hiện ra trong hiện thực ở tư thế đối lập lại với cái trước. Đồng thời, vì thoạt đầu là một hình thái cá biệt, nên sự hiện hữu của Thần linh là một sự hiện hữu trong số những yếu tố của Tự nhiên, giống như hiện thực tự giác của Thần linh là một Tinh thần của quốc gia-dân tộc cá biệt (Volksgeist) [chẳng hạn: thành quốc Hy Lạp cổ đại. N.D]. Nhưng, trong sự thống nhất này, yếu tố trước [yếu tố hiện hữu tự nhiên] là yếu tố đã được phản tư ngược lại vào trong Tinh thần, là Tự nhiên đã được tư tưởng làm cho trong suốt và hợp nhất với đời sống tự giác. Do đó, hình thái của những thần linh chỉ còn giữ lại trong chính mình yếu tố tự nhiên của mình như yếu tố đã được vượt bỏ, như là một hồi ức mờ nhạt. Cảnh hỗn mang và hỗn chiến giữa những yếu tố tồn tại tự do và tách biệt với nhau, vương quốc hỗn loạn không có tính trật tự đạo đức [xã hội] của những Ti-tan bị khuất phục và bị đẩy ra vùng ngoại vi của hiện thực đã trở thành trong suốt, ra tận vùng biên giới mù mịt của thế giới nay đã tìm ra chính mình trong lãnh vực Tinh thần và đã đạt được sự yên bình ở đó. Những vị thần cổ xưa này, những đứa con đầu lòng do sự hôn phối giữa Ánh sáng và Bóng tối, thoạt đầu tách biệt nhau như Trời, Đất, Biển, Mặt trời, Lửa cuồng phong mù quáng của Đất và v..v. đều được thay thế bằng những hình thái chỉ còn mang dư âm hồi tưởng mờ nhạt về những vị thần Ti-tan cổ xưa ấy, và không còn là những bản chất tự nhiên nữa mà trở thành những Tinh thần mang tính đạo đức sáng sủa (klare sittliche Geister) của những quốc gia-dân tộc tự giác[7].

 

§ 708

Như thế, hình thái đơn giản này đã tiêu trừ bên trong chính mình sự bất an, không ngơi nghỉ của việc cá thể hóa bất tận; đó là việc cá thể hóa ở cả hai phía: trong đời sống của Tự nhiên, là cái chỉ vận hành một cách tất yếu với tư cách là bản chất phổ biến nhưng lại bất tất trong hiện hữu hiện thực và trong tiến trình vận động của mình; cũng như trong đời sống của một quốc gia-dân tộc, là cái bị phân tán thành những “lãnh vực” đặc thù của hành động và thành những tâm điểm cá lẻ của Tự-ý thức và có sự hiện hữu đa tạp trong hành động và ý nghĩa. | Tính đơn giản của hình thức này đã tiêu trừ mọi sự cá thể hóa này và mang chúng lại với nhau trong một tính cá nhân yên bình bên trong chính mình. Vì thế, tình trạng bất an, không ngơi nghỉ đứng đối lập lại với hình thức này; còn cái đứng đối lập lại với tính cá nhân yên bình – tức cái bản chất – lại là Tự-ý thức, tức cái – với tư cách là nguồn gốc và nơi sản sinh ra tính cá nhân kia – không còn giữ lại cho mình điều gì khác hơn là sự hoạt động thuần túy. Điều gì vốn thuộc về Bản thể, nhà nghệ thuật đã dành toàn bộ cho tác phẩm của mình; còn cho bản thân mình, với tư cách là một tính cá nhân đặc thù nhất định, nhà nghệ thuật không mang lại hiện thực nào cả ở trong tác phẩm của mình. | Nhà nghệ thuật đã chỉ có thể cung cấp sự hoàn tất trọn vẹn cho tác phẩm bằng cách tự xuất nhượng (entäusserte) tính đặc thù của mình, tự lột bỏ sự tồn tại hình thể của mình (sich entkưrperte) [phi nhân cách hóa] và tự nâng mình lên đến sự trừu tượng của hoạt động [hay việc làm] thuần túy.

Trong hành vi sáng tạo đầu tiên và có tính trực tiếp này, sự tách rời giữa tác phẩm và hoạt động tự giác [của nhà nghệ thuật] chưa được tái hợp nhất lại. | Vì thế, tác phẩm không phải thực sự là một cái toàn bộ sống động (Beseelte) “cho-mình”, trái lại, nó chỉ là cái toàn bộ này khi cả tiến trình trở thành của nó được xem xét cùng với nó. Điểm chung nơi tác phẩm nghệ thuật, – để biết rằng nó được tạo ra ở bên trong ý thức và được bàn tay con người thực hiện – chính là mô-men (Moment) của Khái niệm hiện hữu như là Khái niệm đối lập lại với tác phẩm. Và nếu Khái niệm này, với tư cách là nhà nghệ thuật hay là người thưởng ngoạn, đủ vong kỷ đến độ tuyên bố rằng tác phẩm nghệ thuật “tự nó” là tuyệt đối sống động và quên bản thân mình đi với tư cách là tác nhân hay người thưởng lãm, thì, ngược hẳn lại, ta phải nhấn mạnh đến Khái niệm về Tinh thần [vì] Khái niệm ấy không thể thiếu yếu tố tồn tại tự giác về chính mình. Thế nhưng, yếu tố này lại đứng đối lập lại với tác phẩm, bởi Khái niệm – trong sự phân đôi đầu tiên này của nó – mang lại cho cả hai phía những sự quy định trừu tượng và đối lập nhau giữa việc “làm ra” một điều gì [hoạt động của nhà nghệ thuật] và việc “tồn tại như sự vật” [tác phẩm nghệ thuật] và việc quay trở lại của chúng vào trong sự thống nhất mà chúng đã xuất phát là chưa thực hiện được[8].

 

§ 709

Như vậy, nhà nghệ thuật trải nghiệm nơi tác phẩm của mình rằng mình đã không tạo ra được một bản chất ngang bằng với chính mình. Đành rằng từ tác phẩm của mình, có một ý thức dội ngược trở lại cho nhà nghệ thuật theo nghĩa là có một đám đông ngưỡng mộ tôn thờ tác phẩm như là Tinh thần, xem Tinh thần ấy là bản chất của họ. Tuy nhiên, sự hứng khởi này – bởi nó chỉ mang lại Tự-ý thức cho nhà nghệ thuật đơn thuần bằng phương thức ngưỡng mộ – thật ra là một sự thú nhận đối với nhà nghệ thuật rằng tác phẩm được đón nhận bằng sự hứng khởi là không cùng một trình hạn như là bản thân nhà nghệ thuật. Vì rằng Tự ngã quay trở lại với nhà nghệ thuật đơn thuần trong hình thức của sự hân hoan, nên nhà nghệ thuật không tìm thấy trong đó nỗi đau đớn của việc rèn luyện và sáng tạo của mình lẫn nỗ lực vất vả của lao động sáng tạo. Thêm nữa, đám đông có thể đánh giá tác phẩm, hoặc hiến dâng lễ vật cho nó và đặt vào trong tác phẩm dấu ấn của ý thức của họ bằng bất kỳ phương thức nào: [song] nếu họ đặt bản thân họ – cùng với cái biết của họ – lên trên tác phẩm, nhà nghệ thuật biết rằng hành vi sáng tạo của mình có giá trị nhiều hơn biết bao so với những gì họ hiểu và phát biểu ra; còn nếu họ đặt mình ở bên dưới tác phẩm và nhận ra trong đó cái bản chất đang ngự trị chính họ, nhà nghệ thuật lại nhận biết bản thân mình như là chủ nhân của bản chất này [chứ không phải “ngang bằng” với nó[9].

 

§ 710

[II. Ngôn ngữ Tụng ca:]

Vì thế, tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi một môi trường (Element) khác cho sự hiện hữu của nó; Thần linh [cũng] đòi hỏi phương thức xuất hiện khác hơn là phương thức trong đó, khi ra khỏi sự sâu thẳm của đêm tối sáng tạo, Thần linh sa đọa thành cái đối lập, thành tính ngoại tại, thành sự quy định của một “sự vật” không tự giác. Môi trường [hay chất liệu] cao hơn này chính là Ngôn Ngữ, – một [phương thức] hiện hữu vốn trực tiếp là sự hiện hữu tự giác[10].

Cũng giống như Tự-ý thức cá nhân hiện diện một cách trực tiếp trong ngôn ngữ, thì Tự-ý thức cũng hiện diện trực tiếp như là một sự “lây nhiễm” phổ biến; sự cá biệt hóa hoàn toàn thành cái tồn tại-cho-mình đồng thời cũng là sự liên tục trôi chảy và là sự thống nhất được tương giao một cách phổ biến của nhiều Tự ngã khác nhau; ngôn ngữ là linh hồn (Seele) hiện hữu như là linh hồn. Do đó, Thần linh – khi có ngôn ngữ làm môi trường hiện thân của mình – là tác phẩm nghệ thuật được sống động hóa tự nơi chính mình (an sich beseelt) [được phú cho một linh hồn]; là một tác phẩm chứa đựng trực tiếp trong sự hiện hữu bên ngoài của mình sự hoạt động thuần túy vốn tách rời và đối lập lại với nó khi Thần linh đã hiện hữu như một “sự vật” trước đây. Nói cách khác, Tự-ý thức, – khi bản chất của nó trở thành đối tượng khách quan [hay khi đối tượng hóa bản chất của mình] – vẫn trực tiếp là một với chính mình, vẫn ở ngay nơi “ngôi nhà” của chính mình (bei sich). Vậy, khi ở ngay tại “ngôi nhà” của chính mình trong bản chất của mình như thế (so in seinem Wesen bei sich selbst seiend), Tự-ý thức là tư tưởng thuần túy hay là sự sùng mộ (die Andacht) mà tính nội tại của nó đồng thời có được sự hiện hữu [ra bên ngoài] trong hình thức của tụng ca (Hymne)[11]. Tụng ca hàm chứa bên trong chính mình tính cá biệt của Tự-ý thức; và tính cá biệt này đồng thời được “nghe ra” như tính cá biệt phổ biến đang trực tiếp hiện diện. | Sự sùng mộ được thắp sáng lên nơi tất cả mọi người, là một dòng chảy tinh thần. | Dòng chảy ấy – trong tính đa tạp của Tự-ý thức – có ý thức về việc làm của chính mình như là về cùng một việc làm giống nhau của tất cả mọi người và như là về cùng một tồn tại đơn giản như nhau. | Tinh thần, – với tư cách là Tự-ý thức phổ biến này của mọi người – có tính nội tại thuần túy của nó cũng như sự tồn tại “cho-những-người-khác” lẫn sự tồn tại “cho-mình” của những cá nhân riêng lẻ trong MỘT nhất thể [duy nhất].

 

§ 711

 [Loại] ngôn ngữ [tụng ca] này phân biệt với phương thức phát ngôn khác của Thần linh, đó là sấm ngôn (Orakel), tức không phải loại ngôn ngữ của Tự-ý thức phổ biến. Lời sấm ngôn của Thần linh không những ở nơi các tôn giáo nghệ thuật mà cả ở những tôn giáo trước đó là phương thức phát ngôn đầu tiên và tất yếu của Thần linh, – bởi chính Khái niệm [nguyên tắc] về Thần linh đã hàm chứa rằng Thần linh là bản chất của cả Tự nhiên lẫn của Tinh thần; và vì thế, Thần linh không chỉ có sự hiện hữu đơn thuần tự nhiên mà cả sự hiện hữu mang tính tinh thần nữa. Nhưng, trong chừng mực yếu tố này mới chỉ được bao hàm ở trong Khái niệm về Thần linh chứ chưa được hiện thực hóa ở trong tôn giáo, thì, đối với Tự-ý thức tôn giáo, ngôn ngữ này là ngôn ngữ của một Tự-ý thức xa lạ [ở bên ngoài]. Cái Tự-ý thức vẫn còn xa lạ, ngoại tại đối với cộng đồng tôn giáo (Gemeine) của mình thì chưa có mặt ở đó đúng theo phương thức mà Khái niệm về nó vốn đòi hỏi. Cái Tự ngã tuy là cái tồn tại-cho-mình đơn giản, và như thế là hoàn toàn (schlechthin) phổ biến; thế nhưng, Tự ngã này – bị cắt rời khỏi Tự-ý thức của cộng đồng [tôn giáo] – thoạt đầu chỉ mới đơn thuần là một Tự ngã cá biệt.

Nội dung của loại ngôn ngữ riêng biệt và cá lẻ này dựa trên đặc điểm quy định phổ biến, trong đó “TINH THẦN TUYỆT ĐỐI” nói chung được thiết định ở trong tôn giáo về nó. Cho nên, Tinh thần phổ biến của [Thần] Ánh sáng mặt trời đang lên – vốn chưa đặc thù hóa sự hiện hữu của mình – phát biểu về Bản chất [Hữu thể tuyệt đối] cũng bằng những mệnh đề đơn giản và phổ biến: nội dung có tính bản thể của những mệnh đề phát biểu này tuy là cao cả [thiêng liêng] ở trong tính đơn giản của chân lý đúng thật của Bản chất [Hữu thể] ấy, nhưng bởi do tính phổ biến này mà nội dung ấy đồng thời xuất hiện ra một cách thô thiển, tầm thường (trivial) đối với Tự-ý thức ở giai đoạn được phát triển xa hơn.

 

§ 712

Cái Tự ngã đã phát triển xa hơn này – tức nâng mình lên để trở thành sự tồn tại cho-mình – sẽ làm chủ cái “khát vọng” (Pathos) thuần túy về Bản thể [không có ý thức], làm chủ tính đối tượng khách quan của Ánh sáng của Mặt trời lên và nhận biết rằng: tính đơn giản ấy của chân lý đúng thật với tư cách là cái Hiện hữu-tự-mình (das Ansichseiende) không còn mang hình thức của một hiện hữu bất tất thông qua trung gian của một tiếng nói xa lạ [sấm ngôn] mà nhận biết tính đơn giản này của chân lý như là quy luật vững chắc và bất thành văn của những thần linh, một quy luật “đã sống vĩnh hằng và không ai biết nó đã xuất hiện từ bao giờ”[12]. [Tuy nhiên], ở đây, giống như chân lý phổ biến – vốn đã được khai thị do [Thần] Ánh sáng trước đây – đã quay trở lại vào trong cái Bên trong hay Bên dưới [cõi âm], và như thế, đã xóa bỏ được hình thức của sự thể hiện bất tất, thì, cũng thế, ở mặt khác, trong tôn giáo nghệ thuật, bởi hình thái của Thần linh đã tiếp nhận ý thức và do đó, tiếp nhận tính cá biệt nói chung, nên phương thức phát biểu riêng biệt của Thần linh – Thần linh [bây giờ] là Tinh thần của một quốc gia-dân tộc đã được hình thành về mặt đạo đức [xã hội] – chính là lời sấm ngôn biết rõ những tình huống và công việc đặc thù của quốc gia-dân tộc ấy và loan truyền những gì có ích lợi cho công việc này. Tuy nhiên, tư duy phản tư [tư duy mang tính nhận thức – das wissende Denken – đã phát triển] đề ra yêu sách phải nhận biết minh bạch những chân lý phổ biến, bởi những chân lý này được nhận biết như là cái bản chất mặc nhiên, “tự-mình” (das Ansichseiende) [của đời sống quốc gia-dân tộc]; và do đó, đối với tư duy phản tư, sự phát biểu về chúng không còn là lời phán truyền xa lạ, từ bên ngoài, trái lại là của riêng chính nó. Cho nên, cũng giống như vị hiền triết thời cổ đại[13] đã đi tìm ngay trong tư duy của chính mình những gì là thiện, là mỹ, còn chỉ dành phần cho “vị thần linh” của ông ta[14] giải quyết nội dung bất tất và vụn vặt về những gì ông cần biết, chẳng hạn ông có nên giao du với người này hay người kia hay không, hoặc một trong những người bạn của ông có nên thực hiện chuyến du hành hay không, và toàn những sự việc tầm thường, không quan trọng tương tự như thế, thì, cũng bằng phương thức ấy, ý thức phổ biến [ý thức thông thường, phổ thông] đi tìm những hiểu biết về điều bất tất từ [việc bói] chim chóc, cây cối hay loại đất lên men mà hơi nước bốc lên của nó làm cho Tự-ý thức mất đi sự tỉnh táo, sáng suốt khi phán đoán. | Bởi vì, cái gì bất tất thì không phải là đối tượng của sự phản tư tỉnh táo và là xa lạ, ngoại tại, do đó, ý thức đạo đức [trong cộng đồng xã hội] cho phép mình giải quyết các vấn đề như thế theo cùng một kiểu thiếu phản tư và xa lạ, ngoại tại như gieo quẻ bằng một con súc sắc. Nếu cá nhân tự quyết bằng lý trí của mình và sau khi cân nhắc, chọn lựa điều gì có lợi cho bản thân thì thật ra, cơ sở của sự tự quyết này là dựa trên tính quy định của tính cách đặc thù của cá nhân ấy. | Bản thân cơ sở này cũng là cái gì bất tất; và do đó, cái biết do lý trí của cá nhân ấy cung cấp về điều có lợi cho bản thân cũng chẳng khác gì sự hiểu biết đến từ lời sấm ngôn và con súc sắc. | Chỉ có điều, khi cá nhân ấy hỏi lời sấm ngôn hay con súc sắc, người ấy [ít ra] chứng tỏ tình cảm đạo đức [ý thức xã hội] về việc có được thái độ dửng dưng đối với cái bất tất, trong khi thái độ trước [dùng lý trí của mình] lại chứng tỏ đã xem cái bất tất “tự-mình” như là mối quan tâm cơ bản của tư duy và cái biết của cá nhân ấy. Còn thái độ đứng cao hơn cả hai thái độ trên, không những phản tư rằng sấm ngôn là hành động bất tất, mà còn biết rằng bản thân hành vi phản tư này như là cái gì bất tất, do hành vi ấy chứa đựng phương diện bất tất, đó là: có quan hệ với cái gì đặc thù và nhắm đến cái có ích lợi [cái không tất yếu].

 

§ 713

Sự hiện hữu tự giác đích thực mà Tinh thần nhận được trong hình thái ngôn ngữ – không phải là ngôn ngữ của một Tự-ý thức xa lạ, bất tất, do đó, không phải của một Tự-ý thức phổ biến – chính là tác phẩm nghệ thuật [tụng ca] ta đã thấy trên đây. Tụng ca đối lập lại với vật tính [tính cách giống với “sự vật”] của pho tượng. | Trong khi pho tượng là hiện hữu bất động, thì tụng ca là sự hiện hữu đang tiêu biến đi (verschwindendes Dasein). | Trong cái trước, tính đối tượng khách quan được thả lỏng và thiếu cái Tự ngã trực tiếp của riêng nó; trong cái sau, ngược lại, tính đối tượng khách quan thu mình quá nhiều vào bên trong Tự ngã và thể hiện quá ít thành hình thái hiện thân; và – giống như thời gian –, không còn có mặt nữa ngay khi nó đang có mặt[15].

 

§ 714

[III. Sự thờ cúng:]

Sự thờ cúng (Kultus) kiến tạo nên tiến trình vận động của cả hai phương diện ấy; – một tiến trình, trong đó sự hiện thân của thần linh vừa là “động” ở bên trong xúc cảm thuần túy [tức trong yếu tố] của Tự-ý thức và vừa là “tĩnh” ở trong “môi trường” (im Element) của vật tính; cả hai yếu tố này, trong quan hệ qua lại với nhau, đều từ bỏ sự quy định dị biệt của riêng mình và sự thống nhất giữa chúng đạt tới sự hiện hữu (Dasein) [trở thành một sự kiện hiện thực]: chính sự thống nhất này là Khái niệm [nguyên tắc] về bản chất của hình thái thần linh. Chính ở trong sự Thờ cúng, Tự ngã mang lại cho mình ý thức về Hữu thể thần linh đang hạ giáng từ “phía Bên kia” của mình để đi đến với Tự ngã; và Hữu thể thần linh này – vốn thoạt đầu là Hữu thể không hiện thực và chỉ đơn thuần mang tính đối tượng – nay, qua hành vi thờ cúng, đạt được [tính] hiện thực đích thực của Tự-ý thức[16].

 

§ 715

Khái niệm [hay nguyên tắc] này về sự thờ cúng vốn đã được bao hàm và hiện diện một cách mặc nhiên, “tự-mình” ở trong dòng chảy của lời hát tụng ca. Sự sùng mộ này là sự thỏa mãn trực tiếp và thuần túy của Tự ngã thông qua chính mình và ở trong chính mình. Đó là tâm hồn đã được thanh tẩy; và trong sự thanh sạch đã đạt được này, tâm hồn trực tiếp chỉ là cái Bản chất [Hữu-thể thần linh] và là một với cái Bản chất. Tâm hồn, – bởi do sự trừu tượng của nó – không phải là ý thức phân biệt đối tượng của nó với chính nó; và do đó, đơn thuần là đêm tối của sự hiện hữu và là miếng đất đã được chuẩn bị sẵn cho hình thái hiện thân của đối tượng. Do đó, sự thờ cúng trừu tượng nâng Tự ngã lên tới môi trường (Element) thần linh thuần túy này. Tâm hồn hoàn tất việc thanh tẩy này một cách có ý thức. | Thế nhưng, tâm hồn vẫn chưa phải là cái Tự ngã đã đi xuống tận miền sâu của mình và tự nhận biết chính mình như là cái Xấu, Ác[17]. | Trái lại, nó là một hiện hữu trực tiếp (ein Seiendes), là một tâm hồn [chỉ mới] dùng nước tẩy sạch phần bên ngoài của mình, khoác vào cho nó bộ áo trắng trẻo, sạch sẽ, trong khi đó, phía bên trong nội tâm [còn phải] trải qua chặng đường dài được hình dung của lao động, của thưởng, phạt, chặng đường dài của việc đào luyện tinh thần nói chung, của việc xuất nhượng tính đặc thù của mình, – chặng đường dài nhờ đó tâm hồn mới đạt tới chỗ cư lưu và tham dự vào sự thiên phúc (Seligkeit)[18].

 

§ 716

Sự thờ cúng này, trong hình thức đầu tiên của nó, mới chỉ là ẩn mật, nghĩa là, một sự thực hiện được hoàn tất đơn thuần ở trong biểu tượng [tưởng tượng] và không hiện thực. | Nó phải trở thành một hành vi hiện thực, bởi một hành vi mà không hiện thực là tự mâu thuẫn [contradictio in adjecto]. Qua đó, ý thức đích thực nâng mình lên thành Tự-ý thức thuần túy của mình. Ở trong ý thức, Bản chất [thần linh] có ý nghĩa của một đối tượng tự do[19]; nhờ thông qua nghi lễ thờ cúng hiện thực, đối tượng này mới đi vào trong Tự ngã; và trong chừng mực, nơi ý thức thuần túy, đối tượng này có ý nghĩa của Bản chất thuần túy ở phía “bên kia” hiện thực, thì, thông qua tiến trình trung giới của việc thờ cúng, Bản chất này đi từ tính phổ biến của mình xuống thành tính cá biệt; và, như thế, nối kết và hợp nhất chính mình với hiện thực.

 

§ 717

Phương thức mà hai phương diện này đi vào trong hành động có đặc điểm là: về phương diện tự giác, trong chừng mực phương diện này là ý thức hiện thực thì Bản chất [thần linh] tự biểu hiện ra như là Tự nhiên hiện thực. | Một mặt, Tự nhiên này thuộc về ý thức như là sở hữu và tài sản, và do đó, có giá trị như cái hiện hữu không tồn tại-tự-mình (an sich) [per se]. | Mặt khác, Tự nhiên lại là hiện thực trực tiếp và tính cá biệt của riêng ý thức, do đó cũng bị xem như là cái gì không phải bản chất (Nichtwesen) và bị vượt bỏ [vẻ độc lập bề ngoài]. Nhưng đồng thời, đối với ý thức thuần túy, Tự nhiên bên ngoài ấy có ý nghĩa đối lập, đó là ý nghĩa của Bản chất [thần linh] tồn tại-tự-mình mà Tự ngã hy sinh tính không-bản chất của mình cho Bản chất ấy; cũng như ngược lại Tự ngã hy sinh phương diện không-bản chất của Tự nhiên cho chính mình. Điều này làm cho hành vi trở thành tiến trình vận động mang tính tinh thần, bởi nó là tiến trình song phương: vừa thủ tiêu sự trừu tượng của Bản chất [thần linh] (đó là phương thức sự sùng mộ xác định đối tượng của nó), và biến Bản chất ấy thành hiện thực [cụ thể]; vừa thủ tiêu cái hiện thực (đó là phương thức tác nhân hành động xác định đối tượng và xác định chính mình), và nâng cái hiện thực ấy lên thành tính phổ biến[20].

 

§ 718

Vì thế, bản thân hành vi thờ cúng bắt đầu với việc “dâng hiến” [từ bỏ] thuần túy [đơn giản] một vật sở hữu mà người chủ sở hữu làm ra vẻ vật ấy không hữu ích gì cho mình nên dâng hiến đi và cho thiêu hóa. Khi làm như vậy, người hiến cúng chứng tỏ trước cái Bản chất của ý thức thuần túy của mình rằng mình từ khước vật sở hữu, quyền sở hữu và sự thụ hưởng nó; từ khước nhân cách [của mình] và sự quay trở lại của hành vi vào trong Tự ngã; và, phản tư hành vi vào trong cái phổ biến, tức vào trong Bản chất (thần linh) hơn là vào trong chính mình. Song, ngược lại, Bản chất [thần linh] khách  quan ấy cũng bị tiêu vong trong chính hành vi này. Con vật được hiến tế là dấu hiệu tượng trưng của một vị thần; những trái cây được hưởng dụng là bản thân thần Ceres và Bacchus sống thực[21]. | Những quyền năng của luật pháp bên trên [các thần linh trên đỉnh Olymm do Zeus đứng đầu] – có huyết tính và sự sống hiện thực – chết đi trong con vật được hiến tế; những quyền năng của luật pháp bên dưới [các nữ thần báo thù] – không có huyết tính nhưng có quyền năng bí mật và mưu mô – tiêu vong trong những hoa trái được hưởng dụng.

Việc hy sinh bản thể thần linh, – trong chừng mực đó là hành vi [thờ cúng] – là thuộc về phương diện tự giác. | Nhưng, sở dĩ hành vi hiện thực này có thể có được là do bản thân Bản chất [thần linh] đã phải tự hy sinh chính mình một cách mặc nhiên. Bản chất đã làm điều này khi đã mang lại cho chính mình sự hiện hữu [bên ngoài] nhất định và đã biến mình thành một con vật cá lẻ và thành hoa trái trên trần gian này. Như thế, cái Tự ngã – thực hiện hành vi hiến cúng – thể hiện trong hiện hữu hiện thực và trước ý thức của chính mình sự từ khước đã được thực hiện một cách mặc nhiên, “tự-mình” của bản thân Bản chất, và thay thế cái hiện thực trực tiếp của Bản chất bằng một hiện thực cao hơn, đó là, bằng hiện thực của cái Tự ngã của chính mình [của người đã tiến hành việc hiến tế][22]. Bởi vì, sự thống nhất [hay hợp nhất] đã được hình thành, tức là kết quả của việc thủ tiêu tính cá biệt và sự phân cắt giữa hai phương diện không chỉ có số phận đơn thuần phủ định, hủy hoại mà còn có ý nghĩa tích cực, khẳng định. Chỉ có vật được hiến tế cho cái Bản chất trừu tượng của thế giới cõi âm mới bị hy sinh, dâng hiến hoàn toàn; và như thế, sự phản tư [sự nhượng bỏ] về những vật sở hữu và cái tồn tại-cho-mình vào trong cái phổ biến là được phân biệt minh nhiên với cái Tự ngã, xét như Tự ngã. Thế nhưng, đồng thời, phần dâng hiến này chỉ là một phần nhỏ; còn hành vi hy sinh khác chỉ đơn thuần là sự tiêu hủy cái gì [người dâng hiến] không thể sử dụng được; và thực ra là sự bàn soạn vật hiến tế thành một cỗ bàn có tính lừa dối, nằm bên ngoài ý nghĩa phủ định, tiêu hủy của nó. Trong việc hy sinh thứ nhất[23], người hiến tế giữ lại phần lớn nhất [thịt], cũng như trong việc hy sinh thứ hai, giữ lại phần ăn được để cho mình hưởng thụ. Sự hưởng thụ này là sức mạnh phủ định, thủ tiêu cả Bản chất lẫn tính cá biệt; và đồng thời là hiện thực khẳng định, tích cực, trong đó sự hiện hữu khách quan của Bản chất đã được chuyển hóa thành sự hiện hữu tự-giác; và trong đó, Tự ngã có được ý thức về sự hợp nhất của mình với cái Bản chất (thần linh).

 

§ 719

Vả lại, tuy việc thờ cúng này là một hành vi hiện thực, nhưng ý nghĩa của nó phần lớn vẫn chủ yếu nằm trong việc sùng mộ. | Cái gì thuộc về sự sùng mộ (Andacht) thì không được tạo ra một cách khách quan; cũng giống như cái kết quả – trong sự thụ hưởng [cỗ bàn] – thì bản thân bị tước đoạt mất sự hiện hữu bên ngoài của nó. Vì thế, sự thờ cúng đi thêm bước xa hơn và bù đắp sự khiếm khuyết này trước hết bằng cách mang lại cho sự sùng mộ của mình một sự tự tồn khách quan lâu bền, vì thờ cúng là trách vụ chung hay cũng là trách vụ cá nhân mà mỗi người và mọi người đều phải làm, đó là trách vụ tạo ra Ngôi Nhà cho đấng Thần linh cư trú và trang hoàng lộng lẫy cho sự hiện diện của Ngài để vinh danh Ngài. Khi làm như thế, một mặt, tính đối tượng khách quan của những tượng thờ [trước đây] đã được vượt bỏ, bởi qua việc dâng hiến quà tặng và lao động lần này, người lao động làm cho Thần linh hướng về chính mình để phù hộ và trực nhận Tự ngã của mình thuộc về Thần linh; mặt khác, việc làm này không phải là lao động cá nhân, riêng lẻ của nhà nghệ thuật, trái lại, tính đặc thù này đã được tan hòa trong tính phổ biến. Nhưng, không chỉ sự vinh quang của đấng Thần linh là được thể hiện và ân phước của Ngài không chỉ nhuần gội trên người lao động trong sự tưởng tượng, trái lại, việc làm này còn có ý nghĩa là sự đảo ngược lại việc làm trước đây vốn chỉ là sự tự xuất nhượng chính mình và tôn vinh cái gì xa lạ và ngoại tại. [Từ nay], những Ngôi nhà và Hội trường của đấng Thần linh là để cho con người sử dụng; những kho báu tàng trữ trong đó cũng là của chính họ khi cần kíp; sự vinh quang mà Thần linh thụ hưởng trong sự trang hoàng lộng lẫy cũng là sự vinh quang của quốc gia-dân tộc tài hoa và hào hiệp [đã tạo dựng nên nó]. Vào mùa lễ hội, nhân dân trang hoàng nhà cửa, xiêm áo của mình cũng như của Thần linh với tất cả sự hoa lệ. Bằng cách ấy, họ nhận lại từ phần dâng hiến của mình sự báo đáp của đấng Thần linh luôn biết ghi nhận công đức của họ, và đón nhận bằng chứng về sự phù hộ của Thần linh, trong đó, qua việc làm của mình, quốc gia-dân tộc ấy trở thành hợp nhất với Thần linh không phải như với một niềm hy vọng và hiện thực xa xôi, trái lại, – trong việc chứng kiến sự vinh quang của Thần linh và hiến dâng lễ vật cho Ngài –, thấy mình đang trực tiếp thụ hưởng sự thịnh vượng và huy hoàng của chính mình[24].

 



[1] Tóm lược đặc điểm của tác phẩm nghệ thuật trừu tượng và sự chuyển hóa sang tác phẩm nghệ thuật sinh động. Tác phẩm nghệ thuật đầu tiên là “trừu tượng” và “cá biệt” vì nó bị đặt ra ở bên ngoài hoạt động tinh thần của nhà nghệ thuật đã tạo ra nó, tức hình ảnh tạo hình về thần linh. Như sẽ thấy, tác phẩm nghệ thuật trừu tượng này sẽ gồm ba bước (Momente) phát triển: a) – sự hình dung khách quan về các thần linh bằng nghệ thuật điêu khắc (cổ Hy Lạp, khác với kỹ thuật kiến trúc của cổ Ai Cập ở giai đoạn trước). Những tác phẩm tạo hình này vừa có chỗ mạnh, vừa có chỗ yếu, do không gắn với nỗi ưu tư, khắc khoải của nhà nghệ thuật sáng tạo; b) – về phía Tự-ý thức, là tính nội tâm thuần túy và đồng thanh nhất trí bằng ngôn ngữ của Tụng ca (Hymne) (khác với ngôn ngữ “sấm ngôn” có tính đặc thù, bí hiểm của giai đoạn trước); và c) – sự thống nhất hay hợp nhất của tính ngoại tại (a) và tính nội tại (b) ở trong việc thờ cúng (Kultus), tiền đề của hình thức nghệ thuật sinh động tiếp theo.

[2] Sự phân ly này tương ứng với điều mà Nietzsche sẽ gọi là yếu tố Apollon (yếu tố minh bạch, điều độ, sáng sủa) trong nghệ thuật.

[3] Sự phân biệt này ở bên trong tác phẩm tương ứng với sự phân biệt giữa điêu khắc (hình tượng cá biệt về thần linh) và kiến trúc (đền thờ chung quanh với tượng thần ở bên trong).

[4] Xem: Hegel, Mỹ học, phần Kiến trúc cổ điển: đền thờ Hy Lạp và cột tròn.

[5] Tính nội tại thuần túy của Hòn đá đen (§696) trở thành tính ngoại tại của pho tượng. Pho tượng này không còn thể hiện các hình thể thú vật mà đã được ánh sáng của ý thức thâm nhập, tức được mang hình thể con người trong tính thuần túy.

[6] Chẳng hạn: chim đại bàng là dấu hiệu tượng trưng cho thần Dớt (Zeus). (Xem thêm: Hegel: Mỹ học I, trang 510. Về các phần còn lại trong mục a này cũng có thể tham khảo thêm trong “Mỹ học I”. Bản dịch của Phan Ngọc, NXB Văn học, 1999).

[7] Đây là sự hình thành của Lý tưởng hay Ý thể (Ideal) cổ điển. Xem: Mỹ học: phần nghệ thuật cổ điển nói chung, tập II.

[8] Bước ngoặt biện chứng quan trọng trong tiểu đoạn §708: khi kiến tạo nên tính cá nhân yên bình, ý thức-tinh thần [Tự-ý thức] đã giữ lại cho mình mô-men (Moment) của sự bất an [không ngưng nghỉ] và sự hoạt động thuần túy (reine Tätigkeit). Biện chứng này không chỉ đơn thuần diễn ra trong lãnh vực tôn giáo nghệ thuật, trái lại, trong Hegel, ta không ngừng tìm thấy biện chứng này trong sự đối lập giữa “sự thật” như là ý tưởng (ý niệm) với “sự vận động”, nhờ đó sự thật (hay “tồn tại”) tự thiết lập, v.v.. (xem lại: 566). Toàn bộ học thuyết Hegel là một nỗ lực để tái hợp nhất hai yếu tố này. Ở đây, như Hegel nhấn mạnh cái toàn bộ chỉ có được là nhờ sự thống nhất giữa tác phẩm và tiến trình trở thành của nó. Ý nghĩa đặc thù được Hegel dành cho chữ “Khái niệm” – khi ông định nghĩa triết học của mình bằng Khái niệm – cũng sẽ sáng tỏ, khi ta xét yếu tố “sự hoạt động” (Tätigkeit) là “Khái niệm hiện hữu như là Khái niệm”.

[9] Sự ngang bằng giữa hai mặt nhị bội này của Tinh thần (tác phẩm và Tự-ý thức sáng tạo nên tác phẩm) vẫn chưa được tạo ra. Điều này vượt khỏi khả năng của tôn giáo nghệ thuật và sẽ chỉ được thực hiện ở giai đoạn tôn giáo khải thị, là nơi “Tinh thần gặp gỡ và nhận biết Tinh thần” (§§748-787). Các đoạn sau cho thấy Hegel luôn so sánh thế giới cổ Hy Lạp (tôn giáo nghệ thuật) với thế giới Ki-tô giáo (tôn giáo khải thị). Ta nhớ rằng trong các tác phẩm thần học thời trẻ, Hegel đánh giá thế giới Hy Lạp cao hơn, nhưng về sau, sự đánh giá này dần dần nghiêng về thế giới sau.

[10] “Existenz”: xem chú thích 878 cho §508.

[11] – “Tụng ca” (Hymne): bài hát ca ngợi, suy tôn các vị thần, có nguồn gốc từ bài ca nghi lễ (tiếng Hy Lạp: Hymnos, còn được dịch là “bài ca tán mỹ” (xem: Nguyễn Văn Khỏa: “Thần thoại Hy Lạp”, NXB Văn học, 2004, tr. 21). (tiếp trang sau).

– “Sự sùng mộ” (Andacht): chữ này đã được dùng trong phần “ý thức bất hạnh” (§217) để chỉ tính chủ thể chưa vươn đến được tư duy (“mà chỉ mới hướng đến tư duy”/“geht es nur an das Denken hin”). J.H đặt câu hỏi phải chăng các đoạn tiếp theo bàn về “tụng ca” (Hymne) ở đây có lẽ thích hợp với âm nhạc của J.B.Bach hơn là với nghệ thuật Hy Lạp cổ đại.

[12] Sophokles: Bi kịch Antigone, Hegel đã dẫn câu này ở §437.

[13] Ám chỉ Socrate (khoảng 470-399 tr. TL) với câu nói nổi tiếng: “Ngươi hãy tự biết chính mình”.

[14] Tương truyền Socrate hay hỏi ý thần linh ở đền Delphie. Về cuộc “cách mạng tư duy” của Socrate, xem thêm: Hegel: Các bài giảng về lịch sử triết học, Tác phẩm, 1840, XIV, 2, tr. 39. Ngôn ngữ “sấm ngôn”tuy cũng là ngôn ngữ nhưng là của một Tự-ý thức xa lạ, vì bản chất thần linh còn pha trộn với yếu tố tự nhiên. Ngược lại, trong tôn giáo nghệ thuật, các “chân lý phổ biến” trút bỏ tính bất tất này và Tự-ý thức biết các chân lý ấy một cách trực tiếp ở nơi chính bản thân chúng. Đó chính là yêu cầu “Ngươi hãy tự biết chính mình” của Socrate, tức dùng chính tư duy của Tự-ý thức để nhận biết các chân lý phổ biến.

[15] Tính ngoại tại (vật tính) của pho tượng đối lập với tính nội tại của tụng ca. Sự hòa giải hay hợp nhất hai yếu tố này – tính ngoại tại và tính nội tại – sẽ được thực hiện trong sự thờ cúng (Kultus) được Hegel định nghĩa khái quát như sau: “Sự thờ cúng là mối quan hệ nhờ đó tính ngoại tại của Thần linh được vượt bỏ..., sự đồng nhất được thực hiện và Tự-ý thức đi đến chỗ có ý thức về việc Thần linh cư ngụ nơi chính mình”. (Hegel: Triết học về tôn giáo, chương II, tr. 149; J.H dẫn lại của E. de Negri trong bản dịch tiếng Ý).

[16] Vậy, trong việc thờ cúng có sự vận động nhị bội (nhân đôi): từ Tự-ý thức của con người hướng đến cái bản chất (thần linh) và từ cái bản chất (thần linh) đến Tự-ý thức.

[17] Theo Hegel, chỉ trong tôn giáo khải thị mới thực hiện được sự “đi vào trong chính mình” hay “sự tự quy” (Insichgehen) và mới có nhận thức về cái Ác.

[18] Có lẽ ám chỉ truyền thống tôn giáo của Orphie (thế kỷ thứ 7-5 tr. TL ở cổ Hy Lạp) và huyền học của Pythagore (570-500 tr. T.L).

[19] tức siêu việt lên trên Tự ngã, ở phía bên kia đối với Tự ngã.

[20] Văn tối nhưng ý rõ: Đối tượng có ý nghĩa nhị bội (gấp đôi). Đối với ý thức hiện thực, đối tượng là cái hiện hữu tự nhiên như là vật sở hữu hay như thực tại cảm tính của ý thức; còn đối với ý thức thuần túy, đối tượng là dấu hiệu biểu trưng của cái Bản chất (thần linh).

[21]  – Ceres: nữ thần của sự thịnh vượng và mùa màng nông nghiệp trong thần thoại La Mã (tức nữ thần Demeter trong thần thoại Hy Lạp). Xem: §721.

– Bacchus: (một trong các tên của thần Dionysos): vị thần tượng trưng cho rượu và sự vui mừng, hoan lạc, cuồng nhiệt. Xem: §721.

[22] Như thế, trong việc “hy sinh” (hiến tế), Bản chất thần linh từ bỏ tính bản chất thuần túy và “trao mình” cho Tự-ý thức; cũng giống như ở mặt ngược lại, Tự-ý thức tự nâng mình lên thành tính bản chất.

[23] “Việc hy sinh đầu tiên” này là những gì đã được dâng hiến cho “Bản chất trừu tượng của thế giới cõi âm dưới lòng đất” bằng con vật được hiến tế.

[24] Tính tương hỗ giữa Thần linh và con người cũng như sự hiện diện của tính tương hỗ ấy trong quan hệ giữa Thần và người đã được thực hiện ở trong sự thống nhất của cả hai. Trong các tác phẩm thời trẻ, Hegel nhấn mạnh đến sự đối lập giữa “dân tộc Hy Lạp hạnh phúc” và “dân tộc Do thái bất hạnh” (tiêu biểu cho “ý thức bất hạnh” luôn đặt Bản chất của mình ở phía “bên kia”, vĩnh viễn xa cách với con người).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt