Thuật ngữ chuyên biệt

Thuật ngữ triết học Hegel: Chân lý/Sự thật, Sai lầm và Đúng đắn

 

CHÂN LÝ/SỰ THẬT, SAI LẦM VÀ ĐÚNG ĐẮN

 [Đức: Wahrheit, Falschheit und Richtigkeit; Anh: truth, falsity and correctness]

MICHAEL INWOOD

 

Tính từ wahr (“đúng thật”/Anh: “true”) cùng gốc với từ Latinh verus và có nghĩa nguyên thuỷ là “đáng tin cậy”. (Chữ “true” trong tiếng Anh cùng gốc với chữ “treu” trong tiếng Đức, cũng có nghĩa là “đáng tin cậy”, “trung thành”). Từ đó có danh từ (die) Wahrheit (“chân lý”, “sự thật”; Anh: “truth”) và tính danh từ “das Wahre” (“cái đúng thật”). Falsch, giống chữ “false” trong tiếng Anh, cùng gốc với từ Latinh falsus, và có nghĩa nguyên thuỷ là “không trung thành, đáng khinh, lừa dối”. Từ đó có danh từ (die) Falschheit (“sự sai lầm”) và das Falsche (“cái sai lầm, cái không đúng thật”, Anh: “the false” v.v…). Wahr gần với “richtig”, cùng gốc với Recht và chữ Latinh rectus (“thẳng”, “đúng đắn”) và có nghĩa nguyên thuỷ là “thẳng thắn”. Ngày nay, có nghĩa là “đúng đắn” (Anh: “correct”), và trùng nghĩa với “real”, “quite” trong tiếng Anh, như trong “a real (quite) success” (“một thành công thực sự”) v.v…

WahrWahrheit, giống như “true” và “truth” trong tiếng Anh, không chỉ áp dụng cho lòng tin, nhận định v.v…, mà cả cho sự vật, như trong “một nghệ sĩ, một người bạn đích thực/đúng thật” v.v… Cách dùng này có tiền lệ từ thời cổ đại: Plato áp dụng alēthēs (“đúng thật, không lừa dối”) và alētheia (“sự thật, chân lý, thực tại, không lừa dối”) cho sự vật, nhất là cho những gì thuộc tri thức (episteme) hơn là đơn thuần thuộc tư kiến (doxa). Trong Cộng Hoà, Plato cho rằng mô thức tối cao (mô thức “sự Thiện”) mang lại chân lý cho những gì được nhận thức, giống như mặt trời soi sáng những vật thể trên mặt đất. Nhưng, Aristoteles lại loại bỏ chân lý ra khỏi sự vật và chỉ dành nó cho các PHÁN ĐOÁN: một phán đoán là đúng thật nếu nó bảo cái tồn tại là tồn tại hoặc bảo cái không tồn tại là không tồn tại. Syrianus nhấn mạnh rằng “không có gì có thể là đúng hoặc sai một cách chặt chẽ, ngoại trừ ở trong sự khẳng định và phủ nhận”. Đi vào triết học kinh viện, định nghĩa này của Aristoteles trở thành adaequatio rerum et intellectus, “sự tương ứng giữa sự vật và tâm trí”. Nhưng, ý tưởng rằng sự vật cũng như phán đoán đều có thể là đúng hoặc sai lại có mặt trong Soliloquies của St. Augustino và các tác giả về sau, cùng với ý tưởng rằng Thượng đế là đúng thật hay là Chân lý tối cao và chuyển trao chân lý ấy cho những sự vật khác như chúng đang có. Vào thế kỷ 18, chân lý quan hệ mật thiết với các QUY LUẬT TƯ DUY. Một phán đoán đúng phải phù hợp với các quy luật của tư duy, nhất là với quy luật về [loại trừ] mâu thuẫn. Trong PPLTTT, A294, B350, Kant nói rằng “yếu tố hình thức của mọi chân lý là ở chỗ nhất trí với những quy luật của GIÁC TÍNH”.

Hegel dùng chữ wahrWahrheit theo những cách khác thường. Ông bác bỏ cách dùng của Aristoteles, và xem một phán đoán, chẳng hạn: “Hoa hồng này [là] đỏ” chỉ có thể là richtig [“đúng đắn”] chứ không phải wahr [“đúng thật”]. Ông áp dụng wahrWahrheit trước hết cho khái niệm và sự vật. Nhưng, ông có xu hướng tin rằng chỉ có THƯỢNG ĐẾ hay cái TUYỆT ĐỐI mới thực sự là đúng thật. Cách dùng của ông khai thác và phát triển nhiều chiều kích khác nhau trong cách dùng trước đó:

1. Hegel liên hệ cách dùng chữ wahr của ông với các cách nói như “người bạn đúng thật/đích thực”, “tác phẩm nghệ thuật đúng thật/đích thực” (BKT I, §§ 24A.2, 172A., 214A.). Theo ông, người bạn đúng thật/đích thực là người bạn tương ứng với KHÁI NIỆM “người bạn”, và tác phẩm nghệ thuật đúng thật/đích thực tương ứng với khái niệm “tác phẩm nghệ thuật”. Nhưng, thật ra, không một thực thể HỮU HẠN nào là tương ứng hoàn toàn với khái niệm của nó. Nó vướng vào các mối quan hệ với những sự vật khác; chúng chuyển trao những đặc điểm vốn không được khái niệm của nó quy định. Vì thế, không có vật gì là “đúng thật” một cách chặt chẽ, ngoại trừ cái TOÀN BỘ, là cái không có những sự vướng mắc ngoại tại và, do đó, hoàn toàn nhất trí với khái niệm của nó. Trong Lôgíc học, cái toàn bộ này là, hay, được thể hiện bởi Ý NIỆM tuyệt đối, trong đó khái niệm là hoàn toàn tương ứng với THỰC TẠI.

2. Hegel chấp nhận quan niệm rằng cái gì đó chỉ có thể là “đúng thật” nếu nó không tự-mâu thuẫn. Nhưng, không chỉ những phán đoán, lòng tin v.v… mới có thể tự mâu thuẫn. Ngay cả Leibniz và Kant cũng đồng ý rằng một khái niệm có thể tự-mâu thuẫn, và, vì thế, là sai, xét theo tiêu chuẩn của chính nó. Một người bạn sai lầm hay một tác phẩm nghệ thuật hỏng là tự-mâu thuẫn, theo cả hai nghĩa: nó không đạt được hay “mâu thuẫn” với khái niệm của nó, và (thường, hay ít nhất) là thiếu sự nhất trí nội tại. Trong thực tế, bất kỳ thực thể hữu hạn nào, dù là sự vật hay khái niệm, đều tự-mâu thuẫn, ít ra là khi nó bị thoát ly khỏi các mối quan hệ của nó với những sự vật hay khái niệm khác. Như thế, một lần nữa, chỉ có cái toàn bộ mới là “đúng thật”, bởi cái toàn bộ thì không phải hữu hạn, nên VƯỢT BỎ những mâu thuẫn trong các bộ phận của nó.

3. Hegel cũng chấp nhận định nghĩa về chân lý như là adaequatio rerum et intellectus, nhưng ông lại tái diễn giải định nghĩa này, chẳng hạn, như là “sự đồng nhất giữa TƯ DUY và TỒN TẠI”, hay “sự nhất trí giữa cái CHỦ QUAN và cái KHÁCH QUAN”. Nhưng, sự nhất trí hoàn toàn giữa tư duy và tồn tại không thể tìm thấy trong phán đoán, chẳng hạn, như trong: “hoa hồng này [là] đỏ”. Tư tưởng ấy của tôi về [màu sắc của] hoa hồng không thể nắm bắt chân lý toàn bộ về hoa hồng, về mùi hương của nó, v.v…, nói gì đến toàn bộ chân lý về tồn tại nói chung. Đoá hồng có thể héo úa, và như thế là không phù hợp với khái niệm “hoa hồng” được tôi áp dụng cho nó; và ngay cả khi nó tươi tốt đi nữa thì, do là một thực thể hữu hạn, cũng không tương ứng với những khái niệm được tôi áp dụng cho nó. Những phán đoán thuộc loại này tiền giả định rằng tôi và tư duy của tôi là được phân biệt với những ĐỐI TƯỢNG của phán đoán, và tuy tư duy của tôi là “đúng đắn” (“richtig”/Anh: “correct”), nó vẫn không trùng khít với đối tượng của nó. Do đó, Hegel chỉ nhìn thấy sự trùng khít này giữa tư duy và tồn tại, giữa cái chủ quan và cái khách quan ở trong Ý NIỆM tuyệt đối, tức, trước hết trong vũ trụ xét như cái toàn bộ, và khái niệm về nó, cũng như trong TƯ DUY lôgíc, thuần tuý của ta, hay trong tư duy của ta về bản thân tư duy.

4. Hegel không hề chủ trương rằng vậy ta hãy ngưng, không đưa ra những phán đoán, chẳng hạn, về hoa hồng. Nhưng, ông nhấn mạnh rằng phán đoán hay MỆNH ĐỀ không phải là hình thức thích hợp cho việc tư duy về những gì là hoàn toàn đúng thật, như về Thượng đế, về cái tuyệt đối, ý niệm, TINH THẦN v.v… Một trong những lý do của điều này là: hình thức phán đoán ngụ ý rằng chủ ngữ của phán đoán là một SỰ VẬT, một cơ chất (substratum) mang theo nhiều thuộc tính vốn không nối kết với nhau một cách nội tại. Nhưng, cho dù hoa hồng là một vật thuộc loại này đi nữa, thì cái tuyệt đối, tinh thần lại không thể như thế. (Những) QUY ĐỊNH TƯ DUY tạo nên bản chất của chúng không cố hữu trong một cơ chất mà liên hệ qua lại với nhau một cách BIỆN CHỨNG.

5. Chỉ có cái tuyệt đối, ý niệm v.v… mới là “đúng thật” một cách chặt chẽ. Nhưng, Hegel cũng thường xem một khái niệm, một hình thái ý thức, một cấp độ của giới tự nhiên hay một giai đoạn lịch sử là Wahrheit [“chân lý”, “sự thật”] của một hay nhiều tiền thân của nó trong trình tự khái niệm hay trong diễn trình lịch sử, cho dù nó chưa phải là giai đoạn sau cùng, nghĩa là, chưa phải là “chân lý hay sự thật tuyệt đối”. Vì thế, TRI GIÁC là chân lý/sự thật của sự XÁC TÍN CẢM TÍNH; sự TRỞ THÀNH là chân lý/sự thật của TỒN TẠI và HƯ VÔ; MỤC ĐÍCH LUẬN là chân lý/sự thật của CƠ GIỚI LUẬN và HOÁ HỌC LUẬN. Cách sử dụng này bao hàm mấy ý tưởng sau đây:

(a) Nếu cái gì đó là chân lý/sự thật của cái đi trước của nó, thì, dù nó chứa đựng những mâu thuẫn của riêng nó và sẽ xuất hiện ra sau này, nhưng nó giải quyết và thoát khỏi những mâu thuẫn đã được chứa đựng trong cái đi trước.

(b) Nó là, hay hiện thân, khái niệm mà cái đi trước của nó đã nỗ lực thực hiện, nhưng đã không thể hiện thực hoá một cách thích đáng mà không thay đổi thành một cái gì khác. Tương tự như thế, ta có thể sơ thảo một bài báo, nhưng không thể thực hiện trọn vẹn các ý định có trong đầu nếu không mở rộng nó thành một công trình khảo cứu. (Điều này không có nghĩa rằng công trình khảo cứu, khi đã hoàn tất, là chung quyết và không cần có thay đổi nào trong lần tái bản).

(c) Chân lý/sự thật của cái đi trước không đơn giản thế chỗ cho nó, mà chứa đựng hay vượt bỏ những gì là đúng thật ở trong nó. (Công trình khảo cứu chứa đựng những gì “đúng thật” ở trong bài báo sơ thảo).

6. “Chân lý/sự thật” của một cách nói cho thấy chân lý không đơn giản là đối lập với sai lầm và thiếu sót. Sai lầm, thiết sót sẽ phát triển thành chân lý và được vượt bỏ trong chân lý. Tương tự như thế, những thực thể hữu hạn hay “sai lầm” bên trong vũ trụ không đơn giản là đối lập với cái đúng thật hay với cái VÔ HẠN, trái lại, được vượt bỏ trong nó. Hölderlin cũng có cái nhìn tương tự: “Chân lý đúng thật nhất chỉ có thể là cái trong đó sai lầm cũng trở thành chân lý, bởi chân lý, trong hệ thống toàn bộ của nó, thiết định cái sai lầm đúng lúc và đúng nơi”. Vì thế, khi Hegel phê phán các triết gia khác, chẳng hạn, phê phán Spinoza hay Jacobi, ông có xu hướng cho rằng không phải quan niệm của Spinoza hay Jacobi là sai lầm, trái lại, quan niệm ấy phát triển thành quan niệm của ông.

Quan niệm của Hegel về chân lý nhất quán với các phương diện khác trong tư duy của ông:

(1) Chân lý của cái gì đó, dù là của tư tưởng hay sự vật, không tách bạch với giá trị hay ý nghĩa của nó. Một tác phẩm nghệ thuật “đúng thật/đích thực” cũng ipso facto [từ bản thân sự việc] là một tác phẩm hay, đẹp. Ngược lại, Hegel rất khinh ghét khi phải gọi một nhận định tầm thường, hiển nhiên nào đó là nhận định “đúng thật”.

(2) Một chân lý/sự thật phân mảnh đóng khung trong một hệ thống khái niệm hay một lý thuyết khoa học một cách không tương ứng thì không thể là “đúng thật” theo nghĩa chặt chẽ. Vì thế, “chân lý” và “sai lầm” có mặt trước hết trong hệ thống khái niệm hay lý thuyết khoa học làm khuôn khổ chung cho phán đoán, hơn là trong bản thân phán đoán ấy.

(3) Thế giới tạo nên một HỆ THỐNG liên kết lẫn nhau, khiến cho không một tư tưởng hay phán đoán phân mảnh, riêng lẻ nào có thể là “đúng thật” hay tương ứng với cả hệ thống.

(4) Có một sự hội tụ tối hậu và một sự song hành sâu sắc giữa thế giới và tư tưởng của ta về nó. Cho nên, chúng phải vừa đúng thật (hoặc sai lầm) cùng với nhau. (Xem: DUY TÂM (thuyết)).

(5) Chân lý của một nền triết học, và sự bất khả xâm phạm của nó trước thuyết HOÀI NGHI, không phụ thuộc vào, chẳng hạn, sự tương ứng của nó với những sự kiện, trái lại, phụ thuộc vào sự mạch lạc nội tại và sự bao quát toàn diện của nó.

BÙI VĂN NAM SƠN dịch


Nguồn: trích từ Từ điển Hegel (bản thảo sắp xuất bản do Bùi Văn Nam Sơn chủ trì việc biên dịch)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt