Chủ nghĩa hiện sinh

Người đi trên băng tuyết hay Sa mạc giữa rừng người

 

NGƯỜI ĐI TRÊN BĂNG TUYẾT

HAY LÀ SA MẠC GIỮA RỪNG NGƯỜI

LÊ THÀNH TRỊ

 


Lê Thành Trị, “Dưới mắt Sartre: Tự do, Tha nhân và Thượng đế – Người đi trên băng tuyết hay sa mạc giữa rừng người”, trong Hiện tượng luận về Hiện sinh. Trung tâm học liệu – Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1974.
 
 

NGƯỜI ĐI TRÊN BĂNG TUYẾT hay là SA MẠC GIỮA RỪNG NGƯỜI

MỤC LỤC

Lời nói đầu

Mục lục

1. Ý nghĩa tổng quát của triết lý hiện sinh

2. Kierkegaard và vinh nhục của Tín ngưỡng

Chống thuyết Hegel

3. Nietzsche một nỗi buồn của “Bất tử” hay là Ông Hoàng bất mãn của Siêu nhân

4. Karl Jaspers với bóng dáng của Siêu vượt

Tự do là gì

Hữu Siêu việt

5. Jaspers và Đường về Lịch sử

6. Jean Paul Sartre hay là từ tiếng sét đêm trường đến giấc mơ Đại Đồng cho nhân loại

7. Dưới mắt Sartre Tự do, Tha nhân và Thượng đế

Người đi trong Tự do

Người đi trên băng tuyết

Sartre và vấn đề Thượng đế

8. Martin Heidegger một cố gắng hòa hợp Tín ngưỡng và Triết lý

Triết lý hiện sinh hay triết lý Hữu

Khởi điểm và phương pháp

Những luận đề chính yếu

Người là hữu tại thể

Người là vật bị bỏ rơi

Người là hiện hữu hiểu biết

Hiện hữu suy luận bằng ngôn ngữ

Ưu tư

9. Những hậu đề hiện sinh

Tiên quyết của bản thể người

Hữu vị tử

Trở về với hiện sinh đích thực

10. Diễn tiến tư tưởng của Heidegger

Nhân bản trong học thuyết Heidegger

Quan điểm tiêu cực

Thế nào là chân lý

Tiến về Hữu

Con đường của kinh hoàng

Con đường của triết sử

Ý nghĩa Hữu

Chân trời Heidegger

Tính chất lưỡng ứng trong ý niệm tự do, khiến Sartre một mặt cố gắng bảo toàn tự tính (ipséité) trinh trong của tự do, một mặt làm cho tự do trở thành chủ động trong mọi hoàn cảnh sống. Nhưng như ta đã thấy, quan điểm ấy không thỏa mãn độc giả. Để hiểu rõ hơn tính chất hữu thể luận của tự do Sartre, chúng ta quay sang vấn đề hữu vị tha nhân (l’être-pour-autrui).

Cũng như đối với tự do mà chúng ta vừa đề cập tới, hữu vị tha nhân của Sartre sẽ được giới hạn ở ý nghĩa hữu thể luận, mặc dầu là của một hữu thể luận hiện tượng luận. Chúng ta sẽ tìm hiểu hai khía cạnh của vấn đề:

1. - Tính chất của hữu vị tha nhân,

2. - Hữu của hữu vị tha nhân.

Cần chú ý thuật ngữ của Sartre về danh từ autre và autrui. Cả hai nhiều khi cùng chỉ tha hữu, một hữu thể khác nói chung và khác với ngã hữu, hữu của tôi. Nhưng nhiều khi danh từ autrui được trọng dụng và chỉ một nhân hữu khác với tôi, tha hữu là ngôi thứ hai hoặc ngôi thứ ba trong tương giao giữa người và người với nhau.

Tính chất của hữu vị tha nhân

Chúng tôi muốn nói đến như thế nào là hữu vị tha nhân, có những đặc trưng và dáng dấp nào… khiến cho chúng ta nhận thấy đó là người khác, không phải là tôi. Trước hết, Sartre không chấp nhận quan điểm của Husserl, vì theo Sartre cái Husserl gọi là tha nhân chỉ là những ý nghĩa (significations) mà tôi siêu vượt của Husserl tạo ra, do đó, tha nhân là một quan niệm theo kiểu Kant, một phạm trù ở ngoài vũ trụ, không có thực. Nói khác đi, tha nhân của Husserl chỉ là “toàn bộ động tác có tính cách thống nhất và kiến tạo kinh nghiệm của tôi” (c’est un ensemble d’opérations d’unification et de constitution de mon expérience). Tha nhân trong học thuyết ông tổ hiện tượng luận không là một cá nhân hiện hữu. Hegel tiến hơn, với chủ trương rằng ý thức về mình có nghĩa là loại bỏ, là đối lập với người khác. Tha nhân là trung gian của ý thức về mình. Không có tha nhân không có ý thức về bản ngã. Do đó, ý thức về mình, tức là ý thức về người khác. Nhưng cũng như trong trường hợp Husserl, tha nhân của Hegel trước sau là đối tượng hoặc sản phẩm của nhận thức, trừu tượng. Hơn nữa, Hegel đã nhận chìm tha nhân trong toàn thể: cái có thực không phải là cá nhân mà là cái toàn thể. Phản ứng của Sartre là vọng âm phản ứng quyết liệt của Kierkegaard. Sau hết, Mit-Sein, cộng hữu của Heidegger là một đòi hỏi lý học của hữu của tôi, đó là một hữu “chết”, một hữu phổ biến, không nói lên được tính chất độc đáo, cá biệt và sống động của con người tha nhân. Nói tóm lại, vì tính cách quá ư trừu tượng và vật hóa của một đối tượng nhận thức, nên các học thuyết trên đây, vẫn theo Sartre, đã không thoát khỏi chủ nghĩa độc thoại (solipsisme), không đặt nổi tương quan giữa người và người. Đó là nhận định của Sartre. Nhưng ông có làm khác được không?

Tha nhân là một khám phá tương đối mới mẻ trong triết sử, Sartre cho rằng hiện hữu của tha nhân, nếu chỉ căn cứ vào tiếng nói của ngã thực nghiệm (ego empirique) thì chỉ có thể là một cái gì khả thực hoặc tự chân (probable). Trong khi đó, nếu căn cứ vào những suy diễn từ tôi siêu vượt như Kant hoặc Husserl, hay từ ý thức về mình như Hegel, thì tha nhân sẽ chỉ còn là mây khói. Cho nên ông đề nghị một chứng minh khác cho hiện hữu của tha nhân: cái nhìn.

Đi vào thế giới nhân loại, người trước hết bắt gặp người như là một sự vật, như trăm nghìn sự vật khác. Đó là con người xuất hiện xa xa dưới đường phố, con người mà Descartes đã thấy như một sự vật di chuyển trong không gian. Nhưng sự vật ấy là người, cho nên đó là người sự vật, hay người đối tượng, hoặc tha nhân đối tượng. Đối tượng cho cái nhìn của tôi. Tôi sống, tôi hiện sinh, là tôi nhìn. Khi tôi nhìn người khác, tức là người khác trở thành đối tượng nhìn của tôi. Nhìn là ý thức: không phải mắt nhìn, nhưng là tôi hoặc ý thức nhìn. Tôi hướng đến người khác như là một vật khác với tôi và ngoài tôi. Nhưng người đối tượng nhìn của tôi có thể nhìn lại tôi. Cho nên hắn không phải là hoàn toàn đối tượng như sự vật thông thường, mà là một kẻ đang nhìn lại tôi. Nói khác đi, khi kẻ khác được trông thấy như là người đang nhìn tôi, thì tôi là đối tượng nhìn của hắn. Sartre nói rằng tha nhân không xuất hiện khi tôi nhìn một người, mà chỉ xuất hiện khi tôi thấy tôi là đối tượng nhìn của một người[1]. Vậy điều kiện xuất hiện của tha nhân như là chủ thể, là sự kiện tôi thấy tôi bị nhìn như là một đối tượng. Thấy mình như là đối tượng nhìn của một người, đó là lý chứng hữu thể luận về hiện hữu của người ấy.

“Tha nhân là kẻ nhìn tôi”, định nghĩa đầu tiên của Sartre[2]. Khi một tha nhân xuất hiện thì hiện diện của nó làm đảo lộn và phá tung vũ trụ sống trước khi hắn xuất hiện. Cả vũ trụ như nứt nẻ, như bị hút đầu vào cặp mắt của hắn. Hắn như là một lỗ hổng của vũ trụ sẽ tiêu tan trong đó. Sự hiện diện của tha nhân là một “băng tuyết nội tâm” (hémorragie interne) của vũ trụ. Tại sao lại có hiện tượng kinh khủng đến thế? Tại vì tha nhân vốn cũng như tôi, mang sẵn một huyền lực phù chú hư vô hóa ngoại vật, biến có thành không… Nhưng như đã nói, trước cái nhìn ấy, tôi bị phủ nhận như là tôi để trở thành một đối tượng, trơ trẽn, đồ vật, cái đó mới kỳ diệu. Và vì thế, cái nhìn của tha nhân làm tan ra mây khói tất cả cái thế giới yên lành, trật tự như đã xuất hiện trước khi có tha nhân. Ý niệm tha nhân là ý niệm hư vô hóa và bị hư vô hóa, đi liền với nhau.

Nhưng ta đừng tưởng chỉ có người đang thực sự nhìn ta bằng cặp mắt trông thấy mới là tha nhân, không phải chỉ có tha nhân đang thấy bằng xương bằng thịt, đang nhìn ta, kẻ ấy mới là tha nhân. Hơn thế nữa, bởi vì tha nhân là kẻ nhìn ta, cho nên khi nào ta thấy bất cứ bằng cách nào, bằng tưởng tượng, hồi tưởng, mơ mộng, ta bị nhìn đều là có hiện diện của tha nhân trước ý thức chúng ta. Một con sóc nhảy sột soạt trên cành cây, một tiếng động đâu đó, bên cạnh ta… tất cả có thể khiến ta thấy mình là đối tượng của một cái nhìn bất cẩn. Nhìn ở khắp nơi, trong phòng riêng, trong phòng tắm, trong nơi tối tăm cũng như giữa chợ búa, ồn ào… Bao lâu ta còn sống trên mặt đất này, bao lâu ta còn mang lấy kiếp hiện sinh, thì bấy lâu ta còn là đối tượng của cái nhìn tha nhân. Aristoteles định nghĩa người là con vật có lý tính, Durkhiem cho người là con vật xã hội, Sartre gọi người là một kẻ bị nhìn bởi người khác. Nhìn là thực chất của nhân loại, do đó, sống là thấy mình bị nhìn. Cho nên không phải chỉ có cái nhìn đặc thù mới gọi là nhìn, mà nhìn là một cái gì phổ biếnthiết yếu[3].

Nói vắn lại, nhìn là một “thực tại không sờ mó được, khuynh thoát và ở khắp nơi…”[4].

Trong cái nhìn qua lại giữa người chung sống với nhau, chúng ta thấy được hai sự kiện: có nhiều ý thức dị biệt, đúng hơn, có nhiều ý thức khác, chứ không phải chỉ có một ý thức của cá nhân mình mà thôi; và mỗi ý thức đều là một cái gì đơn độc, một hải đảo giữa trăm nghìn triệu hải đảo khác. Sự hiện hữu vô hạn định của những ý thức nhìn ấy làm nên cái gọi là “người ta”. Danh từ này không có ý nghĩa nào khác hơn là một “thực tại tiền-số lượng” (réalité prénumérique) nhưng cụ thể.

Tương quan giữa ngã và tha nhân

Tại sao lại gọi ý thức là một hải đảo cô độc? Muốn thấy rõ quan niệm của Sartre trong sự khẳng định này, chúng ta phải tìm tương quan giữa ngã và tha (tha nhân).

Ông phân biệt người với vị ngã. Vị ngã là người nhưng không phải, dưới mọi khía cạnh phân tách, hai ý niệm ấy đều có một nội diên và ngoại trương như nhau. Vị ngã là vị ngã, hữu vị ngã là hữu vị ngã không thể lẫn lộn với bất cứ một cái gì khác, mặc dầu có thể là đối tượng nhìn ngắm của người khác. Thực vậy, chúng ta có thể quan niệm một vị ngã tinh túy như vậy, cũng như chúng ta có thể thấy sự tinh túy của tự do. Nhưng vị ngã, trong thực tế, là người, và ta đang phân tách thực tại người như là hiện sinh. Vậy xét theo lý luận, thì vị ngã không nhận lãnh một yếu tố nào nơi tha nhân để kiến tạo cơ cấu hữu thể luận của nó. Sartre nhấn mạnh điều đó. Nhưng, ông nói thêm, ta đang đứng trên bình diện phân tách yếu tính hiện tượng luận của vị ngã và của tha nhân (essence phénoménologique), nên ta không thể không cởi mở những liên hệ hiện tượng giữa ngã và tha, giữa hữu vị ngã và hữu vị tha nhân được. Nói khác đi, vấn đề tương quan giữa ngã và tha trước hết và căn bản là vấn đề liên lạc giữa hữu vị ngã và hữu vị tha nhân.

Hữu vị tha nhân, như danh từ nói rõ, không phải là hữu của tha nhân; mà là hữu của ta như là hữu cho kẻ khác, kẻ khác. Đó là hữu vị ngã xét đến một cách cụ thể trong tương quan với tha nhân. Chúng ta biết rằng trong hiện tượng luận Husserl, ý thức là một kinh nghiệm sống, một Erlebnis, mà Erlebnis không phải là một đối tượng, một cái gì hiện hữu như là một sự vật, Erlebnis là tương quan với đối tượng, chỉ có thế thôi, hoặc là hiện diện của ý hướng đối tượng (relation à un objet, présence intentionelle d’objet). Thừa hưởng ý niệm ấy của Husserl, Sartre quả quyết rằng cái gọi là hữu vị tha nhân trong tôi là “do ý thức tôi mà nổi lên” (mon être-pour-autrui comme surgissement à l’être de ma conscience). Tôi có ý thức tức là đồng thời tôi là hữu vị tha nhân. Thực vậy, ý thức hay hữu vị ngã thiết yếu là phân tán như ta đã nói, và vì tư thế ấy bắt nguồn ở hư vô hữu (néant d’être), ở hữu thiếu thốn, nên nói đến vị ngã là nói đến thực thi sử tính nội tại của nó. Sử tính ấy khiến người đi với người để tạo ra lịch sử. Đó là lý do đầu tiên của căn bản tại sao hữu vị ngã đồng thời là hữu vị tha nhân. Thứ đến, trong việc thực thi đòi hỏi ấy, tôi bao giờ cũng như bắt buộc phải coi chừng, không để tôi bị người khác thoi miên đến độ hư vô hóa bản thân tôi. Nghĩa là nếu tôi là hữu vị tha nhân thì một cách lý học, trước hết và vì lý do tôi là hữu vị ngã. Tôi chủ động trong việc xuất hiện của hữu vị tha. Nói tôi là hữu vị tha nhân, là nói rằng tôi không phải là tha nhân, là phủ nhận sự đồng nhất giữa kẻ khác với mình[5]. Có phủ nhận kẻ khác bằng một veto quyết liệt thì tôi mới là tôi, mới xây dựng hữu thể của tôi được. Cho nên yếu chất (essence) của tôi là sản phẩm của khả năng hư vô hóa của tôi trong giòng lịch sử, và đó là hiện sinh, đó là hiện sinh có trước yếu tính.

Phân tách tương quan tổng hợp của hữu vị tha nhân như ta vừa thấy đã khiến Sartre nói rằng tha nhân, hay cái gì mà tôi gọi là tha hữu, không phải từ ngoài vào, mà từ trong ra, do ý thức của tôi mà có. Thành ra, mặc dầu tôi là hữu vị tha nhân, nhưng không vì thế mà tôi là tha nhân như là chủ thể. Bởi vì tha nhân như là chủ thể cũng là một vị ngã, cũng là một ý thức nhìn tôi như là một tha vật. Khi mà hữu vị tha nhân của tôi bị khép kín trong tôi, không hề cho tôi đạt tới tha nhân chủ thể khác, thì cũng phải nói rằng đối với hữu tha nhân của người khác, tôi là một đối tượng hoặc một chủ thể khác với hắn và hoàn toàn không làm nên cơ cấu hữu thể luận của ý thức hắn. Do đó, giữa tôi và người khác, giữa hai ý thức thì đúng hơn, có một ly khai tuyệt đối. Bởi vì nói tha nhân là nói tới một phủ nhận từ hai chiều, từ tôi và từ hắn: tôi phủ nhận tôi là tha nhân và tha nhân phủ nhận hắn là tôi[6].

Nhưng nếu như vậy thì cái gì làm sợi dây nối kết giữa tôi và tha nhân? giữa ý thức tôi và ý thức của tha nhân? Sartre trả lời rằng chính là cái ngã của tôi như là đối tượng nhìn ngắm của người khác, và chính là cái ngã đối tượng của người khác trước ý thức tôi. Nói khác đi, nếu có một nhịp cầu nào giữa tôi và người khác, thì đó chính là do ngã tha nhân của tôi và ngã tha nhân của người khác làm nên. Chúng tôi chỉ có thể đi lại, giao thiệp với nhau trong giới hạn của nhịp cầu ấy, không hơn không kém. Đàng sau hai đầu nhịp cầu ấy là vùng cấm địa của hai ý thức, hai vị ngã, bất khả xâm phạm. Đến đây, ta thấy ý niệm tự ngã của Sartre vượt lên một giai tầng cao hơn. Không phải chỉ có sự vật ngoài ý thức là tự ngã, không phải chỉ có những biến cố đã trôi theo giòng thời gian mới là tự ngã, mà ngay cả đến những ý thức cũng là những tự ngã đối với một ý thức khác. Tự ngã là cái gì không thể đặt tương quan với tôi. Sartre đã vô tình gặp Kant, cả hai đã cho vào địa giới bất khả tri những gì không phải là hiện tượng nghiên cứu cho tôi. Ta có thể thấy tương quan giữa tôi và tha nhân trong đồ thị sau đây:

 

TÔI

−−−−−−−−−−−−−−−−−−−→

← −−−−−−−−−−−−−−−−−−

THA NHÂN

 

Tự ngã

 

Vị ngã hữu thể luận

 

Vị ngã hiện tượng luận

 

Hữu vị tha nhân ngã tha

Vị ngã hiện tuợng luận

Vị ngã hữu thể luận

Tự ngã

                               

Trong liên hệ với người khác, chính ngã tha (moi-autrui) mới là nạn nhân của hiện tượng tha hóa. Cho nên hữu vị tha nhân cũng gọi được là ngã vị tha hóa (moi-aliéné). Chính cái ngã này là tấm bình phong cho tôi được bảo toàn tính chất tinh toàn của ý thức, của vị ngã và của tự do. Chính cái ngã này là đầu mối của hiện tượng ngụy tín trong thực hành. Tuy nhiên ta đừng mơ ước sẽ có thể hủy diệt nó đi được. Không thể diệt được nó, vì diệt nó tức là diệt chúng ta, tức là ý thức không còn, tự do sẽ xuống mồ. Sartre viết: “La disparition du moi aliéné entrainerait la disparition d’autrui par effondrement du moi-même”[7]. Mặt khác, sự kiện của ngã bị tha hóa một đàng tượng trưng cho sự độc lập tuyệt đối của hai ý thức, một đàng là tượng trưng cho khuynh hướng phân tán nhắm đi về hướng toàn thể trong tự ngã. Ý thức hay vị ngã là hướng đến tự ngã, vị ngã của tôi cũng như vị ngã của anh: chúng ta cùng chung nhau một con đường. Theo nghĩa đó, vị ngã là cái gì có tính chất phổ biến, vì đã là vị ngã hay ý thức thì đều vươn ra với toàn diện, đều hướng đến chỗ toàn bích của hữu. Nên Sartre nói: “… mon ipséité et celle d’autrui sont des structures d’une même totalité d’être”[8]. Ở điểm này, mà chính Sartre cũng ghi nhận như vậy, ông lại thấy Hegel có lý khi triết gia này nói chân lý là toàn diện, chỉ có toàn thể mới là chân lý. Nhưng toàn diện là gì và chân lý toàn diện có thể đạt tới không? Con người ý thức như đi trong một vũ trụ bụi sương của toàn thể, như con thuyền dào dạt giữa đại dương vô bờ bến, chập chờn theo chiều lên xuống, ngược xuôi, của từng lớp sóng vô định, con người không bao giờ nắm được toàn diện, nhưng lại không ngừng mơ về toàn diện. Chỉ có toàn diện mới là bến an toàn, có đến đó thì mới thoát khỏi những thảm cảnh phong ba của cuộc đời. Nhưng con thuyền nhân sinh sẽ bị đắm chìm trong thất vọng, sẽ tan tành thành cát bụi trong biển cả của hư vô. Những “Phạm nhân thành Altona” đã từng chứng kiến từng lớp người kế tiếp nhau thạch hóa thành hình cua ốc, do những lớp sóng đời chồng chất bên lề cuộc sống… Đó là hình ảnh của con người đã trở thành tự ngã, sau bao năm xông xáo trong viễn ảnh của vị ngã. Con người phải trở về với tự ngã, bởi vì con người đã đi theo chiều hướng tự ngã của toàn thể. Tự ngã của cá nhân trước sau là một thành phần của đại tự ngã của vũ trụ[9].

Ta ghi nhận có nhiều ý thức, mặc dầu nhiều ở đây không thể hiểu theo nghĩa số học, bởi vì nói nhiều ý thức không phải là một tập hợp, mà chính là một tổng hợp. Và vì là tổng hợp, cho nên không thể nói đến toàn thể (totalité) các ý thức được. Nhưng tại sao lại có ý thức và có nhiều ý thức? Sartre trả lời rằng điều đó không giải thích được. Chúng ta chỉ thấy thế thì nói thế, và không thể nói khác được. Thực là phi lý khi ta thấy thế, và cũng thực là phi lý khi ta bắt buộc phải nói thế mà không nói được tại sao, bởi vì mọi câu trả lời cho tại sao đều phi lý.

Vở kịch Đóng kín (Huis-Clos) là một trình diễn văn nghệ của những ý kiến vừa trình bày. Tất cả đề tài, cốt truyện, nhân vật, cho đến cả dàn cảnh, đều nói lên lập trường lý thuyết của Sartre về người và tha nhân. Chúng tôi nói Huis-Clos là một trình diễn quan điểm lý thuyết của Sartre bởi vì tha nhân ở đây không phải là người đàn áp hoặc bắt nạt chúng ta, điều đó ta chỉ có thể đề cập đến trong phần đạo đức học. Ở đây Sartre có ý chứng minh một cách cụ thể rằng sự hiện diện của tha nhân là một phủ nhận hiện diện của ta, là một ngột ngạt khó thở cho sự hiện diện của người khác.

Màn mở ra, người đi xem thấy mình đối diện với một căn phòng thấp thoáng trưởng giả thông thường, ba ghế trường kỷ, một tượng sư đặt trên lò sưởi, một cái rọc giấy, nhưng không có sách vở gì cả, không có một tấm gương soi nào, không một cửa sổ, một cửa ra vào đã khóa trái lại bên ngoài, một cái chuông gọi giựt không kêu. Đó là một hình ảnh tượng trưng cho chết chóc, cho sự hờ hững của vũ trụ trong đó con người không ngừng kế tiếp nhau đi vào. Một tù ngục, trong đó con người sẽ tự do hành động, nhưng là một tự do của kẻ tù tội, một tự do bất đắc dĩ. Tượng ông sư là hình ảnh của tự ngã, trơ trẽn, bất động, lạc lõng giữa lòng vũ trụ, cũng là tự ngã. Cửa sổ đóng, cửa chính khóa trái lại, hai sự kiện ấy nói lên sự cô đơn của con người, hoặc thực chất của tự ngã không một liên hệ gì cả với thế giới chung quanh. Hình ảnh chết chóc, tự ngã ấy lại được tô vẽ bởi sự vắng bóng của tấm gương soi: người đi vào tự ngã là con người đã chết, mình không còn thấy mình trong nấm mồ thời gian nữa, người không ý thức nữa, không còn vị ngã nữa, do đó, thế giới tự ngã là thế giới vắng mọi hình ảnh ngụy tín.

Vở kịch Huis-Clos còn có tham vọng giải quyết một vấn đề mà Sartre không đề cập tới trong các tác phẩm đi trước. Đó là khách tính của những mô tả hiện tượng luận về cái gọi là vị ngã hoặc tự do. Vì thế, nhân vật của vở kịch này được trình với khán giả như là những người đã chết, đã đi vào kiếp tự ngã, nhưng giả thử cho họ sống lại thì họ sẽ nhận định thế nào về kiếp sống vừa qua. Cuộc sống ấy sẽ trở thành một sân khấu để họ nhìn ngắm như là những khán giả. Tất cả sẽ tái diễn dưới cặp mắt của chính họ, và họ sẽ nhận thấy cuộc sống trong xã hội là một đau khổ, một địa ngục, vì sự hiện diện của cái nhìn tha nhân. Nhìn của tha nhân là cái làm nên duy nhất tính của vở kịch vậy.

Ba nhân vật đứng ngồi bên cạnh nhau, trao đổi, thảo luận hoặc tỏ bày tâm tình với nhau trong căn phòng khép kín đó. Garcin là một quảng cáo viên, và là một văn nhân. Sống trong căn phòng ấy, hắn không còn hoạt động nữa, vị ngã của hắn không còn đất dụng võ, hắn không giải mình ra bốn phương nữa, và trong những điều kiện đó, hắn phải quay lại tự mình nhìn ngắm mình, đó là điều làm cho hắn khổ sở nhất, đó là địa ngục của hắn.

Inès là một người đàn bà hư hỏng, và đã làm hư hỏng một người bạn, khiến cho ông chồng của người bạn này phải đi đến chỗ tự tử. Nàng là người có địa vị nhất trong căn phòng, trong địa ngục ấy, nhưng dưới mắt nàng, cuộc đời chính là địa ngục nhất. Nàng thấy mình một cách trong suốt; nàng không còn ngụy tín nữa, nàng là nàng và không phải là không phải nàng. Đồng thời dưới cặp mắt nàng, người khác không còn gì phải giấu diếm, nàng đã, bằng cái nhìn của mình, thôi miên người khác, và biến họ thành bất động như một định luật. Nàng nói:

“Không có hành hình thân xác, phải không? Nhưng chúng ta đang ở trong hỏa ngục. Không ai được đến. Không một ai cả. Chúng ta sẽ cô độc với nhau cho đến cùng. Đồng ý không? Kể ra thì thiếu một kẻ: đó là người đau phủ… Chúng nó đã tiết kiệm nhân viên”[10]. Còn người thứ ba và người sau cùng là Estelle, một phụ nữ bu bê, nhì nhảnh, đẹp gái, nhẹ dạ, và đầy ngụy tín. Nàng có một nhân tình, sinh hạ được một tí nhau nhưng lại vì xấu hổ, đang tay bóp mũi đứa con ấy đi. Luôn luôn nàng muốn cho người khác nhìn nàng như một người đàn bà đứng đắn, gương mẫu, nhưng cũng không ngừng đi tìm những thú vui trộm vụng…

Đấy, cuộc đời dương thế của ba người là như vậy. Giờ đây, dưới ánh sáng của căn phòng, bộ mặt thực của họ mới lộ ra, không còn chối cãi. Nhưng nói cho cùng, sự lộ tẩy ấy chính là cái làm nên thực chất của địa ngục. Nói khác đi, chính cái nhìn là cái làm cho địa ngục thành địa ngục. Ở đâu có người nhìn, và thấy được mình, chỗ ấy là địa ngục. Cuộc đời xã hội là địa ngục, vì đó là chỗ thao diễn của trăm nghìn cặp mắt soi bói, sống sượng…

Không phải chỉ có địa ngục khi mình bị tha nhân nhìn mình. Mà mỗi người còn đeo vào mình một địa ngục, như là số kiếp, khi mình nhìn mình. Như vậy tha nhân không phải chỉ là người khác nhìn mình, tha nhân còn là mình đối với mình. Sống là địa ngục, tha nhân là địa ngục là như vậy.

Sartre đã khai triển thêm những ý nghĩ ấy qua các tình tiết của vở kịch. Thực vậy, sở dĩ nhìn là nguyên nhân tạo thành địa ngục, là vì mình là đối tượng của cái nhìn tha nhân. Trong cái nhìn ấy, chúng ta thấy Sartre muốn nói lên ba chủ đề của tha nhân:

  • Tha nhân như là một cán lối đi (encombrement),
  • Tha nhân như là một ngộ nhận, hiểu lầm đối với ta (malentendu)
  • Tha nhân như là một phán đoán (judgement)

Inès đã thẳng thắn nói rằng: “Chúng ta là những người khách vào ăn trong một nhà hàng tự dọn lấy của các hợp tác xã” (Ce soat les clients qui font self service euxmêmes, comme dans le restaurants coopératifs). Thực khách của một nhà hàng, là những người từ bốn phương, vào ăn, không ai biết ai, tất cả là những người xa lạ. Không ai biết ai, từ đâu mà đến và rồi sẽ đi về phương hướng nào. Vì thế, sự hiện diện của người khách trong khách sạn vũ trụ này là một chen lấn, làm trở ngại đến sự hoạt động của ta. Sự hiện diện ấy làm ta khó chịu. Nếu vì một lẽ gì, ta phải suốt đời chấp nhận sự hiện diện của những người khác lạ ấy, thì đó là đầu mối địa ngục. Vừa mở màn, khán giả nghe Garcin đề nghị: mỗi người chúng ta, ai ngồi chỗ nấy, và không nói gì cả. Nhưng mười lăm phút sau, không còn chịu nổi kết quả của lời đề nghị ấy, sân khấu trở nên xáo động. Tự ngã bỗng thành vị ngã, ý thức tự dưng xuất hiện trong xã hội, và do đó mà có hiện tượng hiểu lầm, ngộ nhận. Garcin đã hiểu lầm Estelle qua những cử chỉ thân mật của nàng, tưởng muốn yêu mình, thực ra, thì đối với nàng, nàng không thể thấy một người đàn ông mà không yêu: yêu là yêu đàn ông, chứ không phải yêu Garcin. Estelle hiểu lầm Garcin khi được chàng ôm vào lòng, tưởng chàng yêu nàng, nhưng kỳ thực cử chỉ của hắn chỉ là để đỡ buồn trong những giờ phút nhàn rỗi, không có việc làm, Inès hiểu lầm cả hai người đó, tưởng chúng nó yêu nhau thật, cho nên mới đâm ra ghen tuông rộn ràng. Garein lại hiểu lầm Estelle nên đã bị từ chối khi chàng muốn dở trò con heo với nàng, làm cho nàng đâm ra khinh rẻ chàng… Vì hiểu lầm Garcin, nên Inès đã tìm cách lật tẩy quá khứ của Garcin, và đây là bước đầu của phán đoán. Hắn đã bị Inès quyết đoán như là một gã hèn nhát, vì trước kia thay vì hy sinh anh dũng ngoài chiến trường, hắn đã tìm cách đào ngũ. Thực ra, sự đào ngũ của hắn ai mà biết được, nếu không có cái nhìn tố cáo của Inès. Cái nhìn ác ôn ấy khi không đã làm cho Garcin trở thành một sự vật muôn đời mang dấu hiệu kẻ hèn nhát, cái nhìn của Inès là một phủ nhận tự do của Garcin và biến nó thành một tự ngã. Đó là địa ngục[11].

Điều cần ghi nhận là địa ngục nói ở trên là một định mệnh, một hoàn cảnh, trong đó con người hiện sinh, và là cái làm nên hiện sinh. Cho nên, những ý niệm về địa ngục đã trình bày, có tính chất ít ra là hiện tượng luận, và chưa phải là lúc hiểu danh từ ấy theo nghĩa tâm lý hoặc đạo đức học. Địa ngục ấy liên hệ đến ngã vị tha nhân, và theo nguyên tắc không phương hại gì đến vị ngã như là vị ngã. Trong ý nghĩa ấy, nói tóm lại, thực tại nhân loại là tự ngã vị tha nhân. Hiện hữu hiện tượng luận của hữu tha nhân nơi người nói lên hiện hữu của tha nhân, và vì thế giữa hai người chỉ có những liên hệ giới hạn ở hữu tha nhân, như đồ thị trên đây cho thấy.

Bình luận

Chúng ta nghĩ gì về hữu tha nhân và tha nhân trong học thuyết Sartre? Sartre quả quyết cái gọi là tha nhân là do ngã hữu vị tha nhân, do vị ngã vươn ra ngoài mà có. Tha nhân như vậy là tự trong ra chứ không phải tự ngoài vào. Tuy nhiên, qua những phân tích rất dồi dào của ông, ta thấy và cũng là điều ông quả quyết không kém, rằng hiện hữu tha nhân được chứng thực bởi việc tôi cảm thấy tôi bị phủ nhận qua cái nhìn của người khác, và đồng thời bởi việc người khác cảm thấy mình bị liệt vào hàng đồ vật bởi cái nhìn của tôi. Nói vắn lại, là trong sự bắt gặp của hai cái nhìn, nẩy ra một phủ nhận từ hai chiều, từ hai người nhìn nhau. Nhưng độc giả ai lại không thấy rằng đó là một phân tích ý nghĩa cái nhìn của một sinh vật mà ta đã biết trước là người và là người khác đối với ta. Thành ra, không thể gọi nhìn là chứng minh của hiện hữu tha nhân, mà phải nói rằng, trước khi nhận đó là cái nhìn của một người, thì đã thấy, đã biết đó là người rồi, và đó là cái nhìn của người ấy. Nhìn được thừa nhận là nhìn chỉ có thể có trên một sự thừa nhận đi trước là người đang nhìn.

Mặt khác, nếu nhìn chỉ nói lên ý nghĩa của người nhìn, và nếu tha nhân là cái nhìn, thì tha nhân chỉ là những ý nghĩa (significations) về người khác. Theo nghĩa đó, Sartre không khác với Husserl khi ông nói triết gia này quan niệm tha nhân như là những ý nghĩa của ý thức.

Ngay trong danh từ hữu vị tha nhân, nếu ta hiểu tha nhân như là từ trong ra, thì làm sao gọi là vị tha nhân được?

Thứ đến, dầu Sartre quan niệm ý thức như là khả thể hư vô hóa, là hư vô hóa những gì nó bắt gặp, thì ý thức cũng là một tương quan giữa người và người, người và ngoại vật. Mà nói đến tương quan là phải nói đến hai tận điểm tạo ra tương quan ấy, mình và tha nhân. Người ta không hiểu Sartre vì lý do nào đã không thấy điều đó, đã nói tha nhân tự trong ra, và hơn nữa, giữa hai tha nhân có một quãng cách tuyệt đối, khiến cho hai người nhìn nhau, trước sau vẫn là hai hải đảo. Ta không thể nói ý thức là ý thức về, hoặc ý thức là phủ nhận đi nữa, để rồi lại quả quyết một cắt đứt tuyệt đối giữa hai ý thức và giam hãm mỗi ý thức vào lao tù đen tối của tự ngã. Nhất là khi ý thức không phải là tự ngã, như Sartre đã nhấn mạnh. Phải chăng vì thế mà một Karl Jaspers đã từng nói tới sự thông thương giữa hai người, mặc dầu điều đó không có nghĩa là một hòa đồng tuyệt đối giữa hai người. Chúng ta thông thương với người đến tận những miền sâu thẳm nhất của lòng người, nhưng không phải vì thế hủy diệt cá tính của hai người. Tuy nhiên, cá tính ở đây không phải là ý thức theo nghĩa Sartre.

Mặt khác, người ta khó đồng ý với Sartre khi ông nói tha nhân không dự phần vào việc thiết tạo nên cơ cấu hữu thể luận của vị ngã và của ý thức. Nhưng ta biết rằng, không có tha hữu, đặc biệt tha nhân, thì không có liên hệ giữa người và vật; và do đó không có ý thức, thế thì cái gì làm nên cơ cấu của ý thức, cơ cấu ý thức không tha nhân là cái gì, nếu không phải là con số không, hay nói theo lý học, ý thức sẽ không có thành phần? Cũng do ý nghĩa ấy, ta không thể vừa nhìn nhận ý thức như là tự ngã trước cái nhìn của người khác, vừa đồng thời thừa nhận toàn thể hữu như là lý tưởng vươn tới của mọi ý thức. Bởi vì, nếu toàn thể hữu là lý tưởng chung của ý thức như là ý thức, thì các ý thức cá nhân đã gặp nhau ở một điểm chung, đã cùng tham thông vào một cứu cánh tác thành của ý thức. Nói khác đi, toàn thể hữu là lý hữu (raison d’être) của mọi ý thức, và nếu có dị biệt là vì sự hiện diện của những phụ tính vật lý. Ta sẽ không nói có một ý thức tổng quát phân tán và hiện thân vào mỗi cá nhân làm nên con người cá nhân, nhưng Sartre có thể nói rằng người là ý thức và cùng hướng về một toàn thể hữu, cho nên có sự thông thương thiết yếu hữu thể luận giữa các ý thức cá nhân, nhưng Sartre đã không nói như vậy.

Sau hết, chủ trương sự cô lập tuyệt đối của ý thức làm sao giải thích được duy nhất tính của con người? Nếu con người vị tha nhân hay ngã tha hóa không phải là chính ý thức tinh tuyền, thì liệu rằng quan niệm tha nhân là địa ngục có còn đứng vững nữa không? Đàng khác, tha nhân dầu theo quan điểm Sartre đi nữa, thì không phải chỉ mang họa đến cho chúng ta. Cái nhìn của tha nhân không phải chỉ là phủ quyết, cái nhìn đó còn có tác dụng xây dựng ý thức của ta về bản ngã của ta, làm cho ta biết ta là gì, là ai? Đó là chưa nói, nó là một khích lệ lớn lao cho mọi cố gắng của con người, tinh lọc con người khỏi sa lầy trong chiều hướng ngụy tín. Tha nhân không phải là địa ngục. Nhưng tha nhân là người bạn đường, cùng ta tạo ra cái chúng ta. Tôi, người khác, chúng ta, là ba thực tại đặt điều kiện lẫn nhau. Ta không thể nhận thức một trong ba mà không qua trung gian của hai yếu tố kia. Bởi vì ba yếu tố ấy tương tạo lẫn nhau theo nhịp điệu lên xuống của hoàn cảnh: sự độc lập tương đối của mỗi yếu tố chứng tỏ có những liên hệ hữu thể luận giữa người, tha nhân và xã hội.

 


Nguồn: Lê Thành trị. Hiện tượng luận về hiện sinh. Trung tâm học liệu – Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1974. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.



[1] E.N., trang 314: “C’est dans et pas la révélation de mon être objet pour autrui que je dois pouvoir saisir la présence de son être sujet”.

[2] E.N., trang 315.

[3] E.N., trang 340-341: “L’épreuve de ma condition d'homme, objet pour tous les autres hommes vivants, jeté dans l’arène sous des millions de fois, je la réalise concrètement à l’occasion du surgissement d'un d'objet dans mon univers si cet objet m'indique que je suis probablement objet présentement à titre Descartes  ceci différencie pour une conscience. C’est l’ensembre du phénomène que nous appelons regard”.

[4] E.N., trang 341.

[5] E.N., trang 343: “S'il y a un autrui en général, il faul avant tout que je sois celui n'est pas l’autre et c’est dans cette négation même opérée par moi sur moi que je me fais être et qu’autrui surgit comme autrui”.

[6] E.N., trang 345: “ … l’autre est un soi même, il ne peut être pour moi et par moi soi-même refusé qu’en tant est soi-même qui me refuse”.

[7] E.N., trang 345.

[8] E.N., trang 361.

[9] E.N., trang 361: “Le papillotement d'être en-soi d’une totalité brisée, toujours ailleurs, toujours à l’être par le perpétuel éclatement de cette totalité, tel serait l’être des autres et Descartes  moi-même comme autre”.

[10] “Il n'y a pas de tocture physique, n'est ce pas ? Et cependant nous sommes en enfer. Personne ne doit venir. Personne. Nous resterons jus qu’au bout suels ensemble. C’est bien ca ? En somme il y a quelqu’un qui mannque ici : c’est le boureau … Ils ont réalisé une économie de personnel”.

[11] “Tu es un lâche Garcin, Inès nói, un làche par ce que je le veux. Je le veux, tu m'entends ? Je le veux… Garcin le lâche tient dans ses bras Estelte l’infanticide…” – “… Alors, c’est ca l’enfer. Je n’aurais jamais cru…Vous vous rappelez: le souffre, le bucheer, le gril… Ah ! quelle plaisanterie ! pas besoi Descartes  gril, l’enfer c’est les autres”

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Đặng thai qui đặng - 14:03 20/10/2016
Sa mạc giữa rừng người có nghĩa là ta đang đi giữa một rừng người mà không hề có một cảm xúc gì , giống như hoàn toàn trống vắng . Đi giữa một thành phố đông người mà ta không cảm nhận được gì ngoài cái sự ồn ào . Đi giữa bãi biển đông người mà ta không thấy một tình cảm gì , trái tim ta không hề run động . Ta cảm thấy cuộc đời là một bãi sa mạc khi ta không cảm nhận được những gì ở xung quanh ta . Đó là một thái độ vô hồn , vô cảm hay nói cách khác là sa mạc giữa rừng người . Căn bệnh này rất khó chữa . Nhiều bạn trẻ ở thời hiện đại đang mắc phải . ( Đặng thai qui Đặng )
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt