Triết học giáo dục

Thông tin và tri thức

CÂU CHUYN GIÁO DC (BÀI 55 )

 

THÔNG TIN VÀ TRI THC

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40
41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60
                                       

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Bùi Văn Nam Sơn, Thông tin và tri thc, đăng trên Người Đô Th, B mi, s 49, 26.05.2016. Phiên bản điện tử do tác giả gửi http://triethoc.edu.vn


 

Như ta đã thấy, việc con người suy nghĩ về chính mình đã thay đổi theo dòng thời gian. Các lý thuyết hậu-hiện đại phê phán quan niệm của thời hiện đại về chủ thể trong suốt, tự trị như là sản phẩm đơn thuần của giáo dục. Không, theo họ, chủ thể là sản phẩm của những quan hệ hết sức phức tạp, và nhiệm vụ của giáo dục là giúp cho con người ngày nay có năng lực nhận diện và tra hỏi chính những những điều kiện văn hóa-xã hội phức tạp ấy. Đào tạo và xây dựng “chủ thể phê phán” trước sau vẫn là sứ mệnh của giáo dục, nhất là trong bối cảnh mới mẻ ngày nay: xã hội tri thức.

TRI THỨC TRONG “XÃ HỘI TRI THỨC”

Tại sao khái niệm “xã hội tri thức” đã vượt qua khái niệm “xã hội thông tin”, “xã hội dịch vụ” thịnh hành một thời để trở thành danh xưng tiêu biểu cho thế giới chúng ta hiện nay?Tất nhiên, là một danh xưng, “xã hội tri thức” cũng chỉ là một cách diễn giải về xã hội, nhấn mạnh một số nét cốt lõi và bỏ qua một số nét khác. Nhưng, rõ ràng “tri thức” đã có vị trí quan trọng đặc biệt, giữ vai trò trung tâm của xã hội, bởi nó đã thay đổi ý nghĩa và mang nội hàm mới, rất rộng. Xã hội tri thức không chỉ bao hàm xã hội thông tin, xã hội dịch vụ mà cả xã hội truyền thông, xã hội nguy cơ và xã hội trải nghiệm. Bản thân khái niệm “tri thức”, theo đó, cũng bao hàm cả ba phương diện: tài nguyên tri thức, quản trị tri thức và xử lý tri thức, nhờ vào các “công nghệ tri thức” bảo đảm cho chất lượng và sự đúng đắn của nó. Tri thức, dù muốn hay không, ngày càng mang tính cách hàng hóa, trở thành tài sản kinh tế. Luật sở hữu trí tuệ, luật bản quyền sáng chế là một trong vô số ví dụ.

Trước khi đi sâu tìm hiểu cuộc nghị luận chung quanh “xã hội tri thức”, xin hãy lược qua nội dung của khái niệm “tri thức” và ý nghĩa của nó trong xã hội ngày nay.

SỰ CHUYỂN DỊCH Ý NGHĨA

Suốt hàng nghìn năm, thế giới Tây phương (kể từ thời cổ đại với Platon và Aristoteles) chỉ nhận diện hai loại tri thức. Tri thức “đích thực” (episteme) là tri thức khoa học, có căn cứ và chân thật.Ngược lại là “thường kiến”, “tư kiến” (doxa) trong đời sống thường ngày.Về hình thức phán đoán, cái trước tương đương với sự thức nhận khách quan, cái sau với lòng tin chủ quan. Xét chung với con đường dẫn đến tri thức (methodos: phương pháp), tri thức là lý trí hợp lý, có trình tự, biết cách “làm việc” với nội dung tri thức. Nói ngắn, theo quan niệm cổ điển, tri thức là sự xác tín có cơ sở, khác với phỏng đoán và lòng tin, thông qua quan sát, tìm hiểu có hệ thống (thí nghiệm) hoặc diễn dịch, và sau đó mới tới việc truyền dạy và lĩnh hội nội dung tri thức.

Quan niệm “thiên kinh địa nghĩa” như thế về tri thức dường như chẳng còn ăn nhập gì mấy với quan niệm ngày nay!

Ranh giới giữa tri thức khoa học và các loại hình tri thức khác ngày càng lỏng lẻo. Trong xã hội tri thức, tri thức không chỉ là tri thức khoa học mà bao hàm cả các kích thước khác: kinh nghiệm, trải nghiệm, thực hành xã hội và con người nghiệp dư. “Chuyên gia” có mặt trong mọi lĩnh vực: truyền thông, chính trị, quản lý, doanh nghiệp và tổ chức dân sự. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu khoa học cũng không chỉ theo đuổi mục tiêu duy nhất là tìm kiếm tri thức mới, trái lại, ngày càng chịu sự chi phối của các mục đích ngoài khoa học. Vô số hoạt động khoa học được tiến hành (hoặc phải dừng lại!) từ nhiều nguồn tài trợ khác nhau, xuất phát từ những lợi ích kinh tế, truyền thông đa dạng. Khái niệm “tri thức” không còn thuần khiết, độc lập, tự chủ, chỉ được kiểm nghiệm bằng các tiêu chuẩn thuần lý để xứng danh là “chân lý” một cách rành mạch như trước đây được nữa. Và cho dù tri thức khoa học ngày càng quan trọng, thì bản thân nhà khoa học và hệ thống khoa học cũng không còn độc quyền trong việc tổ chức và phân phối tri thức khoa học.Quan niệm “mới” về quản trị tri thức ra đời. Nó tập hợp, sắp xếp, sàng lọc và đánh giá không chỉ tri thức “khách quan”, mà phải “chiếu cố” đến những lợi ích tiềm ẩn. “Kỹ sư tri thức”. “nhà quản trị tri thức” là những nghề nghiệp mới, tận dụng tri thức khoa học cho lợi ích của nhóm, tập đoàn, hiệp hội v.v.

Tri thức trong xã hội tri thức không còn là một thể thống nhất, mà phân tán ra nhiều nơi và cho nhiều giới.Thậm chí có thể nói, trái với quan niệm của nhận thức luận cổ điển, tri thức không phản ánh thực tại, mà sáng tạo ra thực tại, mở ra những không gian hành động, định ra chuẩn mực cho thực tiễn và lối sống, tức cũng tạo ra “tính chủ thể”, nói như Michel Foucault. Nguồn lực tri thức ngày nay mang cả nét tiêu cực: mở rộng trường hoạt động, đồng thời giới hạn và loại trừ. Tuy vậy, ngày nay cũng khó mà chạy trốn trách nhiệm viện cớ thiếu hiểu biết, bởi tri thức không còn là óc tò mò hay tính hiếu tri của cá nhân, mà là sự chờ đợi và đòi hỏi của xã hội đã được đinh chế hóa, nghĩa là, về lý thuyết, không có chỗ cho kẻ dốt nát và liều lĩnh.

DỮ LIỆU, THÔNG TIN VÀ TRI THỨC

Dữ liệu được xử lý mới thành thông tin.Thông tin được xử lý mới thành tri thức. Thông tin, theo định nghĩa, là khả năng xuất hiện của ký hiệu trong một chuỗi ký hiệu thuộc về một mã nào đó, qua đó xác định được giá trị thông tin, tức tính mới mẻ của nó. Thông tin, cùng tính mới mẻ, là có thể đo lường được. Ngược lại, tri thức là cái gì mang tính chủ quan và theo văn cảnh, đánh giá tầm quan trọng của thông tin, do đó, không thể đo lường được. Thông tin chỉ trở thành tri thức qua thao tác chọn lọc, đánh giá và quyết định của chủ thể. Tri thức gắn liền với bản thân chủ thể, khác với thông tin được chủ thể thu thập và xử lý.Tri thức là cái gì nhiều hơn thông tin, vì nó là hình thức thâm nhập vào thế giới nhờ vào sự nhận thức và thấu hiểu.Khác với thông tin, tri thức không có tính mục đích ngay từ đầu: vào thời điểm tiếp thu thông tin, ta không biết thông tin ấy hữu ích ra sao và sẽ dẫn ta đến đâu.Nói khác đi, tri thức cần đến óc phê phán và trình độ phản tư cao.

Ngày nay, công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại cho phép ta thu thập thông tin khá dễ dànghầu như về mọi hiện tượng, đề tài và lĩnh vực. Nhưng, nếu thiếu sự xử lý cặn kẽ và năng lực phản tư, thông tin vẫn chỉ là thông tin mà thôi, chứ chưa phải là tri thức. Trong tình hình đó, xã hội tri thức, bên cạnh khả năng thao túng và kiềm chế chủ thể, lại buộc phải lấy chính chủ thể phê phán (cách nói khác của “chủ thể tự trị” trước đây) làm tiền đề!

Ta sẽ còn tìm hiểu những vấn đề hệ trọng đặt ra cho giáo dục từ mối quan hệ giữa thông tin và tri thức, trong lòng cuộc nghị luậnrộng lớn hơn giữa giáo dục và xã hội tri thức.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt