Triết học giáo dục

Quy tắc vàng và ...

CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC (BÀI 11)

 

QUY TẮC VÀNG VÀ...

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40
41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60
                                       

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Bùi Văn Nam Sơn, “Quy tắc vàng và...”. Người Đô Thị, Bộ mới, số 11, 28.11.2013.| Phiên bản điện tử do tác giả gửi cho triethoc.edu.vn


 

Từ triết thuyết giáo dục duy thực (Aristoteles 384-324 tr CN) đến triết thuyết giáo dục duy nhiên (Jean-Jacques Rousseau 1712-1778) mà chúng ta sắp tìm hiểu là khoảng cách... 20 thế kỷ! Có gì trong thời gian dằng dặc ấy? Một con số không? Một "đêm trường trung cổ"? Thưa không! Nhiều định kiến cần được xem xét lại về thời gian chiếm ngót hai phần ba lịch sử châu Âu này. Trước hết, nó không êm đềm, tù đọng, mà như một dòng sông đầy sóng ngầm với nhiều đợt sôi trào: từ thời hậu-cổ đại (Hy lạp hóa), thời kỳ du nhập Ki tô giáo với các Giáo phụ, thời kỳ Ki tô giáo toàn thắng với phong trào kinh viện học, dẫn đến thời Phục hưng, thời Cải cách (tôn giáo) và buổi bình minh của thời cận và hiện đại.

Có thể nói chính sự gặp gỡ đầy bỡ ngỡ và xung đột lúc đầu và nổ lực tiếp thu, hòa giải về sau giữa hai truyền thống xa lạ (truyền thống duy lý Hy-La và truyền thống tín ngưỡng nhất thần Do Thái-Kitô giáo) là động lực cho sự phát triển nền văn minh Tây phương nói chung và cho tư duy giáo dục nói riêng. Thật thế, nhu cầu hòa giải, hội nhập giữa hai truyền thống nói trên là bà đỡ cho hai thành tựu đáng kể nhất: sự thiết lập nền đại học (với tính tự trị và tinh thần tự do học thuật ngày càng mạnh) và phương pháp tư duy phê phán vốn là bản chất của từ "kinh viện" thường bị ngộ nhận theo nghĩa đơn thuần tiêu cực như là "sách vở, giáo điều". Từ các trường học trong khuôn khổ tu viện (scholae monasticae), yêu cầu hòa giải giữa đức tin và lý trí đòi hỏi phải có định chế nghiên cứu độc lập với Hiến Chương riêng như là "cộng đồng nghiên cứu giữa thầy và trò" (universitas magistrorum et scholarium), đánh dấu sự ra đời của hàng loạt những đại học đầu tiên: Bologna (1088), Paris (1150), Oxford (1167), Cambridge (1209), Monpellier (1220), Toulouse (1229) v.v… Trong vòng 400 năm từ trường đại học đầu tiên, 29 trường đã hình thành ở châu Âu, và đến thế kỷ 18, đã lên đến 143 trường (Đức: 34, Ý: 26, Pháp: 25, Tây Ban Nha: 28 v.v…).

Phương pháp "kinh viện" (scholasticism) thịnh hành ngót sáu trăm năm (1100-1700) thực chất là phương pháp tư duy phê phán nhằm mở rộng nhận thức bằng suy luận và giải quyết mâu thuẫn: phân tích và phân biệt khái niệm, đặt câu hỏi, trả lời và phản biện, gọi chung là phương pháp "tranh biện" (disputation). Dưới quyền uy của giáo hội ("triết học là con sen của thần học"), các cuộc "tranh biện" không khỏi đôi khi rơi vào những cuộc tranh cãi vu bổ, buồn cười (thiên thần giống đực hay giống cái? Quả bóng không lọt qua được cái lỗ là vì quả bóng quá lớn hay cái lỗ quá nhỏ?...), nhưng chính việc phải trình bày và bảo vệ tín điều trong bối cảnh ngày càng đa nguyên về tư tưởng đã thúc đẩy tư duy lý luận và hình thành trường phái, luôn tỏ ra khao khát cái mới (như vào thế kỷ 12 khi phát hiện di sản của Aristoteles với hơn 3000 trang sách), ẩn chứa tiềm lực bùng nổ mạnh mẽ khi thời cơ đến. Trong bối cảnh ấy, tư duy giáo dục - tất nhiên, được đặt cơ sở bằng thần học - cũng có những chuyển biến đáng kể, mở đường cho những đột phá vào thế kỷ 18.

QUY TẮC VÀNG

"Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" (Điều ta không muốn người khác làm cho mình thì không làm cho người khác). Quy tắc này nói lên quan hệ tương hỗ, hai chiều giữa ta và người khác, có thể được hiểu từ nhiều giác độ. Giác độ tâm lý học khi diễn tả sự đồng cảm giữa người với người. Giác độ triết học, khi con người biết nhìn người khác cũng như một "cái Tôi". Giác độ xã hội học khi được áp dụng giữa những cá nhân, tập thể, cũng như giữa cá nhân và tập thể. Giác độ tôn giáo với cảm nhận về nhân loại như một toàn thể, có chung một nguồn gốc và thân phận. Thật kỳ diệu khi ta thấy quy tắc này bắt nguồn sâu xa và có mặt rộng rãi hầu như trong mọi nền văn hóa, tín ngưỡng, đạo đức từ đông sang tây, từ cổ chí kim như là cách thức mẫu mực để giải quyết xung đột. Với tư cách ấy, không ngạc nhiên khi nó cũng trở thành một trong những nội dung cốt lõi của giáo dục. Tiêu biểu là cuộc đối thoại nổi tiếng giữa Khổng Tử và môn đệ Tử Cống: Tử Cống vấn viết: “hữu nhất ngôn nhi khả dĩ chung thân hành chi giả hồ?” Tử viết: "kỳ thứ hồ! Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" (Tử Cống hỏi: có một từ nào có thể hướng dẫn con người trọn đời không? Thầy Khổng đáp: đó là chữ "thứ" (hỗ tương nhau). Điều ta không muốn thì đừng làm cho người khác).

Ta dễ dàng tìm thấy cách nói gần như tương tự trong các truyền thống Ấn độ, Islam v.v… Truyền thống Tây phương-Kitô giáo có lúc xem quy tắc này là của riêng mình, căn cứ vào Kinh Thánh Cựu ước, và đặc biệt, được phát biểu theo cách chủ động, tích cực như lời dạy của đức Kitô trong Kinh Thánh Tân ước: "Những gì ngươi muốn người khác làm cho mình thì hãy cũng làm như thế cho người khác", thậm chí, còn "phải yêu thương chính kẻ thù của mình". Phiên bản "tích cực" này mới thật sự xứng danh là "quy tắc vàng", còn phiên bản "tiêu cực" trước đó chỉ mới là "quy tắc bạc"!

QUY TẮC VÀNG VÀ...

Tuy nhiên, từ khá sớm, quy tắc này đã thoát ly khỏi khuôn khổ thuần túy tôn giáo để trở thành quy luật đạo đức tự nhiên. Đó cũng là nhờ công lao của các nhà thần học thuộc nhiều thế hệ. Từ thời các giáo phụ, thánh Augustino đã cương quyết xem quy tắc này là quy luật đạo đức tự nhiên. Đòi hỏi này được phong trào kinh viện sơ kỳ tiếp thu mạnh mẽ hơn nữa, theo đó, việc kết hợp cả hai phiên bản "tiêu cực" và "tích cực" lại với nhau là hoán chuyển yêu sách trong Tân ước (Mathiơ: 7, 12) vốn được hiểu là "luật trời" sang cho quy luật đạo đức tự nhiên. Quan niệm này được tán đồng rộng rãi trong suốt thời Trung cổ, nhất là nơi nhà thần học Thomas Aquino đầy quyền uy. Vào thời cận đại, Hobbes và Locke tái sử dụng và đạt tới cao điểm trong học thuyết triết học và pháp quyền của Thomasius (1655-1728).

Chính Immanuel Kant là người đầu tiên nhận ra chỗ mâu thuẫn của nó: kẻ phạm tội không thể yêu cầu quan tòa đừng bỏ tù mình với lý do quan tòa cũng đâu muốn ở tù! Kant thay thế nó bằng quy luật phổ quát hơn, gọi là "mệnh lệnh nhất quyết": hãy hành động sao cho châm ngôn hành động của bạn bao giờ cũng có thể trở thành một quy luật phổ biến. Nối gót Kant, Bernard Shaw châm biếm: làm ơn đừng làm cho người khác những gì bạn thích, bởi chẳng ai thích giống ai cả! Có người còn thêm thêm: "quy tắc vàng" hay quy tắc của những ai có... vàng?

Nhiều tác giả lại nhận định nghiêm chỉnh: quy tắc vàng là cơ sở cơ bản nhất cho quan niệm hiện đại về nhân quyền, trong đó mỗi cá nhân có quyền được đối xử bình đẳng, và có trách nhiệm hỗ tương trong việc đảm bảo sự công bằng cho tất cả. Một tư tưởng then chốt sẽ được J. J. Rousseau phát triển vào thế kỷ 18, ảnh hưởng trực tiếp đến Thomas Jefferson, người sẽ mang "những quyền không ai có thể chối cãi được" vào trong Tuyên Ngôn Độc lập của Hoa kỳ năm 1776.

Nhưng, ta sẽ còn làm quen đôi chút với Thomas Aquino và Martin Luther, trước khi đến với Rousseau!

BVNS

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt