Phong trào Khai minh

Sự Khai sáng

 

 

SỰ KHAI SÁNG[1]

1 2 3 4 5

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel, “Sự thật của sự Khai sáng” trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006.


 

§ 538

Đối tượng riêng biệt mà sự Thức nhận thuần túy dùng sức mạnh của Khái niệm để chống lại, đó là Lòng tin; tức chống lại một hình thức cũng của ý thức thuần túy giống như bản thân sự Thức nhận thuần túy vậy, nhưng lại ở thế đối lập lại với nó trong cùng một môi trường (Element) này. Nhưng đồng thời, sự Thức nhận thuần túy cũng có mối quan hệ với thế giới hiện thực, bởi, cũng giống như Lòng tin, sự Thức nhận thuần túy là sự quay trở về lại từ thế giới hiện thực vào trong ý thức thuần túy. Vậy, trước hết, ta hãy thử xét xem hoạt động của sự Thức nhận thuần túy có đặc điểm cấu tạo như thế nào trong việc chống lại những ý đồ không trong sáng và những hình thức thức nhận bị đảo ngược về thế giới hiện thực.

§ 539

Ở trên, ta đã nói đến ý thức tĩnh tại, đó là ý thức đứng đối lập lại với cơn lốc xoáy này của việc luân phiên tự-giải thể và tự-tái tạo[2]; chính nó tạo ra phương diện của sự Thức nhận thuần túy và ý đồ. [Xem: §521]. Nhưng, như ta đã thấy, ý thức tĩnh tại này [vì là tĩnh tại nên] không chứa đựng sự Thức nhận đặc biệt nào về thế giới của sự đào luyện văn hóa. | Đúng hơn, chính bản thân thế giới văn hóa mới có được tình cảm đau đớn nhất và sự thức nhận chân thực nhất về chính mình, – đó là tình cảm về sự tan rã của mọi cái gì muốn vững bền, về việc mọi bộ phận của sự hiện hữu của nó đều bị thịt nát xương tan như bị hành hình trên bánh xe quay; và cũng chính thế giới ấy diễn đạt tình cảm này của mình bằng ngôn từ, đưa ra những phán đoán và lời nói đầy tinh tế và thông minh (geistreich) về mọi phương diện của tình cảnh của mình. Vì thế, ở đây, sự Thức nhận thuần túy không thể có hoạt động hay nội dung gì của riêng mình ngoài việc chỉ có thể giữ thái độ cảm thông (Auffassen) một cách hình thức và trung thành đối với sự thức nhận tinh tế này về thế giới và về ngôn ngữ của nó. Thế nhưng, bởi lẽ ngôn ngữ [diễn đạt tình cảm] này có tính phân tán và sự phán đoán [về thế giới đào luyện văn hóa] là cảm nghĩ thất thường trong phút giây nào đó nên lại bị lãng quên ngay, [cho nên] chỉ có một cái ý thức thứ ba mới có thể nhận thức chúng như một toàn bộ (ein Ganzes); và ý thức thứ ba này chỉ có thể được phân biệt rõ như là sự Thức nhận thuần túy chỉ khi nó tập hợp những nét phác họa phân tán ấy thành một bức tranh chung và rồi biến chúng thành một sự Thức nhận cho tất cả mọi người[3].

§ 540

Bằng phương tiện đơn giản này, sự Thức nhận sẽ làm sáng tỏ sự hỗn loạn của thế giới [văn hóa] này. Vì, như đã thấy, không phải những lãnh vực (Massen) [của thế giới văn hóa], không phải những Khái niệm nhất định lẫn những tính cá nhân là cái bản chất của [thế giới] hiện thực này, trái lại, hiện thực ấy chỉ có bản thể [thực thể] (Substanz) và chỗ dựa duy nhất là ở trong Tinh thần, [tức là] Tinh thần hiện hữu với tư cách là sự phán đoán và đàm luận; và sự quan tâm (Inte-resse) để có được một nội dung cho sự đàm luận và lý sự (Räsonnieren) này mới là cái duy nhất duy trì cái toàn bộ và những lãnh vực (Massen) trong kết cấu của cái toàn bộ này.

Ở trong ngôn ngữ được sự Thức nhận sử dụng, Tự-ý thức của nó vẫn còn là một cá nhân “tồn tại cho-mình” một cách riêng lẻ, cô lập, nhưng sự hư huyễn (Eitelkeit) của nội dung cũng đồng thời là sự hư huyễn của cái Tự ngã biết rằng nội dung là hư huyễn. [Nhưng], bây giờ, khi ý thức – cảm thông [hay: lãnh hội] một cách tĩnh tại tất cả những lời phát ngôn tinh tế, thông minh này về sự hư huyễn – thu góp những ngôn từ đáo đạt nhất, có sức thâm nhập vào “Sự việc” một cách rốt ráo [nhất] thành một tập hợp, thì cái tâm hồn (Seele) vẫn còn duy trì cái toàn bộ, [tức] sự hư huyễn của lối phán đoán [phê phán] tinh tế thông minh, đi vào tiêu vong cùng một lúc với hình thức khác của sự hư huyễn, đó là sự hư huyễn trước đây của sự tồn tại. Sự tập hợp [mới] này sẽ cho tuyệt đại đa số người thấy rằng nó là sự châm biếm thông minh hơn nhiều, hay ít nhất cho mọi người thấy rằng nó là một sự châm biếm đa dạng hơn hẳn sự châm biếm của riêng họ; cũng như cho thấy rằng “sự hiểu biết tinh tường hơn” và sự “phán đoán” một cách tổng quát là cái gì có tính phổ biến và bây giờ cũng trở thành quen thuộc một cách phổ biến. | Qua đó, sự quan tâm riêng lẻ – vẫn còn sót lại – sẽ bị tiêu trừ, và việc thức nhận riêng lẻ (das einzehne Einsehen) sẽ hòa tan vào trong sự Thức nhận phổ biến (die allgemeine Einsicht).

Tuy nhiên, sự nhận biết về cái Bản chất [Hữu thể tuyệt đối] vẫn còn kiên cố và đứng lên trên sự nhận biết [về sự] trống rỗng và hư huyễn; nên sự Thức nhận thuần túy chỉ xuất hiện thực sự trong hình thức hoạt động đích thực của nó, là trong chừng mực nó đi vào cuộc đấu tranh chống lại Lòng tin.

 


[1] Sự Khai sáng (Aufklärung) là sự phổ quát hóa nguyên tắc của “sự Thức nhận thuần túy” (reine Einsicht), do đó, là kết quả lô-gíc của phần phân tích trước đó. Về mặt lịch sử, tương ứng với phong trào Khai sáng thế kỷ 17-18 ở Châu Âu.

[2] Ở §521, khi bàn về “đào luyện văn hóa thuần túy” và ý thức giằng xé đổ vỡ, ta đã biết “ý thức tĩnh tại” trong hình tượng nhân vật “triết gia” của Diderot (trong “Người cháu của ông Rameau”) đối diện với ý thức giằng xé của thế giới văn hóa.

[3] Theo J.H, có thể ở đây Hegel nghĩ tới Voltaire với các công trình biên soạn từ điển vĩ đại như một sự tập hợp mọi khía cạnh của thế giới đào luyện văn hóa, xứng danh là sự “Thức nhận thuần túy”.

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt