Triết học nghệ thuật

Thái độ và nhận xét của Mác và Ăng-ghen về văn học

 

THÁI ĐỘ VÀ NHẬN XÉT CỦA MÁC VÀ ĂNG-GHEN VỀ VĂN HỌC

 

GIĂNG PHƠ-RÊ-VIN

Xuân Tửu, Trần Hữu Thung dịch

 


Giăng Phơ-Rê-Vin. Mác, Ăng-ghen, Lê-Nin và văn học nghệ thuật. Xuân Tửu, Trần Hữu Thung dịch. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1962, tr. 106-115.


 

6. Lát - xan và bi kịch của cách mạng

Những thư từ trao đổi giữa Mác, Ăng-ghen và Lát- xan về tác phẩm Phờ-răng phỏn Xích-kin-ghen đã soi sáng những quan điểm cơ bản trái ngược của ba ông. Cả văn học, triết học, lẫn chính trị đều gắn bó chặt chẽ với nhau trong cuộc luận chiến này về vấn đề cách mạng coi là đề tài của bi kịch.

Lát-xan là một đồ đệ của Hê-ghen nhưng không phải là một đồ đệ như Mác, vì đã không đặt lại phép biện chứng của Hê-ghen cho nó đi đằng chân mà lại bỏ quên nó ở dọc đường. Hơn nữa, ông ta đã thay thế chủ nghĩa duy tâm khách quan của Hê-ghen bằng những kiến giải chủ quan pha màu chủ nghĩa trừu tượng. Theo Hê-ghen, thời kỳ của bi kịch nằm trong quá khứ, nhân vật bi kịch bảo vệ một lý tưởng thất bại, một trật tự xã hội bị lịch sử lên án. Với thời kỳ hiện đại và giai cấp tư sản, các đề tài bi kịch bỗng biến mất: Ý niệm hiện thân vào trong Nhà nước, trật tự xã hội đồng nhất với lý trí. Hê-ghen không coi những người cách mạng là nhân vật của bi kịch, trừ Xô-cờ- rát là đại biểu cho một nguyên lý đúng đắn suýt nữa chiến thắng cùng với đạo cơ-đốc và bị dân thành A-ten nhân danh công lý lên án, bởi vì Xô-cờ-rát đã chống lại luật pháp và quan niệm sống của họ.[1]

Một trong những đồ đệ của Hê-ghen là Vit-se khẳng định ngược lại: « Đề tài chân chính của bi kịch chính là những cuộc cách mạng »[2], Mác đã ghi những ý nghĩ đó trong những bài viết năm 1857–1858 về Mỹ học của Vit-se. Những ông g này nói rõ rằng theo ông hiểu thì cách mạng có nghĩa là tất cả cái gì chống lại « cái đang tồn tại », ngay cả khi nói về những nhân vật tiêu biểu của quá khứ (Ăng-ti-gôn, Gơ-dơ phôn Béc-fi-sin-ghen). Hơn thế nữa, ông này còn chọn giải pháp thỏa hiệp và hy sinh phép biện chứng của Hê-ghen: nguyên lý mới có quyền cao hơn, nhưng cái đang tồn tại chính nó cũng có quyền của nó. Ông ta viết: « Chân lý nằm trong cái trung dung... Chỉ có một tương lai xa xôi mới đem lại một sự hòa giải hiệu quả »[3].

Lát-xan đặt vấn đề một cách khác nhưng cũng không kém phần duy tâm. Theo ông, mỗi một cuộc cách mạng, dầu thế nào chăng nữa, bao giờ cũng chứa đựng một nhân tố bi đát như nhau. Có một mâu thuẫn giữa cái « nhiệt huyết», giữa « lòng tin trực tiếp của tư tưởng vào lực lượng của bản thân nó và tính chất vô hạn của nó » với cái tất yếu của một «nền chính trị hiện thực ». Tấn bi kịch thường trực và thiên định của các cuộc cách mạng, nguyên nhân những thất bại không thể tránh khỏi của chúng, nằm trong cái xung khắc giữa tư tưởng và thực tại, giữa cái trừu tượng và cái cụ thể, giữa mục đích và phương tiện, giữa lòng tin và lý trí.

Sự xung đột bi đát đó... không nhất thiết chỉ thuộc về một cuộc cách mạng nhất định. Đó là một sự xung đột cứ trở đi trở lại (khi thì vượt qua, khi thì không vượt qua) trong tất cả hoặc hầu hết những cuộc cách mạng của quá khứ và của tương lai, tóm lại, ấy là mối xung đột bi đát của bản thân tình thế cách mạng, hệt như nó đã xảy ra năm 1848 và 1849, năm 1792 vân vân...[4]

Vì vậy Lát-xan khuyên các lãnh tụ cách mạng nên có thái độ thủ đoạn chút ít và không gạt bỏ chủ nghĩa cơ hội. Họ cần phải biết tùy hoàn cảnh, giữ bí mật những mục đích cuối cùng của phong trào và « dùng kiểu bịp bợm có ý thức đó của các giai cấp thống trị » để cố gắng chinh phục lấy cái gì có thể chinh phục được. Nhưng cả ở đây nữa, các lãnh tụ cách mạng sẽ liều lĩnh đứng trên miếng đất của kẻ thù và do đó, đã « tuyên bố đầu hàng về mặt lý thuyết rồi », vì mục đích cách mạng không thể đạt tới bằng phương tiện ngoại giao. Những tính toán kiểu ấy là « một sai lầm bi đát » : trong thực tế, những tính toán ấy sẽ dẫn đến tình trạng đáng lẽ trước mặt mình có những kẻ thù bị lừa gạt và đằng sau mình có những người bạn, thì trái lại kết quả là trước mình thì kẻ thù đứng mà sau lưng thì lại không có vây cánh nào cả.

Theo Lát-xan, cuộc cách mạng tư sản dân chủ năm 1848 đã thất bại là vì các lãnh tụ của nó đã tỏ ra quá « thông minh », quá « ngoại giao », quá « chính khách ». Chính Lát-xan muốn lấy sự phê bình họ trong cuốn Phơ-răng phân Sic-kin-ghen để phê bình tất cả các cuộc cách mạng.

Ông lấy cuộc nổi dậy của quý tộc năm 1522 xảy ra thời chiến tranh nông dân (1518–1525) làm đề tài. Phơ-răng phôn Sic-kin-ghen và Un-rích phân Huýt-ten, lúc đó một người là lãnh tụ quân sự, một người là nhà tư tưởng. Nhưng giữa thời kỳ mà chủ nghĩa tư bản đã phát sinh, cuộc nổi dậy đó của tầng lớp tiểu quý tộc đã sa sút, là phản động. Sic-kin-ghen và Huýt-ten mong đợi phục hồi một quốc gia kiểu trung cổ trong đó giai cấp quý tộc sẽ nắm quyền hành và thống trị cả hoàng đế. Hai người chỉ nghĩ đến việc tước đoạt kẻ thù tức bọn vua chúa và bọn quyền thế trong giáo hội để mở rộng khu vực riêng của họ và không hề muốn giải phóng thị dân và nông dân mặc dù họ rất cần đến sự ủng hộ của cả hai tầng lớp đó. Phơ-răng phôn Sic-kin-ghen mà An-be Đuy-rê đã vẽ lại trong bức tranh Người hiệp sĩ của cái chết, đụng phải hiện thực liền mất hết tinh thần năng nổ cách mạng. Bị bọn tay chân bỏ rơi, bị vây hãm trong chiến lũy, bị tử thương ở trên thành cao, ông phải đầu hàng và ngã gục. Muốn đi đường tắt để thực hiện ý định cách mạng, ông đã phạm một " sai làm bi đát » cả về tinh thần lẫn về đạo lý. Cần phải thể tình mà lượng thứ cho ông.

Lát-xan đem ý niệm « sai lầm» thay thế vào sự phân tích và thể hiện cuộc đấu tranh giai cấp. Hê-ghen bác bỏ ý niệm « sai lầm » và cho rằng tất yếu đã thúc đẩy các nhân vật của bi kịch đi đến hành động tội lỗi mà họ chịu trách nhiệm và họ tự hào, chính vì họ là những người anh hùng. Lát-xan cũng làm giống như các môn đồ sau này của Hê-ghen, đem tất yếu đối lập với tự do, hai phạm trù mà Hê-ghen đã coi như có liên hệ biện chứng với nhau trong lòng của mâu thuẫn vận động[5]. Ông nhìn vấn đề tự do dưới góc cạnh cá nhân, không bao giờ nhìn theo quan điểm của một giai cấp. Ông không vận động trên miếng đất của thực tế khách quan và của chính trị, mà trong phạm vi của tâm lý và của đạo đức.

Cái mà ông trình bày như là tấn bi kịch của cách mạng chỉ là một tấn trò của tham vọng và của quyền lợi, tức là dấu hiệu giờ hấp hối của một giai cấp. Sác-kin-ghen muốn trở nên một trong những vương giả hùng mạnh nhất của triều đình nhà vua, xa hơn nữa, còn muốn thay thế cả hoàng đế. Lát-xan xây dựng nhân vật đó thành một nhân vật cách mạng. Trong bức thư trả lời Lát-xan, Mác tán thành ý định đưa lên sân khấu « sự xung đột bi đát đã làm cho đảng cách mạng thất bại năm 1848 1849 ». N 1849 ». Nhưng liền đó, Mác lại nhận xét Lát-xan đã chọn nhầm đề tài. Thất bại và cái chết của Sic-kin-ghen, của Huýt-ten, của Gơ-dơ phôn Béc-li-sin-ghen, dù bị đát thật, cũng không phải là một tấn bi kịch của cách mạng. Những người nổi loạn chỉ là kẻ vác cờ cho một giai cấp suy tàn và Sic-kin- ghen chỉ là một Đông-ky-sốt. Muốn mô tả tấn bi kịch thực của thời đại, đáng lẽ phải gợi lên cuộc chiến tranh của nông dân và chọn Tô-ma Mun-de, vai cách mạng xuất hiện quả sớm trong lịch sử, làm nhân vật anh hùng, chứ không phải là cách điệu hóa những quằn quại của lớp hiệp sĩ trong thời kỳ mạt vận của nó.

Hê-ghen không thừa nhận bi kịch nào khác ngoài bi kịch của những nhân vật và những giai cấp suy tàn. Mác và Ăng-ghen nhìn rõ những sụp đổ của các chủ đề bi kịch, mở rộng những chủ đề đó vào hướng tiến bộ của các giai cấp đang lên. Nhưng hai ông luôn luôn đặt tấn "bi kịch của cách mạng" vào những điều kiện thực tế của nó.

Mác và Ăng-ghen nghĩ rằng bi kịch có thể chọn nhân vật trong những người đang tuyệt vọng bám vào một chế độ đã bị lên án và chết vì bảo vệ chế độ đó. Còn có những nhân vật bi kịch khác, ví dụ những nhà cách mạng của quá khứ. Đó là những dũng sĩ do một viễn ảnh oai hùng kích thích, những người đứng lên khi trời chưa sáng, và ngã xuống giữa đêm như Spác-ta- quýt, như Ba-bớp...

« Sự xung đột bi đát giữa cái định lý tất yếu trong lịch sử và việc không thể thực hiện được định lý đó trong thực tiễn », không phải là đối lập giữa ý niệm và thực tại, giữa cái vô hạn và cái hữu hạn, giữa lòng tin và lý trí như Lát-xan nghĩ. Sự xung đột bi đát đó không diễn ra trên mặt trừu tượng. Thường thường nó do một sự đánh giá sai lầm của các nhà cách mạng không biết phân tích đúng đắn một tình thế lịch sử đề ra. Trong Vấn đề Do tháiGia đình thần thánh, Mác đã từng nói đến tấn bi kịch của Rô-bét-spi-e, của Xanh-Giuýt và của phái Gia-cô-banh : họ muốn dựng nên một nền dân chủ kiểu cổ đại, nhưng điều kiện kinh tế không còn là điều kiện của thời cổ đại nữa. Họ tuyên bố một lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, nhưng hành động của họ chỉ có thể dẫn đến ngày tức vị của xã hội tư sản.[6]

Mác và Ăng-ghen đã sống tấn bi kịch thực của cuộc cách mạng 1848–1849. Nhân vật của tấn bi kịch đó không phải là bọn tư sản run sợ của nước Đức co kéo giữa ý muốn tiến bộ và lòng sợ hãi giai cấp vô sản, bất lực trong việc đòi quyền tự do chính trị, cách mạng giả hiệu và tìm cách thỏa hiệp với nền đế chế. Giai cấp tư sản đó của nước Đức, « một lão già đáng nguyền rủa bắt buộc phải chỉ huy bước đi hùng dũng đầu tiên của một dân tộc trẻ và lành mạnh để bảo vệ lấy tuổi già lọm khọm của nó », giai cấp tư sản ấy chỉ có thể là một tấm giẻ rách đẫm máu. Anh hùng của năm 1848, đó là những thợ thuyền Pa-ri, đói rét cồn cào, vẫn bắt buộc phải chiến đấu để bảo vệ lấy sống còn, đó là những người phải đương đầu dưới làn mưa đạn với bọn võ biền, và bị chém giết hàng ngàn hàng vạn sau chướng ngại vật của họ... Đó là Rô-be Bờ-lum ở nước Áo, người dẫn đầu lực lượng cách mạng ra mặt trận rồi ngã xuống, mà không chịu khuất phục dưới làn đạn của một đơn vị quân địch phụ trách việc hành hình... Đó là đội ngũ cuối cùng của những người bạo động thành Ba-đơ trong đó Ăng-ghen có tham gia : bị các giai cấp trung gian phản bội, họ vẫn chiến đấu đến viên đạn cuối cùng...

Tấn bi kịch của cách mạng còn có thể mang một màu vẻ khác : ví dụ cách mạng dậy non và lãnh tụ của giai cấp đang lên được đưa lên chính quyền.

Nếu bắt buộc phải nắm chính quyền giữa lúc phong trào chưa chín muồi cho sự thống trị của giai cấp mà mình đại diện, và cho việc áp dụng những biện pháp mà nền thống trị của giai cấp mình đòi hỏi, thì đó là điều rủi ro nhất đối với các lãnh tụ của một đảng quá khích.[7]

Điều mà Ăng-ghen viết năm 1850 về Mun-de đã được thực hiện năm 1871 trong công xã Pa-ri...

Nhưng Lát-xan không muốn phân tích thực tế khách quan. Trong việc ông đi tìm một « sự xung đột bi đát », ông lại xoay về những động lực chủ quan, xoay về « sai lầm trí tuệ và đạo đức » của Sic-kin-ghen. Nhưng, trái lại với những công thức duy tâm, Mác đòi hỏi tác giả về bi kịch rằng với những phương tiện phu diễn thích hợp, tác giả đó phải mô tả cuộc đấu tranh giai cấp có thực, những lực lượng xã hội trong vận động lịch sử của chúng.

Thật dĩ nhiên là lúc đó, đáng lẽ anh nên làm theo Sếch-spia nhiều hơn nữa ; còn bày giờ đây thì tôi cho rằng sai lầm lớn nhất của anh là bắt chước theo Sin-le, tức là biến những nhân vật thành ra chỉ là những người phát ngôn cho tinh thần của thời đại.[8]

Trong thư trả lời, Ăng-ghen cũng nói đến Sếch-spia, là người đã làm nổi bật, đem lại màu sắc và sức mạnh cho những cá tính kỳ lạ nhất của ông, đã rung chuyển nhiều thời đại, nhiều xã hội, nhiều dân tộc và nhiều giai cấp, đã soi sáng những cuộc xung đột, những cuộc đấu tranh cụ thể, đã dựng con người trong thế mâu thuẫn của nó, trong nỗi đau khổ và vui mừng của nó, trong tội lỗi và đức tính của nó, trong cái ty tiện và vĩ đại của nó, đã khích lệ đủ mọi hạng người khác nhau của mọi tầng lớp trong bậc thang xã hội và đem lại cho họ một cảm xúc mãnh liệt, khuấy trộn những thực tế trái ngược nhau để nhồi nặn thành những tấn kịch của nó, tập trung vào trong một bản đối đáp, mọi tác dụng của một hoàn cảnh và mọi chi tiết của một tính cách, truyền vào tác phẩm của mình những nhịp thở của cuộc sống, cái âm tiết đúng đắn, cải tiếng kêu chân thật do ông thu lượm được và tái hiện tất cả những rung động của trái tim, khi nó ghét cũng như khi nó âu yếm, cái thăng trầm của lịch sử...

Theo quan niệm về kịch của tôi, là không thừa nhận người ta chạy theo lý tưởng mà quên mất thực tế, chạy theo Sin-le mà quên mất Sếch-spia, thì việc sử dụng bộ phận cùng dân đó trong xã hội lúc bấy giờ, được tô điểm một cách thật đặc sắc, có lẽ sẽ đem lại những yếu tố hoàn toàn mới để làm cho vở kịch sinh động, đem lại một hậu cảnh vô cùng có giá trị cho phong trào dân tộc của giai cấp quý tộc đang diễn ra trên sân khấu, và có lẽ sẽ lần đầu tiên làm cho người ta nhìn thấy rõ bộ mặt thật của chính phong trào đó.[9]

Ăng-ghen vạch rõ cuộc bạo động của tầng lớp quý tộc chỉ có thể thắng lợi được bằng cách dựa vào thành thị và nông dân. Cuộc liên minh với giai cấp nông dân lúc đó không thực hiện được vì bọn hiệp sĩ sống bằng nô dịch, bằng thuế khóa và phu phen. Vì Lát-xan đã trình bày Sic-kin-ghen và Huýt-ten phân vân giữa lòng mong muốn giải phóng những người nông dân để củng có chỗ dựa của họ và tình trạng không thể thực hiện được điều đó, do chỗ bọn quý tộc nổi loạn khác từ chối, cho nên ông ta đã đưa nhân vật vào trong một tình trạng tiến thoái lưỡng nan thật là bi đát.

Nhưng Lát-xan đã muốn không biết đến giai cấp nông dân mà ông cho là phản động. Vì xa lạ với những quan điểm mác-xít, ông không biết tới những động lực cách mạng. Về sau Mác ghi chú rằng : « Năm 1859, Lát-xan hoàn toàn thuộc về đảng tự do tư sản của nước Phổ.

Trong một bài tựa đề cho cuốn Chiến tranh của nông dân viết năm 1870, Ăng-ghen nhắc lại rằng: muốn chiến đấu chống giai cấp tư sản liên minh với giai cấp quý tộc phong kiến, thì cả giai cấp vô sản cũng phải tìm kiếm những bạn đồng minh. Bạn đồng minh đó, Mác đã chỉ rõ trong một câu mà Lê-nin nhớ mãi.

Tại Đức mọi cái đều tùy thuộc ở khả năng làm cho cách mạng vô sản được ủng hộ bằng việc diễn lại cuộc chiến tranh nông dân. Rồi thì, mọi việc sẽ trôi chảy [10].

Lát-xan đi theo một con đường khác. Ông buộc giai cấp vô sản đi đến bất lực và thất bại, bằng cách tách rời nó khỏi mọi giai cấp khác mà nó nhập cục thành một khối phản động. Ông không hiểu gì về những cuộc cách mạng xưa nên cũng không thể dựng nên một chính sách đúng đắn cho giai cấp vô sản của thời ông.

Việc ông phê phán cái gọi là « cách mạng tự thân vĩnh viễn bị đẻ non, chủ nghĩa duy tâm phi biện chứng, phi lịch sử kiểu Căng, Sin-le, Phích-tơ của ông ta, đã kéo ông ta đi theo vết chân của Các-lai-lơ. Ông ta chỉ biết đến lãnh tụ, những « anh hùng » bẩm sinh và tiền định, ông chỉ tin ở cách mạng « làm từ trên xuống ». Quan điểm triết học của ông, việc ông lý tưởng hóa Nhà nước Phổ « trên mọi giai cấp », chủ nghĩa « hiện thực chính trị» (mà ông ta cho là không thể tránh khỏi, nhưng ông lại định dẹp tan), cuối cùng đã dẫn ông ta tới bắt tay với Bit-smác ! Sau này phái xã hội dân chủ Đức sẽ không bao giờ tẩy sạch những sai lầm của chủ nghĩa Lát-xan.

Sinh mệnh chính trị của Lát-xan đã được chua vào tấn bi kịch giả hiệu của cách mạng của ông ta, tấn bị kịch, trong đó tác giả đã đẩy ra trước sân khấu, bọn lãnh tụ của một giai cấp suy đồi, còn những người cách mạng thì bị đẩy ra phía sau.



[1] Hê-ghen : Lịch sử triết học, t. II, tr. 119.

[2] Vít-se: Mỹ học, t. I, tr. 315.

[3] Vit-se : Sách đã dẫn, t. II, tr. 287.

[4] C. Mác và F. Ăng-ghen : Về văn học và nghệ thuật, (tiếng Pháp, Nhà xuất bản xã hội, Pa-ri, 1954, tr. 390.

[5] Sự tất yếu chỉ mù quáng trong chừng mực nó chưa được nhận thức », Hê-ghen: Bách khoa t. I, tr. 294.

[6] C. Mác và F. Ăng-ghen : Gia đình thần thánh. Toàn tập, t. III, tr. 298.

[7] Ăng-ghen : « Cuộc chiến tranh của nông dân », Cách mạng dân chủ tư sản ở Đức, Nhà xuất bản xã hội, Pa-ri, 1952 tr. 97.

[8] C. Mác và F. Ăng-ghen : Về văn học và nghệ thuật, tiếng Việt, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1958, tr. 313.

[9] C. Mác và F. Ăng-ghen: Về văn học và nghệ thuật, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1958, tr. 321.

[10] Mác : Thư gửi Ăng-ghen ngày 16-8 1856.

 


7. Ban-dắc và chủ nghĩa hiện thực
5. Gớt-tơ

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt