Nhận thức luận | Khoa học luận

... và trong thái độ khẳng định của nó; [với tư cách là] chủ thể

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

LỜI TỰA

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

 

17

… VÀ TRONG THÁI ĐỘ KHẲNG ĐỊNH CỦA NÓ;

[VỚI TƯ CÁCH LÀ] CHỦ THỂ

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.


 

 

§ 60

Tuy nhiên, nếu xét lối tư duy [lý sự] ấy có một nội dung – dù nội dung ấy gồm những biểu tượng [hình tượng] hay tư tưởng hoặc một sự trộn lẫn của cả hai –, ta thấy có một phương diện khác làm cho nó khó tiếp thu lối tư duy bằng Khái niệm. Bản tính đáng chú ý của phương diện này gắn liền chặt chẽ với bản chất của Ý niệm nói trên đây [mục 16]; hay đúng hơn, thể hiện ý niệm ấy khi nó xuất hiện ra như sự vận động với tư cách là sự lãnh hội bằng tư duy [lý sự] (denkendes Auffassen). Thật vậy, trong thái độ phủ định của nó như đã trình bày, bản thân lối tư duy “lý sự” không gì khác hơn là Tự ngã, trong đó nội dung quay trở về; trong khi ở mặt ngược lại cũng thế, tức trong tiến trình nhận thức khẳng định của nó, Tự ngã [cái Tôi] là một chủ thể được hình dung bằng biểu tượng (ein vorgestelltes Subjekt), còn nội dung thì quan hệ với chủ thể ấy như là tùy thể  (Akzidenz) và thuộc tính (Prädikat). Chủ thể như thế tạo nên cái cơ sở để nơi đó nội dung được gắn kết vào và trên đó, tiến trình vận động diễn ra qua lại(136). Tư duy bằng Khái niệm thì lại vận hành một cách hoàn toàn khác. Bởi Khái niệm là Tự ngã riêng của chính đối tượng, tự thể hiện chính mình như là sự “trở thành” của đối tượng, nên cái Tự ngã này không phải là một chủ thể đứng yên, mang những tùy thể một cách bất động, trái lại, là Khái niệm tự-vận động và thu hồi những quy định của mình vào lại trong chính mình [biến những quy định thành những quy định của chính mình]. Trong suốt tiến trình vận động này, bản thân cái chủ thể đứng yên, [thụ động] này thực sự tiêu vong; nó đi vào [thâm nhập vào] trong những sự phân biệt (Unterschiede) [những bộ phận cấu thành khác nhau] và trong nội dung; và thật ra, tạo nên tính quy định riêng, nghĩa là, tạo nên nội dung đã được phân biệt cùng với sự vận động của nội dung ấy, thay vì cứ đứng yên như là cái đối lập lại với tính quy định của nội dung. Như thế, cái cơ sở vững chắc – mà tư duy “lý sự” có được nơi cái chủ thể đứng yên – bị lung lay tận gốc rễ, và chỉ có bản thân sự vận động này mới trở thành đối tượng. Cái chủ thể – mang lại sự lấp đầy cụ thể cho nội dung của nó – không còn là cái gì đi ra bên ngoài nội dung và cũng không thể có thêm những thuộc tính hay tùy thể nào khác(137). Ngược lại, tính đa tạp phân tán của nội dung cũng qua đó được nối kết lại dưới sự kiểm soát của Tự ngã; nội dung không phải là cái phổ biến có thể được tách rời khỏi chủ thể và thuộc về nhiều chủ thể khác. Do vậy, trong thực tế, nội dung không còn là thuộc tính của chủ thể, mà chính là Bản thể, là Bản chấtKhái niệm của cái đang được bàn ở đây. Như thế, lối tư duy biểu tượng (Vorstellen), – bởi bản tính của nó là làm việc với những tùy thể hay thuộc tính, và có quyền đi ra khỏi chúng, vì chúng không gì khác hơn chỉ là những tùy thể và thuộc tính – bị kìm hãm lại trong tiến trình của nó, một khi, trong mệnh đề, cái [chỉ] mang hình thức của một thuộc tính, lại chính là bản thân “Bản thể”. Có thể hình dung, lối tư duy ấy phải đương đầu với một “phản lực” (Gegenstoss). Xuất phát từ chủ thể như thể chủ thể này là nền tảng vững chắc, thì, khi thuộc tính thực ra là Bản thể, ắt lối tư duy ấy nhận ra rằng chủ thể ấy đã chuyển hóa vào trong thuộc tính và do đó, bị vượt bỏ (aufgehoben); và khi cái tưởng chỉ là thuộc tính lại đã trở thành cái “khối lượng” toàn bộ và tự tồn độc lập, lối Tư duy ấy không còn có thể tự do vận hành một cách lầm lạc như trước nữa, mà bị “chận đứng” [kềm hãm] bởi “sức nặng” này.

Thông thường, trước hết, chủ thể được thiết định làm nền tảng như là Tự ngã khách quancố định; rồi từ chỗ đứng cố định này, sự vận động tất yếu tiếp tục đi vào tính đa tạp của những quy định hay những thuộc tính. | Vào thời điểm ấy, cái Tôi-nhận thức thay chỗ cho chủ thể [mang tính đối tượng khách quan] ấy, thực hiện chức năng là sợi dây nối kết những thuộc tính với chủ thể, như là với chỗ dựa của chúng. Song, vì lẽ cái chủ thể thứ nhất [chủ thể của đối tượng] nay đã đi vào trong bản thân những quy định của chính nó và là “linh hồn” của những quy định ấy, nên cái chủ thể thứ hai – tức chủ thể-nhận thức – thấy rằng chủ thể trước – vốn được giả định như đã giải quyết xong, có thể đi ra khỏi nó để trở về lại trong chính mình – vẫn còn có mặt ở trong thuộc tính; và, thay vì có thể tiếp tục giữ vai trò như trước đây là tác nhân trong tiến trình vận động của thuộc tính – tức: với chức năng “lý sự”, nó có thể quyết định thuộc tính nào được gán cho chủ thể thứ nhất [đối tượng], bây giờ chủ thể-nhận thức [chủ thể thứ hai] mới thật sự phải làm việc với Tự ngã của nội dung, không còn được phép là cái gì “cho-mình” [một cách độc lập, tách rời] được nữa, mà phải tồn tại cùng với (zusammensein) Tự ngã của nội dung này(138).

 

§ 61

Điều vừa nói trên đây có thể được diễn tả một cách hình thức (formell) như thế này: bản tính của phán đoán hay của mệnh đề nói chung vốn bao hàm sự phân biệt giữa chủ thể và thuộc tính ở bên trong nó đã bị MỆNH ĐỀ TƯ BIỆN (SPE-KULATIVER SATZ) phá hủy; và MỆNH ĐỀ ĐỒNG NHẤT (IDENTISCHER SATZ) – do mệnh đề thứ nhất [phân biệt chủ thể-thuộc tính] trên đây biến thành – chứa đựng cái “phản lực” (der Gegenstoß) để bác bỏ mối quan hệ trên đây giữa chủ thể và thuộc tính. Sự xung đột này giữa một bên là hình thức [phân biệt] của một mệnh đề [hay phán đoán] nói chung với bên kia là sự thống nhất của Khái niệm nhằm phá hủy hình thức ấy cũng tương tự như sự xung đột giữa nhịp phách (Metrum) và trọng âm (Akzente) trong tiết điệu (Rhythmus). Tiết điệu là kết quả của sự cân đối và sự hợp nhất hai cái ấy lại với nhau. Cũng thế, trong mệnh đề triết học [tư biện], sự đồng nhất của chủ thể và thuộc tính không nhằm triệt tiêu sự phân biệt của chúng như được diễn tả trong hình thức mệnh đề, trái lại, sự thống nhất của chúng ra đời như một sự hòa điệu [hay hòa âm] (Harmonie) [của những yếu tố ấy]. Hình thức của mệnh đề [phán đoán] là phương cách để ý nghĩa nhất định xuất hiện ra hay như là trọng âm phân biệt nội dung nó hàm chứa; trong khi đó, thuộc tính lại diễn tả Bản thể; và bản thân chủ thể rơi vào bên trong cái phổ biến, đó là sự thống nhất, trong đó trọng âm kia tiêu trầm đi(139).

 

§ 62

          Để làm sáng tỏ điều nói trên bằng vài ví dụ, ta thử lấy mệnh đề: “Thượng đế là sự Tồn tại” (Gott ist das Sein). | Thuộc tính là “sự tồn tại”: sự tồn tại có ý nghĩa bản thể, trong đó chủ thể “tan chảy” ra (zerfließt). Ở đây, “Tồn tại” không thể là thuộc tính, mà là bản chất, qua đó, “Thượng đế” dường như không còn tồn tại nữa theo nghĩa mà “Thượng đế” được quy định trong vị trí của mệnh đề, tức vị trí của một chủ thể cố định. Tư duy [sự phản tư thông thường], thay vì tiếp tục tiến lên phía trước trong việc đi từ chủ thể sang thuộc tính, cảm thấy hành động của mình bị chận đứng lại bởi chủ thể đã mất đi, và bị ném ngược trở lại với tư tưởng về chủ thể vì nó thấy mất đi chủ thể này. | Hay nói cách khác, vì lẽ bản thân thuộc tính nay được phát biểu ra như là một chủ thể, là tồn tại, là bản chất, tức cái gì tát cạn hết bản tính của chủ thể, nên tư duy lập tức nhận ra chủ thể cũng hiện diện ở trong thuộc tính; và bây giờ, thay vì đã đi vào trong chính mình ở trong thuộc tính để có được vị trí “tự do” [tùy tiện] của “lý sự”, nó được hấp thụ sâu vào trong nội dung, hay ít ra đã có mặt sự đòi hỏi phải được thâm nhập sâu vào trong đó.

          Tương tự như thế, khi ta bảo: “cái hiện thực là cái phổ biến”, thì, cái hiện thực, với tư cách là chủ thể, tiêu biến đi trong thuộc tính của nó. Cái phổ biến không thể chỉ có ý nghĩa của thuộc tính, khiến cho mệnh đề muốn nói rằng cái hiện thực là “có tính” phổ biến (sei allgemein), trái lại, cái phổ biến (das Allgemeine) phải diễn đạt ý nghĩa là bản chất của cái hiện thực. Do đó, tư duy mất đi cơ sở mang tính đối tượng khách quan vững chắc, cố định mà nó đã có ở trong chủ thể khi nó, ở trong thuộc tính, bị ném ngược trở lại về phía chủ thể; và trong thuộc tính này, không phải nó quay trở về lại trong chính nó nữa mà trong chủ thể của nội dung.

 

§ 63

Việc “chận đứng” [hay “kìm hãm”] khác thường này đối với tư duy thường là nguyên nhân chính gây ra nhiều than phiền về sự khó hiểu của các tác phẩm triết học, khi cá nhân đã có đủ các điều kiện đào tạo khác để hiểu được chúng. Từ những gì đã nói trên, ta thấy rõ lý do của việc trách cứ đối với các tác phẩm triết học, đó là nhiều phần phải được đọc đi đọc lại nhiều lần trước khi có thể hiểu được chúng, – một sự trách cứ chứa đựng ít nhiều tính cực đoan theo kiểu nếu đã có căn cứ thì không cho phép cãi lại được nữa. [Song] từ những gì đã trình bày, tình hình thực ra tự nó đã rõ ràng: Mệnh đề triết học, chính bởi nó mang hình thức của mệnh đề, nên gợi ngay cho tư duy thông thường [Meinung: tư kiến, thường kiến] thói quen nhìn vào mối quan hệ giữa chủ thể và thuộc tính cũng như phương thức quen thuộc trong việc nhận thức. Nhưng, chính nội dung triết học của mệnh đề phá hủy ngay phương thức tiến hành lẫn quan niệm thông thường về tiến trình ấy. | Quan niệm thông thường trải nghiệm rằng mệnh đề có ý nghĩa khác hơn là mình tưởng; và việc điều chỉnh quan niệm buộc nhận thức phải quay trở lại [một lần nữa] với mệnh đề và khi đó lại lãnh hội nó theo một cách khác.

 

§ 64

Ở đây có một điểm khó cần phải tránh. | Đó là trộn lẫn các phương pháp tiến hành của hai lối tư duy khác nhau: tư duy tư biện và tư duy “lý sự”; nghĩa là, điều phát biểu về chủ thể khi thì có ý nghĩa của Khái niệm về nó, nhưng khi thì chỉ có ý nghĩa là thuộc tính hay tùy thể của chủ thể ấy. Phương thức tư duy này làm rối phương thức tư duy kia; và, chỉ có một sự trình bày triết học mới có thể đạt đến chỗ “viên thành” (plastisch)(140), loại trừ một cách kiên quyết phương cách quan hệ thông thường giữa các bộ phận của một mệnh đề.

§ 65

Trong thực tế, lối tư duy không có tính tư biện cũng có lý lẽ về giá trị hiệu lực chính đáng của riêng mình, nhưng lại không được lưu ý đầy đủ ở trong phương thức của mệnh đề tư biện. Việc xóa bỏ hình thức của mệnh đề không được phép diễn ra chỉ theo cách trực tiếp tức chỉ thông qua nội dung đơn thuần của mệnh đề. Trái lại, tiến trình đối lập này [của tư duy tư biện] cũng phải được phát biểu ra [một cách minh nhiên]; tiến trình này không được phép chỉ là sự chận đứng [hay kìm hãm] nội tại, mà việc quay trở lại này của Khái niệm vào trong chính nó cũng phải được trình bày ra (dargestellt)(141). Tiến trình vận động này – tạo nên điều mà trước kia vốn là nhiệm vụ của việc “chứng minh” – chính là tiến trình vận động biện chứng của bản thân mệnh đề. Chỉ duy vận động biện chứng này mới là cái tư biện hiện thực (das wirkliche Spekulative); và chỉ có sự phát biểu [minh nhiên] về vận động ấy mới là một sự trình bày tư biện. Với tư cách là mệnh đề, cái tư biện chỉ đơn thuần là sự kìm hãm bên trong của tư duy, và là sự quay trở lại của bản chất vào trong chính nó nhưng vẫn còn thiếu sự hiện hữu (die nicht daseiende Rückkehr) [của bản chất này] [chưa diễn ra một cách minh nhiên]. Vì thế, ta thường thấy các công trình triết học hay hướng ta đến với “trực quan bên trong” này, để, qua đó, khỏi làm công việc mà chúng ta đòi hỏi là phải trình bày [có hệ thống] sự vận động biện chứng của mệnh đề. Vậy, mệnh đề phải diễn đạt được cái đúng thật là gì, song, cái đúng thật cốt yếu là Chủ thể, nên, với tư cách ấy, cái đúng thật chỉ có thể là vận động biện chứng, tức tiến trình tự tạo ra chính mình, tự dẫn mình đi tới (fortleitend) và quay trở về lại vào trong chính mình. Trong các lãnh vực nhận thức khác, chính việc “chứng minh” làm nhiệm vụ phát biểu [một cách minh nhiên] phương diện tính nội tại này ra. Nhưng từ khi phép biện chứng bị tách rời khỏi việc chứng minh, thì, trong thực tế, khái niệm về thao tác chứng minh theo kiểu triết học cũng bị mất luôn(142).

 

§ 66

Ở điểm này, có thể nhắc lại rằng: vận động biện chứng cũng lấy những mệnh đề làm những bộ phận (Teilen) hay những thành tố (Elementen) của mình. | Cho nên, điểm khó khăn đã nêu liên quan đến mệnh đề dường như lúc nào cũng quay trở lại và là một điểm khó khăn của bản thân Sự việc. Điều này tương tự như những gì vốn xảy ra trong tiến trình chứng minh thông thường về bất kỳ sự việc gì: bản thân những cơ sở (hay căn cứ) (Gründe) mà sự chứng minh sử dụng đến lượt chúng cũng lại đòi hỏi phải có cơ sở, và cứ như thế cho đến vô tận [ad infinitum]. Tuy nhiên, phương thức truy tìm các cơ sở và điều kiện như thế chỉ thuộc về loại chứng minh theo kiểu thông thường, khác [về chất] với vận động biện chứng, tức chỉ thuộc về tiến trình nhận thức ngoại tại. Còn đối với bản thân vận động biện chứng, thì môi trường [hay chất liệu] (das Element) của nó là Khái niệm thuần túy, do đó, nó có một nội dung xuyên suốt trong chính nó với tư cách là Chủ thể. Cho nên ở đây không hề xuất hiện loại nội dung có quan hệ với một chủ thể làm nền tảng và chỉ có được ý nghĩa cho mình là khi được nối kết với chủ thể ấy như là một thuộc tính. | Mệnh đề – như đang xuất hiện ra một cách trực tiếp – chỉ là một mô thức [hình thức] trống rỗng đơn thuần(143).

Không kể cái Tự ngã được trực quan hay được hình dung bằng biểu tượng một cách cảm tính, nó chủ yếu là tên gọi đơn thuần với tư cách là tên gọi, biểu thị cái chủ thể thuần túy [đơn giản], cái đơn vị Một trống rỗng, vô-khái niệm. Vì thế, có thể hữu ích, chẳng hạn, khi tránh dùng tên gọi: “Thượng đế”, bởi từ này đồng thời không phải là Khái niệm một cách trực tiếp, mà là danh hiệu riêng, là chỗ yên nghỉ cứng đờ của một chủ thể làm nền tảng, trong khi đó ngược lại, những từ như “tồn tại”, “cái Một”, “tính cá biệt”, “chủ thể” v.v.. lại biểu thị được các Khái niệm một cách trực tiếp(144). Vả lại, cho dù có phát biểu được các chân lý tư biện về chủ thể ấy [Thượng đế] thì nội dung của chúng vẫn thiếu Khái niệm nội tại, bởi nội dung ấy chỉ đơn thuần hiện diện trong hình thức của một chủ thể yên nghỉ [thụ động], và do vậy, các chân lý tư biện này rất dễ bị mang tính chất “nâng cao tâm hồn” đơn thuần. Cũng từ phương diện này, trở lực nảy sinh từ thói quen nắm bắt thuộc tính tư biện trong hình thức của mệnh đề thay vì như là Khái niệmbản chất sẽ có thể lớn hơn hay nhỏ đi là tùy thuộc vào trách nhiệm diễn đạt [chân lý] triết học như thế nào. Việc trình bày triết học – trung thành với sự thức nhận (Einsicht) về bản tính tự nhiên của cái Tư biện – phải giữ vững hình thức biện chứng và dứt khoát không dung nạp điều gì không được nhận thức bằng Khái niệm (begriffen) và không phải là bản thân Khái niệm (Begriff)(145).

 

§ 67

Cũng giống như trong phương thức tư duy “lý sự”, việc nghiên cứu triết học cũng gặp trở ngại nơi thái độ tự phụ không cần “lý sự”, tưởng rằng mình làm chủ được những chân lý vững chắc, nên “chủ nhân” của chúng thấy mình không cần thiết phải quay trở lại và tái thẩm xét, trái lại, lấy đó làm nền móng và tin rằng có thể phát biểu chúng ra được cũng như dựa vào chúng để tha hồ phát xét và quyết định(146). Về mặt này, thiết nghĩ thật bức thiết phải phục hồi trở lại thái độ làm việc thật sự nghiêm chỉnh đối với hành vi triết lý (philoso-phieren). Đối với mọi môn khoa học khác cũng như với các ngành nghệ thuật, công nghệ, thủ công, điều hiển nhiên là để làm chủ được chúng, cần thiết phải bỏ ra bao nỗ lực để học tập và rèn luyện. Ngược lại, đối với triết học, hiện nay xem ra đang có định kiến rằng: cho dù có đủ mắt và tay, có sẵn da và dụng cụ cũng không thể từ đó mà đóng giày được, nhưng triết lý thì ai cũng triết lý ngay được và biết cách phán đoán về triết học, bởi ai ai cũng có sẵn chuẩn mực ở nơi lý tính tự nhiên của mình, làm như thể họ không có chuẩn mực, ni tấc của chiếc giày ngay nơi bàn chân của họ! Làm như thể việc làm chủ triết học chính là ở chỗ thiếu tri thức và học tập, và làm như thể triết học chấm dứt khi cái biết và học tập bắt đầu! Triết học rất thường bị xem như một loại tri thức hình thức, thiếu hẳn nội dung thực chất, thế nhưng, những kẻ nghĩ như thế không nhận thức được rằng, xét cả về mặt nội dung, bất kỳ tri thức hay môn học nào có chứa đựng chân lý thì chúng chỉ có thể xứng đáng với danh hiệu ấy là khi có bàn tay của triết học tác tạo nên. | Mọi môn khoa học khác có thể “lý sự” (Räsonnieren) để tha hồ làm những gì mình muốn mà không cần đến triết học, nhưng, nếu không có triết học, chúng sẽ nhất định không thể có được Sức sống, Tinh thần và Chân lý nào ở nơi bản thân chúng.

 



(136) Tư duy “lý sự”, trong phương diện “khẳng định” của nó, thì lại mang hình thức “diễn ngôn”, tức như là mệnh đề trong đó chủ thể [hay chủ ngữ] được thiết định như một điểm cố định, rồi các thuộc tính [hay các vị ngữ] được gắn kết vào [một cách ngoại tại]. Phê phán loại mệnh đề “đồng nhất” theo kiểu ngoại tại ấy, Hegel sẽ vạch ra sự cần thiết phải có tiến trình biện chứng trong một loại mệnh đề khác mà ông sẽ gọi là “mệnh đề tư biện” (speculativer Satz) như ở các tiểu đoạn sau. Các tiểu đoạn từ §§60-67 (trong đó tập trung lý giải về “mệnh đề và phương pháp tư biện”) là phần cao điểm của Lời Tựa này. (Xem thêm: Chú giải dẫn nhập, 1.4).

(137) Chủ thể – với tư cách là sự vận động của việc tự-quy định – có những sự quy định của mình như những gì tất yếu; sự tất yếu này không phải là sự tất yếu ngoại tại như trong toán học, mà là sự trở thành nội tại của sự vật; đó là sự “trải nghiệm biện chứng” của nó.

(138) Hegel phân biệt chủ thể “của đối tượng” (“chủ thể thứ nhất”, “chủ ngữ của mệnh đề”) với “chủ thể thứ hai”, tức “chủ thể nhận thức”. “Chủ thể nhận thức” này bây giờ phải thừa nhận rằng nó không còn thể tùy tiện gán ghép “những thuộc tính” vào cho chủ thể thứ nhất, trái lại, bản thân chủ thể thứ nhất có một “nội dung nơi những thuộc tính” mà nó phải “làm việc” với tư cách là sự nhận thức.

(139) Tư duy “lý sự”, với sơ đồ mệnh đề “S là P” không ra khỏi được sự phân biệt trừu tượng giữa chủ thể và đối tượng. Tư duy “tư biện” dùng mệnh đề tư biện để nhận thức sự nối kết sâu hơn giữa chủ thể và thuộc tính. Mệnh đề tư biện là “mệnh đề đồng nhất”, vì nó bảo lưu tính thống nhất trong các sự phân biệt, qua đó chủ thể và thuộc tính hình thành một mệnh đề hiện thực. Như các ví dụ ở §62 sẽ cho thấy, mệnh đề tư biện là “sự đồng nhất của sự đồng nhất VÀ sự không-đồng nhất” như Hegel đã nêu từ thời trẻ. Ví dụ dễ hiểu: cái toàn bộ là cái toàn bộ (đồng nhất) và cái không phải toàn bộ (tức những bộ phận của nó), nhưng, những bộ phận của cái toàn bộ cũng là chính là cái toàn bộ! Cái toàn bộ hay cái phổ biến mà tách rời với những bộ phận hay với những cái đặc thù thì bản thân nó cũng không phải là cái toàn bộ (hay cái phổ biến) mà cũng chỉ là cái bộ phận hay cái đặc thù. (Xem: Chú giải dẫn nhập, 1.4). Do đó Hegel dùng hình ảnh “sự hòa điệu” tức không đơn âm mà gồm hai phản âm, hay nói như Heraklit, “sự hòa điệu tương phản” để minh họa bản chất và “bí mật” của mệnh đề tư biện.

(140) “viên thành” (plastisch): làm tròn, hợp nhất lại thành một toàn bộ, tức: mệnh đề vừa đi từ S đến P, vừa từ P trở lại S, đối lập lại với sự can thiệp chủ quan-bất tất và sự thiếu kiên nhẫn của việc phản tư tùy tiện của chủ thể từ bên ngoài. (Xem thêm: Hegel: Lời Tựa II (§9) cho “Khoa học Lô-gíc” và phần bổ sung cho §2 của “Triết học pháp quyền”).

(141) Không chỉ sự “kìm hãm”, “chặn đứng” mà cả sự vận động của việc quay trở lại cũng phải được trình bày một cách triết học; chính điều này tạo nên tính cách tư biện của việc trình bày.

(142) Nếu hình thức “nhị nguyên” của mệnh đề (SP) được quy giảm thành sự đồng nhất mà không trình bày bản thân sự vận động này thì ta sẽ không có được một sự trình bày biện chứng mà là một trực quan về sự đồng nhất. Phép biện chứng phải là sự trình bày về sự quay trở về của Khái niệm vào trong chính nó kinh qua tính “nhị nguyên”. Trong những mệnh đề thông thường, “sự chứng minh” giữ vai trò trung gian, nhưng trong những mệnh đề triết học, sự chứng minh phải là bộ phận không tách rời với sự vận động của nội dung; bấy giờ “sự chứng minh” là có tính biện chứng và đích thực là triết học. “Chính Kant là người đã tách rời phép biện chứng ra khỏi sự chứng minh”. (J. H dẫn nhận định trên của E. de Negri trong bản dịch tiếng Ý, tập I, tr. 57).

(143) “Mệnh đề – như đang xuất hiện ra một cách trực tiếp – chỉ là một mô thức [hình thức] trống rỗng đơn thuần”: tư duy tư biện tất nhiên cũng phải dùng hình thức mệnh đề “S là P”, nhưng đó chỉ là “mô thức trống rỗng” sẽ được nội dung triết học – với vận động tiến lên và quay trở lại một cách sinh động – phá vỡ.

(144) Do đó, “Khoa học Lô-gíc” bắt đầu với các phạm trù như “tồn tại”, “không-tồn tại”, “trở thành”, “bản chất” v.v., Hegel luôn chứng minh rằng trong lịch sử triết học, người ta đã nêu nhiều mệnh đề như “Cái Tuyệt đối là tồn tại” v.v., nhưng chủ thể chỉ thực sự đạt được là ở trong Khái niệm (theo nghĩa của Hegel).

(145) Như đã nói ở trước, nơi “các chứng minh thông thường”, bất kỳ sự chứng minh nào cũng lại đòi hỏi phải được chứng minh, tức “tiếp tục đến vô tận”. Trái lại, theo Hegel, vận động biện chứng không “trôi tuột” hay “bị lạc mất” (verläuft) vào sự vô tận ngoại tại như thế, mà “quay trở lại vào trong chính mình” ngày càng sâu hơn. Do đó, môi trường của vận động biện chứng là Khái niệm, không theo nghĩa là sản phẩm cứng đờ của sự trừu tượng hóa mà là sự thống nhất cụ thể của chính nó với cái khác, vì thế như là chủ thể “xuyên suốt”, đã được phản tư vào trong chính mình. Và cũng không phải là chủ thể được gắn cho những thuộc tính một cách ngoại tại mà tự triển khai “cái Tự ngã riêng của chính nó”.

(146) Trong phần cuối này, Hegel lại, một lần nữa, đả kích “tâm thức” lãng mạn và triết học của “lương năng” thông thường chao đảo giữa thuyết giáo điều dung tục và thuyết phê phán (Reinhold, Boutewek, Krug…). Trước đây, trong thời kỳ ở Jena, Hegel đã đả kích họ trong “Kritische Journal der Philosophie” (W. I, tr. 131, 143, 161).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt