Nhận thức luận | Khoa học luận

Tư duy "lý sự" trong thái độ phủ định [tiêu cực] của nó

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

LỜI TỰA

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

 

16.

TƯ DUY “LÝ SỰ” TRONG THÁI ĐỘ PHỦ ĐỊNH [TIÊU CỰC]

CỦA NÓ

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.


 

 

§ 59

Trong phương cách tư duy “lý sự” [suông], cần chú ý đặc biệt hơn nữa đến hai phương diện của nó, đối lập lại với Tư duy bằng Khái niệm (das begreifende Denken). Trước hết, phương cách ấy có thái độ phủ định đối với nội dung được lãnh hội, biết cách phản bác và thủ tiêu nó. Thấy rằng: “nó [nội dung] không phải như thế được”, thì nhận thức ấy chỉ đơn thuần là tiến trình phủ định; đó là điểm dừng tối hậu, không đi ra khỏi được chính mình để đến với một nội dung mới; và, để có lại được một nội dung, nó vay mượn một cái khác ở đâu đó [để rồi lại tiếp tục phủ định]. Đó là sự phản tư vào trong cái Tôi trống rỗng, vào trong sự hư huyễn(134) của chính cái biết của mình. Tuy nhiên, sự hư huyễn này không chỉ thể hiện rằng nội dung là hư huyễn, [trống rỗng], mà cả bản thân cách xem xét này cũng hư huyễn, bởi nó là sự phủ định và không hề nhận ra yếu tố khẳng định nào trong nó cả. Do sự phản tư này không có được bản thân tính phủ định làm nội dung, nên nó không hề ở bên trong Sự việc, mà lúc nào cũng ở bên ngoài Sự việc. | Do đó, nó tưởng tượng rằng: với việc khẳng định cái trống rỗng, nó bao giờ cũng đi xa hơn so với một sự thức nhận (Einsicht) phong phú về nội dung. Ngược lại, như mới đây đã chỉ ra, trong Tư duy bằng Khái niệm, cái phủ định thuộc về bản thân nội dung; không những như là vận động và sự quy định nội tại (immanent) của nội dung, mà – với tư cách là cái Toàn bộ của chúng [của tất cả sự vận động và quy định nội tại] – còn là cái khẳng định (das Positive). Được lãnh hội như là kết quả, cái phủ định thoát thai từ tiến trình vận động này là cái phủ định nhất định (das bestimmte Negative), và, do đó, cũng đồng thời là một nội dung khẳng định(135).

 

 



(134) Eitelkeit: có hai nghĩa gần nhau: sự huênh hoang tự phụ và sự hư huyễn rỗng tuếch. Ở đây, chúng tôi hiểu theo nghĩa sau.

(135) Loại tư duy này – giống như thuyết hoài nghi – không biết ý nghĩa đích thực của sự phủ định. Khi quay về trong cái Tôi, - hay như Schelling trong cái A = A -, nó cô lập tính phủ định với nội dung; nó không thấy rằng việc phủ định một nội dung là khẳng định một nội dung khác, bảo lưu cái gì là đúng trong nội dung trước. Do đó, tính phủ định là “linh hồn” của nội dung nhưng là một “linh hồn nội tại”, ở bên trong bản thân nội dung.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt