Trần Đức Thảo

Trao đổi thư giữa Kojève và Trần Đức Thảo

Trao đổi thư giữa

KOJÈVE và TRẦN ĐỨC THẢO

 

 Đây là một cuộc trao đổi thư tuy lịch sự nhưng đồng thời cũng khá căng giữa Alexandre Kojève, tác giả quyển giáo trình về “Hiện tượng luận tinh thần” của Hegel, và Trần Đức Thảo, tác giả bài phê bình “Hiện tượng luận tinh thần của Hegel và nội dung thực chất của nó”

 

Thư của Kojève gửi Trần Đức Thảo

 Paris ngày 7 tháng 10 năm 1948

 Thưa Ông,

Tôi vừa đọc với nhiều quan tâm bài viết về Hiện Tượng Luận Tinh Thần của ông trên tạp chí Les Temps Modernes. Trước hết tôi xin được cám ơn những lời lẽ đầy thiện ý mà ông coi như có bổn phận phải viết ra khi đề cập đến tôi. Đã cho xuất bản quyển sách của mình trong tình trạng rối rắm như ông đã biết, điều này tôi vẫn còn ân hận và khiến tôi càng thêm cảm kích trước tấm thịnh tình của ông.

Trở lại cốt lõi của vấn đề, nói chung tôi đồng ý với cách ông diễn giải về hiện tượng luận . Tuy nhiên tôi muốn lưu ý ông rằng tác phẩm của tôi không mang tính chất một bài khảo cứu lịch sử; tôi không mấy quan tâm tìm hiểu xem chính Hegel muốn nói gì trong sách của ông ta. Tôi có sử dụng văn bản của Hegel khi soạn một giáo án về nhân học hiện tượng luận [anthropologie phénoménologique], nhưng chỉ đề cập đến những phần theo tôi là chân lý và bỏ qua những gì tôi cho là sai lầm trong tư tưởng Hegel. Cho nên, khi từ khước nhất nguyên luận của Hegel, tôi đã tránh xa một cách có ý thức triết gia lớn này. Mặt khác, giáo án của tôi căn bản là một tác phẩm tuyên truyền nhằm gây sự ngạc nhiên tri thức. Đó là lý do khiến tôi đã cường điệu một cách hữu ý vai trò của biện chứng Chủ - Nô, và nói chung đã sơ đồ hoá nội dung của hiện tượng luận.

Vì lý do ấy, cá nhân tôi nghĩ sẽ là điều cực kỳ hay ho nếu ông triển khai được, dưới dạng một bài bình luận toàn diện, các điều giảng giải chính yếu mà ông đã phác thảo trong bài viết tôi nhắc đến ở trên.

Chỉ có một lưu ý nhỏ. Các từ “cảm giác về bản thân [sentiment de soi]” và “ý thức về bản thân [conscience de soi] là chữ của chính Hegel, người đã nói minh bạch rằng, khác với con người, thú vật không bao giờ vượt khỏi giai đoạn “cảm giác về bản thân”. Cụm từ “tranh đấu cho uy thế thuần túy [lutte de pur prestige]” đúng là không thấy trong văn bản Hegel, nhưng theo tôi đó chỉ vì cách dùng chữ khác nhau, bởi lẽ tất cả những gì tôi nói liên quan đến sự tranh đấu ấy trùng hợp hoàn toàn với điều mà Hegel gọi là “tranh đấu để được công nhận [lutte pour la reconnaissance]”. Sau cùng, liên quan đến lý thuyết của tôi về “dục vọng của dục vọng [désir du désir]” điều này cũng không có trong Hegel và tôi không chắc ông ta đã nhận thức rõ về chuyện này. Tôi đã đề ra khái niệm này vì tôi có ý định, không phải bình luận về hiện tượng luận, mà là diễn giải nó. Nói khác đi, tôi cố gắng khôi phục những tiên đề thâm thúy của học thuyết Hegel và, bằng cách suy diễn lô gích từ các tiên đề ấy, xây dựng học thuyết này. “Dục vọng của dục vọng” theo tôi là một trong những tiên đề nền tảng nói trên, và nếu chính Hegel đã không làm sáng tỏ điều này, tôi nghĩ rằng tôi đã thực hiện được đôi chút tiến bộ triết học khi bàn luận về nó một cách minh bạch. Có lẽ đó là bước tiến bộ triết học duy nhất tôi đã thực hiện, phần còn lại ít nhiều chỉ là công việc ngữ văn [philologie], nói cho đúng có nghĩa là giải thích văn bản.

Điểm quan trọng nhất là vấn đề nhị nguyên luận và chủ nghĩa vô thần mà ông đã nhắc đến trong đoạn cuối bài viết của ông (trang 512-519). Phải nói là tôi không đồng ý với những điều ông viết trong đó, nhưng tôi nghĩ điều bất đồng chỉ dựa trên một sự hiểu lầm.

Chắc chắn lý luận của ông sẽ đúng nếu nó đề cập đến một nhị nguyên luận đúng nghĩa, có nghĩa là trừu tượng và không biện chứng. Tôi sẽ nói như ông rằng mọi nhị nguyên luận đều mang tính hữu thần một cách tất yếu; bởi lẽ nếu có hai loại Tồn tại [Être] (Tự nhiên và Con người), tất yếu phải có sự hợp nhất cả hai theo một cách nào đó “cao siêu” hơn, và không có cách quan niệm nào khác về sự hợp nhất này ngoài cách xem nó như một thực thể thần linh. Nhưng điều mà tôi quan tâm là nhị nguyên luận mang tính biện chứng. Thật vậy, tôi đã dùng đến hình tượng một vòng nhẫn vàng, nhưng nó sẽ không thể hiện hữu như chiếc nhẫn nếu thiếu lỗ hổng… Tuy nhiên ta không thể nói rằng lỗ hổng cũng hiện hữu trên cùng một bình diện với vòng vàng, và ở đây có hai dạng tồn tại mà chiếc nhẫn là sự hợp nhất. Trong trường hợp ta đang bàn, vàng là Tự nhiên [Nature], lỗ hổng là Con người [Homme] và vòng nhẫn là Tinh thần [Esprit]. Điều này có nghĩa là nếu Tự nhiên có thể hiện hữu không Con người, và trong quá khứ đã từng hiện hữu không Con người, Con người chưa bao giờ hiện hữu, và không thể hiện hữu thiếu Tự nhiên và bên ngoài Tự nhiên. Cũng như vàng có thể hiện hữu không lỗ hổng, trong khi lỗ hổng không thể nào hiện hữu nếu không có chất kim loại bao quanh nó. Vốn dĩ Con người chỉ có thể sinh ra từ và bởi Tự nhiên, hay nói chính xác hơn nữa, do phủ định Tự nhiên, từ đó suy ra Con người giả định Tự nhiên có trước. Điều này phân biệt Con người một cách căn bản với những gì thuộc về thần linh. Từ chỗ Con người là sự phủ định tự nhiên, nó khác với thần linh của tín ngưỡng đa thần vì đó cũng chính là Tự nhiên chứ chẳng khác. Và từ chỗ nó là phủ định của Tự nhiên, cho nên như mọi phủ định, nó phải chấp nhận là cái bị phủ định có trước, do đó nó khác với Thiên Chúa Ki tô giáo, đấng này ngược lại có trước Tự nhiên và sáng tạo ra nó bằng một hành động tích cực từ ý chí của mình.

Cho nên tôi không nói là có hai dạng tồn tại cùng lúc : Tự nhiên và Con người. Tôi nói rằng cho đến khi Con người đầu tiên xuất hiện (nó tự sáng tạo trong cuộc tranh đấu giành uy thế), toàn thể Tồn tại vẫn chỉ là Tự nhiên. Kể từ khi Con người hiện hữu, toàn thể Tồn tại là Tinh thần, bởi lẽ Tinh thần chẳng là gì khác hơn Tự nhiên kéo theo [implique] Con người, và lúc nào thế giới hiện thực kéo theo Con người, Tự nhiên hiểu theo nghĩa hẹp chỉ còn là điều trừu tượng. Vậy thì cho đến một lúc nào trong thời gian chỉ có Tự nhiên, và khởi từ một thời điểm nào đó chỉ còn Tinh thần. Bởi cái đúng là hiện thực trong Tinh thần (vàng của chiếc vòng) chính là Tự nhiên, ta có thể nói như ông đã làm, Tinh thần là kết quả của sự tiến hoá của chính Tự nhiên. Tuy vậy tôi không thích lối nói ấy vì nó có thể khiến ta nghĩ rằng việc Con người xuất hiện có thể suy diễn [déduite] một cách tiên nghiệm như bất cứ một biến cố tự nhiên nào khác. Tôi lại cho rằng không phải vậy, và nếu trên nguyên tắc ta có thể suy diễn Tự nhiên [l’ensemble de l’évolution naturelle] một cách tiên nghiệm, với sự xuất hiện của Con người và lịch sử của nó ta chỉ có thể suy diễn một cách hậu nghiệm. Có nghĩa là không phải suy diễn hay tiên đoán mà chỉ có thể tìm hiểu. Đây là một cách nói rằng hành động tự sáng tạo của Con người là một hành động tự do và trọn cả chuỗi hành động của Con người đã kiến tạo nên lịch sữ cũng thế, đó là một chuỗi hành động tự do. Chính vì thế tôi thích gọi đấy là thuyết nhị nguyên giữa Tự nhiên và Con người, và Tinh thần là chính Tự nhiên kéo theo Con người như đã nói. Vậy thì thuyết nhị nguyên của tôi không mang tính “không gian” mà là “thời gian” : Tự nhiên có trước, xong đến Tinh thần hoặc Con người sau đó. Sở dĩ nhị nguyên bởi vì ta không thể suy diễn Tinh thần hoặc Con người từ Tự nhiên, sự chia cách xảy đến do hành động của tự do sáng tạo, có nghĩa là phủ định Tự nhiên.

Thưa ông, tôi sẽ rất mang ơn ông, nếu ông có thể viết vài chữ nói cho tôi biết xem những lời giải thích còn rất là bất cập tôi trình bày trong thư này có phần nào giải tỏa được những điều bắt bẻ mà ông đã nhắm vào tôi.

Xin ông hiểu rằng tôi dành cho ông tất cả thiện cảm của tôi.

 ALEXANDRE KOJÈVE

 

Thư Trần Đức Thảo đáp lời Kojève

 Paris, ngày 30 tháng 10 năm 1948.

Thưa Ông,

Tôi vừa nhận được thư ông và rất cám ơn ông đã viết trong thư nhiều điều soi sáng cho tôi. Chung quy những điều ấy bắt gặp sự suy nghĩ của tôi bởi vì, như ông có nhận xét, tôi đã đọc quyển sách của ông với thiện cảm tột cùng. Tôi nghĩ một cách đơn giản rằng ông không đi đủ xa, và khi từ chối không suy đến cùng hệ quả duy vật của chủ nghĩa nhân bản vô thần, ông để chỗ cho chủ nghĩa nhân bản tôn giáo trở lại mà không nhận ra điều ấy. Nếu kích thước bài viết không bị giới hạn, và nếu tôi không phải chú tâm trước hết vào cốt lõi của vấn đề, tôi sẽ nhấn mạnh nhiều hơn về bước tiến đáng kể mà ông đã làm được đối với các cách diễn giải thông thường về Hegel. Tuy nhiên, vì ông nghĩ rằng lĩnh vực của tinh thần mang bản chất lịch sử, ông sẽ không thể ngạc nhiên khi học thuyết có vẻ cách mạng trước đây một chục năm của ông đã không còn được như thế sau các biến cố đã làm đảo lộn thời cuộc từ độ ấy, và đã tạo ra một bộ mặt hoàn toàn mới cho thế giới.

Tất nhiên ở đây không can dự gì đến chuyện kiến thức uyên bác xoàng xĩnh, và không thể phê phán một công trình như ông đã làm trên vài điểm bất đồng có thể có khi đọc văn bản Hegel. Vì thế tôi chỉ lưu ý sơ qua về chúng để khỏi quên. Mặt khác lại còn phải nhấn mạnh đến tính chất độc đáo của ông mà độc giả bình thường có thể không nhận thấy.

Nhưng về chuyện này tôi phải nhắc lại rằng tôi chưa bao giờ phủ nhận là Hegel có phân biệt “ý thức về bản thân” đối với “cảm giác về bản thân” và xin ông hãy tin rằng không phải tôi không biết các văn bản có liên quan đến điều này. Tôi chỉ lưu ý, nếu ông chịu khó đọc tôi cho kỹ, rằng sự phân biệt ấy không nằm trong đoạn văn ta bàn đến (chương IV), ở đó hiển nhiên là nó không thể đóng bất cứ vai trò nào, bởi lẽ vấn đề của đoạn ấy là xoá đi các đối lập trừu tượng và khai sinh tính người từ thú vật.

Còn về phần “đấu tranh cho uy thế thuần tuý”, theo định nghĩa của ông, đó là sự phủ định trực tiếp và vô điều kiện hiện hữu tự nhiên. Thế nhưng một khái niệm đại loại không thể có trong tư tưởng Hegel, nơi mà sự phủ định bao giờ cũng qua trung gian. Và cho điều chúng ta đang bàn, sự đấu tranh ấy chỉ có thể nảy sinh như là kết quả của điều nó phủ định, nói rõ hơn là tự nhiên tự phủ định trong quá trình khẳng định. Sự đấu tranh của các ý thức về bản thân bắt đầu từ bình diện thú vật và hoàn tất trên bình diện con người, bởi chính lô gích nội tại của quá trình vận động.

Về điều này, chấp nhận sự hoà giải mà ông đề nghị là một điều rất khó cho tôi khi mà, mượn lại sự phân biệt giữa folgen [theo sau] và erfolgen [xuất phát từ] của Kant, ông thoả thuận rằng tinh thần là kết quả của sự biến dịch [devenir] của tự nhiên, đồng thời minh xác rằng đó là một sự kiện tuyệt đối ngẫu nhiên chứ không phải là một hệ quả tất yếu. Thế nhưng ông quá biết rằng ở Hegel kết quả xuất phát từ nguyên lý của nó trong sự vận động mà tất yếu với tự do là một. Tất nhiên đây là một vận động biện chứng loại trừ mọi suy diễn tiên nghiệm ,chỉ có thể hiểu nó theo nghĩa lịch sử hoặc đặt nó vào một thực tiễn. Nhưng lĩnh hội và hành động ở đây hàm ngụ một tính chất khả tri [intelligibité] mà chính học tuyết về tự do của ông phủ nhận.

Hiển nhiên tôi chưa bao giờ gắn cho ông thứ nhị nguyên luận “trong không gian” một cách thô thiển. Nhưng tôi không nghĩ là có thể cải đổi bước chuyển tiếp biện chứng từ tự nhiên sang tinh thần theo một trình tự thuần tuý ngẫu nhiên căn cứ trên một hành động phủ định hoàn toàn tuỳ tiện. Đối với Hegel phủ định với khẳng định là một và phủ định chỉ giúp cho khẳng định thành hiện thực đúng y với bản chất của nó. Vậy thì nếu có tính nhị nguyên, tính nhị nguyên này là một với tính hợp nhất. Và đây hoàn toàn không phải là trò chơi trí não : tôi đã tìm cách trình bày như thế nào chủ nghĩa Marx duy vật cho phép những khái niệm biện chứng căn bản ấy mang một nội dung hiện thực.

Vậy tôi không hẳn trách ông đã tách rời tự nhiên khỏi tinh thần, mà trách ông đã không nhận thấy rằng sự tách biệt ấy chỉ thực hiện tính thống nhất cho cả hai. Bởi vì như thế sẽ đi đến kết luận rằng chỉ có thể giải thích sự tách biệt bằng lẽ siêu việt thần linh. Dĩ nhiên ông khước từ hậu quả ấy vì ông định nghĩa tự do bằng cách loại trừ mọi tính chất khả tri bất kể thuộc dạng thể nào. Nhưng con người không thể từ chối việc tìm hiểu cái lý của vạn vật. Và từ sự từ chối tìm kiếm cái lý do tách biệt đó ngay chính trong tính thống nhất, nhà thần học sẽ kết luận rằng nó đến từ một sự giáng sinh.

Nhưng có lẽ chúng ta không thuộc vào cùng một gia đình tinh thần. Bởi trước khi tiếp cận triết học ngày nay, tôi đã là kẻ được tư tưởng Spinoza thuyết phục, và tôi cũng biết đấy là một học thuyết không được ông ưa chuộng cho lắm. Ông định nghĩa tự do bằng cách phủ định tất yếu. Tôi bảo vệ truyền thống lớn của chủ nghĩa duy lý luôn luôn quan niệm chúng là một.

Xin gửi đến ông những tình cảm quý mến nhất.

 TRẦN ĐỨC THẢO

CHÂN PHƯƠNG dịch


Nguồn: Alexandre kojève et Trần Đức Thảo: correspondance inédite. Présentation de Gwendoline Jarczyk et Pierre-Jean Labarrière. Genève = ISSN 1155-3219, số 2, 1990. Tr. 131-137. Bản dịch tiếng Việt của Chân Phương: http://amvc.free.fr/Damvc/ChanPhuong/LyLuan/ThuKojeveTranDucThao.htm


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt