Triết học giáo dục

Giáo dục ... hậu hiện đại?

CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC (BÀI 52)

GIÁO DỤC… HẬU HIỆN ĐẠI?

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Trong khoảng vài mươi năm trở lại đây, tư duy giáo dục bị chao đảo bởi cuộc tranh luận chung quanh khái niệm “hậu-hiện đại”! Mượn cách nói nổi tiếng của Marx, “hậu-hiện đại” quả là bóng ma ám ảnh cả châu Âu, rồi cả thế giới! Hậu-hiện đại đồng nghĩa với cái gì… lộn xộn, vô-chính phủ, vì thế, đáng sợ và đáng ghét?


 

Thời gian dài, các nhà giáo dục tưởng rằng chỉ cần chọn lựa giữa đạo đức và dửng dưng, giữa sự khách quan và sự tùy tiện, giữa cái phổ quát và cái tương đối, giữa khoa học và… nhảm nhí. Nhưng không, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục - vẫn là đứa con ngoan ngoãn nhất của thời Khai minh - người ta mới bắt đầu nhận ra rằng: phải học cách từ bỏ lối nhìn giản đơn “đen-trắng” ấy đi! “Bóng ma hậu-hiện đại” ngày càng hiện hình rõ rệt và vô cùng… đa diện. Xin thử bàn một phương diện của nó thôi: về lý tưởng giáo dục hiện đại và hậu-hiện đại chung quanh việc xây dựng “con người chủ thể tự trị”. Chúng ta sẽ làm quen với hai tác giả “hậu hiện đại” tiêu biểu: Jean-François Lyotard (1924-1998) và Michel Foucault (1926-1984).  

TỪ BỐN CẤP ĐỘ GIÁO DỤC CỦA KANT

Để đạt tới sự “trưởng thành’ của cá nhân - mục tiêu của giáo dục hiện đại -, theo Kant, cần bốn bước tuần tự và không thể nhảy cóc, bỏ qua bước nào. Kỷ luật hóa, văn hóa hóa, văn minh hóa là ba bước đầu tiên của giáo dục, đều do bên ngoài mang lại và áp đặt. Chúng là cần thiết để đạt đến cấp độ thứ tư, cao nhất: đạo đức hóa. Đạo đức hóa là biết suy nghĩ và hành động theo những mục đích tốt đẹp phổ quát. Ba bước đầu là “được giáo dục”, bước sau cùng hầu như là “tự giáo dục”. Con người thô lậu ban đầu rút cục nhận ra và biết tôn trọng quy luật đạo đức tuyệt đối để có thể trở thành một chủ thể tự trị. Chỉ trong cấp độ thứ tư này, khi con người tự ban bố quy luật cho chính mình, mới vươn đến được sự tự do. Đó là hạt nhân của lời kêu gọi nổi tiếng của Kant khi trả lời câu hỏi “Khai minh là gì?”: hãy trưởng thành, tự biết sử dụng đầu óc của chính mình! Chủ thể tự trị, do đó, là chủ thể tuân thủ quy luật như tuân thủ chính mình. Câu hỏi đặt ra: làm thế nào? Chính ở đây, gặp phải cái mà Kant gọi là “nghịch lý sư phạm”: “Một trong những vấn đề lớn nhất của giáo dục là làm sao có thể hợp nhất việc phục tùng sự cưỡng bách với khả năng sử dụng sự tự do của chính mình?”. Tự do, tức tự quyết, luôn đi liền với sự áp đặt từ bên ngoài. Việc giáo dục thành chủ thể bao giờ cũng ở trong sự căng bức giữa tự do và áp đặt ấy.

Trình bày của Kant cho thấy tư tưởng về giáo dục phát triển thế nào trong (thời) Hiện đại theo hướng nhân văn chủ nghĩa: xây dựng chủ thể tự do ngay trong sự phụ thuộc và giằng co với thế giới bên ngoài.

Trong lý tưởng nhân văn chủ nghĩa, từ Kant đến Humboldt, người ta phân biệt giữa học chuyên môn và giáo dục phổ quát. Học chuyên môn chỉ mang lại con người công cụ; giáo dục phổ quát mới hình thành nhân cách. Mục tiêu của giáo dục, do đó, là đào luyện và phát huy cả thể xác, tinh thần và tâm hồn. Giáo dục biến chủ thể thành một thành viên tự giác của xã hội, nghĩa là, đi từ sự không trưởng thành đến sự tự trị. Phương tiện để đạt tới tự do là làm việc với những nội dung phổ quát, dựa trên chân lý, không bị “hạ giá” thành hàng hóa hay lợi ích cục bộ. Vì thế, tri thức, lao động tinh thần và khoa học có vị thế đặc biệt. Khám phá khoa học không phải là phương tiện đơn thuần để thống trị và bóc lột giới tự nhiên, mà để con người tự do hơn trong hành động. Bài học cay đắng đầu tiên: ý tưởng khai phóng này, đến nay, đã không hoàn toàn biến thành sự thật. Khoa học, kỹ thuật, công nghệ, ngược lại, đạt tới cao điểm trong sự hủy diệt của chiến tranh và tàn phá môi sinh!

Tư duy “hậu-hiện đại” bắt đầu nghi ngờ và phê phán quan niệm về sự tự trị của chủ thể. Với lập luận cơ bản: chủ thể không chỉ ở trong sự căng bức cố hữu giữa tự do và áp đặt từ bên ngoài (theo ngôn ngữ triết học Kant, giữa “tự trị” và “dị trị”), mà, trong “hoàn cảnh hậu-hiện đại” ngày nay, còn bị vướng vào vô vàn những quan hệ quyền lực, không chỉ khuất phục mà còn có thể chà đạp chủ thể ấy! Một cái nhìn tỉnh táo đến lạnh lùng đang lật ngược những ảo tưởng của quá khứ. Trong chừng mực đó, “hậu-hiện đại” không phải là “phản-khai minh” mà là “tân-khai minh”, tức tiếp tục con đường phê phán, giải ảo, hay nói như Lyotard, hậu-hiện đại là một cách quan hệ khác với (những giá trị của) hiện đại, hơn là phủ nhận hay thủ tiêu những giá trị ấy.

CÁI NHÌN KHÁC VỀ CHỦ THỂ

“Hậu-hiện đại” không phải là một “thời đại” khác, cũng không biểu thị một thực tại văn hóa được xác định rõ ràng, chính xác. Hậu-hiện đại, đúng hơn, là thái độ tinh thần và là sự thực hành về tính đa dạng, tính dị loại, tính phân thù triệt để của những dự phóng cuộc đời. Hậu-hiện đại nghi ngờ quan niệm của Hiện đại trong tham vọng của nó về một thứ lý tính nhất thể hóa, phổ quát hóa đầy uy lực. Nó nghi ngờ giả định của Hiện đại rằng những hệ thống chính trị, xã hội là “trong suốt”, có thể nhận thức được một cách tường minh, và, do đó, có thể làm chủ được chúng hoàn toàn. Từ đó, nhìn chung, hình dung của Hiện đại về một chủ thể tự quyết, tự chủ, tự trị trở nên đáng ngờ. Lyotard, Michel Foucault, và, nếu kể thêm, nhà nữ hiện tượng học Käte Mayer-Drawe sẽ đào sâu vào những quan hệ quyền lực đang chi phối chủ thể và thậm chí cho rằng chính chúng mới sản sinh ra “tính chủ thể”! “Hậu-hiện đại”, do đó, có tầm quan trọng đặc biệt đối với tư duy giáo dục ngày nay, khi nó nhìn “thế giới cuộc sống” hiện tại bằng nhiều giác độ khác nhau, bởi bản thân “thế giới” ấy không hề giản dị, đơn tuyến, nhất phiến như trước đây nữa.

 


Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, 25.02.2016. Phiên bản điện tử do tác giả Bùi Văn Nam Sơn gửi triethoc.edu.vn


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt