Nhận thức luận | Khoa học luận

Về nhận thức khoa học

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

LỜI TỰA[1]

 

1. VỀ NHẬN THỨC KHOA HỌC

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả.


 

§ 1

Đối với một tác phẩm triết học, dường như không chỉ thừa, mà – do bản tính tự nhiên của Sự việc[2] – thậm chí còn không phù hợpsai lạc nữa nếu bắt đầu – như các tác giả thường quen làm trong Lời Tựa – bằng cách giải bày về mục đích mà tác giả đặt vào tác phẩm, về những hoàn cảnh đã khiến tác phẩm ra đời cũng như về mối quan hệ mà tác giả tin rằng tác phẩm của mình có được với các tác phẩm khác về cùng một đối tượng do các bậc tiền bối hay những người đồng thời của mình viết ra. Bởi lẽ, bất kỳ nói điều gì và nói như thế nào về triết học ngay trong Lời Tựa – như thói quen có vẻ phù hợp –, chẳng hạn, một chỉ dẫn theo kiểu lịch sử về xu hướng và quan điểm, về nội dung tổng quát và các kết quả, một chuỗi của những khẳng quyết linh tinh và những cam kết về cái đúng thật [chân lý] (das Wahre), tất cả những điều ấy đều không thể được xem là có giá trị như phương cách và thể thức (Art und Weise) để trình bày chân lý triết học.

Cũng bởi lẽ triết học, về bản chất [và cốt yếu] (wesent-lich), là ở trong môi trường (im Elemente) của tính phổ biến vốn bao hàm cái đặc thù ở bên trong nó, nên, hơn những ngành khoa học khác, càng có vẻ như trong triết học, chính mục đích và các kết quả sau cùng dường như diễn đạt được bản thân Sự việc, thậm chí diễn đạt được bản thân Sự việc trong bản chất trọn vẹn của nó, còn ngược lại, việc thực hiện[3] đầy đủ chi tiết (Ausführung) [tiến trình đi đến mục đích và các kết quả ấy] thật ra lại là cái không-bản chất, không cốt yếu. Thế nhưng, trong quan niệm thông thường, chẳng hạn, trước câu hỏi môn giải phẫu học là gì, mà chỉ trả lời rằng đó là kiến thức về những bộ phận được xem như đã chết của cơ thể, chúng ta tin chắc rằng mình vẫn chưa sở đắc được bản thân Sự việc – tức nội dung của môn học này –, trái lại, còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tìm hiểu đầy đủ cái đặc thù trong đó. Hơn nữa, đối với một sự tập hợp hỗn tạp (Aggregate)[4] những kiến thức theo kiểu như thế, – một sự hỗn tạp không có quyền mang danh là “khoa học” –, bất kỳ sự trao đổi nào về mục đích và về những điều “tổng quát” tương tự cũng không khác gì mấy so với phương thức [mô tả] mang tính “lịch sử” và vô-khái niệm (begrifflos), trong đó bản thân nội dung, tức những dây thần kinh, những bắp thịt và v.v.. cũng được nói đến. Ngược lại, trong triết học, ắt sẽ nảy sinh ngay sự không tương ứng nếu một phương thức như thế được sử dụng; và cũng chính bản thân triết học ắt sẽ chứng minh rằng phương thức ấy là không có khả năng để nắm bắt được (fassen) chân lý.

 

§ 2

Cũng thế, việc xác định mối quan hệ mà một tác phẩm triết học tưởng rằng nó có được với các nỗ lực nghiên cứu khác về cùng một đối tượng là lôi kéo vào đây một mối quan tâm xa lạ, làm tối tăm thêm công việc chủ yếu là nhận thức[5] về chân lý. Quan niệm thông thường càng xem sự đối lập giữa “đúng” và “sai” là cứng đờ bao nhiêu, thì nó lại càng quen chờ đợi sự nhất trí hoặc sự mâu thuẫn với một hệ thống triết học có sẵn, và chỉ nhìn phía này hay phía kia của các phản ứng ấy trong bất kỳ nhận định nào liên quan đến một hệ thống như vậy. Nó không hiểu sự khác biệt[6] giữa các hệ thống triết học như là sự phát triển tiến lên của chân lý cho bằng chỉ thấy sự mâu thuẫn[7] ở trong sự khác biệt ấy. Cái nụ tiêu biến đi khi hoa nở, và ta có thể nói rằng cái trước đã bị cái sau bác bỏ; cũng thế, khi ra quả thì đóa hoa được giải thích là một hiện hữu sai lầm của cái cây, bởi quả xuất hiện ra như là chân lý đúng thật của cây thay chỗ cho đóa hoa. Những hình thức [những giai đoạn] này không chỉ được phân biệt với nhau mà còn hất cẳng nhau như là không thể nào tương thích với nhau được. Thế nhưng, chính bản tính trôi chảy (flüssige Natur) của chúng đồng thời biến chúng thành những mô-men (Momente)[8] của chỉnh thể hữu cơ, nơi đó chúng không chỉ không mâu thuẫn nhau mà trái lại, cái này cũng thiết yếu [notwendig: tất yếu và cần thiết] như cái kia, và chính sự thiết yếu ngang nhau này của mọi mô-men mới tạo nên được sự sống của cái toàn bộ. Song, sự mâu thuẫn [của một triết gia đến sau] đối với một hệ thống triết học [của người trước] thường không tự biết đến điều ấy; và, người tìm hiểu sự mâu thuẫn giữa họ [tức người viết lịch sử triết học] cũng thường không biết cách làm cho sự mâu thuẫn này thoát khỏi tính phiến diện hay biết giữ được tính độc lập của nó và nhận ra nơi chúng những mô-men (Moment) thiết yếu tương hỗ cho nhau trong hình thức bề ngoài có vẻ như trái ngược và không dung hợp được với nhau[9].

 

§ 3

Việc đòi phải đưa ra những lời giải bày theo kiểu nói trên lẫn nỗ lực để thoả ứng đòi hỏi ấy rất dễ biến thành công việc chủ chốt mà triết học phải làm. Bởi thử hỏi nội dung thâm sâu của một tác phẩm triết học có thể được tìm thấy ở đâu hơn là trong chính những mục đích và kết quả của nó? và điều này được nhận biết rõ bằng cách nào tốt hơn là thông qua sự khác biệt giữa chúng với những gì được thời đại [thế kỷ] tạo ra trong cùng một lãnh vực? Tuy nhiên, nếu xem việc làm như thế có giá trị nhiều hơn là khởi điểm của nhận thức, nếu xem đó là có giá trị như nhận thức thực sự, thì, trong thực tế, đó phải kể vào những phát kiến nhằm tránh né bản thân Sự việc và nhằm kết hợp hai mục đích: tạo vẻ ngoài nghiêm chỉnh và nỗ lực đối với Sự việc và đồng thời tiết giảm thực sự tất cả các việc làm ấy. Bởi vì, “Sự việc” không hề được tát cạn chỉ ở trong mục đích của nó mà là ở trong việc thực hiện đầy đủ chi tiết về nó (Ausführung); kết quả không phải là cái toàn bộ hiện thực[10] mà [phải] đi cùng với sự trở thành (Werden) của nó [tiến trình phát triển để đạt được nó]. | Mục đích, xét riêng cho bản thân nó (für sich), là cái phổ biến không có sự sống, không khác gì xu hướng chỉ là một nỗ lực đơn thuần theo một hướng nào đó chứ vẫn còn thiếu hiện thực (Wirklichkeit) của nó; và kết quả trần trụi là cái xác chết đã để lại xu hướng đàng sau lưng mình. Cũng thế, tính khác biệt (Verschiedenheit) thực ra là ranh giới (Grenze) của Sự việc: ranh giới này là ở chỗ Sự việc dừng lại, hay, là chỗ không [còn] là Sự việc ấy nữa[11]. Do đó, bận tâm theo kiểu ấy với mục đích và các kết quả, cũng như với những chỗ khác biệt [giữa các lập trường triết học] và với những phán đoán, đánh giá về phương diện này hay phương diện kia thật ra là một việc làm dễ dàng hơn là mới thoạt nhìn. Bởi, thay vì tập trung vào nghiên cứu Sự việc, việc làm như thế lúc nào cũng đi ra khỏi Sự việc; thay vì lưu trú bên trong Sự việc và quên mình đi trong đó, cái biết thuộc loại đó bao giờ cũng nắm bắt một cái gì khác, và thật ra, là quanh quẩn “nơi chính mình” (bei sich selbst) hơn là “nơi chính Sự việc” và hiến mình cho Sự việc. Phán đoán về cái gì có nội dung thực chất và vững chắc là việc làm dễ dàng hơn cả; khó hơn là nắm bắt (fassen) được nó, còn khó nhất là hợp nhất hai việc ấy lại để hình thành nên sự trình bày [một cách khoa học, có hệ thống] về nó.

 

§ 4

Khởi điểm của việc đào luyện [văn hóa] (Bildung)[12] và của tiến trình nỗ lực thoát ra khỏi tính trực tiếp của đời sống bản thể[13] bao giờ cũng phải bắt đầu với việc sở đắc những kiến thức (Kenntnisse) về những nguyên tắc [cơ bản] và những quan điểm phổ biến, tức mới bước đầu vươn tới tư tưởng về Sự việc nói chung, đồng thời không quên đưa ra những lý lẽ để ủng hộ hoặc phản bác nó, lãnh hội sự phong phú dồi dào và cụ thể dựa theo những tính quy định (Bestimmheiten), và biết cách làm thế nào để đưa ra sự tổng kết chặt chẽ, có thứ tự và sự phán đoán nghiêm túc về nó. Thế nhưng, bước khởi đầu này của việc đào luyện [tinh thần] phải sớm nhường chỗ cho sự nghiêm chỉnh của đời sống trong tất cả sự đầy đặn phong phú của nó, dẫn đến kinh nghiệm [sống thực] (Erfahrung) về bản thân Sự việc; và khi, thêm vào đó, là sự nghiêm chỉnh của Khái niệm (Begriff) thâm nhập vào bề sâu của Sự việc thì bấy giờ các loại hiểu biết và [phong cách] phán đoán [ban đầu] ấy sẽ chỉ còn giữ vị trí thích đáng dành cho chúng trong công cuộc đàm luận [hời hợt thường ngày] mà thôi (Konversation)[14].

 

 


[1] “Lời Tựa” (Vorrede) này được Hegel viết sau khi hoàn tất tác phẩm, không chỉ nổi tiếng vì độ dài khác thường của nó mà còn vì tầm quan trọng đặc biệt (lẫn mức độ khó hiểu!) như là “Lời Tựa” chung cho toàn bộ hệ thống triết học Hegel. (Xem: Chú giải dẫn nhập, 1.1). Khi chuẩn bị cho lần xuất bản thứ hai (1832), Hegel chỉ có thể tự tay sửa chữa đến hết tiểu đoạn §30, vì sau đó ông đột ngột qua đời (14.11.1831). “Lời Tựa” rất dài này có thể được chia làm ba phần:

1. Sự tất yếu của triết học như là “Hệ thống khoa học” (§§1-25).

2. Sự tất yếu của một môn “Hiện tượng học Tinh thần” như là dẫn nhập khoa học cho “Hệ thống khoa học” (§§26-37).

3. Biện minh về tính khoa học của “Hiện tượng học Tinh thần” bằng sự tất yếu của phương pháp tư biện (spekulative Methode); bản tính của phương pháp này (§§38-72).

Xin lưu ý: Số trang bên lề trái là theo “Hegel: Tập hợp tác phẩm, tập 9, do Wolfang Bonsiepen và Reinhard Heade ấn hành, 1980 (historisch-kritische Edition, G.W.F. Hegel, Gesammelte Werke, Band 9, 1980). Nhan đề các tiểu mục trong Lời Tựa là của Hegel. Các dấu: § (phân đoạn có đánh số) là của người dịch, căn cứ vào những chỗ chấm câu sang hàng của tác giả để dễ đọc; dấu [  ] là phần do người dịch thêm vào để câu văn dịch hay ý nghĩa của nó được dễ hiểu; dấu | là chỗ người dịch chấm câu lại cho câu văn dịch gãy gọn hơn. Các chú thích *, (1), (2)... dưới trang là của người dịch.

[2]“Sự việc” (Sache): được viết hoa để phân biệt với sự vật (Ding). “Sự việc” là công việc, nội dung hay mục đích tạo nên sự quan tâm, khơi dậy sự chú ý và hoạt động của chủ thể. Còn “sự vật” chỉ đơn thuần là cái gì đang hiện hữu với các thuộc tính cảm tính, được mang lại cho tri giác. Ta sẽ còn gặp lại nhiều lần hai chữ này.

– “im Elemente”: trong thuật ngữ Hegel, “das Element” thường được hiểu là “môi trường” (môi trường trung gian; môi trường chất liệu), vd: “môi trường” của sự tồn tại, “môi trường” của tư duy, của Khái niệm v.v.. (Jean Hyppolite: viết tắt (J.H), trong bản dịch tiếng Pháp: “le milieu”, “élément”).

[3]die Ausführung”: chữ “Ausführung” ở đây không chỉ có nghĩa là “sự trình bày” mà còn là sự “phơi bày”, sự “thực hiện”, sự “tiến hành đầy đủ chi tiết” (J.H: “exposition”; Miller: “execution”) vì tiến trình “trở thành” của kết quả không được loại bỏ ra khỏi bản thân kết quả.

[4]Sự tập hợp hỗn tạp những kiến thức”/(Aggregate von Kenntnissen): là đơn thuần ngoại tại, thiếu mối liên kết nội tại, có hệ thống. Hegel còn gọi đó là cách mô tả “lịch sử” và “vô-khái niệm”, tức chỉ đo đếm, kể lể, không đặt nền trên tư duy. Do đó, một “Lời Tựa” cho tác phẩm triết học sẽ là “không phù hợp” (“sẽ nảy sinh ngay sự không tương ứng”) nếu chỉ đưa ra những “cái phổ biến chung chung” (Allgemeinheiten) theo kiểu ngoại tại, “vô-khái niệm” như thế, vì chính nhiệm vụ của triết học là phải nỗ lực chứng minh rằng phương cách như thế là “không có khả năng để nắm bắt được chân lý”.

[5]Nhận thức” (Erkenntnis/đt: erkennen): Hegel dùng nhiều chữ để chỉ việc “biết” với nội dung và cấp độ cao thấp khác nhau, trong đó “nhận thức” (erkennen) là cấp độ cao nhất (theo trình tự: “Kenntnis/kennen”: biết một cách ngoại tại/kiến thức, hiểu biết qua loa; Wissen: biết/cái biết chủ quan; Einsicht/ einsehen: thức nhận (cái biết lý tính, nhưng có tính cá nhân, đối lập với “lòng tin”; Erkenntnis/erkennen: nhận thức có tính triết học hay khoa học = begreifen: nắm bắt, thấu hiểu bằng Khái niệm. Chỉ ở cấp độ sau cùng là “Tri thức tuyệt đối” (Absolutes Wissen), cái biết chủ quan (Wissen) mới hợp nhất với nhận thức “khoa học”, do đó sẽ được dịch là “Tri thức”.

[6]Sự khác biệt”/“Verschiedenheit”: (Anh/Pháp: diversity/diversité): sự khác biệt ngoại tại, không phải là “sự phân biệt” hay “sự dị biệt” (der Unterschied) (Anh/Pháp: difference, distinction) nội tại, có tính bản chất. Xem thêm chú thích 286.

[7]Sự mâu thuẫn”/“Widerspruch”: Xem chú thích 285 cho §160.

[8]Moment”: Từ khó dịch cho trọn nghĩa. Khi Hegel nhấn mạnh tính tương hỗ qua lại và tính không thể tách rời của những bộ phận của một cái toàn bộ hay của tính toàn thể (xem chú thích 56), ông thường gọi chúng là những “Moment(e)”. Chữ “Moment” ở thế kỷ 17 được vay mượn từ chữ latinh “momentum”, bắt nguồn từ chữ “movere” (vận động) có nghĩa là “lực vận động”. Từ đó, chữ Moment có nghĩa:

- (giống đực: der Moment): thời điểm, khoảnh khắc (thời gian). Hegel không dùng chữ này, mà dùng chữ “Augenblick” (khoảnh khắc) hay “das Jetzt” (cái bây giờ).

- (trung tính: das Moment): lực vận động, yếu tố quyết định, tình huống bản chất. Hegel vận dụng nghĩa này cho chữ Moment của mình. Một “Moment” là cái gì phải được “vượt bỏ” (das Aufgehobene) hay chuyển hóa thành “ý thể” (das Ideelle). Chẳng hạn, tính phổ biến, tính đặc thù và tính cá biệt là các moment của một toàn bộ. Nhìn chung, Moment vừa là yếu tố bản chất hay phương diện (Seite) của một toàn bộ xét như một hệ thống tĩnh tại, vừa là một giai đoạn bản chất trong một toàn bộ xét như một tiến trình vận động biện chứng. Hiện nay, chữ này có quá nhiều cách dịch sang tiếng Việt và khó có thể đi đến thống nhất: “yếu tố”, “phương diện”, “bước”, “vòng khâu” [xem: Lênin: Bút ký triết học, toàn tập, tập 29, 1981], “chập”, “thời đoạn”, “thời quán”, “thời cứ”… Do đó, trừ những chỗ Hegel định nghĩa “Moment” một cách minh nhiên là “phương diện” (Seite), chúng tôi đề nghị dịch chung là “mô-men” (Moment) cho dễ đọc (như cách dịch chữ này trong các bộ môn khoa học tự nhiên).

[9] Với Hegel, lịch sử của triết học cũng đồng thời là bản thân triết học. (Xem thêm: Hegel: bài viết từ năm 1802 về “Bản chất của việc phê phán triết học nói chung”/“Über das Wesen der philosophischen Kritik” trong: “Kritisches Journal der Philosophie”, Tác phẩm, bản Lasson, I, tr. 117, và Lời Tựa cho: “Các bài giảng về lịch sử triết học”). Ý chính của §§1-2: Ta không thể quy giảm triết học thành một vài danh hiệu chung chung (vd: “thuyết duy tâm”, “thuyết duy vật”…) mà chỉ hiểu được nó khi bản thân ta trải qua và nhận ra được nội dung của nó được trình bày như thế nào. Mặt khác, một tác phẩm triết học đích thực không đại diện cho một quan điểm cứng nhắc, phiến diện theo sơ đồ “địch-ta” mà phải là sự vận động tư tưởng kinh qua nhiều quan điểm khác nhau, đi đến “cái phổ biến cụ thể” của “hệ thống” một cách có phản tư bằng “nỗ lực của khái niệm” và không được phép tiết giảm sự vận động ấy.

[10] – “hiện thực”/“wirklich, Wirklichkeit”: từ cực kỳ hệ trọng trong triết học Hegel: Cái “thực tồn” (das Reell) hay “thực tại” (Realität) được gọi là “hiện thực” (Wirklichkeit) hay có “tính hiện thực” (wirklich) khi nó là kết quả của một sự tác động nội tại (Wirken) mang lại ý nghĩa cho nó, chứ không phải cái thực tồn được nắm bắt lấy một cách trừu tượng như một dữ kiện đơn giản, một cái trực tiếp mang tính bất tất. Trong nghĩa đó, “wirklich” hầu như tương tự với chữ “effektiv”, như Hegel đã định nghĩa: “thực tại sẽ là “hiện thực” khi được tính cá nhân thâm nhập [trọn vẹn]” (§399). (J. H. dịch chữ “Wirklichkeit” sang tiếng Pháp lúc đầu bằng chữ “réalité effective”, sau thấy rườm quá, dịch gọn thành “effectivité” (Miller: actuality). Chúng tôi sở dĩ tạm dịch thành “thực tại” (Realität) và “hiện thực” (Wirklichkeit) một phần là do mô phỏng cách phân biệt của Kant (“thực tại” thuộc phạm trù chất; “hiện thực” thuộc phạm trù hình thái), phần khác là do chưa tìm được chữ phù hợp. Có tác giả đề nghị dịch “Wirklichkeit” là “thực hiệu” (giống cách dịch của J. H, song lẽ ra phải là “hiệu thực” theo đúng ngữ pháp Hán Việt?) nhưng e quá mới lạ và khó hiểu nên chúng tôi chưa dám dùng. Về nội dung, ta biết rằng Kant xem là “hiện thực” cái gì thực sự hiện hữu, có thể được tri giác một cách cảm tính, khác với cái gì chỉ có thể có, chỉ được suy tưởng hay tưởng tượng. Hegel đi xa hơn, không chỉ phủ nhận tính hiện thực của cái đơn thuần có thể có (vd: một Nguyễn Du “hiện thực” và một nhà thơ trong tiềm năng) mà cả của cái gì ở cấp độ bản thể học thấp kém, của những thực thể bất tất (vd: cầu vồng), hay những thực thể chưa hoặc không đạt mức phát triển đúng với bản chất của nó (vd: một nhà nước tồi tệ hay một đứa trẻ). Vì thế, ông gọi “hiện thực” là sự thống nhất giữa cái bên trong và cái bên ngoài (hay giữa bản chất và hiện hữu). Tuy nhiên, những thực thể bất tất (những hiện thực trựctiếp) tạo điều kiện cho hiện thực đã phát triển, cũng là tất yếu và cần thiết. Một “hiện thực đã phát triển” (vd: một sinh thể hữu cơ hấp thu những đối tượng bất tất chung quanh để phát triển đúng bản chất của mình; một con người cải tạo môi trường theo mục đích của mình…). “Thượng đế” hay “Tinh thần thế giới” là “hiện thực đích thực” vì sử dụng những sự bất tất của thế giới để thực hiện “kế hoạch thần linh” nhờ vào “mánh lới của lý tính” (List der Vernunft) (tương tự như “bàn tay vô hình” của Adam Smith).

Trong Lời Tựa của quyển “Triết học pháp quyền”, Hegel viết câu nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi: “Cái gì hợp lý là hiện thực và cái gì hiện thực là hợp lý” (“Was vernünftig ist, das ist wirklich; und was wirklich ist, das ist vernünftig”. Mục đích của câu này là nhằm chống lại thuyết phi lý tính và chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa:

- ý nghĩa bản thể học: tư tưởng (nhất là “Ý niệm”) không chỉ là thực thể chủ quan mà còn là nội tại ở trong hiện thực. Sự vật không thể tồn tại trừ khi chúng được cấu trúc hóa phù hợp với những tư tưởng của Lô-gíc học.

- ý nghĩa thần học, sự vật thỏa ứng một “kế hoạch thần linh”.

- ý nghĩa nhận thức luận: sự vật là hoàn toàn khả niệm và có thể nhận thức được.

- ý nghĩa đánh giá: sự vật là “hợp lý” (đều có “cái lý” của nó) và phù hợp với các tiêu chuẩn lý tính.

Nhưng vì câu nói này dễ gây hiểu lầm (bênh vực cái hiện tồn, ngăn cấm việc phê phán hiện trạng, thuyết bảo thủ…), nên, trong Ấn bản 2 của Bách khoa thư (1827) , ông nhấn mạnh rằng ông không xem bất kỳ điều gì cũng là hiện thực, và nhiều sự vật tồn tại chỉ như là “hiện tượng” (Erscheinung) hơn là hiện thực (I, §6). Theo nghĩa đó, một nhà nước chuyên chế hay không hiệu quả không phải là một nhà nước hiện thực, do đó, không tránh khỏi sự phê phán và cải tạo. (Xem thêm: “Realität” và “Wirklichkeit” trong chú thích 252 cho §141).

[11] Ý nói: việc nêu ra tính khác biệt [ngoại tại] (Verschiedenkeit) của một sự vật (ở đây là của một hệ thống triết học) với các sự vật khác là việc làm “ngoại tại”, không nhìn vào “bản thân Sự việc” mà chỉ nhìn cái “ranh giới” của nó, nơi “Sự việc dừng lại” và “không còn là Sự việc ấy nữa”, tức, đánh mất Sự việc, không thấy sự tự-vận động của cái toàn bộ.

[12]Sự đào luyện [văn hóa]”/“die Bildung”: Vào thế kỷ 18, trong tiếng Đức, chữ “Bildung” định hình với ý nghĩa là sự đào luyện văn hoá, và chữ “Erziehung” là sự giáo dục, tương đương với culture/education trong tiếng Pháp. Nhưng, “Bildung” nhấn mạnh đến kết quả của giáo dục, trong khi “Erziehung” là tiến trình. Chữ “Bildung” gây âm vang lớn trong thời đại Hegel, nói lên yêu cầu bức bách phải cải tổ và đẩy mạnh văn hóa, giáo dục ở nước Đức lạc hậu. Loại hình tiểu thuyết giáo dục (Bildungsroman) thịnh hành, tiêu biểu là quyển “Wilhelm Meisters Lehrjahre/Những năm học hỏi của W. Meister” của Goethe (1795) cho thấy con người sở đắc được sự đào luyện và giáo dục qua nhiều trải nghiệm. Quyển HTHTT này thực chất cũng có nội dung ấy, ở mức độ tư biện rất cao. Từ ý thức về yêu cầu giáo dục dẫn đến quan niệm rằng nhân loại, xét như toàn bộ, cũng phải trải qua tiến trình đào luyện như cá nhân (Lessing, Schiller). Nhưng, quan niệm của Hegel về điểm này có chỗ khác với thời khai sáng và với Rousseau, Goethe:

-   Rousseau (Emille, 1762) xem giáo dục là rút bỏ những trở lực cho sự phát triển tự nhiên của trẻ em, trong khi Hegel xem giáo dục là để khắc phục trạng thái tự nhiên và làm cho “đạo đức xã hội” trở thành bản tính thứ hai của cá nhân theo lời khuyên của Pythagore: “biến con người thành công dân của một nhà nước có pháp luật tốt đẹp” (Triết học pháp quyền, §153).

- Sự “khai sáng” xem giáo dục là sự hoàn thiện cá nhân và xã hội một cách êm ả và đơn tuyến bằng cách từng bước thay thế lòng tin bằng lý tính. Goethe xem giáo dục là đào tạo con người hướng theo lý tưởng của sự hòa hợp thẩm mỹ. Trái lại, Hegel xem giáo dục (và sự phát triển nói chung) là một tiến trình đi từ sự nhất thể tự nhiên, sơ khai sang giai đoạn tha hóa và xuất nhượng để sau cùng đạt đến giai đoạn hòa giải hòa hợp (Versӧhnung). Sự khai sáng đối lập lòng tin và lý tính nên bản thân cũng là một biểu hiện của sự tha hóa, cần phải được vượt bỏ trong sự hòa giải. (Vd: khi đi học, ta tiếp thu những tư tưởng xa lạ, sau đó ta sẽ “tìm thấy lại chính mình” với kiến thức phong phú hơn; hoặc: tuổi trẻ rời khỏi sự ngây thơ, đi đến chỗ va chạm và chống đối lại xã hội, sau đó sẽ hòa giải với xã hội ở cấp độ phản tư cao hơn. Nền văn hóa Hy Lạp cổ đại là nhất thể hòa hợp đơn giản; sau đó nó phải trải qua nhiều sự tha hóa và đối lập giữa cá nhân và xã hội, giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế, giữa lòng tin và lý tính v.v… (xem Chương VI, B), dẫn đến sự sụp đổ tất yếu của nó để sẽ được “hòa giải” ở cấp độ cao hơn v.v.. Sự đổ vỡ của nhất thể sơ khai là đau đớn và khó khăn, đòi hỏi nỗ lực và sự nghiêm huấn, kỷ luật (Zucht) để đi đến kết quả là sự độc lập của tư tưởng và hành động.

[13] “Đời sống bản thể”/“substantielles Leben”: trạng thái trực tiếp; sự thống nhất hay nhất thể sơ khai, có trước sự phản tư (Reflexion).

[14] Khi phê phán cái “phổ biến [chung chung] trừu tượng” và sự “tập hợp hỗn tạp những kiến thức”, Hegel không bác bỏ chúng mà chỉ xem chúng là “khởi điểm của việc đào luyện”. Khởi điểm này còn phải tiến lên thành “kinh nghiệm về bản thân Sự việc”, rồi thành sự “nghiêm chỉnh [chặt chẽ] của tư duy khái niệm” đi vào bề sâu của Sự việc, dẫn đến “Hệ thống khoa học”.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt