Góc dịch thuật

Dịch Phật giáo

 

DỊCH PHẬT GIÁO

PHAN VĂN HÙM (1902-1946)

 
Lẽ thời tôi không nên xen vào chuyện cao quá cái sức của tôi. Lạm bàn đến sự dịch sách Phật, tôi không khỏi để tiếng "bướng" ở miệng đời, và không khỏi vô lễ với ông tú Chương Dân và sư Thiện Chiếu. Tôi tự biết lỗi và xin thứ lỗi.

Nhưng tôi có một điều ái ngại. Tôi không đừng nói ra được. Tôi sợ hai sự phê bình đáp biện, ngày một chạm xát với nhau mà công chúng không kịp hiểu Phật lý, sẽ lầm lạc trong khi phán đoán phẩm bình.

Tôi nói thế là vì tôi thương ông Thiện Chiếu tê chi những mấy năm trời, bôn nam tẩu bắc nỗi đắng lòng đã có mấy ai hay! Nay ông mới bắt đầu đem sự hoài bão của mình rõ hỏi lại đời, thời ông gặp ngay lời phê bình.

Tôi vẫn biết không có sự thất bại nào to hơn là một quyển sách ra đời mà không được gặp phê bình hoặc lợi hoặc bất lợi cho nó. Nhưng mà nếu đối phê bình lấy đáp biện, đối đáp biện lấy phê bình, đối treo trả mãi khỏi đâu nên bút chiến. Cuộc bút chiến chi để rối cho hai đàng tranh biện, mà lại làm rối cả người xem. Chưa gì mà dường như (nếu tôi không hiểu lầm) tôi đã thấy giọng văn không dịu ngọt ở mặt báo Thần chung. Tiếc vì tôi không có tiếp được đủ các số báo, mà xem cho rõ ngọn ngành đầu đuôi.

Cứ như bài của ông tú Chương Dân đáp lại bài trả lời của ông Thiện Chiếu thời chừng như ông Thiện Chiếu vẫn chủ trương sự ý dịch, không theo lối dịch nguyên văn; sự ý dịch ấy, cũng có khi phải. Vì nếu theo y nguyên văn thời lắm khi không lọn nghĩa, mà cũng lắm khi không thể dịch ra làm sao được, nhứt là khi gặp thành ngữ thổ ngữ. Về sự ý dịch kinh Phật ở bên Pháp nầy - tôi chưa biết ai khác - có ông Guénon chủ trương. Trong quyền sách của ông, đề là Introduction à l'étude des Doctrines Hindoues, hiệu Marcet Rivière, 31 đường Jacob, Paris, xuất bản, ông Guénon có mấy chỗ bàn về sự dịch sách Phật.

Trước khi dẫn lời ông Guénon, tôi phải nói thật rằng các nhà ấn Độ học (Indianistes) ở Paris mà tôi được hỏi ý kiến, đều bảo rằng tài ông Guénon nên trọng, mà ý ông Guénon chưa dám cho là đúng, vì ông Guénon không chủ trương một học thuyết như các nhà học kia, mà lại còn công kích họ, thời bảo sao mà bị phẩm bình một cách quá đáng. Ông Guénon nói: "Càng dịch cẩn thận đúng nghĩa đen chừng nào, thời càng có thể sai với sự thật chừng nấy, và càng lầm tư tưởng đi; vì không có sự đồng nghĩa hẳn hòi ở trong chữ của hai thứ tiếng khác nhau. Nhứt là khi hai thứ tiếng ấy khác nhau hẳn, chẳng những nói khác nhau về ngôn ngữ học, mà nhứt là nói về sự khác nhau bởi quan niệm khác nhau của hai dân tộc dùng hai thứ tiếng đó; mà cái điều sau nầy thời không phải có bác học mà thấu hiểu được đâu". Ông Guénon lại bởi thân cái ý trên đây mà nói rằng: "Nói riêng về một dân tộc, nếu đọc theo lịch sử nói mà có cuộc biến đổi nào quan trọng thời hẳn có những tiếng mới thay vào tiếng cũ, mà những tiếng còn lại cũng phải biến nghĩa theo với sự biến đổi của phong tục, biến nghĩa cho đến đỗi có tiếng hình thức thanh âm còn y như cũ mà cái khái niệm của nó khác hẳn, khác cho đến đỗi cho được hiểu phải lấy tiếng mới mà dịch những tiếng xưa vẫn còn nói luôn".

Ông Guénon dẫn chứng lịch sử ngôn ngữ nước Pháp, ông bảo so sánh tiếng Pháp hồi thế kỷ thứ 17 với tiếng Pháp ngày nay. Ông Guénon dầu bởi công kích cái "cổ điển thành kiến" (préjugés classiques) mà người ta ghét cũng có nói ra nhiều điều phải. Nhưng ta có nên theo ông mà dịch thoát nguyên văn đi không?

Đó là một điều của ông tú Chương Dân sẽ hỏi, cũng như các nhà học giả khác, bất kỳ đông tây. Mà đó cũng là cho ông Chương Dân và ông Thiện Chiếu khó thế hoài. Ông Thiện Chiếu là một nhà tín ngưỡng, thì bao giờ cũng có lòng tín ngưỡng (foi), e có khi cũng hơi thiên về thần bí (mysticisme). Ông tú Chương Dân là một nhà học giả, bao giờ cũng có cái thái độ giữ sự "nhứt thiết hoài nghi" (doute systématique). Đem hoài nghi mà hòa tín ngưỡng là chuyện khó thể được.

Nhưng tôi sẽ xin thưa lại với ông Thiện Chiếu rằng: ông càng muốn trùng hưng Phật pháp chừng nào ông càng nên hoài nghi; ông nên lấy một cái tinh thần phá hoại (esprit destructif) mà nghiên cứu Phật học rồi về sau sẽ lấy tinh thần kiến thiết mà tu lý đạo Phật lại cho y nhiên như hồi Phật tổ còn sanh tiền. Cái tinh thần phá hoại đó, ông đã có rồi, vì quyển Phật giáo tân thanh niên, là một quyển sách đầy tinh thần phá hoại, và nếu ông không có tinh thần phá hoại, thời sao trong cửa thiền ông thoát được bọn "ma vương"?

Về sự dịch sách Phật, cũng như ông tú Chương Dân, tôi cũng nghĩ rằng nên hoài nghi bản dịch của Tàu. Nghĩa là khi muốn dịch kinh ở bản Tàu, nên dịch đúng nguyên văn. Nhưng mà tôi cũng lại chịu lời trên kia của ông Guénon là phải, nghĩa là dịch như thế không sao đúng ý được. Vả lại biết xưa kia Đường Huyền Trang hoặc là đồ đệ ông dịch có đúng nguyên văn không? Nếu có người thông Phạn ngữ, mỗi lần dịch kinh chữ Tàu, đem kinh chữ Phạn mà đối chiếu thời hay lắm. Tôi nhớ có thấy bán ở hiệu sách Mỹ Quần trong Chợ Lớn một bộ kinh Già Diệp phẩm in luôn cả ba chữ Phạn, Tạng, Hán (sanscrit, thibétain, chinois) của ông bá tước Stael Holstein, người Nga-la-tư viết.

Chừng nào nước mình dịch được kinh có đối chiếu ba thứ chữ Phạn - Hán - Việt, thời chừng ấy ít sợ dịch sai ý kinh. Vậy thời bây giờ, nên dịch nguyên văn Tàu, nhưng mà nên có lời phê bình chú giải nối theo, cho độc giả biết dịch giả hiểu như thế nào.

 


Nguồn: Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, các số 6392 (16.3.1931); số 6393 (17.3.1931). Phiên bản điện tử: http://vi.wikisource.org


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt