Nhận thức luận | Khoa học luận

Môi trường (das Element) của Tri thức

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

LỜI TỰA

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

 

7.

MÔI TRƯỜNG (DAS ELEMENT) CỦA TRI THỨC

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả.Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.


 

 

Việc tự-nhận thức thuần túy ở trong cái tồn tại-khác tuyệt đối (das reine Selbsterkennen im absoluten Anderssein)[1] [một tự ngã có nhận thức một cách thuần túy về chính mình ở trong cái đối lập tuyệt đối của chính nó] – tức “bầu thiên khí ê-te (Äther) [thuần túy này][2] xét như là chính bản thân nó (als solcher) – chính là nền móng và mảnh đất của Khoa học hay là Tri thức theo nghĩa chung nhất. Khởi điểm của triết học giả định tiên quyết hay đòi hỏi rằng ý thức phải ở ngay bên trong môi trường này. Nhưng, bản thân môi trường (Element) này cũng chỉ đạt tới sự hoàn tất trọn vẹn và có được sự trong suốt (Durchsichtigkeit) là thông qua tiến trình vận động [từng bước] để “trở thành” của nó. Nó là tính Tinh thần thuần túy (reine Geistigkeit) như là cái phổ biến* có phương thức [hiện hữu] (die Weise) của tính trực tiếp đơn giản; – cái đơn giản này, với tư cách là cái đơn giản, khi có sự hiện hữu (Existenz), thì đó là miếng đất của tư tưởng và chỉ tồn tại ở trong Tinh thần**. Bởi môi trường (Element) này, bởi tính trực tiếp này của Tinh thần là cái bản thể nói chung (das Substantielle überhaupt) của Tinh thần, nên tính trực tiếp này cũng là tính bản chất đã được “thăng hoa” (verklärte Wesenheit), là sự phản tư vốn bản thân đơn giản mang tính trực tiếp cho-mình với tư cách là tính trực tiếp, là sự tồn tại mang tính cách của sự phản tư vào trong chính mình.

Về phía mình, Khoa học đòi hỏi Tự-ý thức [cá nhân] phải tự nâng lên trong bầu thiên khí ê-te này, để ý thức này có thể sống cũng như được sống cùng với Khoa học và ở trong Khoa học. Ngược lại, cá nhân cũng có quyền đòi hỏi Khoa học ít ra cung cấp cho chiếc thang để giúp mình cũng đạt tới được chỗ đứng ấy, và chỉ ra cho cá nhân thấy chỗ đứng ấy ngay trong bản thân mình. Quyền đòi hỏi này của cá nhân dựa trên tính độc lập-tự chủ tuyệt đối mà cá nhân biết rõ mình đang sở hữu trong từng hình thái của nhận thức, bởi trong bất kỳ hình thái nào, dù được Khoa học thừa nhận hay không và dù mang bất kỳ nội dung gì, thì cá nhân chính là hình thức tuyệt đối, nghĩa là, cá nhân [trong giai đoạn ấy] là* sự xác tín trực tiếp về chính mình, và, nếu thích dùng một thuật ngữ khác hơn, thì cá nhân là sự tồn tại vô-điều kiện[3]. Nếu Khoa học xem lập trường của ý thức [cá nhân] – tức lập trường có cái biết về sự vật khách quan như là đối lập với chính mình, và có cái biết về chính mình như là đối lập với sự vật khách quan – như là cái khác, xa lạ với mình – xem những gì ý thức cá nhân tự biết một cách khép kín chỉ nơi chính mình thực ra là sự đánh mất [toàn bộ tính] Tinh thần, – thì, ở phía ngược lại, ý thức [cá nhân] xem môi trường (Element) tồn tại của Khoa học là cái gì xa vời nằm ở phía bên kia, trong đó ý thức [e rằng] sẽ không còn “sở hữu” được chính mình nữa. Cả hai phía [Khoa học và ý thức cá nhân] đều xem nhau là sự đảo ngược của chân lý[4]. Nếu ý thức tự nhiên [xem: Chú giải dẫn nhập: 2.2] giao trọn niềm tin cho Khoa học một cách trực tiếp, thì đó là một nỗ lực thử một lần “đi bằng đầu” không rõ lý do từ đâu xui khiến. | Việc bắt buộc phải chấp nhận một lập trường xa lạ, không quen thuộc và vận động trong lập trường ấy xem ra là một bạo lực cưỡng bức chưa hề được ý thức tự nhiên chuẩn bị cũng như chưa được thấy rõ sự cần thiết tại sao buộc phải làm như thế. Còn Khoa học, nếu cứ để yên nơi chính nó thì tha hồ tùy thích, nhưng khi quan hệ với loại Tự-ý thức trực tiếp [ngây thơ] này, Khoa học lại tỏ ra là cái gì trái ngược hẳn với ý thức tự nhiên; hay nói cách khác, bởi Tự-ý thức [ngây thơ] nhìn nhận nguyên tắc của hiện thực của nó là ở trong sự xác tín về chính mình*, và bởi ý thức, xét cô lập “cho-mình”, là một trạng thái hoàn toàn nằm bên ngoài Khoa học, nên trong trường hợp này, Khoa học hóa ra lại mang hình thức của tính không-hiện thực. Chính vì thế, điều Khoa học cần làm là phải hợp nhất cái môi trường [tự xác tín về chính mình] ấy của ý thức tự nhiên với môi trường của chính mình, hay đúng hơn, cho thấy môi trường ấy cũng thuộc về chính mình và thuộc về bằng cách nào. Nếu thiếu [tính] hiện thực như thế, Khoa học chỉ đơn thuần là nội dung với tư cách là cái “Tự-mình”* [cái gì còn ở trạng thái mặc nhiên, tiềm năng], là mục đích mới chỉ là một cái “bên trong” [ở giai đoạn ban đầu, mang tính nội tại], mới là “Bản thể tinh thần” chứ chưa phải là Tinh thần. Cái “Tự mình” này còn phải tự thể hiện ra bên ngoài (sich äußern) và trở thành “cho-mình”. | Điều này không có nghĩa gì khác hơn là: cái Tự mình ấy phải thiết định cái Tự-ý thức [tự nhiên] như là một với chính mình[5].

 



[1] “Việc tự-nhận thức thuần túy ở trong cái tồn tại-khác tuyệt đối” là “môi trường” được tiền-giả định như là khởi điểm của triết học, có nghĩa là: a) việc tự-nhận thức (nhận thức về chính mình) là ở trong môi trường của việc trở thành cái khác, tức phải tiến hành thông qua cái đối lập với mình (đó là điểm chung với ý thức-tự nhiên, tức với ý thức về đối tượng, luôn có một cái gì đối lập lại với mình); b) nhưng lại nhận ra chính mình trong cái khác ấy, lại tìm lại được chính mình (trong đó sự đối lập mà ý thức tự nhiên bị kẹt vào lại được khắc phục, và tạo ra được “mảnh đất” của “tư duy”, “chỉ ở trong Tinh thần”, nghĩa là không còn ở trong kinh nghiệm cảm tính, trong cái “tồn tại-khác” nữa mà đã “vượt bỏ” nó ở trong chính mình. Trong chừng mực ấy, đó là “một tồn tại có sự phản tư vào trong chính mình”, là “tính bản chất” đã được “thăng hoa”. Nói khác đi, bản thân “tiến trình trở thành” này của nhận thức – qua đó “môi trường” được “hoàn tất và trong suốt” – cũng thuộc về triết học. (Tiểu đoạn §26 mở đầu cho phần hai của Lời Tựa (§§26-37) nói về sự cần thiết phải có một môn Hiện tượng học Tinh thần.

[2] “Bầu thiên khí Ether”: thuật ngữ của Hӧlderlin. Trong “Lô-gíc học thời kỳ Jena” (Jenenser Logik, W. XVIII a, tr. 197), Hegel dùng lại thuật ngữ này và định nghĩa: “Ether [Ê-te] là Tinh thần-tuyệt đối tự quan hệ với chính mình nhưng không tự nhận biết như là Tinh thần-tuyệt đối”.

* Ấn bản lần I (1807): “hay là cái phổ biến”. (N.D).

** Câu: “cái đơn giản này... Tinh thần”: thêm vào cho ấn bản II. (Không có trong bản Meiser). (N.D).

* Ấn bản I: “có” (thay vì “là”).

[3] “Sự xác tín trực tiếp về chính mình” (die unmittelbare Gewißheit seiner selbst): ám chỉ Descartes là người đã mang lại ý nghĩa triết học quyết định cho sự tự-xác tín. Với Hegel, sự tự-xác tín cũng là một cái “vô-điều kiện” trong mọi nhận thức, là “hình thức tuyệt đối”, trong chừng mực bất kỳ một cái biết nào cũng đi liền với sự tự-xác tín. Nhưng, nó không phải là điểm tối hậu, mà chỉ là một mô-men (Moment) trong toàn bộ tiến trình của triết học với tư cách là khoa học.

[4] Ngay từ 1802 (W. I, tr. 126), Hegel đã nói rằng, đối với ý thức tự nhiên thông thường, “thế giới của triết học tự-mình-và-cho-mình là một thế giới bị đảo ngược”, nhưng Hiện tượng học là tiến trình quá độ của ý thức thông thường này đi đến với triết học. Không có Tự-ý thức trực tiếp này, Khoa học sẽ thiếu mất “hiện thực”; do đó, nó đi đến với Tự-ý thức, đồng thời Tự-ý thức cũng tự nâng mình lên đến với Khoa học. Cho nên, ta sẽ thấy, sự “trở thành” của Khoa học bắt đầu với “ý thức cảm tính”, với “ý thức vô-tinh thần” như là một “Moment” của Tinh thần. Cách làm này khác với Fichte, khi Fichte tiến hành theo cách “diễn dịch” và không xem Tự-ý thức tự nhiên như là điểm xuất phát.

* Ấn bản I: “vì ý thức về chính mình một cách trực tiếp là nguyên tắc của tính hiện thực”.

* Ấn bản I: “Khoa học chỉ đơn thuần là cái tự-mình”.

[5] Ám chỉ và phê phán Schelling: theo Hegel, Khoa học nơi Schelling là có tính “bí truyền”, nó đối lập lại với ý thức tự nhiên thông thường, do đó vẫn là cái gì “ở bên trong”, không có sự phát triển. Bản thân ý tưởng về một môn Hiện tượng học Tinh thần – tức con đường dẫn ý thức tự nhiên đến với Khoa học – cũng ngụ ý phê phán cái Tuyệt đối của Schelling.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt