Siêu hình học

Cấu trúc hình thức của câu hỏi về thực tại

Martin Heidegger. Tồn tại và Thời gian. "Dẫn nhập"

1 2 3 4 5 6 7 8

 

 

CẤU TRÚC HÌNH THỨC CỦA CÂU HỎI VỀ TỒN TẠI

 

MARTIN HEIDEGGER (1889-1976)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Martin Heidegger. Vật, Xây Ở Suy tư, Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật, Tồn tại và thời gian (dẫn nhập). Bùi Văn Nam Sơn tuyển dịch và chú giải. Nxb. Hồng Đức & Trustbooks. | Phiên bản điện tử trên triethoc.edu.vn đã có sự cho phép của dịch giả.


 

 

9

Cần phải đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của Tồn tại. Nếu đó là một câu hỏi, hay thậm chí là bản thân câu hỏi cơ nền tảng, thì việc hỏi như thế đòi hỏi một sự trong suốt thích hợp(a)Vì lý do đó, cần tìm hiểu ngắn gọn những gì được xem là thuộc về câu hỏi nói chung, để từ đó có thể làm rõ rằng câu hỏi về Tồn tại là một câu hỏi kiệt xuất(b)

10

Hỏi là đi tìm. Đi tìm được định hướng từ trước bởi cái được tìm. Hỏi là đi tìm cái tồn tại để biết nó là gì và như thế nào. Việc đi tìm để biết ấy có thể trở thành việc “nghiên cứu”, tức xác định một cách khai mở những gì câu hỏi nhắm tới. Hỏi ắt có cái “hỏi về”(c) của nó. Rồi mọi việc hỏi về… thì, bằng cách nào đó, là hỏi nơi Vậy, bên cạnh việc “hỏi về”, hỏi còn có cái được hỏi hay nơi được hỏi(d). Trong việc nghiên cứu, tức công việc đặc thù mang tính lý thuyết, thì cái “hỏi về” được xác định và phát biểu bằng khái niệm. Trong cái “hỏi về” thì đã có cái thực sự mang tính ý hướng, đó là cái muốn tìm ra (e), là khi việc hỏi đạt tới mục tiêu. Bản thân việc hỏi có tính cách riêng biệt của Tồn tại, như là hành xử của một cái tồn tại, tức của người hỏi. Việc hỏi có thể hoàn tất như là “chỉ hỏi quanh vậy thôi” hoặc như là việc đặt câu hỏi minh nhiên. Đặc điểm riêng có của việc đặt câu hỏi minh nhiên là ở chỗ: việc hỏi trước hết phải trở nên trong suốt từ trước đối với tất cả những đặc điểm cấu thành kể trên của bản thân câu hỏi.

11

 Cần phải đặt câu hỏi về ý nghĩa của Tồn tại. Như thế, ta đứng trước sự cần thiết phải khảo sát câu hỏi về Tồn tại liên quan đến các mômen mang tính cấu trúc nói trên của việc hỏi.

12

Là đi tìm, nên việc hỏi cần có sự hướng dẫn từ trước của cái “hỏi về”. Vì thế, ít nhiều nào đó, ta đã biết đến ý nghĩa của Tồn tại. Ta biết rằng ta luôn đã từng hiểu ít nhiều về Tồn tại. Từ đấy mới nảy sinh câu hỏi minh nhiên về ý nghĩa của Tồn tại và khuynh hướng tiến đến khái niệm này. Ta không biết “Tồn tại” có nghĩa là gì. Nhưng, ngay khi ta hỏi: “Tồn tại  gì ?”, ta đã ở trong việc hiểu cái “là” này, tuy không thể cố định hóa nó bằng khái niệm rằng “là” có nghĩa là gì. Ta thậm chí không hề biết đến chân trời, từ đó ta nắm bắt và cố định hóa ý nghĩa. Việc hiểu một cách trung bình, tầm tầm và mơ hồ về Tồn tại là một sự kiện hay kiện tính [hiển nhiên](a).

13

Việc hiểu này về Tồn tại cho dù có thể còn rất chao đảo và nhập nhằng, chỉ chạm tới ranh giới của hiểu biết về từ ngữ, nhưng chính sự bất định này của việc hiểu về Tồn tại lại là một hiện tượng tích cực cần được làm rõ. Tuy nhiên, một sự nghiên cứu về ý nghĩa của Tồn tại không mong muốn mang lại kết quả ngay từ bước khởi đầu. Sự diễn giải về việc hiểu về Tồn tại một cách trung bình, tầm tầm chỉ có được manh mối cần thiết khi có được khái niệm được phát triển đầy đủ về Tồn tại. Từ sự sáng tỏ của khái niệm ấy và cách thức thích hợp để thấu hiểu một cách minh nhiên, ta mới có thể nhìn nhận rõ việc hiểu về Tồn tại một cách tối tăm hay chưa được sáng tỏ có nghĩa là gì, và đâu là những kiểu gây tối tăm và cản trở cho việc soi sáng minh nhiên ý nghĩa của Tồn tại là có thể có và không thể tránh được.

14

Việc hiểu tầm tầm và mơ hồ về Tồn tại còn có thể do những lý thuyết và ý kiến cựu truyền về Tồn tại gây ra, theo kiểu những lý thuyết ấy - như là nguồn cội của cách hiểu đang thịnh hành - vẫn còn giấu mặt. Điều cần tìm kiếm trong câu hỏi về Tồn tại không phải hoàn toàn không quen thuộc, dù thoạt đầu chúng tuyệt nhiên không thể nắm bắt được.

15

Cái “được hỏi về” của câu hỏi đang bàn chính là Tồn tại. Tồn tại quy định những cái tồn tại như là những cái tồn tại, và nhờ đó, những cái tồn tại đã luôn được hiểu dù được tìm hiểu như thế nào. Tồn tại của cái tồn tại thì bản thân không phải là một cái tồn tại. Bước đi đầu tiên của triết học trong việc hiểu vấn đề Tồn tại chính là ở chỗ tránh việc mython tina diègeisthai[1] [“kể một câu chuyện”], tức là tránh việc quy cái tồn tại xét như cái tồn tại vào một cái tồn tại khác như là nguyên lai của nó, làm như thể Tồn tại có tính cách của một cái tồn tại khả hữu nào đó. Vì thế, Tồn tại – như là cái “được hỏi về” – đòi hỏi một loại minh chứng riêng biệt, khác về chất với việc phát hiện cái tồn tại. Theo đó, cái “muốn tìm ra” - tức ý nghĩa của Tồn tại - cũng đòi hỏi một sự khái niệm hóa riêng biệt, khác về chất với những khái niệm trong đó những cái tồn tại đạt tới sự quy định của mình về ý nghĩa.

16

Trong chừng mực Tồn tại tạo nên cái “được hỏi về”, và Tồn tại có nghĩa là Tồn tại của những cái tồn tại, nên bản thân những cái tồn tại hóa ra là nơi được hỏi trong câu hỏi về Tồn tại. Có thể nói, những cái tồn tại được tra hỏi vềTồn tại của chúng. Nhưng, để cho những tính cách của sự Tồn tại của chúng có thể phơi bày ra một cách không bị xuyên tạc, chúng, về phần mình, phải trở nên có thể tiếp cận được từ trước đúng như nơi bản thân chúng. Câu hỏi về Tồn tại đòi hỏi rằng sự tiếp cận đúng đắn những cái tồn tại phải đạt được và đảm bảo ngay từ trước đối với cái hay nơiđược hỏi. Nhưng, ta gọi vô vàn sự vật là “tồn tại”(a) và trong nhiều nghĩa khác nhau. Tất cả những gì ta nói về, nghĩ tới hay quan hệ với thì đều “tồn tại”. Bản thân ta là gì và như thế nào thì cũng “tồn tại”. Tồn tại được tìm thấy trong việc là gì và là như thế nào, trong thực tại, trong cái có-đó, trong cái tự tồn, trong giá trị hiệu lực, trong sự hiện hữu (Dasein) và trong cách nói “có một cái gì đó”(b)Vậy, câu hỏi đặt ra là ta phải tìm thấy ý nghĩa của Tồn tại ở trong cái tồn tại nào, và từ cái tồn tại nào, công việc khai phá Tồn tại phải lấy làm điểm xuất phát? Điểm xuất phát này là tùy tiện hay, trong việc triển khai câu hỏi về Tồn tại, một cái tồn tại nhất định nào đó có sự ưu tiên? Cái tồn tại điển hình này là cái tồn tại nào, và nó có sự ưu tiên là theo nghĩa nào?

17

Nếu câu hỏi về Tồn tại phải được đặt ra một cách minh nhiên và được thực hiện trong sự trong suốt trọn vẹn của nó, việc triển khai câu hỏi này - tương ứng với những gì đã được làm sáng tỏ cho tới nay - đòi hỏi việc giải thích cách thức xem xét Tồn tại, cách thức thấu hiểu và nắm bắt ý nghĩa của nó bằng khái niệm, đòi hỏi sự chuẩn bị cho khả năng có thể lựa chọn đúng đắn cái tồn tại điển hình và phát triển cách tiếp cận thích hợp cái tồn tại này. Xem xét, thấu hiểu, nắm bắt ý nghĩa, lựa chọn và tiếp cận là những thái độ hành xử mang tính cấu tạo đối với việc hỏi, và như thế, bản thân chúng cũng chính là những thể cách tồn tại(a) của cái tồn tại nhất định, tức của cái tồn tại không gì khác hơn là chính bản thân ta, người đặt câu hỏi. Triển khai câu hỏi về Tồn tại, do đó, có nghĩa là: làm cho một cái tồn tại - cái tồn tại đang làm công việc tra hỏi - trở nên trong suốt trong Tồn tại của mình. Bản thân việc hỏi câu hỏi này - như là thể cách Tồn tại của một cái tồn tại - thiết yếu được quy định bởi điều “được hỏi về” ở trong việc hỏi: đó là [“hỏi về”] Tồn tại. Về mặt thuật ngữ, ta gọi cái tồn tại này - là chính bản thân mỗi chúng ta và là kẻ, bên cạnh nhiều khả thể khác của sự Tồn tại của mình, có khả thể là đặt câu hỏi - là Dasein. Việc đặt câu hỏi một cách minh nhiên và trong suốt về ý nghĩa của Tồn tại đòi hỏi trước đó một sự giải thích phù hợp về cái tồn tại vừa nêu, tức về Dasein trong quan hệ với Tồn tại của mình.

18

Nhưng, liệu một việc làm như thế rõ ràng không rơi vào một vòng tròn [lẩn quẩn]? Xác định từ trước cái tồn tại trong sự Tồn tại của nó, và rồi trên cơ sở ấy mới đặt câu hỏi về Tồn tại, thế thì có khác gì đi quanh trong một vòng tròn? Thế thì, khi triển khai một câu hỏi, ta há đã chẳng từng “tiền-giả định” điều mà chỉ có câu trả lời cho câu hỏi ấy mới có thể mang lại? Những phản bác mang tính hình thức ấy - điều lúc nào cũng dễ dàng xảy ra trong lĩnh vực nghiên cứu về những vấn đề nguyên tắc rằng nó phạm lỗi “chứng minh theo kiểu vòng tròn” [lẩn quẩn] -, cũng chẳng bao giờ góp phần bổ ích gì trên con đường cụ thể của việc nghiên cứu cả.

19

Trên thực tế, trong việc đặt câu hỏi như đã nêu, không hề có vòng tròn [lẩn quẩn] nào cả. Cái tồn tại có thể được xác định trong sự Tồn tại của nó, mà không nhất thiết phải có sẵn khái niệm minh nhiên về ý nghĩa của Tồn tại. Nếu không phải như thế thì ắt rằng cho tới nay đã không hề có nhận thức hữu thể học nào hết, trong khi sự có mặt của những nhận thức như thế là điều không ai có thể phủ nhận được. Trong mọi nền hữu thể học cho đến nay, “Tồn tại” đều được “tiền-giả định”, nhưng không có sẵn đó như là khái niệm, - tức không phải như là cái “được tìm” hay cái “được hỏi về”. “Tiền-giả định” về Tồn tại mới chỉ mang tính cách của một cái nhìn sơ bộ về Tồn tại, theo kiểu là: dựa trên cái nhìn ấy, những cái tồn tại đã được mang lại được phát biểu một cách tạm thời trong Tồn tại của chúng. Cái nhìn sơ bộ làm chức năng định hướng như thế về Tồn tại nảy sinh từ việc hiểu Tồn tại một cách tầm tầm, như ta bao giờ cũng vốn thế, và rốt cuộc là thuộc về cấu trúc bản chất hay căn tính(a) của bản thân Dasein. Một sự “tiền-giả định” như thế tuyệt nhiên không phải là thiết định một nguyên tắc, để từ đó diễn dịch ra một chuỗi những mệnh đề. “Vòng tròn suy luận” [lẩn quẩn] tuyệt nhiên không thể nằm trong việc đặt câu hỏi về ý nghĩa của Tồn tại, bởi, trong việc trả lời cho câu hỏi, vấn đề không phải là đặt cơ sở có tính diễn dịch, mà là làm lộ rõ và phơi bày ra cơ sở ấy(b).

20

Tuy không có một “vòng tròn chứng minh [lẩn quẩn]” trong câu hỏi về ý nghĩa của Tồn tại, nhưng lại có một “mối quan hệ lùi lại hay tiến tới” rất đáng lưu ý của cái “được hỏi về” (tức Tồn tại) đối với việc hỏi như là thể cách Tồn tại [đặc thù] của một cái tồn tại [tức của Dasein]. Tính thiết thân tận căn để của việc hỏi của ta đối với “cái hay nơi được hỏi” là thuộc về ý nghĩa thâm thúy nhất của câu hỏi về Tồn tại. Nhưng, điều này chỉ có nghĩa là: cái tồn tại, với tính cách là Dasein, - có một mối quan hệ - thậm chí là mối quan hệ đặc sắc - với bản thân câu hỏi về Tồn tại. Và phải chăng điều này chưa đủ chứng minh rằng một cái tồn tại đặc thù lại có sự ưu tiên đối với Tồn tại, và rằng cái tồn tại điển hình ấy quả, ngay từ trước, có chức năng hàng đầu như là “cái hay nơi được hỏi” trong câu hỏi về Tồn tại. Với những gì đã bàn cho tới nay, ta chưa chứng minh được sự ưu tiên của Dasein, đồng thời cũng chưa xác quyết về chức năng khả hữu hay thậm chí tất yếu của Dasein như là cái tồn tại trở thành cái hay nơi để được tra hỏi. Song, chắc hẳn đã có một sự báo hiệu về điều gì đó giống như là sự ưu tiên của Dasein

 



(a) Angemessene Durchsichtigkeit / suitable transparency; (b) ausgezeichnete / eminent; (c) sein Gefragtes / what is asked about; (d) ein Befragtes / what is interrogated; (e) das Erfragte / what is to be ascertained.

(a) ein Faktum / a fact.

[1] Plato, Sophistes, 242c

(a) Seiend / existent; (b) “es gibt” / “there is”.

(a) seinsmodi / modes of being.

(a) Wesenverfassung des Daseins / the essential constitution of Da-sein; (b) aufweisende Grund-Freilegung / laying bare and exhibiting the ground.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt