Nhận thức luận | Khoa học luận

Cái Tôi tư duy (Cogito) trong triết học Descartes

CÁI TÔI TƯ DUY (COGITO)

TRONG TRIẾT HỌC DESCARTES

 

JOHANNES HIRSCHBERGER (1900-1990)

Vũ Hoàng Lan Phương dịch

 


Vũ Hoàng Lan Phương trích dịch từ Johannes Hirschberger. The History of Philosophy. Volume 2. USA: The Bruce Publising Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả gửi.


 

Trong Luận văn về Phương pháp (Discourse on Method/ Discours de la méthode), Descartes trình bày những hướng đi khác nhau mà ông dự định theo đuổi. Trong đó, ông tái hiện cuộc đời mình như là “một bức tranh để mọi người đều có thể rút ra những kết luận của riêng mình về ông” (I.4). Từ đó, ta biết được những mục đích ông đang hướng đến, điểm xuất phát, các phương pháp đặc biệt và những tư tưởng cơ bản của ông.

Mục đích vĩ đại

Descartes nỗ lực đạt được mục đích là đề ra kế hoạch và xây dựng một cấu trúc tuyệt đối vững chắc cho triết học. Hệ thống dành cho triết học cần được phát triển một cách rõ ràng và có tính lôgic tương tự như các chân lý toán học và hình học.

Nhan đề ban đầu của Luận văn về Phương pháp (Discourse on Method/ Discours de la méthode) là: Một Kế hoạch cho Nhận thức Phổ quát Đưa Tâm trí ta đến sự Hoàn hảo Tối cao của chúng (A Plan for Universal Knowledge, Which Brings Our Minds to Their Supreme Perfection) (Thư gửi Mersenne/ Letter to Mersenne, tháng 3, năm 1636). Ngay từ rất sớm, Descartes đã nhiều lần trải nghiệm sự thiếu chắc chắn khi những chân lý tưởng là hiển nhiên hóa ra lại sai lầm. Vì lẽ đó, ông đề xuất đặt một nền tảng hoàn toàn mới cho triết học: “Giống như người bước đi một mình và đi trong chạng vạng mờ tối, tôi quyết định bước đi thật chậm và hết sức thận trọng trong mọi sự, để dù chỉ tiến rất chậm, nhưng ít nhất tôi cũng tự bảo vệ được mình khỏi ngã” (Luận văn về Phương pháp, II, 10; H-R, I, 91).

Hoài nghi là điểm xuất phát

Điểm xuất phát Descartes lựa chọn cho mình chính là sự hoài nghi tuyệt đối. Ta có thể giả định điều gì là chắc chắn? Liệu đó có phải là những niềm tin thông thường trong đời sống hằng ngày hay không? “Tôi cũng nhận ra rằng cùng một người, với cũng tâm trí của người đó, có thể trở nên khác biệt như thế nào theo cách người đó được nuôi dưỡng từ thuở thơ ấu giữa những người Pháp hay người Đức, với khi người đó trải qua cả cuộc đời mình giữa những người Trung Quốc hay những kẻ ăn thịt người. Cũng tương tự như vậy, tôi cũng lưu ý trong cách ăn mặc của một người, cái đã làm ta hài lòng mười năm về trước, và có lẽ cũng sẽ khiến ta hài lòng một lần nữa vào mười năm sau này, thì bây giờ đây lại trông có vẻ kỳ quái và lố bịch như thế nào. Vì thế, tôi cho rằng chính phong tục, thói quen và hình mẫu mới là cái đã thuyết phục ta chứ không phải một tri thức chắc chắn nào cả” (Luận văn về Phương pháp/ và Những Suy niệm về Đệ nhất Triết học: H-R, I, 147).

Liệu sự không chắc chắn này có xuất hiện cả trong các học thuyết triết học hay không? “Ở trường học, tôi đã học được rằng hoàn toàn không thể hình dung được có điều gì đó khó tin hay trái với lẽ thường mà lại không được một triết gia nào dự đoán trước”. Ngay cả cảm giác và nhận thức của giác quan cũng không hề chắc chắn. Rõ ràng là chúng thường xuyên đánh lừa ta. Nếu là vậy thì sự thận trọng sẽ cảnh báo ta đừng bao giờ đặt niềm tin hoàn toàn nơi chúng, ngay cả khi chúng đánh lừa ta chỉ một lần duy nhất.

Điều tương tự cũng đúng đối với lôgic học và toán học. Đúng là một số người thừa nhận đã xảy ra lỗi trong một số ít trường hợp, song họ vẫn khẳng định rằng ta có thể chắc chắn tuyệt đối về những thứ như là quảng tính, kích thước và con số, không gian và thời gian, rằng 2 cộng với 3 sẽ bằng 5, và rằng hình vuông có bốn cạnh. Descartes đã trả lời phản bác này như sau: Liệu không thể có chuyện Thượng đế, “một Hữu thể toàn năng đến thế… có thể đã không tạo ra trái đất, thiên đường, không tạo nên vật thể có quảng tính, không tạo ra độ lớn nào, không có nơi chốn gì hết, vậy nhưng đối với tôi chúng dường như vẫn đang hiện hữu chính xác theo cách mà tôi đang nhìn thấy chúng lúc này thì sao?” (Luận văn về Phương phápNhững suy niệm về Đệ nhất Triết học: H-R, I, 147).

Do đó, ngay cả hiện thực của thế giới bên ngoài cũng không hoàn toàn chắc chắn. Vì ngay chính sự tươi mới và sống động của trí tưởng tượng mà nhờ đó ta nhận ra dấu hiệu rằng mình đang tri giác hiện thực một cách chân thật đôi khi cũng có thể chỉ là giấc mơ của ta, khiến ta không thể phân biệt được đâu là trạng thái mơ và đâu là trạng thái tỉnh bằng bất kỳ tiêu chuẩn xác định nào. Vì lẽ đó, ta phải thừa nhận rằng toàn bộ thế giới tri giác cảm tính này có thể chỉ là thế giới của những mộng tưởng mà thôi. Descartes nói rằng: “Vậy nên tôi sẽ giả sử rằng không có Thượng đế tối thiện hảo và là nguồn suối của chân lý nào cả mà chỉ có Tà thần toàn năng cũng không kém phần quỷ quyệt, dùng hết năng lực của mình để lừa gạt tôi: tôi sẽ tin rằng thiên đường, mặt đất, những màu sắc, các hình dạng, âm thanh và mọi sự vật bên ngoài khác đều không là gì khác ngoài những ảo tưởng và mơ mộng mà Tà thần quỷ quyệt đó lợi dụng lừa gạt tính cả tin của tôi; tôi sẽ coi bản thân mình như là không có tay, không có mắt, không có xác thịt, không có máu, cũng không có giác quan nào cả, song lại tin tưởng một cách sai lầm rằng bản thân mình lại thực sự có tất cả những thứ đó” (Suy niệm thứ nhất trong Những suy niệm về Đệ nhất Triết học Luận văn về Phương pháp, II-IV ; H-R , I, 148).

Chân lý tuyệt đối

Sự hoài nghi của Descartes, như ta có thể dễ dàng thấy được, chính là sự hoài nghi tuyệt đối. Sự hoài nghi này, đến lượt nó, sẽ hướng dẫn ta đạt đến chân lý tuyệt đối. Ngay cả khi bị lừa gạt về mọi điều khác thì ta vẫn có thể đặt niềm tin vào hai sự thật không thể nghi ngờ, đó là: việc tư duy và cái tôi đang tư duy. “Trong khi tôi muốn nghĩ rằng tất cả đều là giả trá, thì điều tuyệt đối chắc chắn là “Tôi”, người đã nghĩ về điều đó, phải là một cái gì có thật, và nhận thấy rằng chân lý Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại, là vô cùng chắc chắn và được đảm bảo đến mức mọi giả định phi lý nhất của những nhà hoài nghi cũng không thể lay chuyển được nó, nên tôi đi đến kết luận rằng tôi có thể không do dự chấp nhận chân lý này như là nguyên lý đầu tiên của nền triết học mà tôi đang tìm kiếm” (Luận văn về Phương pháp, phần IV và Suy niệm thứ Nhất trong Những Suy niệm về Đệ nhất Triết học: H-R, 101). Từ đó, Descartes đã có được điều ông vất vả tìm kiếm bấy lâu.

Những đặc điểm của cái Tôi tư duy

Nếu ta ghi nhớ những phẩm chất đặc trưng của cái Tôi tư duy của Descartes, ta sẽ có được dưới dạng tóm tắt những yếu tố quan trọng nhất của toàn bộ triết học Descartes. Có năm đặc điểm quan trọng của cái Tôi tư duy sẽ được ta xem xét chi tiết sau đây.

1) Trực giác

Trước hết, ta bàn về trực giác. Trong Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại (Latinh: Cogito ergo sum), ta không làm việc với một kết luận thuộc tam đoạn luận, mặc dù việc sử dụng từ ergo, hay “vậy” có thể khiến ta có ấn tượng này. Ngoài việc Descartes đã trả lời phản bác này trong phần Những trả lời cho các phản bác (Replies to Objections), II, IV, ta cũng có thể lưu ý đến sự kiện là nguyên tắc cơ bản này của Descartes còn được phát biểu theo nhiều cách khác nhau trong các tác phẩm khác. Trong Suy niệm thứ Nhất, ít nhất là trong bản phác thảo ra đời trước (năm 1629) tác phẩm Luận văn về Phương pháp, không có từ vậy (ergo). Lập trường của ông lúc này có lẽ mới chỉ nhằm khẳng định rằng chính hành động hoài nghi, vốn bản thân là một hình thức tư duy, đã thể hiện rõ ràng sự hiện hữu của cái Tôi như là cái gì đó đang tư duy. Bản thân “tư duy” đã bộc lộ như là đặc điểm hiện hữu của con người. Nói cách khác, Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại (Cogito ergo sum) là tương đương với tôi tồn tại như là tư duy (cogitans sum).

Bản thân Descartes khẳng định rõ ràng rằng công thức của ông không phải là sự trình bày về một tam đoạn luận mà là một trực giác trực tiếp (xem Luận văn về Phương pháp phần IV. 4 và Những Quy tắc Hướng dẫn Trí tuệ, Quy tắc III, 5). Descartes hiểu trực giác “không phải là bằng chứng phù du của các giác quan, cũng không phải phán đoán sai lạc bắt nguồn từ cấu trúc sai lầm của trí tưởng tượng, mà chính là sự quan niệm do một tinh thần minh mẫn và chăm chú mang lại cho ta một cách sẵn sàng và phân minh đến mức ta hoàn toàn thoát khỏi sự hoài nghi về điều ta nhận thức, hay, cũng đồng nghĩa như thế, trực giác chính là sự quan niệm không chút hoài nghi của một tinh thần minh mẫn và chăm chú, bắt nguồn từ ánh sáng của riêng mình lý tính mà thôi” (Những Quy tắc Hướng dẫn Trí tuệ, Quy tắc III, 5; H-R, I, 7). Để ví dụ về trực giác, Descartes nêu ra trực giác về sự hiện hữu, về ý thức, về một hình tam giác được bao bọc bằng ba cạnh, về một quả bóng có giới hạn là một bề mặt duy nhất, và nhiều ví dụ cùng loại khác nữa, vì đã có rất nhiều phán đoán thuộc loại này. Tuy nhiên, ta thường cảm thấy xấu hổ khi lấp đầy tâm trí mình bằng những thực tại đơn giản như vậy. Ngày nay, ta thay thế trực giác đơn giản của Descartes bằng “trực giác về bản chất”. Điều vô cùng quan trọng là hiểu được đặc tính trực giác này của cái Tôi tư duy (cogito), vì nó có vai trò quyết định đối với toàn bộ triết học Descartes, hai điểm tiếp theo đều dựa trên cơ sở này, đó là: tiêu chuẩn chân lý của Descartes và bản tính toán học-hình học của khái niệm về nhận thức của ông.

2) Tiêu chuẩn chân lý của Descartes

Descartes tin rằng công thức của ông, nhận thức rõ ràng và phân minh (Latinh: perceptio clara et distincta), mang đến tiêu chuẩn của chân lý. Ông tin rằng mình có thể thiết lập được quy tắc khái quát như sau: Mọi thứ đều là chân thật nếu tôi có thể nhận thức chúng rõ ràng và phân minh: Illud omne esse verum quod valde clare et distincte percipio (Những Suy niệm về Đệ nhất Triết học, III, 4 và Luận văn về Phương pháp, IV, 5). Như đã lưu ý, quy tắc này được thiết định bởi chân lý nền tảng thứ nhất, đó là Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại (Latinh: ego sum,  ego existo... cogitans).

Descartes định nghĩa vô cùng chi tiết về điều ông muốn ta hiểu qua cụm từ “rõ ràng và phân minh”. “Tôi gọi là rõ ràng khi đó là cái hiện diện và bộc lộ đối với một tinh thần đang chăm chú… Còn phân minh là cái vốn đã rõ ràng và được phân biệt khỏi các đối tượng khác, khiến cho nó không chứa đựng điều gì khác ngoài những gì rõ ràng” (Các nguyên lý/ Principles/ Principia, I, 45; H -R, I, 237). Trong trực giác về bản chất, một biểu tượng không chỉ được nắm bắt chính xác tự nơi bản thân nó, mà còn được nhìn nhận ở sự đồng nhất riêng biệt của nó, không lẫn lộn với những biểu tượng khác.

Điều quan trọng hơn là Descartes không đề cập gì đến sự phù hợp giữa nhận thức và đối tượng (Latinh: adaequatio intellects et rei). Chân lý là vấn đề của lý tính; do đó, rõ ràng là Descartes làm việc với trực giác của bản chất khi giải quyết vấn đề liên quan đến chân lý cơ bản. Hay ta có nên nói là: Chân lý là vấn đề của riêng mình lý tính và phương pháp của lý tính, không liên quan gì đến tồn tại? Trong thực tế, cách diễn giải này về tiêu chuẩn chân lý của Descartes gây được sự chú ý đáng kể qua nhiều thời đại liên tiếp. Tuy nhiên, sự phát triển này chỉ có nghĩa là ý nghĩa cơ bản của ông đã thay đổi. Trong tâm trí Descartes, nhận thức rõ ràng và phân minh có nguồn gốc từ ý niệm rõ ràng và phân minh. Trực giác về bản chất của ông trong thực tế chính là trực giác về ý niệm và do đó cũng là trực giác về tồn tại, chính vì trực giác là vấn đề thuộc về lý tính được hiểu theo nghĩa của thời cổ đại. Đây là chuỗi tư tưởng có thể truy nguyên từ Plato qua Plotinus và Augustine rồi xuống đến Anselm. Descartes nợ Anselm không chỉ vì luận cứ chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế mà còn vì lý thuyết nhận thức của ông. Học thuyết Augustine (Augustinianism) mà ông thông thạo qua Bérulle được thể hiện rõ ràng trong tư tưởng của ông hơn là học thuyết Thomas [Aquinas] (Thomism) được ông tiếp thu ở trường La Flèche. Đối với nhà tư tưởng như Descartes, người luôn xoáy vào những vấn đề bản chất, không khó để nhận ra học thuyết Plato (Platonism) đằng sau “học thuyết Aristotle” (Aristotelianism). Không có sự định hướng theo kiểu Plato này thì nhận thức rõ ràng và phân minh của ông sẽ chỉ đơn thuần là lý luận tinh vi vô căn cứ, thậm chí chỉ là một sự ngụy biện mà thôi.

3) Đặc tính hình học của cái Tôi tư duy

Yếu tố thứ ba được mang lại trong cái Tôi tư duy (cogito) như là chân lý cơ bản nhất chính là đặc tính toán học-hình học của ý hệ Descartes. Phương pháp hình học của Spinoza có nguồn gốc từ Descartes. Cái Tôi tư duy là một “nguyên tắc”, một yếu tố “đơn giản”, một “cái tuyệt đối”. Thông qua việc sử dụng những “cái tuyệt đối” như vậy, mọi cái đa hợp đều có thể được phân tích [tháo rời] và, đến lượt mình, chúng gắn kết với nhau thành một hệ thống mạch lạc bằng sự diễn dịch có tính lôgic nghiêm ngặt. Sự diễn dịch hình thành nên hoạt động thứ hai trong hai hoạt động trí tuệ của ta (Descartes chỉ công nhận sự diễn dịch và trực giác như ông phát biểu trong Những Quy tắc Hướng dẫn Trí tuệ, Quy tắc III, 4). Descartes định nghĩa sự diễn dịch chính là: “mọi suy luận tất yếu từ những sự kiện được nhận thức một cách chắn chắn” (Những Quy tắc Hướng dẫn Trí tuệ, Quy tắc III, 8, H-R, I, 8).

Nói cách khác, nhận thức của ta không chỉ là đơn giản (như được minh họa trong nhận thức thông qua trực giác của ta); nó cũng có tính đa hợp (như trong nhận thức đạt được bằng sự diễn dịch). Nếu muốn đạt đến nhận thức chắc chắn, ta phải từng bước hình thành nên cấu trúc cho cái toàn bộ từ những nguyên tắc đúng đắn và được nhận thức rõ ràng. Ta phải tiến hành “bằng hành động liên tục và không gián đoạn của tinh thần đã thấu suốt về từng bước trong quá trình” (Những Quy tắc Hướng dẫn Trí tuệ, Quy tắc III. 8; H-R, I, 8). Descartes minh họa cho cách thức phải tiến hành bằng việc so sánh nhận thức của ta với một chuỗi lớn. Nếu chuỗi quá dài, ta không thể dễ dàng xác định chắc chắn liệu mắt xích cuối cùng có liên kết với mắc xích đầu tiên hay không cho đến khi ta khảo sát được toàn bộ chuỗi. Chỉ khi đó, ta mới có thể chắc chắn là toàn bộ các mắt xích đều nối kết với nhau. Do đó, trong Quy tắc V, Descartes tuyên bố: “Phương pháp phải hoàn toàn tuân theo trình tự và sự sắp đặt của các đối tượng được tinh thần ta hướng đến, nếu ta muốn tìm ra chân lý. Ta tuân theo phương pháp này một cách chính xác bằng cách giản lược từng bước những mệnh đề phức tạp và khó hiểu thành những mệnh đề đơn giản hơn, kế đó, bắt đầu từ sự lĩnh hội có tính trực giác về những mệnh đề hoàn toàn đơn giản này, ta nỗ lực tiến đến nhận thức về tất cả những thứ khác bằng những bước đi tương tự như vậy” (H-R, I, 14). Con đường đi từ cái phức tạp đến cái ít phức tạp hơn, từ cái đơn giản đến cái đơn giản hơn, chính là bí quyết của toàn bộ phương pháp của Descartes: “Có rất ít các bản chất (bản tính) đơn giản… chúng chính là những sự kiện được gọi là cái đơn giản nhất trong bất kỳ chuỗi đơn lẻ nào. Mọi cái khác chỉ có thể được quan niệm như là những sự diễn dịch xuất phát từ những cái đơn giản nhất đó” (Những Quy tắc Hướng dẫn Trí tuệ, Quy tắc VI, 6; H-R, I, 87).

Phương pháp nhận thức có tính hình học-phân tích này là đặc trưng của Descartes: “Những chuỗi lý luận dài, vốn đơn giản và dễ dàng, thường được các nhà hình học sử dụng để đạt được những chứng minh khó khăn nhất của họ, là nguyên nhân khiến tôi hình dung rằng tất cả những sự có thể lọt vào nhận thức của con người rất có thể đều liên quan với nhau theo cùng cách thức như vậy” (Luận văn về Phương pháp, II, 18; H-R, I, 92).

Từ thời thơ ấu, Descartes đã thể hiện rõ sự ưa thích của mình đối với lý luận toán học. Cái Tôi tư duy của ông đã mở đường cho lý thuyết xem nhận thức như là sự phân tích và tổng hợp của tâm trí được hướng dẫn bởi những phương pháp hình học. Trực giác được mang lại trong cái Tôi tư duy là hình mẫu cho mọi thứ “đơn giản”. Thành tựu lớn nhất của phương pháp này chính là việc khám phá ra hình học giải tích. Các hình vẽ hình học có thể được truy nguyên từ những đại lượng cơ bản đơn giản và từ những mối quan hệ tương hỗ có thể được biểu thị bằng toán học giữa chúng. Nếu ta biết được quan hệ của tất cả các điểm của một đường cong với mọi điểm của một đường thẳng, ta có thể tìm ra quan hệ giữa các điểm này với tất cả những điểm và đường khác, và ta có thể diễn đạt chúng trong các phương trình. Theo cách này, ta có thể đi từ những yếu tố đơn giản nhất để hình thành nên mọi sự tổng hợp có thể có một cách thiết thực. Đây chính là thắng lợi của thuyết duy lý.

4) Những ý niệm bẩm sinh

Nếu muốn đánh giá tư tưởng của Descartes về mặt triết học thì ngoài những đặc trưng nổi bật trong quan điểm có tính trí tuệ của Descartes, ta cũng cần phải xem xét vai trò của những khởi điểm đơn giản và tuyệt đối của ông đối với lịch sử triết học, những khởi điểm đã hình thành nên những thành phần đầu tiên của một chuỗi từ đó có thể diễn dịch ra mọi thứ khác. Chúng thuộc về truyền thống Plato-Augustine, như ta đã lưu ý trong phần nói về “nhận thức rõ ràng và phân minh”. Một lần nữa, ta lại đối diện với học thuyết về những ý niệm.

Những khái niệm quan trọng trong học thuyết này là khái niệm về cái tuyệt đối và cái tương đối. Descartes phát biểu rằng: “Tôi gọi đó là cái tuyệt đối khi nó chứa đựng bên trong bản thân mình bản chất (bản tính) thuần túy và đơn giản mà ta đang tìm kiếm”. Ông đưa ra ví dụ đó là “bất cứ cái gì được xem là tồn tại độc lập, hay là một nguyên nhân, hay là cái đơn giản, hay cái phổ quát, cái một, cái đồng đều, cái giống, cái thẳng [trực tiếp], và vân vân”. Ngược lại, cái tương đối (respectivum) là “cái trong khi thông dự vào cùng bản tính hay ít nhất là chia sẻ bản tính ấy ở một mức độ nào đó cho phép ta liên hệ nó với cái tuyệt đối và diễn dịch nó từ cái tuyệt đối bằng một chuỗi các thao tác, đã bổ sung vào trong khái niệm của nó cái tôi gọi là tính tương đối (respectus)”. Ông đưa ra ví dụ về cái tương đối là “bất cứ cái gì được xem là phụ thuộc, hay là một nguyên nhân, hay là cái đa hợp, cái đặc thù, cái nhiều, cái không đồng đều, cái khác, cái quanh co [gián tiếp]” (Những Quy tắc Hướng dẫn Trí tuệ, Quy tắc VI, 3 và 4; H-R, I, 15-16). Chỉ cần đọc những thuật ngữ này – bản tính thuần túy, sự thông dự, sự suy ra cái thấp hơn từ cái cao hơn, cái một, cái đồng đều, cái giống, cái thẳng [trực tiếp], cái không giống, cái nhiều – là đủ để thấy được ta lại lần nữa làm việc với những khái niệm cơ bản của Plato (xem tập I, phần I, mục 2, chương 5: Plato – I: Về cái Thiện và cái Chân, phần: Cái Chân).

Kế đó, Descartes đã phát biểu rằng (Quy tắc VI, 6) những bản tính đơn giản này được ta nhận biết ngay lần đầu tiên bắt gặp chúng “hoặc bằng kinh nghiệm cá nhân của mình hoặc thông qua những ánh sáng bẩm sinh bên trong ta”. Ở đây, ông không phân biệt giữa cái được mang lại bởi kinh nghiệm và cái được quy cho ánh sáng bẩm sinh; đối với ông, chúng không có sự khác biệt mang tính bản chất nào cả. Dù thế nào đi nữa, Descartes đã công nhận sự tồn tại của “những ý niệm bẩm sinh” (ideae innatae).

Trong những ý niệm bẩm sinh này, trước hết, ta phải kể đến ý niệm về bản thể vô hạn hay ý niệm về Thượng đế và tiếp theo đó là ý niệm về bản thể hữu hạn cùng hai sự phân biệt quan trọng của nó là bản thể tư duy (res cogitans) và bản thể có quảng tính (res extensa) (Suy niệm thứ ba của Những Suy niệm về Đệ nhất Triết học; Các nguyên lý, I, 13 và tiếp). Thêm nữa, có những ý niệm đến với ta từ thế giới bên ngoài (ideae adventitiae) và những ý niệm khác do ta tự mình tạo nên (ideae a me ipso factae). Tuy nhiên, cả hai loại ý niệm này luôn đáng ngờ  (Những suy niệm về Đệ nhất Triết học, III. 13-25), trong khi những ý niệm bẩm sinh luôn rõ ràng và phân minh, và vì thế, chúng là chân thật.

Cần tránh hiểu lầm những ý niệm bẩm sinh của Descartes như thường thấy. Đối với Descartes, ý niệm không phải là một nội dung xác định phải liên tục hiện diện và được biết đến trong tâm trí ta. Nếu xem xét những ý niệm theo nghĩa này, ta sẽ buộc phải loại bỏ một cách tất yếu mọi khả thể của ý niệm bẩm sinh. Ngay cả Descartes cũng công nhận điều này trong câu trả lời của mình cho Phản bác thứ Mười của Hobbes.

Nhưng đây không phải là khái niệm của Descartes về ý niệm. Đối với ông, ý niệm là “bất kỳ điều gì sự định hướng tâm trí nhận thức được”; nó là cái “mà lý tính cho ta biết” (trả lời cho các phản bác thứ Năm và thứ Chín của Thomas Hobbes; H-R, II, 68, 71). Descartes tuyên bố một cách rõ ràng rằng: “Tôi không bao giờ viết hay kết luận rằng tâm trí buộc phải có những ý niệm bẩm sinh vốn khác biệt ở một số phương diện nhất định với chức năng tư duy của tâm trí; nhưng khi tôi quan sát sự hiện hữu của một số tư tưởng nào đó bên trong tôi, không do các đối tượng bên ngoài mang lại cũng không xuất phát từ sự quy định ý chí của tôi, mà có nguồn gốc chỉ từ chức năng tư duy bên trong tôi, thì tôi có thể phân biệt những ý niệm hay quan niệm này với những tư tưởng ngẫu nhiên và giả tạo khác, tôi gọi những ý niệm này là “bẩm sinh”” (Những ghi chú chống lại Cương lĩnh/ Notes against a Programme; H -R, I, 4-12). Phát biểu trên cho thấy rõ ý nghĩa thực sự của các ý niệm bẩm sinh theo Descartes. Chúng tương tự như những chân lý của lý tính được Leibniz đề xuất sau này; chúng chính là những yếu tố tiên nghiệm trong mọi mệnh đề của ta về sự tồn tại; chúng là những gì mà các triết gia cổ đại gọi là cấu trúc bản chất của sự vật và là cái mà các nhà tư tưởng hiện đại gán cho tên gọi “những trực giác về bản chất”. Những người phản đối Descartes phản bác rằng nếu những ý niệm là bẩm sinh thì chúng phải luôn luôn được nhận thức, điều này cho thấy họ đã hiểu sai vấn đề đến mức nào. Như Descartes đã giải thích, nội dung của trí tuệ bao hàm cả những gì không thể xuất phát từ năng lực sáng tạo của ta hay có nguồn gốc từ những đối tượng bên ngoài, từ thế giới kiện tính thuần túy. Tâm trí ta chứa đựng bên trong bản thân nó cái gì buộc ta phải công nhận như là một yếu tố mang tính bản chất và tất yếu của mọi tư tưởng, có trước mọi kinh nghiệm. Bằng cách này, Descartes đã mô tả một cách chính xác bản tính của những ý niệm bẩm sinh: chúng chính là những chân lý vĩnh hằng, tất yếu và có tính hữu thể học.

5) Niềm tin vào chân lý của Descartes

Điều này cũng chỉ ra rằng sự hoài nghi của Descartes chỉ có tính phương pháp mà không có tính hiện sinh. Ngay từ khi bắt đầu, Descartes đã vững tin rằng chân lý là khả hữu. Ông giả định sự hoài nghi tuyệt đối như là khởi điểm cho triết học của mình không nhằm mục đích ủng hộ sự hoài nghi mà để trợ giúp cho việc truy tìm chân lý. Vì lẽ đó, triết học hiện sinh hiện đại đã có lý do chính đáng để từ chối ông. Descartes là kiểu triết gia lý thuyết, và niềm tin ông dành cho những bản chất vĩnh hằng và các chân lý là không thể lay chuyển. Ở khía cạnh này, ông được xếp vào cùng hàng ngũ rất dài của các nhà tư tưởng cổ đại và trung đại.

Hệ quả của cái Tôi tư duy (cogito)

1) Thuyết duy chủ quan hay duy chủ thể (subjectivism)

Bất chấp điều này, Descartes vẫn là cha đẻ của triết học hiện đại bởi lẽ những luận điểm của ông đã được sử dụng như là các khởi điểm cho những sự phát triển triết học tiếp theo sau này, mang tính hiện đại một cách điển hình. Điều này thể hiện rõ trước nhất trong một số xu hướng được tóm lược dưới tiêu đề thuyết duy chủ quan hay duy chủ thể (subjectivism).

Kể từ thời Descartes, ta đã biết về tính thứ nhất của chủ thể vượt trên đối tượng, của cái bên trong vượt trên cái bên ngoài, của ý thức vượt trên tồn tại, và của tính nội tại vượt trên sự siêu việt. Đối với các nhà tư tưởng cổ đại và trung đại, cái khách quan và cái thực tồn, nhất là thế giới vật chất, lại được định đề hóa như là dữ liệu thứ nhất. Nhưng từ nay trở đi, mọi thứ diễn ra theo chiều ngược lại và mới là cái đúng thật: cái khách quan bị cái chủ quan thay thế và chiếm chỗ. Do đó, Descartes đã làm nên khả thể cho thuyết duy tâm lý Anh, cho triết học về tính nội tại của người Đức, và cho cả nhân học triết học hiện đại nói chung. Từ đó, ta có thể thấy được tầm quan trọng có tính nền tảng của Descartes đối với thời hiện đại. Sự quan trọng này không phải là cái gì do tưởng tượng mà có; nó chính là sự kiện có thật. Tuy nhiên, ta không được quên rằng trong tất cả những hệ quả tác động này, ta phải đối diện với những vấn đề liên quan đến sự chuyển đổi hay sự xuyên tạc nhiều hơn là sự phát triển trong nghĩa xác thực nhất của từ này. Bất chấp sự hoài nghi ban đầu của mình, bản thân Descartes không chỉ xác tín về tính hiện thực của thế giới vật chất mà còn tin vào giả định của Parmenide rằng tư duy và tồn tại đồng nhất với nhau. Ông nhìn thấy trong ratio hay trong ý niệm cái ratio rei hay ý niệm về hiện thực, giống như mọi nhà triết học Kinh viện khác.

Chắc chắn rằng, luận cứ chứng minh của ông về việc ta không tạo nên tồn tại từ trí tưởng tượng của chính mình – được ông trình bày trong một hình thức rất cấp tiến – “Tôi thấy một cách minh bạch rằng không có dấu chỉ chắc chắn nào qua đó ta có thể phân biệt rõ ràng lúc ngủ và lúc thức” (Những Suy niệm về Đệ nhất Triết học, Suy niệm thứ Nhất, 7; H-R. 1, 146), là không thực sự thuyết phục, như ông đã thẳng thắn thừa nhận. Tuy nhiên, ông vẫn kiên định duy trì quan điểm về tính hiện thực của thế giới vật chất; và nguồn gốc tối hậu cho sự xác tín của Descartes chỉ được làm rõ khi ông viện đến “tính chân thật” của Thượng đế lòng lành (Luận văn về Phương pháp, IV, 10-12).

2) Nhân học triết học

Như đã đề cập, thắng lợi lớn nhất của Descartes thể hiện trong sự phát triển như vũ bão của nhân học triết học kể từ thời của ông. Trong Lời dẫn nhập tác phẩm Truy tìm chân lý (Recherche de la vérité) của mình, ông viết rằng khao khát của ông là khám phá ra những kho báu đích thực của linh hồn con người “bằng cách mở ra cho mỗi người con đường tìm kiếm bên trong chính bản thân mình – không vay mượn từ bất kỳ nguồn nào khác – toàn bộ tri thức cần thiết cho việc định hướng cuộc đời mình” (H-R, I. 305). Mặc dù sự nhấn mạnh của Descartes đối với phân tích nội quan không phải hoàn toàn mới mẻ – đây là một trong những mô típ dẫn đạo của thời Phục hưng, chưa kể của toàn bộ truyền thống Augustine – tuy nhiên, Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại (cogitans sum) của Descartes đã mở ra cho triết học hiện đại con đường mới cho nhiều người khi họ theo đuổi những mục tiêu mới mẻ. Song, một lần nữa, trong vấn đề nhân học triết học này, ta cần lưu ý rằng những lập trường của các triết gia sau này lại xuyên tạc lập trường ban đầu của Descartes nhiều hơn là phát triển nó. “Bó những tri giác” của Hume, “cái Tôi siêu nghiệm” của Kant, “cái Tôi sáng tạo” của Fichte, “siêu nhân” của Nietzsche, và cái “Tôi” toàn năng của đám đông quần chúng đều khác biệt rất xa với bản thể tư duy (res cogitans) của Descartes vốn vẫn là bản thể theo nghĩa của triết học Kinh viện, có nguyên mẫu bất biến và tất yếu. Cho dù vậy, trong Suy niệm thứ Hai của mình, Descartes đã đặt cơ sở cho mọi sự phát triển khả hữu trong nhân học triết học. Các nhà tư tưởng về sau ắt phải nhận thấy rằng việc tìm hiểu bản tính của tinh thần con người dễ dàng hơn nhiều so với tìm hiểu thân xác con người (H-R, I, 149).

3) Lý thuyết nhận thức

Hệ quả thứ ba và có lẽ là rộng rãi hơn của cái Tôi tư duy chính là lý thuyết nhận thức hiện đại với những câu hỏi liên quan đến ý nghĩa của tri giác cảm tính, nguồn gốc của các ý niệm, bản chất của khoa học và chân lý, và nhất là câu hỏi về phương pháp triết học đúng đắn. Kể từ khi Descartes đưa ra sự hoài nghi về nhận thức con người, triết học hiện đại luôn không ngừng tìm kiếm cơ sở tối hậu cho lý luận khoa học. Mọi nhà tư tưởng lỗi lạc đều có những đóng góp và điểm nhấn đặc biệt của riêng mình – ta có những Locke, Hume, Kant. Trong thực tế, theo phái Kant mới, triết học xét ở mọi phạm vi và mục đích đều tương đồng với lý thuyết nhận thức và các phương pháp. Các nhà tư tưởng lớn có lập trường khác biệt nhau hoàn toàn khi bàn về vấn đề này, và vì thế, đã làm phát sinh nhiều xu hướng triết học khác nhau thể hiện trong các trường phái. Cũng như siêu hình học là mối quan tâm chính yếu của các nhà tư tưởng trung đại thì lý thuyết nhận thức chính là mối bận tâm hàng đầu của các triết gia hiện đại. Thời Trung cổ dĩ nhiên cũng có lý thuyết nhận thức; nhưng nó không phải là mối bận tâm thu hút tất cả, không phải là vấn đề trung tâm của triết học. Nó tiền giả định siêu hình học và minh họa cho những điều kiện cùng những hậu quả của nó. Ở thời hiện đại, lý thuyết nhận thức trở thành khoa học tối cao, khoa học phán xét mọi khoa học khác. Toàn bộ triết học phụ thuộc vào nó, nhất là siêu hình học. Điều này được thể hiện rõ ràng trong Phê phán Lý tính Thuần túy (Critique of Pure Reason) của Kant.

Ở đây, ta lại bắt gặp một sự xuyên tạc đối với lập trường ban đầu của Descartes. Đối với ông, sự hoài nghi chỉ có tính phương pháp; và khả thể của siêu hình học là một sự xác tín tiên nghiệm. Tuy nhiên, ngày nay, các triết gia làm cho sự hoài nghi của mình trở nên nghiêm trọng hơn, và siêu hình học đứng vững hay sụp đổ tùy thuộc vào việc họ quan niệm về bản tính của nó như thế nào. Sự chuyển biến cơ bản này của triết học Descartes, sự tiếp thu một số yếu tố này trong tư tưởng của ông và sự mở rộng tiếp theo sau đó các yếu tố này thành những lý thuyết, triết thuyết và ý hệ chưa bao giờ được ông gợi ý và có lẽ ông còn chưa từng có ý niệm nào dù mơ hồ nhất về chúng, đã cung cấp rất nhiều thông tin cho việc nghiên cứu sâu hơn về sự phát triển của lịch sử triết học.

4) Thuyết duy lý

Như ta kỳ vọng một cách tự nhiên, cái Tôi tư duy được phản ánh sâu sắc trong sự phát triển của thuyết duy lý mà Descartes chính là bậc tiền bối mẫu mực. Điển hình cho lối tư duy duy lý chính là ý niệm rõ ràng và phân minh (idea clara et distincta), khái niệm có tính toán học về khoa học, phương pháp phân tích và tổng hợp của ông (xem thêm bốn quy tắc trong Luận văn về Phương pháp, trang 31, 14 đến 17), là sự ưu ái ông dành cho cái phổ quát và cái có tính khái niệm, và là sự thờ ơ của ông đối với cái đặc thù hay bất cứ cái gì không thể được diễn đạt bằng những khái niệm. Cụ thể, niềm tin của ông đối với tính có thể được thâm nhập bằng lý tính của mọi tồn tại chính là đặc trưng của mọi nhà duy lý. Decartes viết rằng: “không có điều gì xa xôi đến mức ta không thể đạt đến, cũng không có gì bí ẩn đến mức ta không thể nào khám phá ra được… tôi đã khám phá ra một quy tắc giúp tôi tìm ra những quy tắc khác nữa… tôi có thân xác định nên dùng phương tiện nào để giải quyết vấn đề trước nay tôi vẫn chưa giải quyết được, và biết được tôi có thể giải quyết chúng đến mức độ nào” (Luận văn về Phương pháp, II, 18,; H-R, I, 92-93).

Vượt trên cả phong trào trí tuệ đặc biệt này, ta có cảm tưởng trong thuyết duy lý của Descartes vẫn còn một yếu tố khác nữa được tích hợp thành tinh thần của thời hiện đại, đó là: khái niệm về ý thức của Descartes. Như Descartes đã khẳng định rõ ràng, hành vi tư duy (cogitatio) bao gồm mọi thứ như: hoài nghi, khẳng định, phủ định, nhận thức khiếm khuyết, sự vô minh, ý chí, sự bác bỏ, sự tưởng tượng, và thậm chí cả cảm giác (Những Suy niệm về Đệ nhất Triết học, III, 2). Do đó, nó bao gồm cái gì không phải là ý niệm. Sự bao gồm cái phi-ý thể, cái phi-khái niệm, cái không-thể-tư-duy như là một thể cách hay biến thể của quá trình tư duy (cogitatio) này chính là thuyết duy lý thuần túy và đơn giản. Khi ta mô tả đời sống linh hồn như là “ý thức” và cho phép “nhận thức” được hiểu theo cách này là ta đang dùng cách nói và ngôn ngữ của Descartes. Nhằm chống lại sự giới hạn mang tính duy lý này đối với đời sống tinh thần con người, các triết gia của sự sống đã tiến hành một cuộc chiến quyết liệt với lời kêu gọi: “Tâm trí chính là kẻ thù của linh hồn”.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt