Triết học nhân học

Hình ảnh con người trong lý luận triết học nhân bản

 

HÌNH ẢNH CON NGƯỜI TRONG LÝ LUẬN TRIẾT HỌC NHÂN BẢN

 


Tập thể tác giả Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức. Con người - những ý kiến mới về một đề tài cũ. Tập II. An Mạnh Toàn dịch. Mai Thành hiệu đính. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987.


 

Một cuộc đấu tranh phê phán các quan niệm khác nhau về hình ảnh con người đã nêu ra trong triết học tư sản ở thế kỷ XX, đòi hỏi phải đặc biệt chú ý đến một xu hướng triết học đặc biệt. Nó ra đời trong nền triết học duy tâm của nước Đức đế quốc chủ nghĩa vào cuối những năm 20 và gọi là chủ nghĩa nhân bản triết học. Trong lúc các xu hướng chính về thế giới quan của nền triết học duy tâm tư sản hiện nay chỉ nêu ra chủ yếu từng khía cạnh nhất định của con người, triết học nhân bản chủ trương nêu ra vấn đề bản chất của con người làm trọng điểm để nhằm mục đích “đổi mới» triết học duy tâm và mưu toan qua đó giải thích con người là gì. Mác Sê-lơ, cha đẻ của thứ triết học duy tâm ấy, đã viết trong lý luận nhân bản, xuất bản năm 1928 với nhan đề là "Vị trí của con người trong vũ trụ”, về mục tiêu và nhiệm vụ của triết học đó như sau: « Nhiệm vụ của một nền lý luận triết học nhân bản là chỉ rõ mọi cái tột đỉnh đặc thù, mọi thành tựu và giá trị của con người bắt nguồn từ kết cấu chủ yếu của sự tồn tại của con người: chẳng hạn như ngôn ngữ, lương tâm, công cụ, vũ khí ý niệm về sự chính trực và sự bất công, nhà nước, sự lãnh đạo, các chức năng biểu hiện của nghệ thuật, thần thoại, tôn giáo, khoa học, lịch sử và xã hội»[1]. Ác -nôn Ghê-len, năm 1940 công bố tác phẩm chủ yếu của ông ta nhan đề là «Con người. Bản chất và vị trí của nó trong thế giới», cũng cố gắng tương tự như thế đề nêu ra vấn đề bản chất của con người làm vấn đề trung tâm của triết học, mưu toan khắc phục tất cả những quan niệm trước đây, quan niệm nhị nguyên, quan niệm duy vật hay duy tâm về con người, và hoàn toàn bằng con đường kinh nghiệm để nêu lên một hình ảnh con người có giá trị cuối cùng trong triết học. Còn Hen-mút Plét-xnơ, có thể coi là đại biểu thứ ba của lý luận triết học nhân bản. Trong tác phẩm chính của ông ta xuất bản cùng năm với lý luận nhân bản của Sê-lơ, nhan đề «Các trình độ tổ chức hữu cơ và con người", cũng đề ra nhiệm vụ giống như trên. Tuy vậy, ông ta mưu toan tìm con đường riêng cho mình. Trong khi Sê-lơ và Ghê-len phát triển triết học nhân bản trước hết ở khía cạnh « đổi mới » triết học duy tâm trong thế kỷ XX, nhằm khắc phục sự khủng hoảng của nó, thì Plét-xnơ chủ yếu lại là một nhà khoa học tự nhiên kiêm triết học. Ông ta mưu toan xây dựng một nền triết học nhân bản có xu hướng dựa vào khoa học tự nhiên. Do đó, theo ý kiến chúng tôi, chỉ có thể liệt ông ta vào hàng các đại biểu của nền triết học nhân bản trong thế kỷ XX ở chừng mực nhất định, và nên nhớ rằng hình thức điển hình của triết học ấy lại do Sê-lơ xây dựng và đề xuất, và sau đó phải kẻ đến Ghê-len.

Trước khi đi vào nghiên cứu các quan điểm nhân bản đó, chúng tôi thấy cần thiết phải nhấn mạnh là, các quan niệm ấy nói chung đều liên quan đến sự phát triển của chủ nghĩa nhân bản trong triết học và thế giới quan tư sản của thế kỷ XIX và thế kỷ XX.

Trong lịch sử triết học tư sản cận đại, “cột mốc nhân bản, được tính từ nửa đầu thế kỷ XIX. Đại biểu sớm nhất của khuynh hướng triết học ấy là Ác-tua Sô-pen-hau-ơ. Quan điểm của ông ta (có thể coi ông ta là đại biểu phê phán Hêghen từ phía hữu) cho rằng, lý luận triết học không thể nào dung nạp được cái quan niệm cho rằng thế giới có tính chất lịch sử, hay như quan niệm của Hê-ghen là sự phát triển biện chứng. Theo Sô-pen-hau-ơ, mọi xu hướng triết học trong lịch sử đều phạm sai lầm là đã quan niệm rằng thời gian là một sự quy định của “cái vật tự nó». Bởi vậy chỉ có thể bằng lòng với cái mà I. Can tơ gọi là hiện tượng. Bởi vậy, một quan điểm triết học đúng đắn để nhìn nhận thế giới thì không khi nào lại đặt ra câu hỏi rằng thế giới ấy từ đâu lại, sẽ đi đến đâu và tại sao như thế, mà ngược lại phải tìm thế giới ấy trong tất cả các hiện tượng, trong bản chất hiện có của thế giới, cái bản chất luôn luôn không đổi nhưng lại không thể hiện ra hết ở tất cả các hiện tượng của nó. Từ đó, Sô-pen-hau-ở rút ra một nhận định cho rằng, điểm xuất phát của tư duy triết học không thể là thượng đế, là tinh thần, là tư tưởng, vv, mà là con người vĩnh viễn lúc nào cũng như thế, cũng đói khát, đau khổ, khao khát và hành động. Nếu nhìn khái quát, các mẫu thế giới quan chủ yếu của triết học tư sản kể từ giữa thế kỷ XIX cho đến thế kỷ XX, xuất phát từ Sô-pen-hau-ơ, là chủ nghĩa nhân bản, tức là cái lý luận rút ra từ tất cả những hiện tượng của đời sống con người (nhà nước, xã hội, tôn giáo, thế giới quan, v.v.), rút ra từ «cái bản chất tự nhiên của con người”, quan niệm một cách bất biến, với tính cách là một trong những bình diện tư tưởng có tác dụng quyết định từ trước cho đến nay trong hệ tư tưởng và thế giới quan tư sản [2]. Dù chủ nghĩa nhân bản trong 170 năm qua đã trải qua nhiều biến đổi về hình thức và nội dung, nhưng cái cốt lõi của nó vẫn không thay đổi. Ác-tua Sô-pen-hau-ơ và S. A. Kiếc-cơ-gác trong thời kỳ đầu, F. Nít-sơ và toàn bộ chủ nghĩa Đácuyn xã hội vào cuối thế kỷ XIX, các quan điểm nhận bản của triết học đời sống và hiện sinh của thế kỷ XX và trong những nước Ăng-glô Xắc xông (chẳng hạn như chủ nghĩa cá nhân bắt nguồn từ chủ nghĩa thực dụng) cho đến hiện tại có hàng loạt quan niệm không thể kể hết được của «các nhánh nhân bản». Tất cả những quan niệm lý luận ấy về chi tiết rất khác nhau, và không hiếm trường hợp mâu thuẫn nhau, song về cơ bản đều có liên quan với nhau về mặt thế giới quan. Theo quan điểm tư sản, Ô-đô Mác-ca đã chỉ ra rằng: năm 1928 Sê-lơ nhận định một cách tin tưởng rằng những vấn đề nhân bản đã trải qua lịch sử lâu dài và cho đến nay trở thành điểm trung tâm của các vấn đề triết học. Theo Mác-ca, tất cả những gì đã có giá trị hồi đó – cuối những năm 20 – thì hiện nay đều rất có giá trị. Theo ông ta, lý luận nhân bản trong khuôn khổ triết học tư sản hiện nay đã trở thành “một giải pháp triết học quan trọng » hoặc trở thành một “từ đồng nghĩa với nền triết học chân chính nói chung ». Điều đó thể hiện ở chỗ khái niệm nhân bản được truyền bá rộng rãi và người ta cố gắng tìm kiếm cơ sở lý luận nhân bản trong mỗi ngành khoa học hoặc trong từng lĩnh vực thực tiễn. Do đó đã có lý luận nhân bản y học, lý luận nhân bản sư phạm, lý luận nhân bản tôn giáo hay thần học và đặc biệt là lý luận nhân bản cơ đốc giáo, lý luận nhân bản văn hóa, lý luận nhân bản lịch sử và xã hội. Người ta còn nói đến cả lý luận nhân bản về khoa học tinh thần, về tâm lý, về chính trị, về hiện tượng học, về phép biện chúng, lý luận nhân bản học cơ sở, lý luận nhân bản tồng hợp, v. v.. [3]

Có thể kẻ đến hàng loạt những nguyên nhân về sự xuất hiện lý luận nhân bản trong thế giới quan tư sản của thế kỷ XIX và XX. Tuy vậy, có thể xếp thành hai loại nguyên nhân chính. Loại nguyên nhân thứ nhất là những đối kháng và mâu thuẫn về kinh tế xã hội của chính bản thân phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đang ngày càng tăng lên nhanh chóng. Những tác động của các mâu thuẫn ấy ảnh hưởng đến các cá nhân trong xã hội tư sản, đến các giai cấp và các tầng lớp xã hội khác nhau trong xã hội ấy. Muộn nhất thì cũng từ giữa thế kỷ XIX trở đi người ta đã thấy quá rõ là chủ nghĩa tư bản không phải là cái vương quốc đáng kỳ vọng của lý tính, của sự hòa hợp, sự bình đẳng và hữu ái mà ngày càng có xu hướng trái ngược. Đứng trước hiện thực như thế, chủ nghĩa nhân bản trở thành một trong những hình thức biện hộ về thế giới quan cho xã hội tư bản chủ nghĩa. “Cái bản chất tự nhiên bất biến, vĩnh cửu" của con người giờ đây hiện ra một mặt như là nguyên nhân chủ yếu của rất nhiều tệ nạn, đồng thời hoàn toàn trái ngược với điều đó, chủ nghĩa tư bản với tiềm năng kỹ thuật của nó lại được diễn tả như là một hệ thống xã hội khả dĩ đáp ứng được những nhu cầu của bản chất con người. Loại nguyên nhân thứ hai làm xuất hiện chủ nghĩa nhân bản trong thế giới quan tư sản bắt nguồn từ những đòi hỏi của cuộc đấu tranh tư tưởng, Quyn-tơ Rô-mô-dơ đã viết rằng lý luận nhân bản là “hình thức có lẽ hiệu nghiệm nhất trong lịch sử chứa đựng sự phê phán chủ nghĩa Mác » [4]. Người ta chỉ có thể tán thành nhận định ấy khi không nhận thấy một thực tế là lý luận Mác–Lê-nin và triết học nhân bản hoàn toàn đối lập nhau và mọi mưu toan như lịch sử của triết học Mác đã hoàn toàn chỉ rõ bổ sung thuyết nhân bản vào thế giới quan của giai cấp công nhân thì chỉ dẫn đến chỗ từ bỏ tính chất giai cấp của nó mà thôi. Triết học nhân bản là một xu hướng triết học duy tâm, về mặt lý luận nó nhằm chống lại hình ảnh con người theo quan niệm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, về mặt chính trị tư tưởng nó chống lại phong trào công nhân và chủ nghĩa xã hội.

Triết học nhân bản do Sê-lơ đề xướng là một loại của chủ nghĩa nhân bản. Trong lý luận ấy, nguyên tắc nhân bản được đề lên thành một bộ môn triết học, một loại hình thuộc “vấn đề cơ bản” của triết học. Do đó, cần thấy rằng triết học nhân bản không phải là nhằm phát triển một mô hình nhất định về con người thông qua việc phân tích các vấn đề triết học khác nhau, mà là nhằm nâng dự án về mô hình con người đó thành đối tượng chính, thành nhiệm vụ căn bản của triết học duy tâm – tư sản.

Từ đó, cần phân biệt chủ nghĩa nhân bản (với tính cách là xu hướng chung) và cách giải thích những vấn đề triết học về con người trong thế giới quan tư sản và trong triết học nhân bản (với tính cách là một xu hưởng triết học đặc thù). Nếu như chủ nghĩa nhân bản bằng hình thức này hay hình thức khác còn có tác dụng đến toàn bộ sự phát triển triết học tư sản kể từ giữa thế kỷ XIX cho đến nay, thì triết học nhân bản với tính cách là một trường phái triết học, theo ý chúng tôi, ngày nay đang có những ảnh hưởng trực tiếp hơn nữa. Véc-nơ Ruy-gơ-mơ vạch ra rằng, triết học nhân bản « quả là đang có tác dụng rộng rãi trong đời sống tư tưởng hằng ngày, song để tiếp tục vấn đề mà triết học ấy bắt đầu đặt ra thì triết học nhân bản còn cần phải khắc phục những cuộc tranh luận có tính chất học thuật về các vấn đề xã hội khoa học » [5].

Nhiều người nghiên cứu triết học hiện đại theo quan điểm tư sản cũng đi đến những nhận định đánh giá tương tự, mặc dù xuất phát từ các lập trường khác nhau. Chẳng hạn, Van-te Sun-xơ chỉ rõ rằng: “Cảm tưởng về sự lỗi thời của chủ nghĩa nhân bản ấy là không thể chấp nhận được, bởi vì nó làm cho người ta không thích thú với những kết quả của nó»[6]

Có nhiều lý do khác nhau đề giải thích về thái độ không thích thú ấy của triết học tư sản đối với hệ thống triết học nhân bản. Những lý do thông thường được nêu lên là kiến thức của từng ngành khoa học ngày càng tăng lên và ý đồ thay thế các quan niệm lý luận bằng những kết quả thực tiễn – theo ý nghĩa của chủ nghĩa thực dụng là có thể làm được. Đương nhiên, điều ấy có giá trị nhất định, song còn cần thấy rằng triết học nhân bản của Sê-lơ và Ghê-len chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu sau đây – ra đời có liên quan trực tiếp tới chính trị và hệ tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc Đức trong giai đoạn đầu tiên của cuộc tổng khủng hoảng của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Bằng hình thức khái quát triết học, triết học ấy đề ra một mẫu người có xu hướng gần giống với những nhu cầu tư tưởng của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Chủ nghĩa phát-xít Đức bị đánh quy, sau chiến tranh thế giới thứ hai tình hình lịch sử có nhiều thay đổi sâu sắc, điều đó khiến cho những nhu cầu tư tưởng của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước cũng thay đổi. Để thích ứng với tình hình ấy, trên lĩnh vực lý luận xã hội nảy nở lý luận về xã hội công nghiệp và các lý luận về hệ thống xã hội hiện nay. Trong bản thân triết học tư sản cũng nổi lên chủ nghĩa duy lý phê phán và các lý luận học thuật. Mặc dù vậy, mẫu người của triết học nhân bản vẫn tiếp tục đóng vai trò là cơ sở thế giới quan của hệ tư tưởng bảo thủ. Một mặt nó vẫn giữ lại những tính chất chung theo quan niệm của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước về hình ảnh con người, mặt khác mẫu người ấy lại mở rộng ảnh hưởng của nó vào các lĩnh vực khác, ảnh hưởng cả đến những cuộc thảo luận của từng ngành khoa học. Bây giờ chúng ta hãy đi sâu nghiên cứu một số vấn đề của triết học nhân bản.

Tư tưởng cốt lõi đầu tiên của triết học nhân bản là sự so sánh giữa con người và con vật. Có thể coi đó là một vấn đề thuộc phương pháp luận, “một sự quy định bản chất» của con người theo ý nghĩa triết học. Tất nhiên một lối so sánh như thế trong thế kỷ XX khó có thể làm ngơ trước những tài liệu thực tế của khoa học tự nhiên, đặc biệt là ngành sinh học, ngành nghiên cứu hành vi và tâm lý học, v.v.. Xuất phát từ trình độ nhận thức như thể về mặt xã hội cho nên tình hình ngày nay hoàn toàn khác so với nửa đầu thế kỷ XIX. Bởi vậy, trong chủ nghĩa nhân bản mới, giờ đây người ta viện rất nhiều đến các kiến thức của của từng ngành khoa học. Chẳng hạn, Ghê len nhấn mạnh, ông ta cố gắng hướng đến một triết học kinh nghiệm và ông ta giải thích rằng : « Đối với những điều mà tôi đã nói ra thì đó sẽ được thực tế của nhiều ngành khoa học chứng minh, và điều gì xuất phát từ toàn bộ sự trực quan cần phải làm thì đó là nhiệm vụ đương nhiên của triết học » [7]. Plét- nơ cũng giải thích tương tự như thế rằng “mọi sự nghiên cứu của ông ta đều thực hiện nghiêm ngặt trong phạm vi quan sát ở bên ngoài, mà thao tác của nhà sinh học và nhà nghiên cứu hành vi là cơ sở cho sự nghiên cứu đó » [8]. Sê-lơ cũng nhấn mạnh tương tự như thế về vai trò của sinh học trong việc đề xuất một mẫu người triết học mới. Như vậy, người ta có thể nghĩ rằng, các nhà triết học nhân bản cứ theo phương hướng dựa vào các tài liệu của khoa học tự nhiên đề chủ trương đề xuất những vấn đề triết học về bản chất tự nhiên sinh học nhân bản của con người mà các công trình khoa học tự nhiên đã nghiên cứu. Việc thảo luận những vấn đề đó là cần thiết và đầy ý nghĩa, nhưng đòi hỏi phải có lập trường xuất phát đúng đắn. Sự quá độ dần dần của lịch sử tự nhiên thành lịch sử riêng biệt của loài người không chỉ là “cái bí ẩn» của quá trình hình thành con người, mà đồng thời còn làm nảy sinh một vấn đề mới. Tính đặc thù của mối tác động qua lại giữa sự tiến hóa về sinh học và sự tiến hóa về lịch sử – xã hội của con người phải được hết sức chú ý khi xác định bản chất của con người. Chỉ khi nào quan niệm duy vật nhất nguyên về sự thống nhất và tác động qua lại giữa lịch sử và tự nhiên trong quá trình phát triển của con người trở thành một phương hướng lý luận thế giới quan tổng quát, và chỉ có xuất phát từ đó mới có thể nghiên cứu được những mối liên hệ vô cùng phức tạp giữa hai lĩnh vực ấy và mới có thể phân biệt được rõ những quy luật khác nhau. Những quan hệ giữa biện chứng của tự nhiên và biện chứng của lịch sử là những vấn đề triết học hiện thực.

Trong triết học nhân bản của Plét-xnơ trong chừng mực nào đó ông ta có một vai trò đặc biệt – cũng thấy có mầm mống tư tưởng biện chứng tự nhiên. Còn Sê-lơ và Ghê-len lại không nắm được những vấn đề trong tiến trình lịch sử của sự hình thành con người (với tính cách là bộ phận của tự nhiên) và những vấn đề thế giới quan cần phải giải quyết mà lại đề cập đến các vấn đề khác. Đối với họ, lối so sánh Người – Vật chỉ là một nguyên tắc được xây dựng một cách tư biện, duy tâm. Để kế thừa truyền thống nhân bản của triết học tư sản từ thế kỷ XIX, thì theo họ, sự so sánh như thế không nên xuất phát từ cái « tinh thần», mà phải lý giải từ sinh học để từ đó đề ra được một mẫu người cuối cùng của triết học. Ghê-len là người đã nói rõ nhất mục tiêu ấy và do đó ông ta hướng đến cách tư duy của chủ nghĩa thực dụng triết học. Ông ta muốn bỏ qua tất cả những điều tranh cãi trước kia của triết học trong việc đưa ra định nghĩa về con người và đã định nghĩa bản chất của con người trong sự hoàn chỉnh của nó và hoàn toàn khác hẳn với con vật [9]. Theo quan niệm của Ghê len, con người không phải là vật sáng tạo của thượng đế, cũng không phải là nguyên tố khởi đầu đang phát triển, mà chỉ là một sản phẩm đặc biệt của tự nhiên và đặc tính của con người không có gì khác hơn là phải so sánh với các sinh vật khác, có như vậy mới định nghĩa được con người. Do đó, hình ảnh con người theo quan niệm của triết học nhân bản ngay từ đầu đã hướng đến chỗ tước bỏ lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội, đó là hình ảnh con người phi tiến hóa và phi lịch sử, và trong chừng mực nhất định, nó thống nhất những đặc trưng phổ biến của chủ nghĩa nhân bản với triết học và thể giới quan tư sản. Nếu cơ sở xuất phát như thế thì làm sao có thể định nghĩa được lịch sử và văn hóa, các thiết chế xã hội, nhà nước, các thế giới quan, tôn giáo, triết học, v.v.? Triết học nhân bản tất yếu phải trả lời những câu hỏi đó.

Nói chung, về chi tiết, từng đại biểu của triết học ấy trả lời những vấn đề như vậy rất khác nhau, song về mặt phương pháp luận thì có thể so sánh được. Nếu người ta muốn (đơn giản hóa quá trình tư duy) xác định đặc điểm của con người khác với loài vật ở chỗ nào, người ta phải tìm cách nắm bắt và thử nghiệm xem việc bảo đảm đời sống về mặt sinh học diễn ra như thế nào. Đối với các loài vật Ghê-len lập luận - thì điều đó không thành vấn đề gì cả. Chúng thích ứng tối đa với môi trường tự nhiên của chúng, chúng có những đặc điểm chuyên hóa rất cao và được điều khiển bởi sự kích thích và bản năng sinh học bản năng chi phối hành vi của chúng. Ngược lại, so sánh với loài vật thì con người "không chuyên hóa", con người là một "thực thể yếu đuối có khuyết tật». Ghê-len viết: « Về mặt hình thái, con người khác hẳn với các loài có vú cấp cao chủ yếu bởi sự yếu đuổi, theo ý nghĩa chính xác của sinh học, đó là sự không thích nghi, không chuyên hóa, là sự thô sơ hay là trạng thái chưa phát triển, tóm lại, bản chất con người là tiêu cực » [10]. Cái "bản chất tự nhiên của con người" không thích ứng với môi trường, phải sống không có sự dẫn dắt chắc chắn của bản năng, không có vũ khí tự nhiên và các giác quan vừa ít lại vừa kém cỏi để bảo đảm sinh sống nên bắt buộc phải "hành động", phải xây dựng những hệ thống học tập riêng, thói quen, các thiết chế (như nhà nước...), phải phát triển các hệ thống “dẫn đường" về thế giới quan như tôn giáo, triết học, tóm lại là phải phát triển một nền văn hóa (theo nghĩa rộng nhất) để có thể sống an toàn và chắc chắn hơn. Đồng thời, do chỗ có khuyết tật về kết cấu sinh học, cho nên con người thường có nguy cơ thất bại. Ngoài ra, con người bắt buộc phải tự giải thích mình, thường xuyên vươn tới « một sự tự giải thích ». Tính tất yếu ấy thuộc về bản chất của con người như là sản phẩm đặc biệt riêng của tự nhiên, đồng thời đó là cơ sở để con người hành động và không lệ thuộc vào « sự giải thích » ấy đúng hay sai.

Người ta có thể – và trường hợp như thế thường xảy ra [11] rất nhiều trên sách báo – nghi ngờ những khía cạnh về sự cấu kết của con người về mặt sinh học, và cho rằng những nhận định như thế khó đứng vững được trước những thực tế của sự kiểm nghiệm khoa học. Chẳng hạn, nếu quan niệm về bản chất khuyết tật của con người là đúng với sự tiến hóa của lịch sử, thì có lẽ không thể có sự hình thành con người được, bởi lẽ một sinh vật như thế sẽ chết ngay tức khắc trước khi nó có khả năng phát triển một nền văn hóa để bảo toàn cuộc sống điều đó đã có giá trị từ hàng vạn năm nay. Lối giải thích về "con vật" trong triết học nhân bản cũng hoàn toàn mâu thuẫn với những thực tế của khoa học tự nhiên. Lối so sánh Người – Vật của Sê-lơ, cũng tương tự như Plét-xnơ, nhằm xây dựng một « trật tự phát triển từng bước» của thế giới, chẳng qua chứa đầy những điều giả tạo, được dựng lên một cách tùy tiện không đúng với nhận thức của khoa học tự nhiên. Tuy vậy, tất cả những điều đó chưa phải là vấn đề chủ yếu của triết học nhân bản. Triết học ấy ngay từ đầu đã không muốn đưa ra sự trình bày đầy đủ của các tài liệu khoa học, mà muốn bỏ qua trình độ nhận thức khoa học của con người để nhấn mạnh sự hiểu biết vốn có như Ghê-len viết nghĩa là trình bảy « toàn bộ sự trực quan» đặc biệt. Bởi vậy, cái cốt lõi của triết học nhân bản và cùng với mô hình con người của nó nhằm tạo nên một tính cách riêng trong quan niệm triết học. Quan niệm cơ bản ấy chẳng có gì mới cả. Ngay từ thế kỷ XIX đã có rất nhiều thí dụ chứng tỏ triết học tư sản đã lấy kết cấu sinh học tự nhiên của con người làm điểm xuất phát đề chống lại « siêu hình học lý tính » cổ điển như thế nào ? Phri-đrích Nit-sơ và chủ nghĩa Đác-uyn xã hội là những bằng chúng rõ rệt nhất về vấn đề đó. Triết học nhân bản mới tiếp tục cái kế hoạch ấy, chủ yếu nhằm biến đổi hoặc thay thế những quy luật của lịch sử bằng những quy luật và kết cấu của sinh học. Như vậy rõ ràng là sự quay lưng một cách duy tâm trước tiến trình thực tế của lịch sử hình thành con người, tức là một hình thức nhằm quy kết các nhân tố xã hội – lịch sử vào các nhân tố sinh học. Tuy vậy, như thể vẫn chưa nắm bắt được hết tính chất đặc thù của triết học nhân bản. Đề chống lại lý luận mác-xít, nếu như triết học ấy kế tục những tư tưởng nhân bản của thế kỷ XIX và còn mở rộng hơn nữa để cấu tạo nên trường phải sinh học duy tâm tư biện về mặt triết học, thì hình ảnh con người của nó về chi tiết cũng rất khác so với quan niệm còn đơn giản của thế kỷ XIX. Rõ ràng nhất có thể chỉ ra ở đây một trong những khái niệm của triết nhọc nhân bản là khái niệm hành động.

Một số đại biểu của triết học nhân bản thừa biết rằng các khái niệm và phạm trù của khoa học tự nhiên không đủ để có thể thâu tóm tất cả các hiện tượng của đời sống xã hội trong lịch sử và hiện tại. Họ chỉ ra một cách không phải là không có lý rằng, cần vượt qua cả Đác-uyn. Thực tế là khoa học tự nhiên đã góp phần chủ yếu để tiếp tục làm sáng tỏ những cơ sở sinh học, để thấy rõ không chỉ cá tính của con người mà cả tính xã hội nữa. Khoa nghiên cứu hành vi hiện đại đã cung cấp rất nhiều tài liệu giúp cho các cuộc thảo luận. Từ những tài liệu ấy để xây dựng nên lý luận về hình ảnh con người theo quan niệm triết học vì rằng vấn đề bản chất của con người đã và vẫn là một vấn đề của triết học giả định phải có sự xác định phẩm chất về mặt triết học của con người. Về vấn đề đó, triết học duy tâm có điền đã đề ra khái niệm hoạt động là khái niệm có ý nghĩa rất cơ bản. Các Mác nhấn mạnh « mặt hoạt động», thoạt đầu là phạm trù của chủ nghĩa duy tâm triết học cổ điển đề ra, và đưa ra khái niệm lao động là một khái niệm có tính chất duy vật biện chứng với tính cách là điểm xuất phát cho việc xác định bản chất con người, như vậy là lần đầu tiên trong lịch sử triết học đã có một quan niệm có khả năng bao quát chỉ rõ sự hoạt động với tính cách là quá trình sáng tạo ra các đối tượng vật chất cụ thể, quá trình tác động qua lại giữa con người và tự nhiên. Xuất phát từ tính chất biện chứng. mâu thuẫn của mối quan hệ tác động qua lại giữa tổ chức hữu cơ với môi trường xung quanh quan niệm của Mác chẳng những vạch ra một cơ sở rất vững vàng để phân tích các hiện tượng khác nhau về “sự hoạt động, trong sự tiến hóa của giống loài, mà còn đưa ra khả năng để hiểu chính xác về mặt lý luận những đặc trưng tiêu biểu cho hoạt động của con người nữa. Từ đó soi sáng cả tính liên tục và tính đứt đoạn giữa lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội, trên cơ sở xuất phát từ quan điểm lý luận cơ bản ấy. Đương nhiên không có nghĩa là như thế thì mọi vấn đề vô cùng phức tạp của mối quan hệ biện chứng giữa biện chứng tự nhiên và biện chứng xã hội đã được giải cuyết. Những kết luận chung quan trọng nhất có liên quan đến những vấn đề nhân bản chủ yếu, xuất phát từ lập trường duy vật biện chứng, đã được Luy-xiêng Sê-vơ diễn tả và chúng tôi tán thành quan điểm ấy – như sau; «..Sự quá độ từ tính vật sang tính người có ý nghĩa là sự tích lũy bên trong của một thể loại kinh nghiệm được bổ sung dưới hình thức truyền thụ những hành vi có tính chất di truyền vô cùng hạn chế qua tiến hóa lâu dài của tự nhiên, và dần dần được thay thế bằng một sự tích lũy bên ngoài rất mau chóng dưới hình thức một sự di truyền có tính chất xã hội tiếp nhận từ các đối tượng và các mối quan hệ (một sự tích lũy tâm lý mà không có hình thức và giới hạn của tính chất cá nhân). Cái mà nhân loại đã tích lũy dược khác hẳn với thế giới loài vật không có tính chất hành vi trực tiếp; sự tích lũy ấy phần lớn là từ những thực tế xã hội, trong đó đời sống tâm lý hình như mất đi, bị phủ định về hình thức, Kết quả là mỗi cá nhân phải tái hiện nên những hình thức tâm lý đó trước hiện thực bằng cách cá nhân tiếp nhận và đồng hóa với những thực tế và đề tự mình thoát ra khỏi tính vật để đạt tới hành vi của tính người. Sự phủ định của phủ định đó, như phép biện chứng đã chỉ ra, là sự phản ánh bước tiến to lớn về chất của quả trình con người thoát thai từ loài vật mà ra»[12]. Quan điểm đó khác hẳn với triết học nhân bản. Đối với triết học ấy, con người bắt buộc phải hành động, vì về mặt sinh học con người không được chuyên hóa và không có đủ hoặc rất ít phản xạ bản năng. Mặc dù khái niệm hành động của triết học nhân bản tưởng như tương tự với khái niệm lao động của Mác, nhưng thực ra hoàn toàn đối lập về nội dung lý luận của nó. Hành động, tính tích cực, sự hoạt động và tất cả những hình thức muôn vẻ trong đời sống của con người không thể nào lại giải thích một cách đơn giản rằng một nhu cầu bắt buộc về sinh học đòi hỏi sự thay thế các trung tâm điều khiển còn thiếu sót về mặt sinh học bằng những hành động có định hướng, tự giác, dựa trên trí tuệ và lý tính. Trong lịch sử tự nhiên điều đó còn có tác dụng hơn nữa, đó là hiện tượng lao động xuất hiện, hiện tượng mới ấy có rất nhiều tác động khiến cho sức sống bản năng và thói quen thích ứng với môi trường của con người giảm đi mà không hoàn toàn bị phủ định, như siêu hình học duy tâm cổ điển quan niệm, khi họ đề cao địa vị chế ngự tuyệt đối của «lý tính» so với «dục vọng». Mọi người đều phải tuân theo các quy luật của tự nhiên và đồng thời cũng phải tuân theo những quy luật trong đời sống xã hội và lịch sử. Các quy luật sau sinh ra từ các quy luật trước và phát triển lên như là “ các quy luật tự nhiên» với chất lượng đặc biệt. Như vậy, khái niệm hoạt động mang một nội dung sâu sắc, nếu ta hiểu nó dưới khía cạnh tính liên tục và tính đứt đoạn, sự thống nhất mâu thuẫn giữa lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội. Từ khi đó, quan niệm lý luận mác-xít đã nhấn mạnh những điều đó, Mác nhấn mạnh lao động không phải là nguồn của mọi của cải, mà « giới tự nhiên, cũng như lao động, là nguồn của những giá trị sử dụng (vì của cải vật chất lại chính là gồm những giá trị này!) và bản thân lao động cũng chỉ là biểu hiện của một sức tự nhiên, sức lao động của con người»[13]. Khái niệm hành động và hoạt động của triết học nhân bản che đậy những quan hệ ấy. Đó là Véc-nơ Ruy-gơ-mơ nhận xét có lý một sự biến dạng của quan niệm theo chủ nghĩa hành vi về “hành vi" các sinh vật và do đó dẫn đến chỗ không thề vượt qua được trường phái sinh học và cũng chẳng khắc phục được tính chất nhị nguyên duy tâm về « cái tâm” và « cái xác » [14].

Điều đó cũng thấy rõ khi phân tích tiếp những vấn đề khác trong triết học nhân bản, những vấn đề như biểu tượng, tư duy, ngôn ngữ, các hình thức của tri thức và hàng loạt các vấn đề xung quanh đó nữa. Song, thường cái cốt lõi về phương pháp là giống nhau: Đó là cách lý giải rất nhiều hiện tượng của đời sống xã hội từ một sơ đồ chủ yếu; các hiện tượng ấy hiện ra như là cái tất yếu của sự bảo toàn đời sống sinh học. Thêm một thí dụ nữa về lối tư duy như thế của triết học nhân bản, có thể kể đến quan niệm của Ghê-len và cái gọi là sự thừa động lực và do đó tất yếu phải có « những hệ thống hướng dẫn ».

Đối với Ghê-len thì trước tiên “hành động, của con người có khuyết tật về bản chất không phải bắt nguồn từ động cơ ở hoàn cảnh xã hội cụ thể, mà động cơ hành động ấy là do sự kết cấu sinh học mà ra. Quả là Ghê-len có phần nào không đồng ý với các lý thuyết về động lực sinh học tâm lý khác nhau, nhưng khi thuyết minh tính tích cực của con người về mặt sinh học, ông ta lại coi cái động lực tâm lý nói chung là nguồn gốc hoạt động của con người. Bởi vậy, triết học nhân bản không chỉ đề cập đến những vấn đề tâm lý, mà còn đề cập đến cả việc giải thích những hiện tượng trong lịch sử xã hội, những hiện tượng ấy được giải thích theo kết cấu của “sự thừa động lực» không phụ thuộc vào khách quan, mà sự thừa ấy còn vượt ra ngoài cả sự thỏa mãn những đòi hỏi cần thiết về mặt sinh học thông thường nữa. Theo Ghê-len, trong cái gọi là sự thừa động lực ấy chứa đựng một nguy cơ; bởi lẽ đó là sự tràn trề của năng lượng làm ngòi thúc đẩy, bởi lẽ con người có khả năng kiềm chế những dục vọng và ý muốn của họ. Để tránh cho cái nguy cơ ấy khỏi bùng nổ tự phát thì cần thiết phải có những thiết chế xã hội. Các hệ thống hướng dẫn như thế có thể là tôn giáo, các thế giới quan, các thiết chế về mặt nhà nước, xã hội và chính trị. Tất cả những cái đó đều là "tất yếu sinh học”, qua đó vấn đề chân lý của thế giới quan, hoặc của nội dung và mục tiêu cụ thể của chính trị được bảo đảm chắc chắn.

Giờ đây, người ta có thể nói rằng, quan niệm của Ghê-len về « sự thừa động lực» chỉ có thể là một vấn đề thực tế, nếu như nó vạch ra tính chất của các động lực thực sự của đời sống xã hội. Cách giải thích theo lối sinh học về tính chất ấy của triết học nhân bản phản ánh một cách duy tâm, trái ngược với thực tế là nền sản xuất hàng hóa mở rộng với quy mô to lớn trong chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước dường như là sự tiêu biểu cho một nhu cầu phổ biến, không lệ thuộc vào nội dung nào, một khát vọng “tự thân vượt ra khỏi cả sự sản xuất và tiêu dùng hiện nay. Bởi vậy, quan niệm của Ghê-len về sự thừa động lực» biến «quan hệ hàng hóa bị tha hóa nói chung về sản phẩm và con người thành thực tế chủ yếu có tính chất nhân bản sinh học»[15]. Tuy vậy, đó mới chỉ là khía cạnh triết học chung trong ý đồ kết cấu của ông ta. Tính chất trực tiếp liên quan đến thời đại còn tỏ rõ hơn nữa trong quan niệm của ông ta về sự cần thiết phải có « các hệ thống hướng dẫn». Đối với triết học nhân bản của Ghê-len thì đó chẳng những là sự tất yếu sinh học để ràng buộc “sự thừa động lực», mà những hệ thống ấy còn là một sự phủ định có tác dụng và cần luôn luôn được xem xét lại trước những nguy cơ do «hành động» của chủ thể gây ra. Qua đó càng thấy rõ triết học nhân bản của Ghê-len rất có ích cho hệ tư tưởng phát-xít. Nhờ có sự thừa động lực mà có hành động của con người và có tác dụng là một sự tích cực tất yếu. Tính tích cực ấy lại được « các hệ thống hướng dẫn» nâng lên và phủ định triệt để. Bởi vậy, theo Ghê-len, « các hệ thống hướng dẫn» ấy có xu hướng nâng cao cá tính của con người. Sự đồng nhất của chủ thể với «các hệ thống hướng dẫn» mà cá nhân phải phục tùng vấn đề chân lý của thế giới quan không được đặt ra theo triết học nhân bản của Ghê-len là một tất yếu sinh học. Một quan niệm như thế hoàn toàn phù hợp với quan điểm lừa bịp của chủ nghĩa phát-xít về khối cộng đồng dân tộc, và hơn nữa tư tưởng đó đã trở thành một khẩu hiệu lừa bịp mang tính chất triết học phổ biến: «Cá nhân anh chẳng có nghĩa gì cả dân tộc anh là tất cả » mà chủ nghĩa phát-xít đã nêu ra. Khối «cộng đồng dân tộc» đòi hỏi sự hy sinh nhiều hơn nữa; nó đòi hỏi « sự hy sinh bằng hành động, lâu dài, chu đáo và có kỷ luật của từng con người! Nó thường xuyên đòi hỏi sự hy sinh như thế ở trường học và trong nghề nghiệp, và đòi hỏi ấy được thi hành cả trong ngày chủ nhật, bởi vì mọi người phải tập hợp lại — như quốc trưởng đã nói đề giáo dục lẫn nhau». Chính vì thế mà Hit-le đã kêu gọi. «Cái mà chúng ta cần thiết là: Xã hội hóa ngân hàng và xưởng máy... Chúng ta xã hội hóa cả con người » [16].

Sự giải thích có tính chất triết học lịch sử mà Ghê-len thực hiện trong triết học nhân bản của ông ta về vấn đề tương lai của con người cũng hoàn toàn phủ hợp với quan điểm của chủ nghĩa phát-xít. Từ sự nghiên cứu sinh học, ông ta rút ra những kết luận tổng quát rằng sự bảo toàn cuộc sống sinh học là giá trị tối cao và cuộc sống của con người không hề có ý nghĩa siêu nhiên. Vì vậy, thời đại đang đòi hỏi một “con người mới, trong đó quá trình sinh học bắt đầu « để tự nó bước vào một mối quan hệ. Nếu như con người cần bắt đầu tự nhận lấy trách nhiệm, biết hành động và đánh giá toàn bộ những kinh nghiệm mà anh ta đã có, thì như thế quả là tôn giáo một cái dùng những hình ảnh siêu phàm để lấp những khoảng trống trở thành thực tế lịch sử, và một thời đại mới đã tới Nít-sơ đã nhìn thấy điều đó và báo trước bằng những hình tượng siêu nhân, bằng ý muốn sức mạnh và bằng sự quay lại vĩnh viễn thời đại chăm chút và cai quản trái đất một cách có ý thức" [17].

Quả là Ghê-len có lý khi ông ta nghĩ rằng, đời sống con người không hề có ý nghĩa “siêu hình”, song điều đó không có nghĩa là đời sống ấy chỉ được quan niệm là một quá trình sinh học, và giải quyết những vấn đề của thời đại theo lối suy nghĩ cho rằng trong «con người mới» quá trình sinh học ấy bước vào một mối quan hệ. Người ta có thể nói rằng, Ghê-len cũng đề cập đến một vấn đề có tính khách quan. Đó là cái hố ngăn cách sâu sắc mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra giữa sự phát triển xã hội và phát triển tự nhiên. Sự tàn phá nặng nề tính cân bằng của các quan hệ giữa xã hội và tự nhiên tuy không thể khắc phục được bằng con đường Tự tìm đến của quá trình sinh học trong «con người mới, như Ghê-len tưởng tượng mà rốt cuộc chỉ có thể xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa bằng con đường cách mạng, tức là phải làm thay đời triệt để sự tồn tại xã hội của con người. Ghê-len định chuyển vấn đề đó cho “những con người mới”, như vậy với ý nghĩa nhất định, quan điểm ấy giống như sự bịp bợm của chủ nghĩa phát-xít về mặt xã hội, muốn nắm lấy những vấn đề thực tế và đồng thời tìm cách cản trở việc xóa bỏ tất yếu những quan hệ xã hội tư bản chủ nghĩa trong lịch sử, bằng cách giả vờ đưa ra khẩu hiệu “xã hội hóa con người» để giải quyết những vấn đề của thời đại. Như vậy, tất nhiên Ghê-len quan niệm “thế giới quan xã hội dân tộc» và chính sách của chủ nghĩa phát xít phải là “sự chứng minh thực tế» của triết học nhân bản của ông ta.[18]

Mối quan hệ nhiều mặt của triết học nhân bản của Ghê-len với chính sách và hệ tư tưởng của chủ nghĩa phát-xít Đức càng vạch trần nội dung tư tưởng chủ yếu của thứ triết học ấy. Nội dung ấy không phải chỉ hướng vào chủ nghĩa phát-xít. Ở trên, chúng ta đã khẳng định rằng, triết học nhân bản của Sê-lơ và Ghê len đề ra một quan niệm về con người thích hợp với bước quá độ tiến tới chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Bằng sự trừu tượng triết học, một hình ảnh về con người và về thế giới được đưa ra. Hình ảnh ấy thể hiện rõ rệt lợi ích của giai cấp tư bản độc quyền và biểu hiện những thay đổi của chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ XX và được chế biến phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị. Trong triết học nhân bản của triết học duy tâm tư sản ở Đức thể hiện rõ rệt cả cái Chung, cái Đặc thù và cái Riêng. Triết học ấy là biểu hiện bước ngoặt của triết học tư sản chuyển sang chủ nghĩa nhân bản trong thế kỷ XIX trong điều kiện đặc biệt: bằng sự khái quát hóa triết học, nó tạo ra một mẫu người phù hợp với cuộc tổng khủng hoảng của hệ thống tư bản chủ nghĩa đang bắt đầu. Đặc thù ấy thể hiện rõ rệt và đầy đủ ở chỗ triết học nhân bản hướng tới trực tiếp phục vụ chính trị và hệ tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc Đức. Sê-lơ và Ghê-len chỉ là những thí dụ tiêu biểu về vấn đề đó.

Triết học nhân bản - lần đầu tiên nó được Sê-lơ xây dựng một cách có hệ thống - xuất hiện trong quá trình các cuộc thảo luận hồi đầu thế kỷ XX ở nước Đức, giữa các nhà triết học và xã hội học tư sản về vấn đề ra đời và tương lai của chủ nghĩa tư bản (như Véc-nơ Xom-bát, Mác Vê-bơ, En-xtơ Tơ-rô-ét-xơ, Ghê-oóc Sim-me và những người khác nữa). Dù rằng về chi tiết có khác nhau, song những cuộc thảo luận phân tích ấy đều nhằm chống lại phong trào công nhân và lý luận mácxít và dựa vào chủ nghĩa nhân bản chung của thế giới quan tư sản để cắt nghĩa rằng chủ nghĩa tư bản là sản phẩm của mẫu người đặc biệt, người tư sản. Sự phát triển trên một trăm năm qua của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện ra như là kết quả thử nghiệm của cái mẫu người nhất định về sinh học và tâm lý, tức là người tư sản với năng lực tinh thần đặc biệt của nó. Sê-lơ viết: «Trước hết chủ nghĩa tư bản không phải là một hệ thống kinh tế phân chia sở hữu, mà là một hệ thống gồm toàn bộ cuộc sống và văn hóa. Hệ thống ấy ra đời từ cách đặt mục tiêu và cách đánh giá của một mẫu người nhất định về sinh học – tâm lý, tức là nhà tư sản mang theo truyền thống của mình » [19].

Vậy là, từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản với tính cách là một hệ thống xã hội đã thay đổi hình dạng của nó. Sự xuất hiện các độc quyền, tình trạng quan liêu hóa ngày càng tăng trong các lĩnh vực xã hội, sự phát triển sản xuất, việc nhà nước nắm các chức năng kinh doanh, chiến lược mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và một mẫu nhà tư sản mới kiểu Rốc-cơ-phen-lơ đã vứt bỏ mọi cái cũ kỹ, tất cả những hiện tượng đó tiêu biểu cho chủ nghĩa tư bản bắt đầu chuyển sang chủ nghĩa đế quốc và quá độ chuyển sang những hình thức của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, những chấn động sâu sắc về xã hội và những cuộc khủng hoảng đã khiến cho không ít các nhà tư tưởng tư sản lo ngại. Quan niệm của họ về thế giới chủ yếu vẫn được quy định bởi những lý tưởng thế giới quan và chính trị truyền thống của chủ nghĩa tự do. Về mặt triết học, đặc biệt đối với Sê-lơ, triết học hiện sinh đã chi phối nhất định tư duy của ông ta cái mà ông thờ phụng, mặc dù ông cũng có phê phán chút ít kết quả của thứ triết học ấy. Vì rằng “cái hình ảnh về thế giới" mà chủ nghĩa tự do cổ điển quan niệm về nhiều mặt mâu thuẫn với hiện thực tư bản chủ nghĩa ở Đức vào đầu thế kỷ XX, cho nên không lấy gì làm lạ rằng, Sê-lơ và rất nhiều nhà tư tưởng khác quan niệm về một cuộc khủng hoảng chỉ là cuộc khủng hoảng của « con người». Cái mẫu người tư sản cũ đã chết rồi, những kẻ kế tục nó hiện ra trước mắt những nhà triết học tự do và cao đạo như là những tấm hình bị xé rách, cuộc tổng khủng hoảng của xã hội tư sản đang bắt đầu hiện ra như là cuộc khủng hoảng “của những con người tư bản chủ nghĩa». Trước tình hình đáng buồn đó cần làm gì và tìm lối thoát ở đâu ? Câu hỏi ấy thường được đặt ra với nhiều nhà triết học tư sản ở nước Đức hồi đó và trong phạm vi nghề nghiệp triết học của họ, bằng nhiều phương tiện khác nhau, và với trình độ hiểu biết cao, họ tìm kiếm những con đường khắc phục cái hiện trạng bị đát ấy. Điều hiển nhiên đối với Sê-lơ là ông ta cho rằng những suy nghĩ của chính bản thân ông ta cũng như của nhiều nhà lý luận tư sản khác về « việc nghiên cứu nguyên nhân của chủ nghĩa tư bản, sẽ có thể vạch ra rằng, hoàn toàn có thể loại trừ khả năng hy vọng chủ nghĩa tư bản sẽ biến mất bằng cách tiến hành những thay đổi chế độ sở hữu, sản xuất và phân phối của cải hiện thời (như các đảng xã hội đòi hỏi và trông đợi)»[20]. Như vậy là những thay đổi về xã hội không thể nào đạt được, vì chúng chẳng giải quyết vấn đề gì cả theo ý nghĩ của các nhà triết học duy tâm ấy. Nếu cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản lại là cuộc “khủng hoảng của con người tư sản”, thì con đường triết học phải theo để tìm lối thoát về mặt lý luận và tự đổi mới nhất thiết phải là con đường nhân bản. Sau khi tích cực tham gia hình thành cái triết học biện hộ chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc Đức, với tư cách là kẻ bợ đỡ cho chế độ tư sản trong thời gian chiến tranh thế giới thứ nhất đến những năm 20, tức là thời gian tương đối ổn định của chủ nghĩa tư bản, ông ta lại có khuynh hướng ngả theo chủ nghĩa lạc quan một cách thận trọng. Ông ta tin rằng đã tìm ra con đường để « đổi mới» « con người tư sản», con đường thoát khỏi khủng hoảng. Vì vậy, trong thời gian ấy ông ta lên tiếng phê phán, chống lại tất cả các triết học suy đồi theo cái trò của Ô-xvan Spênhlơ hoặc của En-xtơ I-uynh-gơ. Con đường mà ông ta tưởng tượng là nhào nặn lại «con người siêu nhân» của Nít-sơ. Sê-lơ gọi lý tưởng đó là « con người toàn năng, và tưởng rằng mọi con người (tư sản và vô sản) đều có thể thích hợp với mẫu người ấy. Sê-lơ nghĩ rằng lối thoát mà ông ta tìm ra được là làm cho con người siêu nhân của Nit-sơ được tự do tương đối. Bởi vậy, những bước đầu tiên để đi tới vương quốc «con người toàn năng, tương lai là ở chỗ cần phải phấn đấu đến một sự « thăng bằng » phổ biến. Tất cả các lối tư duy và các nền văn hóa, các mâu thuẫn dân tộc và các hận thủ chủng tộc, các sự đối lập giữa châu Âu và châu Á, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, các mâu thuẫn giữa nghèo và giàu, giữa tôn giáo và triết học, giữa các giai cấp, v.v..., tất cả những cái đó đều cần có sự thăng bằng. Một nhiệm vụ của tinh thần và ý chí là điều khiển và điều chỉnh sự thăng bằng ấy của các tính chất và các lực lượng làm sao để cho sự thăng bằng ấy thích hợp với một giá trị ngày càng cao của hình mẫu. Và đó cũng là thậm chí trước hết là - nhiệm vụ của chính trị [21]. Làm thế nào để có được hình ảnh êm đềm tự do như thế ? Làm sao để nó xuất hiện khắp nơi nói chung? Đối với các nhà triết học nhân bản duy tâm, những câu hỏi đó có nghĩa là phải khảo sát kỹ hơn nữa vấn đề con người vốn dĩ là gì, có nghĩa là phải nghiên cứu xem liệu con người với kết cấu đặc biệt của nó có thể thực hiện được sự biến đổi đáng kỳ vọng không. Một nhiệm vụ tất yếu bắt nguồn từ đó là phải xây dựng một cách có hệ thống triết học nhân bản mà Sê-lơ mong muốn.

Ở phần trên, chúng tôi đã trình bày một số quan niệm quan trọng nhất của triết học nhân bản để làm sáng tỏ hình ảnh con người trong triết học nhân bản (sự so sánh Người – Vật; khái niệm hành động; sự thừa động lực và các hệ thống hướng dẫn) chủ yếu dựa vào các thí dụ của Ghê-len. Những quan niệm chủ yếu như thế cũng có thể tìm thấy trong triết học nhân bản của Sê lơ, đồng thời cũng cần bỏ sung thêm một điểm quan trọng nữa. Triết học nhân bản mưu toan đưa ra một quan niệm mới về hình ảnh con người đề khác phục cuộc khủng hoảng của xã hội tư bản, và tưởng rằng đưa ra lý luận như thế chí ít có thể bảo đảm tương lai chắc chắn cho chế độ tư bản chủ nghĩa. Mưu toan ấy không thể nào thực hiện được bởi lẽ rất đơn giản là phương pháp triết học tư biện của nó và hình ảnh con người ấy chỉ là một hình ảnh cứng đờ và sống sượng. Một con người vĩnh cửu, cứng nhắc, không biến đổi thì không thể nào chấp nhận được. Bởi vậy, cần thấy rõ sự khác nhau căn bản giữa quan niệm của triết học nhân bản mới với những quan niệm nhân bản của thế kỷ XIX là ở chỗ mẫu người trước kia linh hoạt hơn. Cốt lõi của mục tiêu và ý định của triết học nhân bản là chứng minh cho vị trí tuyệt đối và vĩnh cửu của mô hình con người của nó. Quan niệm so sánh về Người – Vật, cũng như các khái niệm và các quan niệm khác đưa ra đều nhằm phục vụ ý đồ đó. Mục tiêu của triết học nhân bản có thể tóm gọn trong khái niệm mà Sê-lơ là người đầu tiên đưa ra như sau: Đó là cái gọi là “sự vươn tới thế giới» của con người, qua đó thể hiện tập trung nhất vị trí đặc biệt của nó. Khái niệm của sự mở rộng thế giới trước hết được Sê-lơ quan niệm theo một ý nghĩa nhất định. Ông ta quan niệm đó là « khả năng » con người vượt qua thế giới và suy nghĩ một cách siêu hình. Về sau, khái niệm “mở rộng thế giới, của con người (mặc dầu một số đại biểu của triết học nhân bản giải thích khái niệm ấy có khác nhau) có ý nghĩa tương đối rõ ràng trong phạm vi triết học nhân bản. Mở rộng thế giới là một khái niệm cốt lõi của triết học nhân bản, có nghĩa là: không cố định, khả năng phát triển không lường trước được, thay đổi tùy ý, có nghĩa là không xác định được chất lượng, không có độc lập và không có cá tính. Mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân và xã hội, mà từ đó mới có thể rút ra những đặc tính của cá nhận được nâng lên và xây dựng một cách tư biện trong khái niệm “mở rộng thế giới" của con người, tựa như là quan hệ biện chứng giữa tự nhiên và xã hội. “Con người» được quan niệm như là một thực thể biến đổi tùy ý, không xác định được về mặt chất lượng, có thể thay đổi, có thể vận động, rõ rệt mang tính đơn tử mô hình con người ấy có thể được quan niệm như trong triết học nhân bản hoặc cũng xuất hiện trong các lý luận xã hội tư sản mới nảy sinh, như lý luận xã hội công nghiệp, hay là lý thuyết về hệ thống. Bản thân Ghê-len là một ví dụ về vấn đề này. Ông ta đã « chuyển» từ triết học nhân bản sang xã hội học từ sau năm 1945 ở Cộng hòa liên bang Đức. Ông ta là người khởi xướng lý luận xã hội công nghiệp, trong lý luận ấy - cũng như hiện nay trong quan niệm về lý thuyết hệ thống các quan niệm của triết học nhân bản vẫn được tiếp tục. Như vậy là triết học nhân bản, như chúng tôi đã nói rõ, là « bộ môn » của triết học duy tâm tư sản, ngày càng được thay thế bằng những cái mới, tuy nhiên quan điểm chủ yếu của nó về bản chất con người mà nó đã đề ra về mặt lý luận vẫn còn tiếp tục tác động; những quan niệm ấy là các yếu tố chủ yếu trong chiến lược tư tưởng lý luận của hệ tư tưởng tư sản trong cuộc đấu tranh của nó nhằm chống lại sự phát triển của lịch sử.



[1] Mác Sê-lơ: Vị trí của con người trong vũ trụ, Toàn tập, t. 9, Ben – Muy-ních, 1976, tr. 7, 8.

[2] Xem Đi-tơ Béc-nơ – Raihác Mô sếch: Các lý luận về xã hội của tư sản, chương IV, Béc lin, 1976.

[3] Xem Ô-đô Mác-ca: «Về lịch sử khái niệm nhân bản triết học kể từ cuối thế kỷ XVI», trong Hội thảo triết học, Bai-xơ – Stút gác, 1965, tr. 209.

[4] Quyn-tơ Rô-mô do: Sự giải phóng và sự tự do, Muy- ních, 1970, tr. 362.

[5] Véc-nơ Ruy-gơ-mơ: Triết học nhân bản và cuộc khủng hoảng của thời đại, Khuên, 1979, tr. 9. Công trình của Ruy-gơ-mơ mà chúng tôi căn cứ chủ yếu vào đó – cho thấy rõ (kể cả những sách báo mà ông ta đã tham khảo) rằng khi nghiên cứu triết học tư sản hiện đại mặc dù theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin nhưng còn chưa chú ý đầy đủ đến triết học nhận bản và có phần trình bày chưa đúng. Công trình của Ruy-gơ-mơ nghiên cứu về triết học của Ghê-len không những chỉ ra rằng sự phân tích như vậy là cần thiết và đúng đắn, mà còn lưu ý một vấn đề nữa là, cần tiếp tục nghiên cứu các đại biểu khác nữa của triết học nhân bản (chẳng hạn như Mác Sê-lơ hoặc Hen-mút Plét-xnơ).

[6] Van-te Sun-xơ: Triết học trong thế giới đã thay đổi, Phu-ling-en, 1972, tr. 457.

[7] Ác-nôn Ghê-len: Con người. Bản chất và địa vị của nó Trong thế giới, Phrăng-phuốc (Mai) Bon, 1966, tr. 14.

[8] Hen-mút Plét-xnơ: Các giai đoạn của tổ chức hữu cơ và con người, tr. 19.

[9] Xem Véc-nơ Ruy-gơ-mơ: Triết học nhân bản và cuộc khủng hoảng của thời đại Khuên, 1979, tr. 72.

[10] Ác-nôn Ghê-len: Con người. Bản chất và địa vị của nó trong thế giới, tr. 39.

[11] Xem phần tóm tắt của Véc-nơ Ruy-gơ-mơ: Triết học nhân bản và cuộc khủng hoảng của thời đại, chương II, phần 4 và 5.

[12] Luy-xiêng Sê-vơ: Chủ nghĩa Mác và lý luận về con người. Béc-lin, 1973, tr. 401.

[13] Mác - Ăng-ghen: Tuyển tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1983, L. IV, tr. 470

[14] Véc-nơ Ruy-gơ-mơ: Sự giải phóng và ng tự do, tr. 78

[15] Véc-nơ Ruy-gơ-mơ; Sự giải phóng và sự tự do, tr. 83.

[16] Véc-nơ Ruy-gơ-mơ: Sự giải phóng và sự tự do, tr. 59, 85.

[17] Ác-nôn Ghê-len: Con người. Bản chất và địa vị của nó trong thế giới, tr. 372.

[18] Xem Véc-nơ Ruy-gơ-mơ: Triết học nhân bản và cuộc khủng hoảng của thời đại, tr. 88.

[19] Xem Véc-nơ Ruy-gơ-mơ: Triết học nhận bản và cuộc Thủng hoảng của thời đại, tr. 44.

[20] Xem Véc-ng Ruy-gơ-mơ: Triết học nhân bản và cuộc khủng hoảng của thời đại, tr. 145.

[21] Mác Sê-lơ: Thế giới quan triết học, Muy-ních, 1954, tr. 98.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt