Thuật ngữ chuyên biệt

ARCHÊ (Hê): Nguyên tắc, Nguyên lý

 

Từ vựng triết học Hy Lạp:

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50
                                                 


 

ARCHÊ (HÊ): Nguyên tc, Nguyên lý

[Latinh: Principium; Pháp: le  Principe]

IVAN GOBRY

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 

 Nguyên nhân căn nguyên, Thực tại đầu tiên mà những thứ khác trong vũ trụ xuất phát từ nó. Từ này có thể có hai nghĩa:

  1. Nghĩa vũ trụ học: Nguyên tắc là một vật thể vật chất (các triết gia tiền-Socrate);
  2. Nghĩa siêu hình học: Nguyên tắc là một Thực tại phi nhân vị, có thể mang những tên gọi khác nhau: Đơn tử (Pythagore), cái Một (Parménide, Plotin), Bản chất (Platon).

Platon, là người rất hay dùng chữ archê, đã đưa ra một định nghĩa về chữ này trong quyển Phèdre (245 tcn): “Nguyên tắc, đó là cái Không-được-sinh-ra (agênéton); vì tất cả những gì đang tồn tại đều tất yếu phải xuất phát từ cái nguyên tắc ấy, tức cái nguyên tắc không xuất phát từ bất cứ cái gì.” Do đó nó là cái hiện hữu đầu tiên hết, và sản sinh ra một loạt các tồn tại khác.

Aristote đã định nghĩa Nguyên tắc này, nhưng theo một cách khá mơ hồ. Trong Métaphysique / Siêu hình học (Δ, 1), ông lưu ý trước tiên đến từ này. Và ông gán cho nó năm nghĩa:

  1. điểm xuất phát (của một tuyến, của một con đường). Do đó có một nguyên tắc đối xứng là điểm đến;
  2. sự khởi đầu tốt nhất (nghệ thuật sư phạm)
  3. cái đầu tiên và nội tại trong sự trở thành (các nền móng của một ngôi nhà);
  4. cái nguyên nhân đi trước và không có tính nội tại (ông bố và bà mẹ đối với đứa con);
  5. ý chí tự do của một hữu thể có lý tính (nguyên tắc của các biến cố).

Trong Physique / Vật lý học (I, 1, 184a), khi trình bày lịch sử các lý thuyết, Aristote gọi các yếu tố đầu tiên ở các triết gia xứ Ioniens (các nhà Tự nhiên học) là các nguyên tắc. Trong Siêu hình học (A, 5), ông gọi những thực tại căn nguyên của một số triết gia tiền bối, như con Số ở Phytagore, cái Một ở Xénophanes, Tồn tại ở Parménide, là các nguyên tắc.

Ở các triết gia xứ Ionie thế hệ đầu, được Aristote gọi là các nhà Tự nhiên học, Nguyên tắc là một yếu tố căn bản của vũ trụ.

Người đầu tiên trong số họ, Thalès xứ Milet, tuyên bố rằng đó chính là Nước (Aristote, Met., A, 3; Cicéron, De nat. deor.I, X. 23; Ps-Plutarque, Placit.I, 3; D.L.I, 27). Aristote quy việc “phát hiện” này vào sự quan sát, bằng cách gợi nhớ rằng câu chuyện đầu tiên của thần thoại Hy Lạp coi Océan là căn nguyên của thế giới. Nietzsche tuyên bố rằng quan niệm đó là một nét đặc sắc của thiên tài.Trên thực tế, đó là một di sản đơn thuần của các môn vũ trụ học Đông phương.Thalès là người gốc Phénisie, và biết rành các câu chuyện thần thoại của người Sémite.Cosmogonies chaldéenne / Sáng tạo vũ trụ học của chaldéenne, một thánh điển của truyền thống Babylon, mà Damascius và Bérose đã giữ lại được cho chúng ta một số đoạn, khẳng định: “Về căn nguyên, toàn thể các vùng đất đai đều là biển”. Eunuma Elis, một câu chuyện kể khác của người Babylon về sự sáng tạo: “Khi ở trên cao trời còn chưa có tên, khi ở dưới đất chưa có tên, chưa có đại dương Apsou, cha của chúng, và chưa có Tiamat náo động, mẹ của tất cả, thì nước hòa trộn nhau thành cái Một. Le Livre des Morts / , văn bản cổ xưa nhất của người Ai Cập: “Ban đầu chỉ có Noun, cái vực của nước tiên khởi”; bấy giờ, tộc người Phénicie đã thống trị người Ai Cập về mặt văn hóa ngay từ thiên niên kỷ thứ III, nên bằng mọi cách, Thalès đã cư lưu ở Ai Cập và thụ giáo những lời dạy của các vị giáo sĩ (D. L. I, 27).

Người kế nhiệm Thalès làm thủ lĩnh Trường phái Milet, Anaximandre, chọn cái không-xác định (apeiron) làm Nguyên tắc căn nguyên. Thủ lĩnh thế hệ thứ ba của trường phái này, Anaximène (†526) xác lập không khí (aêr) là nguyên tắc đầu tiên.Đó vẫn còn là một thần thoại cổ xưa của người Phénicie. Ta gặp lại lý thuyết này ở Diogène xứ Apollonie (thế kỷ 5 tcn). Cuối cùng, Hippase xứ Métaponte (thế kỷ 6 tcn) và Héraclite xứ Éphèse (†480) thừa nhận lửa (pûr) là Nguyên tắc đầu tiên.

 Các triết gia người Ý, gốc Ionie nhưng lại sinh sống tại miền Nam nước Ý (Đại Hy Lạp), đều đưa ra những nguyên tắc siêu hình học. Với Pythagore, đó là con Số, mà chính xác hơn là Đơn tử, tức Đơn vị căn nguyên của tồn tại. Với Xénophane (thế kỷ 6 tcn), cái Một đầu tiên là một vị Thượng đế duy nhất không mang thân xác; với Parménide, môn đệ của Xénophane, đó là Tồn tại, và Tồn tại này là cái Một được hiểu theo nghĩa cái Duy nhất, vì ông không thừa nhận bất cứ cái nào khác; với Anaxagore, Nguyên tắc căn nguyên có tính nước đôi: một chất liệu vô hình trơ lì và một Tinh thần tuyệt đối năng động khởi sinh ra vũ trụ trong tính đa dạng của nó. Với Empedocle, đó là tình yêu (philotês) và sự oán ghét (néϊkos) nhưng với tư cách là chúng hợp nhất và phân ly các yếu tố tiền-hiện hữu, tức bốn [yếu tố] cổ điển. x.stoϊchéϊa. Platon không cương quyết một lập trường nào: các Bản chất, được hiểu theo nghĩa tập hợp, trong Phédon; Tồn tại trong Sophistes / Nhà Biện sĩ; cái Thiện trong République / Nền Cộng hòa; Thượng đế trong Lois / Pháp luật. Ở Aristote, Nguyên tắc là Đệ nhất Động cơ, vốn bị lẫn lộn với Trí tuệ hay cái Thiện (Met., Λ, 6-7). Nhưng đối với các tồn tại của Tự nhiên (ta phuseϊ onta), ông ghi nhận ba nguyên tắc: chất liệu (hulê), mô thức (morphê) và sự khiếm diện (stérêsis). Ở Plotin, Nguyên tắc là cái Một, vốn đồng thời cũng là cái Thiện.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt