Đạo đức học

Quyển VI. Những đức hạnh thuộc về trí tuệ

 

QUYỂN VI

                      

NHỮNG ĐỨC HẠNH THUỘC VỀ TRÍ TUỆ

 


Aristote. Đạo đức học của Nicomaque. Đức Hinh dịch. Trung tâm học liệu. 1974. | xem Bản dịch tiếng Anh của W. D. Ross.


 

———

CHƯƠNG THỨ NHẤT

———

§ 1.– Vậy về sự công-bình và về những đức hạnh luân lý khác, chúng ta hãy chấp nhận sự phân biệt mà chúng ta vừa mới xác-định. Vì chúng ta đã nói ở trên (q.II, §6) rằng phải chấp nhận mực trung-dung và tránh sự thái quá và sự bất cập ; vì về mặt khác, mực trung dung hợp với những mệnh lệnh của lý-trí ngay thẳng, chúng ta hãy trình bày nơi đây những chi tiết rõ ràng cần thiết. Trong tất cả những lời cư xử mà chúng ta đã chỉ rõ, cũng như ở những lối cư xử khác, có một mục đích mà con người có lý-trí nhằm vào để tăng hay giảm sự cố gắng của mình ; và, chúng ta nhắc lại, có một định nghĩa về những trạng thái trung bình, ở giữa sự thái quá và sự bất cập, và hợp với lý trí ngay thẳng.

§ 2.– Nếu một sự quả quyết như thế là đúng, nó chưa rõ nghĩa. Thực thế, về tất cả đối tượng được nghiên-cứu, khiến tri-thức phải tư-lự, một điều đúng đắn là nói rằng tùy theo đối tượng, không nên nghiên-cứu kỹ quá hay sơ quá, nói tóm lại, phải làm mọi việc một cách chừng mực, thích hợp với những nhu-yếu của lý-trí ngay thẳng. Nhưng một người, nếu chỉ biết có thể thì không biết gì hơn ; chúng ta hãy lấy thí dụ một kẻ mà người ta hỏi về những sự săn-sóc cho thân thể, lại trả lời : đó là tất cả những mệnh lệnh của y-khoa, theo cách-thức mà một nhà y-thuật chỉ bảo.

§ 3.– Cho nên, về những thái độ của tâm hồn, điều quan trọng là không những cái gì chúng ta vừa mới trình bày phải đúng, mà còn phải phân biệt và định nghĩa lý-trí ngay thẳng.

§ 4.– Khi phân biệt những đức hạnh của tâm hồn, chúng ta đã đề xướng (q.II, 1) rằng đức hạnh này tùy thuộc phong-tục, đức hạnh khác tùy thuộc trí tuệ. Chúng ta đã kiểm điểm những đức hạnh luân lý. Chúng ta hãy nói về những đức hạnh khác, trước hết hãy qua nói về tâm hồn.

§ 5.– Trước chúng ta đã nhìn-nhận rằng tâm hồn có hai phần, một phần có, một phần không có lý-trí. Bây giờ, về phần thứ nhất chúng ta cũng nên phân biệt như vậy. Chúng ta hãy thừa nhận có hai phần dự vào lý-trí : một phần khiến chúng ta có thể quan niệm bằng trí tuệ những sự vật mà nguyên lý, theo bản tính của nó, bất-di bất-dịch ; một phần khác, những sự vật biển chuyển. Những phần hồn khác nhau tương xứng với những đối tượng khác nhau, mỗi phần thích hợp với đối tượng của nó, bởi vì cả hai phần có thể biết những đối tượng ấy, nhờ một sự tương tự và một ái lực nào đó.

§ 6.− Vậy chúng ta hãy gọi hai phần ấy : một là phần tri-thức; một là phần lý-luận của tâm hồn [1]. Thực thế, thảo luận và lý luận là một tác dụng. Vả lại, không ai không thể thay đổi. Như thế, phần-lý luận là một yếu tố của phần hồn có lý-trí.

§ 7.– Vậy phải tìm kiếm xem mỗi phần có lối cư-xử nào tốt nhất, điều ấy sẽ chỉ rõ đức định của mỗi phần, vì mỗi đức hạnh được ấn định bởi chính đối tượng của nó.

———

CHƯƠNG II

———

§1.– Trong tâm hồn có ba yếu tố quyết định một cách tối cao hành-vi và chân-lý : cảm-giác, tư-tưởng, khuynh-hướng.

§ 2.– Trong ba yếu tố ấy, cảm-giác không là nguyên lý của một sự hoạt động sáng tác nào. Bằng chứng là súc vật, tuy vẫn có cảm-giác, nhưng không dự phần vào hành-vi suy-nghĩ. Mặt khác, những việc quả quyết và phủ nhận trong sự suy-nghĩ là những việc tìm kiếm và trốn tránh trong khuynh hướng [2]. Như thế, vì đức hạnh luân-lý là một lối cư-xử có sự lựa chọn trước, và vì sự lựa chọn có suy luận ấy là một khuynh hướng có suy-nghĩ, vậy lý-trí phải đúng và khuynh-hướng phải ngay, nếu ít ra sự lựa chọn có suy luận được tốt đẹp – và có sự hòa hợp giữa điều mà lý-trí quả-quyết và điều mà khuynh-hướng theo đuổi. Vậy sự suy-nghĩ ấy và chân-lý ấy có một tính cách thuộc về sự hành động.

§ 3.– Trái lại, sự suy nghĩ lý-thuyết [3], không thuộc về sự hành-động và không có tính chất sáng tác, mà có hậu quả, tốt hay xấu, là chân lý và điều sai lầm. Đó là đối tượng của bất cứ sự suy-nghĩ thuần túy nào ; còn cái gì đặc sắc-hóa vừa khiến hành-động vừa khiến suy-nghĩ của tâm hồn thì đối-tượng là một chân lý thích-hợp với một khuynh hướng ngay thẳng.

§ 4.– Nguyên-lý của sự hoạt-động là sự lựa chọn có suy luận [4], có sự hoạt-động theo sau, và sự hoạt động không phải là mục-đích mà người ta nhằm [5]; chính nguyên lý của sự lựa chọn suy luận là một khuynh-hướng và điều khảo sát về một mục-đích riêng biệt.  Cho nên, không tư tưởng và không suy nghĩ, và không có những khuynh hướng luân-lý, không thể có sự lựa chọn có suy luận. Thực thế, hạnh kiểm tốt và hạnh kiểm xấu tất nhiên bao hàm sự suy nghĩ và phong tục.

§ 5.– Thế mà sự suy nghĩ tự nó không làm cho cái gì hoạt-động, trừ khi nó có cứu-cánh tính và quan-hệ đến hành–động. Chính lúc bấy giờ, sự suy nghĩ cũng điều khiển sự sáng tác. Vì người hoạt-động nào mà sáng tác cũng để nhằm một cái gì, và cái gì mà người ta thực hiện, tuy không phải là một mục-đích tại thân, nhưng vẫn là một mục-đích đối với sự vật khác hay của sự vật khác [6].

Và hành động thì không thế [7]; mục đích của hành động là một kết quả tốt và chính đó là mục tiêu của khuynh hướng. Cho nên, sự lựa chọn suy-luận là tinh thần kích thích bởi khuynh hướng hay là khuynh hướng soi sáng bởi sự suy nghĩ, và đó là một nguyên-lý nhân bản.

§ 6.– Không có cái gì đã làm có thể là đối tượng của một sự lựa chọn : thí-dụ không ai dự định đã tàn-phá thành Ilion ; người ta cũng không bàn luận về quá khứ, nhưng về tương lai và về khả thể, vì quá khứ không thể không có. Cho nên Agathon [8] có lý khi nói rằng :

« Về một điểm duy nhất, năng thể của thần linh có khuyết-điểm."

Thần linh không thể làm thế nào để cái đã thực hiện hóa ra không thực hiện.

Cho nên đặc tính của hai phần hồn (ch. 1, § 6) có liên quan với trí-tuệ là châàn-lý. Và những khuynh hướng luận-lý theo đó mỗi một phần diễn đạt chân-lý cấu thành đức hạnh của phàn này cũng như của phần kia.

———

CHƯƠNG II

———

§ 1.– Sau khi đã đặt lại vấn-đề từ đầu, chúng ta hãy tiếp tục quảng-diễn và những đức tính ấy. Chúng ta hãy thừa nhận có năm loại hoạt động nhờ đó tâm hồn diễn đạt được chân lý, hoặc bằng sự khẳng định, hoặc bằng sự phủ-định [9]. Ấy là : nghệ thuật khoa học, sự khôn ngoan, đạo lý, trí tuệ, vì chúng ta có thể làm lẫn, khi theo những sự phỏng đoán của chúng ta hay dư luận.

§ 2.–  Bản tính của khoa học đối với chúng ta được phát lộ sáng sủa, nếu chúng ta muốn thuyết-minh chính xác và không tin những sự tương tự lờ mờ. Mọi người, không trừ ai, đều tưởng rằng cái gì mà chúng ta biết không thể hiện hữu khác sự hiểu biết của chúng ta. Còn những sự vật thay đổi, ngay khi nó thoát khỏi nhãn tuyển của tinh thần, chúng ta không thể bày tỏ ý-kiến về sự hiện hữu hay không hiện hữu của nó. Như thế, đối tượng của khoa học tất nhiên hiện hữu và, vì thế, có một tính cách vĩnh cửu. Vì cái gì hiện hữu một cách tất nhiên và tuyệt đối thì vĩnh- cửu và cái gì vĩnh cửu thì không có sinh, không có diệt.

§ 3.– Chúng ta hãy thêm rằng bất cứ một khoa học nào, hình như vậy, có thể giảng dạy được, vì đối tượng khoa học có thể là một môn học. Vả lại, bất cứ một loại giảng dạy nào cũng bắt nguồn ở kiến-thức đã thủ đắc từ trước, như đã được trình bày trong những Phân luận của chúng tôi [10]. Có khi, người ta sử-dụng sự quy nạp; có khi tam-đoạn-luận. Vậy sự quy nạp là một nguyên tắc và thuộc về điều phổ-quát, còn tam-đoạn-luận bắt nguồn ở những mệnh đề phổ quát. Vậy có những nguyên-tắc là nguồn gốc tam-đoạn-luận và ở ngoài vòng-tam-đoạn luận; đó là phạm vi của sự quy nạp.

§ 4.– Vậy khoa học là một năng hướng, cho phép người ta chứng minh, có tất cả những tính chất đã được loại-biệt trong những Phân-luận của chúng tôi. Khi người ta có, bằng một cách nào, một điều xác thực và biết những nguyên-lý của nó, người ta biết một cách khoa học, chắc chắn ; nếu người ta không biết gì hơn điều kết luận của tam-đoạn-luận, thì khoa học mà người ta chiếm hữu có một tính-chất ngẫu nhiên.[11]

———

CHƯƠNG IV

———

§ 1.– Về khoa học, chúng ta hãy bằng lòng chấp nhận định nghĩa ở trên. Và những sự vật có thể hiện hữu một cách khác, có sự vật tùy thuộc sự sáng tác, có sự vật tùy thuộc sự hành động, sự sáng-tác và sự hành động khác nhau [12].

§ 2.– Về vấn đề ấy, chúng ta có thể căn cứ một cách hoàn toàn tín nhiệm vào những khái luận công truyền của chúng ta [13]. Cho nên năng-hướng, kèm theo lý-trí và quay về hành động, khác năng-hướng, cũng kèm theo lý-trí, quay về sự sáng tác ; trong những ý-niệm ấy, không ý-niệm nào chứa đựng ý-niệm nào, hành-động không hỗn đồng với sáng-tác, cũng như sáng-tác không hỗn đồng với hành động.

§ 3.– Bởi vì kiến trúc là một nghệ thuật; vì nghệ thuật ấy được định nghĩa bởi một năng hướng, kèm theo lý trí, quay về sự sáng tác ; bởi vì bất cứ nghệ thuật nào cũng là một năng hướng kèm theo lý-trí và quay về sự sáng-tác, và vì bất cứ năng-hướng nào thuộc loại ấy cũng là một nghệ thuật ; nghệ thuật hỗn đồng với năng-hướng kèm theo lý-trí phù hợp với chân lý.

§ 4.– Mặt khác, bất cứ một nghệ thuật nào cũng có tính cách là sản xuất một tác phẩm và tìm kiếm những phương-tiện kỹ thuật và lý-thuyết để sáng tác một cái gì thuộc về phạm trù của những khả thể mà nguyên lý ở người thực-hiện, chứ không phải ở tác phẩm được thực hiện. Vì nghệ thuật không thuộc về cái gì hiện hữu hay được sản-xuất, một cách tất yếu cũng không thuộc về cái gì hiện hữu vì một hiệu quả của thiên nhiên đều là những sự vật có nguyên lý tại thân.

§ 5.– Vì sự sáng tác và sự hành động khác nhau, nghệ thuật bắt buộc phải thuộc về sự sáng tác, chứ không về hành động thật sự. Và, trong một trình-hạn nào, nghệ thuật và sự ngẫu-nhiên cùng hành sử trong một phạm-vi, theo lời của Agathôn :

Nghệ-thuật ưa sự ngẫu nhiên, cũng như sự ngẫu nhiên ưa nghệ-thuật [14].

§ 6.– Vậy, như chúng ta đã nói, nghệ-thuật là một năng hướng, có thể sáng-tác, kèm theo lý-trí thật sự, trái lại sự thiếu nghệ thuật là năng hướng phụng-sự bởi một lý-luận sai lầm, trong phạm vi của khả-thể.

———

CHƯƠNG V

———

§ 1.– Chúng ta có thể phân biệt sự khôn ngoan là gì bằng cách nghiên-cứu trước hết những người khôn ngoan. Hình như đặc tính của những người này, chính là năng-lực quả-quyết thích đáng những điều tốt đẹp và ích lợi cho họ — không phải một cách phân diện, như trong trường hợp riêng về cái gì có lợi cho sức khỏe và khí lực, nhưng một cách toàn diện về tất cả cái gì lợi cho hạnh-phúc.

§ 2.– Bằng chứng là chúng ta gọi là khôn-ngoan trong một phạm-vi nào những người nhờ tính toán đúng, đạt được một mục đích vẻ vang trong những vấn-đề mà nghệ thuật không can thiệp tới, thành ra người biết suy nghĩ chính là hiện thân của Sự khôn ngoan.

§ 3.– Vả lại, không ai bàn luận về cái gì có tính cách tất yếu và ở ngoài tầm của mình. Vì khoa học kèm theo sự chứng-minh và vì không có sự chứng-minh về cái gì mà nguyên-lý không tất yếu — vì tất cả ở đây đều có thể thay đổi ; — vì, sau cùng, không thể bàn luận về cái gì có tính cách tất yếu, thành ra sự khôn ngoan không thể tùy thuộc khoa học và nghệ thuật. Nó không thể là một khoa-học, vì cái gì thuộc về phạm-vi hành động có thể thay đổi, cũng không thể là một nghệ thuật, bởi vì hành động và sáng-tác khác nhau về bản tính.

§ 4.– Vậy sự khôn ngoan là một năng hướng, kèm theo lý-trí đúng mực quay về hành động và thuộc về cái gì tốt và xấu đối với con người. Vì mục đích của sự sáng tác khác đối tượng được sáng tác, nhưng mục đích của hành-động thì khác. Hành động khôn ngoan, thực thế, chính là mục đích của sự hành-động. Chính lý do ấy khiến chúng ta nhìn nhận sự khôn ngoan của Périclès và của những người như vậy : họ có năng lực quyết-định cái gì có lợi cho chính họ và cho mọi người. Chúng ta tưởng rằng với những đức tính ấy, họ thật quả có năng lực điều khiển một gia đình hay một thị trấn. Do đó mà có cái tên lương tri, mà chúng ta dùng để biểu thị rằng đức tính ấy bảo vệ sự khôn ngoan [15].

§ 5.– Trong thực tế, đức-tính ấy bảo vệ những ý niệm thuộc và loại ấy : tất cả ý-niệm, thực thế, không bị biến đổi và đảo lộn bởi những cảm tưởng lạc thú và phiền não, bằng chứng là ý niệm khẳng định hay phủ định rằng hình tam giác có những góc bằng hai góc vuông. Chỉ có những ý niệm thuộc về những hành động luân lý là biển đổi mà thôi. Thực thế, những nguyên-tắc, thuộc về hành-động luân lý là mục đích của hành động. Người nào bị lầm đường lạc lối vì lạc thú hay phiền não thì ngay lập tức không còn thấy rõ nguyên lý và mục đích của lý-lẽ tất nhiên khuyến dụ người ấy lựa chọn và hành động trong tất cả trường-hợp. Thực thế, tệ tính phá hoại nguyên-tắc luân-lý. Cho nên người ta bắt buộc phải kết luận rằng sự khôn ngoan là một năng hướng, kèm theo lý-trí và chân-lý, quay về hành động và thuộc về những điều thiện nhân bản.

§ 6.– Hơn thế, nếu sự hoàn toàn có nhiều bậc trong nghệ thuật, thì sự khôn ngoan không có. Chúng ta hãy thêm rằng người nào, trong nghệ-thuật, có ý-chí cương quyết lầm lẫn, đáng chuộng hơn người làm lẫn mà không biết [16]. Và Sự khôn ngoan, thì ngược lại, cũng như trong các đức hạnh khác. Vậy rõ ràng sự khôn ngoan là một đức hạnh, chứ không phải là một nghệ thuật [17].

§ 7.– Vì trong tâm hồn, có hai phần bẩm sinh có lý-trí, sự khôn ngoan có thể là đức-hạnh của một trong hai phần ấy, cái phần có mục-tiêu là phỏng đoán, vì dư luận và sự khôn ngoan can thiệp vào những điều ngẫu nhiên. Tuy nhiên, sự khôn ngoan không phải chỉ là một năng-hướng được soi sáng bởi lý trí : bằng chứng là sự quên lãng có thể làm tổn hại một năng hướng như vậy, nhưng không thể làm tổn hại sự khôn ngoan.

———

CHƯƠNG VI

———

§ 1.–  Bởi vì khoa-học là ý-niệm về cái gì phổ quát và tất yếu ; bởi vì có những nguyên-lý về cái gì có thể chứng-minh, vậy thì về bất cứ khoa học nào, khoa học đương nhiên kèm theo lý-trí – thành ra do chính nguyên-lý của đối tượng của khoa-học, không thể có khoa-học, về nghệ-thuật, về sự khôn ngoan. Vì đối tượng của khoa-học có thể chứng minh được, còn đối tượng của nghệ-thuật và sự khôn-ngoan là cái gì thuộc về phạm-vi khả thể. Đạo-lý cũng không thuộc về phạm-vi này, vì đặc tính của nhà hiền-triết là có thể chứng-minh về vài vấn-đề.

§ 2.–  Vậy nếu nhờ khoa-học, sự khôn ngoan, triết lý và trí tuệ mà chúng ta đạt được chân-lý, không bao giờ sai lầm, và được như vậy trong phạm-vi tất-yếu thể và khả-thể ; nếu trong ba khiếu, tôi muốn nói sự khôn ngoan, khoa-học và triết lý, không khiếu nào hiểu biết những nguyên lý đầu tiên, thì chỉ còn có trí tuệ là có thể đạt được những nguyên lý ấy.

———

CHƯƠNG VII

———

§ 1.– Chúng ta nhìn nhận, trong những ngành nghệ thuật, sự khéo -éo tột bậc ở những người từng trải nhất trong mỗi ngành ấy : ví- dụ như chúng ta nói Phidias vừa là một kiến-trúc-sư, vừa là một nhà điêu-khắc khéo-léo; Polyclète, một nhà tạc tượng có tài. Đó là chúng ta chỉ muốn biểu thị rằng sự khéo léo của họ là sự ưu-tú trong nghệ thuật.

§ 2.– Tuy nhiên, chúng ta cũng tưởng rằng có vài người khéo, một cách tuyệt đối, không phải về tiểu tiết và về những điểm riêng biệt, như Homère đã nói trong thi-phẩm Margitès [18]:

 “Người ấy, những vị thần linh đã không tác thành y làm một người trồng nho hay một nông-phu khéo léo.

Cũng không tác thành làm một người khéo léo trong một phạm-vi nào đó.”

Cho nên cái gì mà người Hy-lạp gọi là đạo-lý rõ-ràng là sự hoàn toàn tối cao trong mọi ngành kiến-thức.

§ 3.– Vậy không những nhà đạo-lý biết những hậu quả của nguyên-lý, nhưng cũng biết rõ những nguyên-lý. Cho nên người ta có thể nói rằng đạo-lý vừa là tinh-thần vừa là khoa-học, một khoa-học thuộc về những kiến-thức quí nhất và ở ngay hàng đầu các kiến thức.

Thực thể, điều vô lý là nghĩ rằng chính-trị-học và sự khôn- ngoan có một giá rất đặc biệt, nếu con người không có tính-cách ưu-tư giữa vạn vật trong vũ-trụ.

§ 4.– Vậy nếu người ta có thể nói rằng cái gì lợi và tốt cho người và cho cá khác nhau, còn cái trắng và cái thẳng luôn luôn đồng-nhất, huống hồ đạo lý thì hẳn bất di bất dịch, còn sự khôn ngoan thì không. Thực thế, người ta có thể nói rằng sự khôn ngoan, đối với mỗi người, là trông thấy rõ ràng quyền lợi riêng của mình cả trường-hợp, vì thế cho nên người ta tin cậy vào người khôn ngoan ở điểm ấy. Người ta còn đi xa hơn và coi một số súc vật như khôn ngoan vì chúng có thể đoán trước cái gì lợi ích cho đời sống của chúng. Vậy điều rõ ràng là đạo-lý và chính-trị-học không thể hỗn đồng được. Vì, nếu người ta quả quyết rằng đạo-lý cốt ở chỗ phân biệt cái gì lợi cho mỗi người thì sẽ có nhiều thứ đạo-lý. Một nền đạo lý duy nhất không thể khám phá cái gì thích hợp nhất với tất cả sinh vật ; nó sẽ thay đổi tùy theo mỗi sinh vật, trừ khi người ta muốn quả quyết rằng y-thuật cũng duy nhất đối với mọi người. Vả lại, điều ít quan trọng là quả quyết rằng người hơn tất cả sinh vật. Vì nhiều sự vật có một bản-tính thiêng liêng hơn con người, thí dụ như những yếu-tố xán-lạn nhất trong những yếu-tố đã cấu thành vũ trụ [19].

§ 5.– Theo những điều chúng ta đã nói, điều hiển nhiên là đạo-lý vừa là khoa-học vừa là trí-năng để hiểu biết cái gì bản nhiên quý ở báu nhất. Cho nên người ta nói rằng Anaxagore và Thalès [20] và những người như vậy là có đạo lý, chứ không khôn ngoan, vì người ta thấy rằng họ không biết quyền lợi của họ ; trái lại, người ta nhìn nhận rằng họ có kiến-thức rất phong-phú, huyền diệu, khó thủ đắc và thiêng-liêng, nhưng không ích-lợi ngay, bởi vì họ không cầu những tài sản ở đời này.

§ 6.– Trái lại, đối-tượng của sự khôn ngoan là cái gì riêng cho con người và có thể mang ra suy-luận. Nét đặc-sắc nhất của người khôn ngoan, chúng ta nhắc lại điều đó, chính là sự suy-luận khéo điều-khiển. Thế mà, không ai suy-luận về cái gì có tính- cách tất-yếu, không có mục đích, nhưng chỉ về điều thiện có thể thực hiện được. Vậy người khuyên bảo chí-lý, nói một cách tuyệt-đối là người theo những tính toán của lý-trí để hướng về cái gì tốt đẹp hơn cả mà con người có thể thực hiện được.

§ 7.– Chúng ta hãy thêm rằng sự khôn ngoan không phải chỉ thuộc về cái gì tổng-quát mà còn phải biết những trường hợp riêng-biệt ; vì nó nhằm hành động, mà hành động thuộc về những trường-hợp cá nhân. Điều có thể xảy ra là, ở đây cũng như ở chỗ khác, vài người vô kiến-thức tỏ ra khôn khéo trong hành động hơn người biết (q.X, 9); ấy là những người từng trải. Chẳng hạn biết rằng thịt nhẹ dễ chín và dễ tiêu không mang lại sức khỏe, nếu người ta không biết thịt nhẹ là thịt gì. Người ta đạt được kết-quả tốt một cách chắc chắn hơn nếu biết gà vịt là một món ăn lành mạnh. Vậy sự khôn ngoan có liên quan đến hành-động ; cho nên phải am-hiểu sự khôn ngoan và phương-diện tổng-quát và riêng biệt, nhất là riêng-biệt. Vì, về phương diện này, sự khôn ngoan có thể gọi là khoa học tổ-chức [21].

———

CHƯƠNG VIII

                                                 ———      

§ 1.– Chính trị-học và sự khôn-ngoan tùy thuộc cùng một năng hướng duy nhất. Tuy nhiên, nó khác nhau về yếu-tính.

§ 2.– Về việc cai trị thị trấn, sự khôn-ngoan, suy-tưởng dưới khía cạnh dụng khoa, có tính cách lập pháp; khía cạnh khác có cứ một tên thông dụng như những sự vật riêng biệt [22] và gọi là chính-trị (q. X, 10). Chính trị hoàn toàn dành cho hành động và có tính cách thảo luận ; thực thế, sắc-lệnh [23] ra lệnh, tựa hồ ở chung thẩm mà thôi. Cho nên người ta nói rằng chỉ những tác-giả sắc-lệnh cai-trị quốc-gia ; vì chỉ có họ là nhúng tay vào việc, giống hạn như các người thủ công.

§ 3.– Hình như khôn sự khôn-ngoan cũng để thích-ý riêng biệt vào cá nhân và chỉ vào cá nhân thôi. Và, khi người ta suy tưởng sự khôn-ngoan như vậy, thì quả thật nó mang cái tên thông thường là sự khôn ngoan. Nhưng, dưới những khía cạnh khác, nó được gọi là kinh-tế, pháp chế, chính-trị, ngành sau này vừa là thảo luận vừa là tài-thẩm.

§ 4.– Người ta có thể tưởng rằng một hình thức của kiến-thức là hiểu biết cái gì ích lợi cho chính mình. Nhưng kiến-thức ấy có nhiều sự sai biệt cho nên người biết cái gì thuộc và mình và dành thì giờ cho cái ấy được coi như là khôn ngoan và những ai chăm lo điều khiển quốc-gia phải chăm lo nhiều việc. Cho nên Euripide [24] nói như sau :

« Làm sao tôi sẽ nổi tiếng khôn ngoan, khi tôi đã có thể

Ở lại với quần chúng, một cách hoàn toàn bình tĩnh.

Và có thể sống đời tôi như mọi người ?... » [25].

Chỗ khác, ông ấy nói :

"Người phi thường

Cáng đáng nhiều việc hơn kẻ khác... »

Thường thường, người ta tìm kiếm sự lợi ích riêng và người ta nghĩ rằng phải hoàn toàn chuyên tâm về công việc ấy. Dư luận ấy sinh ra ý-tưởng là hành động như vậy thì tỏ ra khôn ngoan. Tuy nhiên, có lẽ không thể nào theo đuổi tư lợi mà không quan-tâm tới số phận gia đình và thị-trấn. Vả lại, làm sao có thể theo đuổi lợi ích riêng của mình ? Đó là một vấn-đề còn mờ tối mà phải cứu xét kỹ- lưỡng.

§ 5.– Chúng ta thấy những điều vừa trình bày được xác nhận trong sự kiện này : những thiếu niên có thể trở nên những nhà hình học và toán-học và trở nên khéo léo trong những môn ấy ; khôn ngoan thì khác. Lý-do là sự khôn ngoan thuộc về những trường hợp riêng biệt, chỉ nhờ từng trải mà biết, và người thiếu niên không từng trải, — phải một thời gian lâu mới có kinh-nghiệm.

§ 6.– Người ta tự hỏi tại sao đứa trẻ con có thể học hình-học và toán-học, trong khi nó không thể trở nên nhà hiền triết hay một người thông-thạo những vấn đề tự nhiên. Có phải tại tính cách trừu tượng của toán học không ? Và tại tính cách thực nghiệm của nguyên-lý trong trường-hợp thứ nhì không ? Phải chăng trong vật lý-học, những thiếu niên không thể tin cậy vào sự thí-nghiệm của họ và chỉ nhắc lại lời nói của kẻ khác, còn họ không sao nhãng tính-cách của toán học.

§ 7.– Chúng ta hãy nói thêm rằng [26] sự làm lẫn có thể, trong sự thảo luận, thuộc về mệnh đề tổng quát hay về trường-hợp riêng-biệt, thí dụ như về điểm tất cả những nước nặng đều hại hay về điểm nước nào thì nặng.

§ 8.– Phải phân biệt sự khôn ngoan và khoa-học, điều đó thật rõ ràng. Sự khôn ngoan chỉ thuộc về đơn tố cuối cùng, như chúng ta đã nói. Và đó là tính chất của cái gì ở trong phạm vi thực hành.

§ 9.– Vậy thì sự khôn ngoan ngược lại sự hiểu biết bằng tinh thần. Tinh-thần áp dụng vào những nguyên-lý đầu tiên mà người ta không thể đưa ra lý-do [27], sự khôn ngoan, trái lại, vào những đơn tố hạ đẳng tùy thuộc không phải khoa-học, nhưng cảm-giác. Cảm-giác ấy cũng không cho ta cảm thấy những phẩm-vật riêng biệt; nó tương tự cảm-giác khiến chúng ta tri-giác, chẳng hạn như trong toán học, rằng hình tam-giác là đơn-tố cuối cùng của diện-tích [28]. Tới đó, người ta sẽ ngừng lại ; và đây là cảm-giác hơn là sự khôn ngoan, tuy là cảm-giác thuộc loại khác.

———

CHƯƠNG IX

———

§ 1.– Phải phân biệt sự kiện cứu-xét và sự-kiện thảo luận. Vì thảo luận là tìm kiếm một cái gì. Vậy thì cần hiểu một cuộc thảo luận khôn ngoan ở chỗ nào và cần biết sự thảo luận ấy có tùy thuộc dư-luận, một khoa-học, một sự ngẫu-nhiên may mắn hay một nguyên nhân nào khác hay không.

§ 2.– Một mặt sự thảo luận khôn ngoan không đồng-nhất-hóa với khoa học, vì người ta không sưu tầm cái gì mà người ta biết ; mặt khác, một quyết định khôn ngoan là một cuộc thảo luận và người nào thảo luận thì tìm kiếm và lý-luận. Tuy nhiên, nó không hỗn đồng với một sự ngẫu nhiên may-mắn ; sự ngẫu-nhiên không cần lý-luận và có thể nói là có tính cách tức thì, còn bàn luận thì lâu và đến cả khi cần thi hành nhanh chóng những quyết-định, người ta cũng phải thảo luận lâu.

§ 3.– Chúng ta hãy thêm rằng sự sâu-sắc khác một sự quyết định khôn ngoan. Đó là một sự ngẫu nhiên may mắn. Vả lại, một quyết định khôn ngoan không bao giờ hỗn đồng với dư luận. Vì người nào thảo luận sai thì phạm lỗi, còn người nào bàn luận đúng thì định đoạt một cách thích đáng, cố nhiên một quyết định khôn-ngoan có một tính cách ngay thẳng, không tùy thuộc tri-thức cùng dư luận, vì trong tri-thức, không có cái gì để uốn nắn lại và cũng không có lỗi thật sự ; còn sự ngay thẳng của dư luận, chính là chân lý [29]. Điều ấy định nghĩa tất cả cái gì tùy thuộc dư-luận. Tuy nhiên, sự thảo luận khôn ngoan không phải là không có lý. Nó vẫn là một hiện thể của trí-tuệ suy nghĩ, tuy nó chưa phải là sự quả quyết ; còn dư luận, không những là một sự sưu tầm, lại còn là một thứ quả quyết. Và người thảo luận dù sự thảo luận của người ấy mỹ- mãn hay không vẫn sưu tầm một cái gì và tính toán.

§ 4.– Này! một quyết định khôn ngoan có thể nói là sự ngay thẳng trong thảo luận. Cho nên phải tìm kiếm bản tính và đối tượng thảo luận. Sự ngay thẳng ấy có nhiều hình thức, cố nhiên người ta không đạt được chân-lý trong tất cả trường-hợp. Thực thế, một người vô tiết-độ và một người hư hỏng rất có thể nhờ lý-luận đạt tới cái gì mà họ định khám-phá ; họ có vẻ đã thảo luận ngay thẳng, mà vẫn tự hại mình nặng nề. Song sự thảo luận đúng hình như cho chúng ta một điều thiện, vì sự thảo luận ngay thẳng đạt tới một quyết định tốt, phát sinh ra điều thiện.

§ 5– Tuy nhiên, người ta có thể, nhờ một lý luận sai trong đó có một trung độ sai, không theo con đường đúng, mà được kết quả may-mắn và đi tới cái gì phải làm, thành ra một quyết định cho người ta kết-quả thích đáng chưa phải là một quyết định khôn ngoan.

§ 6.– Vả lại, người ta có thể tới mục đích sau một cuộc thảo luận dài hay ngắn. Đó vẫn chưa phải là tính chất của một cuộc thảo luận đúng, cốt ở sự hòa hợp đứng đắn giữa mục đích, phương- tiện và trường hợp, khi bàn tới quyền lợi của chúng ta.

§ 7.– Vả lại, người ta có thể thảo luận hoặc một cách tuyệt-đối hoặc một cách tương-đối với mục-đích nào. Và sự quyết định hoàn toàn khôn-ngoan là quyết định thành công đối với mục đích tổng-quát của loài người (q. I, §1); theo một quan-điểm riêng biệt, thì là một quyết định thích hợp với mục đích riêng biệt. Vậy tính cách của người khôn ngoan là có năng lực quyết định khôn-ngoan, sự thảo luận khôn ngoan, là một xét đoán ngay thẳng hợp với sự ích-lợi và căn cứ vào mục đích nào mà sự khôn ngoan đã thẩm-lượng đúng đắn.

———

CHƯƠNG X

———

§ 1.– Sự sâu sắc và sự sáng-suốt là những đức tính khiến chúng ta nói rằng người nào có những đức tính ấy thông minh và linh mẫn. Sự sâu sắc ấy không thể nào hỗn đồng với khoa-học và dư luận, vì nếu như vậy thì ai cũng sâu sắc —; nó cũng không hỗn đồng với một khoa học riêng-biệt, như y học nhằm mục đích giữ sức khỏe hay hình học chuyên chú về độ lượng. Sự sáng-suốt, theo nghĩa chúng ta hiểu ở đây, cũng không quan tâm đến cái gì vĩnh cửu và bất biến mà đến cái gì trở nên : nó thuộc về những vấn-đề gây ra sự nghi ngờ và sự thảo luận. Vậy nó cùng chăm lo về một loại đối tượng như sự khôn-ngoan, song nó không hỗn đồng với sự khôn ngoan.

§ 2.–  Sự khôn ngoan có tính cách sai khiến — vì nó nhằm mục-đích quyết định cái gì người ta phải làm hay không phải làm, còn sự sáng suốt chỉ có tính cách phê bình, cho nên nó hỗn-đồng với sự linh mẫn của tinh thần.

§ 3.– Mặt khác, sự sáng suốt không ở chỗ người ta có hay người ta thủ đắc sự khôn ngoan; nhưng cũng như người ta dùng chữ học thay vì chữ hiểu, khi sử dụng tri-thức mà người ta lĩnh hội được, thì khi phải thẩm định dư luận, sự sáng suốt là ở chỗ xét đoán, về những đề tài tùy thuộc sự khôn ngoan, những lời nói của tha-nhân, và xét đoán thích đáng, vì xét đoán thích đáng là xét đoán hay.

§ 4.– Do đó, có chữ sáng suốt, mà chúng ta dùng để chỉ những người linh mẫn và tinh thần, có cái hình thức trí-tuệ ích lợi trong việc học hành. Vì thường thường, chúng ta hỗn đồng học và hiểu.

———

CHƯƠNG XI

———

§ 1.– Cái mà chúng ta gọi là khiếu phán-đoán dùng để áp dụng cho người có lương tri và biết phân-biệt. Ấy là khiểu xét-đoán ngay về điều lương-thiện. Đây là một bằng chứng : khi chúng ta muốn chỉ định trong tiếng Hy-lạp một người thiên bẩm đặc biệt nhiều tính tốt, ta nói rằng đó là người có khiếu phán đoán và khuynh hướng khoan-hồng, và trong vài trường hợp, có lòng bác ái và công bình, ấy là tỏ ra biết tha thứ. Vậy sự khoan hồng là một tri-giác biết quý trọng điều lương thiện và xét đoán ngay thẳng. Tình cảm ấy cũng có những tính cách ngay thẳng, khi nó được áp-dụng cho chân lý.

§ 2.– Một điều tự-chân là tất cả đức tính thủ đắc hướng về một mục đích. Khi chúng ta dùng những chữ lương-tri, sự sáng suốt, sự khôn ngoan và trí-năng, chúng ta gán những chữ ấy cho bất cứ người nào tỏ ra có lương-tri, sáng suốt, khôn ngoan, có trí năng. Thực thế, tất cả những khiếu ấy đều thuộc về những nguyên lý cuối cùng và những trường hợp riêng biệt, và, khi một người có thể xét đoán những vấn đề liên-quan đến sự khôn ngoan, người ấy tỏ ra sáng suốt, có lương-tri và có thể khoan hồng. Vì những nét chung cho tất cả thiện-nhân lộ ra trong sự can thiệp với mọi người.

§ 3.– Tất cả cái gì trong phạm-vi hành động tùy thuộc nhưng trường hợp riêng biệt và những nguyên lý cuối cùng [30].

§ 4.– Chúng ta hãy thêm rằng tư-tưởng theo hai chiều và có thể chuyên chú về những đơn-tố đầu tiên và cuối cùng ; có khi, trong những sự chứng minh, tư tưởng căn-cứ vào cái gì bất biến và nguyên khởi ; có khi, trong phạm vi thực hành, tư tưởng cứu-xét tới đơn-tố cuối cùng trong phạm vi khả thể và mệnh đề trung gian. Chính những mệnh đề như vậy là nguyên-lý nhằm một mục đích ; vì chính cái tổng quát tự thoát ở những sự kiện riêng biệt [31].

§ 5.– Thế mà những mệnh đề riêng-biệt đòi hỏi cảm giác và cảm giác, nói cho đúng, là cái gì bổ sung tư-tưởng. Cho nên những đức tính mà chúng ta mới nói hình như thiên bẩm ; và nếu quả thật không ai là hiền triết một cách tự nhiên, tất cả mọi người đều có thể, nhờ bản tính, có lương tri, sáng suốt và hiểu biết.

§ 6.– Bằng chứng là, theo thiên kiến, những năng hướng ấy kèm theo những tuổi khác nhau trong đời người và tuổi nào cũng có trí-năng và lương-tri như là những thiên tư vô phí của tạo hóa. Chính vì thế mà trí năng vừa nguyên-lý vừa là cứu-cánh, vì những sự chứng minh làm theo nguyên lý và một cách tương đối với cứu cánh. Tuy nhiên, phải đếm xỉa tới những điều quả quyết không chứng minh và những ý-kiến của người từng-trải, người già hay kẻ suy nghĩ — cũng như tới những sự chứng minh.

Thực thế, sự từng trải đã cho họ một nét nhìn điêu luyện và họ trông thấy đúng mọi sự vật.

———

CHƯƠNG XII

———

§ 1.– Chúng ta đã nói sự khôn ngoan và đạo lý cốt ở chỗ nào, đối-tượng là gì, và mỗi đức hạnh ấy thuộc về một phần riêng của tâm-hồn. Người ta có thể hỏi chúng ta về ích lợi của những đức hạnh ấy. Một mặt, đạo-lý không chú-ý về cái gì làm cho con người sung sướng, vì vai trò của nó không phải là sáng-tác. Sự khôn ngoan, trái lại, có cái khả năng ấy. Nhưng nhằm mục-đích gì thì nó cần thiết ? Vì sự khôn ngoan nhằm cái gì đúng, đẹp và ích lợi cho con người và đó chính là cái gì mà chính nhân có thể làm được, nên chỉ biết những lợi ích ấy không khiến chúng ta có năng-lực hơn để hành động, là vì những đức-hạnh ấy [32] đã là những năng hướng thủ đắc rồi [33]. Tình trạng vẫn vậy khi biết cái gì lợi cho sức khỏe và cái gì giữ gìn thể lực và những phương-tiện khác ; những cái ấy không có năng lực sáng-tác ra những điều khác, nhưng là những hậu quả của một thói quen hành động. Vì chúng ta không ở một tình thế tốt hơn để hành động ; bởi lẽ chúng ta biết y học và thể dục.

§ 2.– Nếu chúng ta phải khôn ngoan không vì những cớ trên, nhưng đẻ trở nên lương thiện, sự khôn ngoan không thể ích lợi cho những ai đã lương thiện, cũng như cho những ai không lương thiện [34]. Vì, điều ít quan trọng là họ khôn-ngoan hay họ vâng lời những người khôn ngoan, điều kiện sau có lẽ cũng đủ, như khi cần phải khỏi bệnh [35]. Thực thế, khi chúng ta mong muốn được khỏe mạnh, chúng ta không vì thế mà học y-khoa.

§ 3.– Vả lại, điều vô-lý, vì chính khiếu hoạt động điều khiển trong những trường-hợp riêng-biệt. Vậy chúng ta phải nói tới điểm này ; bây giờ, đó là điểm duy nhất làm chúng ta lúng túng.

§ 4.– Và trước hết, chúng ta quả quyết rằng sự khôn ngoan và đạo-lý phải được sưu cầu vì chính nó, bởi lẽ nó là những đức hạnh, mà mỗi đức hạnh tương hợp với một phần trong hai phần của tâm-hồn, và nên sưu cầu như vậy cả trong trường hợp mà không đức-hạnh nào có năng lực sáng tác.

§ 5.– Vả lại, nó có năng lực sáng tác, không tương-tự với năng lực sáng tác của y học cho người ta sức khỏe; nhưng giống như sức khỏe sinh ra những thắng-lợi cho người khỏe mạnh, đạo-lý làm cho con người sung-sướng, vì nó như một năng hướng trong con người, và chính vì sự hoạt động của nó.

§ 6.– Chúng ta hãy thêm rằng sự nghiệp của con người, gây dựng được là do hiệu quả của sự khôn ngoan và đức hạnh. Đức hạnh ấn-định mục-đích thật sự cho con người, và sự khôn ngoan nhưng phương tiện đạt mục-đích ấy. Còn phần thứ tư của tâm-hồn, có liên quan đến sự dinh dưỡng, nó không có một đức hạnh nào như vậy vì nó không có năng lực hành động hay không hành động.

§ 7.– Về lời bác luận cho rằng sự khôn ngoan không khiến chúng ta có năng lực hơn để thực hành điều thiện và điều công-bình, chúng ta phải đi ngược lại một chút và lấy lời đó làm khởi điểm. Theo chúng tôi, có những người tuy vẫn làm những hành-vi công bình, nhưng không vì thế mà công-bình ; ấy là trường-hợp của những ai, tuy vẫn thi hành những mệnh lệnh của luật lệ, nhưng làm như vậy một cách miễn cưỡng hay trong tình trạng vô-tri, hay vì một lý do nào khác, chứ không nhằm chính những mệnh lệnh ấy. Tuy nhiên, tôi cũng thừa nhận những người ấy làm tròn bổn phận và cư xử về mọi sự như một chính nhân. Hình như đúng như vậy trong trường hợp này. Nhưng phải hành động thế nào trong mọi trường hợp để làm một thiện nhân, ví dụ như, tôi có muốn nói thế, sau một sự lựa chọn suy luận và khi chỉ nhằm điều gì mà người ta thực hành [36].

§ 8.– Vậy chính là đức hạnh khiến sự lựa chọn ấy đứng đắn ; nhưng làm một hành vi nào đáng lẽ tự nhiên ra phải do đức hạnh thì lại do lợi, thì hành-vi không tùy thuộc đức-hạnh nữa mà tùy thuộc một loại hoạt động khác. Vậy chúng ta phải ngừng ở chỗ này một chút và giai thích cho rõ rệt hơn.

§ 9.– Có một khiếu mà người ta gọi là sự khôn khéo [37]; chính khiếu này khiến chúng ta có năng lực làm cái gì để đạt mục đích và thành công trong công việc ấy. Nếu mục-đích lương- thiện, sự khôn khéo ấy đáng khen ; trái lại, thì nó là một sự bất-lương. Cho nên chúng ta gọi những người khôn khéo ấy có khi là khôn ngoan, có khi là bất lương.

§ 10.– Vả lại, sự khôn ngoan không hỗn đồng với khiếu ấy, nhưng nếu không có nó, thì không thể hiện-hữu được. Còn về năng hướng, nó không thể nào sinh ra nếu không có đức hạnh, như chúng ta đã nói và đó là điều hiển-nhiên. Thực thế, sau đây là những lý-luận quyết định nguyên tắc hành động của chúng ta : vì đó là mục đích phải đạt và là giải pháp tốt đẹp nhất, – dù giải-pháp này thế nào chăng nữa, dù có thể xảy ra việc gì, như người ta sẽ nói. Thế mà giải pháp tốt đẹp nhất chỉ xuất hiện cho thiện nhân. Vì sự gian ác đảo lộn sự xét đoán và làm cho chúng ta lầm lần về những nguyên tắc của hành động. Như thể điều rõ ràng là người ta không thể khôn-ngoan mà không có đức-hạnh [38].

———

CHƯƠNG XIII

———

§ 1.– Chúng ta phải trở về sự nghiên-cứu đức-hạnh. Những liên quan giữa sự khôn ngoan và sự khôn khéo – tuy không hỗn đồng, nhưng tương tự – lại thấy có, chỉ hơi khác nhau, giữa đức hạnh tự nhiên và đức hạnh chính danh [39]. Theo dư luận thông thường, tất cả đức hạnh có thể coi là bẩm sinh, vì ngay lúc mới sinh, chúng ta có khuynh hướng trở nên công bình, tiết độ, can đảm, và phát-triển những đức tính khác. Tuy nhiên, chúng ta sưu cầu điều khác : điều thiện tối thượng và chúng ta mong muốn có những đức hạnh ấy một cách khác. Trẻ con và súc vật cũng có những năng hướng tự nhiên ấy; nhưng, vì không có trí-năng, những năng hướng ấy hình như có hại. Dầu sao, người ta có thể nhận thấy sự kiện ấy bằng sự so sánh sau này : Một thân-thể cường tráng cử động mà không có thị-giác, có thể ngã nặng nề, chính vì mù ; về trường-hợp mà chúng ta nghiên cứu cũng vậy.

§ 2.– Trái lại, một sinh vật được bẩm-thụ tư tưởng có năng-lực cao hơn nhiều đẻể hành động và cái năng hướng luân-lý, tuy vẫn tương tự năng hướng bẩm sinh, sẽ là đức hạnh chính danh. Đối với ai biết tự tạo cho mình một ý kiến, thì có hai trạng thái : sự khôn khéo và sự khôn ngoan ; cũng như vậy, có hai khiếu luận lý: một là khả năng bẩm sinh, hai là đức hạnh chính danh, và đức hạnh này không có thể có được nếu không có sự khôn ngoan.

§ 3.– Cho nên vài người quả quyết rằng tất cả đức hạnh đều là hình thức của sự khôn ngoan. Chính Socrate một mặt thì xúc tiến việc sưu tầm theo đường ngay, mặt khác thì lầm đường ; ông lầm đường khi nghĩ rằng tất cả đức hạnh đều là hình thức của sự khôn ngoan [40], nhưng ông có lý khi tuyên bố rằng những đức hạnh ấy không thẻ hiện-hữu nếu không có sự khôn ngoan.

§ 4.– Đây là bằng chứng : bây giờ [41], tất cả mọi người, khi định nghĩa đức-hạnh, tuyên bố rằng nó là một thói quen luân-lý và người ta cũng không quên nói rằng nó thuộc về lý trí ngay thẳng. Thế mà lý trí ngay thẳng hợp với sự khôn ngoan. Vậy tất cả mọi người thừa nhận rằng một năng hướng như vậy, khi hòa hợp νόι sự khôn ngoan, là đức hạnh [42].

§ 5.– Nhưng chúng ta phải đứng về một phương diện khác. Không những năng hướng luân-lý hợp với lý trí ngay thẳng là một đức hạnh, nhưng cả năng hướng mà có lý-trí ngay thẳng kèm theo. Vậy thì, trong những vấn đề ấy, sự khôn ngoan là lý-trí ngay thẳng. Socrate tưởng rằng những đức hạnh là những hình-thức của lý-trí, vì ông nghĩ rằng tất cả đức hạnh đều là tri-thức, chúng tôi, trái lại, có ý kiến rằng không có đức hạnh nào là không được kèm theo bởi lý trí.

§ 6.– Theo những điều chúng ta vừa mới nói, người ta thấy rõ ràng không có thể, nói cho đúng, là một thiện nhân mà không khôn ngoan, cũng như mà không có đức-hạnh. Hơn thế, người ta có thể, cùng một lối, bác bỏ lý-luận khiến người ta tìm cách chứng minh sự hiện hữu cách biệt của những đức hạnh khác nhau. Vì mọi người không được bẩm thụ ngang nhau về đức hạnh, nên người có đức hạnh này thì thiếu đức-hạnh khác. Nói đến những năng hướng tự nhiên về đức hạnh, thì lời quả quyết ấy nghe được, nhưng lời ấy không thể chấp nhận trong phạm vi những đức hạnh cho phép ta chỉ rõ được thiện nhân, nói một cách tuyệt đối. Là vì ở đây, chỉ với sự khôn ngoan duy nhất, mà thiện nhân sẽ có tất cả những đức-hạnh khác.

§ 7.– Vậy cố nhiên ngay đến cả khi sự khôn ngoan không có một giá-trị gì về sự hành động, nó vẫn cần thiết, bởi vì nó là một đức hạnh thuộc về phần...[43] của tâm hồn và không có sự lựa chọn suy luận tốt đẹp nếu không có sự khôn ngoan và đức hạnh; đức hạnh ấn-định cứu-cánh tối cao ; còn sự khôn ngoan cho chúng ta sử dụng những phương-tiện có thể đạt được cứu cánh ấy.

§ 8.– Tuy nhiên, nó không cao hơn đạo lý ; nó không tùy- thuộc phần cao nhất của tâm hồn, cũng như y học không cao hơn sức khỏe [44]. Thực thế, y-học không có sức khỏe, nhưng chú ý đến những phương-tiện giữ gìn sức khỏe. Vậy những mệnh-lệnh học nhằm mục-đích là sức khỏe, nhưng không truyền cho người ta sức khỏe. Nói rằng đạo lý tùy thuộc sự khôn ngoan cũng như nói rằng chính-trị chỉ huy các vị thần linh, vì cớ là chính trị điều khiển moai-vệ mọi sự xảy ra trong thị trấn.

 



[1] Trong sự kiện tri-thức. người ta thấy nguyên lý bằng trực giác ; trong lý luận, người ta tìm kiếm, tính toán.

[2] Nói một cách khác, trong sự suy nghĩ, có hai việc chính là sự quả quyết và sự phủ nhận tương xứng với sự tìm kiếm và sự trốn tránh trong khuynh hướng. Là vì quả quyết và phủ nhận là chấp nhận và từ chối (chân-lý): tìm kiếm và trốn là chấp nhận và từ chối (một cái gì).

[3] Khái luận về tâm hồn, q. III

[4] Đối chiếu : Đạo-đức-học của Nic, q III, 1-4, thuyết về sự ưa thích sáng suốt và tự do ; sự ưa thích này là sự quyết định do ba yếu-tố cấu tạo : sự thích hợp phương tiện với mục-đích, thị dục tự-nhiên, trạng thái quen thuộc của tinh thần. hnson (d) Người ta không hoạt động để hoạt động.

[5] Người ta không hoạt động để hoạt động.

[6] Thí-dụ : Một nghệ sĩ, sau khi suy nghĩ, sáng tác một nghệ phẩm. Thường thường, nghệ-phẩm ấy không phải là một mục-đích tại thân. Nghệ-sĩ không sáng tác để sáng tác, mà còn để kiếm tiền, nổi danh, nâng cao đời sống vật chất và địa vị của mình... Xét kỹ, nghệ-sĩ cùng sáng tác để sáng-tác. Tác phẩm là mục đích của sự làm việc cộng với cảm hứng, của sự thực-hiện một lý tưởng nghệ thuật, của một sự vật nào đó.

[7] Aristote phân biệt sự sáng tác và sự hành động.

[8] Agathôn, nhà bi-kịch thi-sĩ, người Athènes, ở thế kỷ thứ V, có nói đến trong triết phẩm Bữa tiệc (Le Banquet) của Platon.

[9] Số hình thức hoạt động thay đổi trong các tác phẩm khác nhau của Aristote.

[10] Đối chiếu : Những phân-luận cuối cùng (Derniers Analytiques).

[11] Những nguyên lý phải hiển nhiên hơn là những kết luận mà người ta lấy ở đó ra.

[12] Sự phân biệt giữa sự sáng tác (cái gì có một kết quả cụ-thể) và sự hành động (sự này được suy tưởng nhất, là về phương-diện chủ-quan) thật là cốt yếu trong triết-lý Aristote ; sự phân biệt ấy luôn luôn rõ ràng đối với chúng ta.

[13] Coi bài tựa: Những khái luận dành cho công chúng sử dụng.

[14] B. Saint Hilaire dịch bằng chữ vận (rất gần chữ fortune), thay vì chữ ngẫu-nhiên (hasard).

[15] Đoạn này hơi có vẻ đầu Ngô mình Sở.

[16] Ý nói : Trong nghệ thuật, không có chân-lý tuyệt đối. Bằng-chứng là những văn-phái, nghệ-phái kế tiếp nhau, thay thế nhau. Nghệ phái nào, văn phái nào cũng có tôn-chỉ hợp lý, tác phẩm bất hủ. Có lẽ nói rằng văn-nghệ-sĩ có ý-chí cương-quyết giữ vững lập trường, thì đúng hơn là nói rằng họ cố-ý lầm-lẫn. Khi nào họ có những quan niệm quá mới lạ, táo bạo, họ có vẻ lầm-lẫn, đối với ai có những quan-niệm cơ-điên, mà giá trị đã được nhìn nhận. Họ chỉ lầm-lẫn thật sự khi nào họ lập dị để lập dị, sáng tác những văn-nghệ phẩm mà không một thẩm mỹ quan nào có thể cảm thông, hiểu biết, thưởng thức.

[17] Trong nghệ thuật, người ta vẫn có thể là một đại nghệ sĩ khi người ta lầm lẫn một cách cố ý, mấy chữ này hiểu theo nghĩa của Aristote.

[18] Margitès, thi phẩm gán làm cho Homère.

[19] Những tinh tú

[20] Thales de Milet (624-547 trước Công nguyên), một trong những nhà thiên-văn đầu tiên của xứ Ionie, tác giả một cuốn vũ-trụ-luận đã có một ảnh hưởng vĩ đại.

[21] Aristote nói : « dụng khoa » (architectoniquc), chữ mà ông ta dùng (coi đoạn đầu chương sau và quyềển I, 1 − 2). Dịch- giả Pháp dịch ra Pháp-văn là khoa-học tổ chức (science organisatrice).

[22] Tức là những sự vật cụ thể, thường có một tên thông dụng.

[23] Pháp luật là một mệnh lệnh tổng-quát, có một tính chất trừu-tượng và vĩnh cửu ; sắc lệnh áp dụng cho một trường-hợp riêng-biệt và chỉ có một tính chất nhất thời.

[24]Trong bi kịch Philoctète, một vở kịch thất truyền.

[25] Ý nói: không băn khoăn về đời riêng, và tư lợi thì không khôn ngoan.

[26] Tất cả những đoạn quảng diễn ấy liên lạc với nhau một cách yếu ớt. Triết-gia đã xếp gần nhau những cái không hoàn-toàn đồng nhất : sự từng trải hay kinh nghiệm, tính cách thực. nghiệm, sự thí nghiệm.

[27] Qua những nguyên-lý ấy, người ta không thể đi xa được nữa ; sự khôn ngoan thuộc về những trường hợp riêng-biệt.

[28] Ý tưởng không đủ rõ.

[29] Người ta nhận thấy rằng, trừ cái đề tài, những điều khảo sát ấy thiếu rõ ràng.

[30] Đối với những nguyên-lý nguyên-khởi, lĩnh hội bởi tri tuệ thuần túy (Coi ở trên VI, 2, thuyết về sự quy nạp và tam-đoạn-luận).

[31] Đối chiếu : Những Phân luận cuối cùng II, 19

[32] Đạo lý và sự khôn ngoan.

[33] Vì những năng hướng là những năng-lực hành động rồi

[34] Coi lại § 1 trong đó triết gia phân biệt đạo lý và sự khôn ngoan.

[35] Sự phân tích còn thiếu sót.

[36] Triết-gia phân biệt chính nhân và thiện nhân và đề cao thiện nhân.

[37] Aristole chưa nói tới sự khôn khéo. Người ta hơi ngạc nhiên thấy sự khôn khéo ở đây.

[38] Triết gia phân biệt sự khôn ngoan và sự khôn khéo và đề cao sự khôn ngoan.

[39] Đây là đức hạnh có tính chất hoàn toàn luân-lý, đức hạnh thủ đắc, đối với đức hạnh tự nhiên, bẩm sinh.

[40] Người ta không thể chỉ rõ ý-kiến này của Socrate đã được diễn-lạt ở sách nào.

[41] Có lẽ ở thời kỳ của Tiêu-dao học-phái.

[42] Nói một cách khác, đức hạnh hỗn đồng với sự khôn ngoan. Đức-hạnh chính là sự khôn ngoan.

[43] Dịch-giả kính trọng nguyên văn, không thêm không bớt, nên chỗ này tối nghĩa.

[44]  Triết gia nói trước những đoạn sẽ quảng diễn ở quyển X. Trong thực tế, đạo lý ít áp-dụng hơn sự khôn ngoan. Nhưng đạo lý hành sử những khiếu cao nhất của tinh-thần. Hai trạng thái ấy của triết-học Aristote có thể hòa hợp với nhau (coi Tựa).

 


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Teknik Informatika - 15:53 14/01/2024
Trong bối cảnh của bài viết, "sự phân biệt" được đề cập đến là gì và tại sao chúng ta cần chấp nhận nó?
latiefgt1@gmail.com
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt