Nhận thức luận | Khoa học luận

Chống lại chủ nghĩa hình thức sơ đồ hóa

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

LỜI TỰA

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

 

14.

CHỐNG LẠI CHỦ NGHĨA HÌNH THỨC SƠ ĐỒ HÓA

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.


 

 

§ 50

Sau khi “tính cặp ba” [hay “tính nhịp ba”] (Triplizität) của Kant mới được tái phát hiện bằng “bản năng”, còn chết cứng và chưa được thấu hiểu bằng Khái niệm đã được nâng lên thành ý nghĩa tuyệt đối, như thể qua đó, hình thức đúng thật đã được đồng thời thiết định trong nội dung đúng thật của nó và Khái niệm về Khoa học đã được ra đời, thì việc sử dụng hình thức [sơ đồ] này trong một số lãnh vực càng không thể được xem là xứng danh Khoa học(117). | Bởi ta thấy qua đó, nó bị hạ thấp xuống thành một sơ đồ chết cứng, thành một bóng ma hư ảo; và cấu trúc khoa học bị hạ thấp xuống thành một “biểu đồ” (Tabelle) [suông]. Chủ nghĩa hình thức này – ở trên ta đã nói khái quát, bây giờ đi sâu hơn về cung cách tiến hành (Manier) của nó – tưởng rằng đã thấu hiểu và diễn đạt được bản tính lẫn sự sống của một hình thái khi tuyên bố một quy định của sơ đồ là thuộc tính của hình thái ấy. | Thuộc tính này có thể là tính chủ thể hay tính khách thể, lại cũng có thể là từ, là điện và v.v.., là sự co lại hay dãn ra, là đông hay là tây và những thứ tương tự như thế và có thể được nhân lên vô hạn, bởi theo cách làm ấy, mỗi quy định hay mỗi hình thái đến lượt nó, có thể lại được áp dụng như hình thức hay yếu tố của sơ đồ trong trường hợp của bất kỳ cái nào khác, và mỗi cái đều có thể đền ơn bằng cách phục vụ trở lại tương tự như thế cho cái kia. | Với một vòng tuần hoàn tương hỗ theo kiểu ấy, thật không thể trải nghiệm bản thân Sự việc là gì, cũng như không biết cái này lẫn cái kia là gì. Ở đây, ta thấy khi thì những quy định cảm tính được vay mượn từ trực quan thông thường, những quy định thực ra có ý nghĩa [bedeuten: “có nội dung”] khác với những gì chúng nói ra [xem: Chương I: Sự xác tín cảm tính], khi thì những yếu tố thực sự có ý nghĩa [có nội dung], tức những quy định thuần túy của tư duy như “Chủ thể”, “Khách thể”, “Bản thể”, “nguyên nhân”, “cái phổ biến” v.v.. được sử dụng một cách thiếu kiểm nghiệm, thiếu phê phán giống như trong đời sống thông thường, cũng như khi đề cập đến nào là “lực mạnh” và “lực yếu”, “sự co lại” và “sự dãn ra”, khiến cho thứ Siêu hình học như thế không có tính khoa học, và chẳng khác gì những biểu tượng cảm tính nói trên(118).

         

§ 51

Vậy là, thay vì đời sống nội tại và sự tự-vận động của hiện hữu của nó thì ở đây, điều được phát biểu ra là một tính quy định giản đơn như thế về trực quan, tức ở đây, về cái biết cảm tính, dựa theo một tính tương tự (Analogie) hời hợt bề ngoài; và việc áp dụng công thức một cách ngoại tại và trống rỗng này lại được mệnh danh là “sự cấu tạo” (Konstruktion)(119). Điều xảy ra ở đây cũng giống hệt như trong bất kỳ trường hợp nào của chủ nghĩa hình thức [sơ đồ hóa]. Thật vậy, hẳn đầu óc phải quá ngu muội mới không tiếp thu được trong vòng mười lăm phút một học thuyết [y khoa] dạy rằng [chỉ] có mấy loại bệnh: suy nhược, hưng phấn và suy nhược gián tiếp [do tăng hay giảm đi sự kích thích] với bấy nhiêu phác đồ điều trị; và kẻ nào – được học cấp kỳ như thế mới đây – lại không đủ sức để, trong một thời gian ngắn như thế, có thể từ một tay ngang biến ngay thành một nhà lý luận y học?(120). Còn chủ nghĩa hình thức [sơ đồ hóa] trong môn triết học về Tự nhiên (Naturphilosophie) thì lại dạy rằng giác tính là điện, thú vật là khí ni-tơ hoặc tương ứng với phương nam hay phương bắc gì đấy v.v.. và v.v.. [xem: Chú thích 118]. | Khi làm như vậy, – dù diễn đạt trần trụi, thô thiển như trên hay pha chế thêm bằng nhiều thuật ngữ phức tạp hơn –, điều thực sự diễn ra ở đây là: dùng bạo lực cưỡng bức để kết hợp lại tất cả những gì có vẻ nằm rất xa nhau, buộc những cái cảm tính thụ động phải nối kết lại bằng phương cách ấy, phong cho chúng vẻ ngoài đơn thuần của [sự thống nhất mang tính] Khái niệm, nhưng lại tránh sự vất vả khi phải làm điều chính yếu nhất trong mọi sự, đó là: diễn đạt bản thân Khái niệm, hay diễn đạt cái ý nghĩa [nằm ở bề sâu] của biểu tượng cảm tính. | Vậy, chỉ có ai thiếu kinh nghiệm mới rơi vào chỗ ngạc nhiên thán phục và ngưỡng mộ tính thiên tài sâu sắc nào đó ở trong cách làm này cũng như tỏ ra thích thú trước vẻ sáng sủa của những quy định thuộc loại ấy, bởi chúng thay thế Khái niệm trừu tượng bằng những gì trực quan, [có thể nắm bắt được dễ dàng]. | Điều này càng làm cho họ vui thích hơn nữa và đi đến chỗ tự sùng bái mình, tự chúc mừng mình đã có được sự gần gũi về tinh thần với cách làm tài tình như thế. Mánh lới của lối thông thái ấy vừa dễ học, vừa dễ thực hành. | Nhưng, khi đã quen thuộc rồi thì việc lặp đi lặp lại mánh lới ấy sẽ trở nên chán ngấy giống như việc lặp lại một trò đánh lận con đen đã bị lộ tẩy. Dụng cụ để chế tạo ra chủ nghĩa hình thức sơ đồ đơn điệu này cũng không khó sử dụng hơn bảng màu của một họa sĩ, trên đó chỉ có hai màu, chẳng hạn màu đỏ và màu xanh lá cây; màu đỏ để vẽ nền khi cần có một bức họa về lịch sử; màu xanh để dành cho bức tranh phong cảnh, nếu có ai đó yêu cầu. Thật khó để quyết định xem cái nào là vĩ đại hơn cái nào trong công cuộc này: sự dễ dàng thoải mái khi dùng mớ màu nham nhở ấy để bôi trét lên tất cả sự vật ở trên trời, dưới đất và cả dưới mặt đất nữa, hay là sự tự phụ về tính kỳ diệu của phương tiện vạn năng này: rõ ràng cái này hỗ trợ cho cái kia. Kết quả do phương pháp dùng đôi quy định rút ra từ sơ đồ phổ biến để dán lên khắp mọi hình thái ở trên trời lẫn dưới đất, mọi hình thái tự nhiên lẫn tinh thần, và bằng cách ấy, sắp đặt mọi thứ vào trật tự, không gì khác hơn là một “Tường trình rõ như ban ngày”(121) về cái Toàn bộ hữu cơ (Organismus) của vũ trụ. | “Bản tường trình” này có thể nói là một biểu đồ (Tabelle) giống như một bộ xương khô trên đó được dán rất nhiều bảng hiệu, hay, giống như một dãy hộp kín mít có dán bảng tên trong một cửa hiệu bán đồ gia vị. | Cả hai đều giống hệt nhau ở chỗ rõ ràng, sáng sủa, nhưng, nếu cái trước chỉ còn là một mớ xương khô, mất hết thịt và máu, cái sau cũng ẩn giấu Sự việc vô hồn trong những hộp kín mít ấy, thì bản thân nó cũng đã che dấu hay đánh mất hết bản chất sống động của Sự việc. Trước đây, chúng ta đã ghi nhận rằng: kết quả tối hậu của phương pháp tư duy ấy chỉ dẫn đến một nền hội họa đơn sắc tuyệt đối [chỉ vẽ tất cả bằng một màu duy nhất], bởi nó e ngại trước những sự phân biệt đa tạp trong bảng sơ đồ, xem những sự phân biệt như là thuộc về hoạt động của sự phản tư đơn thuần, để cho chúng chìm sâu trong sự trống rỗng của cái Tuyệt đối, là nơi chỉ tạo ra được sự đồng nhất thuần túy, và một màu trắng vô hình thái. Tính đồng sắc đơn điệu nọ của sơ đồ cùng với những quy định chết cứng của nó và tính đồng nhất tuyệt đối ở đây, cũng như sự chuyển hóa của cái này sang cái kia thì đều giống hệt nhau: chúng đều là biểu hiện của [loại] giác tính chết cứng, đều là tiến trình nhận thức ngoại tại(122).

 

§ 52

Nhưng, không chỉ cái gì “tuyệt vời” (das Vortreffliche) [cái đúng thật, chân lý] là không thể tránh khỏi số phận bị tước bỏ sức sống lẫn tinh thần theo kiểu như thế, cũng như chịu đựng nỗi đau đớn như bị lột da khi chứng kiến cái biết chết cứng nói trên cùng sự tự phụ huênh hoang của nó lấy lớp da của mình [vẻ ngoài bì phu, hời hợt về tính phổ biến của chân lý] để khoác vào [một cách trá ngụy]. Nhưng, thật ra, chính trong số phận như thế mới cho thấy sức mạnh của Chân lý tác động lên trên những “tâm thức” (Gemüter), nếu không muốn nói lên trên những “tinh thần” (Geister) [những người có đầu óc] cũng như sự hình thành nên tính phổ biến và tính quy định của hình thức, tức những gì đánh dấu sự thành tựu trọn vẹn (Vollendung) của “cái tuyệt vời” [Chân lý] và cũng chỉ duy có điều này mới tạo ra khả thể cho việc sử dụng tính phổ biến ấy vào cho tính hời hợt nói trên.

§ 53

Khoa học chỉ có thể tự tổ chức thành một hệ thống hữu cơ thông qua đời sống riêng của Khái niệm. | Trong Khoa học, tính quy định – bị rút ra từ sơ đồ rồi đem gán ghép vào sự hiện hữu một cách ngoại tại – trở thành cái linh hồn tự-vận động của nội dung được lấp đầy [một cách cụ thể]. Sự vận động của hiện hữu [cái đang tồn tại], một mặt, là ở chỗ trở thành một cái khác cho nó, và như thế, là trở thành chính nội dung nội tại (immanent) của nó; mặt khác, thu hồi cái nội dung đã phát triển hay cái hiện hữu [khác] này – vốn là của chính nó –, vào lại trong chính mình; nghĩa là, biến bản thân mình thành một mô-men (Momente) và quy giản chính mình thành [một] tính quy định (sich vereinfacht zur Bestimmheit). Trong tiến trình vận động thứ nhất, tính phủ định là [chức năng] phân biệt và thiết định sự hiện hữu (Dasein); còn trong tiến trình thứ hai tức tiến trình thu hồi vào trong chính mình này, thì tính phủ định là sự trở thành [phát triển] của tính đơn giản nhất định [bestimmte Einfachheit = tính đơn giản được quy định]. Bằng cách như thế, nội dung cho thấy tính quy định của nó không phải là do nhận được từ một cái gì khác và được gán ghép vào, mà là tự mang lại tính quy định cho chính mình và tự thu xếp chính mình để trở thành một mô-men (ein Moment) và thành một vị trí (eine Stelle) của cái Toàn bộ(123). Loại giác tính sơ đồ hóa bám giữ lấy cho mình sự tất yếu và khái niệm về nội dung, tức cái gì tạo nên chất liệu cụ thể, hiện thực và sự vận động sinh động của Sự việc do nó sắp đặt; hay, đúng hơn phải nói rằng, giác tính ấy chẳng hề bám giữ được gì cho mình cả, trái lại, không hề biết đến điều ấy, bởi nếu giả thử nó có được sự thức nhận (Einsicht) như vậy, ắt nó đã cho thấy rõ. Nó cũng không hề có ý thức về nhu cầu cần phải có một sự thức nhận như vậy, bởi nếu không, nó ắt đã từ bỏ việc sơ đồ hóa, hoặc ít ra, không còn chịu nhận thức với một “bảng sơ đồ” về nội dung. | Nó [giác tính] chỉ mang lại bảng sơ đồ về nội dung, còn bản thân nội dung thì nó lại không cung cấp được.

Ngay cả khi tính quy định đặc thù là cái gì cụ thể và hiện thực tự-mình (an sich) – nói chẳng hạn: từ tính –, thì tính quy định ấy cũng bị hạ thấp xuống thành một cái gì chết cứng, bởi nó chỉ được dự đoán từ một hiện hữu khác, chứ không hề được nhận thức như là đời sống nội tại của hiện hữu ấy, hay như là: tính quy định nói trên có trong hiện hữu ấy sự tự-sản sinh và sự trình bày đích thực và riêng biệt của chính mình. Giác tính hình thức [sơ đồ hóa] nhường công việc lo bổ sung điều chính yếu ấy cho những kẻ khác. Thay vì đi vào trong nội dung nội tại của Sự việc, nó [giác tính sơ đồ hóa] bao giờ cũng chỉ “nhìn đại thể” (Übersicht) về cái Toàn bộ, đặt mình đứng lên trên sự hiện hữu cá biệt mà nó đang bàn, nghĩa là chẳng hề nhìn thấy nó(124). Ngược lại, nhận thức khoa học đòi hỏi phải tự hiến mình cho đời sống của đối tượng, hay, cũng đồng nghĩa như thế, phải có trước mặt mình và phải diễn đạt sự tất yếu nội tại của đối tượng này. Khi thâm nhập sâu như thế vào trong đối tượng, nhận thức khoa học quên đi cái bảng “lược đồ tổng quan” nói trên, vì bảng lược đồ chỉ đơn thuần là sự phản tư của nhận thức vào trong chính mình thoát ly khỏi nội dung. Nhưng, khi đắm mình sâu vào trong chất liệu và theo dõi tiến trình vận động của bản thân chất liệu ấy, nhận thức cũng quay trở lại vào trong chính mình, nhưng không quay lại trước khi sự lấp đầy hay nội dung cũng đã quay trở lại vào trong chính nó, tự quy giản thành một đặc điểm quy định, tự hạ thấp mình thành một trong những phương diện của cái đang hiện hữu và chuyển hóa sang chân lý cao hơn của nó. Nhờ tiến trình này, bản thân cái Toàn bộ đơn giản – tự nhìn tổng quan [từ bên trên] – mới xuất đầu lộ diện ra (emergiert) từ trong sự phong phú, trong đó tiến trình phản tư của nó tưởng như đã bị mất đi.

 

§ 54

Nói chung, chính là nhờ Nguyên tắc đã nêu ra trước đây rằng Bản thể là Chủ thể nơi chính nó (an ihr selbst)(125), nên mọi nội dung là sự phản tư của chính nó vào trong chính nó (eigene Reflexion in sich)(126). Sự tự tồn (das Bestehen) hay bản thể của một cái gì đang hiện hữu là tính ngang bằng-với chính mình, bởi tính không ngang bằng với chính mình ắt sẽ là sự giải thể của nó. Nhưng, tính ngang bằng với chính mình là sự trừu tượng thuần túy, và sự trừu tượng thuần túy chính là Tư duy (Denken). Khi tôi nói: “Chất” (Qualität), tôi nêu tính quy định đơn giản; nhờ thông qua “Chất” của nó mà một hiện hữu được phân biệt với cái khác, hay, là “một hiện hữu”; nó tồn tại “cho bản thân nó” (für sich selbst), hay, nó tự tồn là nhờ thông qua tính [quy định] đơn giản này với chính nó. Nhưng, khi làm như thế, nó, về bản chất (wesentlich), là tư tưởng (Gedanke).

Ở đây, đã có được nhận thức rằng Tồn tại là Tư duy; và cũng từ đây nảy sinh sự thức nhận thích xa lánh lối nói vô-khái niệm thông thường về sự đồng nhất của Tư duy và Tồn tại. Thật thế, nhờ sự tự tồn của cái gì đang hiện hữu là sự ngang bằng với chính mình hay sự trừu tượng thuần túy, cho nên nó là sự trừu tượng của chính nó ra khỏi chính nó (die Abstraktion seiner von sich selbst), hay nói cách khác, bản thân nó là sự không-ngang bằng với chính nó và là sự giải thể của nó, – tính nội tại của riêng nó và sự thu hồi trở lại vào trong chính mình – và đó chính là tiến trình “trở thành” của nó.

Thông qua bản tính này của cái đang hiện hữu (das Seiende) và trong chừng mực cái đang hiện hữu có được bản tính này là “cho” cái biết [từ quan điểm của Tư duy], nên cái biết [hay tư duy] này không phải là một hoạt động “lèo lái” (handhaben)(127) nội dung như cái gì xa lạ, ở bên ngoài, không phải là sự phản tư vào trong chính mình ở bên ngoài nội dung. | Khoa học không phải là loại hình thuyết Duy tâm nói trên đã thay chủ nghĩa giáo điều theo lối “khẳng quyết” bằng chủ nghĩa giáo điều theo lối “cam kết”, hay bằng chủ nghĩa giáo điều về “sự xác tín về chính mình” [xem: chú thích 126]. | Trái lại, bởi cái biết nhìn thấy nội dung quay trở lại vào trong tính nội tại của chính nội dung, nên thật ra, hoạt động của cái biết không những “đắm mình” vào trong nội dung, bởi nó [hoạt động của cái biết] là cái Tự ngã nội tại của nội dung, mà còn đồng thời quay trở lại vào trong chính mình [trong chính cái biết], vì hoạt động ấy là tính ngang bằng thuần túy với chính mình ở trong cái tồn tại-khác (die reine Sichselbstgleichheit im Anderssein). | Như thế, hoạt động nhận thức là “trò ranh mãnh” (List) làm ra vẻ không hành động gì, chỉ đơn thuần quan sát tính quy định cùng với đời sống cụ thể của nó diễn ra như thế nào, cũng như khi tưởng rằng chỉ nỗ lực bảo tồn chính mình và theo đuổi sự quan tâm của riêng mình, thì, trong thực tế, làm chính điều ngược lại, tức làm công việc tự giải thể chính mình và biến mình thành một mô-men (ein Moment) của cái Toàn bộ.

§ 55

Nếu trước đây, ý nghĩa của giác tính được nêu theo phương diện [hay từ quan điểm] Tự-ý thức về Bản thể, thì từ những gì vừa nói, ta có thể thấy rõ ý nghĩa của nó từ phương diện xác định Bản thể như nó đang hiện hữu. Hiện hữu (Dasein) là “Chất”, là tính quy định ngang bằng [đồng nhất] với chính mình, hay, là tính đơn giản nhất định, là tư tưởng nhất định; [trong chừng mực ấy có thể nói] đó là giác tính của cái hiện hữu (Verstand des Daseins)(128). Qua đó, nó [“hiện hữu”, “Chất”, “tư tưởng nhất định”...] là “NUS” [“NOUS”: (Hy Lạp) Lý tính, Bản chất] như ANAXAGORAS là người đầu tiên đã nhận ra cái “Bản chất”. Những người sau ông(129) hiểu bản tính của cái hiện hữu một cách xác định hơn như là EIDOS hay IDEA, nghĩa là, như là “tính phổ biến nhất định” (bestimmte Allgemeinheit), như là Loại (Art). Chữ “Loại” dường như quá xoàng xĩnh và không tương xứng với những từ như “Ý niệm”, “cái Đẹp”, cái “Thiêng liêng”, cái “Vĩnh cữu” vốn là những từ thời trang ở thời buổi này. Thế nhưng, trong thực tế, “Ý niệm” chỉ có nghĩa là “Loại” mà thôi, không hơn không kém. Chỉ có điều, hiện nay ta thường thấy một thuật ngữ biểu thị chính xác một Khái niệm nhưng lại bị khinh miệt, phải nhường chỗ cho một thuật ngữ khác được yêu thích hơn, làm cho Khái niệm ấy trở nên bí hiểm và nghe có vẻ “nâng cao tâm hồn hơn” chỉ bởi vì nó được diễn đạt bằng tiếng nước ngoài!

          Chính ở chỗ cái hiện hữu được xác định như là Loại, nên nó là một tư tưởng đơn giản: NUS, tính đơn giản, là cái Bản thể. Do nhờ tính đơn giản hay tính ngang bằng với chính mình này mà Bản thể xuất hiện ra như cái gì cố định và thường tồn. Tuy nhiên, tính ngang bằng này với chính mình cũng đồng thời là tính phủ định; qua đó, một cái hiện hữu cố định, cứng nhắc kia chuyển sang tiến trình giải thể của nó(130). Tính quy định thoạt đầu có vẻ như có thể có được là nhờ thông qua mối quan hệ của nó với cái gì khác và tiến trình vận động của nó dường như bị áp đặt bởi sức mạnh cưỡng bức từ bên ngoài. | Nhưng, ngay trong tính đơn giản này của bản thân tư duy đã bao hàm rằng tính quy định cũng có cái tồn tại-khác ở ngay trong bản thân nó và là một tiến trình tự-vận động. | Bởi tính đơn giản này của tư tưởng là tư tưởng tự vận động, là tư tưởng làm công việc tự phân biệt, nên nó là tính nội tại của riêng nó (eigene Innerlichkeit), là Khái niệm thuần túy. Do đó, “tính giác tính” (Verständigkeit) là một tiến trình “trở thành”; và với tư cách là tiến trình “trở thành” này, “tính giác tính” trở thành “tính lý tính” (Vernünftigkeit)(131).

 

§ 56

Nói chung, sự tất yếu lô-gíc là ở trong bản tính (Natur) đã nói của cái gì tồn tại, đó là [biết rằng]: trong sự tồn tại của mình, là Khái niệm của chính mình. | Chỉ duy sự tất yếu lô-gíc này là cái [hợp] lý Tính (das Vernünftige) và là tiết điệu (Rhythmus) của cái Toàn bộ hữu cơ: nó đồng thời cũng (ebensosehr) là cái biết về nội dung, cũng như nội dung là Khái niệm và bản chất. | Nói khác đi, chỉ có nó [sự tất yếu lô-gíc] mới là cái TƯ BIỆN (DAS SPEKULATIVE)(132).  

Hình thái (Gestalt) cụ thể [của nội dung] thông qua tiến trình tự-vận động để tự trở thành tính quy định đơn giản [một “Chất” nhất định]. | Qua đó, nó được nâng lên thành hình thức lô-gíc và ở trong tính bản chất của nó [tồn tại và bản chất của nó hợp nhất lại]; sự hiện hữu cụ thể của nó chỉ đơn thuần là sự vận động này và trong thực tế [unmittelbar / [ eo ipso] là [một] sự hiện hữu lô-gíc. Do đó, không cần thiết phải áp đặt một chủ nghĩa hình thức [sơ đồ hóa] vào cho nội dung cụ thể một cách ngoại tại; nội dung – trong chính bản tính của nó – là sự chuyển hóa sang hình thức [hình thái], tuy nhiên hình thức này không còn là chủ nghĩa hình thức sơ đồ hóa ngoại tại, bởi bản thân hình thức là tiến trình “trở thành” mang tính “bản nguyên” (einheimisch) của nội dung cụ thể.

 

§ 57

Như đã nói, bản tính này của Phương pháp khoa học, – theo đó, một mặt, nó không tách rời với nội dung, mặt khác tự xác định tiết điệu của mình bởi chính mình – sẽ chỉ có được sự trình bày đích thực của nó ở trong TRIẾT HỌC TƯ BIỆN (SPEKULATIVE PHILOSOPHIE). Còn những gì được nêu ra ở đây chỉ mới là Khái niệm [về nó] mà thôi, bởi ở giai đoạn này, nó chưa thể có giá trị gì hơn là một sự “cam kết” có tính dự đoán. Chân lý của cái gì mới được “cam kết” không nằm trong sự trình bày hiện nay [trong tác phẩm này] vốn ít nhiều mang tính tự sự. | Và chính vì thế, ít ra nó cũng không thể bị phản bác, nếu có ai đó cam kết ngược lại rằng không phải như thế, rằng tiến trình ấy diễn ra cách khác; nếu những quan niệm thường sử dụng – xem như những chân lý đã được thừa nhận và quen thuộc với mọi người – được gợi lại và mang ra kể lể, hoặc, thậm chí nếu có gì “mới” được cam kết là xuất phát từ túi “cẩm nang” bí mật của loại trực quan thần thánh nào đó ở bên trong.

          Một cách tiếp thu như thế thường là phản ứng đầu tiên của nhận thức nhằm chống đối lại cái gì không quen thuộc. | Bằng cách ấy, nó mong sẽ cứu vãn được tự do, quan niệm và uy thế của riêng mình trước uy thế của cái khác lạ, bởi điều mới được tiếp thu này quả đang xuất hiện ra lần đầu tiên. | Thái độ chống đối ấy cũng là nhằm để xóa đi vẻ ngượng ngập, xấu hổ ở trong những gì đã được học. | Và, khi điều mới mẻ, không quen thuộc lại được tiếp nhận nồng nhiệt, thì phản ứng ấy cũng cùng một loại với lối tuyên ngôn và hành động có vẻ “cực kỳ cách mạng” ở trong một lãnh vực khác(133).

 



(117) “Tính nhịp ba”: Tính nhịp ba tuy có giữ một vai trò nào đó trong triết học Kant (Kant chỉ mô tả mà không luận giải), chẳng hạn: bảng các phán đoán gồm bốn đề mục (lượng, chất, tương quan, hình thái) trong đó mỗi đề mục có ba phạm trù; hay hệ thống của Kant cũng có vẻ xây dựng trên tính nhịp ba: trí tưởng tượng trung giới giác tính và cảm năng; phê phán năng lực phán đoán trung giới giữa Phê phán Lý tính thuần túy và Phê phán Lý tính thực hành… Tuy nhiên, tính nhịp ba có “ý nghĩa tuyệt đối” là trong các hậu bối như Fichte và Schelling. Bản thân Hegel kiên quyết bác bỏ sơ đồ nhịp ba có tính hình thức khét tiếng thường gán cho ông (chính đề – phản đề – hợp đề) và phê phán mạnh mẽ “chủ nghĩa hình thức sơ đồ hóa” ở các tiểu đoạn sau. Nỗ lực cơ bản của Hegel là “để cho Sự việc tự cai quản chính mình”, để cho “Khái niệm là tự ngã riêng của chính đối tượng”.

(118) Ám chỉ và phê phán triết học Tự nhiên của phái lãng mạn và Schelling dựa vào sơ đồ của sự đối lập (chẳng hạn, Schelling bảo: “cây cối thể hiện cực carbone; thú vật thể hiện cực azote. Vậy, thú vật là cực nam, cây cối là cực bắc”. Xem: Schelling: “Diễn dịch khái quát về tiến trình năng động”/Allgemeine Deduktion des dynamischen Prozesses, §1).

(119) Kant là người đầu tiên nói về một sự “cấu tạo” của vật chất xuất phát từ hai lực cơ bản là hút và đẩy. Ở đây, Hegel phê phán Schelling không quan tâm đến bản thân nội dung mà áp dụng sơ đồ từ bên ngoài. (theo kiểu “tương tự hời hợt”).

(120) Ám chỉ thuyết của nhà y khoa Ái nhĩ lan John Brown (1735-1788) (gọi là thuyết Brown) trong “Elementa medicinae” (1780) quy mọi loại bệnh vào hai loại: kích thích quá mạnh hay quá yếu và cách điều trị là giảm hay tăng sự kích thích. (Theo J. H, đây cũng có lẽ là một ám chỉ “khá ác” (“azzez méchante”) đối với Schelling khi ông bắt đầu nghiên cứu y khoa; J. H: bản tiếng Pháp, I, tr. 44, chú thích 85).

(121) Ám chỉ nhan đề một tác phẩm “phổ thông” của Fichte: “Tường trình rõ như ban ngày cho quảng đại quần chúng về bản chất đích thực của nền triết học gần đây nhất. Một nỗ lực bắt buộc người đọc phải hiểu của Johann Gottlieb Fichte” (Berlin, 1801).

(122) Trong Lời Tựa này, Hegel đề cập đến “giác tính” (Verstand) ở hai giác độ: khen ngợi vai trò “biện biệt” của nó để chống lại phái lãng mạn và triết học “trực quan” tránh né giác tính; đồng thời, khi triết học trực quan này áp dụng sơ đồ, ông xem đó là “chủ nghĩa hình thức của giác tính”. Trong nghĩa trước, “giác tính” là quan năng quy định các sự dị biệt; trong nghĩa sau, nó “cố định hóa” các sự dị biệt này và đối lập lại với “sự trở thành”, với “tổng hợp hiện thực” của chúng.

(123) “Sự vận động của hiện hữu”: tính quy định của hiện hữu không phải được “gắn vào” từ bên ngoài mà tự hình thành nên trong tiến trình quan hệ của bản thân nội dung, qua đó nó vừa phân biệt với cái khác, vừa quan hệ với cái khác. “Sự phản tư” là quan hệ tớilui, đồng thời là sự vận động tới và lui: tức một sự “đi đến với chính mình” (Zusichkommen).

(124) Ở đây, Hegel có ý chơi chữ: “übersehen / Übersicht” có nghĩa là “nhìn tổng quan”, nhưng cũng có nghĩa là “übersehen”: không chú ý, bỏ qua.

(125) Trong thuật ngữ Hegel, có sự phân biệt giữa “tự mình” (“an sich”)“nơi chính nó” (“an ihm” hay “an ihr selbst”). Ở đây, sự phân biệt này chưa quan trọng nên không cần chú ý. (Xem: Chú thích 223 cho §120).

(126) “Mọi nội dung là sự phản tư của chính nó vào trong chính nó”: quan niệm của Hegel rằng cái biết không phải là cái gì ngoại tại, đến từ bên ngoài mà là sự vận động nội tại của bản thân nội dung gắn liền với quan niệm của ông rằng “Bản thể là Chủ thể nơi chính nó”, có nghĩa là: sự phản tư diễn ra ngay trong bản thân sự tồn tại. Ông trình bày khá tối về điều diễn ra nơi bản chất của Bản thể, nên ta thử tóm tắt lại cho dễ hiểu hơn: Bản thể của một hiện hữu nào đó có nghĩa là “sự ngang bằng của nó với chính mình”, tức sự đồng nhất của nó với chính nó. Nhưng, thực ra, đây cũng hàm ý một sự quan hệ (tức sự phản tư) của nó với chính nó, nghĩa là tiền-giả định một sự phân biệt, giống như A = A là sự đồng nhất của cái đồng thời được phân biệt với chính mình. Nếu sự ngang bằng với chính mình là yếu tố cấu tạo nên sự hiện hữu, thì đồng thời cũng là sự “trừu tượng hóa” (gạt bỏ) khỏi mọi tính khác biệt, nên, trong chừng mực đó, sự ngang bằng với chính mình cũng giống như động tác “của tư duy”, hay như Hegel nói, “khi làm như thế, về bản chất, nó là tư tưởng (Gedanken). Mặt khác, Bản thể, với tư cách là sự trừu tượng hóa như thế khỏi mọi tính khác biệt, lại là “không ngang bằng với chính mình”, vì nó chỉ là nó thông qua tính khác biệt được phân biệt này, hay như ông sẽ gọi là: “sự ngang bằng với chính mình trong cái tồn tại-khác”. Hegel viết tối và quá cô đọng, nên ta khó nhìn ra phép biện chứng “bản thể học” này của ông. Vấn đề chính của ông là phân biệt triết học của mình với “thuyết duy tâm khẳng quyết” (kiểu của Kant, chỉ khẳng quyết các phạm trù mà không biện giải) lẫn với “thuyết duy tâm cam kết” hay “xác tín về chính mình” (kiểu “cái biết trực tiếp bằng trực quan của phái lãng mạn và Schelling). Theo ông, cái biết chỉ làm công việc triển khai “nội dung trong tính nội tại của chính nội dung”, vì chính bản thân Sự việc tự khám phá chính mình ở trong cái biết hướng đến nó. Cho nên, ở cuối tiểu đoạn, - giống như khi nói về “trò ranh mãnh của lý tính” trong triết học về lịch sử khi nó để cho những đam mê của con người “làm việc” cho nó -, ông nói về “trò ranh mãnh của khoa học”: nó không làm gì cả, chỉ lo “bảo tồn” chính mình, không phản tư về Sự việc từ bên ngoài mà để cho bản thân Sự việc tự phát triển, nhưng qua đó biến mình thành một “yếu tố” của cái “toàn bộ bao trùm”. Tóm lại, “bản tính của cái hiện hữu chỉ đến với chính mình ở trong cái biết phản tư và mỗi cấp độ mới của việc “đi ra khỏi chính mình” cũng là “một sự đi vào-trong chính mình” (Khoa học Lô-gíc, V, 349). Đối với bản thân tồn tại cũng như với cái biết, “cái phong phú nhất là cái cụ thể nhất và cái chủ quan nhất; và cái thu hồi chính mình vào trong chỗ sâu sắc đơn giản nhất cũng là cái mạnh mẽ nhất và là cái bao trùm” (nt). (Xem: Chú giải dẫn nhập: 2.4).

(127) “handhaben”: hành xử theo kiểu điều khiển, lèo lái (manipuler, manipulate).

(128) Theo Hegel, cần nhấn mạnh rằng “giác tính” (Verstand) không chỉ là một quan năng chủ quan của chủ thể nhận thức mà còn có ý nghĩa bản thể học như là “giác tính của cái hiện hữu”. Trong chừng mực giác tính là sức mạnh của sự phân biệt thì sự hiện hữu (hay tồn tại) cũng có “tính quy định” của một “chất”, tự phân biệt với hiện hữu khác, nên cũng có một “giác tính của sự hiện hữu”. Hegel đã nêu ý tưởng này trong “Tin và Biết”/“Glauben und Wissen” (W. I, tr. 247) khi nói về “giác tính của ý thức” và “giác tính của giới tự nhiên”. (Xem: Chú giải dẫn nhập, 7.2.1).

(129) –  Anaxagoras (500-425, t.T.L) xem “Nus” như là “bản chất” (của hiện hữu), như là nguyên tắc của tồn tại và của thế giới, nhưng không được ông phát triển thêm.

– những người sau ông [Anaxagoras]: ám chỉ Platon (Phédon, 97 b-d) và Aristote (Siêu hình học, A; 3, 984 b 15).

(130) Ý Hegel cho rằng, nếu như ở Platon, đặc điểm của “Ý niệm” là “cố định và thường tồn” thì bây giờ phải “chuyển sang tiến trình giải thể của nó”, bởi nó không có tính quy định nào mà không quan hệ với cái khác, tức phải chuyển hóa thành cái khác. (Hegel biết rằng sau Platon và Aristote, Khái niệm “Ý niệm” đã biến chuyển từ “bản tính bản thể học của hiện hữu” thành “biểu tượng chủ quan” trong phái Khắc kỷ, nhất là trong phái “duy danh” (Nominalismus) thời Trung cổ, rồi trong thuyết duy nghiệm, duy lý thời cận đại, nên ông muốn phục hồi lại ý nghĩa bản thể học của từ này với sự “cải tạo” theo ý nghĩa “tự-vận động”. Thật ra, các nghiên cứu gần đây về Platon cho thấy Platon không hoàn toàn xa lạ với vấn đề này, thậm chí ông đã biết tới “symphoke” (Hy Lạp) tức sự đan quyện của những “Ý niệm”, và những vấn đề nảy sinh từ đó đã thôi thúc ông nghiên cứu sâu hơn, nhất là trong các đối thoại Sophiste, Parmenide và Philebos). Với Hegel, ý nghĩa đầy đủ của “Ý niệm” được bàn trong phần cuối của bộ “Khoa học Lô-gíc” khi ông xem đó là Khái niệm tối cao của Lô-gíc học như là “sự thống nhất giữa Khái niệm và tính khách quan”.

(131) Sự phân biệt giữa “tính giác tính”“tính lý tính” ở đây là sự phân biệt giữa “sự ngang bằng với chính mình” trừu tượng, phủ định và “sự ngang bằng với chính mình” cụ thể, tức vừa phân biệt và quan hệ với cái khác, vừa tự bảo tồn chính mình. Nhưng, bản thân “tính giác tính” này – không chỉ là tính hữu tận (tách rời, đối lập với cái khác) của con người mà cả của sự vật – là yếu tố tất yếu và phải tự vượt bỏ. Tiến trình “trở thành” này của giác tính sẽ là “tính lý tính” như là sự trở thành nội tại của sự vật, và, với tư cách ấy, “bản thân Sự việc” là Khái niệm, tức sự tự-vận động. “Tồn tại là Khái niệm” là cách nói khác của “Bản thể là Chủ thể”.

(132) “Tư biện” (spekulativ/Spekulation): Hegel gọi triết học của mình là “triết học tự biện”, như vậy từ này có ý nghĩa rất cơ bản và rất rộng (xem: Chú giải dẫn nhập: 1.4). “Tư biện” (hay “lý tính-khẳng định”) thường được hiểu là “giai đoạn thứ ba và cao nhất”, đối lập lại với giai đoạn “giác tính” (phân biệt, chia cắt) và giai đoạn “biện chứng” (hay “lý tính-phủ định”, thủ tiêu sự phân biệt, chia cắt); có nghĩa là: giai đoạn “tư biện” là giai đoạn “vượt bỏ”, “hợp nhất” những tư tưởng hay sự vật đối lập nhau. (Xem: Bách khoa thư, §32 A). Ở đây (§56), ta đã ở trong bình diện, nơi đó sự đối lập ngoại tại giữa tồn tại và tư duy, giữa nội dung và hình thức đã được để lại phía sau; Khái niệm không còn đứng đối lập một cách xa lạ với cái hiện hữu; trái lại, Khái niệm và tư tưởng – như là Logos của bản thân tồn tại – đã xuất hiện; hay nói ngược lại cũng thế: Logos của tồn tại đã xuất hiện trong Khái niệm và tư tưởng (cũng như “hình thức” là bản thân “sự trở thành bản nguyên của nội dung cụ thể”, cuối §56). Cái “Tư biện” chính là ở nơi tính tương tác qua lại này và trong “tiết điệu của cái toàn bộ hữu cơ”, trong đó mọi sự đối lập đều trở thành những mô-men (Momente) nhưng không mất đi ý nghĩa của chúng.

Cả tiểu đoạn cho thấy sự nối kết không chỉ ngoại tại mà còn nội tại giữa “hình thái cụ thể” của hiện hữu và “hình thức lô-gíc”: tính cụ thể của nội dung đồng thời là tính quy định bản chất riêng biệt (bản nguyên) của nó; tính bản chất này vừa làm cơ sở trong những quan hệ bản chất của nội dung, và mang tính chất lô-gíc. Như thế, bước quá độ sang hình thức lô-gíc là một tiến trình thuộc về sự cấu tạo của bản thân nội dung; tính quy định là thuộc về nội dung khiến nó không thể là nó nếu không có tính quy định này, đối lập lại với mọi sự quy định từ bên ngoài gán ghép vào cho mối quan hệ nội dung-hình thức.

(133) Ý nói trong lãnh vực chính trị. Ám chỉ phản ứng cuồng nhiệt ở nước Đức trước sự bùng nổ của Cách mạng Pháp, trong đó có bản thân Hegel thời trẻ khi còn là sinh viên ở Tübingen. Trước cái mới, thường người ta hay chỉ trích vì định kiến có sẵn, hoặc cuồng nhiệt đón nhận mà không thực sự hiểu rõ “bản thân Sự việc”.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt