Chủ nghĩa hiện sinh

Hiện tượng luận về hiện sinh (kỳ 8)

GS LÊ THÀNH TRỊ

HIỆN TƯỢNG LUẬN VỀ HIỆN SINH

TRUNG TÂM HỌC LIỆU

BỘ VĂN HÓA GIÁO DỤC VÀ THANH NIÊN

1974

--- o0o ---

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu

Mục lục

1. Ý nghĩa tổng quát của triết lý hiện sinh

2. Kierkegaard và vinh nhục của Tín ngưỡng

Chống thuyết Hegel

3. Nietzsche một nỗi buồn của “Bất tử” hay là Ông Hoàng bất mãn của Siêu nhân

4. Karl Jaspers với bóng dáng của Siêu vượt

Tự do là gì

Hữu Siêu việt

5. Jaspers và Đường về Lịch sử

6. Jean Paul Sartre hay là từ tiếng sét đêm trường đến giấc mơ Đại Đồng cho nhân loại

7. Dưới mắt Sartre Tự do, Tha nhân và Thượng đế

Người đi trong Tự do

Người đi trên băng tuyết

Sartre và vấn đề Thượng đế

8. Martin Heidegger một cố gắng hòa hợp Tín ngưỡng và Triết lý

Triết lý hiện sinh hay triết lý Hữu

Khởi điểm và phương pháp

Những luận đề chính yếu

Người là hữu tại thể

Người là vật bị bỏ rơi

Người là hiện hữu hiểu biết

Hiện hữu suy luận bằng ngôn ngữ

Ưu tư

9. Những hậu đề hiện sinh

Tiên quyết của bản thể người

Hữu vị tử

Trở về với hiện sinh đích thực

10. Diễn tiến tư tưởng của Heidegger

Nhân bản trong học thuyết Heidegger

Quan điểm tiêu cực

Thế nào là chân lý

Tiến về Hữu

Con đường của kinh hoàng

Con đường của triết sử

Ý nghĩa Hữu

Chân trời Heidegger

5.

JASPERS VÀ ĐƯỜNG VỀ LỊCH SỬ

 

Sau cuốn bàn về chân lý, Jaspers còn viết rất nhiều nhưng dường như toàn là những dò dặm, phác họa cho bộ luận lý đã dự định. Có bốn tác phẩm đáng lưu ý hơn cả: Vom Ursprung und Ziel der Geschichte (Nguồn và Đích của Lịch sử). Philosophie und Wissenschaft (Triết lý và Khoa học), Die Grossen Philosophens I (Những Triết gia lớn), Philosophie und Welt, Beden und Aufsatze (Triết lý và Vũ trụ. Khảo luận).

Triết lý là làm sáng tỏ chân lý toàn diện. Làm sáng tỏ là công việc của người, không phải của một sinh vật nào khác. Một công việc vượt khả năng của nhân loại. Dưới mắt Jaspers, Chân lý hay Hữu là một Siêu vượt ngay cả trong kích thước thời gian và không gian của nó. Do đó, nếu chân lý chỉ có thể do người làm sáng tỏ, nghĩa là nếu chân lý tự mặc khải qua diễn tiến sử tính nhân loại, thì đi tìm chân lý tức là trở về với quá trình diễn biến lịch sử nhân loại, và đặc biệt lịch sử triết học. Cuốn Nguồn và Đích của Lịch sử, và cuốn Những Triết gia lớn là những tia sáng dọi vào những chân dung chân lý.

DUY NHẤT CỦA LỊCH SỬ

Theo định nghĩa, triết gia là người mở rộng tâm tư ra bốn phương, trong ý hướng thu gọn cả vào một mối, vũ trụ, và nhân sinh. Triết gia không phải là người xé lẻ, tự thỏa mãn trong một số vấn đề thuộc một hai lĩnh vực suy tư. Triết gia là người mà mọi cá nhân khác sẽ gặp được một hồi âm nào đó cho những thắc mắc riêng tây của mình. Khi bước chân vào ngưỡng của triết học, Jaspers đã thấy mình đương đầu với những dị biệt không những cá nhân với cá nhân, mà còn giữa các tập thể nhân loại rải rác trên quả địa cầu này. Ông đã gõ cửa tâm lý học, ông đã tìm đến với Dilthey, cha đẻ của phong trào sử học Đức quốc, hầu tìm đáp số cho bài toán dị đồng giữa nhân loại. Qua bao nhiêu thử thách, và chắc là theo gương Heidegger, ông đã mở rộng quan niệm hiện sinh của mình đến kích thước của lịch sử giống người. Ông nhận thấy rằng không những Hữu hoặc Chân lý dần dà xuất đầu lộ diện qua tâm trí cá nhân, mà còn qua hành động của toàn thể nhân loại. Chân lý đã tự mặc khải theo diễn biến của cuộc hành trình nhân loại. Cuộc hành trình ấy bắt nguồn trong đêm tối thời gian và, qua bao nhiêu thăng trầm lui tới, dò dậm của đoàn lữ khách càng ngày càng đông đảo, phức tạp, đang bắt đầu nhận thấy ở giữa thế kỷ 20 rằng nhân loại vốn dị là một, duy nhất trong nguồn gốc bí nhiệm của nó cũng như trong cùng đích mờ mịt phải theo đuổi.

Đối với triết gia hiện sinh, bước đầu của triết lý là sự thức tỉnh của ý thức trong những vấn đề con người tự đặt ra cho chính mình, sự thức tỉnh ấy Platon gọi là bỡ ngỡ, là lấy làm lạ. Lấy làm lạ vì chưa quen, vì đối tượng lấy làm lạ còn khó hiểu, còn là một chấm hỏi, một vấn đề. Trong các vấn đề đặt ra cho người, có một vấn đề tiên quyết, một vấn đề mà nếu chưa giải quyết được, thì tất cả các vấn đề khác sẽ bị bỏ dở. Đó là chính con người đặt vấn đề. Heidegger gọi người hoặc Hữu của người là vấn đề căn bản. Jaspers nói đó là vấn đề hiện sinh số một. Tìm hiểu triết lý, tìm hiểu chân lý hoặc Hữu thể, tức là phải tìm hiểu từ bao giờ, lúc nào, con người bắt đầu đặt vấn đề cho ý thức suy tư. Tìm đến những thắc mắc đầu tiên của con người, tức là tìm hiểu người, nhất là khi ta biết được lúc nào trong quá khứ, con người tự đặt chính mình thành vấn đề. Giây phút người đặt vấn đề là giây phút con người bắt đầu thành hữu thể, và là giây phút Hữu thể xuất hiện.

Nghiên cứu giòng lịch sử nhân loại, Jaspers khám phá một cách thực nghiệm rằng trên thang địa cầu, nhân loại đã tiến đến một thời kỳ “kết quả kinh khủng trong việc kiến tạo nhân loại” và đó là thời kỳ chung quanh 500 năm, nghĩa là giữa khoảng 800 và 200 năm trước Kitô Giáng sinh. Jaspers gọi là thời Trục.

Gọi là thời Trục, vì, một cách tổng quát, lịch sử cổ kiêm của toàn thể nhân loại như xoay quanh thời đó, vì dường như không có thời đó làm trụ cốt, thì lịch sử đã không tiếp diễn như ta thấy ngày nay. Jaspers đã đưa ra như những sự kiện mấy đặc trưng sau đây của thời trục. Trước hết, là những biến cố hết sức trọng đại. Các vĩ nhân lần lượt xuất hiện, từ Đông sang Tây: ở Trung Quốc, Khổng Tử và các đồ đệ Mạnh tử, Trang tử, thành lập nền tảng cho Nho gia. Ở Ấn Độ, với ánh đạo vàng dâng lên từ Upanishad và con người Phật Thích Ca, các triết thuyết cực đoan nhất đã làm say mê chúng sinh. Ở Iran, Zarathrustra tự nguyện làm chứng nhân cho cuộc tranh chấp bất tận giữa ông Thiện và ông Ác. Ở Palestin là thời kỳ của các Tiên tri từ Elia đến Deutero-Isaia. Hy Lạp hãnh diện với Homere thi sĩ, với Parmenide, Heraclitus và Platon, triết gia, với Thucydides và Archimedes, sử gia và toán gia… Nói tóm lại, thế giới như gặp mùa hoa nở, nhất loạt kẻ trước người sau trong giai đoạn đó, thi nhau chào đời và dạy đời, mặc dầu không ai là láng giềng gần gũi với ai cả. Một điều cần nói rõ thêm là chỉ có ba khu vực và ba khu vực thôi, được trời đất dành cho những vinh dự nói trên, đó là Trung Quốc, là Ấn Độ, là Hy Lạp. Còn thì tất cả phần nhân loại còn dư vẫn tiếp tục sống những cuộc sống mọi rợ, bán khai.

Con người trong ba khu vực nói trên trong thời trục, đã ý thức được vị trí của mình trong hoàn vũ, đã đo lường được những nhược điểm hoặc bất lực của mình trước sức mạnh thiên nhiên, nhưng cũng đồng thời thấy được mình có những khả năng gì trong việc làm cho cuộc đời có một ý nghĩa, mặc dầu tiêu cực đi nữa. Tư tưởng, từ những kinh nghiệm giác quan, mù lòa, dày đặc, đã vươn lên tới những trực giác siêu việt, qua những đau khổ cũng như những hoan hỉ của các suy niệm do định luật mâu thuẫn gây ra. Những cố gắng phi thường tiếp nối giữa đặc thù và phổ biến, giữa đa tạp và đơn nhất, giữa các phạm trù trừu tượng hoặc cụ thể nhất mà nhân loại có thể nghĩ tới. Nói vắn lại, ngôn đã thế cảm, lý đã thay huyền. Do sự thúc bách của đòi hỏi lý trí, con người không bằng lòng, hoặc không chỉ bằng lòng với huyền thoại, con người muốn hiểu biết bằng ánh sáng của trí thức. Huyền thoại trong những điều kiện ấy, phần nhiều biến chất và trở thành dụ ngôn, hoặc được thanh lọc cho có màu sắc triết lý hơn, hợp lý hơn.

Phong trào linh hóa chạy tràn khắp khu vực theo đòi hỏi nhân linh ư vạn vật. Linh hóa là giải phóng khỏi xích xiềng các thế lực vật chất, đam mê, giáo dục, là tự khẳng định mình trong thái độ đối lập ý thức với ngoại giới, là đi tìm tận tâm khảm những bí quyết cho phép thực hiện sự giải phóng ấy. Trở về với tâm tư, con người đã theo chân triết gia để say mê với tư tưởng suy niệm (pensée spéculative), đi vào vòng trời trừu tượng, hoặc thực hiện những biện pháp tham thiền nhập định, hầu đạt tới tuyệt đối của Thượng Đế, hoặc Chân không nơi Niết bàn. Ý thức người là một thành phần của vũ trụ, người chìm đắm trong đại dương của Nhất thể, người là một hữu trong Hữu… Xuất phát từ trong thời kỳ quan yếu này ý thức ấy đã sớm khiến người can đảm hơn lên trong việc đập vỡ cái vỏ cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, để thanh thoát, hòa mình vào toàn thể. Cho nên ta không lấy làm lạ, tại sao thời trục cũng là thời kỳ của những nhà tu hành gương mẫu, lấy sông núi làm nhà, lấy thú rừng làm bạn, lấy cây cỏ, tuyết băng làm áo, miễn sao gần gũi với thần linh hoặc chân lý thì thôi. Chúng ta cũng không lạ khi thấy một Khổng tử hay một Phật thích ca hoặc một Jérémiad, rảo bước không quản ngày đêm trên khắp mọi nẻo đường xứ sở, rao giảng Đạo trời và Đạo người. Thiên, Địa, Nhân, đó là thuyết tam tài trong Khổng Tử, và đó cũng là quan điểm, dị nhiên theo những giải thích dị biệt, của Phật hay Do thái giáo.

Ngoài ra, cả ba khu vực còn có những điểm tương tự hiển nhiên trong cố gắng xã hội hóa cuộc sống tập thể. Đây là thời kỳ Trung Quốc bị phân ra thành tiểu quốc (đời Chu), cũng như ở Hy Lạp và Cận đông, và Ấn Độ, có những phần đất, hoặc lãnh thổ đặt dưới quyền thống trị của các Tiểu vương quốc. Sự phân hóa được thực hiện với việc tập trung quyền hành. Do đó, mà nảy sinh hiện tượng đế quốc. Cũng cần phải nói thêm rằng thực thể đế quốc thời trục còn là kết quả của tập quán tư hữu và ý thức tranh đấu, chiếm hữu, nhiều ít liên hệ đến óc thống trị. Khi con người đạt đến cao độ linh hóa đối với quá khứ, thì cũng từ đấy, con người đã cảm thấy tất cả tai họa khả thể từ phía tha nhân và ngoại bang, và cũng từ đấy, chiến tranh diễn biến theo một nhịp điệu càng lâu càng hối thúc hơn. Không biết có phải, đó là kết quả của việc ăn phải trái cây biết lành biết dữ nói trong Thánh kinh không, mà từ khi thời trục bắt đầu, thì cũng là bắt đầu những việc tranh dành tập thể đẫm máu, càng ngày càng đẫm máu. Thành ra, trong thực tế, hai sự kiện đã đi đôi với nhau như hình với bóng: càng linh hóa và tiến bộ hơn lên, thì càng nhiều chiến tranh và chiến tranh càng khốc hại và rộng lớn hơn. Sự trạng ấy đã khai sinh ra các đế quốc quân sự và chính trị. Ở Trung hoa Tần Thủy Hoàng, đã mở dần kỷ nguyên xâm lăng các tiểu nhược quốc chung quanh. Ở Ấn Độ, ta thấy đế quốc triều đại Maurya, và ở Tây phương, là đế quốc Hy Lạp, và sau đó, đế quốc La Mã.

Tuy nhiên, và để kết luận, về đặc trưng của thời trục ta thấy rằng đế quốc nói chung Đông Tây đã như tan rã hoặc đến thời kỳ mạt vận vào cuối thời trục, trong khi đó, thì, trên bình diện triết lý và đạo học, chủ nghĩa Khổng tử đã tuần tự biến hình để trở nên phong phú hơn dưới thời Hán, còn Đạo lý của Phật thì được điển chế hóa tại triều đại Asoka, và hoàng đế Augusto đã chuyển hướng sang lĩnh vực giáo dục và văn hóa theo tinh thần La Hy. Tuy nhiên, dưới mắt Jaspers, sự đổ vỡ của các đế quốc thời trục, không có nghĩa là chiến tranh sẽ chấm dứt. Trái lại, tất cả những tranh chấp đẫm máu của hàng ngàn năm sau cho đến thế hệ chúng ta, đã diễn ra như là bắt nguồn ở thời trục. Do đó, mà từ thời trục, nhân loại như bị giằng co giữa hai thế lực: phân hóa và thống nhất nhân tâm, phá hủy và tái thiết, bảo thủ và cách mạng, mặc dầu từ đó lịch sử đã diễn ra dưới nhiều bộ mặt với những ý nghĩa khác nhau.

Đến đây, ta có thể hỏi: từ ngàn năm trước thời trục và hơn hai ngàn năm sau, lịch sử đã được tổ chức như thế nào để luận đề thời trục có thể chấp nhận được? Jaspers đã tóm lược như sau cơ cấu lịch sử chung quanh thời trục:

1.      Thời tiền trục vốn đã có những nền văn minh, đôi khi khả quan, như ta thấy ở cổ Trung Quốc, Babylon, Ai Cập. Ở thời đó người ta cũng đã sáng chế được nhiều tư tưởng và thực hiện được những công trình văn hóa cốt cách: nghệ thuật không phải không có, mà còn khá sâu đậm là đàng khác. Nhưng ở thời đó, con người dường như chưa thấy thức tỉnh, văn hóa còn là sản phẩm thất thường của từng dân tộc lẻ tẻ, rời rạc, chưa nhất loạt xuất hiện rộng rãi trên toàn thế giới như ở thời trục. Con người tiền trục chưa ý thức mãnh liệt ý nghĩa gương mẫu của một thể hiện văn hóa, mặc dầu có những điều đáng làm gương mẫu cho người đời sau. Phải chờ đến Khổng tử hay Platon, tiêu chuẩn gương mẫu mới được đặt ra một cách lý thuyết và hệ thống. Trên bình diện xã hội và chính trị, các tổ chức mới được thực hiện và thẩm định trên những nguyên tắc trừu tượng và phổ biến, lý học. Nói khác đi, con người thời trục như tỉnh dậy để đánh giá người xưa và san định di sản cổ truyền: không có thời trục, cái hay, cái đẹp của người xưa đã bị chôn vùi trong quên lãng. Thời trục đã làm sống lại một quãng đường lịch sử nhân loại vậy.

2.      Từ trên hai ngàn năm nay, nhân loại như quay về thời trục, không ngừng cảm thấy như mất đi một cái gì trong quá khứ. Người ta không ngừng nại đến vạn biểu thế sự, người ta không chán dẫn chứng Socrate, Platon, người ta không quên cầu cứu đến những thuyết pháp chính thống của Phật. Càng xa mờ thời trục, nhân loại càng cảm thấy phải phục hưng tinh thần của trục. Thời trục cơ hồ đã trở nên đối tượng nhớ nhung và cứu rỗi, hoặc ít ra, đã trở nên một chống đỡ hoặc động lực thúc đẩy cuộc hành trình phiêu lưu của nhân loại.

3.      Tuy ngắn ngủi có năm, sáu trăm năm, và giới hạn ở ba khu vực nhất định, thời trục đã có một ý nghĩa bao gồm cả thế giới. Jaspers đưa ra hai sự kiện: những dân tộc nào không được thời trục soi sáng, nghĩa là không là thành phần của thời trục, thì từ đó đến nay vẫn ngu mê trong trạng thái man di, mọi rợ. Còn những miền được may mắn tiếp xúc với các khu vực thời trục, thì dần dà bị đồng hóa hoặc khai hóa theo tinh thần của những khu vực ấy, chẳng hạn Nhật Bản, Thái Lan, Mã Lai ở Đông phương, và Đức, hay các dân tộc Sơ la vơ ở Tây phương. Nói vắn lại, dân tộc nào đi với trục đã tồn tại và phát triển, còn dân tộc nào đứng ngoài trục, đã dần dần bị tiêu diệt.

4.      Ba khu vực chính của thời trục, một khi tiếp xúc với nhau đã tỏ ra dễ cảm thông với nhau. Mặc dầu ngôn ngữ và phong tục bất đồng, con người ở trong ba khu vực ấy đã thấy mình cùng đối diện với những vấn đề nhân sinh giống nhau.

Hiện nay, toàn thế giới, kể cả những dân tộc mọi rợ, bản khai, đang như bị thu gọn cả vào một bối cảnh lịch sử, mà đầu mối là thời trục với tất cả những khả năng giáo hóa và chinh phục của nó.

Một vấn đề sau cùng: phải chăng thời trục là một giả thuyết, và không phải là một sự kiện? Jaspers trả lời rằng quả thực thời trục là một biến cố lịch sử, một sự kiện: “Đã rõ là thời trục cung cấp một yếu tố chung cho việc mô tả toàn thể lịch sử, đó là chiều hướng đưa đến những nguyên tắc mà cho đến nay, vẫn còn hữu hiệu cho nhân loại trong những hoàn cảnh biên cương. Yếu tố chung ấy là một điều chính thiết, không phải bắt rễ từ mọi nơi trên quả đất ở những chỗ nào có người, mà nói theo lịch sử, thì chỉ bắt nguồn ở ba địa căn chật hẹp đã nói”. Điều cần ghi chú là sự đồng hướng về những nguyên lý duy linh hướng đạo cũng không phải đã có do một gặp gỡ nào đó giữa ba khu vực như là ba giai đoạn biện chứng theo nghĩa Hegel. Không làm gì có sự gặp gỡ đó; sự đồng hướng đã được tự động phát hiện ở mỗi khu vực phân cách và từ nhiều nẻo đường dị biệt đồng thời trực chỉ về cùng một đích. Sự đồng hướng có tính cách hiện đại vậy.

Jaspers nhấn mạnh rằng sự song hành đồng hướng này là một thái độ tinh thần, một phong trào đi lên của tâm trí, chứ không phải là một song hành nào đó giữa các hình thức văn hóa như ta thấy trong các xã hội tiền trục ở các miền Hoàng hồ, Nil hoặc Indus.

Vậy thì đâu là nguyên nhân của thời trục? Tại sao lại có hiện tượng đồng hướng tinh thần ấy?

Jaspers không chấp nhận luận đề cho rằng thời trục là tận điểm của một quá trình biến hóa sinh học từ trước. “Sự tiến hóa của giống người, ông viết, không phải là một thực tại có thể dùng để giải thích được gì cả”. Còn nói rằng sự trao đổi văn hóa và giao dịch thương mãi từ trên 3000 năm trước Giáng sinh giữa những xứ như Ai Cập và Babylonia, như Sumeria, và Mesopotania… đặc biệt sự khám phá ra kỹ thuật in chữ, đã là những lý do cho thời trục xuất hiện, thì Jaspers không phủ nhận hoàn toàn ý kiến ấy, nhưng ông thêm rằng tất cả những trao đổi kinh tế hoặc văn hóa không đủ để đưa đến việc khai sinh cho thời trục. Ông cũng không thỏa mãn với lối giải thích đượm màu trừu tượng cổ điển của Lasault[1], của V. Von Strauss[2] hay thần bí của Keyserling[3] hoặc với những quả quyết không nền tảng của Alfred Weber rằng một đồng thể sẵn có từ lâu trước giữa khối Tây Đông (Eurasien). Nói tóm lại, tất cả những giải thích căn cứ vào một giả thuyết đồng nhất tính nào đó hay một nguồn gốc chung nào đó trước thời trục mấy ngàn năm, là những dự đoán không quan niệm được. Vì rằng “nguồn gốc chung ấy không lẽ chỉ mất có mấy ngàn năm để đạt tới tình trạng phân hóa chủng tộc” như ta thấy ở các xã hội Trung Quốc, Ấn Độ…? Và Jaspers kết luận: “Không ai hiểu thấu được cái gì đã xảy ra và biến thành trục của lịch sử thế giới!”.

Không tìm được nguyên nhân nhưng ta có thể tìm được ý nghĩa của thời trục. Jaspers nói đến ba ý nghĩa:

1.      Thời trục đã cống hiến một nền tảng cho quan niệm phổ biến của ta về lịch sử: nhìn vào thời trục chúng ta gặp nhau trong ý thức về một cái gì chung cho nhân loại. Thời trục cắm mốc đầu tiên cho sử học của chúng ta.

2.      Từ thời trục, nhân loại như đã bắt đầu mở rộng cõi lòng để cảm thông với nhau, và sự cảm thông ấy sẽ không bao giờ hoàn tất. Đó là một cảm thông của con người linh hóa, con người lịch sử. Sở dĩ không bao giờ hoàn tất vì sự cảm thông ấy tuy thuộc vào sự khám phá lịch sử về Hữu Siêu vượt của Thượng Đế, nhưng Hữu Siêu vượt chỉ có thể tự mặc khải qua cố gắng thông cảm của con người thời gian.

3.      Thời trục vẫn mãi mãi là nỗi nhớ nhung của người đời sau, mặc dầu thời trục đã chấm dứt trong thất bại. Những vĩ nhân đến sau như Jésus, như Thánh Augustin, vẫn không quên liên kết sức mạnh tư tưởng của mình với tư tưởng của Jérémiah hay một Platon chẳng hạn.

Với những ý nghĩa ấy, lịch sử đã tiếp tục, mặc dầu quanh co uốn khúc, nhưng, như trăm ngàn sông lạch, theo chiều Đại dương vô tận của Duy nhất thể.

THẾ KỶ 20 VÀ THỜI TRỤC

Sau hai thế chiến một và hai, hành tinh địa cầu này đã nhỏ hẳn lại, nhỏ và hẹp hơn đế quốc La mã xưa kia. Nhân loại đã thực sự trở nên một thực thể duy nhất. Nhưng đồng thời với sự hợp nhất, mộng vàng của thời trục, hơn bao giờ hết, chúng ta đang chứng kiến những nguy nan và những xung khắc tân kỳ, vô cùng phức tạp. Một lột xác toàn diện của lịch sử. Phải chăng có một nứt rạn hay một đoạn tuyệt với quá khứ. Phải chăng có một sự trả thù đối với thực hiện sự hợp nhất nói trên?

Trước khi trả lời câu hỏi đó, Jaspers muốn dân chúng ta rảo qua một vòng tình thế hiện tại của thế giới chúng ta đang sống. Có hai sự kiện tối quan yếu và chưa từng xảy ra trong quá khứ, với những hậu quả trầm trọng đến thế: vai trò của khối người và sự tan biến của những giá trị cổ truyền.

Vai trò quyết định của khối người

Cho đến đầu thế kỷ 20 lịch sử dường như dung tha cho đông đảo thành phần nông dân hoặc làm công. Họ sống ngoài mọi tranh chấp của đám thị dân trưởng giả, họ không hay biết và không cần hay biết những gì xảy ra sau trướng gấm màn nhung của vua quan. Nhưng từ trên nửa thế kỷ nay, từng khối người nghìn năm bất động đã chuyển mình, chuyển mình với những sức mạnh ghê gớm. Nông dân, thợ thuyền không còn mù chữ, vô học, họ xích lại gần nhau hơn, và tạo ra một thái độ cho mỗi một thế lực xã hội hay chính trị gia, triết gia và nghệ sĩ. Ai muốn mạnh, hùng, đều trở về với họ và đi với họ…

Nhưng thế nào là khối? Thường nói đến khối, là người ta nghĩ đến một cái gì to lớn, nặng nề, dày đặc… Khối người cũng có một ý nghĩa như vậy. Nhưng nhiều khi khối cũng nói lên một lực lượng nào đó của nhân dân. Sau hết, khối người có một ý nghĩa thấp kém, lê dân, đối tượng của khinh rẻ.

Cần phải phân biệt giữa khối dân và nhân dân, khối và công chúng. Khối dân không đồng nghĩa với nhân dân. Theo Jaspers thì nhân dân có trật tự, đẳng cấp, có văn hóa và truyền thống, cùng sống trong một không khí chung, trong đó cá nhân hãnh diện về tư cách và về sự bảo toàn cùng phát huy tư cách ấy. Trái lại, khối dân không phân chia ra thành phần riêng biệt, không ý thức về sự đông đảo của mình. Khối dân là một khối lượng về người, mù lòa, trống rỗng.

Khối dân sống không cội rễ, không bám vào một cái gì vững chãi, như tảng băng dào dạt, bềnh bồng trên đại dương vậy. Khối dân là một khả dụng và khả thể trao đổi. Cái nhìn của khối dân vốn chật hẹp, không thoát ra khỏi khối lượng của mình. Làm thì hì hục, làm như trâu ngựa, chơi thì chơi thả cửa. Bản chất hay dật gân, động một tí thì nhảy chồm lên, nhưng lại hay thất vọng, và khi đã thất vọng, thì ù lì, bất động, cứng cỏi, lạnh như tiền. Do đó mà khối dân lại hơn ai cả, tỏ ra trung thành, tin tưởng, nhưng cũng chính vì thế mà phản trắc hết chỗ nói. Khối dân nói tóm lại, dễ nóng, dễ lạnh, nhạy bén nhưng không kém câm điếc lúc cần, đó là một đống cát.

Cá nhân có thể vừa là khối dân vừa là nhân dân. Hoàn cảnh thường xô đẩy cá nhân vào khối dân, nhưng con người của cá nhân lại không quên bám riết lấy nhân dân. Khi là khối dân, cá nhân dễ tin vào cái gì phổ biến, chạy theo gót thời trang, say mê điện ảnh và các tài tử điện ảnh, nói vắn lại, chỉ biết có ngày hôm nay và ở địa điểm này. Đó là mẫu người Don Juan qua nhận xét của Jaspers. Còn khi làm nhân dân thì cá nhân muốn tỏ ra mình là một người tự chủ, tự trọng, một thành phần không muốn hòa tan trong khối lượng, một thành phần bất khả thể. Là khối dân, cá nhân muốn làm ngôi sao màn bạc, và nghĩ bằng con số, nghĩa là bằng đa số, địa vị, trên dưới. Là nhân dân, cá nhân sẽ thận trọng đặt vấn đề giá trị và cơ cấu xã hội.

Khối và công chúng. Công chúng là bước đầu đưa nhân dân vào khối dân. Công chúng là hồi âm của văn nghệ thuật. Nói đến công chúng là nói đến chia rẽ dư luận. Văn sĩ hay nhà chính trị thường thi đua chiếm hữu công chúng, nói với công chúng. Nhưng họ không thấy rằng khi không viết cho nhân dân thì họ cũng chưa viết cho khối dân, và giá trị viết lách hoặc tuyên truyền chưa có gì là vững chãi.

Chúng ta đang chứng kiến hiện tượng nhân dân biến thành công chúng và khối dân, công chúng trước khối dân sau. Nhưng khối dân chưa phải là giai đoạn cuối cùng của diễn biến ấy. Khối dân là một tình trạng hiện sinh trong quá trình tan biến của nhân loại. Lịch sử đang tiến theo con đường của khối dân. Bình dân giáo dục, trong thực tế, đang tạo ra một lớp thượng lưu mới vốn không có gốc rễ trong quá khứ, lớp thượng lưu của dân chủ. Tự do đang như cá gặp nước, nhờ sự thi đua cải tiến và mở rộng chương trình giáo dục. Cá nhân có nhiều cơ hội đòi hỏi tham gia trực tiếp vào công việc xã hội, kinh tế, chính trị. Đó là những sự kiện dường như mâu thuẫn. Thực vậy sự xuất hiện của khối dân là động cơ đưa lịch sử vào con đường giải phóng cá nhân, đàng khác lại tạo cơ hội cho độc tài chuyên chế làm mưa gió trong mọi địa hạt. Khối dân là con gươm hai lưỡi, nhất là với sự gia tăng kiến thức và kỹ thuật càng ngày càng sâu rộng trong dân gian. Trong những điều kiện như vậy, làm thế nào để con người cá nhân phát huy theo chiều hướng mong muốn, làm thế nào để tương quan giữa đời tư và đời công, khỏi bên trọng bên khinh, đó là những vấn đề phải đặt ra. Hiện sinh của con người hôm nay là công việc của đạo đức, trí thức và kỹ thuật, là một căng thẳng của ba thế lực ấy.

Sự tan biến của giá trị cổ truyền

Đạo đức mà chúng tôi vừa nói là thứ đạo đức nào? Jaspers nói rằng, đối với khối dân, các tôn giáo không còn ảnh hưởng như xưa nữa. Đạo lý của tôn giáo không còn thuyết phục được họ như đã từng thỏa mãn họ trong các thế kỷ về trước. Họ quay lưng lại với giáo điều siêu hình trừu tượng. Họ hoa mắt trước những huy hoàng của thời đại kỹ thuật. Cánh cửa lòng của khối dân mở rộng đón nhận làn khí vô thần. Họ không muốn tin và không cần tin gì cả, và họ cho rằng vô thần là một tiến bộ, một văn minh của thời kỹ thuật.

Không những thế, khối dân còn được tuyển chọn để tìm kiếm những anh hùng của cô đơn, của vô tín ngưỡng: chịu đựng được một cuộc sống không cội rễ, không hy vọng, giữa phi lý tuyệt đối của cuộc đời, đó mới là người, mới là vinh dự và giá trị của đời người. Con người là tất cả: nền nhân bản vô thần khởi sự từ đó. Như lời tiên đoán của Nietzsche. Nhưng khác với tác giả Zaratrustra, khối dân không cảm thấy một căng thẳng nào trong cố gắng vượt nỗi cô đơn lạnh lùng của những kẻ chỉ biết có hư vô. Con người bình dân đi vào không khí chủ nghĩa hư vô, một cách bình thản, tiệm tiến, không thắc mắc, không hoài nghi, không nhớ tiếc. Rồi trên cái đà ấy khối dân được dẫn dắt vào những nẻo đường lý thuyết của Mác xít, của tâm phân học, của chủ nghĩa chủng tộc.

Và sau đây là những nét điển hình của tinh thần khối lượng, hoặc lấy khối lượng làm phương tiện hành động:

1.      Suy tư bằng ý thức hệ, con người khối dân được dẫn đưa vào một phức tạp ý niệm hoặc ý thức, xem đó như là đại diện cho toàn thể chân lý tuyệt đối, không còn phải nghi ngờ hoặc bàn cãi. Vũ trụ và nhân sinh, tất cả sẽ được nhìn dưới và bằng những ý niệm ấy. Do đó, cá nhân sẽ nhắm mắt đưa chân, nhất cử nhất động được thực hiện một cách tuyệt vọng để biện chứng cho ý thức hệ đã mang lấy vào thân. Và bởi vì tất cả chân lý đã nằm sẵn trong ý thức hệ của mình, nên những gì trái ngược với tin tưởng ý thức hệ ấy sẽ bị coi là nguy hiểm, thù địch, cần phải hủy diệt bằng tất cả mọi giá. Một hệ luận khác của tư tưởng ý thức hệ là nghệ thuật kiến tạo và nuôi dưỡng giặc miệng. Phải tận dụng mọi khả năng, ngôn ngữ và ngụy biện để đánh ngã lập trường đối nghịch, để làm cho khối dân càng ngày càng bám sát vào ý thức hệ. Con người ta, một khi đã mang bửu bối ý thức hệ vào cổ, thì không còn phải suy tư, tâm niệm làm gì nữa. Còn gì bí ẩn nữa mà suy tư hay tìm kiếm. Tất cả đã nằm sẵn trong Thánh kinh của Mác-xít, hoặc đã ghi rõ trong phương pháp tâm phân. Chỉ cần mở rộng Thánh kinh ấy ra, chỉ cần áp dụng phương pháp ấy, thì tất cả chân dung của con người sẽ bày ra ánh sáng.

Con người ý thức hệ sẽ là chiến sĩ của mưu mô, sẽ là một mưu sĩ thượng thặng: tất cả cho sự chiến thắng của ý thức hệ bởi vì đó là chiến thắng của chân lý. Không còn ngụy biện hay tất cả là ngụy biện cũng thế. Dưới sức ép buộc vô hình của ý thức hệ, cá nhân khối dân sẽ không mệt nhọc thi đua để làm thánh tử đạo cho xảo quyệt, cho độc kế trong cuộc tranh chấp sanh tử với các ý thức hệ khác. Ý thức hệ là nguyên nhân chính của phân tán và chia rẽ của nhân loại ngày nay, là vì như thế đó.

2.      Giản lược hóa. Người ta liên kết ý thức hệ với khoa học, cho nên lý tưởng là đúc kết các giáo điều ý thức hệ lại thành những công thức càng ngắn, càng gọn, càng tốt, và càng có hiệu năng tác động trên khối dân. Cho nên không có gì lạ cả, khi thế kỷ của chúng ta là thế kỷ của khẩu hiệu, châm ngôn, của những lý thuyết đúc sẵn, thách đố, của những câu nói tượng trưng nhưng không kém thần bí. Nhưng người ta không thấy rằng đó là khoa học ngụy tạo, giả hiệu.

3.      Phủ định và tiêu cực. Sau hết, và cũng là con đẻ của ý thức hệ, thái độ phủ nhận và đổ lỗi cho người khác. Không bao giờ con người chịu nhận lấy trách nhiệm cho mình hay cho phe phái mình. Những sai lầm, nếu có, thì đó là ngoài ý muốn và từ những nguyên nhân ngoại lai, phản động. Thành ra, cả một phong trào đổ lỗi, kết án lẫn nhau: tư bản đổ lỗi cho tự do chủ nghĩa, tự do chủ nghĩa đổ lỗi cho Mác xít, Mác xít đổ lỗi cho Thiên Chúa giáo, Do Thái đổ lỗi cho Đức quốc và ngược lại, cứ như thế mãi, bất tận… Kết quả là tất cả là có tội và không một cá nhân hay một dân tộc hoặc một chủ nghĩa nào nhận lấy trách nhiệm cả. Tình trạng vô danh cao độ. Đạo lý như chim Đại bàng đã xa bay, để lại một thế giới chen lấn nhau trong âm thanh của tiếng động, ông nói gà bà nói vịt, không ai hiểu ai cả, một thế giới của phủ nhận toàn diện, thế giới của tiếng “không” không hơn không kém.

Tại sao lại có tình trạng như vậy? Jaspers nói rằng đã đành là hậu quả của thời đại kỹ thuật, nhưng phân tách sâu rộng hơn, còn có những nguyên nhân xa gần khác, và sau đây là ba trong những nguyên nhân ấy, cần được chú ý đặc biệt:

1.      Thế kỷ ánh sáng. Mệnh danh là ánh sáng, thế kỷ 18 đã nhờ phương tiện ấn loát và báo chí, gieo vào lòng người nhiều mối hoài nghi, được những kiến thức nửa vời phu họa. Thêm vào đó là những xét lại chính những người đại diện Giáo hội La Mỹ thực hiện, liên hệ đến tín điều và luật lệ của Giáo hội.

2.      Cuộc cách mạng Pháp. Cuộc cách mạng này đã gây nên nhiều dị đồng trong giới triết học, Kant đã từng đề cao và cảm phục nó. Trái lại, một Berke không tiếc lời công kích. Mặc khác, bên cạnh những động lực tốt của cách mạng, không thiếu gì khuyết điểm đã xô đẩy tự do con người xuống vực thẳm. Người ta đã nhân danh lý trí để đòi hỏi tự do bình đẳng, để rồi làm nạn nhân cho độc tài, đế quốc của lý trí cực đoan, cơ giới. Cũng như J. P. Sartre, Jaspers đã thấy được tính chất mâu thuẫn căn bản của cách mạng Pháp, trong việc đòi hỏi quyền tự do đối lập với quyền bình, với bất công, với bạo lực.

3.      Chủ nghĩa duy tâm triết lý. Do ảnh hưởng của các triết gia duy tâm Đức, nhất là Fichte và Hegel, bầu trời tư tưởng Âu Châu đã vô tình bị nhiễm độc bởi những làn gió tự cao, tự mãn, con người không còn thấy gì huyền nhiệm ngoài cái ta ra. Tất cả đã được nhìn theo viễn tượng lý tuyệt đối của Hegel hoặc ngã phi ngã của Fichte. Âu Châu dần dần rơi vào hoài nghi, và mất tín ngưỡng: con người như chỉ là tập dụng phù du của hiện tượng thiếu nền tảng, thiếu bản chất.

Dĩ nhiên không phải chỉ có từng ấy nguyên nhân, nhưng ít ra, đó là những nguyên nhân đáng lưu ý. Chúng ta còn phải nỗ lực và nỗ lực nhiều, để tìm cho ra “nguồn gốc của khủng hoảng và mất tín ngưỡng” hiện tại. Cho đến nay, đứng trước thời cuộc điên đảo này của toàn thế giới, thời cuộc phân hóa của “văn minh và tinh thần”, Jaspers muốn chúng ta nghi nhận rằng:

1.      Nhìn ra ngoài, bất cứ một biến cố nào đều mang kích thước hành tinh. Hơn bao giờ hết, ý thức nhân loại đã bao trùm cả quả đất. Không ai và không một xứ sở nào, còn có thể đứng ngoài thế giới; số phận của một người hoặc một số người, là số phận của nhân loại và ngược lại.

2.      So sánh với thời trục, thì thời trục là viên mãn, ta là trống rỗng. Thời trục có Socrate, Khổng tử, Phật thích ca. Chúng ta như đang ở thời kỳ sửa soạn lên đường…

******

Ngược dòng lịch sử, Heidegger không nhằm mục đích nào khác hơn là vẽ lại chân dung của Hữu thể đã tự mặc khải qua các thời đại triết lý. Nhưng Heidegger có vẻ lý thuyết và triết lý quá. Phải chăng vì lý do ấy mà Jaspers muốn tỏ ra cụ thể hơn, lịch sử hơn, và hiện sinh hơn? Điều cần ghi chú là Heidegger trong cố gắng trở về nguồn của lịch sử, đã không đi xa hơn thời trục của Jaspers. Theo thứ tự thời gian, độc giả có thể nghĩ rằng Jaspers đã “lên đường hồi hương” sau Heidegger, nhưng mỗi người đứng trên mỗi bình diện suy tư và nghiên cứu. Cũng như Heidegger, ông quan niệm Hữu đang tự giới thiệu qua từng con người cá nhân và theo quá trình lịch sử nhân loại, và triết lý là tìm về sự giới thiệu ấy của Hữu như là cùng đích của mình; mặt khác, Hữu của Heidegger chính là Thượng Đế Siêu vượt của Jaspers:

“Cùng đích là sự biểu lộ của Hữu nơi người, là thấy được Hữu trong những sâu xa của nó, nghĩa là sự biểu lộ của Thượng Đế”.

Thượng Đế là Nhứt, “điểm quy chiếu xa vời” của mọi cố gắng tư tưởng nhân loại, là siêu vượt, là “nhứt” của Siêu vượt, là “nguồn gốc và cùng đích” của tất cả. Và Jaspers kết luận quan niệm của ông về lịch sử như sau:

“Nếu lịch sử hoàn cầu đi từ Nhứt để về với Nhứt, thì nó sẽ diễn ra thế nào để cho những gì ta có thể đạt tới đều nằm trong giới hạn của hai cực tối hậu ấy. Có một khởi sự của các duy nhất, một hăng say tìm kiếm duy nhất; và rồi có một đam mê nghiền nát các duy nhất.

Như vậy cái duy nhất sâu xa nhất là một tôn giáo vô hình, làm thành một nước của các tinh thần, trước bí mật của Hữu biểu lộ trong sự hòa hợp các tâm hồn. Tuy nhiên, trên bình diện lịch sử, từ đầu đến cuối, vẫn có cố gắng đạt tới ý nghĩa thực sự của duy nhất sâu xa ấy, sự cố gắng ấy cũng không liên tục là ý nghĩa ấy”.

… VÀ VÀO THẾ GIỚI TRIẾT GIA

Cuốn Nguồn và Đích phác họa khung cảnh suy tư về lịch sử của Siêu vượt. Trong giới hạn đó, lịch sử đã diễn biến dưới trăm nghìn hình thức dị biệt. Nhưng có một liên hệ giữa lịch sử nói chung và triết lý, hay nói cho đúng hơn, triết lý, qua tiếng nói của triết gia, là thực chất của mọi tiến hóa trong lịch sử. Tác giả cuốn “những Đại triết gia” muốn đưa chúng ta đi vào thực chất ấy. Hơn tất cả, triết gia, qua các thời đại, đã làm sáng tỏ chân lý.

Chúng ta sẽ trình bày thế giới triết gia như Jaspers quan niệm, trong ba vấn đề:

1. - Triết gia là ai?

2. - Có cần tìm đến với triết gia không?

3. - Những ai là triết gia?

Triết gia là ai?

Một vài lần ta đã thấy triết gia là người trung gian của Hữu thể, của Nhất, hoăc của Siêu vượt. Cần phải minh xác hơn. Theo Aristoteles thì mọi người sinh ra đều mang khả thể trở thành triết gia, nghĩa là có thể ít ra đặt vấn đề triết lý. Trong thực tế, triết gia là người nói thay cho những ai vì lẽ này hay lẽ khác, không thực hiện được khả năng triết lý của mình.

Trước hết, triết gia là một vĩ nhân. Một cách tổng quát “vĩ nhân như một ánh sáng phản chiếu cái toàn thể của Hữu…”. Sự xuất hiện của vĩ nhân trong thế giới là một tia sáng đẹp của một hoàn tất, hoặc như là một thất bại bi thảm, hoặc như là sự an nghỉ bí nhiệm trong xao động không ngừng do đáy lòng cuộc sống mình gây ra, cuộc sống biểu hiện Siêu vượt. Như vậy, vĩ nhân không tất nhiên là người thành công trong đường đời, hoặc là người thông minh tuyệt vời hay tài ba xuất chúng. Nhưng vĩ nhân là một cao cả mà ý nghĩa phải tìm thấy trong tương quan với toàn thể, với Bao trùm và phổ biến: vĩ nhân là người thể hiện được sự duy nhất của cá nhân ngôi vị với tổng quát khách quan. Mặc dầu tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá vĩ nhân, thay đổi theo thời đại và địa phương, vĩ nhân không nhiều như lá mùa thu. Tuy nhiên, vĩ nhân là một người, và trước hết, như bất cứ một người nào khác. Nghĩa là vĩ nhân không ở đâu xa ngoài quả địa cầu này, vĩ nhân là người cùng thuộc về giống người như ta, là người thể hiện những khả thể nhân loại, và đưa nhân loại lên một giai từng cao hơn. Là người sống giữa chúng ta, với chúng ta; nhưng vĩ nhân vốn là vô hình và bí mật. Thấy vĩ nhân mà như không thấy. Vì vĩ nhân cao sâu và phong phú. Vì vĩ nhân vượt lên trên người thường. Vĩ nhân như ẩn như hiện trước mắt chúng ta. Sự kiện đó khiến chúng ta vừa thấy như gần vĩ nhân, nhưng cũng rất xa cách. Càng tiếp xúc với vĩ nhân, con người phàm của ta như hứng khởi và phong phú thêm lên. Với vĩ nhân ta mới thấy được giá trị làm người của ta: “Người mà tôi thấy được cao cả sẽ tiết lộ cho tôi biết tôi là gì?” Nhưng cảm phục hoặc kính trọng vĩ nhân không có nghĩa là thần thánh hóa họ, tôn thờ họ, hay đánh bóng họ một cách thái quá và lố bịch.

Triết gia là vĩ nhân, nhưng có gì khác biệt giữa cao cả của triết gia và các vĩ nhân khác không? Cũng như mọi vĩ nhân khác, triết gia là người tự đặt mình trong tương quan với toàn thể, và nhắm đến chân lý siêu thời gian, khinh rẻ những nguồn lợi riêng tây chật hẹp… Nhưng triết gia khác với vĩ nhân nói chung ở chỗ triết gia lấy suy tư và hoạt động tinh thần làm chủ yếu, sống bằng suy tư và cho suy tư. Không phải chỉ suy tư trên những gì xảy ra chung quanh, mà còn suy tư phản tỉnh, suy tư trên suy tư, và ở cao cả này, triết gia nhiều khi phải suy tư bằng tượng trưng và qua trung gian của trực giác. Đó là suy tư triết lý. Không có một lĩnh vực nào mà triết gia không suy tư tới: Suy tư triết lý có mặt khắp nơi, trong tôn giáo, huyền thoại, khoa học, nghệ thuật… Vì thế có một triết lý của tôn giáo, một triết lý của khoa học, của nghệ thuật. Chỗ nào suy tư nổi cao lên, ngự trị, thì chỗ ấy là hình bóng hoặc chân dung suy tư triết lý. Còn nơi nào, hình ảnh, đường sắc, màu nét chiếm địa vị ưu tiên, thì nơi đó là thi văn, là nhạc, là họa. Cái phân biệt suy tư triết lý với các suy tư khác, là tính chất khoa học phổ biến và toàn diện của nó. Tính chất khoa học nói ở đây không nên hiểu theo nghĩa thực nghiệm, lý học, hoặc toán học, mà cốt nhất là ở khả năng làm cho ta lãnh hộithông cảm được chân lý. Do đó, suy tư triết lý là một thấu triệt thâm viễn và phong phú.

Để xứng đáng với vinh dự cao cả của một triết gia, cần có nhiều điều kiện. Jaspers đề ra mấy tiêu chuẩn cao cả sau đây của triết gia:

a)      Có tác phẩm để lại. Triết gia là người ghi lại bằng chữ viết những diễn tiến suy tư của mình. Người đời sau sẽ căn cứ vào đấy mà tiếp xúc với triết lý. Không có tác phẩm, không có triết gia. Trừ một số trường hợp rất hạn hữu, đó là trường hợp của Socrate, Phật Thích Ca, Khổng Tử (có viết ít nhiều), Anaximandre, Parménide, Héraclide, là những người chuyên thuyết pháp hoặc đối thoại, nhưng cũng được kể là triết gia.

b)     Nội dung độc lập, độc đáo và siêu lịch sử. Tuy sống trong giới hạn của thời đại, địa phương, nhưng triết gia phải chứng tỏ cái nhìn phi thời gian, siêu vượt. Triết gia là bộ mặt nói với con người của mọi thời, là tấm gương để nhìn vào đó con người ở bốn phương trời sẽ thấy được hình ảnh tâm tư riêng tây cá nhân mình. Tuy nhiên, muốn được vậy, triết gia đồng thời phải là người độc đáo, phải mang lại cho thế giới một khả thể cảm thông tính chưa từng có trong lịch sử. Theo nghĩa đó, triết gia là người đã thực hiện được một nhảy vọt vào lịch sử: sự nhảy vọt của sáng tạo. Triết gia là một phép lạ của cái Mới vậy. Độc đáo còn là cái gì nằm trong tinh thần truyền đi, độc đáo trong hệ thống có hiệu năng mở rộng con người và vũ trụ. Độc đáo liên hệ đến độc lập nội tâm. Đọc triết gia, người ta sẽ chứng kiến một thái độ tự cường của ông trước lo âu thời gian; triết gia, nhờ tinh thần độc lập ấy, đã chinh phục được một an tâm tuyệt đối trong mọi thử thách của cuộc đời, tiếp tục làm chủ được chính mình và tư tưởng mình. Vì thế mà hơn ai hết, triết gia sống trong một hoàn cảnh cô lập bên trong. Nhưng lại không vì thế, mà triết gia khép kín cõi lòng, trái lại luôn luôn cởi mở, hào hiệp, độ lượng với bất cứ một người nào khác. Nói tóm lại, triết gia chỉ biết tùng phục lý trí, tôn thờ lý trí trong mơ ước độc lập và lệ thuộc, và không bao giờ tự cao, tự đại về thái độ của mình, vì biết rằng đó là việc của tiểu nhân.

c)      Tính chất khách quan của tác phẩm. Ngoài những tính chất bên trong trên đây, tác phẩm của triết gia còn thỏa mãn một số đặc điểm khách quan chính yếu sau đây: trước hết là tính chất khoa học của tác phẩm. Đây là một lý tưởng, nhất là từ hai thế kỷ nay. Tư tưởng diễn tả cần hội đủ hai điều kiện: hình thức lý học và hệ thống tính của triết lý. Do đó, không thể kể là triết gia, những cây bút biên khảo, những tác giả các câu châm ngôn, tục ngữ, những thi sĩ hay văn sĩ triết lý. Tuy nhiên, gần đây đã nảy sinh ra hai khuynh hướng đối lập giữa triết gia: một thiên về khoa học tính thực tiễn và lý học, còn khuynh hướng thứ hai lại đề cao giọng điệu của một bút pháp lâm ly thống thiết. Khuynh hướng thứ nhất là của những triết gia phân tách ngôn ngữ, luận lý, toán học. Còn khuynh hướng sau đặc biệt là của những phong trào hiện sinh. Jaspers nói rằng: dầu sao đi nữa, triết lý cũng cần phải là một khoa học. Như đã nói, tính chất triết lý thứ hai của tác phẩm là mở rộng cho toàn thể. Triết gia phải ý thức được giới hạn, làm thế nào để tiến theo chiều phổ biến, thể hiện ý niệm về toàn thể, chỉ cho độc giả thấy toàn thể trong độc thù và và cá biệt. Tuy nhiên, không phải là một phổ biến mất máu, trừu tượng, lột dạ, mà là một cụ thể sống động. Con người ta vốn sống phổ biến tính mỗi người mỗi cách, không ai giống ai. Jaspers nhắc đến lời nói này của Nietzsche để nhấn mạnh đến hiện hữu của phổ biến trong mỗi cách sống của cá nhân: “Đối với triết gia, mọi sự đều thân tình và đáng kính, mọi biến cố đều hữu ích, mọi ngày đều đáng kính, mọi người đều là thần thánh”. Sau hết, là tính cách quy phạm của tư tưởng. Triết gia là gương mẫu đối với độc giả, một sức mạnh ôm ghì lấy độc giả, một nhà lập pháp đối với mọi người. Ông nhận trách nhiệm của một “César trong việc giáo dục và một chuyên chế của văn hóa”. Triết gia sẽ quan niệm rõ ràng để trình bày minh xác, có như vậy thì mới làm cho kẻ khác ý thức được trách nhiệm làm người. Độc giả có được thuyết phục và có những ý niệm về chân lý, thì mới làm theo ý kiến của triết gia. Vô tri bất mộ. Tuy nhiên có sự dị biệt giữa triết lý và tôn giáo. Tôn giáo nghiên về tâm tình và nói nhiều với tình cảm, đưa vào huyền nhiệm của tín ngưỡng, trong khi đó, triết lý nói với lý trí và đưa đến khoa học. Khoa học thực nghiệm hay toán học, tuy vậy, không là đối tượng của chọn lựa. Con người có thể không chết cho khoa học nói chung, bởi vì khoa học là một ý thức nói chung, trong khi đó triết lý là việc của toàn chủ thể tự do, là việc của dấn thân toàn diện, và cá nhân sống chết cho triết lý đã chấp nhận.

Có cần tìm đến triết gia không?

Đi vào triết sử là đi vào vương quốc triết gia, là tiếp xúc với từng cá tính độc đáo và độc lập của mỗi triết gia. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là triết lý có đồng nghĩa với tư tưởng và tâm tình của triết gia không, triết gia có cần thiết cho việc tìm lại chân dung của triết lý không? Một cách chi tiết hơn, Jaspers đã nói đến ý nghĩa của triết gia trong lịch sử triết học trước hết bằng cách đặt ra và trả lời mấy vấn nạn sau đây:

CÁ TÍNH TRIẾT GIA

Vấn nạn 1. - Nếu triết học là một khoa học, thì đối tượng của nó là một khách thể tự tại, và cá nhân chủ quan của triết gia sẽ không nói lên được khách thể ấy. Cũng do đấy, học triết sử, chỉ cần tìm đến những biến cố phi ngã: cá tính của triết gia, nếu có, sẽ hòa tan trong trào lưu kinh nghiệm phổ biến.

Trả lời: không ai phủ nhận rằng có những điều trong triết sử không tùy thuộc cá nhân triết gia, có những vấn đề điển hình cũng như những cơ cấu tư tưởng nói chung. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa chân lý khoa học và chân dung triết lý. Khoa học nhằm cắt nghĩa sự kiện, tìm nhân quả máy móc của hiện tượng, không hơn không kém. Khám phá khoa học có giá trị như những chỉ dẫn, hoặc dấu hiệu, cho con đường triết lý. Trái lại, tư tưởng triết lý chỉ có thể đi qua suy niệm chủ quan của triết gia để tìm về hướng phổ biến. Không có chủ thể làm gì có khách vật, và nói đến khách vật là nói cái gì bên ngoài được khẳng định bởi những cái nhìn của cá nhân triết gia. Tóm lại, Jaspers đưa ra ba công lý cho khoa triết học:

1.      Tư tưởng triết lý không thể ly khai bởi con người làm công việc suy tư ấy.

2.      Triết lý thực của tác phẩm triết học là ngôn ngữ của triết gia và ngôn ngữ ấy nói lên hiện sinh nhân loại.

3.      Triết gia thực cần được thu hình trong nhiều cá nhân khác nhau, và sự duy nhất của hình ảnh lý tưởng ấy sẽ được tìm thấy trong sự cảm thông của các cá nhân triết gia vào một ý niệm chân lý vĩnh viễn.

Vấn nạn 2 - Thực tại khách thể là một toàn thể duy nhất bao trùm. Mỗi con người triết gia chỉ là một thành phần nhỏ bé của toàn thể. Dầu có viết thiên thư vạn quyển, với một kiến thức bách khoa, thì cá nhân triết gia cũng sẽ như hạt cát trong đại dương của bao trùm.

Trả lời: Ở đây cũng có một dị biệt viễn tượng giữa triết lý và khoa học. Theo định nghĩa, triết gia là người nhìn mỗi sự vật tương quan với toàn thể, toàn thể bao trùm sở dĩ có là có cho con người triết gia. Mỗi một triết gia nhìn toàn thể mỗi cách, và do đó có nhiều toàn thể trong triết sử. Đứng ở một điểm nhất định trong thời gian và không gian, cái nhìn toàn thể của triết gia không khỏi mang nhiều thiếu sót chật hẹp, mơ hồ, sai lệch. Bởi vì bao trùm vô cùng rộng lớn, không ai thấy rõ được bao trùm, nhưng ai cũng thấy bao trùm cả. Nhờ có bao trùm cho nên triết gia mới thấy bao trùm, và nhờ so sánh, đối chiếu, cảm thông giữa các bao trùm, chúng ta mới tiến bộ trên con đường đi về Bao trùm. Đó là ý nghĩa câu: “Toàn thể không thể lớn hơn cái mà năm tháng sống của một người, năng lực tinh thần của nó, sự sâu rộng của đời nó và sức lực thông minh của nó cho phép”. Trong khi đó, nhà khoa học đâu có cần phải mở rộng nghiên cứu cho toàn thể. Không cần phải biết hết để biết tham gia vào một công trình của khoa học. Đào tạo khoa học, mặt khác, thường khi nhằm huấn luyện cách sử dụng các phương tiện khoa học, thế thôi. Kiến thức khoa học là kiến thức riêng phần, và cái toàn thể mong muốn của khoa học là kết quả quy nạp của những thí nghiệm từng phần đi trước. Còn kiến thức triết lý, từ đầu, là kiến thức về toàn thể: “triết lý mà riêng phần thì không còn là triết lý nữa”. Theo nghĩa ấy, thì triết lý khoa học hơn khoa học thực nghiệm nhiều lắm.

Vấn nạn 3. - Mỗi thời đại có một tinh thần khác nhau. Cá nhân không thoát được ra ngoài tác động của tinh thần ấy được. Thời thế tạo nên triết gia, triết gia là hàm số lịch sử diễn biến của tinh thần ấy. Tư tưởng gặp môi trường thuận lợi, ắt phát sinh! Không người này thì có kẻ khác nói lên tư tưởng ấy.

Trả lời: Một khi đã dấn thân vào một không khí sống nào đó, thì dầu muốn hay không, con người đều chịu sự tác thành của hoàn cảnh. Điều đó đã dĩ nhiên. Con người đây, không riêng gì triết gia, mà là tất cả mọi người: nhà chính trị, kinh doanh, xã hội, văn nhân, thi sĩ, kẻ sang người hèn. Tuy nhiên, để đương đầu với thời cuộc, kẻ trụ thời mẫn thế ai cũng mong tìm những phương thức hoặc giải pháp hữu hiệu, ai cũng muốn tìm cho đời một ý nghĩa sống. Có điều là các phương lược hoặc nhân định đưa ra thường dị biệt, tương phản, nhiều khi mâu thuẫn với nhau. Sự kiện ấy chứng tỏ không hẳn tư tưởng con người là sản phẩm thuần thành của thời cuộc. Triết gia là người phải có tiếng nói của mọi người, nhưng khác hơn tiếng nói của bất cứ ai. Tiếng nói ấy không thể tuyệt đối đồng nhất trong mọi kích thước của nó, với trào lưu tư tưởng hiện hữu được. Tiếng nói ấy, làm nổ tung khuôn khổ thành kiến lịch sử, bởi vì tiếng nói ấy từ trong lòng thời đại nhưng lại có một sức mạnh vượt lên trên thời cuộc. Tiếng nói ấy không phủ nhận hay phản trắc với thời cuộc, và lịch sử, nhưng muốn vươn lên chiều hướng siêu lịch sử. Cho nên Jaspers đã nói như Hegel rằng điều cốt yếu là “không phải hơn thời gian nhưng là thời gian tốt đẹp nhất trong thể cách của nó”. Phải làm cho từ bùn lầy của thời gian nảy lên những bông hoa tư tưởng và hành động tốt đẹp, như sen nở giữa ao tù nước đọng vậy. Cái đẹp của sen là ở trong đầm. Tư tưởng triết lý vốn dĩ bắt nguồn ở thời đại. Thưởng thức tư tưởng ấy, ta phải đặt nó vào hoàn cảnh sống của triết gia, có như vậy ta mới bắt được chân lý, nghĩa là mới thấy được thế nào là chân lý trong tư thế hiện thân của nó. Làm gì có một chân lý chơi vơi trong bầu trời trừu tượng. Nhưng cũng làm gì có một thời gian thiếu nội dung chân lý. Vì thế Jaspers kết luận: “Nội dung của chân lý chỉ có thể đến với ta trong sự duy nhất của thời tính và vĩnh tính. Thời tính thuần túy sẽ đưa ta đến một vô tận những yếu tố trung hòa, vừa đến đã vội ra đi. Vĩnh tính thuần túy đưa ta đến trừu tượng của một hữu thể không thực tại. Nếu ta đạt đến sự duy nhất của hai bên, cùng nối kết với thực nghiệm, cùng soi sáng bởi cái bên kia thực nghiệm, thì lúc ấy chúng ta thấy nơi duy nhất ấy cái đáng gọi là yếu chất”.

Vấn nạn 4. - Cái gọi là cá tính triết gia chỉ là quan niệm của Tây phương và không có giá trị cho Đông phương, nơi mà cá tính cá nhân chỉ là một hình thái lịch sử, không có giá trị phổ biến.

Trả lời: Jaspers tỏ ra đồng ý với vấn nạn, và chỉ nói rằng: không chú ý đến cá tính của triết gia là thái độ triết lý không thực tế để lãnh hội lịch sử triết học.

Vấn nạn 5. - Triển diễn của lịch sử là do ý lực và sự đáp ứng lại ý lực ấy. Lịch sử ngày nay là lịch sử phản ứng của dân chúng. Từng khối dân không cần biết tác giả của những ý tưởng có tính chất khích động và lôi cuốn. Tư tưởng hoặc tâm tình nào đáp ứng được với quyền lợi kinh tế, chính trị, xã hội, chủng tộc, đều có giá trị quyết định, dầu những tâm tư ấy do ai cũng vậy. Hơn nữa, làm cho tư tưởng lên men, dấy động thường là việc của những tập thể nhỏ hẹp, vô danh, của những cán bộ. Trong lĩnh vực tôn giáo, không phải Phật hay Chúa Cơ Đốc là quan yếu, mà từng tổ chức đồ đệ, tăng ni, linh mục, v.v… mới là những người trực tiếp duy trì và phát huy Đạo lý của các vị sáng lập tôn giáo. Cũng vậy, quần chúng được cải tiến, quần chúng đứng lên làm cách mạng… không phải vì Platon, Thánh Augustin, hay K. Marx. Do đó, đối với họ, chỉ cần tư tưởng dập thành công thức, biểu ngữ.

Trả lời: Không có cá tính sáng tạo của triết gia, thì lấy đâu ra những tư tưởng hữu dụng cho cán bộ? Vả lại, thường khi sự quên lãng hoặc không biết đến cá tính ấy là nguyên nhân hỗn loạn giữa giải thích của các cán bộ. Và do đó, là làm cản trở hoặc kéo lùi bước tiến của lịch sử. Vậy, trở về với đời sống cá nhân của triết gia vẫn là một việc nên làm, nếu ta muốn thấy rõ hơn ý nghĩa hiện sinh của triết lý, và nếu qua hiện sinh của cá nhân, triết lý mới tự vén màn lên được.

Vấn nạn 6. - Đề cao triết gia mà bỏ quên những cá nhân khác, phải chăng là một bất công đối với sự góp sức của mọi người trong việc thực hiện chân lý? Bởi vì không phải triết gia này hay người vô học kia, làm sáng tỏ chân lý, mà chính nhân tính trong mọi người tham gia vào công trình ấy.

Trả lời: Vấn nạn trên do ý thức về sự bình đẳng giữa những kẻ làm người; phải tôn trọng người trong mọi cá nhân. Nhưng nếu chỉ bằng lòng có thế thôi, thì hóa ra nhắm mắt trước thực tế và bất công với nhiều người sao? Thực vậy, trong mọi lĩnh vực, có một hơn kém, một đẳng cấp trong khả năng và thực hiện sáng tạo. Không công nhận điều đó là làm thui chột mọi thiện chí đua tranh sáng tạo. Không công nhận điều đó, là làm ngưng trệ tiến bộ, và do đó, là phi nhân.

Kết luận: “Trong thế giới của tinh thần, đa số không thể làm nên luật pháp được. Chỉ có tự do của một cái nhìn yêu đương và kính trọng tạo nên đất đứng cho đẳng cấp. Đẳng cấp ấy, thực thế, không do một chấp mê nào, một giấy tờ hành chính nào, một án lệnh nào, một bổ nhiệm nào mà thành cả (…). Đẳng cấp thật dần dà tự tạo theo lịch sử và biến hành, nhưng vẫn giữ được tính chất vĩnh viễn của nó…”. Trong ý hướng dẫn ta đến nguồn mạch cao cả nơi triết gia, Jaspers lưu ý độc giả rằng:

1.      Sự kế tiếp của các triết gia lớn không phải là một chuỗi khai triển tiệm tiến. Mỗi triết gia là một ngọn núi cao, không một ai khác sẽ đi lên đó được.

2.      Càng giao tiếp với triết gia ấy, càng thấy sung túc phong phú. Tất cả các triết gia là công dân độc đáo và không thay thế được của một nước tinh thần, trong đó môi trường thông cảm giữa họ được do chính họ hoặc người đời sau tạo ra.

3.      Số phận của triết gia thăng trầm theo nhu cầu của mỗi thời đại. Quên lãng của người đời đối với một triết gia không có nghĩa là triết gia ấy không có giá trị.

THÀNH THỰC CỦA TRIẾT GIA

Một vấn đề thứ hai: tiếng nói của triết gia có thực xuất phát từ đáy lòng của ông không, ông có thực sự tin tưởng vào triết lý của mình không, nghĩa là ông có sống cái triết lý của ông để làm gương mẫu “lời nói đi đôi với việc làm”? Bởi vì nếu chính tác giả không tôn trọng ý tưởng của mình, thì độc giả có quyền nghi ngờ là giả dối, điêu ngoa không?

1.      Thiện chí là điều cốt yếu. Nietzsche viết: “Phần nhiều triết gia là những “người của chốc lát”, hăng say, thích cảm giác mạnh, trẻ con, nhẹ dạ, và hay thay đổi, khi hoài nghi, khi lại tin tưởng”. Posidonios, mấy ngàn năm về trước cũng đã phàn nàn: “Không mấy triết gia đáp ứng được đòi hỏi của lý trí trong tư cách, cảm nghĩ và cuộc sống của họ. Có những kẻ nhẹ dạ đến độ thà đừng biết gì thì hơn. Thật là nhục nhã cho một triết gia, nếu không chu toàn được bổn phận mà ông là thầy dạy cho người khác, và nếu ông cải chính sự khôn ngoan mà ông muốn kẻ khác tin là ông có”. Jaspers có những cái nhìn khác hơn: theo ông, triết gia có thể cũng sai lầm, cũng xuyên tạc, cũng hiếu chiến, hiếu thắng, đổ thừa, vu khống như bất cứ một người nào khác. Tuy nhiên, đó là việc của “thằng người” trong triết gia. Trong việc thẩm định một triết gia, ta cần phân biệt thiện chí hướng thượng của ông với những sai lầm hoặc nhược điểm tình cảm của ông một đàng, đàng khác, cần hiểu thế nào là trách nhiệm của một người với công trình của người ấy.

Thiện chí đi về với Hữu thể, là do quyết định hiện sinh của triết gia. Theo nghĩa này, thì con người triết gia không thể ly khai với tác phẩm của ông được. Sống trong những hoàn cảnh nhầy nhụa, dơ nhớp, lôi kéo tứ bề, nếu triết gia biết lợi dụng chính nghịch cảnh để hướng dẫn nó theo chiều hướng thượng, nếu, qua những lỗi lầm, phản phúc của chính mình, một triết gia đã vẽ ra cho hậu thế một nẻo đường đi lên nào đó, thì ông đã đáng cho ta tiếp xúc và tìm hiểu rồi.

Triết gia vượt lên trên mọi nghiên cứu tâm lý, sinh học, và xã hội học. Bởi vì, như đã nói nhiều lần, các phương tiện ấy không làm sao đưa ta đi vào thực chất của triết gia được. Jaspers viết “Chỗ nào con người gióng lên tiếng nói, thì tâm lý im tiếng. Cái hoạt động trong lời nói của nó không thể giản lược vào tâm lý học được”. Ở đây có một ý niệm mới về chân lý cần lấy làm tiêu chuẩn: chân lý ấy không phân biệt thực tại kinh nghiệm và phi thực tại, nhưng phân biệt hiện sinh chân chính với hiện sinh không chân chính, bản thể với trống rỗng. Trống rỗng và giả dối, theo kinh nghiệm, là có thực, nhưng thực tại của chúng thiếu vắng hiện sinh, mặc dầu hiệu năng thực nghiệm của chúng”.

Ta có thể hỏi: Hướng thượng là hướng về thiện, vậy trong thực tế ác có thể là nguyên nhân hoặc cơ hội tạo ra cao cả của triết gia không? Có ai đã thành triết gia vì đi theo hoặc tập vụng trong không khí ác dữ không? Yếu tố “ác”. Jaspers nói, xem chừng không tránh được. Mọi người đều mang nó tận đáy lòng mình. Nguồn của ác nằm trong việc của trí khôn có thể dựa vào mình không cần biết đến cái gì khác. Nhờ khả năng sáng tạo, trí tuệ có thể làm ra những chuyện lạ lùng, khiến mọi người thán phục. Trí tuệ là chỗ phát xuất tư tưởng. Nếu biết gắn liền với cụ thể hiện sinh, với sự sống, thì đó là một lý tưởng. Bởi vì từ hiện sinh, trí tuệ sẽ đưa đến những ánh sáng rực rỡ của Siêu vượt như đã nhiều lần trình bày trước đây. Tuy nhiên, trí tuệ cũng có thể như chiếc diều trước gió, bay mãi vào trừu tượng, vào chân không của không khí, vào hư vô. Hư vô là không gì cả, không thiện, không ác, không nền tảng, không trách nhiệm, không lý tưởng; nói tóm lại, hư vô là thù địch tuyệt đối của hiện sinh, và do đó, của lịch sử, của sáng tạo.

Con người có thể đi lên chiều tích cực của hiện sinh cũng như đi xuống lòng tiêu cực của hiện sinh, là hư vô, với sức sáng tạo vô cùng phong phú của trí tuệ; trong cả hai chiều đối nghịch ấy, con người có thể trở nên một phù thủy đối với kẻ khác. Cho nên không lạ gì, trong mọi lãnh vực, những gì sa đọa nhất, xấu xa nhất, vô nhân đạo nhất, vẫn có thể mang những bộ mặt quyến rũ và mê hoặc người khác. Do đó mà có những cái đẹp trong cái không đẹp, cái tốt trong cái xấu. Một tình trạng thực nghiệm của lưỡng ứng trong văn nghệ và hành động của con người. Lập trường Jaspers rất dứt khoát ở điểm này: sự mê hoặc phù chú của những hình thức bay bướm mê ly… gói ghém những gì sa đọa, độc ác, giả dối, có thể làm say mê con người, nhưng không có sức nuôi dưỡng con người, đó là những bọt xà phòng sẽ tan vỡ. Mắc vào móng nhíp của hư vô, con người ta sẽ là nạn nhân của một ảo giác về viên mãn: thảm họa là do chỗ đó, thả mồi bắt bóng!

Vấn đề không phải là hủy diệt khả năng sáng tạo, bởi vì sẽ hủy diệt nguồn gốc hiện sinh, và luôn thể, hiện sinh. Vấn đề là nuôi dưỡng và hướng dẫn tiềm lực dồi dào ấy của tinh thần, biến cải hăng say khuynh ác thành khuynh thiện. Bởi vì, “từ một bản chất tầm thường không xuất phát được gì cao cả, cho cá nhân và cho nhà nước” (Platon). Bởi vì “phòng đợi của Hỏa ngục đầy những người đã sống không biết xấu hổ và không màng tiếng tăm, đầy những Thiên thần không trung thành với Thượng Đế mà cũng không bao giờ thách đố Thượng Đế, cả một đoàn người khốn nạn đã không bao giờ sống, những kẻ ấy đã làm mất lòng cả Thượng Đế cả thù địch của Thượng Đế. Hỏa ngục cũng không đón nhận những kẻ ấy” (Dante).

Thứ đến triết gia có trách nhiệm gì đối với những điều mình đã viết? Jaspers nhận định rằng trong khi cầm bút, triết gia phải thành thực, và tư tưởng, cảm nghĩ của ông phải xuất phát tự đáy lòng. Triết gia càng thành thực thì càng gây âm vang nơi người đọc: thành thực là điều kiện thành công của tác phẩm triết lý. Chúng ta thấy đó cũng là ý kiến của Léon Toltoi, đối với văn nghệ nói chung. Nhưng tác phẩm triết lý không phải là những công thức, tín điều, đã nói lên là phải tuân theo một cách hình thức tuyệt đối. Triết gia không phải là một tín đồ của một tín ngưỡng nào, cũng không phải là một nhà khoa học, thiết yếu hành động theo định lý toán học. Triết gia cũng không thể trả lẽ về tác phẩm mình theo một kế hoạch hay chương trình đúc sẵn, bắt buộc phải sống theo chương trình đã đề ra. Sau hết, con người của triết gia không phải là đối tượng cần xét xử một cách pháp lý. Không phải hễ thấy không làm theo điều mình viết ra, là triết gia phải kể là có tội, là phản trắc với mình, bởi vì những tư tưởng trình bày không phải là những đạo luật thành văn. Tác phẩm triết lý có những thâm viễn mà mô tả hiện tại chỉ là thành quả của một cố gắng hiện tượng luận hướng đến chân lý. Triết gia chỉ có trách nhiệm với tự do, với lý trí, nhưng trách nhiệm ấy không phải bao giờ cũng có tính cách lý tính. Cần nói thêm rằng thành thực của ngày hôm nay không phải là thành thực của ngày mai, mặc dầu cả hai không kém thành thực: có một tiến bộ thành thực trong triết gia.

Sự thành thực ấy thường khi được tìm thấy trong mâu thuẫn hoặc đối nghịch giữa các tư tưởng của một triết gia. Dĩ nhiên, “mâu thuẫn là tiêu chuẩn của tư tưởng không đúng”. Sở dĩ triết gia không dừng chân, không tự thỏa mãn, là vì có những mâu thuẫn hoặc tương phản cần phải giải quyết. Không một học thuyết của một triết gia nào, lớn hay bé, mà không có những chỗ mâu thuẫn trong tư tưởng, hoặc ít ra trong cách phát biểu. Nói vắn lại, nhờ ý thức được mâu thuẫn, cũng như nhờ chính mâu thuẫn mà tư tưởng tiến bộ. Tuy nhiên, điều cần thiết là tìm được chỗ nào, cái gì mâu thuẫn hoặc đối nghịch nhau, cái gì có thể gặp mâu thuẫn hoặc tương phản. Con người không thể tiên liệu một vấn đề, hoặc thấy ngay được mọi khía cạnh xung khắc hoặc tương phản của một vấn đề. Cho nên thấy mâu thuẫn là một tiến bộ rồi, giải quyết mâu thuẫn lại là một bước tiến bộ khác…

Tuy nhiên, không nên coi mâu thuẫn là một tiêu chuẩn tuyệt đối. Người ta có thể đạt tới chân lý mà không tất nhiên phải qua mọi ngưỡng cửa của mâu thuẫn. Nói khác đi, mâu thuẫn không phải là con đường duy nhất và độc nhất đưa tới Hữu thể. Vì thế phải tránh óc mâu thuẫn. Có những người nói ngược lại ý kiến kẻ khác không phải với mục đích làm sáng tỏ sự thực, mà chỉ vì tính thích nói ngược lại, thế thôi. Họ xem đó như một thích thú, một thể thao tinh thần không hơn không kém. Nhưng họ không biết rằng óc mâu thuẫn nguy hại và phá vỡ nhiều hơn sáng tạo và xây dựng.

Sau nữa, có những chân lý do bệnh hoạn, bất thường làm môi giới, cũng như có những chân lý đạt được bởi những bộ óc lành mạnh, và những thân thể cường tráng. Bệnh hoạn mà tiết ra những tư tưởng tân kỳ thú vị, hoặc những vần thơ tuyệt diệu, thì có Nietzsche, Kierkegaard, Verlaine, Hàn Mặc Tử… Theo một số nhà bình luận thì bệnh hoạn là “vết thương thơm ngon” (blessure délicieuse), vì “những sọ óc lành mạnh không bao giờ làm nên ngọc quý, mà chỉ có những con nào ghẻ lở, tật nguyền mới sản xuất ra được những báu vật ấy”. Jaspers không mong muốn như vậy. Ông muốn chúng ta có “một sức khỏe không sờn của Socrate” như Platon đã nói: “Điển hình lý tưởng của triết gia, chính là con người có được một sức khỏe tuyệt đối”. Có sức khỏe lành mạnh và dồi dào, thì tư tưởng mới cứng cát mạnh mẽ và phong phú. Jaspers chấp nhận chân lý của câu “hồn lành trong xác mạnh”. Ông muốn những hạt trai do những con sò lành mạnh sản xuất, nói tóm lại, những “lập dị” của Kierkegaard, của Dostoievski, có nhiều ý nghĩa hay, đẹp, có thể giúp được phương hướng cho chúng ta, nhưng không thể là những gương mẫu nên theo. Trong mọi trường hợp, chúng ta có thể xét đoán theo người, nhưng không nên kết án con người của tác phẩm. Bởi vì có một đồng nhất giữa tác phẩm và triết gia, nhưng cũng có một siêu vượt của con người triết gia đối với tác phẩm của ông.

Những ai là triết gia?

Jaspers phân làm ba nhóm chính triết gia, kể từ thời trục đến nay:

Nhóm chính thứ nhất gồm những nhân vật mà bản chất và cuộc đời đã quyết định lịch sử nhân loại; có bốn vị: Socrate, Phật, Khổng Tử và Giê Su. Những người này sống và làm hơn là viết. Theo Jaspers, không thể có một người thứ năm, vì chưa có ai khác đã đạt tới cao độ uy thế như họ. Tuy không phải triết gia, nhưng họ là nền tảng cho tất cả các trào lưu triết lý cổ kim. Họ đã đi trước và đứng ngoại hạng đối với các triết gia.

Nhóm thứ hai gồm những nhà tư tưởng lớn, được thế giới gọi là triết gia; nhóm này lại chia ra làm bốn nhóm nhỏ: những triết gia kiến tạo triết lý, những triết gia phác họa tư tưởng, những triết gia làm phong trào hoặc đánh thức nhân loại, những triết gia làm hệ thống và khép đóng nhà triết lý.

Nhóm thứ ba liên hệ đến tư tưởng triết lý trong thi văn, nghiên cứu, dạy học và hành động.

Theo Jaspers, chỉ có ba vị đáng gọi là đại triết gia, đó là Platon, thánh Augustin và Kant, đó là những vì sao chói lọi làm lu mờ các tinh tú khác trên vòm trời lịch sử triết học.

Bộ “những triết gia lớn” chia làm ba cuốn, và được tổ chức theo những tiêu chuẩn vừa nói.

Cuốn thứ nhất:

1.      Những người xác định và tác thành nhân loại: Socrate, Phật, Khổng Tử, Giê Su.

2.      Những người dạy học tập và tiếp tục khai sinh triết lý: Platon, Thánh Augustin, Kant.

3.      Những người tư tưởng trở về nguồn: Anaximandre, Héraclite, Parmenide, Plotin, Thánh Anselme Nicolas de Cuse, Spinoza, Lão Tử, Nagarjouna.

Cuốn thứ hai:

1.      Những người phác họa siêu hình:

* Quan niệm thế tục về vũ trụ: Xenophane, Empédocle, Démocrite, Posidonios, Giordano Bruno.

* Những người thần bí: Origène, Bachme, Schelling.

* Những bộ óc kiến thiết: Hobbes, Leibniz, Fiob.

2.      Những người gây ra phong trào canh tân:

* Thái độ phủ nhận: Abelard, Descartes, Hume.

* Thái độ đánh thức: Pascal, Lessing, Kierkegaard, Nietzsche.

3.      Những kỹ-trúc-sư hệ thống: Aristoteles, Thánh Thomas, Hegel.

Cuốn thứ ba:

1.      Thi ca: những bi kịch gia Hy Lạp, Dante, Shakespeare, Goethe, Holderlin, Dostoievski.

2.      Nghiên cứu:

* Vật lý và sinh học: Kepler, Galilée, Darwin, von Baer, Einstein.

* Sử gia: Rante, Burckhardt, Max Weber.

3.      Tư tưởng chính trị: Machiavel, Thomas More, Locke, Montesquieu, Burke, Tocqueville.

4.      Văn hóa và phê bình văn học:

* Nhân bản: Ciceron, Erasme, Voltaire.

* Văn hóa từ nguồn: Shafteslewey, Vico, Mamann.

* Ý niệm Đức về nhân bản: Herder, Schiller, Humboldt.

* Phê bình: Bacon, Bayle, Schopenhauer, Heine,

5.      Hiền triết:

* Tĩnh tu: Epictète, Boece.

* Văn nhân: Senèque, Trang Tử.

* Vui sống: Epicure, Lucrece.

* Hoài nghi: Montaigne.

6.      Thực hành:

* Hành chánh: Achénaton, Asoks, Marc-Aurèle, Frederic Đại đế.

* Tu sĩ: Thánh François Assise.

* Nghề nghiệp: Hippocrate, Paracelse.

7.      Thần học: Mạnh Tử, Thánh Phaolô, Tertulien, Malebranche, Berkeley.

8.      Giáo sư triết lý: Proches, Scot Erigène, Wolff, Erdmann.

Cần ghi chú rằng còn nhiều triết gia khác, Jaspers tự ý hoặc vô tình quên lãng, vì không tài liệu hoặc vì sự rườm rà. Cho đến nay, ông mới hoàn thành được cuốn thứ nhất. Nếu tất cả được xuất bản, thì đó là một bộ lịch sử triết học, chắc chắn được ông hãnh diện rất nhiều. Triết lý là trở về nguồn lịch sử của tư tưởng nhân loại. Jaspers xuất thân là một y sĩ, ông không được học triết lý như các triết gia khác. Viết bộ Những triết gia lớn là một công việc liên quan đến giá trị triết lý hiện sinh của ông, đồng thời xóa bỏ được mặc cảm tự học của ông. Dĩ nhiên, có nhiều thiếu sót về nội dung trong cuốn thứ nhất, cũng như trong liệt kê danh sách triết gia dự định nghiên cứu. Riêng quan niệm cho rằng chỉ có ba triết gia lớn lao nhất Platon, Thánh Augustin và Kant, thì đó là quyền của ông. Một điểm khác người ta không hiểu rõ tại sao Jaspers lại bất công với Nicolas de Cuse, một nhà tư tưởng thực sự đã ảnh hưởng rất nhiều trên tư tưởng của thế kỷ 20, đặc biệt trên tư tưởng K. Jaspers. Thực vậy, thường quan niệm về mật mã, Siêu vượt… đã được de Cuse thảo luận sâu rộng, dưới một từ ngữ học khác, trong cuốn “Sự ngu dốt minh mẫn”[4] hoặc cuốn “Hòa bình của Tín ngưỡng”. Cuốn những triết gia lớn chỉ là một cuốn “giáo khoa” cung cấp tài liệu cho sinh viên, và là một cuốn giáo khoa triết lý có mục đích “sửa soạn một sự tiếp xúc bản thân với các triết gia”. Là một giáo sư triết lý và để viết cuốn giáo khoa ấy, Jaspers đã dựa vào năm phương diện mà ông cho là của lịch sử triết lý phổ biến: phương diện lịch sử, phương diện khách vật, phương diện truy nguyên, phương diện thực hành, phương diện biện chứng. Năm bình diện ấy giúp chúng ta tìm hiểu thực chất diễn biến lịch sử của triết lý Siêu vượt.

****

NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

Tư tưởng bao giờ cũng bắt đầu bằng một khởi điểm làm như cứu cánh của suy tư kiến tạo. Nếu định luật ấy là đúng thì ta có thể nói rằng điểm đầu và điểm cuối của học thuyết Jaspers là Siêu vượt. Siêu vượt vì thế là trọng tâm và lý tưởng nghiên cứu tìm kiếm của ông, Siêu vượt là môi trường và lý do quan điểm hiện sinh của ông. Giá trị quan điểm ấy như thế nào?

Độc giả đã gặp được ở Jaspers nhiều khám phá tân kỳ, thú vị, liên hệ đến tình người và kiếp người. Ông áp dụng kinh nghiệm nghề nghiệp của ông vào việc mổ xẻ thân phận con người đau khổ, bệnh hoạn. Ông đã khéo sử dụng phân tách hiện tượng luận như một bút pháp công hiệu để mô tả và đem ra ánh sáng những ẩn nấp thâm viễn của tâm hồn nhân loại. Tuy nhiên, tất cả những công trạng ấy, không đủ làm nên một triết gia. Kant đã đưa ý kiến rằng đặc tính thiết yếu của một lý thuyết khoa học là tính chất kiến trúc của nó. Nếu triết lý thành văn là thể hiện của triết lý sống, thì ta có quyền tự hỏi triết lý của Jaspers có thỏa mãn những đòi hỏi luận lý của một khoa học không, dầu là khoa học thuộc loại quy nạp.

Siêu vượt đã được ông đề ra như bài học của Huyền thoại, như thần linh của tôn giáo, như chân lý tuyệt đối của nghệ thuật, và nhất là như kết luận của thất bại con người toàn diện. Trước là kinh nghiệm sống. Người sở dĩ nghĩ đến Siêu vượt là vì người thấy Siêu vượt thoáng hiện trong cây cỏ, núi non, sông biển, trong con giun, cái kiến, trong chuyển vận của bốn mùa mưa nắng, trong luân phiên của ngày đêm, năm tháng, trong giới hạn của con người và trong vô tận của không trung. Người đồng thời cảm thấy đằng sau những câu chuyện nhân tình thế thái trong xã hội loài người từ xưa tới nay, từ Đông sang Tây, sự hiện diện của một cái gì không bao giờ ra mặt, một cái gì vắng bóng, nhưng điều khiển giòng lịch sử nhân loại. Tuy nhiên cái gì đó không hoàn toàn là kinh nghiệm vật lý, cảm giác, mà cũng không phải là thuần túy trừu tượng. Cái gì đó, là cái sống động, nhưng không phải sống động hiểu theo nghĩa sinh vật quả địa cầu, mà là lý do thúc đẩy mọi sinh vật. Cái đó vượt lên trên mọi sự vật, nhưng biến hóa khôn lường theo nhịp điệu lịch sử. Nói khác đi, Siêu vượt có một lịch sử, và như xác định bởi sử tính của mình. Mặt khác, Huyền thoại là câu truyện truyền thống của người kể lại cho người nghe. Không có người không có huyền thoại. Bởi vì nếu huyền thoại bắt đầu bằng và từ trong quan sát, kinh nghiệm, thì huyền thoại và nội dung của nó được diễn tả trong và bằng ngôn ngữ của người kể chuyện và người nghe huyền thoại. Chính vì ý nghĩa ấy mà Siêu vượt không thể xuất hiện ngoài nhãn quan của cá nhân người.

Ta thấy từ ý nghĩa số mã thông thường, Siêu vượt, trong không khí ấm áp vật tính, đã trở nên một Huyền thoại tôn giáo. Tín ngưỡng là việc của tâm tình, và do đó là của Huyền thoại. Bởi vì, theo Jaspers, thì, xét về tín điều, tôn giáo không phải là huyền thoại, nhưng cũng là một chân lý bất khả - hoặc của người kể chuyện Huyền thoại. Nhờ Huyền thoại mà tôn giáo không khô khan, trơ trụi, hình thức, như thân cây rụng lá trong gió tuyết mùa đông, nhờ Huyền thoại mà tôn giáo mang một bộ mặt quyến dũ, hấp dẫn, mỹ miều, lý tưởng, không như bộ xương trống rỗng, trắng bệch, vô duyên, vô hồn, chết chóc. Không Huyền thoại, tôn giáo sẽ như bóng ma, hoặc như một xác chết khô cứng, đến cả bầy quạ thiếu máu cũng không muốn bén mảng. Jaspers đã không ngần ngại nhìn trong ngôn ngữ huyền thoại của con người, lời nói của Thượng Đế, mặc dầu nhiều nơi khác, ông không quan niệm Thượng Đế như một Tình Thương sống động.

Vạn vật hoặc số mã là ngôn ngữ đầu tiên của Siêu vượt, ngôn ngữ thứ hai là Huyền thoại, và đặc biệt huyền thoại có tính chất tôn giáo. Ngôn ngữ thứ ba là suy tưởng. Có huyền thoại tức là có tư tưởng. Trong Huyền thoại đã có tư tưởng, E. Bréhier gọi là tư tưởng huyền thoại. Nhưng Jaspers gọi tư tưởng nói chung là tượng trưng trí tuệ (ein Denksymbol). Khi triết gia tự vấn về nguyên lai vũ trụ chẳng hạn, thì sự tự vấn đó phải được xem như là phát biểu của một tin chắc đơn giản đi trước và căn bản. Và sự tin chắc đầu tiên ấy chính là kinh nghiệm sơ khởi, trong đó cá nhân thấy mình hiện hữu trong hiện hữu của vũ trụ, nhưng hiện hữu cá nhân là một hiện hữu ý thức và thắc mắc. “Hữu thực nghiệm là Hữu nhờ đó ta đặt vấn đề về vũ trụ, Hữu là Hữu nhờ đó Hữu thực nghiệm mới thành khả thể[5]”. Vì thế, tư tưởng như là rút ngắn số mã để trở thành tượng trưng, cũng như khoa học là rút ngắn thường nghiệm. Mặt khác, Jaspers theo chân Kant, chia tư tưởng ra làm hai: suy tư và trí thức (spéculation et entendement): “Suy tư là một tư tưởng mà khi suy tư thì nghĩ đến bên kia của khả tư; suy tư là một thần bí dưới mắt tri thức muốn biết, nhưng là một soi sáng cho hữu tự tại (l’être-soi) vốn siêu vượt trong suy tư”[6].

Thần bí và suy tư vốn họ hàng với nhau, cho nên suy tư liên hệ đến thần thoại và đến tưởng tượng. Nhờ phóng khoáng của tưởng tượng, suy tư mới nhẹ nhàng bay lên những miền cao xa, thanh thoát của sự vật, nhờ tưởng tượng trí tuệ con người mới cảm thấy cần phải vượt lên trên những sự kiện tầm thường của giác quan và suy lý. Ta hiểu tại sao suy tư hoặc tư tưởng, được xem như là ngôn ngữ thứ ba của Siêu vượt. Nghệ thuật là một hình thức của suy tư, nhưng là một hình thức sống động. Nghệ thuật cũng là Huyền thoại cao độ, khi Huyền thoại thấm nhuần toàn thể thực tại. Do đó, nghệ thuật là một triết lý và ngược lại (Kunstphilosophie). Cũng như Merleau Ponty hoặc Gabriel Marcel, Jaspers gặp thấy ở một Van Gogh, một Césanne, những bức tranh tuyệt diệu của sự phối hợp giữa huyền thoại và siêu hình. Theo nghĩa đó, nghệ thuật không ly khai với thực tại, nhưng cũng không thuần túy tưởng tượng. Điều thiết yếu là làm thế nào để tránh được những phiêu lưu vô trách nhiệm của nghệ thuật, vị nghệ thuật, khi nghệ thuật nhận lấy sứ mệnh làm trung gian giữa thần bí giải thoát và nghĩa vụ chứng nhận đối với cuộc đời vừa ô trọc, bẩn thỉu, tù ngục, vừa là lò tôi luyện chí khí và trắc nghiệm thiên tâm. Nói như vậy cũng là nói rằng “Thực tại hơn nghệ thuật, vì thực tại bao hàm sự hiện diện sống động của hiện sinh đối với chính mình, trong nghiêm nghị của quyết định; nhưng thực tại kém hơn nghệ thuật, vì thực tại được lôi kéo ra khỏi tình trạng hỗn độn, và được đem lên chức vị ngôn ngữ là nhờ âm vang vay mượn bên số mã mà nghệ thuật đã chinh phục được”. Dĩ nhiên, không phải bất cứ nghệ thuật nào cũng mang tính chất số mã, mà chỉ có những thứ nghệ thuật tỏa lên thực tại một ánh sáng huyền bí, khiến cho thực tại trở nên trong sáng. Như vậy thì những nghệ thuật mô tả hoặc điêu khắc thần thánh chưa tất nhiên được xếp vào hàng những công trình “nghệ thuật thần bí”[7].

Một cách tổng quát Jaspers đã cầu cứu đến huyền thoại để làm sáng tỏ quan điểm của ông về số mã. Cũng như Platon hay bất cứ một triết gia nào, đều không bỏ nổi cảm dỗ của huyền thoại, xem huyền thoại như là đa số cho bài toán ý nghĩa của hành động nhân loại. “Nếu việc đọc số mã đưa đến những hình ảnh huyền thoại, nếu tôi “huyền thoại hóa” thành thế lực khách quan, những ý kiến mượn ở thực tại vũ trụ và lịch sử đã trở nên trong sáng, nếu tôi anh hùng hóa “các cuộc sống, thì cũng chỉ là để vượt sang bên kia huyền thoại đặc thù, và bên kia mỗi số mã, và hướng đến vực thẳm đặc loại của Siêu vượt như là nền tảng của mọi huyền thoại và không bao giờ là huyền thoại cả”[8].

Tuy nhiên, như đã nói, không bao giờ chúng ta trông thấy Siêu vượt. Trông thấy đây hiểu là trông thấy nhãn tiền, mặt xáp mặt. Đối với Siêu vượt, chúng ta là một thất bại theo cả hai kích thước, Hữu thể luận và Nhận thức luận. Bởi vì, nếu ta thông hiểu được Siêu vượt một cách trọn vẹn thì hóa ra ta đã là Siêu vượt? Điều đó không thể xảy ra, tương tự như quan niệm của Sartre cho rằng không bao giờ có sự đồng nhất giữa Vị ngã và Tự ngã. Nhưng trong khi Sartre nhân danh nhận định ấy để phủ nhận Thượng Đế, thì Jaspers lại sử dụng nhu cầu vươn lên của hiện sinh như là một lý chứng hữu thể luận (preuve ontologique) về Thượng Đế. Chúng ta thất bại, vì chúng ta nhận thấy tính chất hữu hạn ấy: “Chúng ta tin rằng chúng ta sẽ không còn, chúng ta muốn chết, vì chúng ta vốn là hạn giới hoặc ít ra khởi sự của giới hạn”. Thất bại mang tính chất thiết yếu hữu thể luận là như vậy. “Chúng ta sinh ra trong thất bại, đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”, chúng ta đi trong thất bại, và chết đi trong thất bại. Thất bại là lý do và môi trường của cuộc sống. Tuy nhiên, nếu thất bại chỉ là thất bại của người có thiện chí, của người muốn biến đổi cuộc sống, mặc cho đời một ý nghĩa, thì thất bại không phải thiết yếu dẫn đến hư vô chủ nghĩa, mà trái lại, thất bại vì số mệnh không cho thành công, vì thân phận của người, theo định nghĩa, là như vậy rồi. Cho nên cũng như Nietzsche, Jaspers muốn làm một cuộc đáo hoán giá trị, bằng cách chuyển bại thành hy vọng thắng, mặc dầu chỉ là tương đối. Điều kiện của công việc đáo hoán ấy là yêu lấy mệnh số (amor-fati)! Nếu cần, thì thái độ lý tưởng nhất là thinh lặng, một hình thức thần phục của Jaspers. “Chỉ có thinh lặng là khả thể sau cùng để đương đầu với sự thinh lặng trong vũ trụ”[9]. Không phải một thinh lặng lười biếng, tiêu cực, hoài nghi theo kiểu Gorgias nhưng là một thinh lặng tích cực của tham thiền, hoặc kính cẩn của chiêm ngưỡng.

Trong cuốn Grossen Philosophen (Những Đại triết gia), Jaspers công kích Nicolas de Cuse đã lầm tưởng rằng sự ngu dốt có thể thông thái, và do đó, người ta có thể vượt “bức tường của bất khả thể”. Jaspers muốn nói rằng, trái với sự tin tưởng của Cusa, người ta không có lý do dung hợp hai trạng thái đối lập ấy được, nghĩa là con người vốn mù tối trước hiện hữu của Siêu vượt. Trong những điều kiện ấy, chúng ta muốn đặt ra với Jaspers những vấn đề như: nếu cá nhân là ngu dốt như ông công nhận thì tại sao lại biết có Siêu vượt, tìm Siêu vượt trong số mã, trong thất bại của số mã. Sự quả quyết số mã chứng tỏ và đòi hỏi một ý thức đi trước về cái được tượng trưng hoặc thể hiện như là số mã. Trái lại, nếu đã không thấy cả hai sự vật, một bên là số mã, một bên là vật được số mã đại diện, thì ý nghĩa số mã chỉ là tưởng tượng thuần túy, và không thể gọi là số mã được. Có thấy được Siêu vượt, thì tất cả những suy luận về huyền thoại, về tư tưởng, về nghệ thuật trong tương quan với Siêu vượt mới thực sự mang lại cân lượng cho lập trường của Jaspers. Có thấy trước Siêu vượt thì mới khẳng định được giai từng và hư thực của số mã, mới quy định được thế nào là thất bại.

Một lần nữa, chúng ta thấy được nguyên lai của học thuyết Jaspers về Siêu vượt: đó là những tin tưởng không chứng minh của lòng người, của tôn giáo, của văn hóa. Jaspers không chứng minh sự hiện hữu của Siêu vượt, theo kiểu Descartes hoặc Kant. Do đó, các lý chứng ông đem ra không phải là có tính chất hữu thể luận. Ông chỉ là một triết gia đúng theo nghĩa Aristoteles: giải thích và phong phú hóa kinh nghiệm của cá nhân. Cũng có thể nói rằng ông đã cùng Husserl trở về với sự vật, để tìm trong bài học ngàn xưa của kinh nghiệm siêu hình. Theo nghĩa ấy, thì học thuyết Jaspers là một nhận thức luận, và siêu vượt của ông sở dĩ ở bên kia “bức tường của bất khả thể”, là vì không cùng kích thước với trí tuệ có giới hạn của con người. Chúng ta biết rằng có Thượng Đế, nhưng chúng ta không thấy Thượng Đế ở một nơi nào cả. Nhưng Jaspers đã cho ta cảm nghĩ rằng Thượng Đế của ông là một phiếm thần, tương tự như Phiếm thần của Bruno mà ông chịu ảnh hưởng: “… Guồng máy vũ trụ (machina mundi) nói được ở đâu cũng là trung tâm mà không là vành ngoài cả, vì Thượng Đế là vành tròn và trung tâm, Thượng Đế ở đâu cũng hiện diện, nhưng không hiện diện một nơi nào cả”.

“Không phải sự chiếm hữu chân lý, điều mà không ai làm được và không ai có thể nghĩ rằng có thể làm, mà chính là nỗ lực chân thành theo hướng chân lý là cái làm nên giá trị của ông”, ta có thể áp dụng lời phê bình này của Lessing cho trường hợp Karl Jaspers.

 


Nguồn: Lê Thành trị. Hiện tượng luận về hiện sinh. Trung tâm học liệu – Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1974. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.


 

[1] Lasault, Neuer Versuch einer Philosophie der Geschichte, Munich 1856 : “Sự hòa hợp kỳ lạ này chỉ có thể tìm thấy trong bản chất bên trong của sự sống nhân loại và đời sống của các dân tộc…”.

[2] V. Von Strauss: “Hiện tượng này (…) có lẽ bắt nguồn từ toàn bộ cơ thể của nhân loại một đàng …và đàng khác, do ảnh hưởng của sức mạnh tinh thần cao độ …”.

[3] Keyserling, Buch vom Ursprung: “Từ thế kỷ này đến thế hệ khác, con người thay đổi theo cùng một thể cách và cùng một chiều hướng…”.

[4] Xem Bulletin de la Société Française de Philosophie, số I, JanvierMars 1966.

[5] Ph. III, trang 134.

[6] Ph. III, trang 135.

[7] Ph. III, trang 196.

[8] Ph. III, trang 141.

[9] Ph. III, trang 233.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt