Triết học nghệ thuật

Chân lý và Nghệ thuật

 

CHÂN LÝ VÀ NGHỆ THUẬT

BÙI VĂN NAM SƠN


Bài viết này là chương 8 với nhan đề “Chân lý và Nghệ thuật” trong bản Chú giải Dẫn nhập của Bùi Văn Nam Sơn về tác phẩm Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật (Der Ursprung des Kunstwerkes, 1935) của triết gia Martin Heidegger. Sách chưa được xuất bản. Phiên bản điện tử bài viết này đăng trên http://www.triethoc.edu.vn đã được tác giả cho phép.


 

8.1. Nghệ thuật và Techne (§§113-118)

 

MỤC LỤC

1. Từ luận điểm của Hegel về "sự cáo chung" của nghệ thuật

2. "Nguồn gốc là gì?

3. Tác phẩm nghệ thuật và vật

4. Tồn tại của vật dụng

5. Sự tự tồn của tác phẩm nghệ thuật

6. "Cõi sống" và "đất"

7. Bản chất của chân lý

8. Chân lý và nghệ thuật

9. Sáng tạo và bảo tồn

10. Nghệ thuật là thi ca

11. Lời kết

- Heidegger kết luận chương trước với câu hỏi:

 

“Chân lý là gì, khiến cho nó có thể xảy ra như là nghệ thuật, hay thậm chí phải xảy ra như thế? Trong chừng mực nào nghệ thuật?” (§112).

 

Một khi không thể cầu viện đến Thượng đế như đấng toàn tri để hiểu được chân lý của sự vật, thì, trong chừng mực nào đó, chân lý của sự vật ắt phải trở thành một sự trùng hợp giữa sự vật và trí tuệ con người (adaequatio rei ad intellectum humanum). Heidegger gọi đó là chân lý của những cái tồn tại và đồng nhất nó với sự khai mở Tồn tại của những cái tồn tại. Tất nhiên, như ta đã thấy, từ “trùng hợp” (adaequatio) không thật sự là điều Heidegger muốn nói, bởi kỳ cùng, theo ông, sự vật bao giờ cũng vượt khỏi tầm nắm bắt của trí tuệ con người. Nhưng, dù sao, “tồn tại”, tức trở nên không bị che giấu, sự vật phải “trùng hợp” một cách nào đó với trí tuệ con người và cách vận hành của nó. Giống như Kant trong Phê phán lý tính thuần túy, tuy con người không thể “sáng tạo” nên những thực thể trong thế giới theo nghĩa chặt chẽ, con người có thể “thiết lập” một khuôn khổ trong đó sự vật giữ vị trí của chúng nếu chúng muốn trình hiện cho ta, tức, nếu muốn “tồn tại”. Khuôn khổ này có thể là không gian lôgíc hay ngôn ngữ (= không gian phạm trù) nói như Kant, hay là “Cõi sống” như nơi Heidegger, tức không gian khả niệm để con người có thể diễn giải và hiểu được trật tự của sự vật. Muốn “tồn tại”, mọi sự phải có chỗ đứng của mình trong một “Cõi sống” nào đó, do con người thiết lập nên, tức “sáng tạo” nên theo một nghĩa tương đối. Chân lý - hiểu ở đây như là Tồn tại của những cái Tồn tại - tự thiết lập trong việc “sáng tạo” nên Cõi sống của con người. Tác phẩm nghệ thuật chính là sự sáng tạo ấy: chân lý của cái tồn tại tự thiết định chính mình trong tác phẩm và thành tác phẩm.

 

Bản thân việc sáng tạo nên tác phẩm là một “sự biến” trong Cõi sống, ngay giữa lòng những cái tồn tại:

 

“… Có một điều rút cục đã rõ ràng: cho dù ta có hăng say tra hỏi về sự độc lập-tự tồn của tác phẩm đến mấy đi nữa, ta vẫn không nắm bắt được hiện thực của nó, bao lâu ta không đồng ý nắm lấy tác phẩm như một cái gì được tạo tác, được tác động. Việc nắm bắt ấy thật sát sườn, vì trong chữ “tác phẩm”, ta nghe thấy một cái gì được tạo tác hay tác động. Tính cách tác phẩm của tác phẩm nằm ở chỗ nó được sáng tạo ra bởi người nghệ sĩ. Có vẻ thật đáng ngạc nhiên khi định nghĩa sát sườn và có thể làm sáng tỏ mọi điều này về tác phẩm mãi đến bây giờ mới được nhắc đến” (§114).

 

-    Tác phẩm nghệ thuật rõ ràng là những gì do con người tạo ra. Câu hỏi lập tức đặt ra: về phương diện này, bức tranh vẽ giày của Van Gogh khác gì với đôi giày hiện thực? Nếu muốn tiếp cận bản chất của nghệ thuật, ta phải làm rõ sự khác biệt này. Nói khác đi, tác phẩm nghệ thuật khác với vật dụng ở chỗ nào? Vật dụng cũng là cái gì do con người “tạo ra” (geschaffen/produced/created). Nhưng, khi đặt câu hỏi ấy, Heidegger muốn phân biệt giữa sự sáng tạo đích thực (schaffen/genuine creating) và việc đơn thuần sản xuất hay chế tạo (hervorbringen/producing/bringing forth):

 

“Ta suy nghĩ về sự sáng tạo như một sự tạo tác. Nhưng, việc tạo tác cũng là việc chế tạo nên vật dụng. Nghề thủ công – trò chơi của chữ nghĩa thật đáng chú ý! – thật ra không sáng tạo nên tác phẩm, ngay cả khi ta thấy cần thiết phải phân biệt sản phẩm thủ công với hàng hóa do nhà máy sản xuất ra. Nhưng, lấy cái gì để phân biệt việc tạo tác như là sự sáng tạo với việc tạo tác theo cách làm của sự chế tạo? Về mặt chữ thì thật dễ phân biệt việc sáng tạo nên những tác phẩm với việc chế tạo ra vật dụng, nhưng thật khó để theo dõi hai phương thức tác tạo trong những đặc điểm mang tính bản chất riêng biệt của chúng. Mới thoạt nhìn, ta thấy cùng cách hành xử trong hoạt động của người làm đồ gốm với nhà tạc tượng, của người thợ mộc với nhà họa sĩ. Việc sáng tạo ra tác phẩm, tự nó, cũng đòi hỏi việc làm thủ công. Những nghệ sĩ lớn đánh giá năng lực thủ công ở mức cao nhất. Họ trước hết yêu cầu phải rèn luyện cẩn thận năng lực này cho đạt đến sự hoàn toàn thuần thục. Họ, hơn ai hết, luôn nỗ lực rèn luyện để tăng tiến năng lực thủ công”… (§116).

 

Những nghệ sĩ lớn luôn đánh giá cao năng lực và tài khéo về thủ công, nhưng bản thân việc này cũng chưa giúp soi sáng sự khác biệt giữa sáng tạo nghệ thuật và chế tạo vật dụng! Heidegger quay sang tìm sự trợ giúp của từ cổ Hy Lạp: techne.

 

-    Trong “Dẫn nhập vào Siêu hình học”/Einführung in die Metaphysik (bài giảng vài tháng trước khi hoàn tất NGTPNT), Heidegger cho rằng từ techne không có nghĩa nguyên thủy là “nghệ thuật” lẫn “tài khéo”; nó không có nghĩa là kỹ thuật/công nghệ. Trái lại, nó biểu thị một hình thức của nhận thức. Theo đó, từ “techne” liên quan đến động từ tikto, có cùng gốc tac, có nghĩa là làm cho cái gì đó xuất hiện ra, để cho cái gì đó xuất hiện đúng như là chính nó. Techne là một hình thức của alètheuein: để cho cái gì đi từ sự che giấu sang sự không-che giấu. Techne khai mở những gì tự nó không thể xuất hiện, chứ không có nghĩa là chế tạo hay sản xuất.

 

Bản thân từ “nhận thức” cũng cần làm rõ. Ở đây, nhận thức không phải là kết quả của những sự quan sát liên quan đến những sự vật trước đây chưa được biết. Thông tin ấy là quan trọng nhưng không tạo nên phần cốt yếu của nhận thức. Nhận thức theo nghĩa của techne không chỉ là “nhìn ra bên ngoài” (Hinaussehen/looking-beyond), mà là “tồn tại ở bên ngoài” (Hinaussein/being-beyond) những gì có sẵn đó xét như một tồn tại đơn thuần. Nhận thức ở đây là năng lực thiết định Tồn tại của cái tồn tại đặc thù thành tác phẩm.

 

-    Trong về Bản chất của Chân lý/Vom Wesen der Wahrheit (1933/34), Heidegger viết:

 

“Đối với người Hy Lạp, techne cũng là nhận thức, là hiện thực hóa chân lý, là khai mở cái gì tự mình mà cho đến nay chưa được biết tới. Chỉ với tư cách là kẻ mang lại hình thể thì con người mới học hỏi được sự vĩ đại của Tồn tại” (GA36/37, 238).

 

Hiểu biết hay tri thức của techne là biết phải làm điều gì đó như thế nào. Tức cũng biết về sự kháng cự của vật liệu khi ta gặp gỡ và sử dụng chúng. Cơ bản hơn, techne phải biết vị trí của mình ở trong thế giới: techne vừa là techne, vừa là episteme: “Chỉ có Aristoteles mới tách rời episteme [tri thức] và techne, nhưng vẫn giữ vững ý nghĩa cơ bản của episteme. Episteme là nhận thức và trở nên quen thuộc với lĩnh vực được tìm hiểu. Còn techne là nhận thức gắn liền với những gì được sản xuất ra, bằng thủ công hay bằng một cách nào khác” (G36/37, 238). Bây giờ, trong NGTPNT, Heidegger làm sống lại mối quan hệ này giữa technenhận thức:

 

“Ta vẫn thường được lưu ý rằng người Hy Lạp - khá thông hiểu về tác phẩm nghệ thuật - đã sử dụng cùng một chữ techne cho nghề thủ công lẫn nghệ thuật, và gọi người thợ thủ công cũng như người nghệ sĩ với cùng một tên gọi: technites” (§116).

 

Người nghệ sĩ cũng là một technites. Việc sản xuất đôi giày phải được hướng dẫn bởi việc hiểu đôi giày dùng làm gì, hiểu Cõi sống nơi nó thuộc về và tri thức cần thiết để tạo ra nó:

 

“… Techne không hề có nghĩa là thủ công hay nghệ thuật và cũng hoàn toàn không có nghĩa là “kỹ thuật” như ngày nay. Nó không bao giờ có nghĩa là một loại hoạt động thực tiễn. Đúng hơn, chữ techne biểu thị một thể cách của cái Biết. Biết có nghĩa là: đã nhìn thấy, theo nghĩa rộng của việc nhìn; và nhìn lại có nghĩa là: nhận ra cái đang hiện diện xét như cái đang hiện diện” (§§117-118).

 

-    Techne có thể hiểu là một thứ know-how,  bởi phải biết xử lý như thế nào với người và vật. Đồng thời, techne cũng không thể tách rời với phương cách đặc thù nào đó của việc đứng vào bên trong sự khai quang những cái tồn tại, là một thể cách “ở trong nhà của chính mình” trong một khu vực nào đó của Cõi sống. Thế nhưng, ngay điều này vẫn chưa đủ để minh giải chỗ đặc sắc của sự tồn tại của tác phẩm nghệ thuật!

 

- Ở đây, dường như Heidegger quan tâm đặc biệt đến một cái gì khác:

 

Techne - như là cái Biết được trải nghiệm theo thể điệu Hy Lạp - là làm cho cái tồn tại xuất hiện ra, khi nó mang cái đang hiện diện xét như một cái đang hiện diện ra khỏi sự che giấu để đi vào sự không-che giấu của việc xuất hiện ra. Techne không bao giờ biểu thị hành động của một việc làm ra” (§118).

 

Techne để cho sự vật xuất hiện theo nghĩa: sự vật không thể hiện hữu nếu không có techne. Đó là điểm được Heidegger đặc biệt lưu ý, mặc dù đến §118, ông vẫn chưa thể nói một cách minh nhiên về sự khác biệt giữa tác phẩm nghệ thuật và vật dụng, giữa sáng tạo đích thực và việc chế tạo. Việc xét nhà nghệ sĩ như là technites cũng chưa giúp làm sáng tỏ câu hỏi then chốt này:

 

“Nhà nghệ sĩ là một technites không phải vì người ấy là một thợ thủ công vì cả việc tạo ra tác phẩm cũng như việc tạo ra vật dụng đều xảy ra trong việc làm-cho-xuất-hiện-ra nói trên, nghĩa là, trước hết làm cho cái tồn tại xuất hiện ra và hiện diện trong dáng vẻ bên ngoài của nó. Thật thế, những điều ấy xảy ra trong lòng của cái tồn tại đang tự mình lớn lên, trong cái phusis” (§119).

 

-    Như thế, trước mắt, ta mới đạt được sự phân biệt rõ ràng giữa cách thức tồn tại của sự vật trong tự nhiên: đất đá, thú vật, cây cối, và cách thức vật dụng được chế tạo. Chính cái phusis (“Thiên nhiên sinh nở”, “Đất”) siêu vượt lên cả hai và hỗ trợ cho techne của người thợ thủ công lẫn cả người nghệ sĩ. Vậy, một lần nữa, đặc điểm của tác phẩm nghệ thuật ở đâu?

 

8.2. Sự khác biệt giữa người thợ thủ công và nhà nghệ sĩ (§§119-121)

 

-    Heidegger nhấn mạnh bản chất của sự sáng tạo đã được ông đối lập lại với việc đơn thuần sản xuất hay chế tạo vật dụng: “Trong việc sáng tạo nên tác phẩm, điều gì có vẻ như là việc chế tạo theo kiểu thủ công là thuộc về một loại hoàn toàn khác. Việc làm này được quy định và được thấm nhuần bởi bản chất của sự sáng tạo và cũng mãi mãi được bao hàm bên trong diễn trình sáng tạo này” (§119).

 

Vậy, ta phải hiểu tính sáng tạo của tác phẩm nghệ thuật như thế nào để phân biệt nó với việc chế tạo vật dụng vốn cũng được xem là kết quả của một sự tác tạo?

 

“Dưới ánh sáng của định nghĩa về tác phẩm mà ta đã đạt được tới nay, theo đó chân lý xảy ra như là cái “tác” ở trong tác phẩm, ta có thể nêu đặc điểm của sự sáng tạo như sau: sáng tạo là để cho cái gì đó xuất lộ ra như là cái đã được tạo ra. Việc trở thành tác phẩm của tác phẩm là một thể điệu trong đó chân lý trở thành và xảy ra. Tất cả đều ở trong bản chất của chân lý. Nhưng chân lý là gì, khiến nó phải xảy ra trong cái được gọi là cái được sáng tạo? Trong chừng mực nào chân lý có một động lực hướng đến tác phẩm bắt nguồn từ bản chất của nó? Điều này có thể hiểu được không từ những gì đã được làm sáng tỏ cho đến nay về bản chất của chân lý?” (§121).

 

-    Điểm quan trọng đặc biệt nằm ở lời giải thích sau đây: ... “sáng tạo là để cho cái gì đó xuất lộ ra như là cái đã được tạo ra” (… “können wir das Schaffen als das Hervorgehenlassen in ein Hervorgebrachten kennzeichnen”/“to create is to cause something to emerge as a thing that has been brought forth”) (§121)

 

Tất nhiên, vật dụng cũng là cái gì được làm ra, và khi làm ra hay sử dụng nó, ta đứng trong sự khai quang của những cái tồn tại, tức, ở trong chân lý (xem lại: 7.1). Nhưng, đặc điểm ở đây là: vật dụng không khiến cho người sử dụng nó lưu ý rằng nó là cái gì đã được làm ra. Ta chỉ đơn thuần sử dụng nó, giống như người nữ nông dân chỉ “đơn giản mang đôi giày” thôi. Ngược lại, trong tác phẩm nghệ thuật, việc nó đã được làm ra trở nên minh nhiên và nổi bật. Việc xử lý chất liệu sẵn có (tảng đá, khúc gỗ, mảng màu, con chữ v.v..) để người nghệ sĩ tạo nên tác phẩm cá biệt này, được đánh giá ở chính việc làm ấy. Chính nỗ lực sáng tác, sự đề kháng của chất liệu, bằng một cách duy nhất và độc đáo, tác động trở lại và làm lộ rõ cuộc chiến giữa Cõi sống và Đất vốn thường không được chú ý như là tiền đề cho việc “Sống-ở-đời” của ta trong thường nhật.

 

Chân lý, trong đó vật dụng để ta đứng vào, không phải là chân lý được thiết lập lần đầu tiên. Ở đây, lao động của người thợ thủ công tiền-giả định một chân lý đã được xác lập: người thợ biết phải chế tạo nên vật dụng ấy như thế nào. Cũng thế đối với người sử dụng những gì đã được làm ra. Trong khi đó, người nghệ sĩ thì khác: họ không được hỗ trợ bằng một nhận thức như thế. Họ chưa chiếm hữu hay làm chủ chân lý sẽ thấm nhuần quá trình sáng tác. Chân lý ấy chỉ được thiết lập trong quá trình sáng tác và được thiết lập lần đầu tiên. Chính trong nghĩa ấy, ta có thể nói về việc thiết lập nguyên thủytính độc sáng của tác phẩm nghệ thuật. Như cách nói của Heidegger, bất kỳ nghệ thuật lớn nào cũng là một nguồn suối nguyên thủy, đồng thời là bước nhảy căn nguyên (Ur-sprung/primordial leap) giống như giòng suối trào dâng từ lòng Đất để trở nên sông hồ.

 

8.3.    Chân lý “xảy ra” trong nghệ thuật như thế nào? (§§122-126)

 

-    Khác với quan niệm về chân lý của mệnh đề như là sự trùng hợp hay nhất trí giữa phán đoán và thực tại, và với quan niệm về chân lý như là tìm ra bản chất phổ quát “được phát hiện ở trong những khái niệm về loài hay khái niệm phổ biến, tức khái niệm hình thành cái Một có giá trị ngang bằng cho cái Nhiều”, bị Heidegger xem là “cái bản chất vô bản chất” (§90), ta cần nhắc lại quan niệm của Heidegger về chân lý:

 

… “Chân lý là sự tranh chấp nguyên thủy, trong đó cái Trung tâm mở ngỏ giành thắng lợi theo thể điệu riêng của mình, khiến cho tất cả đều đứng ở trong đó và rút ra khỏi đó một khi chúng tỏ lộ ra và ẩn mình đi như là cái tồn tại” (§122).

 

Ta có thể gọi đây là chân lý của Tồn tại (Sein/Being), chứ không chỉ là chân lý của những cái tồn tại (Seinenden/beings). Chân lý của Tồn tại ở đây là sự khai mở phương cách trình hiện để cho sự vật tự trình hiện đúng như bản thân chúng.

 

- Wittgenstein từng nhận xét rằng thế giới/Cõi sống của người hạnh phúc khác với thế giới của người bất hạnh. Bởi họ ở trong những cảm trạng (Grundstimmung/mood) khác nhau. Chính cảm trạng này làm cho họ nhìn sự vật một cách khác nhau. Sự vật/sự kiện vẫn là sự vật/sự kiện ấy, nhưng có thể nói rằng chúng có Tồn tại khác nhau. Trong Tồn tại và Thời gian, Heidegger cho thấy rõ rằng tồn tại-trong-thế-giới hay Sống-ở-Đời cũng là tồn tại trong một cảm trạng nhất định. Cảm trạng khai mở việc con người cảm nhận và sống “thế giới” của mình như thế nào. Cảm trạng khác nhau khiến ta nhìn sự vật trong ánh sáng khác nhau. Vì thế, ở đây chính tác phẩm nghệ thuật sẽ mang lại ánh sáng khác ấy. Sự vật sẽ nhận được một cái nhìn mới trong ánh sáng ấy, hay nói khác đi, Tồn tại của nó được biến đổi, chuyển hóa. Tóm lại, cảm trạng góp phần cấu tạo nên chân lý của Tồn tại được tác phẩm nghệ thuật thiết lập:

 

… “Sự mở ngỏ của cái Mở ngỏ này, tức, chân lý, chỉ có thể là chính nó, nghĩa là chỉ có thể là sự mở ngỏ này, khi và chỉ khi nó tự thiết định bên trong cái Mở ngỏ này của nó. Do đó, luôn phải có một cái tồn tại ở trong cái Mở ngỏ này để sự mở ngỏ đứng vững và có sự bền vững. Khi chiếm lĩnh cái Mở ngõ, sự mở ngỏ giữ cho cái Mở ngỏ luôn mở ngỏ. Ở đây, thiết định và chiếm lĩnh lúc nào cũng được suy tưởng từ ý nghĩa Hy Lạp của chữ thesis, có nghĩa là một sự trưng bày, một sự dựng lên ở trong cái không-che giấu” (§122).

 

- “Thesis” là ý nghĩa Hy lạp của sự “thiết lập”“chiếm lĩnh”, nói lên việc “dựng lên ở trong cái không-che giấu” (Aufstellen im Unverborgenen/setting-up in non-concealment).  Nói dễ hiểu, thesis là tiền đề của mọi kinh nghiệm và trải nghiệm. Khi lần đầu tiên đặt tên cho một sự vật, chẳng hạn: “con voi”, “hoa hồng”, “màu tím Huế”…, qua đó làm cho nó được nhìn nhận và thừa nhận như là bản thân nó, chính là ý nghĩa của thesis. Thesis xác định tồn tại của sự vật, làm cho nó “đứng vững và có sự bền vững”. (Trong chừng mực nào đó, có thể so sánh thesis với thuyết niệm thức/Schematismus của Kant trong Phê phán lý tính thuần túy, B176 và tiếp, bản BVNS, tr. 385 và tiếp).

 

-    Ở tiểu đoạn tiếp theo (§123), Heidegger gợi lên một tư tưởng rất sâu sắc và khá bí hiểm. Theo đó, thesis không thể được hiểu một cách thỏa đáng nếu chỉ xem nó là sản phẩm của một chủ thể nhất định. Trong một nghĩa nào đó, hầu như nó là một “quà tặng”. Vậy, ai hay cái gì là kẻ ban tặng? “Tồn tại” (Sein/Being) phải chăng là cái gì siêu việt (transzendent)?

 

“Khi đề cập đến việc tự thiết định của sự mở ngỏ ở trong cái Mở ngỏ, tư duy đã chạm đến một lĩnh vực chưa thể bàn kỹ ở đây. Chỉ xin lưu ý rằng, nếu bản chất của sự không-che giấu của cái tồn tại thuộc về bản thân Tồn tại một cách nào đó (Xem: Tồn tại và Thời gian/Sein und Zeit, §44), thì Tồn tại, do bản chất của nó, để cho cái không gian của sự mở ngỏ (= sự khai quang của cái Ở đây) xảy ra và du nhập không gian này vào như một nơi chốn trong đó từng mỗi cái tồn tại xuất đầu lộ diện theo thể điệu của riêng mình” (§123).

 

Một mặt, nơi sự mở ngỏ “xảy ra”, nó xảy ra giữa lòng những cái tồn tại, tức nơi đó có sự có mặt của con người. Khi định nghĩa con người như là zoon logon echon (“sinh vật có năng lực ngôn ngữ”) hay “animal rationale” (“sinh vật có lý tính”), ta thừa nhận rằng, khác với mọi sự vật, kể cả mọi sinh vật khác, con người có thể mở ngỏ với sự vật. Nói “Tồn tại xảy ra” cũng không khác gì nói rằng Dasein hay con người có lý tính “xảy ra”. Mặt khác, bây giờ khi nói rằng “chính Tồn tại, do bản chất của nó, để cho cái không gian của sự mở ngỏ (= sự khai quang của cái ở đây) xảy radu nhập không gian này vào như một nơi chốn trong đó từng mỗi cái tồn tại xuất đầu lộ diện theo thể điệu của riêng mình” (§123), ta phải hiểu như thế nào? Phải chăng việc “thiết lập” ấy không phải do con người thực hiện? Heidegger dường như xác nhận điều này ở đoạn tiếp theo:

 

“Chân lý chỉ xảy ra khi tự thiết định chính mình ở trong cuộc tranh chấp và trong không gian do bản thân chân lý khai mở ra. Vì lẽ chân lý là sự đối lập giữa sự khai quang và sự che giấu, nên cái được gọi ở đây là sự “thiết định” hay “thiết lập” mới thuộc về nó. Nhưng, chân lý không tự nó có sẵn từ trước và ở đâu đó trên trời rồi sau đó mới hạ giáng xuống nơi nào đó trong thế giới của những cái tồn tại. Điều này là không thể được bởi lý do đơn giản rằng: chỉ sau khi có sự mở ngỏ của cái tồn tại thì mới có được khả thể cho một sự “ở đâu đó” cũng như cho một “nơi chốn” được lấp đầy bởi những cái tồn tại đang hiện diện. Khai quang sự mở ngỏ và thiết định vào trong cái Mở ngỏ là thiết yếu thuộc về nhau. Cả hai là cùng một bản chất của việc chân lý xảy ra. Việc xảy ra này mang sử tính theo nhiều thể điệu khác nhau” (§124).

 

Có thể hiểu rằng: không có chân lý nếu không có con người sáng tạo nên tác phẩm, đồng thời cũng không có chân lý nếu nó không tự thiết lập trong tác phẩm, trong chừng mực việc thiết lập này không nên hiểu đơn thuần như thành tựu của một chủ thể nào đó, mà nên hiểu như một quà tặng của Tồn tại “để cho cái tồn tại xuất hiện”. Heidegger gọi là “sự biến” hay việc “xảy ra” của Chân lý. Trong Beiträge zur Philosophie (Vom Ereignis) (1936-38) (Vorträge und Aufsätze), Heidegger gọi “sự biến” này là Ereignis (“sự biến chiếm lĩnh một không gian ý nghĩa”) để phân biệt giữa Tồn tại hiểu như kẻ ban tặng với Tồn tại hiểu như phương cách hay thể điệu trình hiện của cái tồn tại theo định nghĩa ở §122. Heidegger gọi cái trước là Seyn, cái sau là Sein như một sự đối lập. Suy tưởng về sự đối lập này là một sự khó khăn, “chưa thể bàn kỹ ở đây” (§123), khi ta nghe Heidegger khẳng định trong Beiträge: “SeinSeyn là một thứ, nhưng lại khác nhau một cách cơ bản” (G65, 171). SeinSeyn là một thứ, ở chỗ cả hai đều nói lên Tồn tại của sự vật. Nhưng, việc tìm kiếm cái trước (Sein) nhận được sự định hướng từ “câu hỏi dẫn đạo” (Leitfrage/guiding question) là: “cái tồn tại là gì?” (“Was ist das Seiende?/What does it mean for something to be?). Việc tìm kiếm này nhìn vào những cái tồn tại và - giống như mọi nỗ lực của siêu hình học - tìm cách nắm bắt cái cơ sở đủ để cho những cái tồn tại đi đến chỗ Tồn tại (Being). Trong khi đó, việc tìm kiếm cái sau (Seyn/Beyng) nhận được sự chỉ dẫn từ cái được Heidegger gọi là “câu hỏi nền tảng” (Grundfrage/fundamental question): “Chân lý của Seyn là gì” (“Was ist die Wahrheit des Seyns/What is the truth of Beyng?” (GA 65, 170-171). (Có thể so sánh với Kant: nếu Sein là thuộc về cách tiếp cận siêu nghiệm/transzendental, thì Seyn là làm việc với những nghịch lý/Antinomies khi ta cố gắng suy tưởng về cái siêu việt).

 

Sự chuyển hóa từ “câu hỏi dẫn đạo” sang “câu hỏi nền tảng” nói lên ý muốn đoạn tuyệt với tư duy siêu hình học, kể cả ngôn ngữ, để đưa triết học trở lại với sự khởi nguyên, như là bước chuẩn bị cần thiết cho một khởi đầu mới sau này trong tư tưởng Heidegger.

 

-    Heidegger cho rằng việc “xảy ra” của chân lý hay “sự biến của Tồn tại” luôn mang “sử tính”. Ông nhấn mạnh rằng Chân lý “xảy ra” bằng nhiều cách:

 

“Một thể điệu cơ bản để chân lý tự thiết lập ở trong cái tồn tại do chính nó khai mở ra chính là việc chân lý tự-thiết định-thành-tác phẩm. Một phương thức khác để chân lý hiện diện là hành vi thiết lập nên nhà nước. Rồi một phương thức khác nữa để chân lý đi đến chỗ chói sáng lên là sự gần gũi với cái gì tuyệt nhiên không phải là một cái tồn tại mà là cái tồn tại có tính tồn tại lớn nhất trong mọi cái tồn tại. Rồi lại có một phương thức khác để chân lý tự thiết lập, đó là sự hy sinh mang tính căn cơ. Một thể điệu khác nữa để biết chân lý trở thành như thế nào chính là việc đặt câu hỏi của nhà tư tưởng, khi việc hỏi ấy là suy tư về Tồn tại, gọi tên Tồn tại trong tính chất đáng để hỏi và cần phải hỏi về nó. Ngược lại, khoa học thì lại không phải là một sự diễn ra có tính chất căn nguyên của chân lý, mà bao giờ cũng là một sự khai triển một lĩnh vực chân lý đã được khai mở, nhất là bằng cách lĩnh hội và khẳng định rằng những gì tỏ lộ ra có thể và tất yếu phải là “đúng đắn” bên trong lĩnh vực ấy. Chỉ khi và trong chừng mực một ngành khoa học vượt ra khỏi cái đúng đắn để đi tới một chân lý, có nghĩa là, đi tới việc vén mở một cách căn cơ cái tồn tại như là cái tồn tại, bấy giờ nó là triết học” (§125).

 

-    Theo đó, tác phẩm nghệ thuật là phương cách thứ nhất, trong đó chân lý được thiết lập giữa lòng những cái tồn tại (từ “tự-thiết lập”/sich einrichten/self-etablish) không nên hiểu theo nghĩa hiện đại là “tổ chức” hay “hoàn tất”, mà nên hiểu như là xu hướng hay động lực của chân lý hướng đến tác phẩm, công trình…). Nhưng nghệ thuật chỉ mới là một trong nhiều “thể điệu căn cơ” (wesentliche Weise/essential way). Tiếp theo là hành động sáng lập nên cộng đồng dân tộc hay nhà nước; thứ ba là trong kinh nghiệm tôn giáo; thứ tư là trong sự hy sinh hay phụng hiến, và thứ năm là trong suy tư về Tồn tại.

 

Heidegger nêu các phương cách khác một cách quá ngắn gọn, ta cũng chỉ có thể đề cập thật khái lược mà thôi.

 

8.4. Chân lý “xảy ra” trong việc sáng lập cộng đồng dân tộc và nhà nước

 

Heidegger đã có nhiều thay đổi trong nhận định của mình về việc chân lý xảy ra trong công cuộc sáng lập quốc gia hay nhà nước. Ta có thể chia làm hai thời kỳ, trước và sau 1936. Trước 1936, Heidegger còn có lòng tin mạnh mẽ vào sức mạnh thiết lập nên “thế giới mới” thông qua “phong trào quốc xã”, đặt người dân Đức vào một “cảm trạng” (Grundstimmung/mood) hoàn toàn khác trước dưới một ánh sáng mới. Điều ấy giúp ta hiểu tại sao những gì Heidegger nói trong Về bản chất của chân lý (1933-34) về “nhà lập quốc sáng tạo” sẽ được ông nói về tác phẩm nghệ thuật của nhà nghệ sĩ trong NGTPNT. Ở thời kỳ này, chân lý - theo nghĩa của ông - xảy ra trong cả hai lĩnh vực. Nhưng, Heidegger cũng sớm nhận ra rằng niềm tin của mình đã bị đặt sai chỗ. Trong Überwindung der Metaphysik/“Vượt bỏ siêu hình học” (1936, GA 7), ta đã thấy cách diễn giải khác của Heidegger về vai trò của Hitler và của những nhà lãnh đạo nói chung: trong bối cảnh mới, những nhà lãnh đạo chỉ là những cá nhân thích hợp đặc biệt với một thế giới nơi đó mọi cái tồn tại đều chỉ được hiểu và được tổ chức như là “vật liệu”. Ngay cả con người cũng ngày càng bị quy giản thành “vật liệu” hiểu như nguồn nhân lực, phục tùng sự tổ chức và kế hoạch. Trật tự và hiệu quả trở thành cứu cánh tự thân. Hệ thống đã được thiết lập chỉ còn đáp ứng yêu cầu của một thứ “chủ nghĩa hư vô” được Heidegger - cùng với Nietzsche - hiểu như “người bạn đồng hành buồn thảm trong diễn trình của Siêu hình học” (GA 7, 92).

 

Sau 1936, Heidegger chỉ còn nói về “những cá nhân độc hành ít ỏi” (jene wenigen Einzelnen/those few single ones), chủ yếu trong lĩnh vực thi ca, tư tưởng và phụng hiến, đi trước trong việc chuẩn bị thời cơ và nơi chốn để mở ngỏ khả thể cho những công trình có sức mạnh tái lập Cõi sống. NGTPNT có thể được xem là một bước chuẩn bị như thế cho loại “nhà tư tưởng độc hành”.

 

8.5. Chân lý “xảy ra” trong đức tin

 

Khi Heidegger nói đến “một phương thức khác nữa để chân lý đi đến chỗ chói sáng lên là sự gần gũi với cái gì tuyệt nhiên không phải là một cái tồn tại mà là cái tồn tại có tính tồn tại lớn nhất trong mọi cái tồn tại”"n Tegger và phụng Hlnen/those s (§125), ông muốn dành cho đức tin một không gian để trở thành nơi chân lý “xảy ra”.

 

Ở đây ta có hai hình mẫu của đức tin trong truyền thống Kitô giáo: Abraham và Moses. Abraham sẵn sàng hy sinh con một của mình là Isaac vì đức tin tuyệt đối vào Thiên Chúa (trong diễn giải của Kierkegaard) khó mà tương thích với quan niệm của Heidegger về “sự hiện hữu đích thực” (Tồn tại và Thời gian, §53, §62). Tình yêu Thiên Chúa của Abraham đặt mình vào mối quan hệ tuyệt đối đối với cái tuyệt đối, để cho cái tự ngã tự chôn vùi để phát hiện kinh nghiệm về Thiên Chúa, và trong quá trình ấy, đánh mất sự khai mở đối với Đất, được Heidegger xem là yêu cầu của “quyết định đích thực”. Mô hình thứ hai dường như phù hợp hơn với quan niệm của Heidegger có thể là Moses. Bước xuống từ đỉnh Sinai, mang lại lề luật của Thiên Chúa cho dân chúng của mình, quả thật Moses đã “thiết lập” một thế giới/Cõi sống mới. Lề luật này một quà tặng đúng nơi, đúng lúc từ “cái tồn tại có tính tồn tại lớn nhất”. Điều này cũng đúng với mọi “nhà tiên tri” khác.

 

8.6. Chân lý “xảy ra” trong sự hy sinh, phụng hiến

 

Dường như ở đây Heidegger hiểu về sự hy sinh, phụng hiến không ở chỗ hy sinh một điều gì hay cho một người nào (theo kiểu Abraham) cho bằng hy sinh chính bản thân mình như gợi ý trong Tồn tại và Thời gian khi con người, nói riêng, những chiến sĩ, đối diện với cái chết. Tính cộng đồng đích thực chỉ được thiết lập khi cái Tôi cô đơn gắn liền với những gì nâng cá nhân lên khỏi chính mình. Tình bạn chiến đấu đặt cơ sở “không phải trong việc con người phải kết hợp với nhau (…), cũng không phải trong việc đồng ý kết hợp lại trong niềm hứng khởi chung, trái lại, sâu xa nhất và duy nhất là ở chỗ: chính sự gần gũi với cái chết, hiểu như sự hy sinh, đặt con người ngay từ trước vào trong cùng một tính hư vô, khiến cho nó trở thành nguồn suối của một sự thuộc về nhau vô-điều kiện” (Các tụng ca của Hölderlin: “Germanier” và “Der Rhein”, GA 39, 72-73).

 

8.7. Chân lý “xảy ra” trong tư tưởng

 

“Một thể điệu khác nữa để biết chân lý trở thành như thế nào chính là việc đặt câu hỏi của nhà tư tưởng, khi việc hỏi ấy là suy tư về Tồn tại, gọi tên Tồn tại trong tính chất đáng để hỏi và cần phải hỏi về nó” (§125).

 

Một mặt, bản thân việc tra hỏi, xét một cách cô lập, quả khó mà mang lại mối dây liên kết vốn là yêu cầu cần thiết để thiết lập tính cộng đồng đích thực. Mặt khác, việc tra hỏi của cá nhân mở ngỏ cho cái tự ngã cô đơn hướng đến sự bí nhiệm không bao giờ có thể giải tỏ được, tức đến với Đất như là nơi xuất phát và nơi quay về của con người. Việc tra hỏi của nhà tư tưởng đánh thức sự băn khoăn, nhưng liệu nó có đủ sức mạnh để nối kết và “thiết lập” cộng đồng? Ta có thể nghĩ đến hình tượng tiêu biểu của Socrates ở phương Tây và các nhà tư tưởng “căn nguyên” khác ở phương Đông!

 

Sau cùng, “vì lẽ bản chất của chân lý là thiết định chính mình ở bên trong cái tồn tại để từ đó mới trở thành chân lý, nên, trong bản chất của chân lý, có một động lực trở thành tác phẩm như là một khả thể đặc thù của chân lý, nhờ đó nó có thể tồn tại ngay trong lòng bản thân cái tồn tại” (§126). Ta sẽ tiếp tục đi vào tìm hiểu “khả thể đặc sắc” ấy.

 


Bài viết do tác giả Bùi Văn Nam Sơn gửi cho Triethoc.edu.vn. Bản quyền ©:Bùi Văn Nam Sơn


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt