Nhận thức luận | Khoa học luận

Nguyên tắc không phải là sự hoàn tất: chống lại chủ nghĩa hình thức

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

LỜI TỰA

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

 

4.

NGUYÊN TẮC KHÔNG PHẢI LÀ SỰ HOÀN TẤT:

CHỐNG LẠI CHỦ NGHĨA HÌNH THỨC

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả.


 

 

§ 13

Trong khi sự xuất hiện[1] đầu tiên của thế giới-mới, một mặt, chỉ mới là cái toàn bộ còn bị che phủ trong tính đơn giản của nó, hay nói khác đi, mới là cơ sở phổ biến của cái toàn bộ này, thì mặt khác, đối với ý thức, sự phong phú của sự hiện hữu trước đây [của hình thái đã qua] vẫn còn hiện diện [một cách có ý thức] trong sự hồi tưởng (Erinnerung)[2]. Trong hình thái mới xuất hiện, ý thức còn thấy tiếc nuối vì không tìm lại được sự triển khai đầy chi tiết và sự đặc thù hóa của nội dung, song càng thấy thiếu hơn nữa sự thể hiện đã phát triển về hình thức, để qua đó những sự phân biệt được xác định vững chắc và được sắp xếp trong những mối quan hệ chặt chẽ. Không có sự thể hiện đã phát triển (Ausbildung) [của hình thức] này thì Khoa học thiếu đi tính “dễ hiểu” rộng rãi (allgemeine Verständlichkeit), và, do đó, có vẻ như là một vật sở hữu “bí truyền” (esoterisch) dành cho một số ít cá nhân: – sở dĩ là “vật sở hữu bí truyền”, bởi Khoa học chỉ mới hiện diện trong Khái niệm [sơ khởi, trừu tượng] hay chỉ mới hiện diện trong cái Bên trong của nó thôi; – còn sở dĩ là “dành cho một số ít cá nhân” là vì sự xuất hiện chưa được triển khai của nó mới chỉ cá biệt hóa sự hiện hữu của nó mà thôi [mới biến sự hiện hữu của nó thành cái gì cá biệt, chưa phổ biến]. Phải chờ tới khi một điều gì đó hoàn toàn được xác định [về hình thức] thì nó mới đồng thời là “công truyền” (exoterisch), là có thể hiểu được, có thể tiếp thu được và trở thành vật sở hữu cho tất cả [mọi người]. Hình thức “dễ hiểu” (verständige Form) của Khoa học là con đường của Khoa học mở ra cho tất cả mọi người và cũng là con đường đã được làm cho bằng phẳng để Mọi người đều đến được với Khoa học. | Thông qua giác tính (Verstand) để đi đến cái biết-lý tính [Tri thức thuần lý của lý tính] (vernünftiges Wissen) là đòi hỏi chính đáng của ý thức đang đi đến với Khoa học. | Bởi “giác tính” (Verstand) là tư duy, là [hoạt động của] cái Tôi thuần túy nói chung; và cái “giác tính” (Verständige) [cái có thể suy tưởng được, có thể hiểu được bằng giác tính] là cái đã-biết [“cái đã-quen thuộc”] (das schon Bekannte) và là cái chung của Khoa học lẫn của ý thức tiền-khoa học, tạo ra khả năng cho phép ý thức tiền-khoa học có thể trực tiếp bước vào [lãnh vực của] Khoa học[3].

 

§ 14

Khoa học mới bắt đầu nên chưa đạt đến được sự phát triển hoàn chỉnh về nội dung lẫn sự hoàn hảo về hình thức nên bị chê trách về điều khiếm khuyết ấy. Nhưng, nếu sự chê trách này nhắm vào bản chất của Khoa học, sự chê trách ấy là bất công cũng như không thể chấp nhận được khi không muốn thừa nhận yêu cầu phải tiếp tục phát triển nó một cách đầy đủ chi tiết (Ausbildung)[4]. Chính sự đối lập này xem ra là cái nút thắt chủ yếu nhất mà việc đào luyện khoa học hiện nay đang bàn nát nước để tháo gỡ và vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung. Một bên thì cứ giữ vững yêu sách là phải có sự phong phú của chất liệu [nội dung] và “tính dễ hiểu” [hiểu được bằng lý trí về hình thức], còn bên kia thì tỏ ra khinh miệt những điều này và giữ vững yêu sách về tính thuần lý được “trực quan trực tiếp” và về “môi trường thần linh” [của nội dung của Khoa học]. Mặc dù phiá thứ nhất buộc phải im tiếng, – có lẽ một phần do sức mạnh nội tại của bản thân chân lý [Khoa học đang ở bước đầu], phần khác, do thái độ ầm ỉ, hấp tấp của phía thứ hai, cũng như ngay cả khi cảm thấy được thuyết phục đối với nền tảng của Sự việc, phía thứ nhất vẫn thấy không được thỏa mãn đối với các yêu cầu của mình [là phải có được một nền Khoa học phát triển], bởi các yêu cầu ấy tuy là chính đáng song vẫn chưa được đáp ứng. Sự im tiếng của phía thứ nhất một nửa là thắng lợi dành cho phía thứ hai; một nửa kia là sự ngán ngẩm và thờ ơ [của phía thứ nhất], vốn là hậu quả đương nhiên khi bao kỳ vọng – thường xuyên được nuôi dưỡng bằng những lời hứa hẹn – không hề thấy được thực hiện[5].

 

§ 15

Còn về nội dung, những người khác[6] đôi khi lại thấy quá dễ dàng trong việc có được một sự triển khai phong phú. Họ kéo vào lãnh địa của họ một mớ chất liệu – thường là những điều đã “được biết”, đã “quen thuộc” (das schon Bekannte) và được sắp xếp có trật tự –. | Nhưng vì lẽ họ đặc biệt quan tâm nhiều hơn đến những nội dung đặc dị và kỳ lạ, họ làm như thể đang sở hữu được những điều này – những điều mà cái biết thuộc loại ấy tưởng đã giải quyết xong –, đồng thời như thể cũng có khả năng làm chủ được những gì còn “bất quy tắc”, “phi trật tự” và do đó, đặt Tất cả vào dưới Ý niệm-tuyệt đối (absolute Idee), khiến cho Ý niệm-tuyệt đối dường như được nhận ra ở trong Tất cả [mọi sự vật] và có vẻ đã trở thành một hệ thống khoa học được phát triển phong phú. Thế nhưng, nếu xem xét “sự triển khai phong phú” này kỹ hơn, ta thấy rằng nó không phải đã được hình thành từ một cái đồng nhất tự mang lại hình thái đa dạng cho mình[7] mà chỉ là sự lặp lại vô-hình thái của Một và cùng Một cái đồng nhất được áp dụng vào chất liệu khác nhau một cách ngoại tại và [chỉ] nhận được một vẻ ngoài nhàm chán của sự khác biệt. Ý niệm – xét riêng bản thân nó – quả là Chân lý, song, trong thực tế, không bao giờ đi xa hơn được chút nào so với khởi điểm, bao lâu sự phát triển của nó không vượt ra khỏi một sự lặp lại như thế của cùng một công thức (Formel). Nếu chủ thể nhận thức chỉ mang Một hình thức [trừu tượng] cứng đờ áp dụng vào khắp nơi, lấy bất kỳ chất liệu nào rồi nhấn chìm nó một cách ngoại tại vào trong môi trường tĩnh tại này, thì, – cũng như những ý tưởng tùy tiện[8] về nội dung – tất cả những điều ấy không thể nào đạt được đòi hỏi là: sự phong phú tự-bắt nguồn từ bản thân nó và sự phân biệt do chính bản thân những hình thái tự-quy định lấy. Như thế, thật ra đây là một chủ nghĩa hình thức đơn sắc chỉ đi đến được sự phân biệt [ngoại tại] về nội dung, và sở dĩ đi đến được cũng là do nội dung được dị biệt hóa này vốn đã được chuẩn bị sẵn và đã quen thuộc[9].

 

§ 16

Thế là, nó [chủ nghĩa hình thức] khẳng định tính đơn điệu và tính phổ biến trừu tượng này là cái Tuyệt đối. | Chủ nghĩa hình thức nói trên cứ khư khư cho rằng: không vừa lòng với điều này có nghĩa là không có khả năng chiếm lĩnhgiữ vững quan điểm [về cái] tuyệt đối. Nếu như đã từng có trường hợp xem cái khả thể trống rỗng khi hình dung một điều gì đó bằng một cách khác là đủ để bác bỏ một sự hình dung [có sẵn], cũng như xem chính cái khả thể đơn thuần, cái tư tưởng chung chung ấy lại có toàn bộ giá trị tích cực của Nhận thức thực sự, thì ở đây cũng vậy, ta thấy mọi giá trị đều được quy cho một Ý niệm chung chung trong hình thức của tính phi hiện thực; và nhất là, ta thấy phương pháp xem xét tư biện (spekulative Betrach-tungsart) bị đánh đồng với việc giải thể hết mọi cái gì được phân biệt và được quy định, hay nói đúng hơn, với việc ném tất cả chúng vào trong hố thẳm của sự trống rỗng mà không cần tốn thêm bất kỳ công sức nào để phát triển chúng cũng như không cần sự biện minh nào cả. Ở đây, việc xem xét bất kỳ sự việc gì – như nó đang hiện hữu trong cái Tuyệt đối – chẳng qua chỉ là bảo rằng, tuy bây giờ đang nói về sự việc ấy như nói về một “cái gì đấy”, nhưng ở trong cái Tuyệt đối, trong cái A = A, lại chẳng hề sự việc ấy, bởi trong cái Tuyệt đối thì tất cả đều là Một. Đưa ra Một cái biết đơn độc rằng “trong cái Tuyệt đối, Tất cả đều là Một” để đối lập lại với cái biết biện biệt, được tổ chức thành cái toàn bộ đã phát triển và hoàn chỉnh, hay, đối lập lại với cái biết luôn đòi hỏiđi tìm sự phát triển hoàn chỉnh, trọn vẹn; nói khác đi, việc xem cái Tuyệt đối của mình như là một đêm tối mò, trong đó – như người ta thường nói – mọi con bò đều là bò đen cả, chính là tính ngây thơ (Naivität) của sự trống rỗng về nhận thức.

Chủ nghĩa hình thức vốn đã bị triết học cận đại tố cáo và từ chối lại trỗi dậy một lần nữa giữa lòng triết học và sẽ không biến mất khỏi khoa học – dù ai cũng biết và cũng cảm thấy sự bất túc của nó – cho tới khi nào việc nhận thức (das Erken-nen) về Hiện thực-tuyệt đối tự trở thành hoàn toàn sáng tỏ về bản tính đúng thật của mình. Tuy nhiên, nếu hình dung khái quát về những gì sẽ phải làm giúp cho việc hiểu được tiến trình này dễ dàng hơn, thiết tưởng cũng có ích khi gợi ý sơ qua ở đây đôi điểm sơ bộ, đồng thời hy vọng rằng, nhân cơ hội này, dẹp bỏ bớt một số hình thức mà thói quen của chúng là một cản trở cho nhận thức triết học[10].



[1] Erscheinung: chúng tôi dịch “Erscheinung” là “sự xuất hiện” (của bản chất) và dịch là “hiện tượng” như kết quả của sự xuất hiện ấy. (Xem: chú thích 257 cho §143 về “hiện tượng” và “vẻ ngoài” (Schein)).

[2] Cần đặc biệt chú ý tính nhị bội hay lưỡng diện (“một mặt”, “mặt khác”) của biện chứng này: một mặt, là sự vận động ở trong bình diện của sự tồn tại-tự mình (vd: sự phát triển của cây sồi); và mặt khác, là sự phát triển này “hiện diện trong sự hồi tưởng [hay trong sự nội tâm hóa/Er-innerung] ở trong ý thức, nghĩa là, đưa sự vận động từ sự tồn tại-tự mình đơn thuần (das bloße Ansichsein) thành sự tồn tại-cho mình (das Fürsichsein) và qua đó phát triển ở cấp độ mới, khi đồng thời có ý thức về sự tất yếu của sự phát triển mới này: đó chính là “sự thể hiện đã phát triển về hình thức, qua đó những sự phân biệt được xác định vững chắc và được sắp xếp trong những mối quan hệ chặt chẽ” nói ở câu tiếp theo. (Xem thêm: §802 và chú thích liên quan).

[3]Hegel thường đối lập “giác tính” (Verstand)lý tính (Vernunft) như là giữa tư duy biện biệt cứng nhắc và tư duy tư biện-biện chứng. Nhưng, ở đây, ông lại đánh giá cao chức năng biện biệt của giác tính, tức đánh giá cao sự phản tưtính quy định để chống lại một thứ “lý tính” đơn thuần có tính trực quan (của phái lãng mạn và Schelling) chỉ dẫn đến một cái biết “bí truyền” (“bí truyền”/“esoterisch”, gốc Hy Lạp, nghĩa đen: hướng về bên trong, nghĩa bóng: chỉ dành cho các môn đồ, trái với “công truyền” (exoterisch) là công khai, mọi người đều hiểu được. Vì thế, triết học Aristote được chia ra thành phần “bí truyền” và phần “công truyền”). Trong “Khoa học lô-gíc” (W. III, tr. 6), Hegel sẽ gọi đó là “lý tính-giác tính”/“Verständige Vernunft” [lý tính có bao hàm chức năng biện biệt của giác tính] hay “giác tính-lý tính”/“vernünftiger Verstand” [giác tính có sự phản tư của lý tính].

[4] Tức yêu cầu phải phát triển có hệ thống về hình thức để qua đó những sự phân biệt được xác định vững chắc và được sắp xếp trong mối quan hệ chặt chẽ nói trên kia, mang lại tính “dễ hiểu”, tính “khả niệm” của Khoa học.

[5]Phía này” và “phía kia” là nhắc lại sự đối lập giữa “phái khai sáng” và “phái lãng mạn”. Căn cứ vào “những lời hứa hẹn không hề được thực hiện”, R. Kroner (“Von Kant bis Hegel”/“Từ Kant đến Hegel”, tập II, tr. 429) cho rằng Hegel chỉ nhắm đến Friedrich Schlegel (phái lãng mạn). Nhưng theo J.H, “hai bên” ở đây là FichteSchelling: Một bên (Fichte) nhấn mạnh sự cần thiết của một nội dung nhất định và xem trọng sự phong phú của những tính quy định, nhưng tính toàn thể (Totalität), cái Tuyệt đối nơi Fichte vẫn mãi chỉ là một đòi hỏi không bao giờ được đáp ứng; còn bên kia (Schelling) tuy thiết định được cái Tuyệt đối, tính Toàn thể nhưng theo kiểu phi-lý tính, bỏ rơi những tính quy định và những sự đối lập về chất của chúng. Hegel – hợp nhất cả hai phía – đề nghị kiến tạo cái Tuyệt đối một cách “khoa học”. Như đã nói, Hegel hiếm khi ám chỉ đích danh mà chỉ cốt làm nổi bật “các hình thái ý thức”, do đó, thường khó xác định chính xác đối tượng được ông ám chỉ.

[6] “Những người khác” (“die anderen”): tức cũng là những kẻ đại diện cho phái “trực tiếp” theo xu hướng của Schelling, đưa “một mớ chất liệu” vào cái Tuyệt đối một cách “ngoại tại”, không phải là sự phát triển của “bản thân nội dung”. Trong “Các tư liệu về sự phát triển của Hegel”/“Dokumente zu Hegels Entwicklung” (của Hoffmeister, tr. 355 và tiếp), Hegel có nhắc đến tên của GӧrresWagner (1775-1841), đại diện chủ yếu của phái triết học tự nhiên lãng mạn đã sử dụng tùy tiện “chất liệu thô thiển nhất” và “sơ đồ về các chất và các cực” (ám chỉ sự tư biện về tính phân cực) (dẫn theo Erwin Metzke, “Hegels Vorreden”/“Các Lời Tựa của Hegel”, tr. 156-157).

[7] Xem: Hegel: “Đại cương triết học về pháp quyền”/“Grundlinien der Philosophie des Rechts”, Suhrkamp, 7, 29: “… Triết học chỉ làm việc với những Ý niệm (Ideen), và vì thế, không làm việc với những khái niệm đơn thuần như người ta quen gọi; hơn thế, triết học còn vạch rõ tính phiến diện và tính vô chân lý của chúng; cũng như chỉ duy có Khái niệm (đúng nghĩa chứ không phải như ta thường nghe, tức chỉ là một quy định tư duy trừu tượng) mới có được hiện thực và, nói rõ hơn, Khái niệm tự mang lại hiện thực cho chính mình”.

[8] “những ý tưởng tùy tiện” (Einfälle): ý tưởng xuất hiện ngẫu nhiên, bất tất, không phải là sự tự-phát triển của nội dung được suy tưởng.

[9] Bắt đầu phê phán cái Tuyệt đối, sự đồng nhất và sự “bất phân biệt” của Schelling. Trong “Lô-gíc thời kỳ Jena” (Jenenser Logik), ngay từ 1802, Hegel đã viết: “Sự đối lập là đối lập về chất (qualitative), và vì lẽ không có gì ở ngoài cái Tuyệt đối nên bản thân sự đối lập cũng là tuyệt đối; và chỉ vì nó là tuyệt đối, nó mới có thể tự thủ tiêu [tự vượt bỏ] chính mình” (W. XVIII, tr. 13). Cái Tuyệt đối của Schelling, tuy có vẻ có nội dung phong phú, nhưng vẫn là ngoại tại đối với những dị biệt về chất. Ý thức về sự đối lập này của mình với Schelling, Hegel nâng Khái niệm lên trên Trực quan. (Xem: khái niệm về “cái Tuyệt đối”: Chú giải dẫn nhập, 2.1).

[10] Phê phán trực diện triết học đồng nhất (Identitätsphilosophie) của Schelling. Hegel chia sẻ với Schelling nguyên tắc về sự đồng nhất giữa Tư duy và Tồn tại, nhưng phản đối sự đồng nhất tuyệt đối, trống rỗng, trong đó không có sự phân biệt và mọi tính quy định (“đêm tối trong đó mọi con bò đều là bò đen cả”. Hegel cho rằng cái Tuyệt đối như thế là “một chủ nghĩa hình thức” (A=A). Theo ông, cái Tuyệt đối không phải là cái gì hoàn toàn không có thuộc tính, không phải là cái Một đơn thuần, tức một cái trừu tượng mà phải là “tính toàn thể cụ thể” (konkrete Totalität), tức như sự tự-phát triển ở trong sự tự phân biệt, nghĩa là thông qua việc trở thành cái khác với chính mình, thông qua việc đặc thù hóa, rồi khôi phục tính nhất thể từ những phân biệt và đối lập ấy một cách đúng thật, cụ thể, chứ không phải trừu tượng, tách rời. Cái Tuyệt đối không phải là đối tượng giống như một sự vật. Nó đòi hỏi một cách nhận thức khác với cách nhận thức những sự vật có sẵn. Đó là trọng tâm của các tiểu đoạn sau. (Xem thêm: bối cảnh triết học của mối quan hệ giữa Hegel và Schelling: Chú giải dẫn nhập: 1.3; Cái Tuyệt đối: 2.1).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt