Siêu hình học

Cảm năng học siêu nghiệm - Dẫn nhập

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC

 

CẢM NĂNG HỌC SIÊU NGHIỆM

DẪN NHẬP

1 2 3 4 5

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Immanuel Kant. "Cảm năng học siêu nghiệm", trong  Phê phán lý tính thuần túy (Kritik der Reinen Vernunft). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, 2004. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự cho phép của dịch giả.


 

Dù bằng cách nào và với phương tiện gì để một nhận thức có thể quan hệ được với các đối tượng, thì quan hệ trực tiếp (unmittelbar) bao giờ cũng là bằng TRỰC QUAN (ANSCHAUUNG). | Mọi tư duy đều nhắm vào trực quan như là phương tiện. Trực quan chỉ có thể xảy ra trong chừng mực đối tượng được mang lại cho ta; nhưng điều này lại chỉ có thể có được, – ít nhất là cho con người chúng ta1*, – bằng cách đối tượng kích động (affizieren) tâm trí2* ta một cách nào đó. Năng lực tiếp thu các biểu tượng (tính thụ nhận – Rezeptivitt –) do phương cách làm thế nào để chúng ta được các đối tượng kích động, gọi là CẢM NĂNG (SINN-LICHKEIT). Vì thế, nhờ cảm năng, những đối tượng được mang lại cho ta, và chỉ có cảm năng mới cung cấp cho ta những trực quan; trong khi đó, nhờ GIÁC TÍNH (VERSTAND), những đối tượng được suy tưởng (gedacht) và từ giác tính, những khái niệm ra đời. Nhưng mọi suy tưởng (Denken), – dù đi thẳng (trực tiếp) hay bằng đường vòng (gián tiếp) và nhờ dựa vào một số đặc điểm, – trước hết đều phải quan hệ với những trực quan, do đó, nơi con người chúng ta, là quan hệ với cảm năng, vì không một đối tượng nào có thể được mang lại cho ta bằng một cách khác cả.

Sự tác động của một đối tượng lên năng lực biểu tượng, trong chừng mực ta được nó kích động, là CẢM GIÁC (EMPFINDUNG). Trực quan nào quan hệ với đối tượng thông qua Cảm giác, là thường nghiệm. Đối tượng chưa xác định [chưa được giác tính suy tưởng] của một trực quan thường nghiệm gọi là HIỆN TƯỢNG (ERSCHEINUNG).

Tôi gọi những gì bên trong hiện tượng tương ứng với cảm giác là CHẤT LIỆU (MATERIE) của hiện tượng; còn cái gì làm cho [nội dung] đa tạp (das Mannigfaltige) của hiện tượng có thể được sắp xếp theo các quan hệ nào đó là MÔ THỨC (FORM) của hiện tượng. Bởi lẽ, bản thân mô thức này, tức cái chỉ trong đó các cảm giác được sắp xếp và đưa vào một hình thức nào đó, không thể lại là cảm giác được, cho nên, tuy chất liệu của mọi hiện tượng chỉ được mang lại một cách hậu nghiệm, nhưng MÔ THỨC của chúng đã phải có sẵn toàn bộ trong tâm trí ta một cách tiên nghiệm dành cho các đối tượng và vì thế, có thể được xem xét một cách riêng biệt, tách rời với mọi cảm giác.

Tôi gọi mọi biểu tượng là thuần túy (theo nghĩa siêu nghiệm) khi trong chúng không có gì là thuộc về cảm giác cả. Do đó, mô thức thuần túy của những trực quan cảm tính nói chung phải có mặt một cách tiên nghiệm trong tâm trí, trong đó mọi cái đa tạp của những hiện tượng được trực quan trong một số quan hệ nào đó. Mô thức thuần túy của cảm năng cũng chính là trực quan thuần túy. Cho nên, trong biểu tượng về một vật thể, nếu tôi tước bỏ hết những gì do giác tính suy tưởng về nó như bản thể, lực, tính có thể phân chia được v.v. và tất cả những gì thuộc về cảm giác như tính không thể thâm nhập, độ cứng, màu sắc…, thì từ trực quan thườngnghiệm này vẫn còn lại một cái gì đó cho tôi, đó là quảng tính và hình thể. Hai cái này thuộc về trực quan thuần túy, có mặt một cách tiên nghiệm trong tâm trí như là mô thức đơn thuần của cảm năng, cho dù không có một đối tượng hiện thực nào của giác quan hay cảm giác.

Tôi gọi môn khoa học bàn về tất cả các nguyên tắc của cảm năng một cách tiên nghiệm là CẢM NĂNG HỌC SIÊU NGHIỆM (TRANSZENDENTALE STHETIK)[1]. Phải có môn khoa học này để tạo nên phần thứ nhất của Học thuyết siêu nghiệm về các yếu tố cơ bản của nhận thức, khác với phần thứ hai là bàn về các nguyên tắc của TƯ DUY THUẦN TÚY được gọi là môn LÔ GÍC HỌC SIÊU NGHIỆM (TRANSZENDENTALE LOGIK).

Trong Cảm năng học siêu nghiệm, trước hết ta tách riêng cảm năng ra khỏi những gì được giác tính suy tưởng bằng các khái niệm để chỉ còn lại trực quan thường nghiệm thôi. Bước thứ hai là tách ra khỏi trực quan thường nghiệm những gì thuộc về cảm giác để chỉ còn lại trực quan thuần túy và mô thức đơn thuần của những hiện tượng là cái duy nhất mà cảm năng có thể cung cấp một cách tiên nghiệm. Nghiên cứu này sẽ cho thấy có hai mô thức thuần túy của trực quan cảm tính như là các nguyên tắc của nhận thức tiên nghiệm: ĐÓ LÀ KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN. | Sau đây, ta sẽ lần lượt đi vào xem xét hai mô thức này.

 


 


1* Trong Siêu hình học cổ truyền trước Kant, đặc biệt trong hệ thống Leibniz-Wolff, người ta cho rằng các chân lý của lý tính là phổ quát và tất yếu có giá trị cho bất kỳ sinh vật có lý tính (Vernunftswesen) nào cũng như trong mọi thế giới khả hữu (alle mưgliche Welten). Vì thế, ở đây Kant nhấn mạnh trực quan là điều kiện thiết yếu “ít nhất là cho con người chúng ta”, còn các “sinh vật có lý tính” nào khác không cần trực quan mà vẫn nhận thức được đối tượng thì ta không biết và không thể biết. Xem thêm B139… (N.D).

2* “tâm trí” (das Gemt): Trong sách này, Kant dùng “das Gemt” để chỉ chung mọi quan năng nhận thức (tương tự như chữ “ý thức nói chung” – das Bewusstsein berhaupt –) và không có ý nghĩa tâm lý học – thường nghiệm như một quan năng riêng lẻ. Tùy theo văn cảnh, chúng tôi dịch là: “tâm trí, tâm thức, đầu óc” (B34, 37, 42, 67, 74, 261, 799). (N.D).

[1] Hiện nay [thời Kant], duy nhất chỉ có người Đức là dùng thuật ngữ “sthetik” [theo nghĩa “Mỹ học”] để chỉ môn học mà các nơi khác gọi là “Phê phán cảm xúc thẩm mỹ”. Lý do bắt nguồn từ hy vọng đã thất bại của nhà phân tích sắc sảo Baumgarten [Alexander Gottlieb BAUMGARTEN 1714-1762, triết gia Đức, người đầu tiên tạo ra từ sthetik – Mỹ học – và muốn xây dựng Mỹ học thành một khoa học độc lập theo tinh thần của triết học Leibniz-Wolff] khi ông muốn đưa sự phán đoán phê phán về cái Đẹp vào dưới các nguyên tắc của lý tính và nâng các quy luật của việc phán đoán này lên thành khoa học. Nhưng, nỗ lực này là vô vọng. Bởi vì các quy luật hay tiêu chuẩn nói trên, xét về nguồn gốc chủ yếu nhất của chúng, chỉ đơn thuần là thường nghiệm, cho nên không bao giờ có thể dùng làm các quy luật tiên nghiệm được xác định mà phán đoán thẩm mỹ của ta phải hướng theo, trái lại, chính phán đoán thẩm mỹ của ta mới là hòn đá thử thực sự cho tính đúng đắn của các nguyên tắc. Do vậy, điều nên làm là không nên dùng cách gọi này nữa [tức không dùng từ “sthetik” để chỉ môn phê phán thẩm mỹ] và chỉ dành để chỉ môn học có tính cách là môn khoa học thực sự [đó là khoa học về các quy luật thuần túy của cảm năng như Kant đang dùng] (để đưa nó đến gần với ngôn ngữ và ý nghĩa của người xưa trong sự phân chia nhận thức ra làm AIOTHETA KAI NOETA (Hy Lạp: cảm năng và tư duy) đã vốn rất nổi tiếng), hoặc cùng chia xẻ cách gọi tên này với triết học tư biện và dùng chữ “sthetik” một phần theo nghĩa siêu nghiệm, một phần theo nghĩa tâm lý học. (Chú thích của tác giả).

[Ta thấy đề nghị này của Kant đã không được thực hiện trong thực tế. Ngày nay, từ “sthetik” vẫn được dùng phổ biến theo nghĩa “Mỹ học” – dù không còn theo nội dung ban đầu của Baumgarten,– và cũng chỉ riêng Kant là dùng theo nghĩa “Cảm năng học” hay “Trực quan học” như trong quyển Phê phán này. Mặt khác, đối với bản thân vấn đề Mỹ học, cho đến 1787, khi tái bản lần thứ hai “Phê phán lý tính thuần túy” này, ta thấy Kant vẫn chưa thừa nhận có thể xây dựng môn Mỹ học trên cơ sở tiên nghiệm. Nhưng ngay đến cuối năm ấy (12.1787), Kant đã thay đổi quan điểm và bắt đầu soạn thảo Mỹ học như một “khoa học” độc lập và tiên nghiệm. [Xem I. Kant: Phê phán năng lực phán đoán (“Kritik der Urteilskraft”) Phần I]. (N.D).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt