Thuyết Duy lý

Duy vật luận nước Pháp (kỳ 1)

 

TRẦN VĂN GIÀU

DUY VẬT LUẬN NƯỚC PHÁP

(NXB. BỘ GIÁO DỤC, VIỆT BẮC, 1949)

--- o0o ---

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

  1. Triết học của Descartes (1596-1650)
  2. Những nghịch lý trong triết học Descartes
  3. Duy vật luận thế kỷ XVIII của Pháp

 

I. TRIẾT HỌC CỦA DESCARTES (1596 - 1650)

1. Duy tâm hay duy vật?

Từ ba thế kỷ nay, giới học giả Châu Âu ai ai đều công nhận rằng Descartes là khối óc thông minh nhất nhì của nhân loại hồi thế kỷ thứ 17. Ai cũng công nhận rằng bản “Thuyết trình về phương pháp” của ông đã góp phần quan trọng mở một kỷ nguyên mới trong lịch sử tư tưởng loài người. Song, không phải mỗi người đều đồng ý coi Descartes thuộc về môn phái triết học nào.

Có nhiều người nói rằng Descartes là một nhà triết học duy tâm. Có nhiều người khác nói rằng Descartes là một nhà triết học duy vật. Cãi nhau mãi, có kẻ khác nữa buồn miệng nói phân hai: Descartes là một nhà triết học “duy tâm vật” và họ không phải không có bằng chứng.

Thì chúng ta biết:

a. Ở trong các trường học Tây, những ông giáo sư triết học dạy chúng ta rất nhiều về ông Descartes và thuở nọ học sinh nào qua năm triết học tú tài cũng gần thuộc lòng quyền Thuyết trình về phương pháp cả. Học ở đó, chúng ta quên gì thì quên, chớ không quên câu: “Je pense, donc je suis = tôi tư tưởng, thế là tôi tồn tại”1. Nhiều giáo sư cố dạy rằng: cứ theo câu đó, tư tưởng làm bằng chứng cho sự tồn tại. Họ bảo: Descartes trong câu đó là duy tâm, còn ai cãi được? Phải chi ông nói: “Je pense parce que je suis = tôi tư tưởng, vì tôi tồn tại”, thì mới có thể nói rằng ông là duy vật được. Ngoại giả, Descartes còn lặp đi lặp lại về “ý kiến trời cho” (tiên thiên = idées innées), như quan niệm về toán học, quan niệm về Thượng đế… Vậy trong mắt của nhiều người, Descartes là thủy tổ của duy tâm luận hiện đại.

b. Nhưng trái lại với ý trên, có nhiều lần, chính Marx, Lénine nói đến duy vật luận của Descartes. Và gần đây, những nhà bác học Pháp theo phía dân chủ mới cũng nói rằng Descartes là người cha của duy vật luận Pháp, họ rất tán thành duy vật biện chứng của Marx, Engels mà đồng thời họ đặt ra cho triết học của họ cái tên “duy lý hiện đại” (rationalisme moderne) để tỏ rằng họ tiếp nối truyền thống duy lý của Descartes. Nói một cách khác, dưới mắt họ, Descartes là duy vật, là một người khai đường mở lối cho duy vật luận hiện đại.

c. Chúng ta cũng không quên rằng Descartes nói có hai bản tánh trong con người: a) thân thể, b) linh hồn, và có hai yếu tố trong vạn vật: a) Thượng đế, b) vật chất. Người là hồn và xác hiệp lại, vũ trụ là Thượng đế và vạn vật hiệp lại… Cứ theo đó, Descartes lừng chừng giữa duy vật và duy tâm: có xác và hồn ngang nhau, có Thượng đế và vật chất bằng nhau… Trách nào, có ông hơi “tếu” bảo Descartes là “duy tâm vật”, hay, nếu dùng danh từ triết học: nhị nguyên luận.

Vậy thì Descartes là duy vật hay duy tâm, hay vừa duy vật vừa duy tâm? Đây là một vấn đề mà học thuật Pháp lâu nay bàn cãi rất nhiều, phe nào, duy tâm hay duy vật cũng đều muốn để Descartes trong hàng trận của mình. Vậy nghiên cứu khách quan, Descartes là nhà triết học gì? Ý nghĩa lịch sử của tư tưởng Descartes ra sao? Nhà “triết học mang mặt nạ để đi tới” ấy có can hệ gì đến ta ngày nay mà ta cần nghiên cứu?

2. Hoài nghi triết học hay là chủ nghĩa hoài nghi?

Cùng sống một thời đại với Descartes nhưng già hơn Descartes ít mươi tuổi, có ông Galilée, một nhà thiên văn học. Ông này truyền bá một sự thật: Trái đất tròn, Trái đất quay xunbg quanh Mặt trời. Nói cho đúng, ông Galilée tán thành và chứng thật ý kiến của ông Copernic. Ấy thế mà nhà thờ La Mã đòi ông Galilée đi từ Florence xuống Rome để ra tòa án của Thánh đường vì tội “truyền bá tà thuyết”. Bị đòi lên đòi xuống, bị hăm dọa phải bỏ ý mình: nếu không thì bị thiêu ra tro như ông Giordano Bruno, ông Galilée phải quỳ gối trước tòa để xin lỗi là mình nói sai, và tự cãi lại: “Mặt trời quay xung quanh Trái đất chứ không phải Trái đất quay xung quanh Mặt trời”! Song khi ra khỏi cửa toàn án của Giáo hội vừa độc tài vừa ngu xuẩn, ông Galilée lẩm bẩm một mình: “Tuy thế chớ Trái đất vẫn tròn và vẫn quay xung quanh Mặt trời”.

Hồi đó, hễ nhà thờ nói cái gì, thì cái ấy ta phải tin rằng đúng, cái ấy ta phải cho là chân lý! Đức Giáo hoàng thay mặt cho Đức Chúa Trời, hễ Đức Giáo hoàng phán ra lời nào, lời ấy là lời của Chúa, tức là hoàn toàn đúng. Có người mỉa mai: nếu rủi Giáo hoàng nói con ngựa hai chân thì cứ phải tin như thế, tin rằng ngựa hai chân!

Hồi đó, hễ Aristote nói cái gì, thì cái ấy ta phải tin rằng phải. Cãi lại thì liệu hồn. Nhà duy vật G.Bruno mới bị đốt cháy ra tro, cách đó chẳng bao lâu. Vua chúa sợ ai mà không dám nhốt mấy ông trí thức dám nghĩ dám nói vào ngục này, ngục nọ? Chẳng những ở Pháp mà thôi, mà ở khắp Âu Châu đều là quyền thống trị của phong kiến mù quáng, của nhà thờ độc đoán, nhất là ở quê hương của Descartes, tức là nước Pháp quân chủ tuyệt đối.

Descartes có can đảm chống nền thống trị tinh thần của nhà thờ, ông không chống thô bạo, mà chống một cách rất khôn khéo. Descartes mạnh dạn phá tan luận lý lôgic hình thức eo hẹp và những tư tưởng cổ hủ lỗi thời của Aristote. Không mang danh cách mạng, ông là một nhà tư tưởng cách mạng, một tay thợ gieo giống cách mạng, trước hết là tư tưởng cách mạng.

Descartes nghiên cứu rất công phu và có hiệu quả lớn về khoa học, ông đã tiến bộ nhiều, ông muốn đánh đổ tất cả hệ thống tư tưởng hủ bại đương thống trị trí não của con người, ông không chịu nhắm mắt, lười biếng hay nhút nhát thừa nhận những ý tưởng sẵn có mà xưa nay người ta cho rằng đúng. Với ông cái gì cũng phải có bằng cớ, chứng thật rõ ràng mới tin được. Phương pháp đánh đổ tư tưởng cũ kỹ là hoài nghi. Ông hoài nghi tất cả, ông bắt buộc tất cả đều phải “điểm binh” trước lý trí, trước lẽ phải, tất cả đều phải qua ngọn lửa khảo sát của phê phán, coi cái gì là đáng tin, là đứng đắn, cái gì là sai lạc phải vứt đi. Ông hoài nghi tất cả. Ông phải hoài nghi tới ông nữa – như thế mới là triệt để, ông tự hỏi vậy chớ thật có Descartes không? Thế là ông bắt đầu hoài nghi sự tồn tại của chính mình, ông tự đặt một nhiệm vụ phải giải quyết coi có mình hay không rồi sau đó mới khảo sát được những điều khác. Thực ra, trước khi ông hoài nghi sự tồn tại của chính ông, thì ông đã rừ lâu nghiên cứu khoa học, có nghiên cứu lâu dài ông mới thành lập được phương pháp luận của ông chứ không phải là trước tiên ông tự hoài nghi, giải quyết hoài nghi ấy rồi sau đó mới bắt đầu nghiên cứu sự vật.

Ông nói: Tôi hoài nghi không biết có tôi thật hay không. Nhưng khi tôi hoài nghi là tôi tư tưởng, hễ tôi tư tưởng tức là có tôi vậy, chớ nếu không có tôi thì làm sao tôi tư tưởng được, làm sao tôi hoài nghị được. Câu: “Je pense donc je suis” ngụ ý như thế.

Về sau, Descartes nói: “Tôi tư tưởng thế là tôi tồn tại”, cũng như tôi nói: “tôi cảm giác thế là tôi tồn tại”.

Hoài nghi của Descartes có hai nghĩa:

a. Hoài nghi là một nguyên tắc căn bản của phương pháp Descartes, của lý trí con người muốn nhận thức chắc chắn. Hoài nghi tất cả cái gì chưa hoàn toàn rõ rệt, hoài nghi tất cả cái gì là tư tưởng mơ màng, đen tối, lộn xộn, hoài nghi tất cả học thuật cũ, chánh kiến cũ, để xây dựng một nền tư tưởng, một nền học thuật mới đáng tin cậy. Thế thì hoài nghi của Descartes là một lối, một cách xây dựng, không phải là hoài nghi tiêu cực, không phải dựng sự hoài nghi lên thành một hệ thồng tư tưởng. Trái lại, hoài nghi của Descartes là hoài nghi tích cực, hoài nghi để mà tìm ra cái gì đáng tin chắc, không phải hoài nghi để mà hoài nghi, nghĩa là không phải hoài nghi chủ nghĩa.

Hoài nghi là một phương pháp giải thoát trí tuệ ra khỏi ngục thất của sai lầm. Hễ hấp tấp, hễ thành kiến thì sai lầm, thường thường mình sai lầm vì mình hay làm biếng suy nghĩ, làm biếng phê bình, nghe đâu tin đó, nghe có ma tin ma, nghe có quỷ tin quỷ, nghe ai nói rằng: “đây là phải” thì ùa nhau nói phải, ngh ai nói “đấy là quấy” thì ùa nhau nói là quấy; lại sai lầm vì thường lệ mình sẵn có trong óc những tư tưởng đâm rễ tự bao giờ: như lâu nay ông bà mình tin sao thì nay mình tin vậy, như lâu nay nhà trường dạy mình gì thì mình đã phục sẵn, tin sẵn, mê sẵn. Con người lại thường hay thiếu can đảm để chỉ trích, phê bình, thiếu can đảm để suy nghĩ cho thấu đáo. Con người thường thiếu can đảm để phá vỡ những ý tưởng sai lạc sẵn có trong đầu óc của mình. Con người lại thích để cho kẻ khác suy nghĩ giùm mình, không thích tự mình suy nghĩ, hễ ai tỏ ra hơn mình, gọi là giỏi hơn mình, thì kẻ ấy nói trời nói đất gì mình cũng cho là phải.

b. Do nơi đó, phương pháp hoài nghi của Descartes có ý nghĩa cách mạng, dầu ông Descartes chưa hề nghĩ rằng ông làm một thứ cách mạng, cách mạng văn hóa.

Nếu theo phương pháp hoài nghi thì kinh thánh, Aristote, Thomas, thảy thảy, luôn cả giáo hoàng, vua chúa, cha cố, đều bị hoài nghi, đều phải “điểm binh” trước tòa án phê bình của lý trí. Lời nói, việc làm, tư tưởng của các ông? - Chưa chắc là đúng. Phải để tôi suy xét đã, suy xét một cách kỹ lưỡng, phải thì tôi theo, không phải thì tôi bác bỏ, không theo.

Đời đó, ít năm sau khi ông Galilée bị ra tòa án tin Trái đất tròn xoay chung quanh Mặt trời, mà ông Descartes vừa 20 tuổi, đã dám hoài nghi tất cả thì quả là can đảm, quả là khuyến khích người đời đó chống lại chế độ cũ và tư tưởng cũ.

“Tôi tư tưởng, tức là tôi tồn tại”, Descartes xem nó như là nói “tôi cảm giác, tức là tôi tồn tại”, hay là nói: “tôi viết sách, tức là tôi sống” nghĩa là tôi có sống tôi mới có viết, mới tồn tại, mới có cảm giác, có tồn tại mới có tư tưởng. Nói một cách khác hơn, câu nói của Descartes mà các nhà duy tâm coi như câu “sấm”, như lời thánh của duy tâm luận, thật ra câu ấy có ý nghĩa duy vật, tuy nó không rõ ràng như hai năm thành mười.

Vậy câu: “Je pense donc je suis = tôi tư tưởng tức là tôi tồn tại”, ta không nên cắt đứt đầu và đươi, lấy riêng nó ra mà phê bình, để xem Descartes là duy tâm hay duy vật. Ta phải để câu ấy trong cả đời triết học, trong cả công trình khoa học, trong hệ thống tư tưởng của Descartes mà xét đoán. Câu ấy là một chiếc cầu, cầu kiến trúc theo một kiểu vẽ mới, cho Descartes đi từ phía bờ đánh bỏ cái hủ bại cũ ua bên bờ xây dựng học thuật mới.

Hoài nghi của Descartes thuở đó, chính là tinh thần phê phán của cách mạng bây giờ, phê phán của ta và hoài nghi của Descartes có nhiều chỗ khác nhau, song giống nhau ở chỗ đánh đổ cái cũ sai lạc, xây dựng cái mới hay hơn, đúng hơn, ích lợi hơn.

Và một khi trên nền tảng khoa học chắc chắn ta đã dựng lâu đài tư tưởng mới, còn có ai “hoài nghi” thì kẻ ấy không tiến bộ, cách mạng như Descartes, mà chính là phản tiến bộ, là thoái hóa. Hoài nghi, phải biết hoài nghi cho phải lúc, phải chỗ.

3. Trật tự

Có hai điểm quan trọng nhất trong phương pháp suy luận của Descartes là: a) hoài nghi và b) trật tự và thí nghiệm. Hoài nghi mang tính xây dựng và cách mạng, ta đã nói rồi. Còn trật tự là gì?

Đọc một quyển sách, hãy bắt đầu đọc từ trang đầu, đừng bắt đầu từ trang chót. Đi cày ruộng, chớ để cái cày đằng trước con trâu. Làm một cái nhà đừng bắt đầu xây vách, kết lợp nhà, mà phải xây nền trước đã. Làm việc hay là suy nghĩ, luôn luôn phải có trật tự. Chưa biết cầm đục mà đòi chạm rồng thì rõ ngốc, chỉ hư hỏng. Chưa học “hàng hóa” mà đã học tới “tư bản” thì làm sao hiểu kinh tế học được. Chưa học cộng, trừ, chớ rớ tới vi phân, giải tích.

Trật tự là đi từ thấp tới cao, từ nhỏ tới lớn, từ gần tới xa, từ đơn giản tới phức tạp.

Đọc Tư bản luận của Karl Marx, chúng ta sẽ thấy Marx bắt đầu từ cái tế bào của chế độ tư bản tức là hàng hóa, rồi tới sự trao đổi hàng hóa, lần lần tới giá trị, tiền công… Tư tưởng của con người muốn quy nạp hay là suy diễn thì trước hết phải tìm biết từ sự vật, từ hiện tượng. Đó là trật tự.

Theo Descartes, phương pháp của nhà toán học là duy nhất, là hay nhất. Descartes có ý muốn dùng toán học để khảo cứu và giải quyết tất cả các vấn đề. Song tự kinh nghiệm, ông thấy rằng ông không thể đạt đến ý muốn “toán học luận” ấy. Ông đã noi gương của Bacon, người mà ông rất khâm phục và coi như một ông thầy dùng cách thí nghiệm mà tìm hiểu sự vật. Theo Descartes, hễ ai theo hai lối hoài nghi, trật tự và thí nghiệm thì người ấy sẽ tiến bộ chắc trên đường nhận thức. Ngay trong luân lý cũng thế: Descartes nghĩ rằng con người có tánh tốt không phải tại trời hay là sinh ra đã sẵn có, mà do thực hành có phương pháp để lần lượt bỏ tánh xấu, lấy tánh tốt, xấu bớt mãi, tốt thêm lên.

4. Duy lý của Descartes

Ai biết đọc sách Tây và có đọc Descartes đều nhớ câu: “Le bon sens est la chose du monde la mieux partagée = Ai trên đời cũng biết lẽ phải quấy”. Nếu trong học thuyết của Descartes mà có chủ nghĩa nhân bản thì chính là nó ở trong câu ấy trước hết. Câu ấy mà ngày nay ta lắp lại thì chẳng có gì hay đâu!. Nó thường quá kia mà!. Thế nhưng nó rất hay, rất táo bạo, rất mạnh dạn khi ta nhớ rằng Descartes ở dưới thời phong kiến chuyên quyền, lúc vua chúa xem người như cỏ rác, như súc vật, lúc đa số nhân dân kể như là trời sanh ra để phụng sự một thiểu số vua chúa ăn không ngồi rồi.

Hồi đó, cái học thức là món dành riêng cho con vua cháu chúa, cho một hạng giáo sĩ cao cấp; cái khổ nhục, ngu dốt là dành riêng cho bình dân không có “máu quý tộc”. “Chúng ông đây mới biết phải biết quấy, chúng bây mà có biết gì, cứ nghe theo, vâng theo!”. Tựa như câu ở Đông phương Khổng giáo: dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi (dân sai khiến nó được, không làm cho nó hiểu biết được). Nói một cách khác, chỉ có con vua cháu chúa người ta mới gọi là biết được lẽ phải quấy đúng sai. Descartes đánh đổ cái tư tưởng đẳng cấp đó. Như vậy, mặc dù Descartes có cùng vài câu cung kính đối với vua, ông đã khéo léo công kích phong kiến vậy; ông đã đề cao quyền bình đẳng của mọi người về mặt tư tưởng; và khi, trên mặt tư tưởng, con người đã bình đẳng thì không có lý do gì mà không được bình đẳng trên các mặt khác.

Descartes quả quyết rằng trong mỗi người có một sức thông minh tự nhiên sẵn có để phân biệt giả chân, tốt xấu; giàu có sức thông minh đó mà nghèo cũng có; sang có mà hèn cũng có. Vẫn biết có người đen tối, có người xán lạn; có người chậm nghe, có người mau hiểu; anh nhớ giỏi, tôi hay quên; nhưng về lý trí, về sự phân biệt giả chân, tốt xấu, phải quấy, thì ai ai cũng đều có cả.

Tư tưởng này đặt viên gạch đầu tiên cho chủ nghĩa dân chủ thế kỷ 18 (ở Châu Âu) và người ta tin rằng đó là tư tưởng của những nhà cách mạng Pháp hồi 1789 – 1793 khi họ thảo ra bản Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền. Ngày nay, tư tưởng của Descartes vẫn còn có điều hay: quần chúng dầu là ít học, dốt chữ, cũng có quyền có sức phê phán tư tưởng và hành động của nhà cầm quyền.

Tạt qua Việt-nam, chúng ta đọc quyển Sửa đổi lề lối làm việc của ông X, Y, Z, thấy ông căn dặn cán bộ phải biết “học nơi quần chúng”. Người ta có thể hỏi: mình là cán bộ thì phải hơn quần chúng, bảo cán bộ học nơi quần chúng là thế nào? Thực ra, cán bộ nào, lãnh tụ nào mà không chịu học nơi quần chúng thì không tiến bộ được, không đi đúng đường. Dân có sự phán xét tập thể hay cá nhân lắm khi rất xác đáng. Ông X, Y, Z, về mặt này, đồng ý với Descartes mà rõ ràng hơn, thiết thực hơn.

Theo Descartes, mỗi người đều có thể phân biệt đúng sai. Nếu ta suy nghĩ có phương pháp, nếu trí não của ta được dìu dắt phải đường, đúng với phương pháp của Descartes (hoài nghi, trật tự và thí nghiệm mà chúng ta đã nói ở trên) thì sẽ có những người nhân đó mà trổ tài, đưa đẩy khoa học loài người tiến tới.

Không có ai là tự nhiên đáng khinh, không có ai là tự nhiên thấp hèn hơn kẻ khác. Ai ai đều có thể sai lầm, nhưng ai ai đều có thể phục thiện, có thể tiến bộ cả, duy họ có hoặc không có điều kiện để phát triển khả năng của họ, duy họ làm việc có hay không có phương pháp.

Trong thế kỷ hắc ám, lúc vua chúa dìm con người xuống vực thẳm cùa ngu dốt, đè nghẹt con người dưới cường quyền thì Descartes nâng cao giá trị con người. Vẫn hay Descartes không trực tiếp nghĩ đến việc biến đổi xã hội bằng cách mạng, nhưng Descartes đã ảnh hưởng sâu xa đến tư tưởng của những người cách mạng đến sau ông, ông vẫn nuôi một hy vọng là, với phương pháp và khoa học của ông, con người có thể trở thành “chủ nhân ông của vạn vật”. Đó là một tư tưởng cao quý, một ý về nhân bản chủ nghĩa, nó nối liền Descartes với duy vật luận mác – xít.

5. Hồn và xác

“Tư tưởng xa lạ với cơ thể = la pensée est étrangère au corps”. Đó là ý của Descartes, Descartes nghĩ rằng: khi ông tư tưởng đến cơ thể, ông chỉ cần dùng có không gian, hình dáng và vận động, ông không cần dùng đến tư tưởng để giải thích cơ thể. Nói cách khác hơn, ông xem việc nghiên cứu cơ thể không cần dính dáng với sự tin rằng có tư tưởng thần bí hóa cơ thể của con người. Cho nên theo ông, bản tánh của tư tưởng là xa lạ, khác với bản tánh của cơ thể. (Je n᾿ai d᾿aucune autre chose pour penser le corps que de l᾿étendue, des figures et du mouvement, je n᾿ai aucunement besoin de la pensée pour expliquer le corps. Donc la nature de la pensée est étrangère à celle du corps).

Vậy, Descartes nhận có hai thực thể ngang nhau: tư tưởng và cơ thể, không bên nào là chánh, không bên nào là phụ, không ai sanh ai, cả hai hợp lại là người. Ông là một nhà triết học nhị nguyên luận. Nhị nguyên luận là một mẫu của duy tâm. Nếu không có cơ thể, lấy gì có sanh hoạt và nếu không có cơ thể sanh hoạt làm gì có tư tưởng. Đã có tư tưởng thì ai sanh nó? Nếu không phải cơ thể thì ai, Thượng đế chăng?

Nhưng biết cái nhị nguyên luận của Descartes bằng một câu trơ trọi như thế là chưa biết hết tư tưởng của Descartes. Chúng ta không bênh vực nhị nguyên luận của Descartes đâu, chúng ta chỉ cắt nghĩa nó thôi. Trái lại, chúng ta, những nhà duy vật triệt để, luôn luôn phê bình Descartes; song ta phải hiểu ông ấy, hiểu những điều kiện lịch sử nào sinh ra nhị nguyên luận Descartes.

Lúc ấy, các triết học gia phân biệt ba thứ linh hồn:

- Thứ nhất là linh hồn lý trí để tư tưởng.

- Thứ nhì là linh hồn (hay là năng lực) thảo mộc để cảm xúc.

- Thứ ba là linh hồn động lực để vận chuyển.

Descartes đơn giản hóa cách hiểu đó đi:

Theo ý Descartes, hai thứ linh hồn, thứ 2 và thứ 3, thực ra chỉ là cơ thể và bản tính của cơ thể thôi. Descartes là một nhà khoa học, ông nghiên cứu nhiều thứ, ông nghiên cứu cơ thể con người. Ông muốn cho cơ thể ấy không dính dáng gì với linh hồn cả, cho nên ông sáp nhập hai thứ linh hồn 2, 3 (do người lúc ấy bịa đặt ra) vào cơ thể, đã có cơ thể thì có cảm xúc, vận động cao hay thấp, tùy sự tổ chức các cơ thể ấy, ông lại tách hẳn cái hồn ra khỏi cái xác, để xem xét cái xác như một bộ máy, một bộ máy phức tạp; ông không gán cho thể xác một tính cách thần bí, linh thiêng để mổ xẻ nó, tìm học nó, nhờ vậy ông đã gây nền tảng cho tự nhiên học.

Ngụ ý của ông như thế, tách hồn ra khỏi xác, không phải để tin rằng xác chết hồn còn, hồn thiêng liêng v.v… mà để mổ xẻ, nghiên cứu cơ thể, lập thành một khoa học sinh lý cho vững vàng.

Hóa ra cái nhị nguyên luận của ông là một ngõ ra để đi về khoa học, là một cách chông lại tư tưởng cổ điển về linh hồn và cơ thể. Hơn nữa, nếu ta chú ý, ta sẽ thấy trong thuyết Descartes, hồn và xác hợp nhau như là một chớ không hai, hợp nhau khăng khít chớ không phải như “người lái thuyền hợp với chiếc thuyền”.

So sánh này là so sánh của chính ông Descartes.

Lái thuyền và chiếc thuyền hợp tác nhau, song hai bên kah1c nhau hẳn, không cái này cứ có cái kia. Còn hồn với xác của Descartes hợp nhau khăng khít như một; ta có thể nói: nếu vậy, một cái mất thì cái kia cũng mất theo, xác mất thì sao còn hồn được?. Descartes thí nghiệm và nghĩ rằng vận động của cơ thể sanh ra nhiều tư tưởng của linh hồn, cơ thể đổi thì tư tưởng cũng đổi; Descartes đã mở đường cho duy vật luận thế kỷ 18 của La Mettrie, Cabanis.

Tóm lại, nhị nguyên luận của Descartes cột một chân của ông ở biên giới duy tâm, nhưng chân khác ông đã bước vào đất duy vật luận và tay ông đã mở cửa cho duy vật luận. Bây giờ ta tiến đã xa, ta ngó lại nhị nguyên luận ấy của Descartes, xem thấy nó lạc hậu quả, nhưng nó đã từng đóng vai tuồng tích cực, tiến bộ của nó đối với lịch sử triết học.

Câu chuyện thư từ sau đây chứng tỏ Descartes tin rằng vật chất là đều chắc chắn mà linh hồn là đều huyền ảo một khi thần xác đã chết rồi: Bà hoàng Elisabeth rất khâm phục Descartes; một hôm bà gởi thư cho Descartes, tỏ tấm lòng “xả thân cầu đạo”, không màng đến đời xác thịt vật chất, chỉ cầu cho linh hồn về sau lên cảnh thiên đàng cực lạc; thì Descartes trả lời cho bà bằng một câu khuyên nhủ: “Bà chớ nên bỏ cái chắc chắn để mà cầu lấy cái mơ hồ. (N᾿abandonnez pas le certain pour l᾿incertain)”.

6. Ý kiến trời cho

“Trong trí não con người, có một cái gì thiêng liêng đấy, và có những chân lý ghi khắc vào tư tưởng ta như là vua ghi khắc phép nước trong tâm trí của nhân dân” (Il y a dans l᾿esprit humain, je ne sais quoi de divin et des vérités qui sont gravées dans notre pensée comme des lois imprimées par un Roi dans le coeur de ses sujets).

Descartes tin rằng con người sanh ra đã sẵn có những chân lý, ý kiến của trời cho trong trí não của mình rồi. Cứ theo những câu trên, Descartes rõ rệt duy tâm. Ông không nhận rằng tư tưởng của ta đều do kinh nghiệm thực tế mà ra cả. Trái với ông, những nhà duy vật nước Anh bảo: Con người sanh ra trí não như tờ giấy trắng. Theo Descartes, ý kiến về những chân lý của toán học, quan niệm về Thượng đế, đều là sẵn có trong trí ta.

Thật ra, hồi mới sanh, hồi còn trẻ, ta làm gì có tư tưởng về Thượng đế, về chân lý?

Vô lý lắm, mà cũng là quái gỡ lắm. Kinh nghiệm mới sanh ra ý kiến tư tưởng. Tư tưởng ngày thêm phong phú với cuộc đời, chứ sanh ra ta có quan niệm, thì, theo câu hỏi của Voltaire, ta có hồi mới lọt lòng mẹ, hồi tượng hình trong bụng, hay hồi 2 tuổi?.

Chúng ta không bào chữa làm gì quan niệm “trời cho” của Descartes.

Song nên thêm rằng, dựa trên những ý trời cho ấy, có vài tư tưởng sau đây chứng tỏ rằng chính Descartes thỉnh thoảng cũng nhận thấy ông để lộ ra những tư tưởng duy tâm khó hiểu: ông tự bênh vực:

“Khi tôi nói rằng: Ta sanh ra đã có ý kiến nào đó hay là ý kiến ấy tự nhiên ghi khắc trong linh hồn ta, thì tôi chỉ muốn nói là tự chúng ta có khiếu sanh ra ý kiến ấy”. (Lorque je dis que quelque idée est née avec nous ou qu᾿elle est naturellement empreinte en nous… j᾿entends seulement que nous avons en nous – mêmes la faculté de la produire). Ý này không sai, mà chính cái khiếu ấy, cái khả năng ấy cũng do kinh nghiệm trong cuộc sống mà nảy sanh và phát triển trong cuộc sống ngày càng xa thời tối tăm mà đi vào tiến bộ văn minh: trí tưởng tượng, óc khái quát, năng lực trừu tượng hóa của trí tuệ. Nếu ta chỉ có cái “khiếu” mà không có sẵn những tưởng tượng về toán học, về từ Thượng đế do Trời ban cho, thì thuyết “trời cho” lại tiêu tan đi mất rồi! Vậy, hoặc Descartes mâu thuẫn với ông, hoặc ông sau này từ bỏ những ý kiến của ông lúc trước. Điều chắc chắn hơn hết là, về vấn đề này. Descartes còn sơ xuất nhiều và dẫm hẳn chân trên đất duy tâm sai lạc, đó là một “nghịch lý” mà chúng ta sẽ có dịp giải thích và phê bình.

7. Thượng đế của Descartes

Descartes tin có Thượng đế.

Nhưng Thượng đế của ông tin không phải là Đức Chúa Trời. Thượng đế của ông là kết quả của một khối suy luận. Ông không bảo Thượng đế sanh ra vũ trụ, nhưng ông cho Thượng đế chính là cái lẽ toàn lượng toàn năng, ông lấy ông mà suy nghĩ để tìm bằng cớ là có Thượng đế; ông nói: “Trong trí tôi có một ý kiến về toàn lượng toàn năng (être parfait), nhưng tôi thì không toàn lượng toàn năng; tôi không phải là kẻ tạo ra tôi, nếu tôi tạo ra tôi, tức nhiên tôi đã cho tôi toàn lượng toàn năng rồi; vậy thì có một cái nguyên nhân gì nó sanh ra tôi và cho tôi cái ý về toàn lượng toàn năng đó, nguyên nhân đó tôi gọi là Thượng đế”.

Thượng đế của Descartes thành ra là kết quả của kinh nghiệm bản thân. Thượng đế thành ra một sự cần dùng để xác nhận cho sự nhận thức. Ông không dè rằng Thượng đế của cái ý tưởng về chân lý tuyệt đối về toàn lượng toàn năng của ông, ông không có sẵn từ hời ông mới sanh mà chính là kết quả của bao nhiêu năm kinh nghiệm trong phòng thí nghiệm, trong cuộc đời, và khi ông chế khí cụ để nghiên cứu và khảo sát vật học, khi ông mổ xẻ tim gan của thú vật để học, thì ông đâu có cần dùng đến Thượng đế mà ông suy diễn ra lúc ông nhàn hạ, ông viết sách, đọc diễn văn về siêu hình học.

Dù sao đi nữa, trong lúc Nhà thờ thống trị, bắt dân phải tin có ông Đức Chúa Trời, ai nghịch lại thì hoặc giết, hoặc đày đi (ví dụ đày đám người theo Tin lành), mà Descartes dám tin vào một ý khác, không tin vào ông Thượng đế, mà đổi Thượng đế thành một ý tưởng, một sức lực trừu tượng, thì đó là một tiến bộ khá dài rồi. 

8. Duy vật luận của Descartes

Mặc dầu những sẩy chân suýt trượt ngã bên duy tâm, Descartes có nhiều tư tưởng duy vật sâu sắc, và cả một đời ông là đời làm việc cho khoa học. Những điều căn bản sau đây đặt Descartes trong hàng ngũ duy vật.

a. Có thế giới khách quan thật

Descartes bắt đầu siâu hình học của ông bằng những lý lẽ hoài nghi, nghi rằng giác quan của ta gạt ta, ý đó đã xưa rồi. Hay là nghi rằng có lẽ ta mộng tưởng là khác, “tôi mộng thấy tôi là một ông chúa ăn mặc uy nghi, có dè đâu tôi trần truồng như nhuộng trên giường”, “tôi ngó thấy một mặt vuông, dè đâu đó là một ống tròn?”. Do đó, có câu: “Tôi hoài nghi, thế là tôi tồn tại”, mà chúng ta đã nói.

Thật ra Descartes bỏ rất ít thì giờ cho siêu hình học, ông để gần trọn thì giờ cho vật lý học và sinh lý học.

Thật ra Descartes chưa lúc nào nghi ngờ rằng không có thế giới khách quan. Phương pháp hoài nghi, trật tự và thí nghiệm của ông cho ông một lòng tin chắc rằng vũ trụ bên ngoài là một sự thật có sẵn đời đời.

Ông nói: “Chúng ta tự kinh nghiệm thấy rằng những cảm giác của ta là do vật gì khác chứ không phải do tư tưởng của ta; ta có cảm giác này hay cảm giác nọ, nào phải tùy nơi ta, mà tùy vật ấy, tùy nó động chạm tới giác quan của ta”.

Chính Descartes đã định nghĩa vật chất là gì, vật chất là cái gì chiếm một phần không gian, có bề dài, bề ngang, bề sâu, ta chia sẻ vật chất ra làm mấy phần cũng được và nó chịu được mọi hình thức vận động (định nghĩa này bây giờ thì thiếu sót lắm). Theo ông, tuy giác quan của ta có thể sai lầm, nhưng sự vật vẫn có thật. Descartes phân biệt vật chất với nhiều thuộc tánh tạm thời của nó, ví dụ: sáp mới thì thơm, lúc sáo cũ thì hết hương, rắn, nhưng mới hay cũ, dẻo hay rắn, thơm hay không đều là sáp, đều là vật chất, vật chất trong không gian, và thời gian.

b. Có thể biết được sự vật

Descartes rất tin tưởng vào khoa học, mặc dù thời đó, khoa học còn kém, ông tích cực chiến đấu với sự học để học, biết để biết, ông chủ trương một nền triết học, một nền khoa học có lợi ích, rất thiết thực, ông tin vào một triết học thực tế, mục d9i1ch là cải tạo vạn vật theo lợi ích của con người, cũng là cải tạo con người, làm cho mọi người được mạnh khỏe hơn và loài người được trở nên “chủ nhân ông của trời đất”.

(Il est possible de parvenir à des connaissances qui soient fort utiles à la vie, et, au lieu de cette philosophie spéculative qu’on enseigne dans les écoles, on peut trouver une pratique par laquelle connaissent la force et les actions du feu, de l’eau, des astres, des cieux et de tous les autres corps qui nous environnent, nous pourrions les employer en même facon à tous les usages auxquels ils sont propres, et ainsi nous rendre comme maitre et possesseurs de la nature).

 Chống với triết học thần bí, đề cao triết học thực tế, nhận rằng trí não của con người có sức biết được thiên nhiên cho hạnh phúc của loài người, để cho người làm chủ thiên nhiên, đó là những tư tưởng thật của tiến bộ, thật là duy vật.

c. Tách hẳn vật học ra khỏi thần học

Ông tách hẳn vật học của ông ra khỏi thần bí siêu hình vàông chỉ dựa vào kinh nghiệm thực tế, ông rất tán dương nhà khoa học Anh, ông Bacon, xem ông Bacon như là người thầy, ông Bacon ai cũng biết là thủy tổ của phương pháp thí nghiệm.

Càng biết càng phải thí nghiệm (les expériences sont d’autant plus nécessairse qu’on est plus avancé en connaissance).

Descartes đánh đuổi thần bí ra khỏi vật học. Sự đánh đuổi đó là một việc khó. Thuở nọ người ta giải thích cơ thể bằng linh hồn hay là tinh thần, người ta nghĩ rằng cơ thể là cái đền mà linh hồn là kẻ ở trong đền, hễ trọng Phật thì trọng chùa, kính hồn thì kính xác. Trái lại trong vật học của ông Descartes, cho vật chất có một sức tự tạo, và ông nghĩ rằng vận động cơ giới sinh ra sức sống còn vật chất (ý của Marx về Descartes).

Nhờ Descartes mà vật học phát triển mau, ông là ông tổ của các nhà vật học và các nhà duy vật Pháp ở thế kỷ 18.

9. Duy vật cơ giới

Bóc cái vỏ duy tâm và nhị nguyên luận ra, thì còn lại cái hạt nhân, cái tinh túy của triết học Descartes là duy vật. Ông Descartes vật lý học làm mờ ông Descartes siêu hình học.

Song, duy vật của ông là duy vật cớ giới (máy móc). Theo ông, thân thể con người là một bộ máy, so sánh được với cái đồng hồ. Vận động, sanh sống của cơ thể là vận động cơ giới như vận động của trời đất. Sống là gì? Do đâu?. Sống là sức nóng của trái tim truyền ra các bộ phận của cơ thể bằng những ống hơi, ống hơi đó là mạch, là bao tử, ruột non, ruột già v.v…

Cũng theo ông, cầm thú hoàn toàn là một cái máy thôi, cầm thú chẳng có tư tưởng gì hết, chẳng có tánh tình gì hết, ta đánh chó, chó kêu, không phải tại nó đau mà nó kêu “như là” nó đau.

Duy vật luận cơ giới thật thiếu sót, nhưng hồi thế kỷ 17, 18 không thể nào hơn được, không thể đòi duy vật biện chứng trong lúc các môn khoa học chỉ có cơ giới học phát triển mà thôi.

Marx nói: “Duy vật luận cơ giới Pháp tiếp nối vật lý học của Descartes, mà trái với siêu hình học của Descartes”.

Ngày nay học thuật đã tiến cao hơn hồi thế kỷ 17, 18. Duy vật cơ giới trở thành lạc hậu. Duy vật luận cơ giới những bước cho duy vật biện chứng. Dù sao đi nữa ta không thể quên rằng triết học và vật lý học của Descartes đã dọn một đoạn đường phát triển vẻ vang cho tư tưởng loài người.

Duy vật luận là cả một quá trình phát triển, trong quá trình phát triển ấy, Descartes là một trong những điểm chuyển hướng quan trọng thuộc loại bậc nhất.

 

Xem tiếp : Những nghịch lý trong triết học Descartes

 


Nguồn: Trần Văn Giàu. Duy vật luận nước Pháp, Nxb. Bộ Giáo dục, Việt Bắc, 1949. Phiên bản điện tử của TS. Lê Sơn.


1  Descartes

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt