Nhận thức luận | Khoa học luận

Có chân lý khách quan không?

CÓ CHÂN LÝ KHÁCH QUAN KHÔNG?

 

VLADIMIR ILYICH LENIN (1820-1924)

 


V.I. Lê-nin. “Có chân lý khách quan không?” trong V.I. Lê-nin Toàn tập, tập 18. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 141-153. | Bản tiếng Anh: Does Objective Truth Exist? | Bản tiếng Pháp: Y a‑t‑il une vérité objective?


 

 

Bô-gđa-nốp tuyên bố: "đối với tôi, chủ nghĩa Mác bao hàm sự phủ định tính khách quan tuyệt đối của mọi chân lý, sự phủ định bất kỳ chân lý vĩnh cửu nào" ("Thuyết kinh nghiệm nhất nguyên", quyển III, tr. IV - V). Tính khách quan tuyệt đối nghĩa là thế nào? Bô-gđa-nốp còn nói thêm: "chân lý vĩnh cửu" là "chân lý khách quan hiểu theo nghĩa tuyệt đối của từ đó" và ông ta đồng ý chỉ thừa nhận "chân lý khách quan trong giới hạn một thời đại nhất định".

Ở đây, có hai vấn đề hiển nhiên là lẫn lộn: 1) có chân lý khách quan hay không, nói cách khác, các biểu tượng của con người có thể có một nội dung độc lập đối với chủ thể, đối với con người, đối với loài người hay không? 2) Nếu có, thì những biểu tượng của con người biểu hiện chân lý khách quan, có thể biểu hiện nó ngay một lúc, hoàn toàn, vô điều kiện, tuyệt đối được không, hay chỉ có thể biểu hiện một cách gần đúng, tương đối mà thôi? Câu hỏi thứ hai này là vấn đề về quan hệ lẫn nhau giữa chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối.

Bô-gđa-nốp trả lời vấn đề thứ hai một cách rõ ràng, thẳng thắn và dứt khoát, ông ta từ chối không thừa nhận một chút nào chân lý tuyệt đối và còn buộc tội Ăng-ghen là theo chủ nghĩa chiết trung vì đã thừa nhận chân lý tuyệt đối. Chúng tôi sẽ trở lại nói riêng về chủ nghĩa chiết trung của Ăng-ghen mà A. Bô-gđa-nốp đã phát hiện ra. Bây giờ, chúng ta hãy nói đến vấn đề thứ nhất, mà Bô-gđa-nốp cũng giải đáp bằng cách phủ định, tuy không nói thẳng ra. Vì người ta có thể phủ nhận yếu tố tính tương đối trong những biểu tượng nào đó của con người mà vẫn không phủ nhận chân lý khách quan; nhưng không thể phủ nhận chân lý tuyệt đối mà không phủ nhận sự tồn tại của chân lý khách quan.

Dưới đó một ít, tr. IX, Bô-gđa-nốp viết: "... Không có một tiêu chuẩn nào cho chân lý khách quan, theo nghĩa mà Ben-tốp hiểu cả, chân lý là một hình thức tư tưởng, một hình thức tổ chức của kinh nghiệm con người...".

Cái "nghĩa mà Ben-tốp hiểu" không liên quan gì đến đây cả, vì ở đây, ta đang nói về một trong những vấn đề cơ bản của triết học, chứ không phải về Ben-tốp; cả cái tiêu chuẩn của chân lý cũng vậy, đó là một vấn đề phải nói riêng, không thể lẫn lộn vấn đề này với vấn đề có tồn tại chân lý khách quan hay không. Rõ ràng là Bô-gđa-nốp trả lời vấn đề sau bằng cách phủ định: nếu chân lý chỉ là một hình thức tư tưởng, thì không thể có chân lý độc lập đối với chủ thể, đối với loài người, vì cũng như Bô-gđanốp, chúng ta không thấy có một hệ tư tưởng nào khác ngoài Hệ tư tưởng của con người. Trong nửa sau của câu nói của Bô-gđanốp, cách trả lời phủ định của ông ta còn lộ ra rõ rệt hơn nữa: nếu chân lý là một hình thức của kinh nghiệm con người thì không thể có chân lý độc lập đối với loài người, không thể có chân lý khách quan.

Bô-gđa-nốp phủ nhận chân lý khách quan, đó là thuyết bất khả tri và chủ nghĩa chủ quan. Chỉ một thí dụ lấy trong lịch sử khoa học tự nhiên, đã nêu ra trênkia, cũng đủ vạch rõ rằng lời phủ định đó của Bô-gđa-nốp là vô lý. Khoa học tự nhiên không cho phép người ta nghi ngờ rằng khẳng định của khoa học đó về sự tồn tại của quả đất trước khi có loài người là một chân lý. Đấy là một điều hoàn toàn có thể thừa nhận được theo quan điểm của lý luận duy vật về nhận thức: cái được phản ánh thì tồn tại không phụ thuộc vào cái phản ánh (thế giới bên ngoài tồn tại không phụ thuộc vào ý thức), đó là tiền đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật. Sự khẳng định của khoa học tự nhiên rằng quả đất có trước khi có loài người, là một chân lý khách quan. Nguyên lý đó của khoa học tự nhiên không thể dung hòa được với triết học của phái Ma-khơ và với học thuyết của họ về chân lý: nếu chân lý là một hình thức tổ chức của kinh nghiệm con người thì lời khẳng định rằng quả đất tồn tạiở ngoài mọi kinh nghiệm của con người không thể là một lời khẳng định đúng được. Nhưng chưa hết. Nếu chân lý chỉ là một hình thức tổ chức của kinh nghiệm con người thì học thuyết của đạo Thiên chúa chẳng hạn cũng là một chân lý. Bởi vì không mảy may nghi ngờ gì nữa, đạo Thiên chúa cũng là một "hình thức tổ chức của kinh nghiệm con người". Bản thân Bô-gđa-nốp đã cảm thấy điều sai lầm sờ sờ ra đó trong lý luận của mình, nên điều hết sức thú vị là xem ông ta đã làm thế nào để thoát ra khỏi cái vũng lầy mà ông ta đã sa vào.

Ở quyển thứ nhất của cuốn "Thuyết kinh nghiệm nhất nguyên" ta đọc thấy: "Cơ sở của tính khách quan phải ở trong lĩnh vực của kinh nghiệm tập thể. Chúng tôi gọi là tài liệu khách quan những tài liệu kinh nghiệm nào có một ý nghĩa thiết thân như nhau đối với chúng tôi cũng như đối với những người khác, những tài liệu nào không những chúng tôi đã dựa vào mà không gặp mâu thuẫn trong khi tổ chức hoạt động của chúng tôi, mà những người khác, theo sự tin tưởng của chúng tôi, cũng phải lấy làm chỗ dựa để khỏi sa vào mâu thuẫn. Tính chất khách quan của thế giới vật lý là ở chỗ thế giới đó tồn tại không những đối với một mình tôi, mà đối với tất cả mọi người" (không đúng! nó tồn tại một cách độc lập đối với "tất cả mọi người"), "và ở chỗ đối với tất cả mọi người, thế giới vật lý đó cũng có một ý nghĩa nhất định, theo sự tin tưởng của tôi, như đối với tôi. Tính khách quan của chuỗi vật lý chính là cái ý nghĩa phổ biến của nó" (tr. 25, do Bô-gđa-nốp viết ngả). "Xét đến cùng, tính khách quan của những vật thể vật lý, mà chúng ta gặp trong kinh nghiệm của chúng ta, là dựa vào sự kiểm tra lẫn nhau và sự xét đoán ăn khớp với nhau của những người khác nhau. Nói chung, thế giới vật lý tức là cái kinh nghiệm ăn khớp về mặt xã hội, hài hòa về mặt xã hội, tóm lại, là cái kinh nghiệm được tổ chức về mặt xã hội" (tr. 36, do Bô-gđa-nốp viết ngả).

Chúng tôi sẽ không nhắc lại rằng đó là một định nghĩa duy tâm sai tận gốc, rằng thế giới vật lý tồn tại không phụ thuộc vào loài người và kinh nghiệm của con người, rằng thế giới vật lý tồn tại từ hồi chưa thể có một "tính xã hội" nào và một "sự tổ chức" nào của kinh nghiệm con người, v.v.. Bây giờ, chúng ta hãy vạch trần triết học Ma-khơ về một mặt khác: triết học này định nghĩa tính khách quan bằng những lời lẽ khiến cho, với sự định nghĩa ấy, người ta có thể luồn giáo lý tôn giáo vào, tức là cái giáo lý, không nghi ngờ gì cả, cũng có một "ý nghĩa phổ biến", v.v.. Ta hãy nghe Bô-gđa-nốp nói thêm: "Chúng ta hãy nhắc lại một lần nữa cho bạn đọc thấy rằng kinh nghiệm "khách quan" tuyệt nhiên không phải là kinh nghiệm "xã hội"... Kinh nghiệm xã hội còn xa mới được hoàn toàn tổ chức về mặt xã hội, và bao giờ nó cũng chứa đựng những mâu thuẫn khác nhau, cho nên có những bộ phận của nó không ăn khớp với những bộ phận khác; yêu ma và quỷ quáI có thể tồn tại trong phạm vi kinh nghiệm xã hội của một dân tộc nào đó hay của một bộ phận nào đó của dân tộc, chẳng hạn như của nông dân; nhưng đấy không phải là một lý do để tháp nhập yêu ma và quỷ quái vào kinh nghiệm được tổ chức về mặt xã hội hay vào kinh nghiệm kháchquan, vì yêu ma và quỷ quái không hòa hợp được với kinh nghiệm tập thể khác và không thể nằm trong những hình thái tổchức của kinh nghiệm này, ví dụ như trong dây chuyền của tính nhân quả".

Quả thật, chúng ta lấy làm sung sướng được biết rằng chính bản thân Bô-gđa-nốp "không tháp nhập" kinh nghiệm xã hội về yêu ma và quỷ quái, v.v. vào trong kinh nghiệm khách quan. Nhưng cái điều sửa chữa nho nhỏ có thiện ý, theo tinh thần phủ định chủ nghĩa tín ngưỡng này không mảy may sửa chữa được sai lầm cơ bản của toàn bộ lập trường của Bô-gđa-nốp. Định nghĩa của Bô-gđa-nốp về tính khách quan và về thế giới vật lý nhất định sụp đổ, vì giáo lý tôn giáo có một "ý nghĩa phổ biến" ở trình độ cao hơn so với học thuyết của khoa học: phần đông loài người còn tin vào giáo lý tôn giáo. Nhờ quá trình phát triển lâu đời của mình, đạo Thiên chúa đã được "tổ chức, hài hòa, ăn khớp về mặt xã hội"; không ai chối cãi được là nó"nằm" trong "dây chuyền của tính nhân quả", vì các tôn giáo đã xuất hiện không phải không có nguyên nhân và hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên mà nó bám được vào quần chúng nhân dân trong những điều kiện hiện nay, và việc các giáo sư triết học thích ứng được với chúng là điều hoàn toàn "hợp quy luật". Sở dĩ cái kinh nghiệm xã hội - tôn giáo được tổ chức cao độ và có ý nghĩa phổ biến không chối cãi được đó "không hài hòa" được với "kinh nghiệm" khoa học, đó là vì ở giữa hai thứ kinh nghiệm ấy, có một sự khác nhau về cơ bản, về nguyên tắc, mà Bô-gđa-nốp đã xóa bỏ mất khi phủ nhận chân lý khách quan. Và dù Bô-gđa-nốp có hoài công "tự đính chính" bằng cách nói rằng chủ nghĩa tín ngưỡng hay chủ nghĩa thầy tu không hài hòa được với khoa học, thì vẫn hoàn toàn còn lại một sự thật không thể chối cãi được là việc ông ta phủ nhận chân lý khách quan vẫn cứ "hài hòa" hoàn toàn được với chủ nghĩa tín ngưỡng. Chủ nghĩa tín ngưỡng thời nay hoàn toàn không phản đối khoa học, nó chỉ phản đối những "tham vọng quá đáng" của khoa học thôi, cụ thể là phản đối cái tham vọng tìm ra chân lý khách quan. Nếu chân lý khách quan tồn tại (như những người duy vật vẫn nghĩ), nếu khoa học tự nhiên phản ánh thế giới bên ngoài vào "kinh nghiệm" con người, là cái duy nhất có thể đem lại cho chúng ta chân lý khách quan, thì bất kỳ chủ nghĩa tín ngưỡng nào cũng đều phải bị bác bỏ không điều kiện. Nhưng nếu không có chân lý khách quan, nếu chân lý (kể cả chân lý khoa học) chỉ là một hình thức tổ chức của kinh nghiệm con người, thì như vậy là tiền đề cơ bản của chủ nghĩa thầy tu được thừa nhận, cửa ngõ được mở toang để rước chủ nghĩa thầy tu vào, chỗ đã được dành sẵn để đón những "hình thức tổ chức" của kinh nghiệm tôn giáo.

Người ta tự hỏi sự phủ định chân lý khách quan là việc của cá nhân Bô-gđa-nốp, một người không chịu tự nhận là người theo phái Ma-khơ, hay là nó bắt nguồn từ chính những nền móng của học thuyết Ma-khơ và A-vê-na-ri-út? Người ta chỉ có thể trả lời câu hỏi ấy theo ý nghĩa thứ hai thôi. Nếu trên đời chỉ có cảm giác (A-vê-na-ri-út, năm 1876), nếu vật thể là những phức hợp cảm giác (Ma-khơ, "Phân tích các cảmgiác"), thì rõ ràng là chúng ta đang đứng trước một chủ nghĩa chủ quan triết học không thể không dẫn đến chỗ phủ định chân lý khách quan. Và nếu người ta gọi cảm giác là những "yếu tố" cung cấp cái vật lý trong một mối liên hệ này và cung cấp cái tâm lý trong một mối liên hệ khác, thì điểm xuất phát cơ bản của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, như chúng ta đã thấy, chỉ bị che mờ đi chứ không bị vứt bỏ. A-vê-na-ri-út và Ma-khơ thừa nhận cảm giác là nguồn gốc sản sinh ra tri thức của chúng ta. Như vậy là họ đứng trên quan điểm của thuyết kinh nghiệm (mọi hiểu biết đều do kinh nghiệm mà ra) hay của thuyết cảm giác (mọi hiểu biết đều từ cảm giác mà ra). Nhưng quan điểm này không hề xóa bỏ sự khác nhau giữa những khuynh hướng triết học cơ bản là chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật, mà trái lại, nó dẫn đến chỗ khác nhau ấy, dù người ta có trang sức cho nó bằng một từ ngữ "mới" ("yếu tố") như thế nào đi nữa. Cả người duy ngã, tức là người duy tâm chủ quan, cũng nhưngười duy vật đều có thể cho cảm giác là nguồn gốc sản sinh ra các hiểu biết của chúng ta. Béc-cli và Đi-đơ-rô, cả hai đều xuất phát từ Lốc-cơ. Tiền đề đầu tiên của lý luận về nhận thức chắc chắn là ở chỗ cho rằng cảm giác là nguồn gốc duy nhất của hiểu biết của chúng ta. Thừa nhận tiền đề thứ nhất ấy, Ma-khơ làm lu mờ tiền đề quan trọng thứ hai, tức là tiền đề cho rằng: thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, hay thực tại khách quan là nguồn gốc của cảm giác của con người. Xuất phát từ cảm giác, người ta có thể hoặc đi theo con đường của chủ nghĩa chủ quan là chủ nghĩa dẫn đến chủ nghĩa duy ngã ("vật thể là những phức hợp hoặc những tổ hợp cảm giác") hoặc đi theo con đường của chủ nghĩa khách quan là chủ nghĩa dẫn đến chủ nghĩa duy vật (các cảm giác là những hình ảnh của các vật thể, của thế giới bên ngoài). Xét theo quan điểm thứ nhất, - quan điểm của thuyết bất khả tri, hay đi xa hơn tí nữa, quan điểm của chủ nghĩa duy tâm chủ quan, - thì không thể có chân lý khách quan. Xét theo quan điểm thứ hai, tức là quan điểm của chủ nghĩa duy vật, thì chủ yếu là thừa nhận chân lý khách quan. Vấn đề triết học cũ kỹ ấy về hai khuynh hướng, hay nói cho đúng hơn: về hai kết luận có thể rút ra từ những tiền đề của chủ nghĩa kinh nghiệm và thuyết cảm giác, không hề được Ma-khơ giải đáp, hoặc vứt bỏ, hay khắc phục mà chỉ bị những lời ba hoa với những tiếng "yếu tố" và những tiếng khác nữa, làmlu mờ đi. Việc Bô-gđa-nốp phủ định chân lý khách quan chẳng phải là một bước đi trệch khỏi học thuyết Ma-khơ, mà là kết quả tất nhiên của học thuyết ấy.

Trong cuốn "L. Phơ-bách", Ăng-ghen gọi Hi-um và Can-tơ là những nhà triết học "không thừa nhận khả năng nhận thức được thế giới hay ít ra cũng là khả năng triệt để nhận thức được thế giới". Do đó Ăng-ghen làm nổi bật lên hàng đầu những điểm thống nhất giữa Hi-um với Can-tơ chứ không phải những điểm bất đồng giữa hai người. Ngoài ra, Ăng-ghen còn vạch ra rằng "điều có tính chất quyết định để bác bỏ quan điểm đó" (quan điểm của Hi-um và Can-tơ) "thì Hê-ghen đã nói rồi" (tr. 15 - 16, bản tiếng Đức, xuất bản lần thứ 4). Về điểm này, tôi cảm thấy khá là thú vị nếu nêu ra rằng khi tuyên bố chủ nghĩa duy vật là "hệ thống triệt để của chủ nghĩa kinh nghiệm", Hê-ghen đã viết: "Đối với chủ nghĩa kinh nghiệm nói chung, cái bên ngoài (das Äuòerliche) là cái có thật; và sau đó, nếu chủ nghĩa kinh nghiệm thừa nhận một cái siêu cảm tính nào đó, thì nó lại phủ định tính có thể nhận thức được của nó (soll doch eine Erkenntnis desselben (d. h. des ĩbersinnlichen) nicht statt finden kửnnen), và cho là cần thiết phải hoàn toàn nắm lấy cái thuộc về tri giác (das der Wahrnehmung Angehửrige). Nhưng trong sự phát triển liên tục của nó (Durchführung), tiền đề cơ bản ấy đã đưa đến cái mà về sau người ta gọi làchủ nghĩa duy vật. Đối với chủ nghĩa duy vật này thì vật chất, với tính cách như vậy, là thật sự khách quan" (das wahrhaft Objektive)*.

Tất cả các hiểu biết đều bắt nguồn từ kinh nghiệm, từ các cảm giác, tri giác. Đúng. Nhưng thử hỏi, thực tại khách quan có "thuộc về tri giác" không, nói một cách khác, nó có phải là nguồn gốc của tri giác không? Nếu trả lời là có thì anh là người duy vật. Nếu trả lời là không thì anh là không triệt để và tất nhiên anh sẽ đi đến chủ nghĩa chủ quan, đến thuyết bất khả tri, - dù anh có phủ định tính có thể nhận thức được vật tự nó, phủ định tính khách quan của thời gian, của không gian và của tính nhân quả (như Can-tơ), hoặc là không thừa nhận đến cả cái ý niệm về vật tự nó (như Hi-um), thì cũng vẫn thế thôi. Tính không triệt để của chủ nghĩa kinh nghiệm của anh, của triết học về kinh nghiệm của anh, trong trường hợp này, sẽ là ở chỗ anh phủ định nội dung khách quan của kinh nghiệm, chân lý khách quan trong nhận thức kinh nghiệm.

Những người theo đường lối của Can-tơ và của Hi-um (kể cả Ma-khơ và A-vê-na-ri-út vìhọ không phải là những đồ đệ thuần tuý của Béc-cli) đều coi chúng ta, những người duy vật, là những người "siêu hình", vì chúng ta thừa nhận thực tại khách quan mà chúng ta nhận được trong kinh nghiệm, vì chúng ta thừa nhận một nguồn gốc khách quan, độc lập đối với con người, của cảm giác của chúng ta. Là người duy vật, chúng ta theo Ăng-ghen mà gọi những người theo thuyết của Can-tơ và của Hi-um là những người bất khả tri vì họ phủ định thực tại khách quan là nguồn gốc của các cảm giác của chúng ta. Chữ agnostic (bất khả tri) bắt nguồn từ chữ Hy Lạp: a, theo tiếng Hy Lạp là không, và gnosis là sự hiểu biết. Người bất khả tri nói: tôi không biết có một thực tại khách quan được các cảm giác của chúng ta phản ánh, phản chiếu hay không, tôi tuyên bố là không thể biết được điều đó (xem ở trên kia nhận xét của Ăng-ghen về điểm này, khi ông trình bày quan điểm của người bất khả tri). Do đó người bất khả tri phủ định chân lý khách quan, và do đó có sự khoan dung, một sự khoan dung tiểu tư sản, phi-li-xtanh, hèn nhát đối với học thuyết về yêu ma và quỷ quái, về thần thánh Thiên chúa giáo và về những cái khác tương tự. Hợm hĩnh đưa ra một thuật ngữ "mới", một quan điểm có vẻ "mới", Ma-khơ và A-vê-na-ri-út thực ra chỉ nhắc lại một cách hết sức ấp úng và lộn xộn câu trả lời của anh chàng bất khả tri: một mặt, vật thể là những phức hợp cảm giác (chủ nghĩa chủ quan thuần tuý, thuyết Béc-cli thuần tuý); mặt khác, nếu những cảm giác được gọi là yếu tố thì có thể hình dung được sự tồn tại của các cảm giác là không lệ thuộcvào các giác quan của chúng ta!

Phái Ma-khơ thích tuyên bố rằng họ là những nhà triết học hoàn toàn tin vào sự chứng thực của các giác quan của ta, và coi thế giới là thực sự đúng như nó biểu hiện ra với chúng ta, đầy âm thanh và màu sắc, v.v., còn đối với những người duy vật thì thế giới - theo như họ nói - là thế giới chết, không có âm thanh, màu sắc, và khác với thế giới đúng như nó biểu hiện ra, v.v.. Chẳng hạn như I. Pết-txôn-tơ cũng tập hò hét theo kiểu ấy trong các cuốn "Giới thiệu triết học về kinh nghiệm thuần tuý" và "Vấn đề thế giới xét trên quan điểm thực chứng" (1906). Ngài Vích-to Tséc-nốp, say sưa với tư tưởng "mới", cứ nhắc lại như con vẹt theo Pết-txôn-tơ. Phái Ma-khơ thực ra chỉ là những kẻ chủ quan và bất khả tri, vì họkhông tin tưởng đầy đủ vào sự chứng thực của các giác quan của chúng ta và họ áp dụng thuyết cảm giác không được triệt để. Họ không thừa nhận rằng thực tại khách quan, độc lập đối với con người, là nguồn gốc các cảm giác của chúng ta. Họ không coi các cảm giác là hình ảnh đúng đắn của thực tại khách quan đó, như vậy là họ mâu thuẫn trực tiếp với khoa học tự nhiên và mở cửa đón chủ nghĩa tín ngưỡng. Trái lại, đối với người duy vật thì thế giới lại phong phú, sinh động, có nhiều vẻ hơn là nó biểu hiện ra, vì mỗi bước phát triển của khoa học lại phát hiện ra những khía cạnh mới của thế giới. Đối với người duy vật, cảm giác của chúng ta là hình ảnh của thực tại khách quan duy nhất và cuối cùng, - cuối cùng, không phải theo nghĩa là nó đã được nhận thức triệt để rồi, mà theo nghĩa là ngoài nó ra, không có và không thể có một thực tại nào khác nữa. Quan điểm ấy tuyệt đối không những không dung nạp mọi thứ chủ nghĩa tín ngưỡng mà còn không dung nạp cả triết học kinh viện lối nhà giáo nữa, một thứ triết học không thấy thực tại khách quan là nguồn gốc của các cảm giác của chúng ta, nên đã dùng những lối nói công phu để "suy diễn ra" khái niệm cái khách quan, coi đó là cái có ý nghĩa phổ biến, được tổ chức về mặt xã hội, v.v. và v.v. và không thể và thường là không muốn tách chân lý khách quan ra khỏi niềm tin vào yêu ma và quỷ quái.

Phái Ma-khơ nhún vai khinh bỉ đối với những quan niệm "cũ rích" của những người duy vật "mắc bệnh giáo điều" cứ bám lấy cái khái niệmvật chất hình như đã bị "khoa học tối tân" và "chủ nghĩa thực chứng tối tân" đánh đổ rồi. Chúng tôi sẽ nói riêng đến những thuyết mới của vật lý học về kết cấu của vật chất. Nhưng hoàn toàn không được phép lẫn lộn, như phái Ma-khơ, những học thuyết về kết cấu nào đó của vật chất với phạm trù nhận thức luận, - lẫn lộn vấn đề những đặc tính mới của những dạng mới của vật chất (ví dụ như của điện tử) với cái vấn đề cũ là lý luận về nhận thức, với vấn đề về nguồn gốc các hiểu biết của chúng ta, vấn đề về sự tồn tại của chân lý khách quan, v.v.. Nghe nói rằng Ma-khơ đã "phát hiện ra những yếu tố của thế giới": cái đỏ, cái xanh, cái cứng, cái mềm, cái vang, cái dài, v.v.. Chúng tôi xin hỏi: khi con người nhìn thấy màu đỏ hoặc cảm thấy một cái gì cứng, v.v., thì con người có thấy được thực tại khách quan không? Vấn đề triết học cũ, rất cũ này đã bị Ma-khơ làm lu mờ đi. Nếu con người không cảm thấy được thực tại khách quan, thì nhất định các anh, cùng vớiMa-khơ, sẽ rơi vào chủ nghĩa chủ quan và thuyết bất khả tri, vào tay bọn theo thuyết nội tại, tức là bọn Men-si-cốp trong triết học, và như thế là đáng lắm. Nếu ta cảm thấy được thực tại khách quan, thì phải đặt cho nó một khái niệm triết học; và khái niệm này đã được xác định từ lâu, lâu lắm rồi, đó chính là khái niệm: vật chất. Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh, và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác. Do đó, nếu nói rằng khái niệm này có thể "cũ đi", như thế tức là bập bẹ như trẻ con, tức là nhai lại một cách không suy nghĩ những lý lẽ của triết học phản động đang thịnh hành. Phải chăng trong hai nghìn năm phát triển của triết học cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật, cuộc đấu tranh giữa xu hướng hay đường lối của Pla-tôn và của Đê-mô-crít trong triết học, cuộc đấu tranh giữa khoa học và tôn giáo, cuộc đấu tranh giữa việc phủ nhận và việc thừa nhận chân lý khách quan, cuộc đấu tranh giữa những người theo thuyết nhận thức siêu cảm giác và những người chống lại họ, đã có thể cũ đi rồi sao?

Vấn đề thừa nhận hay gạt bỏ khái niệm vật chất, là vấn đề sự tin tưởng của con người vào sự chứng thực của các giác quan của mình, là vấn đề về nguồn gốc của nhận thức của chúng ta, một vấn đề đã được nêu ra và tranh cãi từ khi mới bắt đầu có triết học, một vấn đề có thể bị những tên hề có bằng cấp giáo sư cải trang đi bằng ngàn kiểu nhưng vẫn không thể cũ đi được, cũng giống như vấn đề tìm hiểu xem thị giác, xúc giác, thính giác và khứu giác có phải là nguồn gốc của nhận thức của con người hay không, là vấn đề không thể nào cũ đi được. Coi cảm giác của ta là hình ảnh của thế giới bên ngoài - thừa nhận chân lý khách quan đứng trên quan điểm lý luận duy vật về nhận thức, thì cũng như nhau thôi. Để làm sáng tỏ điều đó, tôi chỉ dẫn một đoạn trích của Phơ-bách và hai đoạn trích từ những sách giáo khoa triết học, - để độc giả có thể thấy vấn đề đó sơ đẳng đến mức nào. L. Phơ-bách viết: "Không nhận thấy cảm giác là phúc âm, là sự báo hiệu (Verkündung) của một đấng cứu thế khách quan, thì thật là tầm thường biết bao"*. Các bạn thấy đấy, lối dùng chữ thì lạ lùng, quái gở, nhưng đường lối triết học thì hoàn toàn rõ ràng: cảm giác vạch ra cho con người thấy chân lý khách quan. "Cảm giác của tôi thì chủ quan, nhưng cơ sở của nó - hay nguyên nhân (Grund) của nó - thì khách quan" (S. 195). Các bạn hãy so sánh đoạn này với đoạn mà chúng tôi đã dẫn ra ở trên kia, trong đó, Phơ-bách nói rằng chủ nghĩa duy vật xuất phát từ thế giới cảm tính coi như chân lý khách quan cuối cùng (ausgemachte).

Trong quyển "Từ điển các khoa học triết học" của Phrancơ* chúng ta đọc thấy như sau: thuyết cảm giác là một học thuyết cho rằng tất cả các quan niệm của ta là do "từ kinh nghiệm của cảm giác mà ra, và quy nhận thức thành cảm giác". Thuyết cảm giác xuất hiện dưới ba hình thức: thuyết cảm giác chủ quan (chủ nghĩa hoài nghi và thuyết Béc-cli), thuyết cảm giác đạo đức (chủ nghĩa Ê-pi-quya) và thuyết cảm giác khách quan. "Thuyết cảm giác khách quan là chủ nghĩa duy vật; vì theo những người duy vật thì vật chất hoặc các vật thể là những khách thể duy nhất có thể tác động lên giác quan của chúng ta" (atteindre nos sens). Trong quyển "Lịch sử triết học" của Svếch-lơ, có nói: "Khi thuyết cảm giác khẳng định rằng chân lý hay tồn tại chỉ có thể được nhận thức nhờ cảm giác, thì người ta (đây là ông nói về triết học Pháp cuối thế kỷ XVIII) chỉ còn có việc trình bày mệnh đề đó một cách khách quan nữa, là người ta đi đến luận điểm duy vật: chỉ có cái được cảm giác là tồn tại; không có tồn tại nào khác ngoài tồn tại vật chất".

Những chân lý sơ đẳng như thế đã được đưa vào các sách giáo khoa rồi, thế mà phái Ma-khơ của chúng ta đã quên mất.

 



 

 

* Hegel. "Enzyklopọdie der philosophischen Wissenschaften im Grundrisse", Werke, VI. Band (1843), S. 83. Xem S. 122.

* Feuerbach. Sämtliche Werke, X. Band, 1866, SS. 194 - 195.

* "Dictionnaire des sciences philosophiques", Paris, 1875.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt