Triết học nghệ thuật

"Cõi sống" và "Đất"

 

'CÕI SỐNG' VÀ 'ĐẤT'

BÙI VĂN NAM SƠN


Bài viết này là chương 6 với nhan đề “'Cõi sống' và 'Đất'” trong bản Chú giải Dẫn nhập của Bùi Văn Nam Sơn về tác phẩm Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật (Der Ursprung des Kunstwerkes, 1935) của triết gia Martin Heidegger. Sách chưa được xuất bản. Phiên bản điện tử bài viết này đăng trên http://www.triethoc.edu.vn đã được tác giả cho phép.


 

6.1. “Cõi sống” (§§74-78)

 

MỤC LỤC

1. Từ luận điểm của Hegel về "sự cáo chung" của nghệ thuật

2. "Nguồn gốc là gì?

3. Tác phẩm nghệ thuật và vật

4. Tồn tại của vật dụng

5. Sự tự tồn của tác phẩm nghệ thuật

6. "Cõi sống" và "đất"

7. Bản chất của chân lý

8. Chân lý và nghệ thuật

9. Sáng tạo và bảo tồn

10. Nghệ thuật là thi ca

11. Lời kết

-    Trong NGTPNT, Heidegger hiểu sự cần đến nhau và thuộc về nhau là cuộc chơi tương tác (Widerspiel/counterplay) giữa Cõi sống (Welt/world) và Đất (Erde/earth). Có thể hiểu sự “tương tác” hay đúng hơn, sự “tương thôi” (“thúc đẩy lẫn nhau” như trong “âm dương tương thôi nhi sinh biến hóa”, Dịch truyện, Hệ từ) này như thế nào? Trước hết, cần ôn lại cách hiểu của Heidegger về Cõi sống trong Tồn tại và Thời gian (1927) (viết tắt: TT & TG):

 

-    Trong TT & TG, Heidegger hiểu con người như là “tồn tại trong thế giới” hay “sống ở đời”. “Thế giới”/“Cõi sống” ở đây dịch từ Hy Lạp cosmos như là không gian, xác định nơi chốn phù hợp cho người và vật. “Cõi sống” của tôi vốn luôn đặt tôi và tất cả những gì tôi gặp gỡ vào chỗ của mình. Như thế, “Cõi sống” là thể cách trong đó những cái tồn tại xuất hiện chứ không phải tổng thể những cái tồn tại. Vị trí hay nơi chốn của chúng ở trong Cõi sống của tôi mang lại tính khả niệm cho sự vật, tức mang lại ý nghĩa cho chúng và làm cho chúng có thể hiểu được. Nói ngắn, “Cõi sống” là hệ thống những mục đích và ý nghĩa cấu tạo nên bản sắc và hoạt động của con người. Trong TT & TG, Heidegger tập trung vào thế giới đời thường của sự hoạt động và tác tạo, nhưng thế giới hay Cõi sống ấy mang lại ý nghĩa cho tất cả gì ta có thể làm, cho mọi con đường ta có thể đi để làm cho ta trở thành chính mình.

 

-    TT & TG nhấn mạnh đến tính cách “cá nhân hóa” đối với tính đích thực theo nghĩa là “thế giới hay Cõi sống của tôi”. Nhưng, Cõi sống ấy không thực sự là của riêng tôi, vì tồn tại của tôi là tồn tại với người khác; Cõi sống của tôi là Cõi sống chung. Cõi sống ấy cũng không phải do ta lựa chọn, mà là bộ phận của di sản được thừa hưởng. Như thế, Cõi sống có một ý nghĩa lịch sử hay sử tính. Tôi không thể là gì khác ngoài là thành viên của một thế hệ trong lịch sử của một cộng đồng – dù là cộng đồng toàn cầu như ngày nay.

 

Khái niệm “Cõi sống” ấy được phát triển thêm trong NGTPNT. Cần đọc lại đoạn sau đây:

 

“Cõi sống không phải là sự thâu thập đơn thuần những vật có sẵn, đo đếm được hoặc không đo đếm được, đã biết hoặc không biết. Nó cũng không phải là cái khuôn khổ đơn thuần được tưởng tượng ra, rồi được sự hình dung của ta thêm vào cho tổng số những vật có sẵn như thế. Cõi sống mở cõi, và tồn tại tròn đầy hơn cả những gì có thể nắm bắt được và nhận biết được khi ta vẫn tưởng rằng mình đang ở trong nhà của chính mình. Cõi sống không bao giờ là một đối tượng đứng trước mặt ta và có thể được ta nhìn ngắm. Cõi sống là cái vĩnh viễn không phải là đối tượng khách quan khiến ta phải phục tùng, bao lâu các nẻo đường của sinh tử, phúc họa vẫn còn giữ ta trên con đường đi đến Tồn tại. Ở đâu có những quyết định thiết yếu về lịch sử của chúng ta, ở đâu những quyết định ấy được ta tiếp thu rồi rời bỏ, lãng quên rồi phát hiện trở lại, ở đó Cõi sống mở cõi. Hòn đá không có Cõi sống. Cây cối, thú vật cũng không có Cõi sống: chúng bị cột chặt vào mớ hỗn mang tăm tối của môi trường chung quanh. Ngược lại, người nữ nông phu có một Cõi sống, vì bà cư lưu trong sự mở ngỏ của cái tồn tại. Trong sự đáng tin cậy của mình, vật dụng của bà mang lại cho Cõi sống này một sự cần thiết và gần gũi riêng biệt. Khi một Cõi sống mở ra, mọi vật mới có được sự chậm rãi và vội vàng, xa và gần, rộng và hẹp. Trong sự mở cõi, tính không gian ấy mới tập hợp lại được, và từ đó, hồng ân của thần linh được ban phát hoặc bị rút lại. Ngay cả nỗi bất hạnh của việc vắng mặt của thần linh cũng là một phương cách mở cõi của Cõi sống” (§75).

 

Một mặt, dường như Cõi sống không phải do ta kiến tạo nên, vì nó là “tồn tại tròn đầy hơn cả những gì có thể nắm bắt được và nhận biết được khi ta vẫn tưởng rằng mình đang ở trong nhà của chính mình”, là một “định mệnh sử tính” không thể thoát khỏi hay xóa bỏ. Mặt khác, cần phải hiểu như thế nào về sự thiết lập Cõi sống trong tác phẩm nghệ thuật? Ở đây, nhà nghệ sĩ có phần đóng góp gì? Nhà nghệ sĩ cũng gắn bó với Cõi sống của mình, vậy họ sáng tạo nên Cõi sống ra sao?

 

Heidegger trả lời:

 

“Khi một tác phẩm là tác phẩm thì nó dọn ra một không gian cho tính không gian ấy. Ở đây, “dọn ra”, “dành chỗ cho” có nghĩa chủ yếu là: giải phóng cái mở ngỏ và đặt cái mở ngỏ ấy vào trong các mối quan hệ của nó. Việc thiết lập này diễn ra thông qua việc dựng lên nói ở trên. Tác phẩm, với tư cách là tác phẩm, dựng lên một Cõi sống. Tác phẩm giữ cho sự mở ngỏ của Cõi sống được mở ngỏ. Nhưng, việc dựng lên một Cõi sống chỉ mới là đặc điểm cơ bản đầu tiên trong sự tồn-tại-như-là-tác-phẩm của tác phẩm được bàn ở đây”… (§76).

 

Để hiểu đoạn này, ta nên lưu ý đến hai động từ được Heidegger sử dụng ở đây. Đó là hai động từ tiếng Đức thông dụng: einräumen/makes space for, tức “dọn ra”, “dành chỗ cho”, ngụ ý “mang cái gì đó vào trong một không gian”, và einrichten/etablisch, tức “thiết lập”, ngụ ý cung cấp một không gian: “tác phẩm, với tư cách là tác phẩm, dựng lên một Cõi sống. Tác phẩm giữ cho sự mở ngỏ của Cõi sống được mở ngỏ”.

 

Ta có thể liên tưởng đến Kant, như khi Heidegger lưu ý trong Các cơ sở siêu hình học đầu tiên của Lôgíc học/Metaphysische Anfangsgründe der Logik, khóa giảng mùa hè 1928 (GA 26, 225): Kant sử dụng từ “thế giới/Cõi sống” để chỉ toàn bộ mọi đối tượng của kinh nghiệm khả hữu. Theo đó, những phạm trù có thể được xem như việc cung cấp không gian cho những chất liệu do các mô thức của trực quan mang lại. Như thế, thế giới/Cõi sống có thể hiểu như không gian lôgíc được cấu trúc hóa. “Không gian lôgíc” nói lên mối quan hệ giữa “logos” và “không gian”: Logos cung cấp hay mang lại không gian. Bất kỳ ngôn ngữ nào cũng làm như thế. Do đó, có sự tương đồng giữa không gian ngôn ngữ/không gian phạm trù với “Cõi sống” của Heidegger.

 

-    Trở lại với ngôi đền Hy Lạp, Heidegger viết: … “Chính ngôi đền gắn kết và đồng thời tập hợp chung quanh nó sự thống nhất của những con đường và những mối quan hệ, trong đó sự sinh tử, rủi may, vinh nhục, tồn vong mới có được hình thái của số mệnh đối với con người. Toàn bộ không gian bao trùm tất cả bối cảnh quan hệ rộng mở ấy chính là Cõi sống của dân tộc sử tính này. Chính từ không gian ấy và ở trong không gian ấy mà cả một dân tộc mới lần đầu tiên quay lại với chính mình để thực thi trọn vẹn vận mệnh của mình” (§69). “Toàn bộ không gian bao trùm tất cả bối cảnh quan hệ rộng mở ấy” cho thấy con người được sinh ra trong một “chân trời của sự khai mở” có tính “siêu nghiệm”, hiểu như là chân trời của mọi chân trời cá nhân và, vì thế, được mệnh danh là “Cõi sống”*. Vì thế, “trong bản thảo lần thứ nhất của NGTPNT, Heidegger gọi Cõi sống là “sơ đồ cho cái-có-đó”, mang âm vang của việc mô tả Cõi sống/thế giới như là “cấu trúc bản thể học” trong TT & TG. Như thế, ta có thể hiểu rằng Cõi sống của mỗi người sở hữu một tấm bản đồ siêu hình học (như một loại không gian) nêu rõ những khu vực của Tồn tại và những loại tồn tại cư lưu trên đó và được mọi thành viên của một nền văn hóa “nhập tâm”. “Tấm bản đồ Hy Lạp ắt sẽ phân chia Cõi sống (ít nhất) thành Đất (nơi cư lưu của con người khả tử) và Bầu trời (nơi chốn của thần linh) (về sau, Heidegger gọi là “Cái Bốn”*; “bản đồ” trung đại chia thành Đất (con người hữu tử), Trời (thần linh) và Địa ngục (những linh hồn bị kết án).

 

Hiểu Cõi sống của con người là hiểu những gì “có đó” một cách nền tảng. Ta có thể gọi đó là phương diện “bản thể học” của Cõi sống. (…) Do đó, Heidegger cho rằng chính tác phẩm nghệ thuật “làm cho những cái tồn tại xét như cái toàn bộ [tức được cấu trúc hóa] hiển hiện ra”. Nó “mở ra… Tồn tại của những cái tồn tại”.

 

Tuy nhiên, chung quanh đoạn viết về ngôi đền, Heidegger không chỉ trình bày Cõi sống về mặt bản thể học mà cả về mặt đạo đức học, không chỉ về những gì đang là mà cả về những gì phải là (…), tức cái ethos cơ bản của một nền văn hóa (Sđd, tr. 24): “dựng lên Cõi sống có nghĩa là mở ra cái đúng đắn hiểu như một chuẩn mực hướng đạo, một hình thức trong đó cái gì thuộc về bản chất của cái tồn tại mang lại những điều chỉ dẫn” (§73). Cách diễn giải này hữu lý nếu ta nhớ lại nhận định của Heidegger về các tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp “định đoạt điều gì là linh thiêng, điều gì không linh thiêng; cái gì lớn, cái gì bé; đâu là dũng cảm, đâu là hèn nhát; đâu là cao cả, đâu là thấp hèn; thế nào là chủ, thế nào là nô” (§72).

 

Theo đó, cấu trúc hữu thể học của Cõi sống Hy Lạp có thể được phác họa khái quát như sau (Sđd, tr. 27-28):

 

 

Từ đó, có cấu trúc đạo đức xã hội:

 

-    Nếu đền đài Hy Lạp khai mở Cõi sống Hy Lạp của sự “sống và chết, phúc và họa, … trường cữu và suy tàn”; nếu bức tranh của Van Gogh nói lên Cõi sống của người nông dân, hướng đến “lao động, nhu cầu, sinh nở và tử vong”, thì, một tác phẩm đương đại khác, chẳng hạn Vietnam Veterans Memorial ở Washington D.C: “cũng có sức mạnh mở ra một Cõi sống, nghĩa là, nó cho người dân Mỹ thấy những gì là hệ trọng đối với họ như một cộng đồng. Nó làm điều ấy không phải bằng cách nêu một “thông điệp” rõ ràng, một quyết định đặc thù để diễn giải quá khứ. Cõi sống ở đây là cơ bản hơn bất kỳ một quyết định đặc thù nào; nó là văn cảnh chung quy định những gì cần phải được quyết định, những vấn đề gì là hệ trọng, những vấn đề gì là không hệ trọng. Đài kỷ niệm làm cho người dân Mỹ nhớ đến những vấn đề lớn lao tạo nên sự hiện hữu của họ: sống, chết, thắng, bại, nhục, vinh và sự công chính…” (The lightness of Being, tr. 499).

 

-    Những “Cõi sống” ấy đều có chung những đặc điểm, những vấn đề hệ trọng đối với mọi Dasein ở mọi thời. Nhưng, chính tác phẩm nghệ thuật khai mở những vấn đề này bằng cách diễn đạt cách thức mỗi cộng đồng tự hiểu chính mình như là một mắt xích đặc thù trong lịch sử. Chính điều này mang lại sức mạnh đặc biệt cho tác phẩm nghệ thuật trong việc “mở ra Cõi sống”.

 

6.2. “Đất” (§§79-85)

 

-    Trong khi ngôi đền, bức tranh, tượng đài v.v. thiết lập Cõi sống, tập hợp cái đa tạp thành một cộng đồng nhất quán, thì đó chỉ mới là một mặt, một phương diện của tác phẩm nghệ thuật (§76). Phương diện khác ấy là sự trình bày về Đất, và cả hai (Cõi sống và Đất) mới mang lại sự “xảy ra của chân lý” như một Sự biến chiếm lĩnh một không gian ý nghĩa (Ereignis/event of appropriation):

 

“Khi một tác phẩm được sáng tạo nên từ một chất liệu nào đó – đá, gỗ, kim loại, màu sắc, ngôn ngữ, âm thanh v.v.. –, thì ta cũng bảo rằng nó được tạo ra hay sản xuất ra. Nhưng, cũng giống như tác phẩm đòi hỏi phải có một sự trưng bày theo nghĩa của sự dựng lên một cách phụng hiến và tôn vinh, bởi sự tồn-tại-như-là-tác-phẩm của tác phẩm là chỗ dựng lên một Cõi sống, thì nó cũng cần đến một sự “tạo ra” hay “sản xuất ra”, bởi bản thân sự tồn-tại-như-là-tác phẩm cũng mang tính cách của việc “tạo ra”, “sản xuất ra”. Tác phẩm, như là tác phẩm, là có tính cách “tạo ra”, “sản xuất ra” trong bản chất của nó. Nhưng, tác phẩm tạo ra cái gì? Ta chỉ nhận biết được điều này, khi ta dõi theo cái gọi là việc “tạo ra” hay “sản xuất ra” tác phẩm theo cách nói thông thường” (§77).

 

-    Nếu Errichtung/setting up là “dựng lên”, thì Herstellung/setting forth là “tạo ra”, “sản xuất ra” (nghĩa đen: her-stellen: mang lại ở đây), gợi đến việc chế tạo nên vật dụng. Tác phẩm nghệ thuật, theo nghĩa nào đó, cũng là cái gì được tạo ra từ chất liệu nào đó. Nói đến “Đất”, Heidegger muốn lưu ý đến tính chất liệu/vật liệu của tác phẩm nghệ thuật. Nhưng, cách thức người nghệ sĩ sử dụng chất liệu là hoàn toàn khác với cách thức của người thợ thủ công:

 

“Khi chế tạo một vật dụng, chẳng hạn chiếc rìu, đá được sử dụng hết sạch. Đá tiêu biến đi trong tính phục vụ của nó. Chất liệu càng tốt và càng phù hợp là khi nó chịu tiêu vong đi mà không đề kháng trong sự tồn-tại-như-là-vật-dụng của vật dụng. Ngược lại, ngôi đền - xét như tác phẩm kiến trúc - không làm cho vật liệu tiêu biến đi khi nó dựng lên một Cõi sống, trái lại, chính nó mới làm cho vật liệu lần đầu tiên xuất hiện ra và đi vào trong sự Mở ngỏ của Cõi sống của tác phẩm. Nếu đá núi đi đến chỗ nâng đỡ và giữ yên ngôi đền và mới trở thành đá núi; kim loại đi đến chỗ bóng loáng và lấp lánh, màu sắc đi đến chỗ rực sáng, thanh âm thì vang lên, chữ nghĩa thì nói lên”… (§78).

 

“Chỗ mà tác phẩm thu mình về và làm cho tác phẩm xuất hiện ra trong sự tự-thu-mình-về ấy, ta gọi đó là Đất. Đất là cái xuất hiện và chở che. Đất là cái tự tồn không mệt mỏi và không biết mệt mỏi. Con người sử tính thiết lập sự cư lưu của mình trong Cõi sống ở trên và ở trong Đất. Khi tác phẩm dựng lên một Cõi sống, nó tạo ra, sản xuất ra Đất (…) Tác phẩm đẩy bản thân Đất vào trong sự mở ngỏ của một Cõi sống và giữ nó ở đó. Tác phẩm để cho Đất tồn tại như là Một Đất” (§79).

 

-    Cách hiểu về Đất của nghệ thuật khác và thách thức cách hiểu thông thường theo kiểu chỉ muốn cân đo trọng lượng của đá, phân tích độ dài sáng của màu sắc (§80) với tham vọng muốn làm chủ thực tại, bắt thực tại phải phục tùng những thước đo của con người. Nghệ thuật mở ngỏ trước thực tại là mở ngỏ trước kích thước luôn kháng cự lại tham vọng chiếm hữu của con người. Kích thước linh thiêng, khôn dò ấy được Heidegger gọi là Đất. Nghệ thuật khêu gợi và kêu gọi ta đến với Đất:

 

“Đành rằng nhà họa sĩ cũng dùng màu, nhưng dùng sao cho màu sắc cũng không bị sử dụng hết sạch, trái lại, lần đầu tiên đi đến chỗ sáng lên. Tuy thi sĩ cũng dùng lời, nhưng không giống như những người đang nói và đang viết thông thường sử dụng chữ nghĩa hết sạch, trái lại, dùng nó sao cho lời lần đầu tiên trở thành và mãi mãi đích thực là một lời” (§81).

 

-    Heidegger bắt đầu luận văn bằng cách thử hiểu tác phẩm nghệ thuật như là vật, rồi như vật dụng, tức cái gì được làm ra nó mang theo một ý nghĩa nào đó. Bây giờ, với việc du nhập lần đầu tiên khái niệm Đất, ta có thể hiểu rằng một tác phẩm thành công khi nó tự thể hiện là một vật “duy nhất”, “thống nhất”, “hợp nhất” (§83), có thể mở ra một Cõi sống đã được thiết lập trong mối quan hệ gắn bó với Đất. Với sức mạnh ấy, nghệ thuật đưa ta đến với điều mà Heidegger gọi là “sự biến chiếm lĩnh một không gian ý nghĩa” (Ereignis) (§84). 

 

-    Heidegger kết luận đoạn bàn về “Đất” bằng cách trở lại với ý nghĩa của “vật liệu” (Werkstoff/material)

 

“Trong tác phẩm, chẳng thấy nơi đâu có sự hiện diện của vật liệu” (§82).

 

Điều này có nghĩa rằng, ta trải nghiệm sự khác biệt và khoảng cách giữa tác phẩm nghệ thuật và vật liệu đơn thuần. Ta đã biết bỏ lại đằng sau lưng mình Cõi sống trong đó chỉ có vật dụng và vật liệu.

 

6.3.    Sự “đối mặt” hay sự “tranh chấp” giữa Cõi sống và Đất (§§86-88)

 

Sau khi hiểu Cõi sống như là “dựng lên” một Cõi sống, đồng thời “tạo ra” Đất, Heidegger trở lại với sự tự tồn (Insichstehen/self-subsistence) của tác phẩm nghệ thuật:

 

Việc dựng lên một Cõi sống và việc chế tạo ra Đất là hai nét cơ bản trong sự tồn-tại-như-là-tác-phẩm của tác phẩm. Nhưng, cả hai đều cùng thuộc về sự thống nhất của sự tồn-tại-như-là-tác-phẩm. Ta đi tìm sự thống nhất này, khi ta suy tưởng về sự đứng-vững-bên-trong-chính-mình [= sự tự tồn] của tác phẩm, và cố gắng diễn tả thành lời sự yên nghĩ hợp nhất, đóng kín này của sự tự-dựa-trên-chính-mình [của tác phẩm]” (§83).

 

Sự “yên nghĩ hay yên tĩnh hợp nhất đóng kín” (geschlossene einige Ruhe/closed, unitary repose) này là gì?

 

Ta vừa nói về việc “dựng lên Cõi sống” và “tạo ra Đất”, tức nói về hoạt động, như thể có điều gì đó “xảy ra” trong tác phẩm; và đó là tính cách sự biến, tức không “yên nghỉ”:

 

“Với hai nét cơ bản nêu trên đây, (…) ta muốn cho thấy có một sự biến xảy ra ở trong tác phẩm, chứ tuyệt nhiên không phải là một sự đứng yên tĩnh tại, bởi đứng yên là gì nếu nó không phải là cái đối lập với sự vận động?” (§84).

 

Thế nhưng, Heidegger nói ngay:

 

“… Chỉ có cái được vận động mới có thể đứng yên. Cách thức đứng yên là tùy theo cách thức vận động. Trong sự vận động xét như sự thay đổi vị trí đơn thuần của một vật thể thì sự đứng yên quả chỉ là trường hợp giới hạn của sự vận động. Còn khi sự đứng yên bao hàm sự vận động thì có thể có một sự đứng yên, nhưng đó là một sự tập hợp bên trong của sự vận động, do đó, là một tính linh hoạt tối cao, với điều kiện rằng phương thức vận động ấy đòi hỏi một sự đứng yên như thế. Đó chính là cách đứng yên của tác phẩm dựa trên chính mình…” (§84).

 

Đến đây, ta phần nào hiểu được dụng ý của Heidegger khi trích dẫn bài thơ “Đài phun nước La Mã” với câu cuối then chốt: “… Và cứ thế mỗi bể nhận và cho/tuôn trào và yên nghỉ” (§56). Bài thơ nói lên được bản chất của tác phẩm nghệ thuật.

 

Heidegger phát triển cách hiểu của mình về nghệ thuật như là sự tương tác, thậm chí như sự đối lập và tranh chấp giữa vận động và yên nghỉ, hay giữa Cõi sống và Đất:

 

Cõi sống là sự khai mở tự mở phơi những thông lộ thênh thang cho những quyết định đơn giản và căn cơ trong số phận của một dân tộc mang sử tính. Còn Đất là sự xuất hiện ra hồn nhiên của cái gì tự-khép kín và, do đó, chở che. Cõi sốngĐất khác nhau một cách cơ bản, nhưng không bao giờ tách rời nhau. Cõi sống đặt nền trên Đất, và Đất trồi lên Cõi sống. Chỉ có điều, quan hệ giữa Cõi sốngĐất không hề khô héo trong sự thống nhất trống rỗng của những cái đối lập không can dự gì đến nhau. Cõi sống, trong khi đặt nền trên Đất, nỗ lực vượt lên Đất. Là cái gì tự phơi mở, nó không dung dưỡng cái gì bị khép kín. Trong khi đó, là cái gì chở che, Đất luôn có xu hướng ôm trọn Cõi sống vào bên trong mình và giữ yên Cõi sống ở trong đó” (§85).

 

Ngôi đền “đứng đó”, “giữ vững nền Đất của mình”, như thể có một sự tranh giành, chiếm hữu (§86), nhưng ta không nên “đánh đồng với sự bất hòa và sự tranh cãi, và, do đó, chỉ biết đến nó như là sự rối loạn và phá hủy” (§86). Sự tranh chấp ở đây là “polemos” trong tiếng Hy Lạp, là eris trong ngôn ngữ Heraclitus, hiểu như sự “đương đầu”, “đối mặt” (Auseinandersetzung/confrontation). “Đương đầu”, “đối mặt” trước hết có nghĩa là tách rời nhau để mỗi bên có thể biểu hiện tồn tại của riêng mình, đồng thời cần lại đến nhau, thuộc về nhau. (Trong ngôi đền, đá được sắp xếp theo ý đồ của nhà kiến trúc, như thể tách rời khỏi Đất vốn nâng đỡ nó, tự thiết lập như là hình thể tự tồn trên nền của quang cảnh sẵn có. Giữ khoảng cách như thế là tạo nên một khuôn khổ cho chất liệu. Nhưng, khi ta nhìn lại ngôi đền, nó không chỉ là bản thân nó (với hình thức và chất liệu) mà còn là nơi chốn tọa lạc của nó, gắn liền với quang cảnh và nền đất):

 

“Trong cuộc tranh chấp, mỗi bên mang bên kia vượt ra khỏi chính nó. Như thế, cuộc tranh chấp càng căng thẳng bao nhiêu, thì ngày càng đích thực hơn so với bản thân nó bấy nhiêu. Cuộc tranh chấp càng quyết liệt ở mỗi phía thì các bên tranh chấp càng kiên quyết đi vào trong sự gắn bó của việc đơn giản thuộc về nhau. Đất không thể thiếu cái khai mở của Cõi sống, nếu bản thân nó muốn xuất hiện ra như là Đất trong sự thôi thúc được giải tỏa của việc tự khép kín mình. Đến lượt mình, Cõi sống cũng không thể rời bỏ Đất để nổi trôi đâu đó, nếu nó muốn tự đặt mình trên một cái gì chắc chắn, để thể hiện mình như là cái bề rộng cai quản tất cả và như là thông lộ cho toàn bộ vận mệnh căn cơ” (§86).

 

“Và vì lẽ cuộc tranh chấp đi tới đỉnh cao trong tính đơn giản của sự thân mật, nên sự thống nhất của tác phẩm mới xảy ra trong sự chiến đấu của một trận chiến. Sự chiến đấu của trận chiến là sự tập hợp không ngừng vượt lên của tính linh hoạt của tác phẩm. Vì thế, sự đứng yên của tác phẩm vốn ở yên trong chính mình có bản chất của nó ở trong sự thân mật của cuộc tranh chấp” (§87).

 

-    Một cách dễ hiểu khác về cặp khái niệm Cõi sống và Đất là thử suy nghĩ lại về mối quan hệ giữa văn hóatự nhiên. Cõi sống có thể hiểu như văn hóa, tức như hệ thống của ý nghĩa làm cho con người hiểu được chính mình và môi trường xung quanh. Còn Đất như là giới tự nhiên, là cơ sở tiền-văn hóa của văn hóa, chỉ tuân theo quy luật của chính mình và luôn kháng cự lại mọi nỗ lực muốn thuần phục nó. Chẳng hạn, trong bức tranh của Van Gogh, Đất là “sự ban tặng âm thầm những hạt lúa đang chín dần” trong mùa hè và là “sự bất lực không thể giải tỏ của cánh đồng bị bỏ hoang trong mùa đông” (§46). Đất là mãnh lực của tự nhiên, không hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của ta, đồng thời là nơi con người thiết lập sự cư lưu của mình.

 

Trong TT & TG, giới tự nhiên ít nhiều bị xem như được đồng hóa vào trong văn hóa - như vật liệu cho những mục đích thực hành hay như cái có-đó cho nghiên cứu khoa học khách quan. Bây giờ, Đất mang lại một cách nhìn mới, sâu xa hơn trong quan hệ với tự nhiên: ta phải coi trọng nó như cái gì “có trước” sự diễn giải và “thao túng” của ta và kháng cự lại việc làm ấy (cách hiểu được phong trào “sinh thái” ngày nay tiếp thu):

 

“Cõi sống, trong khi đặt nền trên Đất, nỗ lực vượt lên Đất. Là cái gì tự phơi mở, nó không dung dưỡng cái gì bị khép kín. Trong khi đó, là cái gì chở che, Đất luôn có xu hướng ôm trọn Cõi sống vào bên trong mình và giữ yên Cõi sống trong đó” (§85).

 

Heraclitus đã nói: “Tự nhiên yêu thích tự ẩn mình”. Nghĩa là, bao giờ cũng có những giới hạn đối với những gì ta có thể hiểu, bởi tự nhiên luôn khẳng định mình như là sức mạnh bí nhiệm.

 

Tác phẩm nghệ thuật là nơi diễn ra sự giằng co này. Tác phẩm mở ra Cõi sống, đồng thời cho phép Đất thể hiện mình như là Đất, tức như cái gì ẩn giấu. Nghệ thuật cho thấy Đất không tự phơi bày mình. Chính sức mạnh “phơi bày sự ẩn mật” này phân biệt nghệ thuật với khoa học, bởi khoa học chỉ có thể phơi bày những gì sự vật tự phơi bày, chứ không phơi bày được những gì sự vật tự ẩn mình.

 

Phơi bày/ẩn mình; không che giấu/che giấu chính là vấn đề chân lý trong quan hệ với tác phẩm nghệ thuật, như sẽ bàn tiếp theo đây.

 


Bài viết do tác giả Bùi Văn Nam Sơn gửi cho Triethoc.edu.vn. Bản quyền ©:Bùi Văn Nam Sơn


 

* Julian Young: Heidegger’s Philosophy of Art, Cambridge 2001, tr. 23.

* Cái Bốn (Đất, Bầu trời, Thần linh và Con người khả tử). Xem: Heidegger: “Vật” (1950) và “Xây Ở Suy Tư” (1951), bản tiếng Anh trong Poetry, Language, Thought, trans. By Albert Hofstadter, 1975.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt