Triết học tình yêu

Siêu lý tình yêu - Bài bốn (VI-VII)

SIÊU LÝ TÌNH YÊU
 
Bài bốn (VI-VII)
 
 
VLADIMIR SOLOVIEV (1853-1900)
 
PHẠM VĨNH CƯ dịch
 

 
 
VI
 

Mục lục

1. Siêu lý tình yêu - Bàì một

2. Siêu lý tình yêu - Bài hai

3. Siêu lý tình yêu - Bài ba

4. Siêu lý tình yêu

- Bài  bốn: I-II-III

- Bài bốn: IV-V

- Bài bốn: VI-VII

5. Siêu lý tình yêu

- Bài năm I-II

- Bài năm III

- Bài năm IV-V

 
Cơ đồ của tình yêu chân chính trước hết đặt trên cơ sở niềm tin. ý nghĩa căn bản của tình yêu, như trên đã cho thấy, là sự thừa nhận giá trị tuyệt đối ở một sinh linh khác. Nhưng trong tồn tại nghiệm chứng, được tri giác trong thực tại bằng cảm tính, sinh linh ấy không có ý nghĩa tuyệt đối: nó không thập toàn về phẩm chất và nhất thời về kiểu tồn tại của mình. Do đó, ta chỉ có thể khẳng định ý nghĩa tuyệt đối ở nó bằng niềm tin, niềm tin là sự bố cáo cái hằng mong, là sự phát giác cái tàng hình. Nhưng niềm tin liên quan với cái gì trong trường hợp này? Quả thật, thế nào là tin vào ý nghĩa tuyệt đối và do đó mà vô tận của một con người cá thể nào đó? Khẳng định rằng nó tự nó, với tư cách chỉ là nó, trong tính cá biệt và lẻ loi của nó, có ý nghĩa tuyệt đối, sẽ là vừa lố bịch vừa xúc phạm thần thánh. Tất nhiên, từ "sùng bái" rất thông dụng trong lĩnh vực quan hệ yêu đương, thế nhưng cả từ "điên rồ" cũng được áp dụng chính đáng vào khu vực này. Như vậy, tuân thủ quy luật lôgic học không cho phép đồng nhất hóa những định nghĩa mâu thuẫn nhau, cũng như theo lời khuyên răn của tôn giáo chân chính cấm thờ bái thần tượng, ta phải hiểu niềm tin vào đối tượng tình yêu của ta là sự khẳng định đối tượng ấy tồn tại trong Chúa Trời, và theo nghĩa ấy, nó có giá trị tuyệt đối. Tất nhiên, thái độ siêu nghiệm ấy đối với cái tôi thứ hai của ta, sự chuyển vị nó trong ý tưởng vào lĩnh vực của thánh thần đòi hỏi cũng một thái độ như thế đối với bản thân ta, ta cũng chuyển vị mình và khẳng định mình như thế ở trong lĩnh vực cái tuyệt đối. Ta có thể thừa nhận ý nghĩa tuyệt đối của con người nào đó hay là tin vào nó (không có cái đó thì không thể có tình yêu thực thụ) chỉ bằng cách khẳng định nó trong Chúa Trời, tức là tin vào chính Chúa Trời và tin vào bản thân ta như là kẻ có ở trong Chúa trung tâm và cội nguồn của sinh linh của mình. Niềm tin hợp tam ấy đã là một hành động nội tại nhất định, và hành động ấy đặt cơ sở đầu tiên cho sự tái hợp nhất đích thực con người với cái tôi khác của nó và cho sự khôi phục trong nó (hay là trong họ) hình ảnh của Chúa Trời tam-nhất. Hành động của đức tin trong những điều kiện hiện thực của thời gian và không gian là nguyện cầu (theo nghĩa cơ bản, chứ không phải kĩ thuật của từ này). Sự liên kết không tách rời mình với người khác ở hành động này là bước đầu tiên tiến tới sự hòa đồng đích thực. Tự nó, bước ấy bé nhỏ, nhưng không có nó thì không thể có cái tiếp theo và cái to lớn hơn.
 
Vì đối với Chúa Trời vĩnh hằng và thống nhất, tất cả đều tồn tại cùng nhau và cùng một lúc, cho nên khẳng định một sinh linh cá thể nào đó trong Chúa - tức là khẳng định nó không trong thể đơn lập của nó, mà trong tất cả hay, nói đúng hơn, trong thể thống nhất của tất cả. Nhưng bởi vì sinh linh cá thể ấy trong thực tại nghiệm chứng của nó không hòa nhập thể thống nhất của tất cả mà tồn tại đơn lập, như một hiện tượng vật chất cá biệt, cho nên đối tượng của tình yêu mang đức tin nơi ta tất yếu phải khác cái khách thể nghiệm chứng của tình yêu bản năng của ta, mặc dù gắn bó không thể tách rời với nó. Đây vẫn là một con người dưới hai dạng thức khác nhau hay là ở hai lĩnh vực khác nhau của sinh tồn, lĩnh vực lý tưởng và lĩnh vực thực tại. Con người thứ nhất hãy còn là ý tưởng. Nhưng trong tình yêu chân chính, tình yêu có đức tin và có mắt, ta biết rằng ý tưởng ấy không phải là hư cấu tuỳ tiện của ta, mà là chân lý của đối tượng của ta, có điều chân lý ấy chưa được hiện thực hóa thành hiện tượng thực tại bên ngoài.
 
Cái ý tưởng chân xác ấy về đối tượng mến yêu, mặc dù cũng hiển lộ qua hiện tượng thực tại trong những khoảnh khắc hứng khởi cao độ của tình yêu, nhưng ban đầu nó xuất hiện rõ hơn trong trí tưởng tượng. Hình thức cụ thể của cái được tưởng tượng ấy, hình ảnh lý tưởng của khuôn mặt được ta mến yêu trong lúc này, tất nhiên, do ta tạo ra, nhưng nó được tạo ra không phải từ hư vô, và tính chủ quan của hình ảnh ấy, như nó hiện ra giờ đây và ở đây trước mắt của hồn ta, tuyệt không chứng tỏ tính chủ quan, tức là tính tồn tại chỉ cho ta, của bản thân đối tượng. Nếu đối với ta, bên này bờ thế giới siêu tại, một đối tượng lý tưởng nào đó hiện ra chỉ như một tác phẩm của trí tưởng tượng, thì cái đó vẫn không ngăn trở tính hiện thực đầy đủ của nó trong lĩnh vực khác, cao hơn của sinh tồn. Và mặc dù cuộc sống thực tại của ta nằm ngoài lĩnh vực ấy, trí tuệ ta không hoàn toàn xa lạ với nó, và ta có thể có một khái niệm trí hội xác định về những quy luật tồn tại của nó. Và đây, luật đầu tiên, luật cơ bản: nếu trong thế giới chúng ta sự tồn tại đơn lập và cô lập là sự thật và thực tại, còn thể thống nhất chỉ là khái niệm và ý tưởng, thì nơi ấy, ngược lại, hiện thực thuộc về thể thống nhất, hoặc nói đúng hơn, thể- nhất-thống-của-tất-cả, còn tính đơn lập và biệt lập chỉ tồn tại trong tiềm năng và trong chủ quan.
 
Từ đó có thể suy ra rằng sự sống của con người trong lĩnh vực siêu tại không phải là sự sống cá thể theo nghĩa thực tại nơi đây. Nơi ấy, tức là trong chân lý, khuôn mặt cá thể chỉ là một tia sáng, sống động và thực tại, nhưng là một tia sáng không thể tách rời của một mặt trời ý tưởng - một bản thể nhất thống của tất cả. Cái khuôn mặt lý tưởng ấy, hay là cái ý tưởng đã nhập thể, chỉ là sự cá thể hóa thể thống nhất của tất cả, thể thống nhất ấy tồn tại không chia cắt trong mỗi một thể cá thể hóa của mình. Như vậy, khi ta tưởng tượng ra hình thức lý tưởng của đối tượng mến yêu thì dưới hình thức ấy, chính cái bản thể thống nhất của tất cả đã được báo cho ta. Thế thì ta phải ý niệm nó thế nào?
 
VII
 
Chúa Trời nhất thể vừa phân định khỏi mình (cái thể khác) của mình, tức là tất cả cái không phải là chính Ngài, vừa đồng thời liên kết tất cả cái đó với mình, ý niệm tất cả cái đó tồn tại cùng nhau và cùng một lúc dưới hính thức hoàn hảo tuyệt đối, tức là như một thể thống nhất. Cái thể thống nhất khác ấy, khác biệt tuy không thể tách rời thể thống nhất nguyên thuỷ của Chúa, trong quan hệ với Chúa là thể thống nhất thụ động, nữ tính, bởi vì ở đây cái trống không vĩnh hằng (tiềm năng thuần tuý) tiếp nhận sự sống viên mãn của Chúa. Nhưng nếu cơ sở của nữ tính vĩnh hằng ấy là cái hư không thuần tuý, thì đối với Chúa, cái hư không ấy được che khuất bởi hình ảnh hoàn hảo tuyệt đối được tiếp nhận từ chính Ngài. Cái tuyệt hảo mới bắt đầu được hiện thực hóa cho ta ấy, đối với Chúa, tức là trong chân lý, đã là thực tại. Thể thống nhất lý tưởng ấy, mà thế giới chúng ta hướng về nó và nó là mục đích của tiến trình hoàn vũ và tiến trình lịch sử, không thể chỉ là một khái niệm chủ quan của ai đó (bởi vì nếu thế thì nó là của ai?) mà đích thực là đối tượng vĩnh hằng của tình yêu của Chúa, là cái thể khác vĩnh hằng của Ngài.
 
Lí tưởng sống động ấy của tình yêu của Chúa, đi trước tình yêu của chúng ta, ẩn chứa trong mình bí mật của sự lý tưởng hóa trong tình yêu. Ở đây, sự lý tưởng hóa một sinh linh cấp thấp hơn đồng thời là bước đầu hiện thực hóa một sinh linh cấp cao hơn, và chân lý của cảm hứng hay là khí thế của tình yêu chính là ở đây. Còn sự hiện thực hóa đầy đủ, sự hóa hình một sinh linh nữ cá thể thành một tia sáng không tách rời nguồn sáng của mình - Nữ tính Vĩnh hằng Thánh thần - sẽ là sự tái hợp hiện thực, không chỉ chủ quan, mà cả khách quan, của con người cá thể với Chúa Trời, sự khôi phục trong nó hình ảnh sống và bất tử của Chúa.
 
Đối tượng của tình yêu chân chính không đơn giản, mà lưỡng phân: thứ nhất, chúng ta yêu một sinh linh lý tưởng (không theo nghĩa trừu tượng, mà theo nghĩa thuộc về một lĩnh vực sinh tồn khác, cao hơn), mà chúng ta phải đưa vào thế giới thực tại của ta; và thứ hai, chúng ta yêu một sinh linh con người tự nhiên, nó cho ta nguyên liệu sống cá thể cho sự  hiện thực hóa nói trên và nhờ đó mà được lý tưởng hóa không phải theo nghĩa tưởng tượng chủ quan của ta, mà theo nghĩa khách quan của sự biến đổi thực sự, hay là sự tái sinh của nó. Như vậy, tình yêu chân chính vừa là thăng thượng vừa là giáng hạ không thể tách rời (amor ascendens và amor descendens, hay là hai Aphrodite, mà Platon đã phân biệt tốt, nhưng phân ly tồi - Aphroditê Urania và Aphroditê pan  demos). Đối với Chúa Trời, cái thể khác của Ngài (tức là vũ trụ) vĩnh viễn mang hình ảnh nữ tính tuyệt hảo tuyệt mỹ, nhưng Ngài muốn cho hình ảnh ấy tồn tại không chỉ cho Ngài, mà được thực hiện hóa và hiện thân cho từng sinh linh cá thể có năng lực liên kết với Ngài. Và bản thân Nữ tính Vĩnh hằng cũng hướng tới sự hiện thực hóa và sự hiện thân như thế, bởi vì nó không chỉ là hình ảnh bất động trong trí tuệ của Chúa, mà là một sinh linh tinh thần sống động, hoàn toàn có đầy đủ sức mạnh và năng lực hành động. Toàn bộ tiến trình hoàn vũ và tiến trình lịch sử là tiến trình hiện thực hóa và hiện thân cái Nữ tính Vĩnh hằng ấy trong muôn vàn hình thái và cấp bậc.
 
Trong tình yêu hữu tính được hiểu chân chính và được thực hiện chân chính, bản thể thần thánh ấy nhận được một phương tiện cho sự hiện thân đến cùng, đến đích, của mình vào trong đời sống cá thể của con người, một phương thức liên kết với con người vừa sâu xa nhất lại vừa ngoại tại nhất, dễ cảm nhận như là thực tế nhất. Từ đó mà có những ánh lóe của hạnh phúc siêu phàm, có hơi thở phảng phất của niềm vui sướng không ở nơi đây, chúng đi với tình yêu, ngay tình yêu không hoàn hảo, và chúng biến nó, mặc dù không hoàn hảo, thành một lạc thú lớn nhất của loài người và của cả thần linh - hominum divomque voluptas. Cũng từ đó mà có nỗi đau khổ sâu sắc nhất của tình yêu không giữ gìn được đối tượng chân chính của mình và càng ngày càng rời xa nó.
 
Ở đây, cũng nhận được vị trí chính đáng của mình cả cái yếu tố sùng bái và trung thành vô hạn, nó là thuộc tính điển hình vô cùng của tình yêu và nó cũng có ít ý nghĩa vô cùng, nếu nó chỉ thuộc về đối tượng trần gian của tình yêu, cách biệt hoàn toàn đối tượng thiên giới.
 
Cơ sở thần bí của tính lưỡng diện hay, nói đúng hơn, tính song chiều của tình yêu giải quyết cả vấn đề về khả năng tái hiện tình yêu. Đối tượng trên trời của tình yêu của chúng ta chỉ có một, mãi mãi và đối với mọi người là một - Nữ tính Vĩnh hằng của Chúa. Nhưng vì nhiệm vụ của tình yêu chân chính không chỉ là tôn thờ cái đối tượng cao nhất ấy, mà là hiện thực hóa và nhập thể nó vào một sinh linh khác cấp thấp hơn, thuộc cũng hình thức nữ ấy, nhưng có bản chất trần gian, mà sinh linh ấy lại chỉ là một trong nhiều sinh linh, cho nên ý nghĩa độc nhất vô nhị của nó đối với người yêu mến nó, đương nhiên, cũng có thể là nhất thời. Nhưng có nên là thế hay không và vì sao, điều này được quyết định trong từng trường hợp cá thể và không phụ thuộc bởi cơ sở thần bí thống nhất và bất biến của tình yêu, nhưng lệ thuộc vào những điều kiện tinh thần và vật chất thực tế của nó, mà chúng ta cũng phải xem xét.
 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt