Trần Đức Thảo

Giai đoạn cao nhất của tư tưởng Hy Lạp (thế kỷ V tr.CN)

 

III - GIAI ĐOẠN CAO NHẤT CỦA TƯ TƯỞNG HY LẠP

(thế kỷ V tr. CN)

 

TRẦN ĐỨC THẢO (1917-1993)

 


Trần Đức Thảo. Lịch Sử Tư Tưởng Trước Marx. Nxb. Khoa học xã hội, 1995.


 
 

Trong giai đoạn này phát sinh ở Hy Lạp những tư tưởng quan trọng nhất, ảnh hưởng tới tư tưởng Tây phương cho tới Marx - Engels, đó là tư tưởng duy tâm phát triển ở Đại Ý, nhất là ở Elée, và tư tưởng duy vật máy móc, chủ yếu là Démocrite trong khu vực Athènes (ảnh hưởng Athènes), và tư tưởng luân lý nhân văn của phái Sophisme (tranh biện).

Đây là 3 phái quan trọng mà 2 phái trên là chính đã phân chia các triết gia làm 2 phái cho tới Marx - Engels mới đạp đổ mâu thuẫn đó.

Mục đích yêu cầu:

Nêu rõ nguồn gốc, phần chân chính, phần nguy biện và quyền lợi giai cấp mà chủ nghĩa đó tiêu biểu, góp phần vào vấn đề đấu tranh tư tưởng hiện tại, vì nó hãy còn duy trì .

1 - Nguồn gốc chủ nghĩa duy tâm siêu hình ở Đại Ý

Sau khi ở Tiểu Á, do Ba Tư chiếm cứ và bảo hộ, những thành thị tự do (giữa thế kỷ VI tr. CN) văn minh đi vào đường suy đồi, mất cơ sở độc lập, và một phần nhân dân trong đó có những nhà tư tưởng như Pythagore, Xénophane di cư sang các căn cứ thực dân ở Đại Ý. Họ mang theo vốn văn hóa của Ionie. Đại Ý là đất mới, trước kia ở chế độ thị tộc mà nhân dân Hy Lạp mới chiếm trên cơ sở chiếm đoạt đất đai của thổ dân và biến họ thành nô lệ, mở được những thành thị thịnh vượng về công thương nghiệp. Giai cấp quý tộc có một vai trò đặc biệt quan trọng (hơn ở Ionie, vì chủ yếu chúng sống về đất đai mà ở đấy có ít đất phì nhiêu, đồng thời nó phát triển công thương). Đồng thời cũng có một phe dân chủ (đấu tranh gay go địa chủ - quý tộc). Những nhà tư tưởng từ Ionie sang Đại Ý, nói chung đứng về quí tộc, đồng thời hấp thụ được vốn duy lý mà các nhà tư tưởng duy vật ở Ionie đã xây dựng (căn bản tư tưởng quí tộc là tư tưởng tôn giáo, nhưng ở đây là bán tư sản, phần nào xây dựng, hấp thụ tư tưởng duy lý), phát sinh một thứ triết học mới có tính chất duy lý nhưng căn bản là huyền bí (khác tôn giáo cũ), nguồn gốc của duy tâm siêu hình. Người tiêu biểu nhất trong công cuộc lật ngược duy vật biện chứng thành duy tâm siêu hình là Xénophane. Ông phản đối tôn giáo nhiều (phản đối sự vẽ, quan niệm thần như người), nhưng chỉ đi đến một tôn giáo mới, phục tùng ông thần vô hình toàn quyền do ở tinh thần, vì thế nên chỉ huy và hiểu biết được sự vật (thần hay hoàn toàn là tinh thần, không có một tí nào là duy vật, và là một thần duy nhất. Tất cả tư tưởng duy vật duy lý, trước kia có tác dụng đánh đố tôn giáo, trở nên một sự cải lương tôn giáo, tiếp thu vào thần thánh những tư tưởng tiến bộ do loài người xây dựng được. Nó tập trung cho một chuyển biến quan trọng về giai cấp (quí tộc ở nhà chống duy lý, nhưng sang đất mới nó tiếp thu tư tưởng đó theo một cách riêng). Các triết gia sau ở Đại Ý tiếp thu truyền thống kết hợp duy lý và thần bí, nó tổ chức thành Hội kín thờ thần, nhưng chủ yếu là đấu tranh giành chính quyền.

[Elée:

- Nguồn gốc thế giới: là một tồn tại duy nhất không chia cắt, bất động.

- Chỉ căn cứ vào lý tính mới nhận thức được sự vật, dư luận và lý trí.

- Vạn vật chỉ có vẻ mâu thuẫn nhưng sự thực bất sinh, bất động và bất diệt.

Biện chứng tiêu cực:

- Thấy vấn đề mâu thuẫn của vận động và xét vận động theo luân lý.

- Không nhận thần sáng tạo mà coi hình bầu dục hay hình cầu là tồn tại tuyệt mỹ nhất]

Điển hình là Pythagore tổ chức và nắm được chính quyền Crotone ở Nam Ý. Trong «liên minh Pythagore» có 2 phần: một phần hoàn toàn tôn giáo - nội quy riêng bảo đảm linh hồn thuần túy và bất diệt (được hưởng một số bí quyết, để xuống âm phủ đọc lên để giữ linh hồn - Osiris), đồng thời nội dung mê tín đó được củng cố bằng tư tưởng khoa học nhất là toán học.

Pythagore là người đầu tiên xây dựng nên toán học thuần túy, tách khỏi thực tế cụ thể, đề cao thành một bí quyết vũ trụ (mọi vật biến chuyển trong vũ trụ do qui luật của toán pháp, đặc biệt là «qui luật số lượng»): tiếng đàn cao thấp (tính chất trực quan phụ thuộc độ dài và độ căng của dây đàn (khoa học số lượng). Số lượng chi phối trực quan và chính nó là thực chất vũ trụ (mỗi số là một điểm - nhiều số thì thành hình các khối - vũ trụ), chẳng những thế mỗi số là thực chất của đức tính.

[Pythagore:

Liên minh Pythagore (Hội kín thành chính quyền): 

- Nội quy tôn giáo - bào đảm linh hồn.

- Toán học (thuần túy) thần thánh hóa.

- Liên hệ: bói toán. tử vi cũng là một thứ toán học thần thánh hóa, nhưng cũng phải ở một mức khoa học nào: trước kia bói toán bằng mây, gió, chim bay, xương nứt khi đốt, v. v...

- Căn bản của toán pháp là quy luật bất mâu thuẫn. Trong quá trình tiến chuyền, nó có tính chất biện chứng (số, đại số). Nhưng trong một quá trình đồng nhất, tính chất biện chứng chỉ có phần nào và hơi hình thức thôi.

Pythagoricien:

- Vật chất là số và điểm.

- Nó có quy luật: sự điều hòa của quy luật các số lượng có quy luật.

- Vũ trụ là những hành tinh quay quanh một khối lửa - âm điệu.

- Tinh thần là mảng éther nhưng bất diệt và có thể di chuyển.

- Mâu thuẫn chỉ có bên ngoài sự vật - biện chứng có tính tiêu cực.

- Công trình khoa học.

- Yếu tố tôn giáo]

Tính chất thần thánh hóa số lượng rất phổ biến, hiện nay còn nhiều (kể cả bên ta). Nó do thần thánh hóa tư tưởng duy lý, do kinh nghiệm sản xuất (toán pháp do sản xuất) phản ánh sự quí tộc hóa những thành tích khoa học của phong trào cách mạng. (Nội dung duy tâm siêu hình là một cơ sở duy lý về phần luân lý và khoa học, nếu không chỉ là mê tín. Nội dung duy lý ấy là kết quả của một cuộc cách mạng bị sáp nhập, hấp thụ vào mê tín, thần thánh.) Xénophane và Pythagore mới đặt ra khía cạnh. Sau đó, nó được đưa lên tới hình thức nguyên lý với Parménide và Zénon, cho rằng thực chất của thực tại là bất động, bất sinh, bất diệt. Lần đầu tiên với Parménide phân biệt hai con đường: dư luận và chân lý. Con đường dư luận là cảm thức. Với con đường này, vũ trụ xuất hiện như một sự biến chuyển có hạn (ám chỉ phái Ionien, Héraclite), và con đường chân lý là một sự bất động, vì bất động mới có chân lý và thống nhất mỗi một mặt mà thôi. Vấn đề là Parmenide có nắm được một số đặc tính của chân lý, và cắt đứt với cơ sở thực của nó là cảm thức, ông đã tuyệt đối hóa quá trình trừu tượng hóa, lý tính hóa (thực ra thực tại luôn luôn biến chuyển nên sự xây dựng chân lý phải liên tục). Ông đã đảo lộn chân lý và lấy mục đích để định nghĩa thực tại. Sự đảo lộn đó thực tế là trật tự xã hội, những kết quả của xã hội bị tập trung vào tay một bọn thống trị không thể tiến bộ được nữa - nó phủ nhận kinh nghiệm thực tế, quan niệm vĩnh viễn như thế (liên hệ: lúc ta không tiến bộ được nữa thì sẽ tuyệt đối hóa cái đã có và bảo vệ nó). Để chứng minh sự bất di bất dịch đó, Zenon đưa ra một số mệnh đề rất danh tiếng, cho mãi tới Marx – Engels mới đánh đổ được (trước kia có những người phản đối nhưng chưa thể đánh đổ được về phương diện lý luận: Diogène ở phái Cynique cũng không thể đả phá được trong lập trường tư tưởng).

[Pannénide, Zénon: dư luận và chân lý (cảm thức)]               

2 - Duy vật máy móc 

Đó là nguồn gốc xây dựng duy vật siêu hình ở Athènes vào thế kỷ V tr. CN. Đồng thời (thế kỷ V tr. CN), phe dân chủ ở Athènes có xây dựng một phong trào duy vật. Sự thực, trước đó nó đã là mầm mống ở Nam Ý với Empédocle, đã trở lại truyền thống duy vật ở Ionie nhưng ở một trình độ cao hơn: máy móc (trước kia biện chứng nhưng là biện chứng lơ mơ - hướng phát triển là máy móc - khái niệm rõ hơn, bộc lộ thực chất trình độ trước).

Tư tưởng máy móc này cũng xuất hiện với hình thức cổ điển (nguồn gốc của chủ nghĩa nguyên tử): vạn vật do sự thu lại hay tách ra của những phân tử nhỏ do sự yêu và sự ghét.

Tư tưởng duy vật này xuất hiện ở Athènes với Anaxagore (sinh và trưởng thành ở Clazomènes (Ionie), sau di cư sang Athènes. Với ông, duy vật tiến lên hình thức gần với nguyên tử với thuyết «phần tử đồng loại» (homoeoméries): cái thống nhất các phần tử đó lại là một thứ tinh thần tự nhiên (không có tính chất duy tâm). Tới Leucippe và nhất là Démocrite, nguyên tử xuất hiện với hình thức cổ điển - điển hình của duy vật máy móc. Mọi vật do những nguyên tử cấu tạo, thống nhất nhờ trọng lực, nguyên tử rơi và cuốn vào nhau làm thành thế giới. Đó là tư tưởng tư sản dân chủ, tư tưởng máy móc do trong thực tế mà ra (công nghiệp, tổ chức công nghiệp và phát triển), nhưng sở dĩ nó bị hạn chế như thế vì phương thức sản xuất tư sản nói chung: bóc lộ bằng mua bán, tổ chức tiền tệ (mọi vật đều bị đồng loạt hóa trong đơn vị tiền, và mọi vật có thể phân chia nhiều lần nhưng đến một trình độ giới hạn nào). Chính đó là phần hạn chế và xuyên tạc những kinh nghiệm sản xuất trong thực tế (trong sản xuất có một lúc nào sản vật đồng loại, nhưng sau một cái có chất khác). Vì giới hạn đó nên tư tưởng duy vật không thể đánh đổ được tư tưởng duy tâm.

“Mâu thuẫn giữa duy tâm và duy vật kéo dài mãi, đại diện cho mâu thuẫn giữa hai giai cấp trong thực tế, và chỉ kết thúc khi có mâu thuẫn khác gay gắt hơn, đẩy mâu thuẫn trên vào hàng thứ nhì và lu mờ.

[Empédocle, Anaxagore, Leucippe, Démocrite.

Anaxagore :

- Vật chất là do kết hợp nhiều mảnh nhỏ, vật thể vận động

- Mảnh nhỏ không đồng nhất, và có vận động sinh ra tinh thần tự nhiên - một thứ logos vật chất nhưng lại ở ngoài duy vật.

- Mặt trời và bầu trời là đá nóng rực. 

Empédocle : 

- Vạn vật do lửa, không khí, nước và đất

- Kết hợp và tan rã do yêu và ghét.

- Vận động chỉ trong không gian và tuần hoàn.

- Mầm mống «thích nghi sinh tồn» và «đào thải tư nhiên» trong lối giải thích cơ cấu của vật thể.

Démocrite:

- Vạn vật, hệ nguyên tử kết hợp do trọng lượng

- Vật chất liên kết với vận động 

- Tinh thần cũng do nguyên tử tinh vi

- Tri thức là phản ánh của thực tế khách quan nhưng chưa triệt để: ý kiến 2 loại

- Nguyên tử là hình thái cuối cùng

- Triệt để chống tôn giáo

- Démocrite phủ nhận giá trị của cảm giác - thuyết nguyên tử

[Quan niệm đồng loạt và hạn chế giới hạn của vũ trụ quan tư sản

- Tác dụng kinh nghiệm tiền tệ

- Vạn vật đều là một khối lượng đơn vị

- Đi đến một giới hạn «nguyên» nào đó sẽ không có sự phân chia nữa.

Nó bắt nguồn từ kinh nghiệm sản xuất: tất cả mọi vật đều do những bộ phận nhỏ lắp lại với nhau, nhưng tư sản hạn chế kinh nghiệm này ở chỗ làm mất Chất của vạn vật].

 

Ghi chú thêm về

VĂN MINH VÀ TRIẾT HỌC HY LẠP

 

- Sở dĩ tư tưởng Triết học duy tâm duy lý của Hy Lạp là một bước gián đoạn với tư tưởng Đông phương, vì mặc dù bóc lột nhưng ở Đông phương nó chưa thành tư tưởng Triết học mà duy vật và duy tâm lẫn lộn trong tôn giáo. Căn bản tôn giáo có cả duy vật (quan hệ mua chuộc, tiền tệ - trắng trợn khát máu - động cơ - tác phong), nó duy tâm ở chỗ mơ hồ huyền bí hóa quan hệ duy vật đó. Tới Hy Lạp, yếu tố duy vật (không biện chứng) đó bị quét sạch nhờ trình độ xã hội cao hơn (Đông phương: dân tự do cũng là một thứ nô lệ của nhà vua; Hy Lạp: thứ dân tương đối dân chủ) nên bớt quan hệ mua chuộc, khát máu mà tiến lên hình thái triết học. Vĩ đại nhất là Platon và bắt đầu là Parménide, Xénophane... Các ông đặt khái niệm và tính chất khái niệm làm thực tế tuyệt đối (sự vật có thể thay đổi nhưng khái niệm vẫn còn). Một vài nhà triết học đã có ý phổ biến cho cả nô lệ nữa (dân chủ trong thứ dân đã cạn) .

- Sự phát triển của tư tưởng tự do Hy Lạp nhờ tính chất tiến bộ đó của xã hội. Sau này các xã hội có một trình độ duy lý cao, nhưng chưa thực hiện được tự do vì tính chất dân chủ ở một số nước thấp hơn. Nhưng ta chú ý nó có triển vọng phát triển ra, sâu và rộng rãi hơn (Trung Cổ tới thế kỷ IX đã tiếp thu được trình độ khoa học Hy Lạp, và thế kỷ thứ XII - XIII đã tiếp thu được toàn bộ lý thuyết Hy Lạp), vì ở Hy Lạp dân chủ chỉ ở trong chủ nô, nô lệ không được hưởng, thành phần tư sản chủ yếu là bóc lột, trái lại sau này mức dân chủ thấp nhưng nó có khả năng phổ biến rộng rãi (toàn thể bình dân), và nông nô khi trốn ra tỉnh đã biến thành dân tự do và thị dân nói chung, cả tư sản đều có lao động. Và như ở thế kỷ XVII, trong xã hội có sự đấu tranh cho tự do.

- Sự xuất hiện của duy tâm cũng là một sự sáng tạo ít hay nhiều. Một giai cấp suy tàn không có sáng tạo mà chỉ trở lại cái đã có. Parménide lần đầu tiên đặt quy luật của luân lý hình thức «có là có, không là không» - đồng nhất, và bất mâu thuẫn) nó cũng biểu hiện một sinh lực nào. Đó là nhờ quí tộc tiếp thu được tư tưởng tư sản và chủ yếu là khoa học (căn bản của khoa học là luận lý). Sở dĩ như thế vì ở đây quí tộc còn có vai trò tiến bộ: khai thác đất mới (khác quí tộc Sparte hoàn toàn phản động) và phần nào phát triển công thương (quí tộc bán tư sản). Trong cuộc chiến đấu tư sản - quí tộc, quí tộc là phản động nhưng nó qua Nam Ý, một xã hội còn lạc hậu (thị tộc), thì vai trò của nó là tiến bộ tương đối - truyền bá văn minh. Công trình của nó là đã khái niệm, tư tưởng hóa mê tín. Nó không đưa ra những giải thích thêm thánh thần bằng thần thoại, mà đã đi đến những khái niệm (Pythagore: toán học - Parménide: luận lý hình thức).

(So sánh sự kiện này với Việt Nam không được, vì bấy giờ ở bước tiến từ thị tộc qua nô lệ là tất nhiên, và dưới thị tộc không xâm lược vì chưa có dân tộc. Thực ra tính dân tộc hình thành suốt nô lệ, phong kiến, tới tư bản chủ nghĩa mới trưởng thành. Vấn đề xâm lược chỉ đặt ra khi đã có mầm mống, cơ sở và tiền đồ phát triển thành dân tộc: địa lý, kinh tế, xã hội, văn hóa, v. v...; xâm lược mới chỉ là dẫn đề khi xét nó trong khối dân tộc Việt Nam, nếu tách riêng không thành vấn đề). 

Nô lệ không có triển vọng tiến lên thống trị vì không có triết học, không có hệ tư tưởng. Tư tưởng hệ là một triển vọng về tương lai. Nông dân phải xét trong tư tưởng, và lúc tư sản phát triển nó cũng có ảnh hưởng vươn lên, nhưng không có thể thành hệ thống được. Vì nó luôn phải dựa vào giai cấp khác (một minh quân mầm mống hay giai cấp tư sản), nên tư tưởng của nó bao giờ cũng nằm trong giới hạn của phương thức hệ phong kiến hay tư sản, dù nó có những đặc tính của nó.

3 - Những triết gia tranh biện

Gồm những cá nhân không tập hợp có xu hướng tương tự. Nó phát triển đồng thời với Anaxagore (hạ bán thế kỷ V tr. CN). Người ta gọi là Sophisme (Hiền nhân), những người này có thể gọi là làm nghề triết học, đi dạy con em nhà giàu và nói ở các diễn đàn, dạy ăn, ở, sống, nói cho hay, v. v.. (một kiểu kẻ sĩ ở chế độ dân chủ thành thị).

Tư tưởng và phương pháp họ rất phức tạp nhưng có hướng chung:

Có sự cạnh tranh: tranh luận để tranh giành khám phá – xu hướng này dẫn tới Ngụy biện.

Các nhà sophisme chủ trương nhân văn ra khỏi giới hạn hẹp hòi của thành thị. Tư tưởng đạo đức của họ vượt ra ngoài khuôn khổ đạo đức cũ: «phục vụ quốc gia thành thị» mà bao trùm rộng lớn. Họ đề cao xã hội nói chung. Tính chất này do kinh tế đã phát triển tới hình thức quốc tế.

- Chia làm 2 phái già và trẻ, căn cứ vào thời gian. Phái già phần nào còn giới hạn trong đạo đức cũ, phái trẻ tương đối tiến bộ hơn, đả phá đạo đức cũ về 2 phương diện: phạm vi hẹp hòi; tư tưởng áp bức bóc lột.

- Lấy triết học làm nghề dạy đời.

- Nhân văn:

Đề cao loài người, đặc biệt là tổ chức xã hội và năng lực sản xuất.

Đề cao đối với thiên nhiên và truyền thống tôn giáo. Lấy người làm giá trị tuyệt đối (Protagoras: «thước đo lường mọi sự việc là người» - phản đối mọi thứ thần thánh lý trí siêu nhiên). Platon cho là: «ai muốn nói gì thì nói, không có gì là chân lý»; Protagoras: «Chúng ta cãi nhau, ghét nhau trong xã hội, nhưng nếu bây giờ trở lại đời sống nguyên thủy ta sẽ thấy ác nhất bây giờ con người dã man» (đề cao xã hội văn minh của loài người). Xu hướng đề cao kỹ thuật sản xuất (Hippias biết đủ mọi nghề - làm lấy áo, cày), kinh nghiệm nhân văn (Prodicos: «Mọi kiến thức đều do kinh nghiệm», người có nhiều kinh nghiệm là người giỏi nhất).

Cuối thế kỷ V tr. CN, sự đề cao giá trị nhân văn, xem con người là quý đi đến một hướng tiến bộ: phản đối chế độ chiếm hữu nô lệ, nhưng chưa tới khái niệm, lý luận.

Vì tác phong tranh luận kiếm tiền, dần dần nó tiến tới xu hướng ngụy biện phi nội dung, chỉ chú trọng vào phương pháp cãi cho hay, lý luận hùng hồn - do tính chất nhân dân dân chủ - trau dồi lý luận, nhưng căn bản là nhân dân, chủ nô nên đi đến tranh giành thính giả. Nguy biện.

Với khuynh hướng duy vật máy móc và nhân văn này ở Hy Lạp và chế độ dân chủ, đã đi đến một đỉnh cao nhất: vũ trụ quan tương đối duy lý và nhân sinh quan nhân văn... đặt giá trị tuyệt đối của đời sống trong xã hội văn minh. Nhưng cơ sở nhân văn này hẹp hòi vì:

- Dân chủ chỉ là chủ nô,

- Dân chủ hạn chế trong thành thị (Athènes quản trị rộng lớn nhưng chỉ dân chủ trong chủ nô Athènes thôi).”

Vì thế nó chỉ phát triển có giới hạn đến lúc gặp mâu thuẫn giữa chủ nô - nô lệ, Athènes thành thị tùy thuộc và phát triển trong nét chung Athènes và Sparte (chiến tranh Péloponèse biểu lộ mâu thuẫn của chế độ dân chủ chủ nô thành thị, đánh dấu giới hạn của nó). Đến 404 tr. CN, Athènes thua và từ bấy giờ phe quý tộc lại lên, chủ nghĩa duy tâm siêu hình lại phát triển chống chủ nghĩa duy vật máy móc và xu hướng nhân văn chủ nghĩa. Phái lên nắm chính quyền nhờ đội quân xâm lược là phái quý tộc của Platon (vĩ đại nhất của duy tâm). Bấy giờ Platon còn trẻ chưa lãnh đạo nhưng ở trong đội quân tinh nhuệ nhất của Athènes phản quốc [quí tộc Athènes phản quốc mở thành cho quân Sparte, lên nắm chính quyền nhờ quân đội xâm lược.]

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt