Nhận thức luận | Khoa học luận

Nâng lên trong môi trường của Tri thức chính là [công việc] của "Hiện tượng học Tinh thần"

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

LỜI TỰA

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

 

8.

NÂNG LÊN TRONG MÔI TRƯỜNG (ELEMENT) CỦA TRI THỨC

CHÍNH LÀ [CÔNG VIỆC CỦA] “HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN”

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.


 

 

§ 27

Tiến trình “trở thành” của Khoa học nói chung hay của Tri thức chính là điều mà [quyển] “Hiện tượng học Tinh thần” này1* sẽ trình bày. Cái biết, lúc thoạt đầu, hay, Tinh thần trực tiếp là cái “vô-Tinh thần” (das Geistlose) [không có sự hoạt động của Tinh thần], đó là ý thức cảm tính. Để trở thành Tri thức đích thực, hay, để sản sinh ra môi trường của Khoa học – môi trường là bản thân Khái niệm thuần túy của Khoa học –, ý thức cảm tính còn phải trải qua một con đường dài đầy vất vả nơi chính mình. Tiến trình “trở thành” Khoa học này, xét về nội dung do nó thể hiện ra và xét về các hình thái mà nó cho thấy trong suốt tiến trình – , sẽ không phải như điều được người ta mới đầu hình dung về một sự hướng dẫn ý thức không-khoa học tiến lên trình hạn của Khoa học; nó cũng khác với việc đặt nền tảng cho Khoa học lẫn với kiểu cuồng nhiệt xuất thần cho rằng có thể bắt đầu ngay lập tức, một cách trực tiếp với Tri thức tuyệt đối như thể bắn đoàng một phát súng và qua đó, cũng thanh toán xong các quan điểm khác [một cách giản dị] chỉ bằng cách tuyên bố rằng không cần quan tâm đến chúng77.

 

§ 28

Nhiệm vụ dẫn dắt [tinh thần] cá nhân từ quan điểm không được đào luyện đến với Tri thức phải được nắm bắt [trong “Hiện tượng học Tinh thần”] trong ý nghĩa phổ biến và phải xem xét cái cá nhân phổ biến, cái Tinh thần tự giác2* trong tiến trình đào luyện [thành văn hóa] (Bildung) của nó78.   

Về mối quan hệ giữa hai cái với nhau [cá nhân đặc thù và cá nhân phổ biến], bất kỳ yếu tố nào – khi mang hình thức cụ thể và hình thái riêng biệt – đều có một chỗ đứng ở trong [đời sống của] cá nhân phổ biến. Cá nhân đặc thù là Tinh thần chưa hoàn chỉnh, là một hình thái cụ thể mà trong toàn bộ sự hiện hữu của nó chỉ có một đặc điểm quy định (eine Bestimmheit) là giữ vai trò chủ đạo, còn những đặc điểm khác chỉ hiện diện một cách đại thể, mờ nhạt. Còn trong Tinh thần đứng ở trình hạn cao hơn Tinh thần kia, thì hình thức hiện hữu cụ thể, thấp hơn đã bị hạ thấp xuống thành một yếu tố mờ tối: cái trước đây đã là “bản thân Sự việc” (die Sache selbst), nay chỉ còn là một dấu vết; hình thái của nó bị che phủ và trở thành một khoảng tối đơn giản. Cá nhân – mà Bản thể của nó là Tinh thần ở cấp độ cao hơn – trải qua suốt những hình thức quá khứ này, cũng giống như cách mà một kẻ nắm được khoa học ở trình độ cao hơn cũng trải qua những hình thức dự bị này của cái biết mà mình đã có được từ lâu, nhằm làm cho nội dung ấy hiện diện trở lại trước mắt mình; triệu hồi chúng trở lại ở trong hồi ức (Erinnerung) mà không dừng lại và gắn chặt sự quan tâm của mình vào đó. Xét về mặt nội dung, Tinh thần cá biệt [cá nhân] cũng phải tất yếu trải qua những cấp độ đào luyện của Tinh thần phổ biến, song đó là những hình thái đã từng được Tinh thần phổ biến mang lấy và nay đã bỏ lại, như những chặng đường của một con đường đã được khai phá và từng trải. | Cho nên, ta thấy những kiến thức mà trong những thời đại trước đây, Tinh thần lão luyện của bao người đã phải dày công nghiên cứu, nay được hạ thấp xuống cấp độ của những thông tin, những bài tập, thậm chí là trò chơi của tuổi ấu niên; và, trong sự tiến bộ này của nền giáo dục, ta có thể nhận ra lịch sử của việc đào luyện [văn hóa] của toàn thế giới được tái hiện lại ở những nét phác thảo. Sự hiện hữu đã qua này đã trở thành sở hữu của Tinh thần phổ biến. | Tinh thần phổ biến ấy tạo nên Bản thể của cá nhân [riêng lẻ], và, bởi nó xuất hiện ra cho cá nhân như cái gì đến từ bên ngoài, nên [dường như] tạo nên “bản tính vô cơ” cho cá nhân ấy79. Nhìn từ giác độ cá nhân, việc đào luyện [hay sự phát triển] của Tinh thần thể hiện ở chỗ cá nhân sở đắc cái gì đã có sẵn đấy, hấp thu cái “bản tính vô cơ” ấy, [biến nó thành cái “hữu cơ”] cho chính mình và chiếm hữu nó cho mình. Nhưng, nhìn từ phương diện của Tinh thần phổ biến – với tư cách là Bản thể –, việc đào luyện [văn hóa] không gì khác hơn là: Bản thể này mang lại Tự-ý thức của mình cho chính mình, tạo ra (hervorbringt) tiến trình “trở thành” của chính mình cũng như sự phản tư của mình vào trong chính mình80.

 

§ 29

Khoa học trình bày trước mắt ta tiến trình hiện thân bằng hình thái (Gestaltung) của sự tự đào luyện này trong toàn bộ tính phong phú của sự triển khai đầy chi tiết và trong tính tất yếu của nó, đồng thời, cho thấy Khoa học là cái gì đã được ha ïthấp xuống thành mô-men (Momente) [của sự tồn tại] của Tinh thần và trở thành vật sở hữu của Tinh thần. Mục tiêu cần đạt tới là sự thức nhận (Einsicht) của Tinh thần vào trong cái gì là Tri thức [về việc Tri thức thực sự là gì]. Sự thiếu kiên nhẫn đòi hỏi điều bất khả, đó là: đạt được mục tiêu mà không có các phương tiện. Một mặt, cần phải chịu đựng độ dài của con đường, bởi yếu tố nào cũng đều là thiết yếu [notwendig: tất yếu và cần thiết] cả; và mặt khác, lại phải dừng lại ở từng giai đoạn, bởi bản thân mỗi giai đoạn là một hình thái cá biệt trọn vẹn và chỉ được xem xét một cách tuyệt đối [đầy đủ và rốt ráo] là trong chừng mực đặc điểm quy định (Bestimmheit) của nó cũng được xem xét như là cái toàn bộ hay như là cái cụ thể; hay, chỉ trong chừng mực cái toàn bộ này được xét trong tính riêng có (Eigentümlichkeit) của sự quy định này. Bởi lẽ, không chỉ Bản thể của [Tinh thần] cá nhân, mà thậm chí3*, cả bản thân TINH THẦN THẾ GIỚI (WELTGEIST) đều đã có sự kiên nhẫn để đi trọn những hình thức này trong suốt chiều dài của Thời gian, và gánh vác trên vai mình lao động khổng lồ của lịch sử thế giới (die ungeheure Arbeit der Weltgeschichte), nơi đó nó thể hiện toàn bộ nội dung của chính mình trong từng mỗi hình thái như thể mỗi hình thái có khả năng thể hiện được nó; và bởi lẽ Tinh thần-thế giới đã không thể làm ít hơn mà có thể đạt tới chỗ có ý thức về chính mình, cho nên, xét theo bản tính của Sự việc, [tinh thần] cá nhân càng không thể chờ đợi rằng chỉ cần nỗ lực ít hơn mà lại có thể thấu hiểu [bằng Khái niệm] (begreifen) được Bản thể của mình81. | Dù sao, nhiệm vụ của Tinh thần cá nhân cũng có phần nhẹ nhàng, đỡ vất vả hơn nhiều, vì nhiệm vụ này thực ra đã được hoàn thành một cách [mặc nhiên] tự mình (an sich) [về mặt lịch sử]: nội dung là một nội dung mà hiện thực [trực tiếp] của nó đã được tiêu trừ đi để trở thành khả thể [mang tính tinh thần], nơi đó tính trực tiếp đã được khắc phục [và đặt dưới quyền kiểm soát của sự phản tư], còn những hình thái khác nhau đều đã được quy giảm xuống thành những “chữ viết tắt” ngắn gọn [mang tính trí tuệ], tức, thành [những] quy định tư duy đơn giản [và thuần túy] (einfache Gedankenbestimmung)4*. Nay, một khi đã là một cái gì được suy tưởng (ein Gedachtes) [một tư tưởng], nội dung trở thành sở hữu của Bản thể5* [tinh thần]; sự hiện hữu (Dasein) của nó không còn phải được đảo hóa (umkehren) trong hình thức của cái gì tồn tại tự-mình nữa, trái lại, tuy là cái tự-mình – song vừa không phải là cái tự-mình sơ khai, vừa không phải cái tự mình bị đắm chìm trong sự hiện hữu, mà đúng hơn, đã là cái tự mình được hồi ức (erinnertes Ansich) cần phải đảo hóa sang hình thức của tồn tại-cho mình (Fürsichsein)82. Phương thức vận hành này còn phải được chỉ ra một cách chính xác hơn nữa.

 

 


1* Ấn bản lần I có thêm câu: “với tư cách là phần thứ nhất của Hệ thống khoa học”, bị Hegel bỏ đi khi chuẩn bị ấn bản II.

77 Ở tiểu đoạn §27 này, Hegel muốn phân biệt “sự trở thành của Khoa học” – mà “Hiện tượng học Tinh thần” của ông sẽ trình bày – với kiểu làm của các tiền bối: khác với kiểu “hướng dẫn” hay “nhập môn” vào Khoa học mà ông gọi là “đặt nền tảng” cho Khoa học (ám chỉ việc đặt cơ sở siêu nghiệm cho khả thể của Khoa học nơi Kant và việc diễn dịch trong “Học thuyết-khoa học” của Fichte); đồng thời khác với kiểu “cuồng nhiệt xuất thần bắt đầu ngay với Tri thức tuyệt đối như thể bắn đoàng một phát súng” (của Schelling). Bởi theo Hegel, “việc trở thành” của khoa học phải trải qua “một con đường dài đầy vất vả”. Như vậy, lịch sử trở thành chân trời cho sự suy niệm triết học như là Khoa học về cái Tuyệt đối: một bước ngoặt quyết định thể hiện trong các tiểu đoạn sau. (Chính do chỗ không ưa việc “dẫn nhập” vào triết học theo kiểu phi-lịch sử, nên trong ấn bản lần thứ hai của quyển Hiện tượng học này, tự tay Hegel gạch bỏ câu “với tư cách là phần thứ nhất [“nhập môn”] của Hệ thống khoa học).

2* Ấn bản I: “Tinh thần thế giới” (Weltgeist).

78 Ta sẽ thấy rõ ý nghĩa “giáo dục” của việc “đào luyện” trong các phần tiếp theo. Cũng như Hưlderlin, Hegel đã thấm nhuần quyển Émile của J. J. Rousseau, và ta thấy rõ ảnh hưởng của quyển “Wilhelm Meisters Lehrjahre”/ “Những năm học hỏi của W. Meister” của Goethe đối với cả thế hệ Hegel. (Xem thêm chú thích 12 cho §4). “Cá nhân phổ biến”: hình thái ý thức có tính điển hình của các cấp độ phát triển của Tinh thần. (Xem: Chú thích 80).

79 Hegel dùng thuật ngữ “bản tính vô cơ” (“inorganische Natur”) theo nghĩa rất rộng. Trong tiến trình đào luyện văn hoá, cá nhân phải hấp thu, “tiêu hóa” bản tính này thành bản tính “hữu cơ” của mình. “Bản tính vô cơ” xuất hiện ra cho cá nhân như một “cái khác” (Tinh thần bị tha hóa với chính mình). Cũng thế, trẻ con tìm thấy cái “khác” nơi cha mẹ mình, ngược lại, sự trưởng thành của đứa con là cái chết của cha mẹ: “Những gì cha mẹ cho con thì họ đánh mất nó; họ chết đi trong đứa con” (Realphilosophie, W. XIX, tr. 224). Tương tự như vậy, “Bản thể tinh thần” – khi chuyển hóa sang cho cá nhân – trở thành Tự-ý thức [của cá nhân], nghĩa là “Bản thể tinh thần” tự đánh mất mình.

80 Để hiểu tiểu đoạn này, ta cần ghi nhớ điểm căn bản: với Hegel, không chỉ có kinh nghiệm của ý thức cá biệt (cá nhân riêng lẻ) mà cả kinh nghiệm bao trùm và sự đào luyện của cả loài người trong suốt lịch sử của nó mới là chỗ dựa cho sự phát triển của cá nhân và là “Bản thể” tất yếu của cá nhân. Trong ý nghĩa đó, Hegel xem “cá nhân đặc thù” như là “Tinh thần không hoàn chỉnh”, như là “Moment” đơn thuần so với Tinh thần hay “cá nhân phổ biến” mà cá nhân riêng lẻ phải tiếp thu những cấp độ đào luyện đã qua của “cá nhân phổ biến” ấy, tức phải “trải qua một lần nữa” những gì đã được “thực hiện và mở đường” bởi “lao động khổng lồ của lịch sử thế giới” (§29). “Hiện tượng học Tinh thần” vừa là những cấp độ phổ biến của ý thức nói chung, vừa là những cấp độ phát triển khách quan của tinh thần lịch sử-cụ thể. Với sự đột phá vào “tính lịch sử” của Tinh thần, Hegel tin rằng mình đã vượt ra khỏi Kant, Fichte và Schelling (ý thức mới mẻ về “lịch sử” đã bắt đầu ở Hamann, Herder và Schiller, nhưng thật sự mang ý nghĩa triết học nơi Hegel), vì theo ông, lịch sử không kìm hãm hay đặt Tinh thần vào trong giới hạn chật hẹp, trái lại, tạo điều kiện và đặt cơ sở cho tiến trình “trở thành” và tự phát triển của Tinh thần như là Tự-ý thức, khiến cho việc nhìn nhận “tính lịch sử” (Geschichtlichkeit) không gì khác hơn là sự “thức nhận của Tinh thần về việc “tri thức” thật sự là gì” như ông sẽ nói ở đầu tiểu mục §29 tiếp theo.

3* “thậm chí” (sogar): được Hegel thêm vào cho Ấn bản lần II.

81 Với Khái niệm “Tinh thần-thế giới” (Weltgeist) như là “Bản thể của cá nhân”, Hegel đưa ta vào trung tâm của Siêu hình học về lịch sử của ông. “Tinh thần-thế giới” biểu thị cái [nguyên tắc] vừa chống đỡ vừa hướng dẫn cho toàn bộ đời sống tinh thần lẫn tiến trình lịch sử thế giới. Có thể nói, đó là một Chủ thể siêu-cá nhân khổng lồ, tự triển khai và đặc thù hóa thành những “tinh thần quốc gia-dân tộc” cụ thể. Ý nghĩa của sự phát triển này, như Hegel nói, là “sự tiến bộ của nhân loại trong ý thức về Tự do”, tức tiến trình có ý thức ngày càng sáng tỏ về chính mình như là hiện thực tinh thần. Thoạt nhìn, Khái niệm này có vẻ là một sản phẩm thuần túy tư biện của siêu hình học, nhưng cũng là kết quả của nỗ lực nhận thức và xử lý chất liệu phong phú của lịch sử thế giới. Vấn đề cần chú ý ở đây là mối quan hệ giữa Tinh thầnThời gian trong câu: “vì Tinh thần-thế giới thậm chí cũng có sự kiên nhẫn…”. Không trải qua thời gian và “lao động khổng lồ của lịch sử thế giới”, Tinh thần-thế giới cũng “không đạt được ý thức về chính mình”. Trong tiến trình ấy, bất kỳ yếu tố hay thời đoạn nào (Moment) cũng là tất yếu và cần thiết, do đó, con đường vừa “rất dài”, vừa phải “dừng lại” ở từng thời đoạn, bởi yếu tố hay thời đoạn ấy đồng thời là “một hình thái cá biệt toàn bộ”. Ta thấy cả sức nặng của thực tại lịch sử nơi nhận định này của Hegel.

Ở gần cuối sách (§801), Hegel viết: “Thời gian xuất hiện như là số phận và sự tất yếu của Tinh thần, khi Tinh thần chưa hoàn tất ở bên trong chính mình”. Tinh thần “hoàn tất” sẽ để Thời gian lại phía sau (cụ thể là ở chỗ kết thúc quyển “Hiện tượng học” và chỗ bắt đầu “Khoa học Lô-gíc”), nhưng không phải là trước đó. Cho nên, tinh thần cá nhân càng “không thể nhận thức được Bản thể” của mình mà không phải vất vả. Nói khác đi, Tinh thần tất yếu xuất hiện ra một cách lịch sử và chỉ “vượt bỏ” được thời tính và sử tính của mình với tư cách là Tinh thần có tính lịch sử mà thôi. Mặt khác, tiến trình trở thành “cho mình” này của Tinh thần tiền-giả định rằng Tinh thần vốn là “tự-mình”, là “nền móng và căn nguyên” (Grund) cho sự phát triển lịch sử và cho từng hình thái lịch sử đặc thù. Đó lại là vấn đề khác, thuộc Triết học lịch sử. (Xem thêm: Hegel: Các bài giảng về Triết học lịch sử; Herbert Marcuse: “Bản thể học của Hegel và việc đặt cơ sở cho một lý luận về sử tính”/Hegels Ontologie und die Grundlegung einer Theorie der Geschichtlichkeit, 1932; Chú giải dẫn nhập: 8.1).

4* Phần câu từ: “còn những hình thái khác… quy định tư duy đơn giản”: được thêm vào cho Ấn bản II. (không có trong bản Meiner).

5* Ấn bản I: “sở hữu của tính cá nhân”.

82 “Lao động của lịch sử thế giới”, xét như những sự kiện hiện thực, được “tiết giảm” đối với ý thức triết học [của cá nhân]. Những “nội dung” ấy đã được quá khứ vượt bỏ, trở thành “tính trực tiếp đã được tiêu trừ” và chỉ còn là “hiện hữu được hồi ức”. Chính nhờ việc “vượt bỏ” tính hiện thực bên ngoài của những sự kiện lịch sử quá khứ mới cho phép ta “bảo lưu” thực sự quá khứ trong ký ức, biến chúng trở thành “sở hữu bên trong” của Tinh thần. Tuy nhiên, xét như “những nội dung được hồi ức”, chúng tuy trở thành “quen thuộc” với ta, nhưng vẫn là “tính trực tiếp không được nhận thức”. Chúng tuy không còn là cái Tự-mình nguyên thủy, không còn bị chìm đắm trong hiện hữu nữa, nhưng vẫn là cái “Tự-mình được hồi ức”, cần chuyển thành cái “cho-mình”. Đó là khởi điểm của “lao động triết học” và là nhiệm vụ của “Hiện tượng học” để nhận thức cái đã “quen thuộc” (cái đã được vượt bỏ khỏi tính sự kiện) trên con đường “tự-nhận thức của Tinh thần”. Nói cách khác, toàn bộ hiện thực lịch sử đã được “xử lý” trở thành những “biểu tượng quen thuộc, có sẵn”, vấn đề bây giờ là phải nhận thức được cái “đã biết” ấy một cách triết học.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt