Siêu hình học

Nghịch lý thứ hai giữa các ý niệm siêu nghiệm

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC

 

QUYỂN II

CÁC SUY LUẬN BIỆN CHỨNG

CHƯƠNG II

NGHỊCH LÝ (ANTINOMIE) CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY: 

 

TIẾT 2

NGHỊCH ĐỀ LUẬN (ANTITHETIK) CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY

2a 2b 2c 2d 2e

 

Nghịch lý thứ hai giữa các ý niệm siêu nghiệm

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 

 


Immanuel Kant. “Các nghịch lý của lý tính thuần túy”, trong Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.


 

 

CHÍNH ĐỀ

MỌI BẢN THỂ ĐA HỢP* TRONG THẾ GIỚI ĐỀU BAO GỒM NHỮNG ĐƠN TỐ* VÀ KHÔNG CÓ GÌ TỒN TẠI MÀ BẢN THÂN KHÔNG PHẢI LÀ ĐƠN TỐ HAY LÀ ĐƯỢC TỔ HỢP TỪ NHỮNG ĐƠN TỐ.

 

CHỨNG MINH

Bởi vì, giả thiết rằng những bản thể đa hợp không được cấu tạo từ những đơn tố, vậy nếu khi sự tổ hợp bị tư duy thủ tiêu thì cái đa hợp lẫn đơn tố (theo giả thiết là vốn không tồn tại) đều không còn, do đó là không bản thể nào được mang lại cả, [tức không có sự vật gì tồn tại cả]. Vậy, hoặc là không thể thủ tiêu mọi sự tổ hợp trong tư duy, hoặc là sau sự thủ tiêu, vẫn còn lại một cái gì không phải đa hợp, cái đó chính là đơn tố. Nhưng trong trường hợp trước, bản thân cái đa hợp không thể bao gồm những bản thể (vì đối với những bản thể, sự tổ hợp chỉ là một quan hệ bất tất giữa những bản thể với nhau, nghĩa là dù không có sự tổ hợp thì chúng vẫn phải tồn tại như những bản thể thường tồn, tự mình [như những đơn tố]). Song, vì trường hợp này mâu thuẫn với giả thiết nêu trên, vậy chỉ có giả thiết ngược lại mới đúng: những bản thể đa hợp trong thế giới được cấu tạo từ những đơn tố.

Từ đó, hệ luận trực tiếp là: những sự vật trong thế giới - không có ngoại lệ - đều là những đơn tố; còn sự tổ hợp chỉ là trạng thái bên ngoài của chúng và mặc dù ta không bao giờ có thể tách rời và cô lập những bản thể cơ bản [những đơn tố] ra khỏi trạng thái nối kết này, nhưng lý tính phải suy tưởng những đơn tố như là những chủ thể đầu tiên cho mọi sự tổ hợp, do đó có trước sự tổ hợp - như là những bản thể đơn giản, [những đơn tố].

 

PHẢN ĐỀ

KHÔNG SỰ VẬT ĐA HỢP NÀO TRONG THẾ GIỚI ĐƯỢC CẤU TẠO TỪ NHỮNG ĐƠN TỐ VÀ KHÔNG TỒN TẠI BẤT KỲ ĐƠN TỐ NÀO TRONG THẾ GIỚI

 

CHỨNG MINH

Hãy giả thiết rằng: một sự vật đa hợp (như là Bản thể) được cấu tạo từ những đơn tố. Nhưng vì mọi mối quan hệ bên ngoài, do đó, mọi sự tổ hợp từ những bản thể chỉ có thể có được trong không gian, vậy không gian - do cái đa hợp ấy chiếm chỗ - cũng phải được cấu tạo từ những bộ phận không gian bằng cùng một số lượng với những bộ phận chứa đựng trong cái đa hợp kia. Nhưng, không gian không chứa đựng những đơn tố mà chỉ chứa đựng những không gian. Vậy, mỗi bộ phận của cái đa hợp cũng phải chiếm một không gian. Nhưng những bộ phận tuyệt đối nguyên sơ này của cái đa hợp là những đơn tố, cho nên, cái đơn tố chiếm một không gian. Song, vì mọi cái thực tồn chiếm một không gian đều chứa đựng trong nó cái đa tạp gồm những bộ phận ở ngoài nhau, do đó đều là đa hợp và cái đa hợp thực tồn ấy phải bao gồm những bản thể chứ không phải những tùy thể (vì chúng không thể tồn tại ở ngoài nhau độc lập với bản thể), vậy nếu kết luận rằng đơn tố phải là một cái đa hợp có tính bản thể, rõ ràng là tự mâu thuẫn.

Vế thứ hai của phản đề - trong thế giới không thể tồn tại bất kỳ đơn tố nào - thực ra cũng giống như nói: sự tồn tại của cái đơn tố tuyệt đối không thể chứng minh được bằng kinh nghiệm hay bằng tri giác bên ngoài cũng như bên trong nào và cái đơn tố tuyệt đối chỉ là một Ý niệm đơn thuần mà tính thực tại khách quan của nó không thể chứng minh trong một kinh nghiệm khả hữu nào cả, do đó không thể áp dụng và cũng không có đối tượng khi trình bày về thế giới hiện tượng. Bởi vì, nếu thử giả thiết rằng ta có thể tìm được một đối tượng cho Ý niệm siêu nghiệm như thế ở trong kinh nghiệm, hẳn trực quan thường nghiệm về một đối tượng như thế sẽ tuyệt đối không chứa đựng cái đa tạp nào của những bộ phận ở ngoài nhau và được nối kết lại thành một nhất thể. Nhưng, không thể từ sự không có ý thức về một sự đa tạp như thế rồi suy ra rằng sự đa tạp là hoàn toàn không thể tồn tại trong trực quan về một đối tượng, trái lại, vì sự chứng minh về sự bất khả thể [của cái đa tạp] là cần thiết [để thiết lập và chứng minh] tính đơn thể tuyệt đối (absolute Simplizität), do đó phải kết luận rằng tính đơn thể không thể được suy ra từ bất kỳ tri giác nào. Tóm lại, vì một đối tượng tuyệt đối đơn thể không thể được mang lại trong bất kỳ kinh nghiệm khả hữu nào, trong khi đó thế giới cảm tính phải được xem là tổng thể của mọi kinh nghiệm khả hữu, vậy: không có cái gì là đơn tố được mang lại trong thế giới.

Vế thứ hai của phản đề này đi xa hơn vế trước nhiều. | Vế trước chỉ xóa bỏ cái đơn tố ra khỏi trực quan về cái đa hợp, ngược lại vế sau xóa bỏ hẳn ra khỏi toàn bộ giới tự nhiên, do đó, nó không thể được chứng minh từ khái niệm về một đối tượng được mang lại của trực quan bên ngoài (về cái đa hợp) mà cả từ quan hệ của đối tượng ấy với kinh nghiệm khả hữu nói chung.

 

NHẬN XÉT VỀ NGHỊCH LÝ THỨ HAI

1. VỀ CHÍNH ĐỀ

Khi tôi nói về một cái toàn bộ tất yếu bao gồm những đơn tố, tôi hiểu nó chỉ là một cái toàn bộ có tính bản chất như là cái đa hợp thực sự, nghĩa là, tôi hiểu rằng cái nhất thể bất tất của cái đa tạp - được mang lại một cách tách rời (ít nhất trong tư duy), - được đặt vào sự nối kết qua lại và qua đó tạo nên một nhất thể. Cho nên, thực ra, người ta không nên gọi không gian là một COMPOSITUM (latinh: SỰ ĐA HỢP) mà là một TOTUM (latinh: cái toàn bộ), vì những bộ phận của không gian sở dĩ có được là nhờ ở trong cái toàn bộ chứ không phải cái toàn bộ có được là nhờ những bộ phận. Dù sao chỉ nên gọi đó là một COMPOSITUM IDEALE (sự đa hợp trong tư tưởng) chứ không phải là một COMPOSITUM REALE (sự đa hợp thực tồn). Tuy nhiên đây chỉ là sự phân biệt chi ly thôi. Vì [thực ra] không gian không phải là một cái đa hợp của những bản thể (cũng chưa từng là của những tùy thể thực tồn) nên nếu tôi trừu tượng hóa mọi sự tổ hợp trong đó, sẽ không gì sót lại cả, dù là một điểm,- bởi một điểm chỉ có thể có được như là ranh giới của một không gian-, (do đó, của một cái đa hợp). Vậy, không gian và thời gian không bao gồm những đơn tố. Vì cái gì chỉ thuộc về trạng thái của một bản thể, dù nó mang một lượng (ví dụ: [sự vận động hay] biến đổi) cũng không bao gồm cái đơn tố, tức là, một độ nhất định của sự biến đổi không sinh ra từ sự cộng dồn của nhiều sự thay đổi đơn giản [có tính đơn tố]. Kết luận của ta về cái đa hợp từ cái đơn tố chỉ có giá trị cho những sự vật tự mình tồn tại như bản thể. Nhưng những tùy thể của một trạng thái lại không tự mình tồn tại. Như vậy, người ta có thể dễ dàng làm hỏng sự chứng minh về tính tất yếu của cái đơn tố khi xem nó như là bộ phận cấu thành của mọi cái đa hợp có tính bản chất, và qua đó làm hỏng cả toàn bộ công việc của họ [chứng minh chính đề], nếu người ta dẫn chính đề này đi quá xa và muốn nó có giá trị cho mọi cái đa hợp mà không chịu phân biệt, như đã thường thực sự xảy ra.

Vả lại, ở đây tôi chỉ nói về cái đơn tố trong chừng mực nó được mang lại một cách tất yếu trong cái đa hợp, tức là cái đa hợp có thể được tháo rời ra thành những đơn tố như là những bộ phận cấu thành của nó. Ý nghĩa thực sự của thuật ngữ “MONAD” (ĐƠN TỬ) (như Leibniz đã sử dụng) chỉ liên quan đến cái đơn tố được mang lại một cách trực tiếp như là bản thể đơn giản (chẳng hạn, trong tự ý thức) chứ không phải là một yếu tố cấu thành của cái đa hợp, mà người ta có thể gọi một cách đúng hơn bằng từ ATOMUS (NGUYÊN TỬ). Và nếu tôi muốn chứng minh những bản thể đơn giản [đơn tố] chỉ trong mối quan hệ với cái đa hợp như một thành tố của nó, tôi có thể gọi chính đề của nghịch lý thứ hai này là Nguyên tử luận siêu nghiệm (Atomistik). Nhưng vì chữ này từ lâu đã được dùng để chỉ một học thuyết đặc thù về những hiện tượng vật thể [phân tử] (MOLECULAE) lấy những khái niệm thường nghiệm làm tiền đề, nên nó có thể gọi là nguyên tắc [hay định lý] biện chứng [sai lầm] về ĐƠN TỬ LUẬN (MONADOLOGIE).

2.   VỀ PHẢN ĐỀ

Chống lại mệnh đề này về một sự phân chia vô tận của vật chất mà cơ sở chứng minh của nó đơn thuần có tính toán học, các nhà đơn tử luận đưa ra nhiều luận cứ phản bác. | Các phản bác này tự tỏ ra khả nghi, khi họ không muốn thừa nhận những chứng minh toán học minh bạch nhất chính ra là những mệnh đề nhìn rõ tính chất của không gian, trong chừng mực không gian thực ra chỉ là điều kiện mô thức cho khả thể của mọi vật chất, trái lại, họ xem những chứng minh toán học chỉ như là những kết luận rút ra từ các khái niệm trừu tượng và tùy tiện không thể có áp dụng nào vào những sự vật hiện thực. Họ làm như thể có thể tưởng tượng ra một phương cách trực quan nào khác hơn là phương cách được mang lại trong trực quan nguyên thủy về không gian, và như thể các quy định tiên nghiệm của không gian không thể đồng thời áp dụng vào tất cả những gì vốn sở dĩ có thể có được chỉ là nhờ lấp đầy không gian này. Nếu ta nghe theo lời họ, ắt ta sẽ phải - ngoài những điểm toán học vốn là đơn thuần nhưng không phải là bộ phận mà chỉ là ranh giới của một không gian - suy tưởng thêm những điểm có tính vật lý học, tuy cũng đơn thuần như vậy nhưng có thêm ưu điểm như là những bộ phận của không gian, do sự hỗn hợp đơn thuần (Aggregation) mà lấp đầy không gian này. Tôi không muốn lập lại ở đây rất nhiều những sự bác bỏ phổ biến và rõ ràng về sự phi lý này: ai cũng thấy rằng không thể chỉ dựa vào các khái niệm suy lý đơn thuần để phá bỏ sự hiển nhiên của toán học một cách ngụy biện. | Tôi chỉ đưa ra nhận xét rằng, sở dĩ trong trường hợp này triết học tỏ ra phân biệt đối xử với toán học bằng những lập luận ngụy biện là vì nó quên rằng trong vấn đề này ta chỉ bàn đến thế giới hiện tượng và những điều kiện của thế giới này mà thôi. Ở đây, chỉ đi tìm khái niệm về cái đơn tố cho khái niệm thuần túy của giác tính về cái đa hợp là chưa đủ, điều cần làm là phải phát hiện trong trực quan về cái đa hợp (vật chất) cái trực quan về đơn tố. | Nhưng theo những quy luật của cảm năng và do đó, đối với những đối tượng của giác quan, điều này là hoàn toàn không thể có được. Trong trường hợp cái toàn bộ bao gồm những bản thể đơn tố chỉ được suy tưởng bằng giác tính thuần túy, có thể cái toàn bộ ấy nhất thiết phải chứa đựng những đơn tố trước khi trở thành cái đa hợp. | Nhưng điều đó hoàn toàn không đúng với cái “TOTUM SUBSTANTIALE PHAENOMENON) (latinh: cái Toàn bộ mang tính bản chất như là hiện tượng), là cái - với tư cách là trực quan thường nghiệm trong không gian - có đặc điểm tất yếu là không có bộ phận nào là cái đơn tố, vì lý do là không có bộ phận nào của không gian là đơn tố. Vả chăng, các nhà Đơn tử luận cũng đủ thông minh để tránh khó khăn này bằng cách giả định tiên quyết rằng trực quan và quan hệ năng động giữa những bản thể chính là điều kiện cho khả thể của không gian, thay vì xem không gian là điều kiện khả thể cho những đối tượng của trực quan bên ngoài, tức là cho những vật thể. Ở đây, ta chỉ có một khái niệm về những vật thể như là những hiện tượng, và với tư cách đó, chúng nhất thiết phải xem không gian là điều kiện tiên quyết cho khả thể của mọi hiện tượng bên ngoài. | Sự lẫn tránh này hoàn toàn vô ích, vì nó đã bị hoàn toàn cắt đứt một cách đầy đủ ở phần Cảm năng học. Còn nếu giả thử những vật thể lại là những vật-tự thân, thì chứng minh của các nhà Đơn tử luận hẳn nhiên là có giá trị.

Khẳng định biện chứng thứ hai này [tức phản đề] có điểm đặc biệt là nó đối lập lại với một mệnh đề giáo điều duy nhất trong số những mệnh đề muốn chứng minh về một đối tượng của kinh nghiệm mà thực ra trước đây đã được ta chỉ xem là thuộc về các ý niệm siêu nghiệm, đó là mệnh đề muốn chứng minh về tính đơn thể tuyệt đối của bản thể [linh hồn]. Đó là mệnh đề cho rằng đối tượng của giác quan bên trong tức cái Tôi tư duy là một bản thể đơn thuần [đơn tố] tuyệt đối. Ở đây ta không đi sâu vào đề tài này (- vì ta đã xem xét khá dài trong chương trước -), tôi chỉ nêu thêm nhận xét rằng: nếu cái gì được suy tưởng chỉ như một đối tượng mà không được thêm vào bằng một quy định tổng hợp của trực quan về nó (- như đã xảy ra trong trường hợp biểu tượng hoàn toàn trần trụi về “cái Tôi” -) chắc chắn không có cái gì đa tạp và không có sự đa hợp nào trong một biểu tượng như thế có thể được tri giác cả. Vả lại, vì những thuộc tính, qua đó tôi suy tưởng được về đối tượng này chỉ là những trực quan của giác quan bên trong, nên trong đó không thể có gì để chứng minh được một cái đa tạp [có các bộ phận] ở bên ngoài nhau, do đó, không có bằng chứng nào về sự tồn tại của một sự đa hợp thực sự [trong biểu tượng “cái Tôi”]. Cho nên, chỉ có cái Tự ý thức với đặc điểm là: chủ thể tư duy cũng đồng thời là đối tượng của chính nó, nó không thể tự phân chia được, (mặc dù nó có thể phân chia các quy định phụ thuộc vào nó) vì bất cứ đối tượng nào trong quan hệ với nó đều là một nhất thể tuyệt đối. Nếu chủ thể này được xem xét từ bên ngoài như một đối tượng của trực quan, thì với tính cách của một hiện tượng, chủ thể ấy có đặc điểm của cái đa hợp. Và nó luôn luôn phải được xem xét như vậy, nếu ta muốn biết ở trong nó có chứa đựng cái đa tạp gồm các bộ phận ở ngoài nhau hay không.

 

 


* - “bản thể đa hợp”: “zusammengesetzte Substanz”. (Chúng tôi dịch Zusammensetzung là sự tổ hợp, nhưng ở đây “zusammengesetzte Substanz” được tạm dịch là “bản thể đa hợp” hoặc “cái đa hợp” để dễ phân biệt với cái “đơn tố”.

* - “đơn tố”: “das Einfache”, “einfache Teile”: “cái đơn thuần”, “những bộ phận đơn thuần” cũng được tạm dịch ở đây là “đơn tố”, “những đơn tố” (# cái đa hợp) cho gọn và dễ phân biệt. (N.D).

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt