Nhận thức luận | Khoa học luận

Những đặc điểm của tri thức khoa học

 

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA TRI THỨC KHOA HỌC

 

W. H. WASH

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 


W. H. Wash. Philosophy of history – An introduction. Chapter 2: “History and the sciences” § 2: “Features of scientific knowledge”. New York: Harper Torchbooks, 1960, tr. 34-36 | Đinh Hồng Phúc dịch.


 

 

Khi nói khoa học là một tập hợp tri thức thì ta muốn nói trước hết ta muốn phân biệt nó với tập hợp các mẫu thông tin ngẫu nhiên. Tất cả các sự kiện mà ta tiếp thu được ngày hôm qua có thể, vì những mục đích nào đó mà ta có thể hình dung ra được, cần phải được xem xét cùng nhau; nhưng không ai coi chúng như là những yếu tố cấu tạo nên khoa học. Các mệnh đề khác nhau của một khoa học, đối lập với các cấu phần của một tập hợp hỗn tạp như vậy đều liên quan với nhau một cách có hệ thống. Một khoa học, cho dù đó là khoa học nào, là một tập hợp tri thức sở đắc được như là kết quả của sự nỗ lực nghiên cứu  một vấn đề nào đó một cách có phương pháp, bằng cách rút ra một tập hợp xác định các nguyên tắc hướng dẫn. Và thực tế là chúng ta tiếp cận tài liệu của mình bằng một tập hợp các nguyên tắc như thế trong đầu, vốn là cái mang lại tính thống nhất và sự hệ thống cho các kết quả của chúng ta. Vấn đề nền tảng ở đây đó là chúng ta hỏi những câu hỏi từ một tập hợp các tiền giả định nhất định, và các câu trả lời của chúng ta được nối kết cũng chỉ vì điều đó. Cần phải nói thêm, chân lý của luận điểm này không bị tác động bởi sự kiện là các nhà nghiên cứu khoa học thường không ý thức về các tiền-giả định của chính họ: chúng ta không cần có một nguyên tắc minh nhiên trong đầu để có thể sử dụng nó khi tư duy.

Vì thế, khoa học ít ra phải được hiểu là một tập hợp các tri thức có liên hệ nhau một cách có hệ thống, được sắp xếp một cách có trật tự. Nhưng điều đó có đủ để đưa ra một định nghĩa? Người ta đã chỉ ra[1] rằng điều đó chưa đủ, vì nếu đủ thì chúng ta phải đồng ý rằng bảng ghi giờ các chuyến tàu hay cuốn danh bạ điện thoại đều là những ví dụ cho các sách giáo khoa khoa học. Thông tin trong những công việc như thế được nhắm đến bởi các nghiên cứu phương pháp luận và được sắp xếp theo một cách có trật tự, nhưng về mặt chuẩn tắc nó không được coi là thông tin khoa học. Điều gì khiến ta không chấp nhận danh nghĩa ấy? Câu trả lời đó là chúng ta có xu hướng sử dụng tính từ “khoa học” chỉ ở chỗ nào chúng ta giải quyết tập hợp các mệnh đề tổng quát. Một khoa học, ta ắt sẽ nói, là một tập hợp các chân lý phổ quát chứ không phải các chân lý đặc thù, có thể diễn đạt thành các câu bắt đầu bằng những chữ như “bất cứ khi nào”, “không bao giờ”, “không hề” và “không”. Chẳng có gì khác  thường khi nói rằng các nhà khoa học không quan tâm đến cái đặc thù vì cái đặc thù, mà chỉ quan tâm đến cái đặc thù xét như là sự tồn tại của một loại, tức như là những trường hợp, các nguyên tắc tổng quát nhất định. Nghiên cứu về tri thức khoa học được Aristotle khởi xướng, và được lặp lại trong các sách giáo khoa về phương pháp khoa học cho đến giờ.

Vấn đề về đặc tính phổ biến của các mệnh đề mà ta gọi là khoa học này gắn mật thiết với vấn đề khác. Chúng ta có xu hướng nghĩ tri thức khoa học là tri thức ở mức độ nào đó luôn hữu ích, hữu ích ở chỗ nó cho phép ta kiểm soát hiện tại hay tiên đoán tương lai. Phát biểu này không nên bị hiểu nhầm. Vấn đề không phải ta bác bỏ danh xưng khoa học đối với một công trình nghiên cứu mà tính hữu dụng của nó không thể trực tiếp thấy được: có nhiều ngành khoa học mà thoạt nhìn thì dường như được theo đuổi vì lợi ích riêng của chúng, không cần xét tới những kết quả thiết thực mà ta có thể trông đợi từ chúng. Đúng hơn, ở đâu ta có tri thức khoa học thì ta luôn giả định rằng nó có thể thu được lợi ích thiết thực, theo cách mà các kết quả trừu tượng của địa chất học chẳng hạn có được lợi ích thiết thực  trong hoạt động khai thác mỏ hay các kết quả của cơ học trong việc xây cầu. Và đặc điểm của các chân lý khoa học làm cho kết quả này có thể có được chính là đặc điểm khái quát của chúng, đặc điểm ấy cho phép chúng được sử dụng vì những mục đích tiên đoán. Vì nhà khoa học quan tâm đến các sự biến mà ông ta nghiên cứu không phải như là các sự biến cá biệt, mà như là những trường hợp của một loại hình nào đó, nhận thức của ông ta đưa ông ta vượt ra khỏi những giới hạn của kinh nghiệm trực tiếp của ông và cho phép ông dự đoán, và do đó có lẽ kiểm soát, những diễn biến trong tương lai. Chính là vì khoa học khái quát hóa, và vì vậy đưa ra các tiên đoán, mà nó có thể làm cho ta trở thành “chủ nhân ông và kẻ sở hữu giới tự nhiên” như cách nói đầy ấn tượng của Descartes.

Còn một đặc điểm nữa của tư duy khoa học như mọi người thường hiểu đáng được nhắc đến trước khi chúng ta chuyển sang câu hỏi làm thế nào toàn bộ điều này có liên quan đến vị thế của sử học. Thực tế mà tôi muốn nhắc đến là chân lý hay sai lầm của các giả thuyết khoa học thường được coi là độc lập với hoàn cảnh cá nhân hay quan niệm riêng của người xác lập nên giả thuyết ấy. Các phát biểu khoa học, theo sự diễn giải này, tuyên bố chúng có quyền được chấp nhận một cách phổ quát; chúng không phải là một lĩnh vực riêng để phô diễn óc bè phái của bất cứ thứ gì. Dĩ nhiên, nói như thế không có nghĩa là chúng ta ràng buộc mình vào học thuyết phi lý rằng không thể có chuyện tranh cãi nhau về các kết quả khoa học: có thể và phải có những cuộc tranh cãi trong nội bộ của từng môn khoa học và thậm chí các kết quả đã được chấp nhận phải sẵn sàng điều chỉnh khi có chứng cứ mới hay có những lối lý giải mới về chứng cứ cũ được suy nghĩ có cân nhắc. Nhưng tất cả điều này không thể nào có được nếu nhà khoa học không đưa ra nguyên tắc nền tảng của mình, những kết luận ông ta rút ra phải trên cơ sở mà những quan sát khác có thể nghiên cứu tỉ mỉ và chia sẻ. Các lý thuyết và luận cứ khoa học có thể khó hiểu đối với người bình thường; nhưng nếu chúng xứng danh với tên gọi ấy thì chúng không bao giờ mang tính bí truyền theo nghĩa xấu là chỉ dành cho người có năng lực thấu thị mà người khác không có được hay một nhóm người có đặc quyền đặc biệt. Chính qua sự thẩm tra này mà chúng ta bác bỏ những tham vọng khoa học của chiêm tinh học và hoài nghi tính chất hoàn toàn khoa học của, ít ra, những hoạt động nghiên cứu được tập hợp lại dưới nhãn hiệu nghiên cứu tâm linh (psychical research).

 Ta có thể tóm tắt các kết quả của nỗ lực đưa ra một cách ngắn gọn những đặc điểm chính của quan niệm thông thường về khoa học và tri thức khoa học như sau. Chúng ta áp dụng thuật ngữ “khoa học” cho dạng tri thức: (i) đạt được một cách có phương pháp và có mối liên hệ có hệ thống; (ii) hình thành nên, hay ít ra là bao gồm, một tập hợp các chân lý phổ biến; (iii) cho phép ta đưa ra những tiên đoán chính xác và vì thế kiểm soát diễn tiến của các sự biến trong tương lai, ít ra trong chừng mực nào đó; (iv) khách quan, theo nghĩa chẳng hạn bất cứ người quan sát không thành kiến nào cũng phải chấp nhận nếu bằng chứng được đặt ra trước ông ta, cho dù lòng yêu thích cá nhân hay hoàn cảnh riêng của ông ta có thế nào.

 

 


[1] Xem Nhập môn Logic học và phương pháp khoa học của Cohen và Nagel, tr. 8, ấn bản tóm lược.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt