Triết học xã hội

Những kết quả tương lai của sự thống trị của Anh ở Ấn Độ

 

NHỮNG KẾT QUẢ TƯƠNG LAI

CỦA SỰ THỐNG TRỊ CỦA ANH Ở ẤN ĐỘ

KARL MARX (1818-1883)

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

  1. Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ

 

Luân Đôn, thứ sáu, ngày 22 tháng Bảy 1853

Trong bài này, tôi có ý định tổng kết những nhận định của tôi về Ấn Độ.

Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ đã được lập nên như thế nào? Quyền lực tối cao của Đại Mô-gôn đã bị những tổng đốc của ông ta lật đổ. Thế lực hùng mạnh của các tổng đốc đã bị người Ma-rát-khơ đập tan[1]. Thế lực của người Ma-rát-khơ đã bị những người Áp-ga-ni-xtan đập tan và trong lúc tất cả bọn họ đang hỗn chiến với nhau thì đột nhiên người Anh xông đến và chinh phục được tất cả bọn họ. Một nước mà ở đó sự thù nghịch không những xảy ra giữa người Hồi giáo và người Ấn Độ giáo, mà còn xảy ra giữa bộ lạc này với bộ lạc kia, giữa đẳng cấp này với đẳng cấp kia; một xã hội mà toàn bộ cơ cấu của nó dựa trên một loại thế quân bình do sự bài xích lẫn nhau một cách phổ biến và do sự cách biệt cố hữu của mọi thành viên của nó quyết định, - lẽ nào một nước như vậy và một xã hội như vậy lại không trở thành miếng mồi của kẻ đi chinh phục? Ngay dù chúng ta không biết gì về lịch sử quá khứ của Hin-đu-xtan, thì lẽ nào một sự kiện quan trọng và không thể chối cãi được là ngay cả hiện nay, nước Anh vẫn còn nô dịch Ấn Độ bằng quân đội của Ấn Độ, do Ấn Độ đài thọ – lẽ nào sự kiện ấy lại không đủ làm cho chúng ta rõ hay sao? Như vậy, Ấn Độ đã không thể tránh được số phận bị chinh phục, và toàn bộ lịch sử quá khứ của Ấn Độ – nếu nói chung Ấn Độ có một lịch sử – là lịch sử của những cuộc chinh phục nối tiếp nhau mà Ấn Độ đã phải chịu đựng. Xã hội Ấn Độ không có lịch sử, hay ít ra là nó không được chúng ta biết đến. Cái mà chúng ta gọi là lịch sử của Ấn Độ thì chẳng qua chỉ là lịch sử của những kẻ đi chinh phục nối tiếp nhau, đã xây dựng đế chế của mình trên cơ sở thụ động của cái xã hội bất động, không hề phản kháng ấy. Vì vậy, vấn đề không phải là ở chỗ nước Anh có quyền chinh phục Ấn Độ hay không, mà ở chỗ chúng ta có cho rằng Ấn Độ bị người Thổ Nhĩ Kỳ, người Ba Tư, người Nga chinh phục thì tốt hơn là bị người Anh chinh phục hay không.

Nước Anh sẽ phải hoàn thành hai sứ mệnh ở Ấn Độ: sứ mệnh phá hoại và sứ mệnh xây dựng, - một mặt là phá hoại xã hội cũ của châu Á, và mặt khác là đặt cơ sở vật chất cho xã hội phương Tây ở châu Á.

Người A-rập, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Tác-ta, người Mô-gôn nối tiếp nhau chinh phục Ấn Độ, đều nhanh chóng đồng hóa với dân cư bản xứ. Theo một quy luật bất di bất dịch của lịch sử, chính bản thân những người man rợ đi chinh phục lại bị chinh phục bởi nền văn minh cao hơn của nhân dân những nước mà họ nô dịch. Người Anh là những kẻ chinh phục đầu tiên có một trình độ phát triển cao hơn, vì vậy họ không chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ. Họ đã thủ tiêu nền văn minh đó, bằng cách phá huỷ các công xã địa phương, xoá sạch nền công nghiệp bản xứ, san bằng tất cả những gì vĩ đại và cao đẹp trong xã hội Ấn Độ. Ngoài sự tàn phá ra thì những trang sử về sự thống trị của người Anh ở Ấn Độ vị tất đã nói lên một cái gì; công việc xây dựng của họ hầu như không có gì rõ nét đằng sau cái đống hoang tàn ấy. Tuy nhiên công việc ấy cũng đã bắt đầu.

Sự thống nhất Ấn Độ về mặt chính trị, một sự thống nhất vững chắc hơn và bao trùm một đất đai rộng lớn hơn bất cứ một thời kỳ nào dưới triều đại Mô-gôn, đã là tiền đề đầu tiên cho sự phục hưng của Ấn Độ. Sự thống nhất ấy được thực hiện với lưỡi kiếm của người Anh, giờ đây sẽ được củng cố và sẽ được củng cố mãi mãi bằng điện tín. Quân đội Ấn Độ do một hạ sỹ quan người Anh tổ chức và huấn luyện – là sine qua non1* để cho Ấn Độ tự giải phóng bằng lực lượng của bản thân mình và không còn là miếng mồi cho bất kỳ kẻ ngoại xâm nào. Báo chí tự do, lần đầu tiên được du nhập vào xã hội châu Á và chủ yếu do những người lai Âu và Ấn lãnh đạo, là một nhân tố mới và mạnh mẽ để cải tạo xã hội đó. Ngay các chế độ da-min-đa-ri và rai-át-va-ri, dù có xấu xa đến thế nào chăng nữa, cũng là hai hình thức tư hữu về ruộng đất, nghĩa là cái mà xã hội châu Á đang rất khao khát. Từ trong số dân cư bản xứ Ấn Độ mà người ta miễn cưỡng cho phép được có học vấn, trong một phạm vi rất nghèo nàn dưới sự kiểm soát của người Anh ở Can-cút-ta, đã xuất hiện một loại người mới, có những kiến thức cần thiết để quản lý đất nước và đã tiếp xúc với khoa học châu Âu. Hơi nước đã đem lại khả năng liên lạc một cách đều đặn và nhanh chóng giữa Ấn Độ và châu Âu, đã nối liền các hải cảng chính của Ấn Độ với tất cả các hải cảng của các biển ở phương Nam và phương Đông, và do đó đã đưa Ấn Độ ra khỏi tình trạng cô lập, vốn là cơ sở chủ yếu của sự đình trệ đã thống trị ở Ấn Độ. Chẳng bao lâu nữa sẽ đến ngày mà nhờ sự kết hợp giữa hệ thống các đường sắt và các đường thủy, khoảng cách giữa Anh và Ấn Độ đo bằng thời gian sẽ rút xuống còn tám ngày đường, và như vậy, một nước trước kia có tính chất thần thoại sẽ thật sự nối liền với thế giới phương Tây.

Các giai cấp thống trị Anh từ trước đến nay chỉ thỉnh thoảng, tạm thời và trong trường hợp ngoại lệ mới quan tâm đến sự phát triển của Ấn Độ. Tầng lớp quý tộc muốn chinh phục Ấn Độ, giới tài phiệt muốn cướp bóc Ấn Độ bằng hàng hóa rẻ của mình. Nhưng hiện nay tình hình đã biến đổi. Bọn đầu sỏ công nghiệp đã phát hiện ra rằng lợi ích thiết thân của chúng đòi hỏi phải biến Ấn Độ thành một nước sản xuất, và muốn thế, trước hết phải cung cấp cho Ấn Độ những công trình thủy lợi và những con đường giao thông trong nước. Giờ đây, các nhà công nghiệp có ý định tạo ra một mạng lưới đường sắt ở Ấn Độ. Họ sẽ làm việc đó, và việc đó nhất định sẽ đem lại những kết quả không lường được.

Ai cũng biết rằng những lực lượng sản xuất của Ấn Độ đã bị tê liệt vì hoàn toàn thiếu phương tiện vận tải cần thiết để vận chuyển và trao đổi những sản phẩm nhiều vẻ của nó. Không ở nơi nào trên thế giới mà người ta lại thấy một tình trạng xã hội nghèo nàn trong sự phong phú của thiên nhiên như ở Ấn Độ; và sở dĩ có tình trạng đó là vì thiếu những phương tiện trao đổi. Năm 1848, trong một tiểu ban của Hạ nghị viện Anh người ta đã xác định rằng: "trong lúc mà lúa mì bán từ 6 đến 8 si-linh một quác-tơ ở Can-đê-sơ, thì ở Pu-na lúa mì bán từ 64 đến 70 si-linh một quác-tơ, và dân ở đó bị chết đói trên các đường phố vì không có khả năng mua các thứ lương thực ở Can-đê-sơ, do đường lầy lội không thể đi lại được".

Việc xây dựng các đường sắt có thể được sử dụng một cách dễ dàng cho các mục đích nông nghiệp, cụ thể cho việc xây dựng những hồ chứa nước ở những nơi phải đào đất làm nền đường sắt, cũng như cho việc cung cấp nước cho những địa phương nằm ở dọc các đường sắt. Bằng cách đó có thể mở rộng mạnh mẽ hệ thống tưới nước nhân tạo, điều kiện sine qua non đối với nông nghiệp ở phương Đông, và có thể ngăn ngừa tình trạng đói kém tái diễn thường xuyên ở các địa phương do thiếu nước gây ra. Xét theo quan điểm đó, rõ ràng là đường sắt có một tầm quan trọng phổ biến, nếu chúng ta nhớ rằng ngay cả ở những vùng liền với dãy núi Gát người ta phải trả tiền thuế gấp ba lần cho những ruộng đất được tưới nước, rằng trên những ruộng đất đó số người làm việc đông gấp mười – mười hai lần, và chúng đem lại lợi nhuận gấp mười hai – mười lăm lần so với những ruộng đất cùng diện tích như thế nhưng không được tưới nước.

Các đường sắt sẽ đem lại khả năng giảm bớt quy mô của bộ máy chiến tranh và những chi phí để duy trì bộ máy đó. Viên đại tá Oa-ren, chỉ huy pháo đài Xanh Uy-li-am, đã phát biểu ý kiến như sau trong một tiểu ban đặc biệt của Hạ nghị viện:

"Khả năng có thể nhận được những tin tức từ các miền xa xôi trong nước trong mấy giờ thôi, trong lúc mà hiện nay điều đó đòi hỏi phải mất mấy ngày và thậm chí mấy tuần lễ nữa, khả năng có thể gửi chỉ thị cùng với các đơn vị quân đội và lương thực, đạn dược đến nơi trong một quãng thời gian ngắn hơn - ý nghĩa của những tình hình quan trọng đó khó mà đánh giá được hết. Các đơn vị đồn trú sẽ có thể được bố trí ở những quãng cách xa hơn và ở những vùng khí hậu tốt hơn so với hiện nay, và vì vậy sẽ tránh được cho nhiều người hiện nay đang phải chết vì bệnh tật. Người ta sẽ cần ít dự trữ hơn ở trong các kho tàng, và do đó sẽ tránh được những sự mất mát vì mục nát và vì ảnh hưởng tàn phá của khí hậu. Số lượng quân đội cũng có thể giảm xuống theo cùng với cái tỷ lệ tăng hiệu quả chiến đấu của những đội quân ấy".

Ai cũng biết rằng tổ chức tự trị và cơ sở kinh tế của các công xã nông thôn đã bị phá vỡ, nhưng nét xấu nhất của chúng, cụ thể là sự phân chia xã hội thành những nguyên tử đồng nhất, không gắn liền với nhau, thì hãy còn tồn tại. Sự cô lập của các công xã nông thôn đã đẻ ra tình trạng không có đường sá ở Ấn Độ, còn tình trạng không có đường sá thì lại duy trì mãi mãi sự cô lập của các công xã. Trong tình hình ấy, công xã tồn tại ở một mức sống thấp nhất định, gần như không giao dịch với các công xã khác, không thể hiện một sự mong muốn nào đối với sự tiến bộ xã hội và không hề có một sự cố gắng cần thiết nào để đạt tới sự tiến bộ đó. Ngày nay, khi người Anh đã đập tan cái quán tính tự túc của các công xã nông thôn, thì các đường sắt sẽ tạo ra nhu cầu mới về giao dịch và trao đổi. Ngoài ra, "một trong những hậu quả của hệ thống đường sắt sẽ là: nó sẽ làm cho mỗi làng mà nó đi qua, hiểu biết được những sự cải tiến và những thiết bị thực tiễn đã được áp dụng ở các nước khác, sẽ làm cho việc phỏng theo những cái ấy dễ dàng đến mức là những thợ thủ công cha truyền con nối và do các công xã nông thôn trả công ở ấn Độ, thứ nhất, có thể hoàn toàn tỏ rõ những năng lực của mình, và thứ hai, có thể bù đắp những chỗ thiếu sót của mình". (Sáp-men. "Bông và thương nghiệp của Ấn Độ"[2].)

Tôi biết rằng khi muốn xây dựng các đường sắt ở Ấn Độ, bọn đầu sỏ công nghiệp Anh chỉ đơn thuần muốn làm giảm bớt giá vận chuyển bông và các nguyên liệu khác cần thiết cho những công xưởng của chúng. Nhưng một khi các anh đã đưa máy móc làm phương tiện vận chuyển vào một nước có sắt và than đá, thì các anh sẽ không thể ngăn cản được nước ấy tự sản xuất ra những máy móc đó. Các anh sẽ không thể duy trì mạng lưới đường sắt trong một nước rộng lớn, mà không tổ chức ra ở nước ấy những quá trình sản xuất cần thiết để thỏa mãn những nhu cầu trực tiếp và hàng ngày của ngành vận tải đường sắt, và điều này sẽ đưa đến việc sử dụng máy móc cả trong các ngành công nghiệp không liên hệ trực tiếp với đường sắt. Vì vậy, đường sắt ở Ấn Độ sẽ thật sự trở thành người báo trước sự ra đời của công nghiệp hiện đại. Điều đó lại càng đúng bởi vì người dân Ấn Độ, theo sự thừa nhận của chính các nhà cầm quyền Anh, có một năng lực thích ứng đặc biệt với những loại lao động hoàn toàn mới và hấp thụ những tri thức cần thiết để điều khiển máy móc. Bằng chứng hùng hồn về sự thật đó là năng lực và sự thông thạo công việc của những người thợ cơ khí Ấn Độ phục vụ trong nhiều năm những máy hơi nước trong xưởng đúc tiền ở Can-cút-ta, cũng như lao động của dân cư địa phương làm việc bên cạnh các thứ máy hơi nước ở những vùng than Hác-đva-rơ, và nhiều thí dụ khác nữa. Bản thân ngài Kem-pơ-ben, dù có bị nhiễm phải những thành kiến của Công ty Đông Ấn như thế nào chăng nữa, cũng buộc phải thừa nhận rằng

"quần chúng nhân dân đông đảo ở Ấn Độ có một tinh lực công nghiệp to lớn, họ rất có năng lực tích luỹ tư bản, có nếp nghĩ toán học và có năng lực xuất sắc về tính toán và về các khoa học chính xác". Ông ta nói tiếp: "Trí tuệ của họ là tuyệt diệu"[3]

Công nghiệp hiện đại, kết quả của việc xây dựng các đường sắt, sẽ dẫn tới chỗ làm tan rã chế độ phân công lao động cha truyền con nối – trở lực chủ yếu trên con đường tiến bộ và hùng cường của Ấn Độ – làm chỗ dựa cho các đẳng cấp ở Ấn Độ.

Tất cả những gì mà giai cấp tư sản Anh chắc chắn sẽ buộc phải thực hiện ở Ấn Độ, sẽ không đem lại tự do cho quần chúng nhân dân và sẽ không cải thiện một cách căn bản địa vị xã hội của họ, bởi vì cả hai điều đó không những phụ thuộc vào sự phát triển của các lực lượng sản xuất, mà còn phụ thuộc vào chỗ là nhân dân có nắm được các lực lượng sản xuất đó hay không. Nhưng cái mà giai cấp tư sản nhất định sẽ làm, đó là tạo ra những tiền đề vật chất để thực hiện cả hai nhiệm vụ nói trên. Nhưng có bao giờ giai cấp tư sản lại làm được nhiều hơn thế? Có bao giờ giai cấp tư sản đạt được sự tiến bộ, mà lại không bắt buộc các cá nhân cũng như nhiều dân tộc trọn vẹn phải đi theo con đường gian khổ của máu và bùn, của nghèo nàn và sỉ nhục?

Chừng nào mà ở ngay nước Anh, các giai cấp cầm quyền hiện nay chưa bị giai cấp vô sản công nghiệp lật đổ, hay chừng nào mà bản thân người Ấn Độ chưa đủ mạnh để có thể vĩnh viễn vứt bỏ ách áp bức của người Anh, thì dân cư Ấn Độ sẽ chưa thể hái được kết quả của những yếu tố của xã hội mới mà giai cấp tư sản Anh đã gieo vào trong họ. Dầu sao, chúng ta cũng có thể chờ đợi một cách chắc chắn rằng, trong một tương lai hoặc sớm hoặc muộn, đất nước vĩ đại và thú vị ấy cũng sẽ được phục hưng, một đất nước mà dân cư cao thượng của nó, ngay cả trong những giai cấp thấp nhất, theo lời của công tước Xan-tư-cốp cũng đều "sont plus fins et plus adroits que les italiens"1*; một đất nước mà dân cư của nó thậm chí còn lấy tinh thần cao thượng trầm tĩnh làm thăng bằng sự thuần phục của họ, và mặc dù bản tính chậm chạp, họ cũng đã làm cho các sĩ quan Anh phải kinh ngạc về sự dũng cảm của họ; một đất nước vốn là chiếc nôi của các ngôn ngữ, các tôn giáo của chúng ta, một nước mà nhìn vào bộ lạc Giát, chúng ta có thể thấy kiểu người Đức cổ đại, còn nhìn vào người Bà-la-môn[4] thì có thể thấy kiểu người Hy Lạp cổ đại.

Tôi không thể rời bỏ đề tài về Ấn Độ mà không có một số nhận xét kết thúc.

Sự giả dối thậm tệ và tính dã man vốn có của nền văn minh tư sản sẽ lộ ra trần truồng trước mắt chúng ta, khi chúng ta quan sát nền văn minh ấy không phải ngay ở chính quốc, nơi mà nó mang những hình thức đáng kính, mà quan sát nó ở các thuộc địa, nơi mà nó lộ rõ một cách không che đậy. Giai cấp tư sản làm ra vẻ mình là kẻ bảo vệ tài sản, nhưng thử hỏi đã bao giờ có một đảng cách mạng nào thực hiện những cuộc cách mạng ruộng đất như những cuộc cách mạng ruộng đất ở Ben-gan, ở Ma-đrát và ở Bom-bay? Phải chăng ở Ấn Độ giai cấp tư sản ấy – nói theo lời của chính ngay huân tước Clai-vơ, con ác thú lớn ấy,- lại không dùng đến sự cưỡng đoạt tàn nhẫn ở những nơi nào mà sự mua chuộc đơn thuần tỏ ra không đủ để đạt những mục đích ăn cướp của nó, hay sao? Trong lúc mà ở châu Âu, giai cấp tư sản bàn suông về cái tính chất thiêng liêng bất khả xâm phạm của quốc trái, thì giai cấp đó há lại không tịch thu những khoản tiền lãi cổ phần của các rát-gia là những kẻ đã đem tiền tiết kiệm riêng của mình ra mua tín phiếu của chính ngay Công ty Đông Ấn đó sao? Trong lúc mượn cớ bảo vệ "tôn giáo thiêng liêng của chúng ta" để đấu tranh chống cách mạng Pháp, giai cấp tư sản há lại chẳng ngăn cấm việc tuyên truyền đạo Cơ Đốc ở Ấn Độ đó sao? Và vì mục đích bòn rút tiền của những người đi trẩy hội các đền ở Ô-rít-xa và Ben-gan, nó há đã chẳng biến sự giết người và nạn mãi dâm ở đền Gia-ghéc-nô thành một nghề nghiệp đó sao?[5]. Những người bảo vệ "tài sản, trật tự, gia đình và tôn giáo" đúng là như thế đó!

Tác động tàn phá của nền công nghiệp Anh đối với Ấn Độ, một nước xét về quy mô thì không nhỏ hơn châu Âu và có một lãnh thổ 150 triệu a-cơ-rơ, thật là hoàn toàn rõ rệt và đáng ghê sợ. Nhưng chúng ta không được quên rằng tác động ấy chỉ là một kết quả hữu cơ của toàn bộ hệ thống sản xuất đang tồn tại hiện nay. Nền sản xuất đó dựa trên sự thống trị toàn năng của tư bản. Sự tập trung tư bản là tuyệt đối cần thiết để cho tư bản tồn tại với tư cách là một lực lượng độc lập. Ảnh hưởng có tính chất huỷ hoại của sự tập trung đó đối với thị trường của tất cả các nước chỉ biểu lộ với một quy mô to lớn những quy luật nội tại hữu cơ của khoa kinh tế chính trị, những quy luật này hiện đang tác động ở bất kỳ một thành phố văn minh nào. Thời kỳ tư sản của lịch sử có sứ mệnh tạo ra cơ sở vật chất cho một thế giới mới: một mặt, phát triển những sự giao dịch thế giới dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau của tất cả loài người, cũng như phát triển những phương tiện của sự giao dịch đó; mặt khác, phát triển các lực lượng sản xuất của con người và đảm bảo biến nền sản xuất vật chất thành sự thống trị đối với các lực lượng của thiên nhiên nhờ vào khoa học. Công nghiệp và thương nghiệp tư sản đang tạo ra những điều kiện vật chất ấy của thế giới mới, cũng giống như những cuộc đảo lộn về địa chất đã tạo ra bề mặt của trái đất. Chỉ sau khi cuộc cách mạng xã hội vĩ đại nắm được những thành tựu của thời đại tư sản, nắm được thị trường thế giới và các lực lượng sản xuất hiện đại, và làm cho những cái ấy phải chịu sự kiểm soát chung của những dân tộc tiên tiến nhất, - chỉ khi ấy sự tiến bộ của loài người mới không còn giống như cái tượng thần dị giáo ghê tởm không muốn uống rượu trường sinh bằng cách nào khác ngoài cái cách uống bằng sọ của người bị giết.

Do C.Mác viết ngày 22 tháng Bảy 1853

Đã đăng trên báo "New - York Daily Tribune" số 3840, ngày 8 tháng Tám 1853

Ký tên: Các  Mác

 

In theo bản đăng trên báo

Nguyên văn là tiếng Anh

 

 

 


Nguồn: C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập. Tập 9. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993. Phiên bản điện tử: http://dangcongsan.vn/cpv/


[1] Ma-rát-khơ - bộ tộc ở ấn Độ sống ở vùng Tây Bắc cao nguyên Đê-can. Từ giữa thế kỷ XVII, bộ tộc này đã bắt đầu cuộc đấu tranh vũ trang chống ách thống trị nước ngoài của các vua chúa phong kiến Mô-gôn, giáng một đòn nặng vào đế quốc Đại Mô-gôn và góp phần thúc đẩy sự tan rã của nó. Trong quá trình đấu tranh ấy, đã thành lập được nhà nước độc lập của những người Ma-rát-khơ, tầng lớp phong kiến bên trên của nhà nước này chẳng bao lâu sau đã bước vào con đường chiến tranh xâm lược. Vào cuối thế kỷ XVII, nhà nước Ma-rát-khơ bị yếu đi do các cuộc tranh chấp giữa các phe phái phong kiến, nhưng vào đầu thế kỷ XVIII lại hình thành một liên minh hùng mạnh gồm các công quốc vùng Ma-rát-khơ, đứng đầu là người cầm quyền tối cao - Pe-sva. Khi tiến hành cuộc đấu tranh chống những người áp-ga-ni-xtan để giành quyền bá chủ ấn Độ, các chúa phong kiến Ma-rát-khơ đã bị thất bại nặng nề và những bất hòa trong nội bộ các chúa phong kiến Ma-rát-khơ đã bị thất bại nặng nề vào năm 1761. Cuộc đấu tranh đến kiệt sức đề giành quyền bá chủ ấn Độ và những bất hòa trong nội bộ các chúa phong kiến Ma-rát-khơ làm cho các công quốc vùng Ma-rát-khơ trở thành miếng mồi của Công ty Đông ấn và các công quốc này đã bị Công ty Đông ấn chinh phục do cuộc chiến tranh Anh

1* - điều kiện không thể thiếu được

[2] J.Chapman. "The Cotton and Commerce of India, considered in relation to the interests of Great Britain, with remarks on railway commucation in the Bombay presidency". London, 1851, p.91 (Gi. Sáp-men, "Bông và thương nghiệp của ấn Độ, nhân các quyền lợi của Anh: với ghi chép về giao thông đường sắt ở bang Bom-bay". Luân Đôn, 1851, tr.91).

[3] G.Campbell. "Modern India: a Sketch of the System of Civil Government". London, 1852, p.59 - 60.

1* - "tinh tế hơn và khéo léo hơn người I-ta-li-a" [Mác trích dẫn cuốn sách của A.Đ.Xan-tư-cốp "Lettres sur L'Inde". Paris, 1848, p.61 ("Những bức thư về ấn Độ". Pa-ri, 1848, tr.61). Xuất bản bằng tiếng Nga ở Mát-xcơ-va năm 1851. ]

[4] Giát - đẳng cấp ở miền Bắc ấn Độ; đại bộ phận đẳng cấp này là những người nông dân làm ruộng, những người đại diện cho đẳng cấp phong kiến - quân sự cũng thuộc về đẳng cấp này. Vào thế kỷ XVII, những người nông dân Giát đã nhiều lần đứng lên khởi nghĩa chống lại ách thống trị của bọn chúa phong kiến Mô-gôn nước ngoài.

 Những người Bà-la-môn là một trong bốn đẳng cấp cổ nhất ở ấn Độ, lúc đầu, về cơ bản, đẳng cấp này bao gồm giới tu hành có đặc quyền: sau này, cũng như các đẳng cấp khác ở ấn Độ, ngoài những người tu hành, đẳng cấp này còn có cả những người làm các nghề khác nhau và có vị trí xã hội khác nhau, kể cả nông dân và thợ thủ công bị sa sút.

[5] Đền Gia-ghéc-nô ở Ô-rít-xa (phía Đông ấn Độ) - trung tâm thờ Vi-snơ - Gia-ghéc-nô - một trong bốn vị thần cao nhất của đạo Hin-đu (xem chú thích 118). Lợi dụng sự che chở của Công ty Đông ấn, những người tu hành ở đền này đã nhận được những khoản thu nhập lớn do cuộc hành hương của đông đảo quần chúng, đồng thời khuyến khích cả những người phụ nữ mãi dâm sống nhờ vào ngôi đền này, và do việc tổ chức những ngày lễ long trọng kèm theo những hành động tự sát và tự hành hạ của những tín đồ cuồng tín, đem lại.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt