Logic học | Tư duy phản biện

Ngụy biện ad hominem

NGỤY BIỆN

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25
                                                 

NGỤY BIỆN ​AD HOMINEM

 

DEBRA JACKSON & PAUL NEWBERRY

ĐINH HỒNG PHÚC lược dịch

 

Thuật ngữ ad hominem được dịch là “nhắm đến con người” và do đó ngụy biện ad hominem còn được gọi là ngụy biện công kích cá nhân. Ngụy biện ad hominem xảy ra khi người lập luận bác bỏ kết luận của đối phương trên cơ sở đặc điểm tính cách nào đó của người ấy, nhất là hoàn cảnh, vị trí xã hội, lịch sử, hay quan hệ cá nhân của người ấy. Loại luận cứ này là ngụy biện bởi lẽ người đưa ra luận cứ không có mối quan hệ xác đáng nào với việc luận cứ ấy có tốt hay không. Người xấu có thể đưa ra những luận cứ tuyệt vời cũng như người tốt có thể đưa ra những luận cứ hết sức tệ hại. Khi đánh giá một luận cứ, ta phải khảo sát tính đúng-sai của các tiền đề và sự nối kết logic giữa tiền đề và kết luận, chứ không phải là nguồn cung cấp luận cứ.

Ngụy biện này thường được cấu tạo theo ba cách. Một người nào đó có thể bị công kích vì định kiến của mình, vì sự không nhất quán trong lời nói hay hành động của mình, hay vì đặc điểm tâm lý của mình. Một số nhà tư duy phản biện phân biệt các loại ngụy biện ad hominem này là ad hominem abusive, ad hominem circumstantial và ad hominem tu quo. Việc phân biệt các loại ngụy biện ad hominem này tuy hữu ích nhưng điều quan trọng ta cần phải nhớ đó là tất cả các loại ngụy biện này đều công kích người đưa ra luận cứ chứ không phải bản thân luận cứ. Nếu ta muốn cho thấy luận cứ của ai đó là dối trá, ta phải tìm ra những sai lầm trong lập luận của người ấy. Công kích cá nhân đôi khi có thể có sức thuyết phục với những lời lẽ hoa mỹ, nhưng đó không phải là tư duy phản biện.

Xét ví dụ sau:

Jack cho rằng chúng ta nên bãi bỏ án tử hình vì nó không chứng tỏ hiệu quả răn đe, và nó có tác động tâm lý hết sức tiêu cực đến các nhân viên thi hành án tử hình. Nhưng bạn có biết rằng thằng em của Jack hiện đang ở phòng giam tù nhân chịu án tử hình hay không? Khi bạn xem xét mối quan tâm đặc biệt của Jack đến vấn đề này, bạn sẽ thấy rằng anh ta sai.

Lưu ý đoạn văn này chứa hai luận cứ không nên lẫn lộn. Một trong hai luận cứ ấy là quan điểm người lập luận đang chống lại, còn luận cứ kia là luận cứ mà người lập luận bảo vệ. Khi người lập luận viết “anh ta sai” thì chính xác là người ấy đang cố chứng minh điều gì? Vì “anh ta” dùng để chỉ Jack, và Jack cho rằng chúng ta nên bãi bỏ án tử hình, nên kết luận được tác giả đoạn văn đưa ra phải là chúng ta không nên bãi bỏ án tử hình. Cấu trúc hình thức của đoạn văn này có thể được trình bày như sau:

TĐ 1:

Jack cho rằng chúng ta nên bãi bỏ án tử hình.

TĐ 2:

Thằng em của Jack hiện đang ở phòng giam tù nhân chịu án tử hình.

KL:

Chúng ta không nên bãi bỏ án tử hình.

Vấn đề:

Chúng ta có nên bãi bỏ án tử hình không.

 

Trong trường hợp này, người lập luận đã rơi vào ngụy biện ad hominem. Thay vì tìm ra lỗi sai trong luận cứ của Jack, tác giả công kích bản thân Jack là có định kiến. Tuy nhiên, việc ai đó có thể có lợi trong một vấn đề nào đó không có nghĩa là luận cứ của người ấy tồi. Ta phải khảo sát các lý do người ấy nêu ra, chứ không phải động cơ của người ấy.

Ta hãy xét một ví dụ khác.

Bill cho rằng bạn không nên hút thuốc lá. Ha! Chẳng có lý do nào để nghe lời hắn cả; tuần trước tôi thấy hắn hút thuốc lá ở một buổi tiệc.

Cũng giống như ví dụ trước, đoạn văn này có hai luận cứ. Một là luận cứ bị tác giả đoạn văn bác bỏ, và một là luận cứ được tác giả của đoạn văn ủng hộ. Mặc dù tác giả không cung cấp các tiền đề của Bill, việc sử dụng từ cho rằng cho biết Bill đã đưa ra một luận cứ có kết luận “Bạn không nên hút thuốc lá” ở đâu đó rồi. Cho nên, đây là một ví dụ về ngụy biện ad hominem.

Thay vì tìm lỗi sai trong luận cứ của Bill, người nói công kích người đưa ra luận cứ, lần này là chỉ tới tính đạo đức giả của Bill. Tuy nhiên, việc Bill không theo lời khuyên của chính mình không có nghĩa là luận cứ của Bill bị sai. Luận cứ của anh ta đứng vững hay sụp đổ là do chất lượng lập luận của nó.

Về mặt kỹ thuật, không phải bất cứ luận cứ nào công kích cá nhân cũng đều là ngụy biện. Phân biệt giữa luận cứ phạm phải ngụy biện ad hominem với luận cứ phê phán cá nhân một cách chính đáng, bạn phải chú ý vấn đề cho thật kỹ. Nếu vấn đề liên quan đến cá nhân, thì sự phê phán đó là xác đáng. Nếu không liên quan thì việc căn cứ vào cá nhân để rút ra kết luận là không xác đáng. Hãy xét cách dùng lời chứng trong một phiên tòa. Khi nhân chứng khai báo, thì sự đáng tin cậy của người ấy là mấu chốt để hội đồng xét xử chấp nhận lời khai của người ấy hay không. Điều này không có nghĩa là hội đồng xét xử nên chấp nhận một cách đơn giản những lời tường trình của mọi nhân chứng có thể tin được, vì những nguồn tin đáng tin có thể nói dối hoặc cấp tin không đúng, trong khi đó các nguồn tin không đáng tin có thể nói thật hay cung cấp tin chân thực. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là một người có đáng tin hay không có quan hệ hết mực xác đáng với việc hội đồng xét xử có nên chấp nhận lời khai của người ấy hay không.

Xét ví dụ sau:

Jack Masters khai rằng chẳng có lý gì để bị cáo phạm tội giết người cả. Nhưng anh có biết bị cáo là em trai của Jack không? Căn cứ vào động cơ mạnh mẽ của anh ta cứu đứa em mình khỏi cảnh tù tội, chúng ta nên nghi ngờ yêu sách của anh ta.

Trong ví dụ trước về án tử hình. Jack đưa ra chứng cứ cho kết luận của mình. Tuy nhiên ở đây, chứng cứ duy nhất được đưa ra là lời của Jack. Lưu ý sự khác nhau trong Phân tích Hình thức của luận cứ.

TĐ 1

Jack khai rằng bị cáo không thể là kẻ giết người.

TĐ 2

Bị cáo là em trai của Jack.

KL

Chúng ta không nên chấp nhận lời khai của Jack.

Vấn đề:

Chúng ta có nên chấp nhận lời khai của Jack không.

 

Bất cứ khi nào nguồn tin không đáng tin, chúng ta thiếu lý do đầy đủ để chấp nhận những yêu sách của cá nhân nào đó. Đương nhiên, điều này không có nghĩa là lời khai là sai. Quả thực, nhân chứng có thể nói chân thực. Tuy nhiên, vì chứng cứ duy nhất được đưa ra là lời khai của anh ta, chúng ta không thể chấp nhận lời khai ấy là thuyết phục khi người khai có định kiến.

 

Có những luận cứ công kích cá nhân một cách chính đáng khác đó là những luận cứ trong đó tính cách của cá nhân người đó chính là vấn đề đang bàn. Xét ví dụ này:

Chúng ta không nên thuê John Greenne cho vị trí kế toán trưởng, người chịu trách nhiệm quản lý mọi nhân viên kế toán của công ty. Đây là vì ông ta từng bị kết án là biển thủ ngân quỹ từ hai người chủ gần đây nhất của mình.

Hình thức của luận cứ này như sau:

TĐ:

John Greene từng bị kết án là biển thủ ngân quỹ từ hai ông chủ gần đây nhất của mình.

KL

Chúng ta không nên thuê John Greenne cho vị trí kế toán trưởng.

Vấn đề:

Chúng ta có nên thuê John Greenne cho vị trí kế toán trưởng không.

 

Mặc dù luận cứ này công kích cá nhân, nhưng nó không phải là một ví dụ cho ngụy biện ad hominem. Tính cách của John Greene chính là vấn đề đang bàn, và do đó lấy ông ta làm tiêu điểm là một thao tác chính đáng.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Lan Huong Nguyen - 18:42 27/05/2020
Em cảm ơn, bài viết rõ ràng và phù hợp với nhu cầu tìm hiểu của bản thân
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt