Nhận thức luận | Khoa học luận

Triết lý theo kiểu tự nhiên với tư cách là "Lý trí con người lành mạnh" và với tư cách là "thiên tài"

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

LỜI TỰA

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

 

18.

TRIẾT LÝ THEO KIỂU TỰ NHIÊN

VỚI TƯ CÁCH LÀ “LÝ TRÍ CON NGƯỜI LÀNH MẠNH”

VÀ VỚI TƯ CÁCH LÀ “ THIÊN TÀI”

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.


 

 

§ 68

Đối với triết học theo nghĩa đích thực của nó, ta thấy người ta không chút ngần ngại xem sự khải thị trực tiếp của thần linh và lý trí con người lành mạnh – vốn không cần chút nỗ lực hay đào luyện nào từ bất kỳ tri thức hay suy tưởng triết lý đích thực nào cả – là cái gì hoàn toàn có giá trị tương đương với cả tiến trình lâu dài của việc đào luyện tinh thần con người, một tiến trình vận động vừa sâu sắc vừa phong phú, nhờ đó Tinh thần con người mới đạt đến được Tri thức(147). | Chúng cũng được xem như là chế phẩm rất tốt có thể thay thế được cho triết học thực sự, tương tự như món “Chichorie”(148) được ca tụng là thay thế được cho cà-phê vậy. Thật không thích thú gì khi thấy rằng sự dốt nát và cả sự thô lậu không có hình thù lẫn ý vị gì cả của đầu óc, – vốn không đủ khả năng tập trung những ý tưởng của mình vào trong một mệnh đề trừu tượng, nói gì đến việc hiểu nổi một sự nối kết gồm nhiều mệnh đề như vậy – lại tự vỗ ngực cho rằng chính mình mới là sự tự do và bao dung của tư duy, và thậm chí, là của tính thiên tài. Như ai nấy đều biết, nếu “cảm hứng của thiên tài” là món thời thượng trước đây trong thi ca, thì nay lại ở trong triết học. | Nếu tính thiên tài này tạo ra được chút gì có ý nghĩa, thì, thay vì thi ca, nó đã đẻ ra một thứ văn xuôi tầm thường; còn nếu vượt ra cả thứ văn xuôi này, thì chỉ còn toàn là những lời nói điên rồ. Cũng thế, trong trường hợp triết học, việc triết lý theo lối tự nhiên tự nghĩ rằng có thể thay thế cho tư duy Khái niệm, và, bởi lẽ thiếu tư duy Khái niệm, nên tự xem mình là lối tư duy theo trực quan trực tiếp và xúc cảm thi ca, mang ra chào bán những món pha trộn tùy tiện của trí tưởng tượng – nhưng càng bị hỗn loạn bởi tư duy chen vào –, tức mớ sản phẩm hổ lốn cá không ra cá, thịt không ra thịt, thơ không ra thơ, triết không ra triết.

         

§ 69

Ngược lại, nếu cứ tiếp tục ru mình trên chiếc giường êm ái của “lý trí con người lành mạnh”, thì lối triết lý kiểu tự nhiên ấy sẽ mang lại một vựng tập gồm toàn những “chân lý” ngô nghê, như là cái tối hảo. Nếu bị chê trách vì tính ngô nghê, vặt vãnh ấy, ắt phương cách ấy sẽ cam đoan rằng ý nghĩa sâu xa và phong phú của chúng là nằm sẵn trong đáy sâu con tim của nó và bất kỳ ai cũng phải có giống như nó vậy. | Bởi, với những cách nói như “sự ngây thơ vô tội của con tim”, “sự thuần khiết của lương tâm” và những thứ cùng loại, nó nghĩ rằng đã diễn đạt được cái gì rốt ráo, tối hậu, không ai có thể phản đối và cũng không cần đòi hỏi thêm điều gì khác nữa. Nhưng, tất cả vấn đề là ở chỗ cái “tối hảo” không được cứ dấu kín mãi ở “bên trong”, mà phải giúp lôi nó từ cái hầm sâu hoắm ấy ra ánh sáng ban ngày. Ngay từ đầu, người ta đã khéo tránh công việc vất vả này bằng cách bảo rằng những chân lý tối hậu ấy từ lâu đã có thể tìm thấy trong các “sách vấn đáp về đạo lý” (Katechismus), trong những phương ngôn ngạn ngữ của dân gian v.v.. Thật không khó gì để nắm bắt những chân lý ấy trong tính bất định hay méo mó của chúng, và trong nhiều trường hợp, để chỉ ra rằng ngay tâm trí vốn tin tưởng vào chúng cũng biết đến những chân lý trái ngược lại hẳn với chúng. Để thoát ra khỏi trạng thái lúng túng, rối rắm này, tâm trí lại rơi vào sự lúng túng mới, và có lẽ cuối cùng đành lớn tiếng khẳng định rằng tất cả vấn đề đã giải quyết xong, chân lý là “như thế, như thế...”, còn bất kỳ điều gì khác chỉ là “ngụy biện” – một khẩu hiệu thường được “lý trí lành mạnh của con người” sử dụng để chống lại lý tính phê phán, giống như từ: “mơ mộng chuyện trên trời” đã bị sự dốt nát đem gán vĩnh viễn cho toàn bộ đặc trưng của triết học.

Một khi những kẻ theo “lý trí lành mạnh” chỉ biết dựa vào tình cảm của mình, dựa vào lời “sấm ngôn” từ trong đáy lòng của riêng mình, những người ấy xem như đã “xử lý” gọn ghẽ đối với những ai không nhất trí với họ; họ ắt sẽ tuyên bố rằng không còn gì để nói nữa cả với những ai không nhận thức và cảm xúc giống như họ, nói khác đi, họ đã chà đạp lên chính gốc rễ của tính nhân văn (Humanität). Bởi bản chất của tính nhân văn là ở chỗ thúc đẩy sự đồng thuận với người khác; và sự tồn tại của nó chỉ có thể có ở trong sự hiện thực hóa tính cộng đồng của đời sống ý thức. Còn cái phản nhân tính, cái thân phận súc sinh là ở chỗ cứ đứng yên trong lãnh vực cảm xúc đơn thuần và chỉ có thể tương giao với nhau thông qua cảm xúc này mà thôi(149).

         

§ 70

Nếu có ai đó muốn hỏi về một con đường vương giả để đi đến Khoa học, ắt không có con đường nào êm ái, dễ dàng hơn để chỉ cho họ ngoài việc khuyên họ hãy cứ yên tâm dựa vào “lý trí con người lành mạnh”. | Và ngoài ra, để tiến kịp với thời đại và tăng tiến về triết học, họ hãy cứ đọc các bài điểm sách về các tác phẩm triết học, thậm chí chịu khó đọc cả những “Lời Tựa” và đôi đoạn đầu tiên của bản thân các tác phẩm ấy, bởi chúng chứa đựng những nguyên lý khái quát mà toàn bộ nội dung đều xoay quanh, trong khi các bài điểm sách thì bên cạnh một số ghi chú có tính lịch sử còn có thêm phần “đánh giá” nữa, nhưng vì là “đánh giá” nên đã vượt ra khỏi những gì “bị đánh giá”! Người ta có thể mặc áo quần xoàng xĩnh thường ngày để đi trên con đường dân dã này. | Nhưng, xúc cảm cao cả về cái Vĩnh cửu, cái Thiêng liêng, cái Vô tận thì lại đi trên đại lộ của chân lý trong lớp áo lễ phục trịnh trọng của bậc đại giáo sĩ, đại lộ mà ngay từ đầu đã ở ngay nơi trung tâm điểm, là cảm hứng thiên tài về những ý niệm sâu xa, độc đáo và những tia chớp trí tuệ cao vời. Thế nhưng, chỉ có điều, nếu như những chỗ sâu xa ấy đều chưa khai mở được nguồn suối đích thực của Bản chất, thì những cối hỏa tiễn này cũng chưa phải là bản thân “cõi thượng thiên” (Empyreum). Những tư tưởng đúng thật và sự thức nhận (Einsicht) khoa học chỉ có thể đạt được ở trong lao động của Khái niệm mà thôi. Chỉ có Khái niệm mới có thể tạo ra (hervorbringen) tính phổ biến của Tri thức. | Tính phổ biến này là Tri thức hoàn chỉnh, đã trải qua tiến trình phát triển và đào luyện (gebildet) chứ không phải tính bất định thông thường và tính nghèo nàn của lý trí con người bình thường. | Nó cũng không phải là loại tính phổ biến đặc dị (ungemein)(150), là nơi mà những năng lực và tiềm lực của lý tính bị làm đồi hoại bởi tính lười nhác và lòng tự cao tự đại của “thiên tài”. | Trái lại, nó là Chân lý được nẩy nở và đạt đến được hình thức bản nguyên (einheimisch) của nó. | Nó là Chân lý [hay tính Phổ biến] có khả năng trở thành sở hữu chung của mọi lý tính tự giác.

 



(147) Ám chỉ phong trào “Bão táp và Xung kích” (“Sturm und Drang”) (dẫn theo J. H).

(148) “Chichorie”: loại rễ rau diếp xoăn được sao và xay ra để trộn với cà-phê hoặc thay cho cà-phê.

(149) Khẳng định mạnh mẽ của Hegel chống lại “chủ nghĩa chủ quan” của phái “lãng mạn” phản-khai sáng trong triết học cho thấy ông kế thừa sâu sắc tinh thần phê phán và khai sáng của I. Kant. Hegel, về cơ bản, tán thành sự phân biệt giữa cảm năng và tư duy của Kant và xem Tư duy là đặc điểm riêng có của con người, phân biệt với thú vật, do đó ngôn ngữ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với triết học. Xem thêm: Bách khoa thư I, §20: “ngôn ngữ là thành tựu của tư duy, do đó không điều gì được nói ra trong ngôn ngữ mà không có tính phổ biến. Những gì tôi chỉ “cảm nghĩ” (meine) thì chỉ là “của tôi” (mein), thuộc về tôi như là một cá nhân đặc thù. | Nhưng nếu ngôn ngữ chỉ diễn đạt cái phổ biến thì tôi không thể nói ra được những gì tôi “cảm nghĩ” [bằng cảm xúc hay tình cảm]. Và, cái không thể nói ra (das Unsagbare), tình cảm, cảm giác không phải là cái tuyệt với nhất, cái đúng thật nhất mà là cái xoàng xĩnh nhất, cái không đúng thật nhất”. (Xem: Chú thích 150).

(150) “ungemein”: đặc dị, bên ngoài khả năng nhận thức của lý tính. Các nhận định rất mạnh mẽ của Hegel trong các tiểu đoạn §§68-70 cho thấy việc phê phán quen thuộc về tính “thần bí” của triết học Hegel không thể tiến hành một cách hời hợt. Với Kant và Hegel, triết học không phải là việc của “thiên tài” (như quan niệm của Schelling, Schopenhauer…), vì, theo Hegel, cái tưởng là “thiên tài” siêu tuyệt về điều “bất khả tư nghị” thực chất là đồng nhất với cái “phản-nhân tính” của xúc cảm đơn thuần nơi thú vật (xem: Bách khoa thư I, §2). (Xem: Chú thích 149).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt