Nhận thức luận | Khoa học luận

Tri thức tuyệt đối (II)

 

TRI THỨC TUYỆT ĐỐI

1

2

3

 
KHOA HỌC như là Tự ngã tự nhận thức chính mình

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel, “Tri thức tuyệt đối” trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.


         

 

§ 798

Hình thái (Gestalt) sau cùng này của Tinh thần – tức Tinh thần đồng thời mang lại cho nội dung hoàn chỉnh và đúng thật của mình hình thức của Tự ngã, và qua đó, vừa hiện thực hóa [thực hiện: realisiert) Khái niệm của mình, vừa – trong khi hiện thực hóa – vẫn ở yên (bleibt) bên trong chính Khái niệm của mình – chính là TRI THỨC TUYỆT ĐỐI (DAS ABSOLUTE WISSEN). | Tri thức tuyệt đối là Tinh thần nhận biết chính mình trong hình thái của Tinh thần; hay, là Tri thức [thấu hiểu bằng] Khái niệm (das begrei-fende Wissen). Chân lý không chỉ hoàn toàn ngang bằng với sự xác tín một cách tự-mình [an sich: mặc nhiên] mà còn có cả hình thái của sự xác tín về chính mình; hay nói cách khác, tồn tại ở trong sự hiện hữu của nó (sie ist in ihrem Dasein), – tức là tồn tại “cho” Tinh thần nhận biết chân lý – tồn tại trong hình thức của Tri thức về chính mình[1]. Trong tôn giáo, chân lý là nội dung, còn chưa ngang bằng với sự xác tín về nó. Thế nhưng, sự ngang bằng này là ở chỗ nội dung đã nhận được hình thái của Tự ngã. Nhờ đó, bản thân Bản chất (das Wesen selbst), tức là Khái niệm đã trở thành môi trường của sự hiện hữu (Elemente des Daseins), hay trở thành hình thức của tính đối tượng khách quan cho ý thức. Tinh thần xuất hiện ra (erscheinend) cho ý thức trong môi trường (Elemente) này [của sự hiện hữu], hay, cũng đồng nghĩa như thế, được ý thức tạo ra (hervorge-bracht) ở đây trong môi trường như thế, chính là KHOA HỌC (WISSENSCHAFT) [TRIẾT HỌC VỚI TƯ CÁCH LÀ KHOA HỌC CÓ HỆ THỐNG].

§ 799

Như thế, bản tính tự nhiên (Natur), các yếu tố và tiến trình vận động của Tri thức này đã tự chứng tỏ rằng Tri thức này là sự tồn tại-cho mình thuần túy của Tự-ý thức. | Nó là cái Tôi và là cái Tôi này chứ không phải cái Tôi nào khác, nhưng đồng thời, cũng được trung giới một cách trực tiếp (unmittelbar vermittelt), hay là cái Tôi đã được vượt bỏ, và là cái Tôi phổ biến. Cái Tôi có một nội dung được nó phân biệt với chính nó, bởi nó là tính phủ định thuần túy, hay là tiến trình tự phân đôi: nó là ý thức. Bản thân nội dung này, – trong sự phân biệt của nó – cũng là cái Tôi, vì nội dung là tiến trình của việc tự-vượt bỏ chính mình (sich selbst Aufheben), hay, là cùng một tính phủ định thuần túy vốn là cái Tôi. Trong nội dung, cái Tôi, với tư cách là cái được phân biệt, được phản tư vào trong chính mình, và chỉ do cái Tôi vẫn là “ở trong nhà với chính mình” (bei sich selbst sein) nơi cái tồn tại khác của mình nên nội dung mới được thấu hiểu bằng Khái niệm (begriffen). Nói chính xác hơn, nội dung này không gì khác hơn là chính tiến trình vận động vừa nói trên đây, bởi nội dung là Tinh thần [phải] trải qua toàn bộ các cấp độ tồn tại của chính mình, và, với việc trải qua ấy, trở thành “cho-mình” (für sich) với tư cách là Tinh thần, bằng cách mang hình thái của Khái niệm ở trong tính đối tượng [khách quan] của nó[2].

§ 800

Còn liên quan đến sự hiện hữu [hiện thực] (Dasein) của Khái niệm này, KHOA HỌC sẽ không xuất hiện ở trong thời gian và trong [thế giới] hiện thực trước khi Tinh thần đã đạt đến giai đoạn này: giai đoạn có ý thức về chính mình. Tinh thần không hiện hữu trước khi nó, với tư cách là Tinh thần, biết chính mình là gì; và cũng không hiện hữu ở đâu cả cho tới khi hoàn tất công việc làm chủ và khống chế được sự hiện thân (Gestaltung) không hoàn hảo của mình, – [tức là] công việc tự sáng tạo ra (sich verschaffen) cho ý thức của nó hình thái của Bản chất của nó, và, bằng cách ấy, làm cho Tự-ý thức của mình ngang bằng (ausgleichen) với ý thức của mình. Tinh thần hiện hữu tự-mình và cho-mình, khi [còn] bị phân biệt thành những yếu tố tách rời nhau, [mới chỉ] là cái biết hiện hữu-cho mình, [mới chỉ] là việc thấu hiểu bằng Khái niệm nói chung (das Begreifen überhaupt); việc thấu hiểu như thế vẫn chưa đạt đến được Bản thể, hay, không phải là Tri thức tuyệt đối tự-mình[3].

§ 801

Bây giờ, ở trong hiện thực, cái Bản thể-nhận biết (die wissende Substanz)[4] có mặt sớm hơn là hình thức của nó, sớm hơn hình thái Khái niệm của nó. Bởi Bản thể là cái Tự-mình còn chưa được phát triển, hay, là Cơ sở (Grund) và Khái niệm trong tính đơn giản vẫn còn bất động của nó, do đó, là tính [trạng thái] “nội tại” (Innerlichkeit) hay là Tự ngã của Tinh thần chưa [thực sự] hiện hữu ở đó. Cho nên, cái ở đó [cái đang hiện hữu] thì như là cái Đơn giản, và là cái trực tiếp vẫn còn chưa được phát triển, hay, như là đối tượng của ý thức biểu tượng nói chung [ý thức của tư duy-hình tượng]. Còn sự Nhận thức (das Erkennen)[5], – bởi lẽ nó là ý thức [mang tính] tinh thần (das geistige Bewußtsein) [chỉ] thừa nhận cái “tự-mình” là hiện thực chỉ trong chừng mực cái “tự-mình” ấy là một tồn tại cho Tự ngã, là một tồn tại của Tự ngã hay là Khái niệm, – nên Nhận thức thoạt đầu chỉ có được một đối tượng nghèo nàn, trong khi ngược lại, Bản thể và ý thức về Bản thể này lại phong phú hơn nhiều. Tính khai mở (die Offenbarkeit) mà Bản thể này có được ở trong ý thức ấy, trong thực tế, là tính tối tăm, ẩn giấu (die Verborgenheit), vì Bản thể vẫn còn là cái tồn tại không có-Tự ngã và cái được khai mở chỉ là sự xác tín của chính mình. Do đó, thoạt đầu, chỉ có những yếu tố trừu tượng của Bản thể là thuộc về Tự-ý thức. | Nhưng vì lẽ những yếu tố này đều là những sự “vận động thuần túy”, chúng phải tiếp tục tiến lên do chính bản tính tự nhiên của chúng, nên Tự-ý thức tự làm phong phú chính mình cho tới khi nó đã “tước đoạt” hết toàn bộ Bản thể từ tay của ý thức và hấp thụ hết vào trong mình toàn bộ cấu trúc của những tính bản chất (Wesenheiten) của Bản thể. | Và cũng vì lẽ thái độ phủ định này đối với tính đối tượng khách quan cũng đồng thời mang tính khẳng định, nên đó là tiến trình thiết định (Setzen) [nên nội dung]; nó đã tạo ra những yếu tố này từ chính nó, và qua đó, đồng thời tái lập chúng cho ý thức. Như thế, trong Khái niệm –biết chính mình như là Khái niệm –, những yếu tố xuất hiện ra trước khi có sự xuất hiện của cái toàn bộ được thực hiện [hay được lấp đầy] hoàn chỉnh: sự vận động của những yếu tố này là tiến trình trở thành (Werden) của cái toàn bộ ấy. Còn ngược lại, trong ý thức, cái toàn bộ lại đi trước những yếu tố, nhưng cái toàn bộ này lại không được nhận thức bằng Khái niệm (unbegriffen)[6].

THỜI GIAN chính là bản thân Khái niệm đang hiện hữu “ở đó” (ist da) và thể hiện ra cho ý thức như là trực quan trống rỗng[7]. | Vì thế, Tinh thần tất yếu phải xuất hiện ra ở trong thời gian; và nó xuất hiện trong thời gian bao lâu nó không nắm bắt (erfaßt) được Khái niệm thuần túy về nó, nghĩa là, bao lâu nó không tiêu trừ được thời gian. Thời gian là cái Tự ngã thuần túy [ở trong hình thức] bên ngoài[8], được trực quan chứ không được nắm bắt bởi Tự ngã; nó là Khái niệm mới chỉ được lãnh hội đơn thuần bằng trực quan (der nur angeschaute Begriff). | Khi Khái niệm này nắm bắt được chính mình, nó thủ tiêu và vượt bỏ (aufheben) hình thức thời gian của mình đi, thấu hiểu [bằng Khái niệm] (begreifen) cái trực quan, và bấy giờ là sự trực quan đã được và đang thấu hiểu bằng Khái niệm (begriffnes und begreifendes Anschauen). Cho nên, thời gian xuất hiện như là số phận và sự tất yếu của Tinh thần, khi Tinh thần chưa hoàn tất ở bên trong chính mình; – sự tất yếu ấy làm dồi dào, phong phú phần tham dự mà Tự-ý thức có trong ý thức, làm cho tính trực tiếp của cái Tự-mình – tức hình thức trong đó Bản thể hiện diện ở bên trong ý thức – đi vào sự vận động; hay, nói ngược lại, để hiện thực hóa và làm hiển lộ cái gì vốn là tự-mình – cái Tự-mình được xem như cái Bên trong và chỉ mới “ở bên trong” trong lúc đầu –, nghĩa là, để biện minh cho đòi hỏi rằng cái Tự-mình này phải là sự xác tín về chính mình của Tinh thần.

§ 802

Vì lý do đó, phải nói rằng không có gì được biết [tri thức] mà không nằm trong [phạm vi] kinh nghiệm, hay cũng đồng nghĩa như thế, không hiện diện như là chân lý được cảm nhận (gefühlt), như là cái vĩnh cửu được khai mở ra ở bên trong [ta], như là [cái] thiêng liêng được tin tưởng hay bất kỳ cách diễn tả nào khác được ta sử dụng [để biểu thị đối tượng của kinh nghiệm][9]. Bởi lẽ, kinh nghiệm chính là ở chỗ: cái nội dung – vốn là Tinh thần – là tự-mình, là Bản thể và do đó, là đối tượng của ý thức. Nhưng, Bản thể này – vốn là Tinh thần – là sự trở thành (das Werden) của Tinh thần để đạt tới [trở thành minh nhiên] những gì vốn là tự-mình [mặc nhiên]; và, chỉ khi với tư cách là tiến trình trở thành đang tự phản tư chính mình vào trong chính mình này, nó mới đúng thật và tự-mình là Tinh thần. Nó tự-mình là sự vận động, là tiến trình của sự nhận thức (Erkennen): là sự chuyển hóa cái Tự-mình ấy thành cái Cho-mình, chuyển hóa Bản thể thành Chủ thể, đối tượng của Ý thức thành đối tượng của Tự-ý thức, nghĩa là, thành đối tượng đã đồng thời được vượt bỏ như là đối tượng, hay nói khác đi, thành Khái niệm. Tiến trình chuyển hóa này là một vòng tròn quay trở lại vào trong chính mình; một vòng tròn tiền giả định điểm khởi đầu và chỉ đạt tới điểm khởi đầu ở nơi điểm kết thúc. Vậy, trong chừng mực Tinh thần tất yếu phải là tiến trình tự-phân biệt ở trong chính mình này, nó xuất hiện ra [thoạt đầu] như một cái toàn bộ [đơn giản], được lãnh hội bằng trực quan, đối lập lại với Tự-ý thức đơn giản của nó. | Và vì lẽ cái toàn bộ này là cái gì được phân biệt, nên nó được phân biệt thành Khái niệm thuần túy [song chỉ mới có thể được lãnh hội] bằng trực quan, thành thời gian, thành nội dung hay thành cái Tự mình. | Còn Bản thể – với tư cách là Chủ thể – có sự tất yếu – thoạt đầu là sự tất yếu nội tại – là phải thể hiện trong chính mình những gì vốn là tự-mình, tức tự thể hiện như là Tinh thần. Chỉ có sự thể hiện [hay diễn tả] hoàn chỉnh trong hình thức đối tượng khách quan mới đồng thời là sự phản tư của Bản thể, hay là sự trở thành Tự ngã của Bản thể. Do đó, trước khi Tinh thần tự hoàn tất chính mình một cách tự-mình, trước khi tự hoàn tất như là TINH THẦN-THẾ GIỚI (WELTGEIST), nó không thể đạt đến sự hoàn chỉnh trọn vẹn với tư cách là TINH THẦN TỰ GIÁC (SELBSTBEWUSSTER GEIST). Bởi thế, TÔN GIÁO diễn đạt được nội dung: “Tinh thần là gì?” sớm hơn KHOA HỌC [TRIẾT HỌC] về mặt thời gian, nhưng chỉ duy KHOA HỌC này mới là TRI THỨC ĐÚNG THẬT (WAHRES WISSEN) của Tinh thần về chính mình[10].

§ 803

Tiến trình vận động để thúc đẩy sự ra đời của hình thức tri thức này về chính mình là công việc mà Tinh thần hoàn tất như là LỊCH SỬ HIỆN THỰC. Cộng đồng tôn giáo – trong chừng mực là Bản thể của Tinh thần-tuyệt đối ở giai đoạn khởi đầu – là hình thức thô lậu (roh) của ý thức: Tinh thần “bên trong” của ý thức này càng sâu sắc bao nhiêu thì sự hiện hữu [hiện thực] của nó càng man rợ và khắc nghiệt bấy nhiêu, và cái Tự ngã ngột ngạt, bất động của nó cũng càng vất vả bấy nhiêu trong việc xử trí với Bản chất của nó, tức với nội dung của ý thức của nó mà lại xa lạ với chính nó. Chỉ sau khi đã từ bỏ niềm hy vọng là có thể xóa bỏ sự xa lạ này bằng phương cách ngoại tại, nghĩa là cũng xa lạ, ý thức này mới hướng về chính mình, vì vượt bỏ phương cách xa lạ tức là quay trở lại vào trong Tự-ý thức. Nó hướng về thế giới của chính mình và về cái hiện tiền (Gegerwart); nó phát hiện thế giới [hiện tiền] này như là sở hữu (Eigentum) của nó, và như thế là đã đi được bước đầu tiên xuống khỏi thế giới “khả niệm” (Intellektuelwelt), hay nói đúng hơn, đã “làm sống động” (begeisten) [mang lại Tinh thần cho] cái môi trường trừu tượng của thế giới ấy bằng Tự ngã hiện thực. [Xem lại: Chương V: Lý tính, §231 và tiếp].

Một mặt, thông qua việc “quan sát” [của Lý tính] [xem: Chương V. A], nó tìm thấy sự hiện hữu (Dasein) như là [trong hình thái của] tư tưởng và thấu hiểu được sự hiện hữu [bằng tư tưởng: begreifen], và ngược lại, tìm thấy trong Tư duy của mình sự hiện hữu[11]. Vậy, thoạt đầu ý thức này đã tự diễn đạt một cách trừu tượng về sự thống nhất trực tiếp giữa Tư duy và Tồn tại (Sein), giữa Bản chất trừu tượng và Tự ngã; rồi nó làm sống lại cái Bản chất sơ thủy về “Thần Ánh sáng” bằng một hình thức thuần túy hơn, tức như sự thống nhất giữa “quảng tính” (Ausdehnung) và “tồn tại” (Sein) – bởi “quảng tính” là tính đơn giản tương xứng với Tư duy hơn là “Ánh sáng” –, và bằng cách ấy, đã làm sống lại trong tư duy cái Bản thể của Thần Ánh sáng mọc lên từ phương đông[12]. | Nhưng, từ đó, Tinh thần lại đồng thời kinh sợ, nhảy lùi lại trước sự thống nhất trừu tượng này, trước tính bản thể không có-Tự ngã này (selbstlose Substantialität) và do đó, khẳng định tính cá biệt [hóa] để đối lập lại[13]. Nhưng sau khi Tinh thần đã xuất nhượng nguyên tắc [tính cá biệt] này trong tiến trình đào luyện của nó [tha hóa trong thế giới văn hóa], biến nguyên tắc tính cá biệt thành hiện hữu [khách quan] và thiết định nó trong toàn bộ lãnh vực hiện hữu, Tinh thần đã đi đến tư tưởng về “tính hữu ích”[14]; và, trong lãnh vực của sự tự do tuyệt đối, nó đã nắm bắt sự hiện hữu như là Ý chí [cá biệt] của nó[15]; và sau những giai đoạn này, Tinh thần mang ra ánh sáng cái tư tưởng nằm trong chỗ sâu thẳm nhất của nó và diễn đạt cái Bản chất trong hình thức: Tôi = Tôi[16].

Tuy nhiên, “cái Tôi là đồng nhất với cái Tôi” này là tiến trình tự-phản tư vào trong chính mình, bởi sự ngang bằng này – với tư cách là tính phủ định tuyệt đối – là sự phân biệt tuyệt đối[17], nên sự tự-ngang bằng của cái Tôi đứng đối lập lại với sự phân biệt thuần túy [tuyệt đối] này, là cái – vừa là sự phân biệt thuần túy, vừa đồng thời là có tính đối tượng khách quan đối với cái Tự ngã tự biết chính mình – phải được diễn đạt như là thời gian – theo kiểu là, nếu như trước đây, Bản chất đã được diễn đạt như là sự thống nhất của Tư duy và quảng tính [không gian], thì ở đây, ắt phải được diễn đạt như là sự thống nhất của Tư duy và thời gian[18]. | Nhưng, sự phân biệt bị để riêng một mình nơi bản thân nó, [hay] thời gian không đứng yên và không ngơi nghỉ ắt sẽ sụp đổ vào bên trong chính mình (fällt in sich selbst zusammen)[19]; [nên] thời gian là sự đứng yên khách quan của quảng tính[20], trong khi quảng tính lại là sự ngang bằng thuần túy với chính mình, tức là cái Tôi.

Nói khác đi, cái Tôi không chỉ là Tự ngã mà là sự ngang bằng của Tự ngã với chính mình. | Tuy nhiên, sự ngang bằng này là sự thống nhất trọn vẹn và trực tiếp với chính mình [Tự ngã]; hay, Chủ thể này cũng đồng thời chính là Bản thể[21]. Bản thể – xem xét đơn độc cho riêng mình (für sich allein) – hóa ra là trực quan không có nội dung; hay, là trực quan về một nội dung – nhưng với tư cách là một nội dung nhất định – ắt chỉ có tính bất tất và thiếu hẳn tính tất yếu. | Như thế, Bản thể hóa ra chỉ có giá trị như là cái Tuyệt đối trong chừng mực nó là sự thống nhất tuyệt đối được suy tưởng hay được trực quan mà thôi[22], còn mọi nội dung – về phương diện tính đa tạp của chúng – ắt phải rơi ra bên ngoài Bản thể để chỉ dành cho sự phản tư; nhưng sự phản tư là một tiến trình không thuộc về Bản thể, bởi Bản thể [ở đây] không được nhận biết (begriffen) như là Chủ thể, như là Tinh thần, như là việc phản tư về chính mình và tự phản tư vào trong chính mình (das über sich und sich in sich Reflektierende). Cho nên, nếu còn phải nói về một nội dung nào đó, thì một mặt, nội dung ấy chỉ tồn tại để bị ném vào trong hố thẳm trống rỗng của cái Tuyệt đối, và mặt khác, nội dung ấy được “thâu lượm” bằng một phương cách ngoại tại từ tri giác cảm tính. | Cái biết [trong trường hợp ấy] tuy có vẻ có được là nhờ những sự vật, nhờ những gì được phân biệt với cái biết, và nhờ sự phân biệt giữa sự đa tạp vô tận của sự vật, nhưng người ta lại không thấu hiểu được bằng Khái niệm tất cả những điều ấy đến từ đâu và đến bằng cách nào[23].

§ 804

Thế nhưng, Tinh thần đã tự chứng tỏ cho ta thấy rằng nó không phải đơn thuần là sự rút lui của Tự-ý thức vào trong tính nội tại thuần túy của mình (in seine reine Innerlichkeit), cũng không phải là sự chìm đắm đơn thuần của Tự-ý thức vào trong Bản thể và là sự không-tồn tại [hư vô] của sự [tự] phân biệt của nó[24]. | Trái lại, Tinh thần là sự vận động này của Tự ngã; cái Tự ngã tự xuất nhượng chính mình (sich seiner selbst entäußert) và tự chìm đắm vào trong Bản thể của mình, và cũng với tư cách là Chủ thể đã ra khỏi Bản thể ấy để đi vào trong chính mình, biến Bản thể thành đối tượng và nội dung cũng như vượt bỏ (aufheben) sự phân biệt này về tính đối tượng và nội dung. Sự phản tư đầu tiên ấy ra khỏi tính trực tiếp là tiến trình tự-phân biệt của Chủ thể với Bản thể của mình, hay là Khái niệm ở trong tiến trình tự-phân đôi, là việc đi vào-trong-chính-mình (das Insichgehen) và tiến trình trở thành (Werden) của cái Tôi thuần túy. Bởi lẽ sự phân biệt này là việc làm thuần túy của Cái Tôi = Cái Tôi, nên Khái niệm là sự tất yếu và là sự ra đời (Aufgehen) của sự hiện hữu (Dasein) lấy Bản thể làm Bản chất của mình và tự tồn “cho-mình” (für sich besteht). Nhưng, sự tự tồn của hiện hữu “cho-mình” này là Khái niệm được thiết định trong tính quy định nhất định, và do đó, cũng là vận động ở trong chính mình [nội tại] của chính Khái niệm, [tức] sự vận động đi xuống, vào trong Bản thể đơn giản, [nhưng] Bản thể ấy sở dĩ là Chủ thể chỉ từ khi là tính phủ định này và là tiến trình vận động này[25](1301). Cái Tôi một mặt không được bám chặt lấy hình thức của Tự-ý thức để đối lập lại với hình thức của tính bản thể và tính đối tượng [khách quan], làm như thể cái Tôi sợ hãi trước sự xuất nhượng [ngoại tại hóa] của chính mình: sức mạnh của Tinh thần thực ra chính là ở chỗ vẫn bảo tồn sự ngang bằng [sự đồng nhất] với chính mình khi xuất nhượng chính mình; và, vì là cái gì vừa tồn tại tự-mình lẫn cho-mình, nó thiết định cái tồn tại-cho mình lẫn cái tồn tại-tự mình đều chỉ như là các mô-men (Momente) [có thể được vượt bỏ] mà thôi. | Mặt khác, nó [cái Tôi] cũng không phải là một cái “thứ ba” [tertium quid] ném mọi sự phân biệt trở lại vào trong hố thẳm của cái Tuyệt đối và tuyên bố chúng đều là đồng nhất với nhau ở trong đó; ngược lại, Tri thức [đích thực] thật ra nằm ngay trong vẻ ngoài không hoạt động chỉ đơn thuần đứng nhìn cái được phân biệt tự-vận động như thế nào nơi [do] chính bản tính tự nhiên của nó (an ihm selbst) và quay trở lại vào trong sự thống nhất của chính nó.

 


[1] Điểm đặc trưng của “Hiện tượng học” là sự đối lập giữa chân lý (sự thật khách quan) và sự xác tín (chủ quan). Sự đối lập này tiêu biến đi trong Khoa học (chẳng hạn, trong Khoa học-lô gíc, những mô-men/Momente tự phơi bày trong những tính quy định thuần túy của chúng; cái phủ định là ở ngay trong bản thân tính quy định ấy chứ không phải mối quan hệ với một ý thức hữu tận). Do đó, “hình thái” (Gestalt) của ý thức là tương ứng với Hiện tượng học; còn Tri thức-tuyệt đối là sự “kết thúc tiến trình hiện thân của Tinh thần bằng những hình thái nhất định của ý thức” (§805). (Trong ý nghĩa đó, khó mà nói rằng Tri thức-tuyệt đối cũng còn là một hình thái (dù là hình thái sau cùng), bởi nó vượt lên mọi hình thái đặc thù?). Trong Tri thức-tuyệt đối, chân lý (sự thật) được thiết định như là Khái niệm, nghĩa là trong hình thức của sự xác tín về chính mình. Vậy, “Khoa học” theo nghĩa của Hegel là sự “tự nhận thức bằng Khái niệm” của Tự ngã, là Tri thức rằng Tinh thần có chính mình bởi chính mình. Có thể so sánh phần này với Lời Tựa để hiểu rõ hơn.

[2] Tiểu đoạn §799 cho thấy sự khác biệt giữa quyển Hiện tượng học này và bộ Khoa học Lô-gíc mà Hegel sẽ cho công bố vài năm sau đó. Trong “Hiện tượng học”, cái Tôi là Ý thức nên có sự phân đôi giữa cái Tôi và nội dung của nó. Còn trong Khoa học Lô-gíc, cái Tôi là nội tại (immanent) đối với nội dung; nó là vận động phủ định ngay trong lòng nội dung, dẫn dắt nội dung đi từ tính quy định (lô-gíc) này đến tính quy định khác. Đó là ý nghĩa của câu quan trọng trên đây: “Trong nội dung [của Khoa học Lô-gíc], cái Tôi, với tư cách là cái được phân biệt, [là] đã được phản tư vào trong chính mình”. Vậy, Hiện tượng học mô tả con đường dẫn ý thức đến Tri thức-tuyệt đối; còn Khoa học Lô-gíc trình bày bản thân Tri thức này. (Xem: Hegel: Khoa học Lô-gíc: Lời Tựa cho lần xuất bản thứ nhất (1812), tiểu đoạn §10: “Ý thức là Tinh thần với tư cách là cái biết cụ thể và cũng là một cái biết còn bị ràng buộc trong tính ngoại tại, nhưng sự vận động tiến lên (Fortbewegung) của đối tượng này [ý thức] – cũng giống như sự phát triển của mọi đời sống tự nhiên và tinh thần – là chỉ dựa trên bản tính tự nhiên của những bản chất thuần túy (reine Wesenheiten), tức của những gì tạo nên nội dung của môn Lô-gíc học. Ý thức, với tư cách là Tinh thần đang xuất hiện ra, trong tiến trình của nó, tự giải phóng ra khỏi tính trực tiếp của mình và sự cụ thể [hóa] ngoại tại; trở thành Tri thức thuần túy, lấy chính bản thân những tính bản chất thuần túy nói trên – như chúng đang tồn tại tự-mình và cho-mình – làm đối tượng. Chúng là những tư tưởng thuần túy, là Tinh thần đang suy tưởng về Bản chất của mình. Sự tự-vận động của chúng là đời sống mang tính tinh thần của chúng; và chính sự tự-vận động này là những gì qua đó Khoa học tự kiến tạo nên và triết học là sự trình bày về sự tự-vận động ấy”).

[3] ... “việc thấu hiểu [bằng Khái niệm nói chung] như thế vẫn chưa đạt đến được Bản thể, hay, không phải là tri thức-tuyệt đối tự mình”: (“[Das Begreifen überhaupt], das als solches die Substanz noch nicht erreicht hat oder nicht an sich selbst absolutes Wissen ist”). Phần câu này được Miller dịch như sau: ... “a comprehension in general that, as such, substance has not yet reached, i.e. substance is not in it own self an absolute knowing” (Sđd, tr. 486, §800). Gắn liền với phần câu trên, sẽ có nghĩa là: Tinh thần còn bị phân biệt thành những yếu tố tách rời nhau thì mới chỉ là Bản thể của cái biết; và sự thấu hiểu bằng Khái niệm (Begreifen) còn bị tách rời với nội dung của nó. “Bản thể của cái biết” (die wissende Substanz, đầu §801) tuy là cái toàn bộ nhưng chưa được thấu hiểu bằng Khái niệm và đi trước sự thấu hiểu này. (Xem tiếp các chú thích tiếp theo). J. H dịch [theo nguyên văn như chúng tôi]: … “l’acte de concevoir en genéral, qui, comme tel, n’a pas encore atteint la substance, ou n’est pas encore en soi-même savoir absolu” và cho rằng “ở đây, Hegel xem xét các tiền đề [đi trước] về mặt thời gian (les présuppositions temporelles) của tri thức tuyệt đối hay của chính bản thân triết học của ông” (Sđd, tập 2, tr. 304, chú thích 29).

[4]  “Die wissende Substanz”: có thể hiểu là “Bản thể của cái biết”, nghĩa là Bản thể ở đây đã là cái biết (Wissen) nhưng chưa phải là sự Nhận thức (Erkennen) về chính mình. (J.H dịch rất rõ là “substance du savoir”).

[5] “Sự nhận thức” (das Erkennen): Trong thuật ngữ của Hegel, cần phân biệt chữ “Wissen” (biết) với chữ “Erkennen” (nhận thức). (Xem: chú thích cho §31, Lời Tựa). “Biết” (Wissen) là có tính trực tiếp, còn “nhận thức” (Erkennen) bao giờ cũng là được trung giới. Tất nhiên, ở cấp độ “Tri thức-tuyệt đối”, kết quả của nhận thức đã “vượt bỏ” những chặng đường đã trải qua, nên kết quả ấy sẽ vừa là “cái biết” vừa là “nhận thức”, nhưng ở đây, vẫn còn phân biệt cái biết như là Bản thể với nhận thức như là nhận thức bằng Khái niệm.

[6] Như đã thấy, Bản thể đi trước Khái niệm. Do đó, ý thức về Bản thể (dưới hình thức biểu tượng) phong phú về nội dung hơn là Tự-ý thức [về ý thức ấy]. Tự-ý thức chỉ làm công việc sau cùng là “hấp thu” hay “tái lập lại” những yếu tố đã bị tách rời của Bản thể, chiếm lĩnh lại Khái niệm hay cái toàn bộ ấy một cách phản tư. Như thế, như sẽ thấy ở đoạn sau, trực quan về cái toàn bộ đi trước tiến trình “trở thành Khái niệm” về cái toàn bộ này. Sự khác biệt giữa hai “giai đoạn” này sẽ được Hegel hiểu như là bản thân “thời gian”. (theo J. H).

[7] Trong §46 của Lời Tựa, Hegel cũng đã gọi “thời gian là bản thân Khái niệm đang hiện hữu” (“die Zeit ist der daseiende Begriff selbst”) nhưng là để nhấn mạnh tính biện chứng của thời gian so với không gian, vì thời gian, xét về mặt cấu trúc hình thức, cũng là sự phủ định của phủ định giống như Khái niệm. (Xem: Chú thích cho §46). Còn ở đây, Hegel nhấn mạnh đến thời tính (Zeitlichkeit) của Tinh thần và sự xuất hiện tất yếu của Tinh thần ở trong thời gian như là “tiền đề” của Tri thức-tuyệt đối (bằng Khái niệm), hay nói khác đi, như là “tiền đề” dẫn đến bản thân triết học của ông.

[8] “Cái Tự ngã thuần túy [ở trong hình thức] bên ngoài, được trực quan chứ không được nắm bắt bởi Tự ngã” (das äußere angeschaute vom Selbst nicht erfaßte reine Selbst): cái Tự ngã ở bên ngoài đối với chính mình nghĩa là ở trong tình trạng chưa có ý thức về chính mình. Đó là sự xuất nhượng của Tinh thần ở trong thời gian như là các hình thái của ý thức. Chỉ ở trong Tri thức-tuyệt đối, tức trong sự thấu hiểu hoàn toàn bằng Khái niệm đối với “sự trực quan” này về cái Toàn bộ thì sự thấu hiểu (Begreifen) mới “tiêu trừ” (tilgen) được thời gian.

Sự “tiêu trừ” hay sự “kết thúc” của thời gian là quan niệm bị tranh cãi và phản bác nhiều nhất đối với học thuyết của Hegel, nhưng, như sẽ thấy ở các tiểu đoạn sau cùng (§§805-808), Hegel lại cho thấy Tinh thần, khi xuất phát từ “Khoa học” (Tri thức-tuyệt đối), tất yếu phải tự xuất nhượng ở trong không gian (giới Tự nhiên) và trong thời gian (Lịch sử) như một “vòng tuần hoàn” bất tận.

[9] Ám chỉ quan niệm của Kant và cho thấy Hegel (cũng như Fichte và Schelling) đều viện dẫn và chịu ảnh hưởng của quan niệm này. Xem: Kant: “Phê phán lý tính thuần túy”, B283 và nhất là B185: “Nhưng mọi nhận thức của ta đều nằm trong cái toàn bộ của mọi kinh nghiệm khả hữu”.

[10] Tiểu đoạn §802 này rất hệ trọng vì ta cần phân biệt giữa Bản thể – tức Tinh thần – trong chừng mực nó là tiến trình trở thành Chủ thể, trở thành “cho-mình” những gì vốn là “tự-mình” với Tự-ý thức [của Tinh thần] về tiến trình này, tức là với sự phản tư của nó vào trong chính mình. Nói cách khác, một mặt là Bản thể của lịch sử – tức là cái Hegel gọi là “Tinh thần thế giới” (Weltgeist) – phải tự thể hiện ra cho ý thức như là tiến trình vận động đi từ Bản thể trở thành Chủ thể; rồi sau đó, mặt khác, là Tự-ý thức phản tư tiến trình này vào trong chính mình và hình thành nên Khoa học [lôgíc]. Nói dễ hiểu, “Khoa học thuần túy” chỉ có thể tự xuất hiện ra sau khi Tinh thần đã tự thể hiện chính mình trong suốt tiến trình lịch sử của nó.

Trong tiểu đoạn tiếp theo (§803), Hegel sẽ cho thấy tiến trình vận động của “Tinh thần-thế giới” đã từng bước dẫn đến Tự-ý thức của Tinh thần này về chính mình – tức đến “Khoa học” như thế nào. Ông tóm lược tiến trình tự-nhận thức này bắt đầu từ “cộng đồng tôn giáo” (Giáo hội Ki-tô giáo thời Trung cổ) sang Tinh thần ở thời Phục Hưng (thời đại của “Lý tính”) rồi trải qua một loạt các hệ thống triết học của Descartes, Spinoza, Leibniz, Rousseau, Kant để đến thời đại của ông (với Fichte, Schelling) và sau cùng đến “Tri thức-tuyệt đối”, tức bản thân triết học Hegel.

[11] Ám chỉ triết học Descartes (1596 – 1650).

[12] Ám chỉ triết học Spinoza (1632 – 1677). Trong triết học của Spinoza, Thượng đế – một Bản thể – được hiểu là sự thống nhất của hai “tùy thể” vô tận là Tư duy và Quảng tính. (Xem: Spinoza: Ethica, phần II, các định lý I, II và VII. Toàn tập Spinoza (tiếng Đức), Tập 2, trang 162 – 165, 168...).

[13] Ám chỉ triết học Leibniz (1646 – 1716) với Đơn tử luận (Monadologie).

[14] Ám chỉ nguyên tắc của sự Khai sáng (xem lại §538 và tiếp).

[15]  Ám chỉ Rousseau (1712-78), và sau đó, triết học đạo đức của Kant ( 1724 – 1804).

[16] Ám chỉ triết học Fichte (1762 – 1814).

[17] Các “nguyên lý” trong “Học thuyết khoa học” (Wissenschaftslehre) của Fichte.

[18] Spinoza lý giải Descartes: sự thống nhất giữa Tư duy và quảng tính (không gian); Hegel lý giải Fichte: sự thống nhất giữa Tư duy và thời gian.

[19] Miller: “collapses within itself”; Baillie: “collapses upon itself”; J.H: “s’écroule et cọncide en soi-même”.

[20] Xem: Phép biện chứng của thời gian và quảng tính và sự chuyển hóa của thời gian thành quảng tính bởi “Khái niệm về sự vận động” (Begriff der Bewegung” trong “Hệ thống đầu tiên ở thời kỳ Jena”; Lasson, XVIII a, tr. 202 (dẫn theo J.H).

[21]  Ám chỉ triết học Schelling. Hegel dùng lại một số luận điểm phê phán Schelling như ta đã thấy trong Lời Tựa.

[22] Xem lại Lời Tựa: §16 “... đêm tối trong đó mọi con bò đều là bò đen...”.

[23] Ám chỉ và phê phán “triết học đồng nhất” của Schelling (1775-1854); xem lại: Lời Tựa: §16 và mọi triết học về Tự nhiên sử dụng những sự quy định được vay mượn từ kinh nghiệm cảm tính.

[24] “Tính nội tại thuần túy” tương ứng với triết học của Fichte; “sự chìm đắm của Tự-ý thức vào trong Bản thể” tương ứng với triết học của Schelling. Ở đây, triết học Hegel muốn vượt lên trên cả hai bằng quan niệm của ông về “Khái niệm”. Tiểu đoạn §804 nhằm khẳng định quan niệm ấy.

[25] Ở đây, “sự hiện hữu” (Dasein) là tồn tại nhất định tạo nên một sự phân biệt hay dị biệt ở ngay trong Bản thể. Sự phân biệt này là “cho cái Tôi” trong chừng mực cái Tôi tự phản tư từ (tức ra khỏi) tính trực tiếp và tự thiết định nên một nội dung. Còn sự phân biệt này được thiết định ở trong Bản thể trong chừng mực Bản thể này là tính phủ định, tức là Chủ thể. Vậy, với sự xuất nhượng của cái Tôi, Hegel muốn vượt qua Fichte; và với tính phủ định của Bản thể, Hegel muốn vượt qua Schelling.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt