Logic học | Tư duy phản biện

Ý niệm – Thuật ngữ - Phán đoán – Mệnh đề

 

Ý NIỆM – THUẬT NGỮ - PHÁN ĐOÁN – MỆNH ĐỀ

 

ÉMILE DURKHEIM (1857-1917)

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 


Émile Durkheim. Cours de philosophie fait au Lycée de Sens en 1883-1884, XLIII: “L’idée; le terme; le jugement; la proposition” | Paris. Manuscrit écrit. Bibliothèque de la Sorbonne, Manuscrit 2351. Bản ghi chép của nhà triết học André Lalande.


 

Bất cứ chân lý nào cũng được biểu đạt bằng một phán đoán, và bất cứ phán đoán nào cũng được phát biểu ra bằng một mệnh đề. Phán đoán được tạo thành từ các ý niệm, mệnh đề được tạo thành từ các thuật ngữ.

Ý niệm là một hành vi của tinh thần biểu thị một sự vật xác định; ý niệm nào cũng là một sự biểu thị. Thuật ngữ là cái biểu đạt ý niệm, do đó, bất cứ điều gì đúng với một thuật ngữ thì cùng đúng với ý niệm mà nó biểu đạt; nhưng vì thuật ngữ có thể chỉ biểu đạt một phần của ý niệm, cho nên không phải lúc nào cái gì đúng với ý niệm thì cũng đúng với thuật ngữ biểu đạt nó.

Các thuật ngữ là chung (généraux) khi chúng biểu đạt một ý niệm chung và là riêng (particuliers) trong trường hợp ngược lại.

Ở các thuật ngữ chung, có hai đặc điểm: nội hàm (compréhension), tức tập hợp các đặc điểm phân biệt ý niệm được biểu đạt với tất cả những ý niệm khác, và trái lại, ngoại diên (extension) là tập hợp các sự vật mà thuật ngữ ấy chỉ đến.

Ngoại diên và nội hàm tuân theo quy luật mà ta phát biểu như sau: “Ngoại diên tỷ lệ nghịch với nội hàm.”

Thực vậy, nếu các đặc điểm phân biệt thuật ngữ này với mọi thuật ngữ khác càng nhiều thì số lượng các đối tượng mà chúng biểu thị sẽ càng ít. Trái lại, nếu thuật ngữ ấy chỉ tới nhiều đối tượng thì đó là vì nó có ít đặc điểm phân biệt hơn.

Giới hạn trên của nội hàm là cái vô hạn, giới hạn dưới của ngoại diên là đơn vị. Thực vậy, khi một ý niệm có nội hàm vô hạn, tức là nó biểu thị một lượng vô hạn các đặc điểm, nó chỉ áp dụng cho một sự vật duy nhất: không thể có hai đối tượng riêng biệt cùng có chung một lượng vô hạn các đặc điểm.

Phán đoán là mối quan hệ giữa hai ý niệm. Mệnh đề phát biểu mối quan hệ này ra bằng ngôn từ. Mọi phán đoán được tạo thành từ ba ý niệm, do đó mọi mệnh đề được tạo thành từ ba thuật ngữ:

1. Chủ từ

2. Thuộc từ, hay vị từ, cái được khẳng định của chủ từ

3. Hệ từ, dùng để nối kết hai thuật ngữ [chủ từ và thuộc từ] với nhau, bằng cách biểu thị thuật ngữ trước thích hợp với thuật ngữ sau. Hệ từ được dùng bao giờ cũng là động từ “là”.

Nói chính xác thì hệ từ có nghĩa là gì? Người ta thường tự hỏi động từ “là” được dùng làm hệ từ có mang tính khách quan không hay chỉ là một ý kiến chủ quan. Nhưng mọi phán đoán đều mang tính chủ quan. Khi tôi nói “Thượng đế là tốt lành” tôi chỉ muốn khẳng định rằng vị từ “tốt lành” thích hợp với chủ từ “Thượng đế” chứ không phải nói đến ý niệm về sự tồn tại nào cả. Cho nên hệ từ bao giờ cũng chỉ biểu thị một mối quan hệ phù hợp hay không phù hợp giữa hai ý niệm, chứ không khẳng định gì về sự hiện hữu khách quan của nối quan hệ này [Xem thêm: Tâm lý học, XXIX, B. tr.].

Các phán đoán có thể được xem xét hoặc từ điểm nhìn chất hoặc từ điểm nhìn lượng. Lượng của một phán đoán là cái cho biết phán đoán ấy là chung (universel) hay riêng (particulier). Mệnh đề chung là mệnh đề mà chủ từ của nó được nói tới trong toàn bộ ngoại diên của từ này: “Mọi người đều là hữu tử.” -- “Không có người nào là bất tử.” Trong cả hai trường hợp, chữ “người” được nói tới trong ngoại diên rộng lớn nhất của nó. Mệnh đề riêng là mệnh đề trong đó chủ từ được nói tới chỉ trong một phần ngoại diên của từ này: “Một vài người là thông minh”. Thuật ngữ “mệnh đề đơn nhất” (proposition singulière) thường được dùng để chỉ nhiều mệnh đề chung, tức mệnh đề ở đó chủ từ của nó là một danh từ riêng.

Từ điểm nhìn chất, người ta phân biệt các mệnh đề là khẳng định hay phủ định. “Con người là thực thể hữu tử.” “Con người không phải là thực thể hữu tử.

Bất cứ mệnh đề nào cũng đều có cùng một lúc cả chất lẫn lượng. Kết hợp các dữ kiện này lại, ta có bốn loại mệnh đề, mà các nhà kinh viện gọi bằng các ký tự A, E, I, O, sau đây:

1. Mệnh đề khẳng định chung A

2. Mệnh đề phủ định chung E

3. Mệnh đề khẳng định riêng I

4. Mệnh đề phủ định riêng O

Cách phân loại này thuận tiện đối với lý thuyết tam đoạn luận. Nó được diễn tả bằng hai câu thơ:

Asserit A, negat E, verum generaliter ambo ;

Asserit I, negat O, sed particulariter ambo.[1]

Ta gọi nghịch đảo một mệnh đề là hoán đổi vị trí của chủ từ và thuộc từ, mệnh đề vẫn đúng, chẳng hạn: “Con người là động vật = một số động vật là con người.”

Đây là các quy tắc xác định lượng mới của mệnh đề khi ta nghịch đảo:

Mệnh đề khẳng định chung trở thành mệnh đề khẳng định riêng. Vì thuộc từ ở trường hợp đầu có ngoại diên lớn hơn chủ từ nên trong trường hợp sau nó phải nhỏ lại.

Mệnh đề riêng không đổi về lượng. “Một số người là thực thể hữu tử” = “một số thực thể hữu tử là người”. Cả thuộc từ lẫn chủ từ đều có ngoại diên bị thu hẹp nên không có những sự thay đổi nào xảy ra.

Mệnh đề phủ định chung không thay đổi cả lượng lẫn chất: “Động vật không phải là hòn đá” “Hòn đá không phải là động vật”.

Cuối cùng, mệnh đề phủ định riêng là không thể nghịch đảo: “Một số kẻ ăn chơi trụy lạc không phải là người giàu” không thể đảo thành “một số người giàu không phải là những kẻ ăn chơi trụy lạc.”

 


[1] Tiếng Latinh: A khẳng định, E phủ định một mệnh đề chung nào đó; I khẳng định và O phủ định nhưng một mệnh đề riêng nào đó.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Bùi Văn Đông - 22:05 24/03/2021
Mình nghĩ cần phải đánh số thứ tự từng mục để người mới , người chưa có tí kiến thức nào về triết học vẫn có thể đọc tuần tự , mình cản giác như chỉ viết cho người am hiểu triết học ấy
Nguyễn Thảoo - 08:27 13/11/2023
đọc chả hiểu cái gì, cái cần thì không có
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt