Nhận thức luận | Khoa học luận

... và nâng tư tưởng lên thành Khái niệm (Begriff)

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

LỜI TỰA

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

 

10

… VÀ NÂNG TƯ TƯỞNG LÊN THÀNH KHÁI NIỆM (BEGRIFF)

         

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.


 
 
 

§ 33

Tiến trình làm cho cái được hình dung thành biểu tượng (das Vorgestellte) trở thành sở hữu của Tự-ý thức thuần túy, tức tiến trình nâng biểu tượng lên cấp độ của tính phổ biến nói chung cũng chỉ mới là Một phương diện (Eine Seite) của sự đào luyện tinh thần, chứ chưa phải là hoàn tất. Phương cách nghiên cứu của thời cổ đại có điểm khác với thời hiện đại ở chỗ: thời cổ đại tập trung đào luyện và hoàn thiện ý thức tự nhiên. Thử nghiệm sự hiện hữu của mình bằng một cách đặc thù trong mọi bộ phận của nó, triết lý về tất cả những gì mình gặp được, cá nhân đã tạo dựng mình thành một tính phổ biến được thiết lập trọn vẹn, xuyên suốt(86). Còn trong thời hiện đại, cá nhân tìm thấy hình thức trừu tượng ấy như cái gì đã được chuẩn bị sẵn. | Trong nỗ lực để nắm bắt hình thức ấy và biến nó thành của mình, người thời nay tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy cái Bên trong ra bên ngoài (hervortreiben) một cách không được trung giới, cắt đứt việc sản sinh ra cái phổ biến hơn là làm cho cái phổ biến được ra đời từ cái cụ thể và tính đa tạp của hiện hữu. Do đó, hiện nay, công việc [trước mắt] không còn nằm ở chỗ “tẩy sạch” cá nhân khỏi phương cách cảm tính trực tiếp, và biến cá nhân thành một bản thể biết tư duy và được nắm bắt bằng tư tưởng, cho bằng làm công việc ngược hẳn lại: đó là, hiện thực hóa cái phổ biến, và mang lại tính tinh thần cho cái phổ biến [làm sinh động hóa cái phổ biến] (begeisten) bằng cách thủ tiêu và vượt bỏ (Aufheben) những tư tưởng bị quy định cứng nhắc. Nhưng, việc làm cho những tư tưởng được xác định cứng nhắc, cố định đi vào sự trôi chảy mềm dẻo (in Flüssigkeit bringen) là khó khăn hơn nhiều so với việc làm trôi chảy sự hiện hữu cảm tính. Lý do nằm ở điều đã nói trên đây. | Những quy định tư duy có được bản thể và môi trường [hay chất liệu] cho sự hiện hữu của mình là từ cái Tôi, từ quyền lực của cái phủ định hay, từ hiện thực thuần túy; trong khi những quy định cảm tính có được những điều ấy trong tính trực tiếp trừu tượng, bất lực, hay, trong sự tồn tại, xét như sự tồn tại [đơn thuần]. Những tư tưởng [chỉ] trở thành trôi chảy, mềm dẻo  (flüssig) khi việc tư duy thuần túy – tức tính trực tiếp nội tại này – nhận ra mình như là mô-men (Moment), hay, khi sự xác tín thuần túy về chính mình được “tước bỏ” [hay được “trừu tượng hóa”] (abstrahiert) khỏi chính mình. | “Tước bỏ” không theo nghĩa là “vứt bỏ”, là “gạt bỏ”, mà là từ bỏ (aufgibt) cái cố định cứng nhắc (das Fixe) của việc tự-thiết định chính mình (Sichselbstsetzen): không những sự cứng nhắc của cái cụ thể thuần túy – tức của bản thân cái Tôi trong sự đối lập lại với nội dung khác biệt, mà cả sự cứng nhắc của tất cả những sự phân biệt [những chức năng khác nhau của tư duy, các nguyên tắc v.v..] có mặt ở bên trong môi trường của tư duy thuần túy và chia xẻ tính tuyệt đối [vô-điều kiện] của cái Tôi. Nhờ thông qua tiến trình này mà những tư tưởng thuần túy này trở thành những Khái niệm (Begriffe) và bấy giờ mới thực sự đúng như chúng trong sự thật, đó là những [chức năng] tự-vận động, những vòng tròn mà bản thể của chúng là những tính bản chất Tinh thần (geistige Wesenheiten) [những “thể tính Tinh thần”](87).

 

§ 34

 

Sự vận động này của những thể tính thuần túy tạo nên bản tính tự nhiên (Natur) của tính khoa học nói chung. Xét về sự nối kết của nội dung của chúng, sự vận động này là sự [phát triển] tất yếu và sự triển khai của nội dung ấy thành một toàn bộ hữu cơ [có hệ thống]. Chính nhờ sự vận động này mà bản thân con đường dẫn đến Khái niệm về Tri thức cũng trở thành một tiến trình “trở thành” [tiến hóa] tất yếu và trọn vẹn, khiến cho giai đoạn chuẩn bị này ngưng không còn là việc “triết lý” một cách bất tất, tức gắn kết với những đối tượng này khác, với những mối quan hệ và ý tưởng của loại ý thức chưa được hoàn thiện như tính bất tất vốn mang theo mình nó, đồng thời cũng không còn tìm cách đặt cơ sở cho cái đúng thật bằng kiểu cứ tới lui mãi trong một diễn trình lý sự, suy luận và diễn dịch xuất phát từ những tư tưởng bị quy định [cứng nhắc]. | Trái lại, thông qua sự vận động của Khái niệm, con đường này sẽ bao trùm toàn bộ tính thế giới [khách quan] (die vollstän-dige Weltlichkeit) của đời sống ý thức trong sự tất yếu [hợp lý tính] của nó(88).

 

§ 35

Vả lại, sở dĩ một sự trình bày như thế hình thành nên phần thứ nhất của Khoa học là bởi vì: sự hiện hữu của Tinh thần, – với tư cách là sự hiện hữu đầu tiên, [lần đầu xuất hiện] – không gì khác hơn là phương diện trực tiếp của Tinh thần, hay là cái khởi đầu; nhưng cái khởi đầu thì chưa phải là sự quay trở lại của nó vào trong chính mình. Cho nên, đặc điểm để phân biệt phần đầu này của Khoa học [Hiện tượng học Tinh thần] với các phần khác(89), chính là môi trường (Element) của sự hiện hữu trực tiếp. Việc nêu bật chỗ dị biệt này dẫn ta đến sự cần thiết phải khảo sát một số tư tưởng cứng nhắc vốn thường xuất hiện ra ở đây.

 

§ 36

Hiện hữu trực tiếp của Tinh thần – tức Ý thức – có hai mô-men [hai phương diện] (Momente): yếu tố cái biết và yếu tố tính đối tượng [khách quan] đối lập hay phủ định lại với cái biết [với chủ thể nhận thức](90). Vì lẽ Tinh thần tự phát triển và phơi bày những yếu tố của mình ở trong môi trường của ý thức, nên sự đối lập này có mặt trong từng mỗi yếu tố ấy và tất cả chúng đều xuất hiện ra như là những Hình thái (Gestalten) của Ý thức(91). Khoa học về con đường [phát triển] này là khoa học về KINH NGHIỆM mà Ý thức trải qua; Bản thể xét như là bản thể và tiến trình vận động của nó được xem xét như là đối tượng của ý thức. Ý thức không biết và không hiểu điều gì khác ngoài những gì nằm trong kinh nghiệm của nó, bởi cái gì được tìm thấy ở trong kinh nghiệm chỉ đơn thuần là “Bản thể Tinh thần”, tức, như là đối tượng của Tự ngã của Bản thể này. Tuy nhiên, sở dĩ Tinh thần trở thành đối tượng, vì Tinh thần là tiến trình vận động này để trở thành một cái khác cho chính nó, nghĩa là thành một đối tượng của Tự ngã của chính nóđồng thời là tiến trình vượt bỏ (Aufheben) cái tồn tại-khác này. Và kinh nghiệm được mệnh danh là chính tiến trình vận động này, tức tiến trình trong đó cái trực tiếp, cái chưa-được-kinh nghiệm, nghĩa là cái trừu tượng – dù trong hình thức của tồn tại cảm tính hay của cái đơn giản chỉ được suy tưởng – tự tha hóa chính mình (sich entfremdet) [tự tách rời ra khỏi mình để trở thành xa lạ với chính mình], rồi quay trở lại với chính mình từ tình trạng bị tha hóa ấy; và do đó, bây giờ mới được trình bày trong tính hiện thực và tính đúng thực [tính chân lý] của nó như là [vật] sở hữu của ý thức.

 

§ 37

Sự không-ngang bằng xảy ra ở bên trong Ý thức giữa một bên là cái Tôi và bên kia là Bản thể – là đối tượng của cái Tôi – là sự dị biệt [bên trong] giữa chúng, là cái phủ định nói chung. Cái phủ định có thể được xem như là sự khiếm khuyết của cả hai cái đối lập, nhưng [thực ra] nó chính là “linh hồn” của chúng, hay là cái làm cho chúng vận động (das Bewegende). | Chính đó là lý do khiến cho một số nhà tư tưởng cổ đại đã hiểu cái trống rỗng (das Leere: cái không) như là cái tạo ra vận động (das Bewegende), khi họ quan niệm nguyên tắc vận động là cái phủ định, tuy thế, họ vẫn chưa hiểu nó như cái Tự ngã(92).

Trong khi yếu tố phủ định thoạt đầu xuất hiện ra như là sự không ngang bằng giữa cái Tôi và đối tượng, thì cái phủ định này cũng đồng thời là sự không ngang bằng của Bản thể với chính bản thân nó(93). Điều gì có vẻ như diễn ra bên ngoài Bản thể như một hành động đối lập lại với nó thì chính là việc làm của chính Bản thể; và Bản thể cho thấy chính nó, trong thực tế, về bản chất, là Chủ thể. Khi Bản thể thể hiện điều này một cách trọn vẹn (vollkommen) thì Tinh thần đã làm cho sự hiện hữu (Dasein) của mình ngang bằng [đồng nhất] với bản chất (Wesen) của mình. | Bấy giờ, Tinh thần là đối tượng cho chính mình cũng như chính mình đang ; và yếu tố trừu tượng của tính trực tiếp cũng như của sự phân cắt giữa cái biết và Chân lý đã được khắc phục.

Sự tồn tại (das Sein) là cái trung giới một cách tuyệt đối [một cách hoàn toàn]: nó là nội dung mang tính bản thể; nội dung ấy đồng thời là sở hữu của cái Tôi một cách trực tiếp, mang tính cách của Tự ngã (selbstisch) hay, là Khái niệm. Hiện Tượng học Tinh thần khép lại (sich beschließt) khi đạt tới được điều này. Những gì Tinh thần chuẩn bị cho mình trong tiến trình của Hiện tượng học là môi trường [hay chất liệu] của Tri thức [đích thực]. Trong môi trường [mới] này, những yếu tố của [bản thân] Tinh thần bây giờ triển khai ra trong hình thức của tính đơn giản, tức hình thức nhận biết đối tượng của mình như là chính mình. Những yếu tố ấy không còn phân hoá thành sự đối lập giữa Tồn tại và cái biết, trái lại, ở yên trong tính đơn giản [không bị phân cắt] của cái biết, là cái Đúng thật (das Wahre) ở trong hình thức của cái Đúng thật, và sự khác biệt của chúng chỉ là sự khác biệt về nội dung mà thôi. Tiến trình qua đó chúng được phát triển trong môi trường (Element) này [môi trường Tri thức đích thực] thành một toàn bộ có tổ chức chính là môn [Khoa học] Lô-gíc hay, Triết học tư biện (spekulative Philosophie)(94).



(86) ám chỉ Socrate.

(87) Từ thời cổ đại, tiến trình chủ yếu của Tinh thần là nâng tính đa tạp của cái cụ thể lên thành tính phổ biến. Nhiệm vụ bây giờ là làm công việc ngược lại (và khó khăn hơn!): đưa những tư tưởng đã trở thành cứng nhắc ấy “vào trong tính trôi chảy, mềm dẻo” để biến chúng thành “những Khái niệm” (theo nghĩa của Hegel về “Khái niệm”). Đó chính là những “tính bản chất Tinh thần” hay những “thể tính Tinh thần”, tức những phạm trù, những quy định của Khoa học Lô-gíc. Rồi ngay trong Khoa học Lô-gíc, Hegel cũng bắt đầu từ những Khái niệm thuần túy nhất, trừu tượng nhất (Tồn tại, Hư vô…) để, trong tiến trình tiến lên, làm cho cái Toàn bộ cụ thể của “Logos” có thể xuất hiện, còn chúng chỉ là những mô-men (Moment) trừu tượng” mà thôi.

(88) “… bao trùm toàn bộ “tính thế giới” của ý thức trong sự tất yếu của nó”: Việc nâng ý thức lên thành khoa học – chủ đề của quyển Hiện tượng học – không phải là cái gì bất tất, tùy tiện mà là tiến trình “trở thành” tất yếu của bản thân khái niệm “tri thức” (hay “cái biết”) đi đến với chính mình ở trong toàn bộ quan hệ với thế giới khách quan. “Hiện tượng học” khác với “Khoa học Lô-gíc” ở chỗ nó đứng trên bình diện “ý thức” và “tính thế giới” (Weltlichkeit), trong khi Khoa học Lô-gíc đã để lại sau lưng sự đối lập giữa ý thức và đối tượng nói chung. Do đó, ở §36, Hegel sẽ gọi “Hiện tượng học” là “Khoa học về kinh nghiệm mà ý thức trải qua”. Kinh nghiệm ấy (của ý thức trong toàn bộ quan hệ với thế giới) là thiết yếu cho việc thấu hiểu được bản thân tồn tại: nó không thể bị loại bỏ mà được “vượt bỏ”, tức được bảo lưu và nâng cao. Một thuyết giáo điều cứng nhắc chỉ dựa trên một nguyên tắc trừu tượng, không thoát thai từ “kinh nghiệm của ý thức” không phải là “chân lý triết học”.

(89) Hegel muốn nói đến sự dị biệt giữa “Hiện tượng học” như phần đầu của Khoa học và Khoa học Lô-gíc như đã nói ở chú thích 88.

(90) Hai yếu tố: cái biết và đối tượng của cái biết tạo nên kinh nghiệm nền tảng của Hiện tượng học. Ý thức luôn có kinh nghiệm “phủ định” về cái tồn tại-khác của đối tượng, hay về sự không ngang bằng giữa cái Tôi và những biểu tượng của cái Tôi về đối tượng, từ đó thúc đẩy ý thức đi từ cấp độ này lên cấp độ khác cao hơn. Chính sự “sai biệt”, “không ngang bằng”, “thiếu sót”, “phủ định” là “linh hồn”, là “cái thúc đẩy sự vận động” trong con đường đi lên của nhận thức và của ý thức để khắc phục sự không ngang bằng ấy. Cho nên “Khoa học về con đường này là Khoa học về kinh nghiệm mà ý thức trải qua” (đó cũng là nhan đề nguyên thủy của quyển “Hiện tượng học”: “Khoa học về kinh nghiệm của ý thức”).

(91) “Những hình thái của Ý thức”: những cấp độ phát triển của ý thức như là các “Momente” (mô-men, thời đoạn) của sự phát triển của Tinh thần. Ý thức, với tư cách là ý thức, nói chung, là cái biết về một đối tượng, hoặc ở bên ngoài hoặc ở bên trong ta. Theo nghĩa rộng, ý thức có ba cấp độ với nhiều hình thái khác nhau, tùy theo bản tính của đối tượng của nó, đó là: đối tượng ở bên ngoài (“Ý thức” [về đối tượng]); đối tượng là bản thân cái Tôi (“Tự-ý thức”: biết về cái mình biết) và sau cùng là cái gì khách quan nhưng thuộc về cái Tôi (Lý tính: thế giới như là tư tưởng). Trong thuật ngữ Hegel, hình thái (Gestalt) khác với hình thức (Form). Hình thái không phải là một hình thức trừu tượng có thể được chia sẻ chung với nhiều sự vật khác mà là hình thức của cái gì cá biệt. Do đó, khác với hình thức, hình thái thường không hàm ý đối lập lại với “nội dung” (Inhalt) hay “chất liệu” (Stoff). Những sự vật có hình thái (vd: cây cối, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật...) phải được hiểu như là những nhất thể hữu cơ, chỉ có thể được lãnh hội như cái toàn bộ chứ không tách rời thành những bộ phận. (Xem: Chú giải dẫn nhập: 2.2.2).

(92) “Một số nhà tư tưởng cổ đại”…: Hegel mượn ý tưởng của các nhà “nguyên tử luận” cổ đại (Leukipp, Democrite…) để làm rõ ý tưởng của mình: các nhà này xem cái Trống rỗng như là điều kiện của sự vận động, như là cái trong đó mọi vận động đều có thể diễn ra. Trong “Các bài giảng về lịch sử triết học”, Hegel viết: “Nguyên tắc qua đó những nguyên tử vận động là cái Trống rỗng, là cái phủ định đối lập lại cái khẳng định”. Nhưng, như Hegel nhận xét, cái Trống rỗng này chỉ được hiểu là cái phủ định, chưa phải là “Tự ngã” (das Selbst), nghĩa là, còn thiếu mối quan hệ trở lại có tính nội tại trong quan hệ của cái phủ định (cái Trống rỗng) với cái khẳng định.

(93) “Sự không ngang bằng của Bản thể với chính bản thân nó”: không chỉ là sự “không ngang bằng” của cái Tôi với đối tượng mà là sự dị biệt hóa của “bản thân Sự việc” xuất hiện ra trong cái biết. Bản thể tự cho thấy là “Chủ thể” tự phát triển trong những sự dị biệt và đối lập. Sự không ngang bằng giữa cái Tôi và Bản thể là biểu hiện ra bên ngoài, còn trong thực tế, là một sự không ngang bằng của Bản thể với chính nó, vì thế Bản thể là Chủ thể.

(94) Khi Hegel viết Lời Tựa này (sau khi hoàn tất quyển Hiện tượng học), ông nghĩ đến quyển Khoa học Lô-gíc (xuất bản lần đầu 1812/1816) mà Hiện tượng học là sự chuẩn bị. Trong lô-gíc học, những yếu tố (những phạm trù lô-gíc) không còn xuất hiện trong sự đối lập giữa tồn tại và cái biết, giữa sự thật (chân lý) và sự xác tín (chủ quan). Sự khác biệt (Verschiedenheit) giữa chúng chỉ là sự khác biệt về nội dung (vd: tồn tại, không-tồn tại, trở thành v.v…), tức là những hình thức vĩnh cửu của lý tính tuyệt đối ở trong Lô-gíc học siêu hình học với tư cách là Bản thể học. Về chữ “tư biện” (spekulativ), xem chú thích 132 cho §56.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt