Nhận thức luận | Khoa học luận

Sự khác biệt giữa tri thức và thường kiến

      

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TRI THỨC VÀ THƯỜNG KIẾN

1

2

3

4

5

6

 7

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MORTIMER J. ADLER (1902-2001)

MAI SƠN dịch

 


Mortimer J. Adler.  Cùng suy nghĩ về những ý niệm lớn. Phạm Viên Phương và Mai Sơn dịch. Nes Education & Nxb. Hồng Đức, 2019, tr. 34-43. | Phiên bản đăng triethoc.edu.vn đã được sự cho phép của dịch giả Mai Sơn.


 

 

Hôm nay, trong khi tiếp tục thảo luận về Thường kiến, chúng ta sẽ tìm cách đi xa hơn trong nhận thức về sự dị biệt giữa biết và nêu ý kiến. Có một số câu hỏi mà chúng ta phải xem xét.

Thứ nhất, loại đối tượng nào là đối tượng của tri thức, khác với những đối tượng mà chúng ta chỉ có thể có các thường kiến về chúng? Thứ hai, sự dị biệt tâm lý học giữa biết và nêu ý kiến như những động thái của tâm trí là gì? Thứ ba, chúng ta có thể có tri thức và ý kiến về cùng một sự việc không? Và cuối cùng, câu hỏi thứ tư, phạm vi của tri thức là gì? Chúng ta thực sự có bao nhiêu tri thức so với các loại sự vật mà chúng ta chỉ có thường kiến về chúng? Giới hạn hay phạm vi của thường kiến trong các sự vật của trí óc ta là gì? Và đây là những câu hỏi mà chúng ta sẽ cố gắng giải đáp khi chúng ta trao đổi hôm nay.

Lloyd Luckman: Còn một câu hỏi nữa, thưa Tiến sĩ Adler, trừ phi ông bằng cách nào đó đã bao gồm nó trong bốn câu hỏi mà ông vừa vạch ra.

Mortimer Adler: Ông bạn đang nghĩ gì?

Lloyd Luckman: Đó là câu hỏi về tôn giáo. Kỳ rồi ông có nói về tự do tín ngưỡng; tôi muốn hỏi liệu ông có nghĩ rằng tự do tín ngưỡng đem lại cho con người quyền có ý kiến riêng của mình về những vấn đề tôn giáo không? Và nếu ông nghĩ rằng có, thì tôi cũng muốn biết liệu ông có nghĩ rằng những vấn đề tín ngưỡng tôn giáo và niềm tin tôn giáo chỉ là những vấn đề thường kiến thay vì tri thức chăng?

Mortimer Adler: Ồ, chúng ta chắc chắn sẽ phải đối mặt với câu hỏi đó, Lloyd à, khi chúng ta tiếp tục thảo luận hôm nay. Tôi không đề cập nó cụ thể khi liệt kê các câu hỏi một phần vì nó đã hàm chứa trong câu hỏi thứ tư của tôi, câu hỏi chúng ta có bao nhiêu tri thức. Khi chúng ta vạch một đường phân ranh giữa lãnh vực tri thức và lãnh vực thường kiến, chúng ta sẽ phải đặt toán học và các khoa học thực nghiệm và triết học và lịch sử hoặc ở bên này hoặc ở bên kia đường phân ranh này, và do vậy chúng ta cũng phải đặt tôn giáo vào chỗ này hay chỗ khác.

Trước khi chúng ta bắt đầu tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi đó và những câu hỏi khác tôi muốn đào sâu một chút những hàm ý giáo dục của một điểm mà chúng ta bàn luận kỳ vừa rồi. Nó liên quan đến tri thức và thường kiến trong tương quan với chân lý. Lần trước chúng ta đã thấy rằng tri thức luôn đúng; bạn không thể có tri thức sai lầm, nhưng ý kiến thì có thể hoặc đúng hoặc sai.

Bây giờ chúng ta hãy dùng cụm từ “ý kiến đúng” để biểu thị bất kỳ ý kiến nào vốn ngẫu nhiên đúng trong thực tế. Nên chúng ta phải đặt câu hỏi, Sự khác biệt giữa tri thức và ý kiến đúng là gì? Vì cả hai đều đúng, vậy chúng khác biệt thế nào? Và tôi nghĩ chúng ta bắt đầu thấy câu trả lời trong buổi thảo luận vừa rồi. Khi bạn có chân lý thông qua tri thức, bạn không chỉ có sự thực, mà bạn còn hiểu tại sao nó đúng thực. Nhưng khi bạn có sự thực chỉ thông qua ý kiến đúng, bạn có thể có sự thực trong thực tế nhưng bạn sẽ không hiểu tại sao nó đúng thực.

 

Vô tri tốt hơn sai lầm

Tôi xin giới thiệu hai thuật ngữ vào cuộc thảo luận của chúng ta: sai lầmvô tri. Tôi đoan chắc, mọi người đều biết rằng khi người ta mắc sai lầm hoặc khi người ta vô tri, thì người đó không có được chân lý. Thế thì họ khác biệt thế nào? Ừm, họ khác biệt như sau: Người sai lầm không chỉ thiếu chân lý mà còn không biết rằng anh ta không biết, đã vậy, anh ta còn cho rằng anh ta biết; trong khi đó người vô tri thì thiếu chân lý và ngoài ra còn biết rằng mình không biết.

Tri thức tương quan với ý kiến đúng ở phía chân lý giống như sự vô tri tương quan với sai lầm ở phía thiếu chân lý. Chân lý được ta hiểu, vốn là tri thức, tương quan với chân lý không được hiểu vốn là ý kiến đúng, cũng giống như sự thiếu chân lý được ta hiểu, vốn là vô tri, tương quan với sự thiếu chân lý bị ta hiểu lầm vốn là sai lầm.

Lloyd Luckman: Tôi thắc mắc không biết có bao nhiêu người đã nghĩ về vấn đề này đúng như cách này trước đây. Thực sự thì ông có đang định nói rằng vô tri thì tốt hơn sai lầm không?

Mortimer Adler: Đó đúng là điều tôi đang gợi ra, ông Lloyd à. Và tôi ngờ rằng khi tôi nói điều này, khi tôi nói sự vô tri thì gần với tri thức hơn so với sự sai lầm, vài người trong số các bạn có thể nghĩ quả là một lỗi lầm gây sốc khi giả định như thế. Nhưng dù cách nghĩ này dường như là nghịch lý, tôi vẫn có thể giải thích cho bạn vì sao như thế. Bất cứ giáo viên nào cũng sẽ nói với bạn rằng dạy một học sinh vô tri thì dễ hơn dạy một học sinh sai lầm rất nhiều, bởi vì học sinh sai lầm về một điểm cụ thể thường nghĩ rằng mình biết, trong khi thực tế họ không hề biết. Học sinh vô tri thì có điều kiện học tốt hơn nhiều. Việc hầu như nhất thiết phải làm là tách học sinh sai lầm ra và uốn nắn sai lầm của em ấy trước khi bạn có thể bắt đầu dạy nó. Tôi nghĩ đó là ý nghĩa của ngạn ngữ rằng sai lầm còn cách xa tri thức hơn cả sự vô tri. Đoạn đường từ sự vô tri đến tri thức thì ngắn hơn đoạn đường từ sai lầm đến tri thức, bởi vì nếu một người bị sai lầm, trước hết bạn phải loại bỏ sai lầm đó và đưa anh ta đến mức ‘vô tri’ trước khi bạn có thể bắt đầu giảng dạy anh ta.

Sōkrátēs là người thầy đầu tiên khám phá ra nguyên tắc giảng dạy này và áp dụng nó vào thực hành. Lúc nào ông ta cũng đưa ra ý kiến. Nó là nguyên tắc đầu tiên trong phương pháp của ông. Phương pháp của ông là tiến hành, như chính ông nói, “thẩm tra những kẻ tỏ ra mình hiểu biết và khôn ngoan,” và bằng cách thẩm tra, ông cho họ thấy rằng họ sai lầm, rằng những gì họ tưởng họ biết, thì thực ra họ không biết. Tức là trước hết đưa họ trở lại mức độ vô tri để họ có thể ở trong tình trạng trí óc đúng mực để tìm tòi và học hỏi.

Kỹ thuật này của Sōkrátēs rất khó chịu. Điều này, cộng với việc ông rất thích nói mỉa mai rằng minh triết duy nhất của ông cốt ở chỗ ông biết rằng ông không biết, và thừa nhận mình ngu dốt, khiến cho đồng bào ông tức giận đến mức kết án tử ông.

Khi chúng ta tiếp tục tìm hiểu sự khác biệt tâm lý học giữa biết và nêu ý kiến như những động thái của trí óc, tôi nghĩ chúng ta sẽ nhìn thấy một số hàm ý giáo dục nữa của sự khác biệt này giữa tri thức và thường kiến.

 

Học sinh chủ yếu học các ý kiến

Tôi muốn bắt đầu bằng cách nhắc lại với các bạn hai kiến giải, một của Plátōn và một của Aristotélēs. Người Hy Lạp, cụ thể là Plátōn và Aristotélēs, rất quan tâm đến vấn đề dị biệt giữa tri thức và thường kiến này. Plátōn nói với chúng ta rằng tri thức và chỉ tri thức mới có thể truyền dạy; còn ý kiến đúng thì không thể truyền dạy bởi vì nó không dựa trên những suy luận, nó không có nguyên tắc, nó không có nguồn gốc hay nền tảng nơi các sự vật để nó có thể được chứng minh dựa vào đó.

Hầu hết những thứ mà trẻ em học được ở trường đều là ý kiến đúng, chứ không phải tri thức. Tôi cho rằng, tất cả những gì mà ta phải làm là nhớ lại mình đã học lịch sử và địa lý như thế nào. Những thứ này, vốn là ý kiến đúng, có thể học được chỉ bằng cách ghi nhớ thuộc lòng. Thử so sánh chúng với việc dạy và học môn hình học, vốn có thể được dạy và học theo một phương cách thuần lý bởi vì chân lý của nó dựa vào các nguyên tắc và vào sự chứng minh các kết luận.

Kiến giải của Aristotélēs về đề tài này nói rằng một người có thể nêu ý kiến về những gì người khác biết. Họ có thể cùng nghĩ về cùng các sự vật, nhưng trong khi người này chỉ có thường kiến, thì người kia có tri thức về đúng một đề tài đó.

Thử xem liệu tôi có thể minh họa điều này cho ông bằng một ví dụ từ hình học hay không. Ở đây tôi có một biểu đồ lấy từ Euclid vốn biểu tượng cho Định lý Pythagore. Định lý này phát biểu rằng bình phương cạnh huyền của một tam giác vuông thì bằng tổng bình phương của hai cạnh còn lại. Vậy là người thầy giáo nào biết phép chứng minh của kết luận này trong hình học sẽ hiểu tại sao nó đúng và do đó có tri thức về mệnh đề này. Nhưng người học sinh, vốn lặp lại từng chữ của Định lý Pythagore thì khi được hỏi vì sao nó đúng như vậy, sẽ trả lời “Vì thầy tôi bảo thế,” không có tri thức về chân lý này nhưng chỉ có một ý kiến đúng về nó bởi vì cậu ta đang nắm giữ chân lý đó nhờ vào thẩm quyền của thầy mình, và chỉ nhờ cách đó thôi.

Ví dụ này cho chúng ta thấy rằng khi ai đó biện luận từ thẩm quyền, khi ai đó giữ một ý kiến hay giữ một lập trường, nói một điều gì đó là đúng, dựa trên thẩm quyền và chỉ thẩm quyền thôi, thì anh ta đang nắm giữ điều đó như một ý kiến. Và bất cứ lúc nào người thầy giáo viện đến thẩm quyền của mình để thuyết phục học sinh tin một điều gì, thì người thầy đó không phải đang dạy học; thực sự là ông chỉ nhồi sọ chúng; ông đang hình thành những ý kiến đúng trong trí óc chúng.

Lloyd Luckman: Trong khi lắng nghe ông, tôi thực sự thắc mắc, làm sao định lượng được công việc phổ biến tri thức thực chất đang tiến hành trong các trường trung học và đại học của chúng ta. Có bao nhiêu đề tài trong chương trình giảng dạy được coi là có thể giảng dạy, ý tôi muốn nói tới chuyện học sinh thực sự có thể gặt hái tri thức về những vấn đề nào?

Mortimer Adler: Đó là một câu hỏi rất khó trả lời, ông Luckman. Một câu hỏi hay nhưng là một câu hỏi khó. Và chúng ta có thể tìm một câu trả lời nào đó cho nó khi chúng ta sớm vạch đường phân ranh giữa lãnh vực của tri thức và lãnh vực của thường kiến.

      

Các ý kiến được chấp nhận một cách tự ý      

Trước khi làm việc đó, hãy cùng xem thử liệu chúng ta có thể hiểu vấn đề mà chúng ta đã và đang bàn tới, tức là sự dị biệt tâm lý học giữa động thái biết và động thái nêu ý kiến là gì. Hãy để tôi nêu thật nhanh ra đây cho các bạn. Chúng ta có ý kiến khi sự tán thành của trí óc chúng ta là tự ý. Chúng ta biết khi sự tán thành chúng ta dành cho điều gì đó là không chủ tâm. Có thể phát biểu này không rõ ràng ngay lập tức được. Tôi sẽ minh họa nó.

Nếu tôi nói với bạn, “Đây có phải là chân lý không? Có đúng là hai cộng hai bằng bốn không?” bạn sẽ không động não. Nếu bạn nghĩ về điều này, những gì bạn đang nghĩ về sẽ quyết định cho bạn. Tôi sẽ trình bày điều đó theo một cách khác. Tôi cầm lên hai điếu thuốc. Tôi cầm lên hai điếu thuốc nữa. Hai điếu thuốc và hai điếu thuốc, tôi nhập chúng lại với nhau, và tôi hỏi bạn, “Có phải có bốn điếu thuốc ở đây không?” liệu bạn có thể trả lời rằng “Không” không? Bạn không thể nói vậy được. Bạn không có tự do để nói như vậy. Những gì bạn đang nhìn buộc bạn phải nói, “Vâng, câu trả lời là bốn.” Điều đó cho thấy nó là tri thức.

Nhưng nếu tôi yêu cầu bạn xem xét một phát biểu khác mà chúng ta đã từng dùng làm ví dụ về thường kiến, bản thân câu phát biểu đó không bắt buộc bạn nói “có” hay “không”. Bạn có thể trả lời có hoặc không. Phát biểu đó cho bạn hoàn toàn tự do, hoặc dựa trên thẩm quyền hoặc vì những ham muốn của bạn hoặc những mối quan tâm của bạn hoặc những xúc cảm của bạn hoặc những đam mê của bạn, bất cứ cái gì dẫn đến quyết định của bạn, về mặt tâm lý học đây là động thái nêu ý kiến từ phía bạn, không phải là động thái của tri thức.

Một phát biểu thể hiện tri thức khi sự tán thành của chúng ta với nó là không chủ tâm, khi sự tán thành của chúng ta bị bó buộc hay bị đòi hỏi bởi đối tượng mà chúng ta đang nghĩ về, như trong trường hợp của hai cộng hai bằng bốn. Nhưng một phát biểu thể hiện thường kiến, chứ không phải tri thức, khi sự tán thành của chúng ta với nó là tự ý, khi đối tượng cho chúng ta hoàn toàn tự do để quyết định nghĩ theo cách này hay cách khác về đối tượng, để nghĩ về đối tượng đúng như chúng ta thích.

Và thông thường, trong trường hợp của các thường kiến, cái làm chúng ta quyết định theo cách này hay cách khác không phải là sự việc chúng ta suy nghĩ về nó, mà là xúc cảm của chúng ta, ham muốn của chúng ta, những mối quan tâm của chúng ta, hay một thẩm quyền nào đó mà chúng ta dựa vào. Như thế chúng ta có thể thấy rằng bản chất của thường kiến là tư duy kỳ vọng [mong điều gì đó xảy ra]. Đó là sự thể hiện ý chí muốn tin tưởng. Và khi một người nắm giữ thường kiến đơn thuần, người ấy cảm thấy hàm lượng cảm xúc rất cao. Nói chính xác theo tỷ lệ thì, khi thường kiến không căn cứ trên dữ kiện hay bằng chứng, người ta có khuynh hướng ủng hộ nó bằng xúc cảm và kiên quyết bám giữ nó như khi người ta bám giữ một thiên kiến. Tôi biết điều này qua kinh nghiệm của tôi khi tôi nhận ra rằng tôi nói, “Không, không. Không phải vậy. Không phải vậy.” Tôi chắc chắn tôi đúng về điều đó với sự nhấn mạnh và suy nghĩ thấu đáo, nhưng tôi lại ngờ rằng mình đang bám giữ một ý kiến mà không có mấy bằng chứng để hậu thuẫn nó. Và tôi đặt nó vào xúc cảm của tôi, lấy xúc cảm bù đắp cho sự thiếu vắng bằng chứng.

Thưa ông Luckman, tôi nghĩ điều này có liên quan đến câu hỏi vừa rồi của ông. Nhiều điều được dạy trong trường học có thể không phải là tri thức theo nghĩa chặt chẽ nhất. Nhưng nếu chúng không phải là thường kiến đơn thuần theo nghĩa này, nếu chúng là thường kiến có căn cứ, những thường kiến vốn có nhiều khả năng đúng vì dựa trên bằng chứng, và hơn thế nữa nếu thầy giáo khơi dậy trí tuệ của học trò, cân nhắc các bằng chứng, cân nhắc các khả năng đúng, và không chỉ viện đến thẩm quyền của riêng mình để thuyết phục học trò, thì ông ta đang dạy chúng theo nghĩa đích thực, ngay cả khi đó chỉ là thường kiến thay vì tri thức. Nhưng mặt khác, nếu người thầy khơi gợi xúc cảm của học trò và dựa quá nhiều vào thẩm quyền của riêng mình để thuyết phục chúng, thì ông ta không dạy mà chỉ là nhồi sọ điều gì đó cho chúng thôi. Trả lời ông như vậy được chưa?

Lloyd Luckman: Vâng, phần nào. Nhưng tôi muốn biết có bao nhiêu trong những gì được dạy ở trường thực sự là tri thức theo nghĩa chặt chẽ nhất, tức là, ngược lại với loại tốt nhất của thường kiến, như ông đã trình bày, cái thường kiến nhiều khả năng đúng nhất, dựa trên bằng chứng, và vân vân.

 

Những kẻ hoài nghi phủ nhận việc chúng ta có tri thức

Mortimer Adler: Cùng thử xem chúng ta có thể tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó không. Đúng hơn, tôi muốn nói “những câu trả lời” cho câu hỏi đó, bởi vì có hai câu trả lời cho câu hỏi đó, một từ kẻ hoài nghi, là kẻ nghĩ rằng có rất ít tri thức; và một từ đối thủ của kẻ hoài nghi, là người nghĩ rằng có rất nhiều tri thức.

Tôi sẽ khởi đầu bằng quan điểm hoài nghi và bắt đầu bằng cách nêu lên lập trường của một người trong thời hiện đại đại diện cho sự cực đoan của chủ nghĩa hoài nghi. Người đó là Montaigne, tiểu luận gia Pháp. Montaigne nói rằng chúng ta không biết gì cả; mọi thứ chỉ là vấn đề thường kiến. “Và chúng ta không được để mình bị lừa,” ông nói, “bởi những cảm giác về sự chắc chắn mà chúng ta đôi khi cũng có,” cái cảm giác rằng sự vật hoàn toàn rõ ràng và chắc chắn cho chúng ta.

Luận cứ mà kẻ hoài nghi dùng để chống lại những người vốn nói, “À, tôi cảm thấy chắc chắn về điều đó,” để cho họ thấy rằng họ không nên tin chắc, là luận cứ đến từ những ảo tưởng của các giác quan, những ảo tri. Các bạn biết đấy, có những ảo thị, khi hai đường thẳng trên một trang giấy trông như chúng có chiều dài không bằng nhau dù kỳ thực chúng bằng nhau, hay hai vòng tròn trông như khác kích cỡ dù kỳ thực là cùng kích cỡ.

Bây giờ chúng ta khảo sát chủ nghĩa hoài nghi ôn hòa hơn của triết gia David Hume người Scotland. David Hume cho rằng chúng ta có ít nhiều tri thức. Tri thức của chúng ta nằm ở các khoa học như toán học, ở đó chúng ta bắt đầu bằng những tiên đề hay những chân lý hiển nhiên và có thể chứng minh các kết luận. Nhưng Hume nói đây là tất cả tri thức chúng ta có. Trong toàn bộ lịch sử, trong tất cả những khoa học thực nghiệm chúng ta chỉ có, theo Hume, nhiều lắm là loại thường kiến rất có thể đúng.

Tôi sẽ đọc cho các bạn nghe một phát biểu nổi tiếng của Hume vốn tóm tắt điểm này. Tôi có mang theo đây một cuốn của Hume và nhân tiện, phát biểu này rất dễ tìm vì nó nằm ở cuối của tác phẩm vĩ đại của Hume, Enquiry Concerning Human Understanding [Khảo về giác tính con người]. Ông đặt câu hỏi, “Nếu tay ta nhận một khối lượng bất kỳ…, ta thử hỏi,” ông nói, “Nó có chứa bất kỳ suy luận trừu tượng nào liên quan đến khối lượng hay con số không?”, tức là, Nó có phải là một công việc trong toán học không? Hoặc chúng ta sẽ hỏi, “Nó có chứa bất kỳ suy luận thực nghiệm nào liên quan đến các vấn đề dữ kiện và kinh nghiệm không?”, tức là, Nó có phải là một công việc trong khoa học thực nghiệm không? Nếu câu trả lời cho hai câu hỏi này là không, Hume nói, “Vậy thì hãy ném nó vào lửa: Vì nó không thể chứa đựng gì ngoài ngụy biện và ảo tưởng.”

Điều Hume nói trong đoạn văn trứ danh trên có ý gì? Ông nói rằng chỉ trong toán học chúng ta mới có sự đích xác của tri thức, và rằng chúng ta có sự đích xác đó chỉ khi nào chúng ta nghĩ về mối liên hệ giữa những ý tưởng của chúng ta, những khái niệm của chúng ta. Trong khi đó, liên quan đến những vấn đề dữ kiện hay tồn tại thực tế, chúng ta có suy luận thực nghiệm. Và, theo Hume, đây nhiều lắm chỉ là có khả năng đúng. Và bởi vì nó có khả năng đúng, nên nó là thường kiến, chứ không phải tri thức, dù rằng có bằng chứng nhiều khả năng đúng hậu thuẫn cho một số ý kiến nào đó. Đối với Hume mọi thứ khác vốn không phải là khoa học thực nghiệm hay toán học thì còn tệ hơn vậy nữa. Và ông đưa triết học vào đây. Nó hoàn toàn là thường kiến, thậm chí không phải là thường kiến có khả năng đúng, mà chỉ là mê tín hay thành kiến.

Trong thời đại ngày nay chúng ta đã đi xa hơn, so với Hume đã đi, về phía cực đoan hoài nghi. Bởi vì trong thời đại của chúng ta, với tri thức về hình học phi-Euclid, chúng ta có khuynh hướng không tin ngay cả toán học là tri thức. Các hệ thống toán học, như hình học Euclid và phi-Euclid, dường như dựa trên những định đề hay những giả định hơn là dựa vào các nguyên lý hiển nhiên.

Tôi có một lá thư , nếu tôi có thể tìm thấy, về đề tài này mà tôi muốn đọc cho các bạn nghe. Một người viết rằng “Ngay cả hai cộng hai bằng bốn,” ông ta nói, “chỉ khi nào bạn giả định một số sự vật nào đó thôi.” Và ông ta nói tiếp rằng toán học chỉ là một hệ thống luận lý nhất quán với chính nó do con người tạo ra. Và do vậy dưới cái nhìn này ông ta muốn biết toán học có nên được gọi một cách thích đáng là tri thức hay không. “Và nếu bạn gọi toán học là tri thức,” ông nói, “thì có phát biểu nào, dựa trên một số giả định và phát triển nhất quán từ đó, là tri thức không?” Và câu trả lời của tôi cho câu hỏi đó là không. Nếu toán học chỉ dựa trên giả định chứ không trên cái gì khác, trên các định đề thay vì các tiên đề, thì tôi có thể nói nó là thường kiến, không phải là tri thức.

 

Câu trả lời cho kẻ hoài nghi

Câu trả lời cho kẻ hoài nghi là gì? Tôi đã nêu quan điểm của kẻ hoài nghi; bây giờ tôi đưa ra câu trả lời cho kẻ hoài nghi. Trước hết, về vấn đề ảo tri, Làm sao ta biết đó là những ảo giác? Nếu ta biết chúng là những ảo giác, ta chỉ có thể biết như thế bởi vì ta xem một vài nhận thức giác quan là chính xác. Nếu ta không thể có được một số tri giác được xác minh là những tri giác rõ ràng và có thể chấp nhận được, ta không thể biết những tri giác còn lại kia là những ảo giác.

Khi ta có hai đường vạch trên trang giấy trông có vẻ dài ngắn khác nhau, ta có thể đặt một cây thước lên mỗi đường vạch và đo chúng. Việc này sẽ thuyết phục ta tin chúng thực sự có chiều dài bằng nhau. Ở đây chúng ta đang sửa chữa một tri giác ảo tưởng bằng cách đo đạc, nhưng sự đo đạc tự nó cũng là một tri giác. Nếu tri giác này không phải là tri thức, tôi không thể gọi tri giác sai lầm kia là ảo giác được. Từ đó, thậm chí để khám phá rằng có những ảo tưởng về tri giác, tôi phải dựa vào các tri giác, tôi phải biết bằng cách lĩnh hội.

Liên quan đến toán học, đối thủ của kẻ hoài nghi trả lời, tôi nghĩ hoàn toàn đúng đắn trong trường hợp này, rằng toán học không chỉ dựa trên các giả định mà còn dựa trên các tiên đề, các chân lý hiển nhiên. Và rằng không chỉ toán học mà cả siêu hình học và các nhánh khoa học triết học khác đều là tri thức theo cùng ý nghĩa đó.

Về lịch sử và khoa học thực nghiệm, ngay cả đối thủ của kẻ hoài nghi cũng nhiều khả năng đồng ý với kẻ hoài nghi về điểm này; rằng những nội dung này không phải là tri thức, mà là thường kiến rất có thể đúng. Trong thực tế, chúng ta có thể nói rằng khoa học thực nghiệm là một loại tri thức có điều kiện, điều kiện đó dựa trên tình trạng của bằng chứng ở một thời điểm nhất định.

Câu trả lời sau cùng cho kẻ hoài nghi là thế này, rằng kẻ hoài nghi, đặc biệt khi anh ta hoài nghi thái quá và nói rằng mọi thứ chỉ là vấn đề thường kiến, không thể biện luận cho lập trường của mình. Anh ta không thể biện hộ cho lập trường của mình, vì anh ta sẽ cố gắng chứng minh ý tưởng của mình, anh ta sẽ xác nhận rằng một điều gì đó là tri thức và vì thế tự đánh bại mình.

Tôi nghĩ, ông Lloyd à, giờ thì ông đã có chỉ dẫn về ít nhất là hai câu trả lời chủ đạo, hai câu trả lời tương phản cho câu hỏi của ông về cái gì được dạy trong trường, về bao nhiêu trong số đó đích thực là tri thức và bao nhiêu chỉ là thường kiến có khả năng đúng.

 

Tôn giáo có phải là vấn đề thường kiến?

Lloyd Luckman: Ừm, tôi thích những câu trả lời này, nhưng tôi vẫn nghĩ tôi sẽ phải suy tưởng về chúng thêm ít nhiều nữa để tôi có thể áp dụng chúng và xem chúng có hiệu lực trong thực hành và thực sự tác động đến việc dạy học của chúng tôi như thế nào. Nhưng ông vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi về tôn giáo. Có thể nói gì về nó? Tôn giáo, các vấn đề về tín ngưỡng, chúng là tri thức hay thường kiến?

Mortimer Adler: Để xem tôi có thể trả lời được câu hỏi của ông trong ít phút còn lại của buổi thảo luận hôm nay không.

Có hai quan điểm về niềm tin tôn giáo. Một quan điểm, của William James, cho rằng niềm tin tôn giáo là một hành động của ý chí tin tưởng và hành động này của ý chí tin tưởng xảy ra khi chúng ta vượt qua khỏi bằng chứng hay khi bằng chứng không đủ. Và vì vậy theo James, niềm tin tôn giáo đích xác là thường kiến. Ngược lại, ta có quan điểm của Aquino cho rằng, niềm tin tôn giáo hay tín ngưỡng là một hành động của ý chí. Ở chỗ này ông vẫn còn đồng ý với James. Nhưng nó là một hành động của ý chí mà ở đó bản thân ý chí bị thúc đẩy bởi một món quà ân sủng siêu nhiên từ Thượng đế. Niềm tin là món quà ân sủng và do đó, theo Aquino, niềm tin không phải là tri thức nhưng nó cũng không phải là thường kiến; nó là cái gì đó nằm giữa tri thức và thường kiến.

Liệu tôi có nên đọc lại những gì Aquino đã nói về đề tài này không?

Lloyd Luckman: Tôi rất muốn nghe. Từ những tác phẩm nào của ông ta mà ông chọn ra đoạn trích này?

Mortimer Adler: Đoạn này nằm trong The Treatise on Faith, Hope, and Charity [Khảo luận về đức tin, hy vọng, và lòng từ thiện]. Và đây là phần đầu của khảo luận về đức tin. Aquino nói, “Trí tuệ chuẩn nhận một sự vật theo hai cách: thứ nhất, thông qua tình trạng bị thúc đẩy chuẩn nhận bởi chính đối tượng của nó vốn được biết hoặc bởi chính nó trong trường hợp của các nguyên lý đầu tiên hay các tiên đề hoặc thông qua một cái gì khác vốn đã được biết như trong trường hợp của các kết luận đang chứng minh.” “Trong cả hai trường hợp,” Aquino nói, “bạn đều có tri thức, không phải thường kiến.” Thứ hai,” Aquino nói, “trí tuệ chuẩn nhận một điều gì không phải thông qua tình trạng bị thúc đẩy đủ đến sự chuẩn nhận bởi đối tượng thích đáng của nó, mà thông qua hành động chọn lựa, bằng cách đó nó tự nguyện chọn bên này thay vì bên kia.” Và nếu điều này đi kèm với sự hoài nghi và lo sợ cái đối nghịch, thì bạn sẽ có thường kiến. Trong khi có sự chắc chắn và không có sự lo sợ cái đối nghịch, thì sẽ có niềm tin. “Và sự chắc chắn về niềm tin này,” Aquino giải thích, “xuất phát từ dữ kiện vốn là siêu nhiên.” Nó là món quà của Thượng đế, vì ông nói, “Do chỗ con người, bằng cách chuẩn nhận những vấn đề của đức tin, được nâng lên khỏi bản tính của mình, điều thiết yếu này cần dồn thêm cho anh ta vì những nguyên lý siêu nhiên nào đó, đẩy anh ta sâu vào nội tâm, và đây là Thượng đế. Do đó đức tin, xét theo sự chuẩn nhận vốn là hành động chính của đức tin, đến từ Thượng đế, đẩy con người vào nội tâm bằng ân sủng.” Do đó mà Aquino nói đức tin không phải là tri thức cũng không phải là thường kiến, nhưng là một cái gì đó trung gian giữa chúng, nó giống chúng ở cả hai phương diện.

Lloyd Luckman: Tôi xin lỗi, nhưng tôi không hiểu nó giống cả hai như thế nào. Nó giống cả hai theo cách nào?

Mortimer Adler: À, Lloyd này, một mặt, đức tin giống như thường kiến ở chỗ nó là một hành động của ý chí hơn là một hành động dựa trên sự việc đúng như tình trạng của chính nó. Do đó mà Thánh Phaolô định nghĩa đức tin là bằng chứng về những sự việc không nhìn thấy được, không thấy trực tiếp theo đúng tình trạng của chúng. Mặt khác, đức tin giống như tri thức do sự đích xác mà nó có, một sự đích xác thậm chí còn lớn hơn sự đích xác của tri thức thông thường, vì nó dựa trên món quà ân sủng siêu nhiên.

Giờ là lúc khép lại phần thảo luận của chúng ta về sự khác biệt giữa tri thức và thường kiến và về phạm vi của mỗi thứ trong đời sống con người, lãnh địa của thường kiến và lãnh địa của tri thức. Buổi tới, tôi hy vọng chúng ta có thể giải quyết một số vấn đề thực hành liên quan đến thường kiến, như sự tương quan của thường kiến với tự do con người, các thiết chế chính quyền, và sự đối lập giữa ý kiến đa số và ý kiến thiểu số.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt